Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

ĐIỀU TRỊ ĐAU THẦN KINH TỌA

I- ĐẠI CƯƠNG
Đau dây thần kinh tọa được định nghĩa là một hội chứng thần kinh có đặc điểm chủ yếu là đau dọc theo lộ trình của dây thần kinh tọa và các nhánh của nó, nguyên nhân thường do bệnh lý đĩa đệm ở phần thấp của cột sống.
Đau dây thần kinh tọa có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do những tổn thương ở cột sống thắt lưng. Năm 1928, một nguyên nhân mới đã được phát hiện đã làm thay đổi hẳn khái niệm về nguyên nhân gây bệnh, đó là thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng.
- Sigwald và Deroux là những người đầu tiên mô tả hội chứng đau dây thần kinh tọa (1764).
- Lasègue. C.E., Brissaud.E., Déjeurine J. J. đã chứng minh đây là bệnh đau rễ chứ không phải đau dây (1914).
- Wirchow mô tả đĩa đệm, tuy chưa phải rõ ràng (1857), sau đó Goldnwait J.E., Middleton và Teacher tách đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm thành một thể riêng (1911).
- Schomorld G. (1925 - 51) là người mô tả rất kỹ về cấu trúc giải phẫu của đĩa đệm (qua 10.000 cột sống).
- Alajouanine, Petit Dutaillis (1928 - 30), Mauric (1933) và Mixter và Barr (1934) đã mô tả kỹ về lâm sàng và giải phẫu bệnh của thoát vị đĩa đệm.
- Từ 1937, đã có hàng loạt công trình nghiên cứu về đau dây thần kinh tọa của Glorieux (1937), Bergouignan và Caillon (1939). Trong số này, trường phái của De Sèze đã có những đóng góp rất lớn.
II- DỊCH TỄ HỌC
- Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30 - 60.
- Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ gấp 3 lần.
- Đau thần kinh tọa có nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm (chiếm 60 - 90% theo nhiều tác giả, 75% theo Castaigne. P).
III- NGUYÊN NHÂN
A. THEO YHHĐ:
Có nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Để dễ vận dụng trong thực hành, người ta sắp xếp:
1. Thoát vị đĩa đệm: Đây là nhóm nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại nguyên nhân khác.
2. Các bất thường cột sống thắt lưng cùng (mắc phải hoặc bẩm sinh).
- Mắc phải: viêm nhiễm tại chỗ (do bị lạnh, nhiễm khuẩn, nhiễm độc như chì, tiểu đường …), di căn cột sống (K tiền liệt tuyến, K vú, u vùng chậu nhỏ, u buồng trứng …).
- Bẩm sinh: Nhiều tác giả cho rằng trước khi chẩn đoán nguyên nhân đau dây thần kinh tọa do các dị tật bẩm sinh, cần phải loại trừ thoát vị đĩa đệm và chỉ xem các dị tật chỉ là yếu tố thuận lợi.
3. Các nguyên nhân trong ống sống: U tủy và u màng tủy, viêm màng nhện tủy khu trú, abcès ngoài màng cứng vùng thắt lưng.
4. Một số nguyên nhân hiếm: khó chẩn đoán, thường chỉ xác định được sau phẫu thuật như dãn tĩnh mạch quanh rễ, dãn tĩnh mạch màng cứng, phì đại dây chằng vàng, rễ thần kinh thắt lưng L5 hoặc cùng S1 to hơn bình thường.
B. THEO YHCT:
Theo YHCT, hội chứng đau dây thần kinh tọa đã được mô tả trong các bệnh danh “Tọa điến phong”, “Tọa cốt phong”, “Phong” trong hội chứng bệnh lý này nhằm mô tả tính chất thay đổi và di chuyển của đau.
Một cách tổng quát, do triệu chứng quan trọng nhất của bệnh là đau nên hội chứng đau dây thần kinh tọacó thể được tìm hiểu thêm trong phạm trù của chứng “Tý” hoặc “Thống” (tùy theo nguyên nhân gây bệnh).
Nguyên nhân gây bệnh:
- Ngoại nhân: Thường là phong hàn, phong nhiệt, hoặc thấp nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm nhập vào các kinh Bàng quang và Đởm.
- Bất nội ngoại nhân: Những chấn thương (vi chấn thương) ở cột sống (đĩa đệm) làm huyết ứ lại ở 2 kinh trên.
Những nguyên nhân này làm cho khí huyết của 2 kinh Bàng quang và Đởm bị cản trở hoặc bị tắc lại, gây nên đau (không thông thì đau). Tùy theo bản chất của nguyên nhân gây bệnh mà biểu hiện của đau sẽ khác nhau.
Nếu bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của Can và Thận.
Sơ đồ nguyên nhân và cơ chế bệnh đau dây thần kinh tọa

