Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

BỆNH HỌC PHẾ - ĐẠI TRƯỜNG

I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh học và điều trị bệnh Tạng Phế và Phủ Đại trường là phần khởi đầu của chương thứ 2 của quyển bệnh học và điều trị. Chương này đề cập đến những bệnh ở tất cả các Tạng Phủ gây bởi nội nhân (rối loạn tình chí), hoặc bởi những nguyên nhân khác như ăn uống (ẩm thực), lao nhọc, phòng dục, bệnh nội thương lâu ngày… trong chương này hoàn toàn không đề cập đến những bệnh do ngoại nhân.
II. NHẮC LẠI CHỨC NĂNG SINH LÝ TẠNG PHẾ VÀ PHỦ ĐẠI TRƯỜNG
A. DỰA TRÊN CƠ SỞ HẬU THIÊN BÁT QUÁI
Theo YHCT, tạng Phế ứng với quẻ Đoài.
1. Quẻ Đoài tượng trưng cho ao, hồ nước:
- Tính chất của ao hồ tuy phẳng lặng nhưng cũng rất dễ dao động khi có ngọn gió thổi qua. Do đó, tính chất của Phế cũng dễ bị tác động của nhân tố bên ngoài, nên người xưa cho rằng Phế là 1 tạng rất non nớt “Phế vi kiều tạng”, rất dễ cảm nhiễm ngoại tà.
- Tính chất của ao hồ là đem lại sự tươi mát để điều hòa sự hanh khô và đem lại sự ấm áp để đối phó với cái lạnh lẽo của khí hậu. Do đó chức năng của tạng Phế là điều hòa cho bên trong nhân thể. Sách Tố vấn, chương Linh lan bí điển ghi: “Phế giả tướng phó chi quan, trị tiết xuất yên”, ý nói, Phế như là 1 người phụ tá cho Vua làm công việc điều tiết.
- Nước hồ là dự trữ của đất để đối phó với khô hạn của thời tiết. Có nghĩa là ao hồ luôn tạo được sự ẩm thấp cho đất thì mới đối phó được với sự khô hạn của thời tiết. Ở đây, ý nói đến mối liên hệ giữa Phế (Quẻ Đoài tượng cho ao hồ) và Tỳ (Quẻ Khôn tượng cho đất).
2. Quẻ Đoài thuộc chính Thu:
- Quẻ Đoài thuộc về chính Thu, cũng là mùa khô ráo, do đó vào mùa này, các bệnh tật ở tạng Phế đều có thể xảy ra hay biến đổi rõ rệt.
Theo YHCT, phủ Đại trường ứng với quẻ Cấn.
- Quẻ cấn tượng trưng cho núi, tượng trưng cho sự bất động. Do đó, Phủ Đại trường và tạng Phế cùng có 1 tính chất là yên tĩnh và biểu hiện cho sự yên tĩnh (Lý/bên trong) là sự bất động(biểu/bên ngoài).
- Đặc điểm của ao, hồ nước là dễ xao động bởi gió, dễ bị khô cạn bởi nắng nóng. Trong khi đó núi sẽ che chở cho ao, hồ nước. Ngăn được gió sẽ ngăn được sự bốc hơi khô cạn. Đó cũng là cơ sở để người xưa diễn tả mối liên quan giữa Phế và Đại trường.
B. DỰA TRÊN CƠ SỞ CỦA NỘI KINH
1. Phế thuộc tính Táo Kim, có liên quan hoặc biểu thị cụ thể bằng những đặc điểm bên ngoài ở bì mao, tiếng khóc, tiếng ho, mũi, vị cay, sự buồn rầu. Thiên Âm Dương ứng tượng đại luận viết: “Kỳ tại thiên vi táo, tại địa vị Kim, tại vi thể vi bì mao, tại tạng vi Phế, tại ắc vi thanh, tại thanh vi khốc, tại biến động vi khái, tại khiếu vi ti, tại Vị vi tân, tại chí vi ưu”.
2. Mọi thứ khí trong người đều do Phế chủ quản, trong đó cần chú ý đến chính khí. Ở đây là chỉ nguồn năng lực hoạt động của cơ thể con người. Thiên Ngũ tạng sinh thành thiên viết: “Chư khí giả giai thuộc vu Phế”. Tính của Phế là làm cho khí trở nên sạch, làm cho khí giáng xuống “Phế khí túc giáng”. Chức năng này của Phế có liên quan chặt chẽ đến cơ quan hô hấp. Ngoài ra, Phế không những là nơi hội tụ của khí mà còn là nơi hội tụ của huyết mạch. Thiên Kinh mạch biệt luận - sách Tố Vấn viết: “Mạch khí vu kinh, kinh khí quy vu Phế, Phế triều bách mạch”.
3. Phế có chức năng điều hòa các tạng phủ khác, như 1 người tướng phò giúp vua. Thiên Linh lan bí điển luận viết: “Phế giả tướng phó chi quan, trị tiết xuất yên”.
4. Phế có chức năng thông điều thủy đạo, mà Phế là thượng nguồn, “Phế chủ thông điều thủy đạo. Phế vi thủy chi thượng nguyên”.
