Thực chất Châm Cứu là hai phương pháp: Châm và Cứu. Chúng cùng chung mục đích điều hoà và duy trì sự hoạt động bình thường của cơ thể.
Phương pháp Châm: là cách dùng kim hay vật nhọn... kích vào các huyệt trên cơ thể. Ban đầu, kim châm là những viên đá được mài nhọn, hay những chiếc xương, tre vót nhọn. Khi loài người chuyển từ đồ đá sang đồ đồng, những chiếc kim châm lúc ấy cũng được thay bằng kim đồng, rồi kim vàng, kim bạc. Và ngày nay, là các loại kim được làm bằng những hợp chất kim loại không rỉ, có độ bền cao.
Phương pháp Cứu: là cách chữa bệnh bằng hơi nóng tác động lên huyệt. Theo kinh nghiệm dân gian là dùng “ngải nhung” (lá ngải cứu khô tán thành bột mịn) đốt cháy để chữa bệnh vì ngải cứu có tính ấm, tác dụng khai thông kinh lạc, trừ hàn cùng khí ẩm thấp, qua đó giúp tăng cường chức năng các tạng phủ.
Có thể thực hiện cứu trực tiếp là dùng mồi ngải hoặc điếu ngải đốt trực tiếp lên da. Hay dùng cứu gián tiếp là dùng mồi ngải đốt qua miếng gừng, tỏi hay muối. Ngoài ra, có thể dùng phương pháp cứu bằng điện.
Những bệnh có thể chữa bằng Châm Cứu:
- Thần kinh: Đầu nhức, mất ngủ, dây thần kinh đau nhức, thần kinh ngoại biên liệt.
- Tuần hoàn: Huyết áp cao, thấp, thần kinh tim rối loạn...
- Tiêu hóa: Các bệnh về dạ dầy, ruột...
- Sinh dục: Các bệnh về kinh nguyệt, di mộng tinh...
- Tiết niệu: Đái dầm, dái khó...
Ngoài ra, châm còn được áp dụng chữa một số bệnh do viêm nhiễm: viêm màng tiếp hợp, viêm tuyến vú, chắp, lẹo... Bên cạnh đó, cứu có thể dùng để thay thế cho phương pháp châm nếu bệnh nhân ở trạng thái yếu, sợ lạnh, tay chân lạnh, bệnh lâu ngày.
Với một số bệnh có thể dùng châm hoặc dùng cứu nhưng cũng có trường hợp tận dụng được những ưu điểm của hai phương pháp này.
Chẳng hạn khi bị nhức đầu do thiếu máu, ta có thể châm những huyệt vùng đầu chữa nhức đầu, còn cứu huyệt cách du, cao hoang chữa thiếu máu. Hoặc với những bệnh có thiên hướng hàn nhưng chưa có biểu hiện rõ rệt thì có thể dùng kim châm, trên cán kim lắp một thỏi ngải nhỏ và đốt cháy để chữa trị.
Lưu ý:
- Những cơn đau bụng cần được theo dõi về ngoại khoa chứ không nên châm.
- Những người sức khoẻ yếu, thiếu máu, người bị bệnh tim, cũng như trạng thái tinh thần không ổn định nên cẩn trọng khi châm.
- Cơ thể mệt mỏi, đói sau khi lao động rất dễ bị sốc khi châm.
- Những huyệt ở vị trí rốn, đầu vú tuyệt đối không được châm.
- Khi bệnh nhân bị sốt cao, mạch nhanh thì không nên cứu.
- Không nên cứu ở mặt, vùng có nhiều gân như cổ tay vì có thể gây bỏng thành sẹo.
Theo Diệu Thủy - Sức Khỏe Gia Đình