IV- TRIỆU CHỨNG HỌC VÀ CHẨN ĐOÁN ĐAU DÂY THẦN KINH TỌA
A. THEO YHHĐ:
1. Triệu chứng:
- Chủ quan:
+ Đau lưng lan dọc xuống chi dưới 1 hay 2 bên. Đau âm ỉ hoặc dữ dội.
+ Đau lan theo 2 kiểu:
* Từ thắt lưng xuống mông, xuống mặt mgoài đùi, mặt ngoài cẳng chân tới lưng bàn chân, từ bờ ngoài bàn chân chéo qua mu bàn chân đến ngón cái (rễ L).
* Hoặc từ thắt lưng xuống mông, xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân tới gót lòng bàn chân, tận cùng ở ngón út (rễ S1).
* Có thể kèm theo dị cảm (tê, nóng, đau như dao đâm, cảm giác kiến bò bên chi đau).
- Thăm khám bệnh nhân:
+ Quan sát bệnh nhân khi đi hoặc đứng: ½ người bên lành hạ thấp (vẹo người về bên lành). Khi đứng, chân bên đau hơi co lên, tay chống vào mạn sườn hoặc đầu gối bên đau.
+ Quan sát khi bệnh nhân nằm: xem cơ tứ đầu đùi, cơ bắp chân có teo không ?
+ Làm những nghiệm pháp căng dây thần kinh tọa:
* Nghiệm pháp Lasègue: Bệnh nhân nằm ngữa, hai chân duỗi thẳng, nâng gót chân bệnh nhân lên cao khỏi giường. Chân bình thường nâng cao được tới 90o, chân đau chỉ lên tới 30o - 60o là bệnh nhân than đau lan tơi thắt lưng. Đây là dấu hiệu rất quan trọng, gần như lúc nào cũng có, còn dùng để theo dõi diễn tiến của bệnh.
* Nghiệm pháp Bonnet: Bệnh nhân nằm ngữa. Gập gối về phía bụng và xoay khớp háng vào trong. Nếu gây đau, Bonnet (+).
* Nghiệm pháp Néri: Bệnh nhân đứng thẳng, giữ thẳng 2 gối, từ từ gập người để cố chạm 2 tay xuống đất. Nếu bệnh nhân than đau và không thể thực hiện động tác này (gập gối bên đau), Néri (+).
+ Nghiệm pháp làm tăng áp lực dịch não tủy: Nghiệm pháp Naffziger: đè vào tĩnh mạch cổ 2 bên. Nếu bệnh nhân than đau thốn từ cột sống lan xuống chân, nghiệm pháp (+). Có thể phối hợp với việc bảo bệnh nhân ho.
+ Nghiệm pháp gây đau bằng cách ấn vào lộ trình của dây thần kinh tọa:
* Dấu ấn chuông: ấn vào ngang gai sống L4 - L hoặc L5 - S1 sẽ gây đau lan dọc theo lộ trình dây thần kinh tọa tương ứng.
* Thống điểm Valleix: ấn những điểm trên lộ trình dây thần kinh tọa (nhất là vùng dây thần kinh tọa đi gần xương) sẽ gây đau theo rễ.
+ Khám dấu cảm giác: Có thể giảm cảm giác ở vùng cơ thể tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương.
+ Khám dấu vận động:
* Bệnh nhân đứng, nếp mông bên bệnh xệ thấp hơn bên đối diện.
* Cơ bắp chân nhão.
* Ấn mạnh vào gân gót ghi nhận bên bệnh lõm nhiều hơn bên lành.
* Yếu cơ (tùy theo rễ bị tổn thương): nếu L5, xuất hiện yếu các nhóm cơ cẳng chân trước, duỗi các ngón, bệnh nhân không đứng bằng gót được và có dấu hiệu bàn chân rơi. Nếu S1, xuất hiện yếu các nhóm cơ ở mặt sau cẳng chân, bệnh nhân không đứng bằng ngón chân được.
* Mất hoặc giảm phản xạ gân cơ (tương ứng với rễ bị tổn thương).
* Dấu hiệu tại cột sống: co cơ phản ứng. Cột sống mất đường cong sinh lý, có thể có vẹo cột sống tư thế.
2. Dấu hiệu cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu (hồng cầu, bạch cầu, công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng) và chọc dò dịch não tủy trong trường hợp đau thần kinh tọa không điển hình và có nghi ngờ đến khối u trong ống sống …
- X quang cột sống quy ước:
* Nếu có hình ảnh bản lề thắt lưng - cùng bình thường, cũng không cho phép loại trừ thoát vị đĩa đệm.
* Dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm: xẹp đĩa đệm biểu hiện chiều cao của khe gian đốt hẹp hơn so với khe gian đốt trên và dưới.
* Dấu hiệu có giá trị lớn: hình hẹp hoặc hở 1 bên đĩa đệm. Trên phim thẳng, hở 1 bên có giá trị hơn hẹp 1 bên. Nếu trên phim chụp nghiêng, hình ảnh hở 1 bên đĩa đệm vẫn không mất đi thì rất có giá trị.
- Chụp X quang có cản quang: được chỉ định chủ yếu trong trường hợp nghi ngờ đau dây thần kinh tọa có khối u gây chèn ép và gồm:
* Chụp tủy bơm hơi (sacco - radiculographie classique): Với kỹ thuật này, các chứng hẹp ống sống, các thoát vị đĩa đệm giữa và kề giữa thấy rất rõ trên phim, nhưng các thoát vị đĩa đệm bên không phát hiện được.
* Chụp bao rễ thần kinh (radiculographie classique): các thoát vị đĩa đệm giữa và kề giữa thấy rất rõ trên phim.
* Chụp đĩa đệm (discographie): Trên phim chụp thẳng, nghiêng có thể thấy đĩa đệm bị thoái hóa, nhưng chỉ có đĩa đệm nào gây đau nhiều khi bơm thuốc cản quang mới đúng là đĩa đệm cần phẫu thuật.
- Các phương pháp thăm dò khác:
* Điện cơ đồ: ghi điện cơ và đo thời trị dây thần kinh, cho phép chẩn đoán vị trí của thoát vị đĩa đệm.
* Chụp điện toán cắt lớp (CT- scan): là phương tiện hiện đại nhất được vận dụng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm.
B. THEO YHCT:
Y học cổ truyền phân làm 2 thể lâm sàng chủ yếu:
1- Thể cấp: (Thể phong hàn phạm kinh lạc hoặc Khí huyết ứ trệ):
Đặc điểm lâm sàng:
- Đau:
* Đau lưng lan xuống chân dọc theo dây thần kinh tọa.
* Đau dữ dội, đau tăng khi ho, khi hắt hơi, khi cúi gập cổ đột ngột.
* Đau tăng về đêm, giảm khi nằm yên trên giường cứng.
* Giảm đau với chườm nóng.
* Rêu lưỡi trắng, mạch phù (nếu do phong hàn).
* Lưỡi có thể có điểm ứ huyết (nếu do khí huyết ứ trệ).
- Bệnh nhân có cảm giác kiến bò, tê cóng hoặc như kim châm ở bờ ngoài bàn chân chéo qua mu bàn chân đến ngón cái (rễ L5) hoặc ở gót chân hoặc ngón út (rễ S1).
- Khám lâm sàng:
* Triệu chứng ở cột sống: cơ lưng phản ứng co cứng, cột sống mất đường cong sinh lý.
* Triệu chứng đau rễ: dấu hiệu Lasègue (+), Bonnet (+), Néri (+).
* Để xác định chính xác rễ nào bị xâm phạm, cần khám phản xạ, cảm giác, vận động, dinh dưỡng theo bảng sau:


RỄ
PXGX
Cảm giác
Vấn đề
Teo cơ
L5
PX gân gót
bình thường
Giảm hoặc mất phía ngón cái Không đi được bằng gót chân Nhóm cơ cẳng chân trước-ngoài- các cơ mu bàn chân.
S1
PX gân gót
giảm
Giảm hoặc mất phía ngón út Không đi được bằng mũi bàn chân Cơ bắp cẳng chân
Cơ gan bàn chân