5. Những vùng cơ thể và yếu tố tâm thần, tâm lý có liên quan đến tạng Phế.
- Mũi: Kim quỹ chân ngôn luận/Tố Vấn viết: “Khai khiếu ở tỵ, tàng tinh ở Phế”. Linh khu mạch độ thiên: “Phế khí thông vu tỵ, Phế hòa tắc tỵ năng tri hương xứ hỷ”. Ý nói tinh thần và khí của Phế mà đầy đủ thì mũi sẽ nhận biết được mùi thơm thối.
- Da, lông: Lục tiết tạng tượng luận/Tố vấn: “Phế giả… kỳ ba tại mao”. Ý nói sự tươi tốt của Phế sẽ biểu hiện ra ở da, lông.
- Hồn: Loại kinh tạng/Tạng tượng loại, quyển 3: “Hồn chi vi dụng, năng động tác, thông dương do chi nghi giác giả”. Ý nói Phế tàng hồn, mà tính của hồn là năng động. Mọi cảm giác đau hay ngứa cũng đều tri giác được.
6. Chức năng của Đại trường là tống chất cặn bã ra ngoài. Linh lan bí điển luận/Tố vấn viết: “Đại trường giả tiền đạo chi quan, biến hóa xuất yên”. Lý Diên chú giải: “Thức ăn trong Vị đã ngấu nát, từ miệng dưới của Vị truyền xuống Tiểu trường, Tiểu trường phân biệt ra thanh trọc, chất nước vào miệng trên của bàng quang, cặn bã vào miệng trên của Đại trường, Đại tràng tống chất cặn bã ra ngoài”.
C. MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CÁC TẠNG PHỦ KHÁC
- Tạng Phế liên quan tới Phủ Đại trường theo quan hệ biểu lý. Trong đó Phủ Đại trường có chức năng chứa đựng và tống chất cặn bã (phân) ra ngoài. Mối liên quan này sẽ được vận dụng khi có 1 số chứng ở phế như sốt, ho, khó thở sẽ dùng thuốc tẩy xổ tác dụng đến Phủ Đại trường. Ngược lại, 1 số chứng táo bón chức năng mạn tính do Đại trường sẽ dùng những thuốc bổ, sinh tân dịch cho tạng Phế.
- Tạng Phế liên quan đến Tỳ qua cơ sở Kinh dịch (Đoài: ao hồ, Khôn: đất), qua cơ sở ngũ hành (Tỳ Thổ sinh Phế Kim). Mối quan hệ này sẽ được vận dụng khi có 1 số bệnh táo do Tỳ hư sẽ dùng thuốc bổ vào Phế âm, cũng như 1 số bệnh gây ho nhiều đờm ở Phế lại được chữa theo hướng kiện Tỳ hóa đờm.
- Tạng Phế liên quan đến tạng Thận qua cơ sở Kinh dịch (Đoài: ao hồ, Khảm: nước) và qua cở sở ngũ hành (Phế Kim sinh Thận thủy). Trong chức năng, chúng có mối liên quan như Thận chủ Thủy mà Phế lại hành Thủy (Phế thông điều thủy đạo). Do đó, khi có 1 số chứng phù thũng do Thận lại chữa theo cách tuyên thông Phế khí. Ngược lại, Phế chủ khí, Thận nạp khí. Cho nên 1 số bệnh ho hen được điều trị bằng thuốc bổ Thận.
- Sau cùng là mối liên quan giữa Phế và Tâm theo chiều tương khắc (Tâm Hỏa khắc Phế Kim). Do đó, Tâm hỏa vượng cũng là nguyên nhân khái huyết. Ngoài ra, Tâm chủ huyết và Phế chủ khí, khí hành thì huyết hành, khí đến thì huyết đến, khí không đủ thì huyết không được sinh ra. Huyết hư thì khí cũng hư.
II. NHỮNG HỘI CHỨNG BỆNH PHẾ - ĐẠI TRƯỜNG
1. Phế âm hư
a. Nguyên nhân:
- Bệnh lâu ngày có nhiệt làm hao tổn Phế dịch.
- Do Thận âm hư đưa đến (tử đạt mẫu khí).
b. Bệnh sinh:
Phế âm hư dẫn đến:
- Sinh nhiệt: gò má đỏ, phiền nhiệt.
- Hư hỏa làm bức huyết.
- Phế dịch giảm: ho khan, khô khát.
- Phế khí suy giảm: khó thở, đoản hơi.
c. Triệu chứng lâm sàng:
- Ho khan, ho có đờm hoặc máu, cổ họng khô, ngực nóng, miệng khô, khát nước. Hô hấp ngắn, nói khó, tiếng nói thô ráp.
- Hai gò má đỏ. Sắc mặt hồng, người bức rức. Sốt hoặc cảm giác nóng, sốt về chiều hoặc về đêm, lòng bàn tay nóng.
- Đạo hãn, táo bón. Nước tiểu sẫm màu (vàng đỏ hoặc đục), tiểu sẻn.
- Lưỡi khô đỏ, rêu trắng khô. Mạch nhanh nhỏ, tế sác, vô lực.
d. Bệnh cảnh YHHĐ thường gặp:
- Lao phổi.
- Ung thư phế quản phổi.
e. Pháp trị: Dưỡng Phế âm.
f. Phương dược:
Bài thuốc Nhất âm tiễn gia giảm (Cảnh Nhạc toàn thư).