2- Thể mạn: (Thể phong hàn thấp / Can thận âm hư):
Đây là loại thường gặp trong đau dây thần kinh tọa do các bất thường cột sống thắt lưng cũng như thoái hóa các khớp nhỏ cột sống, các dị tật bẩm sinh.
Đặc điểm lâm sàng:
- Bệnh kéo dài. Đau âm ỉ với những đợt đau tăng. Chườm nóng, nằm nghỉ dễ chịu. Thường đau 2 bên hoặc nhiều rễ.
- Triệu chứng toàn thân: ăn kém, ngủ ít, mệt mỏi. Mạch nhu hoãn, trầm nhược.
V- ĐIỀU TRỊ:
A- Thể cấp: Giai đoạn cấp và các đợt cấp của thể mạn tính (Thể phong hàn phạm kinh lạc hoặc Khí huyết ứ trệ):
- Nằm yên trên giường cứng, kê 1 gối nhỏ dưới khoeo chân cho đầu gối hơi gập lại. Tránh hoặc hạn chế mọi di chuyển.
- Công thức huyệt và kỹ thuật châm cứu:
* Áp thống điểm (thường là các Giáp tích L4 - L5, L5 - S1.
* Hoàn khiêu.
* Ủy trung.
* Kinh cốt, Đại chung (nếu đau dọc rễ S1).
* Khâu khư, Lãi câu (nếu đau dọc rễ L5).
Kích thích kim mạnh, có thể sử dụng điện châm kết hợp với cứu nóng. Thời gian lưu kim cho 1 lần châm là 5 - 10 phút.
- Có thể sử dụng nhĩ châm (đặc biệt quan trọng trong thời gian cấp tính, khi xoay trở của bệnh nhân thật sự khó khăn) với huyệt sử dụng gồm: cột sống thắt lưng (+++), dây thần kinh (++), hông, mông, háng, gối, cổ chân (+).
- Những bài tập vận động trị liệu đau dây thần kinh tọa. Chỉ bắt đầu khi đã thực sự giảm đau (xem hướng dẫn ở phần tiếp theo).
- Bài thuốc sử dụng: Bài thuốc Trị thấp khớp (GS. Bùi Chí Hiếu) gồm Lá lốt 12g, Cà gai leo 12g, Quế chi 10g, Thiên niên kiện 12g, Cỏ xước 10g, Thổ phục linh 12g, Sài đất 12g, Hà thủ ô 16g, Sinh địa 16g.
B- Thể mạn: (Thể phong hàn thấp / Can thận âm hư):
- Tuy mức độ đau ít hơn nhưng thường đáp ứng điều trị chậm. Giai đoạn này cần chú trọng thêm xoa bóp và tập luyện. Cần chú trọng tập mạnh các cơ vùng thắt lưng, nhóm cơ mông và cơ tứ đầu đùi. Tuy nhiên, phải tập từ từ và theo sức của bệnh nhân. Ở giai đoạn đầu, chỉ cho tập gồng cơ, dần dần tiến tới vận động chủ động, rồi chủ động có đề kháng.
Ngoài ra, kéo nắn và kéo cột sống cũng có thể đem lại kết quả tốt.
- Công thức huyệt và kỹ thuật châm cứu:
Công thức huyệt như trên, gia thêm:
* Thận du
* Thái khê
* Phi dương
* Tam âm giao
Đối với những huyệt gia thêm: kích thích kim nhẹ hoặc vừa. Thời gian lưu kim cho mỗi lần châm là 20 - 30 phút.
- Những bài tập vận động trị liệu đau dây thần kinh tọa:
+ Người bệnh nằm ngữa:
* Gồng cơ tứ đầu đùi
* Tập cổ chân
* Động tác ưỡn lưng
* Động tác tam giác và tam giác biến thể.
+ Người bệnh nằm ngữa, háng và gối gập: Tập gồng cơ bụng.
+ Người bệnh nằm sấp:
* Gồng cơ mông
* Ngẩng đầu lên, xoay đầu
* Nhấc từng chân lên, hạ xuống
* Gập, duỗi gối từng bên và 2 bên cùng lúc
* Tập để sau gáy, nhấc đầu và vai lên.
+ Người bệnh quỳ (chống 2 tay và 2 gối):
* Đưa từng chân lên, hạ xuống
* Động tác chào mặt trời.
+ Người bệnh ngồi duỗi thẳng 2 chân. Hai tay và thân mình vươn tới bàn chân, đầu ngón tay cố chạm vào đầu ngón chân.
Chú ý khi tập:
* Bắt đầu từ động tác dễ, nhẹ (gồng cơ) tiến dần đến các động tác nặng, khó hơn.
* Khi bắt đầu tập một động tác mới, người thầy thuốc phải có mặt để theo dõi, đánh giá, trợ giúp cho người bệnh, tránh tình trạng quá sức.
- Bài thuốc 1: Bài thuốc Trị thấp khớp (GS. Bùi Chí Hiếu) gồm Lá lốt 12g, Cà gai leo 12g, Quế chi 10g, Thiên niên kiện 12g, Cỏ xước 10g, Thổ phục linh 12g, Sài đất 12g, Hà thủ ô 16g, Sinh địa 16g.
- Bài thuốc 2: Độc hoạt tang ký sinh gia giảm gồm Độc hoạt 12g, Phòng phong 8g, Tang ký sinh 12g, Tế tân 6g, Quế chi 6g, Ngưu tất 12g, Đỗ trọng 8g, Đảng sâm 12g, Phục linh 12g, Cam thảo 6g, Bạch thược 12g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Đại táo 12g.
Bài thuốc bao gồm những dược liệu có chứa tinh dầu, có tính nóng, ấm, có tác dụng chống viêm, giảm đau. Đồng thời có những vị thuốc nâng đỡ tổng trạng, bổ dưỡng.
C- Điều trị phẫu thuật được đặt ra trong 4 trường hợp:
- Thể liệt và teo cơ: Là chỉ định phẫu thuật sớm, tránh tàn phế cho bệnh nhân.
- Thể ngoan cố đặc biệt là loại đau dữ dội: Sau điều trị tích cực nhiều tháng (thường là 3 tháng) mà tiến triển vẫn không ổn định.
- Thể tái phát nhiều lần và ngày càng gần làm ảnh hưởng sinh hoạt của bệnh nhân.
- Thể phức tạp như kèm hội chứng chùm đuôi ngựa.
VI- PHÒNG BỆNH:
Đau dây thần kinh tọa tuy có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là xung đột giữa đĩa đệm và rễ thần kinh. Đây là điểm quan trọng cần chú ý để phòng ngừa.
- Trong lao động chân tay, cần chú trọng trong các động tác phải cúi để bốc vác một trọng lượng lớn. Luôn cố gắng giữ cột sống thẳng khi bê vác.
- Tập thể dục để rèn luyện cơ lưng và tăng sự mềm mại của cột sống.
- Điều trị kịp thời các bệnh thoái hóa cột sống có giá trị tích cực phòng bệnh trong đau dây thần kinh tọa.

(Bài giảng Bệnh học và điều trị - Tập 2. Bộ môn YHCT. Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh) 
 