Phân tích bài thuốc: (Pháp Thanh)

Vị thuốc
Dược lý YHCT
Vai trò của các vị thuốc
Mạch môn
Ngọt, hơi đắng, hơi lạnh, vào Phế, Vị, Tâm. Hạ sốt, nhuận phế , sinh tân
Quân
Sinh địa
Hàn, ngọt, đắng vào Tâm, can, Thận. Thanh nhiệt, nuôi Thận, dưỡng âm, dưỡng huyết
Thần
Địa cốt bì
Ngọt, hơi đắng, tính hàn vào Can, Thận, Phế. Thanh Phế nhiệt, chỉ khái, chữa Can uất hỏa gây huyễn vựng, điều trị cốt chưng, ra mồ hôi.
Thần
Bạch thược
Đắng, chát, chua vào Can, Tỳ, Phế. Nhuận gan, dưỡng huyết, liễm âm, lợi tiểu.
Tri mẫu
Vị đắng, lạnh.
Tư Thận, bổ thủy tả hỏa, hạ thủy, ích khí
Cam thảo
Ngọt ôn. Vào 12 kinh.
Bổ trung khí, hòa hoãn, hóa giải độc.
Sứ
* Công thức huyệt sử dụng:
Tên huyệt
Cơ sở lý luận
Tác dụng điều trị
Thái uyên
Nguyên huyệt của Phế Bổ Phế âm
Thiên lịch
Lạc huyệt của Đại trường
Tam âm giao
Giao hội huyệt của 3 kinh âm/chân. Huyệt đặc hiệu chữa bệnh sinh dục - tiết niệu. Tư âm
Phế du
Du huyệt của Phế Bổ Phế âm
Thận du
Bối du huyệt/Thận Tư âm bổ Thận
2. Tỳ phế thận khí hư
a. Nguyên nhân: Do bệnh nội thương của 1 trong 3 tạng đều có thể đưa đến theo con đường “Mẫu bệnh cập tử” hoặc “Tử đạt mẫu khí”.
b. Bệnh sinh:
- Phế khí giảm:
. Gây mệt mỏi, đoản khí, tiếng ho yếu ớt. Đờm là sản vật bệnh lý của Phế, nay Phế khí hư sinh nội đàm, đờm trong.
. Phế khí hư (dương hư): sợ lạnh.
. Không thông điều được thủy đạo, mà Phế là thượng nguồn nên thủy thấp đình đọng phía trên gây phù mặt.
- Tỳ khí giảm:
Phù tay chân, bụng trướng óc ách, đi cầu phân lỏng.
- Thận khí giảm:
. Không nạp được khí, hít vào ngắn, thở ra dài.
. Di tinh, vô kinh, đau lưng, mỏi gối.
c. Triệu chứng lâm sàng:
- Mặt sưng, sắc mặt nhợt, tiếng ho không có lực, hô hấp ngắn, hít vào ngắn, thở ra dài. Tiếng nói nhỏ, ho đàm, di tinh, vô kinh.
- Tay chân lạnh, đau vùng thắt lưng, đau mỏi 2 gối.
- Lưỡi trong, mạch phù nhược, vô lực.
d. Bệnh cảnh YHHĐ thường gặp:
- Hen Phế quản mạn nặng.
- Suy hô hấp mạn.
- Khí Phế thũng.
- Lao phổi.
e. Pháp trị: Kiện Tỳ ích khí và cố Thận nạp khí.
f. Phương dược:
Bài thuốc Sâm linh bạch truật tán (Cục phương).
Phân tích bài thuốc: (Pháp Ôn - Bổ)
Vị thuốc
Dược lý YHCT
Vai trò của các vị thuốc
Nhân sâm
Ngọt, hơi đắng, ôn, vào Phế Tỳ. Đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân.
Quân
Bạch linh
Ngọt, bình vào Tâm, Tỳ, Phế, Thận. Lợi niệu, thẩm thấp, kiện Tỳ, an thần
Thần
Bạch truật
Ngọt, đắng ấm vào Tỳ Vị. Kiện Tỳ, táo thấp, chỉ hãn, an thần.
Thần
Bạch biển đậu
Ngọt, hơi ấm, vào Tỳ vị. Hòa trung, hạ khí, bổ Tỳ Vị, chỉ tả lị, phiền khát, đau bụng.
Thần
Hoài sơn
Ngọt, bình, vào Tỳ, Vị, Phế, Thận. Bổ Tỳ, chỉ tả, bổ Phế, sinh tân, chỉ khát, bình suyễn, sáp tinh.
Thần
Sa nhân
Cay, ấm vào Tỳ Thận, Vị.
Hành khí, điều trụng, hòa Vị.
Ý dĩ
Ngọt, lạnh vào Tỳ Vị Phế.
Kiện Tỳ, trừ thấp.
Hạt sen
Ngọt, sáp, bình vào Tâm, Tỳ, Thận. Cố tinh, chỉ tả, bổ Tỳ, dưỡng tâm
Cát cánh
Ngọt, đắng, cay, bình. Thông khí Phế, tiêu đờm, lợi hầu họng, bài ung, giải độc, dẫn thuốc lên.
Cam thảo
Ngọt ôn. Vào 12 kinh. Bổ trung khí, hòa hoãn, hóa giải độc.