SỐT BẠI LIỆT

I- ĐỊNH NGHĨA:
Sốt bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp, do một loại siêu vi trùng đường ruột gây ra, có thể lây lan thành dịch. Siêu vi trùng bại liệt cùng lúc có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan và tổ chức, đặc biệt ở hệ thần kinh vận động. Khi mắc bệnh, một số ít bệnh nhân có biểu hiện liệt, phần lớn còn lại là thể nhẹ (không triệu chứng lâm sàng hoặc không liệt).
II- DỊCH TỄ HỌC:
- Ở Việt Nam, trước thập niên 90, tỷ lệ mắc bệnh sốt bại liệt là 1,66 ca / 100.000 dân (miền Bắc - 1985). Nhờ áp dụng triệt để chương trình tiêm chủng mở rộng và chương trình tiêm chủng sốt bại liệt bổ sung hàng năm mà số ca mắc hàng năm có khuynh hướng giảm dần (chỉ có 2 ca trong cả nước được báo cáo năm -1996).
- Bệnh xảy ra quanh năm. Yếu tố môi trường giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp xúc giữa người với virus gây bệnh, cũng như sự xuất hiện kháng thể chống virus. Ở những vùng vệ sinh môi cảnh kém, việc tiếp xúc với virus sớm nên hầu hết trẻ dưới 15 tuổi đã có kháng thể chống virus bại liệt. Ở những quốc gia này, tuổi thường mắc bệnh là dưới 5 tuổi. Trái lại ở những quốc gia phát triển, việc tiếp xúc với virus thường muộn, việc xuất hiện kháng thể chống virus bại liệt thường trễ (khoảng 20% trẻ trên 15 tuổi chưa có kháng thể chống virus bại liệt - Hoa Kỳ).
- Người là nguồn bệnh duy nhất của virus bại liệt. Người bệnh không có biểu hiện lâm sàng, người bị thể nhẹ, thể không liệt là nguồn lây lan quan trọng nhất. Một số súc vật cũng có thể mang virus bại liệt nhưng không có khả năng truyền sang cho người. Sữa cũng là nguồn lây cần lưu ý trong mùa dịch. Ruồi, nhặng, gián là trung gian truyền bệnh, tác nhân vận chuyển virus từ phân người bệnh sang người lành.
- Đường lây chính là đường tiêu hóa (trực tiếp hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn …). Một số ít được ghi nhận lây qua đường hô hấp.
- Tuổi thường mắc bệnh < 5 tuổi. Trẻ em < 6 tháng ít bị bệnh vì nhận được kháng thể từ mẹ truyền sang.
- Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ nam bằng với nữ (nhưng tỷ lệ trẻ nam bị liệt nhiều hơn nữ). Ngược lại ở người lớn thì nữ nhhiều hơn nam.
III- NGUYÊN NHÂN VÀ SINH BỆNH HỌC:
A. THEO YHHĐ:
- Do một loại siêu vi trùng đường ruột gây ra, có tên là Poliovirus thuộc gia đình Picornaviridae. Virus này mọc dễ ở môi trường tế bào thận người
- Quá trình sinh bệnh của sốt bại liệt xảy ra qua 3 giai đoạn:
1/ Giai đoạn xâm nhập và tăng sinh:
Sau khi xâm nhập qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp, virus đến họng và đường tiêu hóa dưới. Thông qua đường mũi miệng đến các hạch bạch huyết khu vực xung quanh họng và đường tiêu hóa dưới. Chúng tiếp tục cư ngụ và tăng sinh tại đây. Trong giai đoạn này, virus được tìm thấy trong nhớt cổ họng và trong phân.
2/ Giai đoạn tiền triệu hay giai đoạn nội tạng:
Virus từ các hạch khu vực theo máu đến hệ thần kinh trung ương, các cơ quan nội tạng như gan, lách, tủy xương, hạch lympho sâu, da, niêm mạc. Tại các cơ quan này, virus tiếp tục sinh sản rồi gây những triệu chứng lâm sàng đầu tiên của sốt bại liệt. (Đối với thể không có triệu chứng lâm sàng thì ở giai đoạn này virus không nhân lên nữa mà cơ thể xuất hiện kháng thể và hiện tượng nhiễm virus chấm dứt.
3/ Giai đoạn xâm nhập và tăng sinh của virus ở hệ thống thần kinh trung ương:
Giai đoạn này virus từ các cơ quan nội tạng vào máu lần thứ 2 để đến hệ thần kinh trung ương ở nhiều vị trí khác nhau và gây những triệu chứng lâm sàng của hệ thần kinh trung ương. Đồng thời ở giai đoạn này kháng thể xuất hiện và hiện tượng virus nội tạng biến mất.
Do bệnh tổn thương ở tủy sống (chủ yếu ở vùng trước tủy) thường nhất là tủy cổ và tủy lưng. Nếu tổn thương ở tủy cổ và tủy ngực sẽ có liệt cơ hô hấp, cơ hoành, cơ liên sườn gây khó thở.
B. THEO YHCT:
Bệnh chủ yếu do phong, nhiệt, thấp, thử tà dịch gây ra. Xâm nhập từ đường mũi miệng vào 2 kinh Phế Vị, sau đó ảnh hưởng tới Tâm, Can, Thận, Não …

Sơ đồ bệnh lý sốt bại liệt theo YHCT
IV- BIỂU HIỆN LÂM SÀNG:
A. THEO YHHĐ:
Sốt bại liệt có thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất 3 ngày, dài nhất 35 ngày và nói chung là từ 5 - 14 ngày. Sốt bại liệt có thể gây ra 4 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau:
- Sốt bại liệt thể liệt, chiếm tỷ lệ 1% trường hợp nhiễm virus bại liệt.
- Sốt bại liệt thể không liệt, chiếm tỷ lệ 1%.
- Sốt bại liệt thể bệnh nhẹ, chiếm 4 - 8%.
- Sốt bại liệt thể không triệu chứng lâm sàng, chiếm 90 - 95%.
Mục tiêu bài học tập trung vào việc giải quyết sốt bại liệt thể có liệt.
Bệnh thường phân làm 5 kỳ:
1. Tiền triệu:
Bệnh nhân có những triệu chứng không điển hình, thường thể hiện qua các hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên (sốt, đau họng, chảy nước mũi, họng đỏ …), hội chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa (sốt, đau bụng lan tỏa, ói mửa, tiêu chảy hoặc táo bón), hội chứng giống cảm cúm (sốt, đau nhức mình mẩy, đau cơ xương khớp).
2. Thời kỳ toàn phát:
- Dấu kích thích màng não:
+ Đau và co cứng các cơ sau cổ, thân mình và đùi.
+ Phát hiện bằng các nghiệm pháp:
* Dấu 3 điểm (Tripod - sign): Để em bé nằm ngửa trên giường, yêu cầu em ngồi dậy, em bé sẽ nghiêng sang bên rồi ngồi dậy, hai tay chống xuống mặt giường, lưng ưỡn về phía trước. Dấu hiệu này cho thấy các cơ sau cột sống lưng bị co cứng.
* Dấu cằm ngực (Chin - chest test). Trẻ ngồi, yêu cầu bé gập đầu để cằm chạm ngực, trẻ không thể thực hiện được động tác này khi các cơ vùng sau cổ bị co cứng.
* Dấu hôn đầu gối: Trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Thầy thuốc dùng tay giữ đầu gối và yêu cầu trẻ ngồi dậy. Nếu các cơ sau đùi căng cứng sẽ kéo đầu gối lên cao chạm vào đầu mũi của trẻ.
- Hội chứng màng não và dấu hiệu màng não:
+ Nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, táo bón. Có thể thấy thóp phồng ở trẻ nhỏ.
+ Kernig, Brudzinsky (+).
- Thay đổi phản xạ nông sâu: Tùy theo vùng tổn thương, bệnh nhân có thể có giảm hoặc mất phản xạ da bụng, da bìu. Phản xạ sâu thay đổi sau khi phản xạ nông thay đổi 8 - 24 giờ.
- Yếu liệt cơ: Thường xuất hiện đột ngột và đa số diễn tiến trong vòng 48 - 72 giờ thì ngưng liệt. Một số ít trường hợp liệt rất đột ngột (liệt thể West). Bệnh nhân không có triệu chứng của giai đoạn tiền triệu, không có dấu hiệu kích thích màng não mà liệt là triệu chứng đầu tiên của não. Tổn thương trong sốt bại liệt rất thay đổi. Liệt mềm, liệt không đồng đều, liệt không đối xứng, teo cơ nhanh nhiều và sớm là những triệu chứng đặc biệt quan trọng. Tùy theo vị trí tổn thương, sốt bại liệt thể liệt có những dạng lâm sàng sau:
+ Sốt bại liệt thể tủy sống:
* Liệt cơ cổ, cơ vai, cơ chi trên và cơ hoành (vùng tủy cổ).
* Liệt cơ ngực, cơ liên sườn, cơ bụng trên dẫn đến khó thở nhanh, nông, đều (vùng tủy ngực).
* Liệt các cơ lưng, cơ bụng dưới và cơ chi dưới (vùng tủy lưng).
* Trong thể nặng, hệ thống thần kinh thực vật có thể bị tổn thương gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim, sốt cao, vã mồ hôi …
+ Sốt bại liệt thể hành tủy: Thường phối hợp với thể tủy sống. Đây là thể có tỷ lệ tử vong cao nhất.
* Tổn thương trung khu hô hấp: nấc cụt, khó thở ..
* Tổn thương trung khu tuần hoàn: nhịp tim không đều, đầu chi lạnh, trụy mạch …
* Tổn thương trung khu điều hòa nhiệt độ: sốt cao …
* Tổn thương các nhân thần kinh sọ não dưới như IX, X, XI, XII: khó thở thanh quản, nuốt khó, nói giọng mũi.
+ Sốt bại liệt thể tủy sống - hành tủy: Triệu chứng lâm sàng phối hợp 2 thể hành tủy và tủy sống.
+ Sốt bại liệt thể não: Triệu chứng lâm sàng biểu hiện của viêm não khu trú hoặc lan tỏa.
3. Thời kỳ hồi phục: Nhiệt độ trở về bình thường, liệt không tiến triển, lực cơ và sức cơ dần hồi phục. Bắt đầu từ đầu chi, những tháng đầu hồi phục nhanh và 6 tháng sau tiến triển chậm dần.
4. Thời kỳ di chứng: Cơ teo hoặc nhão, khớp biến dạng, chân đi chúc xuống như chân ngựa, lật trong hoặc ngoài, chi trở nên nhỏ nhắn, cột sống biến dạng gù, vẹo …
B. THEO YHCT:
1. Thể Tà uất Phế Vị:
- Sốt, có mồ hôi, ho chảy mũi, họng đỏ đau.
- Toàn thân khó chịu, hoặc có đau đầu.
- Ói mửa, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, phiền táo, thích ngủ.
- Rêu nhớt mỏng, mạch nhu sác.
2. Thể Thấp nhiệt tắc lạc:
- Sau khi hết triệu chứng Phế Vị, lại phát sốt, chi đau nhức, xoay trở khó khăn, khóc không ngừng.
- Sau đó xuất hiện liệt, có thể thấy ở một bộ phận, có khi một bên cũng có khi hai bên, thường nhiều ở hai chân.
- Chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền sác hoặc nhu sác.
3. Thể Khí hư huyết trệ:
- Sau sốt thì tê, mềm mất lực, liệt, 6 tháng sau chưa hồi phục.
- Sắc mặt vàng, dễ ra mồ hôi.
- Lưỡi nhạt ít rêu, mạch trầm tế sáp.
4. Thể Can Thận hư:
- Liệt, chi liệt lạnh, cơ teo rõ, ngắn nhỏ, hoặc dị hình, cột sống gù, vẹo, vận động kém.
- Lưỡi nhạt hoặc đỏ, ít rêu hoặc trắng, mạch trầm tế hoặc huyền tế vô lực.
- Liệt nặng, nói chung khó hồi phục.
V- XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG:
1- Dịch não tủy:
- Trong hoặc hơi đục, áp lực tăng cao.
- Tế bào từ 25 - 500 BC/mm3, thời kỳ đầu chủ yếu là tế bào trung tính, sau đó chủ yếu là tế bào lympho. Sau 2 - 3 tuần trở lại bình thường.
- Đạm tăng cao vào tuần thứ 3, trở về bình thường vào tuần thứ 5.
- Đường và Clo bình thường.
2- Huyết thanh chẩn đoán:
- Có 2 loại kháng thể kháng virus bại liệt (kháng thể kết hợp bổ thể xuất hiện từ ngày thứ 10 và kéo dài 3 - 5 năm, kháng thể trung hòa xuất hiện từ ngày thứ 7 và tồn tại suốt đời.
- Phải được thực hiện 2 lần, lần 2 cách lần 1 khoảng 10 - 14 ngày và hiệu giá kháng thể lần 2 phải gấp 4 lần hiệu giá kháng thể lần 1.
3- Phân lập virus:
- Cấy máu: trước khi khởi phát 2 - 3 ngày và sau khi khởi phát 1 - 2 ngày.
- Cấy nhớt cổ họng: trước khi khởi phát và kéo dài khoảng 10 ngày sau khi khởi phát.
- Cấy phân: trước giai đoạn khởi phát và kéo dài đến giai đoạn hồi phục, có thể kéo dài đến 17 tuần.
- Cấy dịch não tủy: hiếm khi phân lập được, nhưng đôi khi có thể phát hiện được vào ngày 14- 16 sau khi tiếp xúc.
VI- ĐIỀU TRỊ:
A. THEO YHHĐ:
1/ Nguyên tắc trị liệu:
- Hồi sức cấp cứu khi có những triệu chứng đe dọa tính mạng như liệt cơ hô hấp, liệt hành tủy.
- Điều trị triệu chứng.
- Giảm thiểu những di chứng, tạo điều kiện để bệnh nhân phục hồi những di chứng vận động và tâm lý.
2/ Cụ thể điều trị:
- Hồi sức hô hấp - tuần hoàn.
- Phòng ngừa và điều trị bội nhiễm.
- Vật lý trị liệu.
- Phẫu thuật chỉnh hình.
B. THEO YHCT:
1. Thể Tà uất Phế Vị:
- Pháp trị: Giải biểu thanh nhiệt. Sơ phong lợi thấp.
- Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường. Tránh châm cứu.
- Ăn uống đủ calo. Giải quyết triệu chứng sốt, đau, ho …
- Bài thuốc sử dụng:
Bài Cát căn cầm liên thang gồm Cát căn 10g, Hoàng cầm 6g, Hoàng liên 6g, Cam thảo 3g.
2. Thể Thấp nhiệt tắc lạc:
- Pháp trị: Thanh nhiệt lợi thấp, thư cân hoạt lạc.
- Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường. Tránh châm cứu.
- Ăn uống đủ calo. Giải quyết triệu chứng sốt, đau, ho …
- Đặt đúng tư thế để phòng co rút, tay chân thẳng, bàn chân vuông góc.
- Bài thuốc sử dụng:
Bài thuốc Khương hoạt thắng thấp thang gồm Khương hoạt 6g, Độc hoạt 6g, Phòng phong 6g, Xuyên khung 6g, Mạn kinh tử 9g, Cam thảo 3g.
Phân tích bài thuốc