Sứ
* Công thức huyệt sử dụng:
Tên huyệt
Cơ sở lý luận
Tác dụng điều trị
Thái uyên
Nguyên huyệt của Phế Bổ Phế âm
Thiên lịch
Lạc huyệt của Đại trường
Trung phủ
Mộ huyệt của Phế Bổ Phế âm
Phế khí
Phế du
Du huyệt của Phế
Khí hải
Bể của khí. Bổ huyệt này giúp ích được cho chân tạng vãn hồi được sinh khí, ôn hạ nguyên, chấn được Thận dương Điều khí ích nguyên. Bồi Thận bổ hư → Chữa chứng mệt mỏi, suy nhược, ăn uống khó tiêu.
Đản trung
Hội của khí Bổ khí
Thận du
Du huyệt của Thận. Ích Thủy Tráng Hỏa Kèm chữa chứng đau lưng
Tỳ du
Du huyệt của Tỳ Kiện Tỳ
Mệnh môn
Đặc hiệu dùng chữa chứng chân hỏa hư. Bổ mệnh môn tướng hỏa Ôn bổ Tỳ Thận
Phục lưu
Kinh Kim huyệt của Thận.
Sử dụng nguyên tắc “con hư bổ mẹ”
Tư âm bổ Thận.
Tam âm giao
Giao hội huyệt của 3 kinh âm ở chân. Huyệt đặc hiệu bổ âm. Tư âm

(Bài giảng Bệnh học và điều trị - Tập 1. Bộ môn YHCT. Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh)

HỘI CHỨNG SUY NHƯỢC MẠN TÍNH

I- ĐỊNH NGHĨA:
Hội chứng suy nhược mạn tính (Chronic fatigue syndrome) là tên gọi hiện nay của bệnh lý gây suy nhược kết hợp với nhiều rối loạn vật lý, thể chất và tâm thần kinh.
Hội chứng này trước đây 30 năm được gọi với nhiều tên khác nhau như suy nhược thần kinh, trạng thái u uất, chronic mononucleosis, hội chứng suy nhược sau nhiễm siêu vi …
II- DỊCH TỄ HỌC:
- Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 25 - 45, bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em và ở tuổi trung niên.
- Nữ mắc bệnh nhiều hơn nam gấp 2 lần.
- Bệnh xuất hiện rải rác. Tỷ lệ mắc bệnh thật sự khó xác định vì tùy thuộc hoàn toàn vào định nghĩa bệnh. (Suy nhược mạn là triệu chứng không đặc hiệu, xuất hiện ở 20% bệnh nhân đến khám bệnh tổng quát, nhưng hội chứng suy nhược mạn tính thì ít phổ biến hơn).
- Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh - Mỹ) thì hội chứng suy nhược mạn tính xuất hiện trên 2 - 7 người/100.000 người.
III- NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH:
A. THEO YHHĐ:
Sự xuất hiện của nhiều tên gọi khác nhau của hội chứng bệnh lý này phản ảnh nhiều giả thuyết còn tranh luận về nguyên nhân gây bệnh.
Thường những giả thuyết về nguyên nhân được đề cập xoay quanh:
- Sau nhiễm trùng.
- Những rối loạn về nội tiết.
- Kèm theo rối loạn miễn nhiễm.
- Và thường phối hợp với trầm cảm.
1. Nhiễm trùng: đề cập đến những loại siêu vi (lymphotropic, herpes virus, retrovirus và enterovirus).
2. Những rối loạn miễn dịch: người ta quan sát thấy trong những trường hợp này có sự gia tăng trong máu những kháng thể kháng nhân, suy giảm các immunoglobulines, những thay đổi về hoạt động của lympho bào …
3. Những rối loạn về nội tiết: Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy trên những hội chứng suy nhược mạn tính có sự suy giảm phóng thích các Corticotropine - releasing factors của não thùy, dẫn đến nồng độ trung bình Cortisone/máu của bệnh nhân thấp hơn người bình thường. Cũng theo giả thuyết trên thì sự bất thường về thần kinh nội tiết có thể có liên quan đến tình trạng thiếu sức lực và tính khí, tâm tính của bệnh nhân.
4. Tình trạng trầm uất được ghi nhận ở 2/3 trường hợp. Tình trạng trầm cảm này thường thấy ở các bệnh mạn tính. Tuy nhhiên, trong trường hợp hội chứng này thì tình trạng trầm cảm lại xuất hiện rất nhiều, vượt hơn nhiều tỷ lệ thường gặp trên các bệnh mạn tính khác (vì thế, có người cho rằng bệnh này có nguồn gốc tâm lý là cơ bản, những rối loạn thần kinh nội tiết và miễn nhiễm là thứ phát).
B. THEO YHCT:
Hội chứng suy nhược mạn tính biểu hiện lâm sàng rất phong phú. Những triệu chứng thường gặp trong hội chứng này như mệt mỏi, khó tập trung tư tưởng, đau đầu, đau nhức cơ khớp, dễ cáu gắt, nóng trong người, khó ngủ, sút cân … Những biểu hiện nói trên được thấy trong Tâm căn suy nhược của YHCT.
Như vậy, có thể tóm tắt các triệu chứng cơ năng thường gặp trong hội chứng suy nhược mạn gồm:
- Mệt mỏi: YHCT xếp vào chứng Hư gồm Khí hư, Huyết hư, Âm hư, Dương hư.
- Hoa mắt, chóng mặt: YHCT xếp vào chứng Huyễn vậng hay còn gọi là Huyễn vựng.
- Đau đầu: YHCT xếp vào chứng Đầu thống, Đầu trọng, Đầu trướng dựa vào những biểu hiện khác nhau của nó.
- Những rối loạn tâm thần như hay quên, hoạt động trí óc giảm sút: YHCT xếp vào chứng Kiện vong.
- Nóng trong người, cơn nóng phừng mặt: YHCT xếp vào chứng Phát nhiệt.
- Đánh trống ngực, hồi hộp: YHCT xếp vào chứng Tâm quý, Chính xung.
- Khó ngủ: YHCT xếp vào chứng Thất miên.
- Đau ngực gọi là Tâm thống, hoặc kèm khó thở thì được gọi là Tâm tý, Tâm trướng.
Qua việc phân tích cơ chế bệnh sinh toàn bộ các chứng trạng thường gặp của YHCT trong hội chứng suy nhược mạn, có thể biện luận về cơ chế bệnh sinh theo YHCT như sau:

Nguyên nhân của bệnh lý này theo YHCT có thể là:
- Do thất tình (nội nhân) như giận, lo sợ gây tổn thương 3 tạng Tỳ, Can, Thận.
- Do mắc bệnh lâu ngày (nội thương), làm cơ thể suy yếu, Thận âm, Thận dương suy. Thận âm suy hư hỏa bốc lên. Thận dương suy chân dương nhiễu loạn ở trên.
- Do cơ địa yếu (Tiên thiên bất túc - không đầy đủ).

IV- BỆNH CẢNH LÂM SÀNG:
A. THEO YHHĐ:
- Bệnh cảnh điển hình của trường hợp suy nhược mạn xuất hiện đột ngột trên người trước đó hoàn toàn bình thường. Có những trường hợp bệnh nhân ghi nhận có tình trạng như “cảm” hoặc có sang chấn tinh thần ngay trước đó (được bệnh nhân xem như là yếu tố khởi phát).
- Có những triệu chứng như đau đầu, đau họng, đau nhức các hạch ngoại vi, đau nhức cơ khớp, tình trạng “sốt” thường xảy ra làm nghĩ đến trường hợp có nhiễm trùng.
- Sau đó vài tuần, những dấu chứng khác của hội chứng bắt đầu xuất hiện như rối loạn giấcngủ, khó tập trung tư tưởng và trầm uất. Theo SE. Straus, năm 1988, tần suất xuất hiện những triệu chứng của hội chứng suy nhược mạn tính được trình bày trong bảng sau:

Triệu chứng bệnh
Tỷ lệ (%)
Triệu chứng bệnh
Tỷ lệ (%)
Mệt mỏi
Khó tập trung tư tưởng
Đau đầu
Đau họng
Đau hạch ngoại vi
Đau nhức cơ
Đau nhức khớp
Nóng trong người
Khó ngủ
100
90
90
85
80
80
75
75
75
Vấn đề tâm lý
Dị ứng
Đau bụng
Sụt cân
Nổi ban
Mạch nhanh
Lên cân
Đau ngực
Đổ mồ hôi trộm
65
55
40
20
10
10
5
5
5
Thông thường, các triệu chứng rất biến thiên. Người bệnh thường ghi nhận tình trạng hoạt động thể lực quá sức hoặc stress làm trầm trọng thêm những triệu chứng sẵn có.
Do tính phong phú của những triệu chứng trong hội chứng suy nhược mạn tính mà:
- Người bệnh thường đi khám rất nhiều nơi, nhiều thầy thuốc (tổng quát lẫn chuyên khoa: dị ứng, thấp khớp, tâm lý, chuyên khoa bệnh truyền nhiễm …) và kết quả thường không được như mong muốn.
- Để chẩn đoán hội chứng mệt mỏi mạn (hội chứng suy nhược mạn) cần phải thực hiện việc khám lâm sàng và thực hiện những thử nghiệm cận lâm sàng thường quy để loại trừ những nguyên nhân gây bệnh có thể của những triệu chứng xuất hiện.
- Cần chú ý, cho đến nay, không có một phương tiện chẩn đoán nào có thể chẩn đoán được bệnh lý này cũng như đo lường được mức độ trầm trọng của nó. Do đó, không nên thực hiện những thử nghiệm đắt tiền trừ trường hợp nghiên cứu được tiến hành.
B. THEO YHCT:
YHCT đã phân thành 4 thể lâm sàng khác nhau. Các triệu chứng cũng gồm nhức đầu, khó tập trung tư tưởng, mất ngủ, đau nhức mình mẩy … Tuy nhiên, tính chất của những triệu chứng sẽ quyết định thể lâm sàng YHCT:
1- Thể Âm hư hỏa vượng:
Ở thể này, các triệu chứng thể hiện quá trình hưng phấn tăng, ức chế bình thường.
- Đau đầu trong thể này có tính chất từng cơn, đau dữ dội, đau căng như mạch đập, thường đau ở đỉnh hoặc một bên đầu.
- Người cáu gắt, bứt rứt, nóng trong người, mặt đỏ, đại tiện thường táo. Rêu lưỡi khô. Mạch huyền, tế sác.
- Bệnh nhân khó dỗ giấc ngủ, hay lăn trở trên giường, khó nằm yên.
- Người bệnh dù vẫn còn làm việc được tốt nhưng khả năng tập trung đã bắt đầu sút giảm.
2- Thể Can Thận âm hư:
Tương đương với quá trình hưng phấn bình thường, ức chế giảm.
- Đau đầu thường âm ỉ, khó xác định tính chất và vị trí, thường đau cả đầu.
- Người mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân. Bệnh nhân thường cảm thấy mệt nhiều hơn về chiều, dễ cáu gắt, bứt rứt, hoảng hốt.
- Khả năng tập trung tư tưởng giảm sút nhiều. Thường có kèm di tinh.
- Rêu lưỡi khô. Mạch tế.
3- Thể Tâm Tỳ lưỡng hư:
Tương đương với quá trình ức chế thần kinh giảm, kèm theo suy nhược nhiều, ăn kém.
- Đau đầu thường âm ỉ, khó xác định tính chất và vị trí, thường đau cả đầu.
- Người mệt mỏi, sụt cân.
- Ngủ ít, dễ hoảng sợ. Hồi hộp, trống ngực.
- Khả năng tập trung tư tưởng giảm sút nhiều. Hai mắt thâm quầng.
- Rêu lưỡi trắng. Mạch nhu, tế, hoãn.
4- Thể Thận dương hư:
Tương đương với sự suy giảm cả 2 quá trình. Dấu chứng suy nhược trở nên trầm trọng.
- Ngoài các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân còn có thêm triệu chứng sợ lạnh, liệt dương, hoạt tinh, mạch trầm nhược.
Phần lớn bệnh nhân vẫn còn có khả năng cân bằng và thích ứng được với những yêu cầu công việc, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng có không ít những trường hợp mà người bệnh có cảm giác không còn khả năng làm việc. Cuối cùng, tình trạng tự cô lập, tình trạng thất bại trong công việc thường là dấu ấn cuối của bệnh lý mạn tính này (dấu chứng này rất thường thấy trong thể lâm sàng Thận dương hư). Người bệnh thường nổi giận với thầy thuốc vì đã không giúp được nhiều cho tình trạng khốn khó của họ.
V- ĐIỀU TRỊ:
Trách nhiệm cơ bản của người thầy thuốc khi phải đối mặt với hội chứng suy nhược mạn tính là phải tìm ra nguyên nhân bằng cách khai thác bệnh sử thật kỹ lưỡng, khám lâm sàng toàn diện, sử dụng khôn ngoan những xét nghiệm cận lâm sàng, và trong suốt quá trình khảo sát ấy phải luôn luôn thực hiện việc chẩn đoán phân biệt. Sau khi đã loại bỏ được những bệnh lý khác, thì những nguyên tắc trị liệu sau đây phải được xem xét trong việc chăm sóc lâu dài hội chứng suy nhược mạn tính.
1- Nguyên tắc điều trị:
a- Giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh tật cho bệnh nhân.
Bệnh nhân phải được giải thích đầy đủ về bệnh và cơ chế bệnh, về ảnh hưởng của nó trên những mặt thể chất, đời sống tâm lý và xã hội. Bệnh nhân thường cảm thấy dễ chịu khi những khó chịu của họ được quan tâm một cách nghiêm túc.
b- Tái khám định kỳ.
Việc tái khám định kỳ rất hữu ích trong việc tìm ra những bệnh tật còn ẩn dấu (chưa phát hiện được trong những lần khám trước đó).
c- Điều trị triệu chứng:
Việc làm giảm một triệu chứng trong bệnh lý này (dù nhỏ) cũng tạo nên một khác biệt rất lớn đối với người bệnh.
d- Hướng dẫn người bệnh thay đổi cách sống - sinh hoạt:
- Tránh những bữa ăn tối nặng nề. Tránh dùng những chất kích thích về đêm.
- Không nên nghỉ ngơi hoàn toàn. Nên thực hiện ngay những bài tập Dưỡng sinh đã được chứng minh có hiệu quả đối với những trường hợp suy nhược, mất ngủ như thư giãn, các động tác tập luyện ở tư thế nằm. Đã có nhiều trường hợp cụ thể về việc cải thiện tình trạng bệnh nhân (như tình trạng sức khỏe thể xác và tinh thần, những triệu chứng đau nhức toàn thân, tính tình cáu gắt, mất ngủ, tiểu đêm) sau những khóa học Dưỡng sinh.
- Nên có chế độ làm việc thật sự cụ thể, thực tế cho từng trường hợp cụ thể, nhưng nói chung là làm việc nhẹ và tăng dần cường độ cần được khuyến khích.
e- Nên tránh những trị liệu không hiệu quả:
Những nghiên cứu có so sánh với lô chứng đã chứng tỏ Acyclovir, trích tinh gan tiêm bắp, Acid Folique, sinh tố B12 đều không có giá trị. Ngoài ra, cũng có những công trình cho thấy việc điều trị bằng Immunoglobuline liều cao tiêm tĩnh mạch cũng không có giá trị trị liệu nào.
2- Điều trị bằng YHCT:
a- Thể Âm hư hỏa vượng:
Do tính chất đa dạng của bệnh mà việc điều trị cũng rất phong phú. Thông thường, trong thể này dấu chứng dương xung (hỏa bốc) là quan trọng. Dấu chứng này thường xuất hiện ở hệ thống Can và Tâm.
- Phép trị:
* Sơ Can, lý khí, giải uất, an thần.
* Tư âm, giáng hỏa, tiềm dương, an thần.
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
* Bài thuốc Đơn chi tiêu dao gia giảm gồm Sài hồ 12g, Chi tử 12g, Bạc hà 8g, Sinh khương 6g, Bạch thược 10g, Đương quy (rửa rượu) 10g, Phục linh 12g, Đơn bì 12g, Bạch truật (sao đất) 8g, ± Thiên ma 12g, ± Câu đằng 12g, ± Thạch quyết minh 12g, ± Cúc hoa 12g.
* Bài Kỷ cúc địa hoàng thang gồm Bạch cúc hoa 120g, Phục linh 120g, Thục địa 320g, Câu kỷ tử 120g, Hoài sơn 160g, Trạch tả 120g, Đơn bì 120g, Sơn thù 160g. Tán bột, làm hoàn, ngày dùng 8 - 16g.
* Bài thuốc gồm Câu đằng 12g, Hạ khô thảo 12g, Chi tử 12g, Táo nhân (sao đen) 8g, Long nhãn 16g, Lá vông 20g, Muồng trâu 12g.
* Châm cứu: Châm tả lưu kim 15 phút: Thái dương, Bách hội, Đầu duy, Phong trì, Thái xung, Quang minh.
b- Thể Can Thận âm hư:
- Phép trị: (tùy thuộc vào triệu chứng chủ yếu)
* Bổ Thận âm, bổ Can huyết, an thần.
* Bổ Thận âm, bổ Can huyết, cố tinh.
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
* Bài thuốc Lục vị địa hoàng hoàn gia Quy thược gồm Thục địa 32g, Hoài sơn 16g, Sơn thù 8g, Đơn bì 12g, Phục linh 12g, Trạch tả 6g, Đương quy 12g, Bạch thược 8g. Bài thuốc này thường được sử dụng khi tăng huyết áp có kèm triệu chứng đau ngực, đau vùng tim.
* Bài thuốc Bổ Can Thận gồm Hà thủ ô 10g, Thục địa 15g, Hoài sơn 15g, Đương quy 12g, Trạch tả 12g, Sài hồ 10g, Thảo quyết minh 10g.
* Bài thuốc Kim tỏa cố tinh hoàn gồm Khiếm thực 80g, Liên tử 80g, Mẫu lệ 40g, Liên tu 80g, Long cốt 40g, Sa uyên tật lê 80g.
* Bài thuốc gồm Thục địa 20g, Kim anh 12g, Khiếm thực 12g, Táo nhân (sao đen) 8g, Long nhãn 16g, Lá vông 20g, Mạch môn 12g, Yếm rùa (sao) 12g, Mẫu lệ (nung) 8g, Mai ba ba (sao giấm) 12g.
* Châm cứu: Châm bổ lưu kim 30 phút: Thái dương, Bách hội, Đầu duy, Phong trì (A thị huyệt), Thái xung, Quang minh, Can du, Thận du, Tam âm giao, Thái khê, Phi dương, Phục lưu ± Thần môn, Nội quan, Bá hội.
c- Thể Tâm Tỳ hư:
- Phép trị: Kiện Tỳ, an thần (Bổ Tâm Tỳ).
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
* Bài thuốc Quy tỳ gồm Bạch Phục linh 8g, Hoàng kỳ 10g, Nhân sâm 10g, Bạch truật 10g, Long nhãn 10g, Toan Táo nhân 4g, Cam thảo 2g, Mộc hương 2g, Viễn chí 4g, Đương quy 4g.
* Bài Phục mạch thang gồm A giao 8 - 12g, Mạch môn 8 - 12g, Ma nhân 8 - 16g, Chích thảo 12 - 20g, Nhân sâm 8 - 12g, Sinh địa 16 - 20g, Đại táo 10 quả, Quế chi 8 - 12g, Sinh khương 3 - 5 lát.
* Châm cứu: Châm bổ lưu kim 30 phút: A thị huyệt, Tâm du, Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Cách du, Tam âm giao, Thần môn, Nội quan, Thái bạch, Phong long.
d- Thể Thận dương hư:
- Phép trị: Ôn Thận dương, bổ Thận âm, an thần, cố tinh.
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
+ Bài thuốc Thận khí hoàn gồm: Bạch phục linh 120g, Thục địa 320g, Sơn thù 160g, Đơn bì 120g, Quế chi 40g, Trạch tả 120g, Phụ tử 40g, Sơn dược 160g. Tán bột, ngày uống 8 - 12g.
+ Bài thuốc Hữu quy ẩm gồm: Cam thảo 4g, Đỗ trọng 12g, Hoài sơn 16g, Kỷ tử 8g, Nhân sâm 8g, Nhục quế 4g, Phụ tử 2g, Thù du 8g, Thục địa 32g.
+ Có thể sử dụng bài thuốc gồm: Thục địa 20g, Kim anh tử 12g, Khiếm thực 12g, Táo nhân (sao đen) 8g, Long nhãn 16g, Lá vông 20g, Đỗ trọng 16g, Mẫu lệ (nung) 8g, Ba kích 12g.
+ Châm cứu: Cứu bổ hoặc ôn châm: Thái dương, Bách hội, Đầu duy, Phong trì, Thái xung, Quang minh. Can du, Thận du, Tam âm giao, Thái khê, Phi dương, Mệnh môn, Trung cực, Quan nguyên, Khí hải.
3- Những phương pháp tập luyện dưỡng sinh:
- Thư giãn.
- Thở sâu, thở 4 thời có kê mông và giơ chân.
- Hướng dẫn thái độ tâm thần trong cuộc sống. Cách sinh hoạt này không những có giá trị trong điều trị bệnh mà còn có ý nghĩa đối với những người khỏe mạnh (dự phòng cấp 0).

(Bài giảng Bệnh học và điều trị-Tập 2. Bộ môn YHCT. Trường DHYD TP Hồ Chí Minh)

Chữa chứng nấc cụt

CHỮA CHỨNG NẤC CỤT
Nấc cụt là do co bóp đột ngột các cơ thở vào gây ra, kết thúc bằng đóng thanh môn gấp, đưa đến tiếng nấc đặc trưng.
Mặc dù nấc thường là sự quấy rầy khó chịu nhẹ và có tính hạn định, nấc cũng có thể dai dẳng và là dấu hiệu của một bệnh cơ sở. Nấc mãn tính có vẻ không gây hậu quả nghiêm trọng, song ở các bệnh nhân đang được duy trì cuộc sống bằng thông khí cơ học, nấc có thể nẩy cò toàn bộ 1 chu kỳ thở ra và có thể dẫn tới trạng thái nhiễm kiềm hô hấp.
Hình như có một “trung tâm nấc” ở thân não, có thể được khởi phát do các dây thần kinh đi vào từ hệ thần kinh trung ương, dây phế vị và dây thần kinh hoành. Trung tâm này phối hợp hoạt động đi vào thông qua nhiều dây thần kinh tới trung tâm hô hấp và tới cơ hoành, thanh môn, các cơ bậc thang và các cơ liên sườn.
Các nguyên nhân nấc nhẹ, có hạn định bao gồm: căng chướng dạ dày (các đồ uống có carbonate, nuốt hơi, ăn quá nhiều), các thay đổi nhiệt độ đột ngột (các chất lỏng nóng/lạnh, tắm vòi nước lạnh …), uống rượu và các trạng thái xúc cảm (xúc động mạnh, stress …).
Có khoảng 100 nguyên nhân của nấc tái phát luôn hoặc dai dẳng đã được báo cáo, có thể tập hợp như sau:
(1) Hệ thần kinh trung ương: K, nhiễm khuẩn, tai biến mạch máu não, chấn thương.
(2) Chuyển hóa: tăng Urê huyết, giảm CO2 máu, mất cân bằng điện giải.
(3) Kích thích dây thần kinh phế vị hoặc thần kinh hoành:
- Đầu, cổ: dị vật trong tai, bướu cổ, K …
- Ngực: viêm phổi, viêm mủ màng phổi, ung thư, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim, phình mạch, tắc thực quản, viêm thực quản trào ngược …
- Bụng: abcès dưới cơ hoành, gan to, viêm gan, viêm túi mật, căng giãn dạ dày, K dạ dày, viêm tụy hoặc K tụy …
(4) Ngoại khoa: gây mê toàn thân, sau mổ.
(5) Căn nguyên tâm lý và tự phát.
Một số phương thuốc đơn giản có thể giúp ích cho người bệnh bị nấc nhẹ, cấp tính:
- Kích thích mũi họng bằng kéo lưỡi, nâng lưỡi gà bằng thìa, dùng ống thông kích thích vùng mũi họng và ăn một thìa nhỏ đường kính khô hoặc một mẫu chanh lạnh.
- Ngắt chu kỳ thở: bằng nín thở, thủ thuật Valsalva, hắt hơi, há miệng hít hơi vào nhanh, nhiều lần hoặc thở lại vào trong một cái túi.
- Kích thích dây thần kinh phế vị bằng cách ấn nhẹ vào phía trên hai ổ mắt 1 - 2 giây, nhấc hờ tay ra và làm liên tục 15 đến 20 lần, hoặc xoa động mạch cảnh (dùng hai ngón tay ép vào hai bên cổ nơi có mạch đập, lúc đầu ép nhẹ, sau tăng dần, làm liên tục 3 - 5 lần. Nếu chưa có kết quả ta có thể tiếp tục làm lần thứ hai.
- Kích thích thở dương tính liên tục trong khi thông khí cơ học.
- Làm giảm căng dạ dày bằng ợ hơi hoặc đặt ống mũi - dạ dày.
Nếu bệnh nhân nấc dai dẳng, điều trị phải hướng về việc làm giảm nguyên nhân đưa đến nấc. Hiện nay có một số thuốc đã được quảng cáo có tác dụng chữa nấc nhưng chưa có thuốc nào được thử nghiệm kiểm định.
Thường dùng nhất là Chlorpromazine 25 - 50 mg uống hoặc tiêm bắp.
Một số tác nhân khác đã được thông báo là hiệu nghiệm trong một số trường hợp bao gồm các thuốc chống co giật (Phenytoin, Carbamazepin), Metoclopramid và đôi khi phải gây mê toàn thân.

(BS.CKI. Đoàn Thị Băng Linh - Bệnh viện YHCT Phú Yên)