Vị thuốc
Dược lý YHCT
Vai trò
Mạn kinh tử Cay, đắng, hơi hàn. Tán phong nhiệt.
Quân
Phòng phong Cay, ngọt, ôn, không độc.
Phát biểu, tán phong, trừ thấp.
Thần
Khương hoạt Ngọt, đắng, bình, không độc
Trừ phong, chữa tê ở chi trên.
Độc hoạt Ngọt, đắng, bình, không độc
Trừ phong, chữa tê ở chi dưới.
Xuyên khung Đắng, ấm. Hành khí hoạt huyết, khu phong, chỉ thống.
Sinh thảo Ngọt, bình. Bổ Tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.
Sứ
3. Thể Khí hư huyết trệ:
- Pháp trị: Ích khí hoạt huyết, khu tà thông lạc.
- Tiếp tục cho ăn uống đủ calo.
- Bắt đầu sử dụng phối hợp châm cứu và tập vật lý trị liệu ngay khi hết sốt. Tập vật lý trị liệu lúc đầu thụ động, sau đó chủ động, theo tầm hoạt động của khớp.
- Sử dụng nạng, nẹp và các dụng cụ trợ giúp khác để phòng co rút và biến dạng khớp.
- Bài thuốc Bổ dương hoàn ngũ thang gồm Huỳnh kỳ 15g, Đương quy 10g, Địa long 10g, Xích thược 6g, Hồng hoa 5g, Xuyên khung 6g, Đào hồng 6g.
- Phương pháp châm cứu: Thường sử dụng những huyệt trên các kinh Dương minh của tay và chân bên liệt, phối hợp với huyệt kinh điển phục hồi liệt như Dương lăng tuyền. Thay đổi huyệt mỗi ngày. Thường phối hợp Mai hoa châm với xoa bóp cơ cho trẻ.
4. Thể Can Thận hư:
- Pháp trị: Cường tráng cân cốt, kiện não thông lạc.
- Bài thuốc Hổ tiềm hoàn (Ích Can thận, cường cân cốt) gia Hoạt lạc đơn (Ôn thông kinh lạc) gồm: Hổ kinh cốt 30g, Quy bản 120g, Hoàng bá 150g, Tri mẫu 60g, Thục địa 60g, Ngưu tất 45g, Bạch thược 60g, Tỏa dương 45g, Đương quy 60g, Trần bì 60g, Can khương 15g, Thịt dê 60g, Xuyên ô (chế) 180g, Địa long 180g, Thiên nam tinh 180g, Nhũ hương 60g, Một dược 60g.
- Phương pháp châm cứu (như trên).
VII- PHÒNG BỆNH:
1. Phòng ngừa chung:
- Cách ly bệnh nhân khoảng 2 tuần.
- Tránh tụ tập những đám đông khi có dịch xảy ra.
- Cân nhắc trước khi cắt amygdal hoặc nạo VA những bệnh nhân trong vùng đang có dịch.
- Tuyên truyền giáo dục vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống.
2. Chủng ngừa: Thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng mở rộng. Cho trẻ uống đầy đủ vaccin chống bại liệt (vaccin Sabin uống, được làm bằng virus giảm độc lực).

(Bài giảng Bệnh học và điều trị - Tập 2. Bộ môn YHCT. Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh)

BẠI NÃO

I- ĐẠI CƯƠNG:
Danh từ bại não được dùng chỉ một nhóm bệnh thần kinh:
- Xuất hiện từ khi sinh.
- Biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và nặng nề.
- Nguyên nhân cũng rất phong phú.
Mặc dù bất thường về vận động là dấu hiệu nổi bật nhất, nhưng rất thường gặp kèm theo những sa sút về trí thông minh, về phát triển tình cảm, ngôn ngữ và nhận thức.
Theo YHCT, bệnh nằm trong phạm vi chứng “ngũ trì”, “ngũ nhuyễn”, “nuy”.
II- NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH:
A. THEO YHHĐ:
Lâm sàng dựa vào sự phát triển trước và sau sinh không giống nhau, có thể phân làm 3 loại:
1/ Trước sinh:
- Nguyên nhân chủ yếu do thiếu oxy não của thai nhi trong tử cung (dọa sẩy, xuất huyết do chấn thương trong thai kỳ), trong thời kỳ mang thai mẹ bị cảm, xuất huyết. Hoặc mẹ bị cao huyết áp, tiểu đường, té, chấn thương thai, tiếp xúc chất độc.
- Yếu tố di truyền có vai trò trong 10% trường hợp.
2/ Trong sinh: Nguyên nhân do tắc ối, nhau choàng, hoặc sinh khó, chấn thương lúc sinh gây ra thiếu oxy não hoặc chảy máu não…
3/ Sau sinh: Nguyên nhân do co giật kéo dài sau sinh, vàng da, viêm não, chấn thương sọ não gây thiếu oxy não hoặc xuất huyết não.
B. THEO YHCT:
YHCT không có từ bại não. Những biểu hiện của bệnh như yếu liệt, chậm phát triển trí tuệ được xếp tương đương với “chứng nuy”, “chứng ngũ trì”, “chứng ngũ nhuyễn”.
- Theo quan niệm YHCT, não là bể của tủy, có quan hệ mật thiết với Thận. Nếu Thận tinh bất túc, không nuôi dưỡng được cốt tủy sẽ làm não bể hư rỗng. Can, Thận đồng nguồn, Thận thủy đầy đủ sẽ dưỡng được Can mộc tốt. Nếu Thận thủy suy hư, Can mộc bị thất dưỡng (do Can chủ cân, nên khi Can bị thất dưỡng sẽ xuất hiện cân suy yếu). Vì thế, nếu Can huyết bất túc, Thận khí hư đều dẫn đến não thất dưỡng, bể tủy suy yếu không nhuận được cân, khiến chân tay bất dụng.
- Đương nhiên Tỳ Vị hư cũng ảnh hưởng đến nguồn sinh huyết, huyết không dưỡng được Can, Can tàng huyết không đủ, đưa đến cân thất dưỡng gây nên chứng nuy.
- Do ôn nhiệt độc tà hoặc nhiệt khiến cho Phế bị nhiệt nung nấu mà tân dịch tiêu hao. Phế không làm tròn vai trò thông điều thủy đạo, lại không làm tròn vai trò Tướng phó chi quan đối với Tâm tạng nên khí huyết không đến, do đó cân mạch toàn thân không được nuôi dưỡng nhu nhuận mà sinh ra chứng nuy.
- Do chấn thương (bất nội ngoại nhân) gây huyết ứ làm tắc trở kinh lạc sinh chứng nuy.

Sơ đồ bệnh bại não theo YHCT
III- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:
A. THEO YHHĐ:
Nói chung, các thể lâm sàng của bại não đều được phát hiện nhờ vào sự chậm phát triển của trẻ (cả thể chất và trí thông minh) so với trẻ cùng tuổi.
Thời gian mà cha mẹ trẻ phát hiện được sự bất thường của trẻ tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh, nhưng thường là trong vòng 12 đến 18 tháng tuổi của trẻ (trong một số trường hợp được phát hiện trễ hơn sau 2 năm khi cha mẹ thấy trẻ chậm và khó khăn khi đi).
Những dấu hiệu lâm sàng có thể thấy trong bại não gồm:
- Liệt trung ương: rất đa dạng. Có thể liệt 2 chi dưới, liệt ½ người, tứ chi. Do bệnh xảy ra ở trẻ còn nhỏ nên dấu hiệu sớm cần chú ý như động tác không tự chủ, múa vờn, co giật … Sau sinh vài tháng có thể thấy cổ mềm, lưng yếu không ngồi được, đặc biệt 2 chân dưới rất ít cử động, đụng tới là co giật, phản xạ gối, gót giảm. Tùy theo biểu hiện mà phần lớn các trường hợp có thể được xếp vào một trong những hội chứng lâm sàng riêng biệt.
* Liệt cứng 2 chi (Spastic diplegia - Little’s disease): đây là thể thường thấy nhất, có thể kèm hoặc không rối loạn trí tuệ. Mức độ liệt rất thay đổi từ nhẹ (chỉ có yếu, chậm đi hơn trẻ bình thường, tăng phản xạ gân cơ hạ chi) đến rất nặng (trẻ không khả năng bước đi, tứ chi gồng cứng, nói khó, nuốt khó).
* Liệt 2 chi thể tiểu não (cerebellar diplegia): chủ yếu liệt mềm, trương lực cơ giảm, không có xuất hiện những vận động vô ý nhưng xuất hiện dấu lay tròng mắt (nystagmus), thất điều không đối xứng ở cả tứ chi.
* Liệt ½ người ở trẻ em (Infantile hemiplegia): Bệnh có thể xảy ra cả 2 bên. Trong trường hợp này phân biệt với liệt 2 chi thể tiểu não bằng việc chi trên bị nặng hơn chi dưới. Bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi sinh (u nang bẩm sinh ở bán cầu não, nhồi máu não trong tử cung) nhưng thường xuất hiện trong thời kỳ trẻ còn nhỏ (sau ho gà hoặc sau tình trạng co giật do sốt cao). Dấu lâm sàng thông thường là chi trên bị liệt nặng (bàn tay và ngón tay hoàn toàn mất vận động, tay và cánh tay co cứng ở trước ngực), trái lại chi dưới lại bị nhẹ hơn dù cũng có tình trạng cứng, tăng phản xạ gân cơ. Bệnh nhi vẫn bước đi được. Và đôi khi rất đáng ngạc nhiên, đi không khó khăn lắm. Nếu vỏ não ưu thế bị tổn thương, trẻ sẽ không nói được.
- Chậm phát triển trí tuệ, trí lực kém. Việc chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ trong thời gian trẻ còn nhỏ rất khó khăn. Cần phải có kỹ năng và kinh nghiệm khi thăm khám trẻ để phát hiện mức phát triển trí tuệ của trẻ bệnh so với tuổi của trẻ bình thường (cười, mắt theo dõi ánh sáng di động, lấy đồ vật, phát âm từng từ và chữ …). Cần phân biệt rõ những trường hợp suy giảm chức năng vận động, cảm giác, giác quan, năng lực nói, khiến cho ta cảm giác trẻ bị chậm phát triển trí tuệ. (Thường việc phân biệt này có khó khăn và đôi khi cần đến những test về trí thông minh - IQ test).
- Một số xuất hiện động kinh, điên.
- Chảy nước miếng, nuốt khó, cơ mặt, mắt tê, cứng.
B. THEO YHCT: Có 5 thể lâm sàng:
1/ Thể Thận tinh bất túc:
- Tứ chi liệt, teo.
- Phát triển thể chất và trí tuệ kém: nói không rõ, thóp không kín, cổ, lưng mềm.
- Rêu lưỡi trắng, mạch vi tế.
2/ Thể Can Thận âm hư:
- Liệt hai chi dưới, cổ gáy cứng, chân tay cử động chậm.
- Khi đứng chân co rút, bước không thẳng.
- Mặt, mắt co kéo, nói không rõ.
- Lưỡi đỏ, mạch vi sác.
3/ Thể Âm tân hư:
- Liệt tứ chi, cơ teo, môi miệng khô nứt, kèm sốt thấp.
- Đạo hãn. Lưỡi đỏ, rêu nứt, mạch tế sác.
4/ Thể Ứ tắc não lạc:
- Liệt chi dưới, trí lực giảm, tóc rụng, gân nổi rõ ở mặt, đầu.
- Tứ chi quyết lạnh.
- Chất lưỡi tối tím, mạch tế sáp.
5/ Thể Đàm thấp nội tắc:
- Liệt tứ chi, có đờm ở họng, có khi điên hoặc co giật, kèm buồn ói, ói mửa.
- Rêu vàng nhớt. Mạch hoạt sác.
IV- CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT:
1/ Viêm đa dây thần kinh: Xuất hiện ở đoạn xa thần kinh, phân bố đối xứng, vận động cảm giác đều bị ảnh hưởng, điển hình ở đầu chi có cảm giác mang găng - đi tất, liệt mềm (nếu có), phản xạ giảm hoặc mất.
2/ Viêm tủy: Thường thấy ở thanh niên, có ba đặc điểm lớn: liệt, giảm cảm giác, đại tiểu tiện không tự chủ.
3/ Liệt do bệnh cơ: Thường phát ở trẻ khoảng 5 tuổi, biểu hiện lâm sàng: từ từ xuất hiện tứ chi co mất lực và teo, phản xạ gân giảm hoặc mất, không rối loạn cảm giác. Có tiền căn gia đình.
V- ĐIỀU TRỊ:
A- ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC:
1/ Thể Thận tinh bất túc:
- Pháp trị: Chấn tinh ích tủy, bổ Thận kiện não.
- Bài thuốc: “Hữu quy hoàn gia giảm” gồm: Thục địa 15g, Hoài sơn 15g, Thỏ ty tử 9g, Câu kỷ 9g, Nhung giác giao 12g, Quy bản 11g, Tử hà sa 4,5g, Đương quy 15g, Đỗ trọng (sao) 15g.
2/ Thể Can Thận âm hư:
- Pháp trị: Tư bổ can thận, tức phong, tiềm dương.
- Bài thuốc: “Đại định phong chu gia giảm” gồm Xích thược 12g, Bạch thược 12g, A giao 12g, Quy bản 12g, Sinh địa 12g, Ngũ vị tử 3g, Mẫu lệ 4,5g, Mạch đông 15g, Chích thảo 5g, Kê tử hoàng 1 cái, Miết giáp 15g, Trân châu 30g, Địa long 12g.
- Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Dược lý YHCT
Vai trò
A giao Vị ngọt, tính bình. Tư âm, bổ huyết
Quân
Quy bản Ngọt, mặn, hàn. Tư âm, bổ tâm thận
Quân
Miết giáp Vị mặn, hàn, vào can, phế, tỳ. Dưỡng âm, nhuận kiên, tán kết
Thần
Sinh địa Hàn, ngọt, đắng. Nuôi thận, dưỡng âm - huyết
Quân
Ngũ vị tử Chua, mặn, ôn. Cố thận, liễm phế, cố tinh, chỉ mồ hôi. Cường gân ích khí, bổ ngũ tạng.
Thần
Mạch môn Ngọt, đắng, mát. Nhuận phế, sinh tân
Thần
Kê tử hoàng Tư âm huyết, tức phong
Thần
Mẫu lệ Mặn, chát, hơi hàn. Tư âm tiềm dương, hóa đờm cố sáp.
Thần
Bạch thược Đắng, chua, hơi hàn. Dưỡng huyết, liễm âm. Lợi tiểu, nhuận gan.
Thần - Tá
Xích thược Đắng, lạnh. Thanh nhiệt, lương huyết
Địa long Mặn, hàn, vào kinh tỳ, vị, thận. Thanh nhiệt, trấn kinh, lợi tiểu, giải độc
Cam thảo Ngọt, bình. Bổ tỳ, nhuận phế, giải độc
Sứ
3/ Thể Âm tân hư:
- Pháp trị: Tư âm sinh tân.
- Bài thuốc: “Tăng dịch thang” gồm Sinh địa 30g, Mạch đông 30g, Huyền sâm 15g, Sơn dược 15g, Sa sâm bắc 12g, Sa sâm nam 12g, Thạch hộc 30g, Thiên hoa phấn 12g.
4/ Thể Ứ tắc não lạc:
- Pháp trị: Hoạt huyết hóa uất, tỉnh não thông khiếu.
- Bài thuốc: “Thông khiếu hoạt huyết thang” gồm Xích thược 15g, Xuyên khung 6g, Đào nhân 9g, Nhung hươu 0,15g, Đan sâm 15g, Gừng khô 3g, Huỳnh kỳ 60g.

Vị thuốc
Dược lý YHCT
Vai trò
Xích thược Đắng, lạnh. Thanh nhiệt, lương huyết, hoạt huyết
Quân
Xuyên khung Cay, ôn. Hoạt huyết, chỉ thống, hành khí, khu phong
Quân
Đào nhân Đắng, ngọt, bình. Phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường
Quân
Đan sâm Đắng, lạnh, vào kinh tâm, tâm bào. Hoạt huyết, khử ứ, điều kinh, thanh nhiệt.
Quân
Can khương Ôn trung tán hàn
Nhung hươu Ngọt, ôn. Sinh tinh, bổ tủy, ích huyết.
Thần
Huỳnh kỳ Ngọt, ấm, vào tỳ phế. Bổ khí, thăng dương khí của tỳ, chỉ hãn, lợi thủy.
Thần

5/ Thể Đàm thấp nội tắc:
- Pháp trị: Kiện tỳ hóa đàm, tức phong tỉnh não.
- Bài thuốc: “Hoàng liên ôn đờm thang” gồm Hoàng liên 3g, Bán bạ chế 9g, Đờm tinh 3g, Tích thực 9g, Trúc nhự 9g, Bạch truật (sao) 9g, Thiên ma 15g, Phục linh 15g, Xương bồ 3g.
- Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Dược lý YHCT
Vai trò
Thủy xương bồ Cay, ôn. Ôn trường vị, kích thích tiêu hóa. Thuốc bổ
Quân
Bạch truật Ngọt, đắng, hơi ấm. Kiện tỳ, táo thấp, cầm mồ hôi
Quân
Bán hạ Cay, ôn. Hạ khí nghịch, tiêu đờm
Quân
Chỉ thực Đắng, chua, hơi hàn. Phá khí, tiêu tích, hóa đờm, trừ bĩ
Quân
Phục linh Ngọt, nhạt, bình. Lợi thủy, thẩm thấp, bổ tỳ định tâm.
Thần
Thiên ma Ngọt, cay, hơi đắng, bình. Thăng thanh, giáng trọc, tán phong, giải độc
Hoàng liên Vị đắng, lạnh. Tả tâm nhiệt. Giải khí bản nhiệt của thiếu âm.
Trúc nhự Ngọt, hơi lạnh. Thanh nhiệt, lương huyết
B- ĐIỀU TRỊ KHÔNG DÙNG THUỐC:
1/ Nguyên tắc chung trong phục hồi di chứng.
- Thông thường phương pháp điều trị không dùng thuốc được sử dụng để phục hồi di chứng bại não. Việc phục hồi di chứng không thể tách rời với tổng trạng chung của trẻ, do đó mà luôn luôn có sự phối hợp giữa điều trị bằng thuốc và không dùng thuốc cho mục tiêu này.
- Trong điều trị không dùng thuốc di chứng của bại não, cần chú ý đến hệ thống kỳ kinh bát mạch vì như phần cơ chế bệnh sinh YHCT đã nêu. Bệnh bại não có quan hệ chặt chẽ đến tình trạng của tiên thiên và hệ thống thận. Và các kỳ kinh đều bắt nguồn từ hệ thống thận - bàng quang. (Thiên Động du, sách Linh khu có đoạn: “Xung mạch là biển của 12 kinh, cùng với đại lạc của kinh Túc thiếu âm, khởi lên từ bên dưới của thận (khởi vu thận hạ) …”. Thiên Bản du, sách Linh khu có đoạn: “Mạch nhâm và đốc bắt nguồn từ thận và thông với âm dương của Trời đất”. Những mạch âm kiểu, dương kiểu, âm duy và dương duy xuất phát tuần tự từ những huyệt Chiếu hải, Thân mạch, Trúc tân, Kim môn thuộc hệ thống thận - bàng quang.
- Trong toàn bộ hệ thống kỳ kinh vận dụng vào điều trị, cần chú ý đặc biệt đến mạch Đốc.
2/ Phương pháp áp dụng cụ thể:
- Tác động đến mạch đốc: tùy tình hình thực tế, có thể tác động bằng nhiều cách khác nhau (cuộn da, xoa vuốt, gõ Mai hoa …).
- Huyệt sử dụng theo di chứng:
+ Rối loạn tâm thần: Bách hội, Nội quan, Thần môn, An miên.
+ Liệt cổ - vai lưng: Phong phủ, Phong trì, Thiên trụ.
+ Liệt chi trên: Kiên tĩnh, Kiên ngung, Khúc trì, Xích trạch, Liệt khuyết, Hợp cốc, Lao cung, Bát tà.
+ Liệt chi dưới: Hoàn khiêu, Âm lăng, Dương lăng, Ủy trung, Độc tỵ, Thừa sơn, Giải khê, Dũng tuyền, Bát phong.
+ Nói khó: Á môn, Nhĩ môn, Liêm tuyền, Thiên đột, Phế du.

(Bài giảng Bệnh học và điều trị - Tập 2. Bộ môn YHCT. Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh)