Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Phương pháp chữa nấc hiệu quả

Nấc là chỉ hội chứng do cơ hô hấp không thể tự khống chế mà ra. Âm thanh phát ra từ thanh đới ở giữa hầu tạo ra tiếng “nấc” do khí nghịch dâng lên. Đông y gọi là “nghịch ách” (có nghĩa là nấc). Ngẫu nhiên bị nấc thì không chữa cũng tự khỏi. Nếu bị nấc liên tục, lâu mà không khỏi thì phải chữa trị.

Nấc là chỉ hội chứng do cơ hô hấp không thể tự khống chế mà ra. Âm thanh phát ra từ thanh đới ở giữa hầu tạo ra tiếng “nấc” do khí nghịch dâng lên. Đông y gọi là “nghịch ách” (có nghĩa là nấc). Ngẫu nhiên bị nấc thì không chữa cũng tự khỏi. Nếu bị nấc liên tục, lâu mà không khỏi thì phải chữa trị.
Để có thể tự chữa, xin giới thiệu cùng độc giả vài bài thuốc sau đây:
* Bài 1: Trường hợp nấc do bị lạnh, dạ dày lạnh.
Trần bì 10g, Thị đế (tai quả hồng) 10g, Cao lương khương (giềng ấm) 9g, Hậu phác 9g, Chỉ thực (quả Trấp non) 6g, Đinh hương 4g, Chích cam thảo 4g,nước sạch 400ml, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.
* Bài 2: Thang này dùng cho trường hợp tiếng nấc nhỏ, liên tục, mặt trắng nhợt, ăn ít, khó nuốt, đó là do tỳ hư.
Sơn dược (sao) 30g, Đảng sâm 10g, Bạch truật 10g, Bán hạ 10g, Đinh hương 6g, Phụ tử 3g, Bào khương 3g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 quả, nước sạch 400ml, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Ngày 1 thang.
* Bài 3: Hô hấp sâu chữa nấc: Hít sâu vào, thở ra, cứ thế cho tới khi hết nấc.
* Bài 4: Dùng chữa nấc do loại hình hư hàn:
Gừng tươi 60g, rửa sạch giã nát, vắt lấy nước, bỏ bã, hoà vào với 30ml mật ong, uống một lần hết.

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Giữ “Xuân”

Mùa xuân khí trời ấm áp được coi là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở.  Theo học thuyết ngũ hành, mùa xuân thuộc mộc ở phương Ðông, ứng với tạng can (gan) màu xanh. Y học cổ truyền cho rằng mùa xuân là mùa của mộc khí, đây là mùa can khí vượng, đồng thời tạng can dễ bị tổn thương. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ngày xuân.
Giữ “Xuân”
Huyệt đại đôn.
Y học cổ truyền cho rằng, công năng của can chủ sơ tiết. Can có tác dụng thăng phát, điều tiết, làm cho sự vận hành các phủ tạng khác được thông suốt. Nó chủ quản về thư giãn và điều đạt khí cơ phân bố toàn thân. Nếu can khí sơ tiết, điều đạt thất thường, khí cơ không thư thái, có thể gây nên bệnh tật. Can khí uất kết thường dễ cáu, sườn ngực đầy tức, đau đầu, kinh nguyệt rối loạn. Nếu can khí thăng phát thái quá là can dương thượng cang sẽ thấy đầu váng, đau đầu, đỏ mắt, ù tai, điếc tai. Nếu can dương cang cực mà hóa hỏa sinh phong, tức có thể sinh hàng loạt chứng của trúng gió. Can khí thăng phát không đủ, cũng gây ra các chứng váng đầu, mất ngủ, tinh thần hoảng hốt. Do đó, ngày xuân chúng ta cần giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, lạc quan, không quá phấn khích, đồng thời tránh trạng thái u uất, phiền não.
Ngày xuân nên năng đến những nơi có nhiều màu xanh. Can trong ngũ sắc là màu xanh. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy rằng màu xanh lá cây có tác dụng ổn định tinh thần, điều hòa huyết áp và duy trì huyết áp bình thường của cơ thể. Những nơi rộng rãi thoáng đãng, môi trường trong lành có tác dụng tốt cho việc dưỡng can. Việc tham gia các phong trào “Tết trồng cây” với mục đích làm cho đất nước thêm xanh, cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường, cũng là một hoạt động rất tốt để cải thiện hoạt động tạng can.
Giữ “Xuân”
Huyệt thái xung.
Can chủ tàng huyết: Can có công năng chứa giữ huyết dịch và điều tiết lưu lượng huyết. Can chủ cân, tinh hoa của can phô ra ở móng tay, móng chân. Can chủ quản hoạt động của gân, chi phối hoạt động của bắp thịt và khớp xương trong toàn thân. Gân nhờ vào can huyết nuôi dưỡng, nếu can huyết bất túc không nuôi dưỡng được gân sẽ sinh ra đau gân, tê dại, khó co duỗi, co quắp. Kiên trì luyện tập có tác dụng thư cân hoạt lạc, có lợi cho can. Mỗi người nên dựa vào tình trạng thể chất của mình, chọn chương trình tập thể dục thích hợp. Buổi sáng, buổi tối và ngày nghỉ, bạn có thể đi dạo qua những con đường mòn cỏ, công viên, hoặc đi đến vùng ngoại ô chạy bộ, bơi lội, câu cá, tập yoga, thái cực quyền, đắm mình trong thiên nhiên.
Day bấm huyệt kinh can cũng có tác dụng dưỡng can. Hằng ngày trước khi đi ngủ bấm một số huyệt sau (mỗi huyệt 2 - 3 phút) có tác dụng tốt với can:
Đại đôn: Tại đốt thứ nhất ngón chân cái, cách bờ ngoài gốc móng khoảng 0, 1 thốn (0,2cm).
Thái xung: Sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1,5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2.
Tam âm giao: Ở sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn.
Duy trì chế độ ăn uống một cách thích hợp: Y học cổ truyền cho rằng, tỳ vị là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh hoá khí huyết của cơ thể. Tỳ vị vượng thịnh thì cơ thể khỏe mạnh và sống lâu. Nhưng vào mùa xuân can khí làm chủ, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ. Theo học thuyết Ngũ hành, mộc khắc thổ cho nên mùa xuân can khí vượng thịnh dễ làm hại tỳ vị, ảnh hưởng không tốt đến chức năng tiêu hóa và hấp thu của cơ thể. Đồ ăn nên thanh đạm và đa dạng. Thức ăn béo ngậy thường khó tiêu, khó hấp thu và dễ gây cảm giác ngấy chán khiến người ta cảm thấy mệt mỏi, đầy bụng, chậm tiêu. Nên ăn nhiều rau quả tươi vốn chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng là hết sức cần thiết để duy trì chức năng bình thường của các tạng phủ trong hoạt động trao đổi chất.
Giữ “Xuân”
Huyệt tam âm giao.
Đảm bảo giấc ngủ là rất quan trọng: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ giúp cho con người tự điều chỉnh hoạt động của toàn bộ hệ thống thần kinh. Trong giấc ngủ chất lượng cao xảy ra một loạt các thay đổi sinh lý và sinh hóa có lợi cho cơ thể, giúp tiêu trừ bệnh tật kéo dài tuổi thọ. Y học cổ truyền cho rằng can tàng huyết, khi ngủ huyết quay về can. Các nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh rằng dòng máu của gan trong khi ngủ tăng gấp nhiều lần, có lợi cho việc tăng cường các chức năng của các tế bào gan, tăng cường khả năng giải độc và đẩy nhanh sự trao đổi chất của protein, axit amin, đường, chất béo, vitamin và chất dinh dưỡng khác, để duy trì môi trường bên trong ổn định, tăng khả năng chống lại bệnh tật.

TS.BSCKII. Dương Trọng Nghĩa

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Ý nghĩa khí và khí hoá của y học phương Đông trong dưỡng sinh phòng bệnh

Ý nghĩa khí và khí hoá của y học phương Đông trong dưỡng sinh phòng bệnh



Từ đầu thế kỷ XIX, nhiều nhà khoa học phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về bản chất của khí và khí hoá mà y học phương Đông đã từng đề cập.  Hiểu rõ được bản chất và đặc điểm của khí có thể giúp chúng ta điều chỉnh hành vi và sinh hoạt để giữ gìn sức khoẻ và gia tăng chất lượng cuộc sống.

Khí là gì?
Những nhà khí công cổ đại quan niệm rằng trong không gian bao la của vũ trụ luôn tồn tại một dạng năng lượng vi tế, là nguồn gốc của sự sống.  Tuỳ theo mỗi nền văn hoá mà loại năng lượng này được gọi những tên gọi khác nhau như khí, thiên khí hoặc địa khí (Trung Hoa), Prana (ấn độ) hoặc Ki hay Hado (Nhật).  Những nghiên cứu của khoa học phương Tây cũng cho thấy thế giới chất rắn cụ thể mà chúng ta nhìn thấy được bao quanh và thấm đẫm bởi một loại năng lượng tựa như chất lỏng luôn bức xạ và chuyển động không ngừng. Hai tiến sĩ John White và Stanley Kripper mô tả trường năng lượng này thấm nhuần và liên kết mọi vật lại với nhau, chúng chuyển động tựa như một chất lỏng chảy từ vật nọ sang vật kia.  Loại năng lượng này chính là một yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng nhất của mọi sự vật, thường được gọi là Thiên nhân hợp nhất hay Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.  Khí công hay các công phu dưỡng sinh có thể xem như là những phương pháp tập luyện nhằm giúp con người vận dụng và phát huy tính hợp nhất này vào mục đích trị bệnh hoặc tăng cường sức khoẻ.  Trong cơ thể con người, phần khí thường được gọi là chân khí hoặc nội khí.  Nội khí là một dạng vật chất tinh vi lưu hành khắp phủ tạng, kinh lạc, để duy trì hoạt động sống của cơ thể con người.  Nội khí được tạo thành bởi ba thành phần cơ bản.  Khí tiên thiên được hấp thu từ tinh huyết của cha mẹ từ lúc sinh ra.  Khí hậu thiên do Tỳ Vị chuyển hoá từ thức ăn thức uống hàng ngày. Thành phần còn lại là thiên khí hoặc địa khí do cơ thể hấp thu từ vũ trụ bên ngoài.  Như vậy, trong khi chúng ta không thể thay đổi được khí tiên thiên thì ngược lại có thể cải thiện điều kiện sinh hoạt, ăn uống để bồi dưỡng khí hậu thiên, và thông qua tập luyện dưỡng sinh để tăng cường hấp thu thiên, địa khí cho yêu cầu dưỡng sinh ích thọ.
Tương quan giữa khí hoá và vật chất
Khí hoá là một hiện tượng xuyên suốt trong mọi hoạt động sống của con người.  Giống như nước có thể đông lại thành đá, cũng có thể bay lên thành hơi nước, y học phương Đông quan niệm năng lượng và vật chất, phần khí và phần hình vốn dĩ chỉ là hai dạng khác nhau của cùng một thể. Tụ lại thành hình, tán ra hoá khí.  Những nghiên cứu vật lý cũng cho thấy vật chất tồn tại có hai hình thức.  Một loại là thực thể do những hạt cơ bản cấu tạo nên. Loại kia ở trạng thái trường mà cơ quan cảm giác của con người thường không thể nhận biết được. Hình và trường không tách rời nhau và trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hoá lẫn nhau. Trong cơ thể con người, do sự chuyển hoá giữa hai yếu tố nên những uất khí ngưng kết lâu ngày có thể tạo thành ung nhọt.  Ngược lại, tác động khí hoá của khí công hoặc ý niệm có thể làm tan chỗ kết tụ, tán sỏi hoặc tiêu u xơ. Đối với cơ chế sinh bệnh, những rối loạn về cảm xúc hoặc những khắc nghiệt của môi trường có thể tác động đến phần khí làm rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan. Qua thời gian, nếu sức đề kháng kém hoặc điều kiện sinh hoạt không được cải thiện thì rối loạn khí hoá ban đầu sẽ dẫn đến những tổn thương thực thể và gây ra những bệnh tật nghiêm trọng hơn. Ngược lại, ở một người có sức khoẻ tốt, có khả năng điều hoà cảm xúc hoặc thường luyện tập dưỡng sinh để nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì người này sẽ dễ dàng hoá giải những bất lợi của môi trường để giữ gìn sức khoẻ.
Sự tương tác giữa những trường năng lượng con người
Từ thế kỷ XII, hai nhà thông thái Boirac và Liebeault đã cho rằng trong cơ thể con người tiềm tàng một loại năng lượng có thể gây tương tác từ xa. Có người chỉ cần sự có mặt của họ cũng có thể gây ảnh hưởng khoẻ mạnh hoặc không đối với người khác. Đến đầu thế kỷ XIX, Von Reichenbach đã trải qua gần 30 năm để nghiên cứu về loại năng lượng liên quan đến con người. Các thí nghiệm của ông cho thấy năng lượng con người vừa có tính hạt giống như chất lỏng, vừa có tính sóng giống như ánh sáng. Nó có tần số ở khoảng giữa vùng màu đỏ và máu tím xanh của dãy quang phổ. Ông cũng mô tả được tính phân cực của loại năng lượng trong cơ thể người giống như nguyên lý âm dương được đề cập trong y học phương Đông. Năm 1911, tiến sĩ William Kilner đã mô tả kỹ hơn về diện mạo của loại trường khí xuyên suốt và bao quanh cơ thể con người. Đó là một màng sương mờ gồm ba lớp. Lớp trong cùng màu sẫm hơn hai lớp kia, ở sát mặt da, dày khoảng 1/4 inch. Lớp giữa giống như khí hơi nước, dầy khoảng 1 inch. Lớp ngoài cùng có màu sáng  nhạt hơn, có đường bao quanh không rõ rệt, vượt ra khỏi lớp trong khoảng 6 inch. Tiến sĩ Victor Inyushin thuộc trường Đại học Kazakh ở Nga đã tiến hành nghiên cứu về trường năng lượng này từ những năm 1950. Ông cho biết trường này gồm những ion, proton và các electron tự do. Một phần của đám mây năng lượng này bức xạ ra bên ngoài, chuyển dịch trong không khí và có thể ảnh hưởng đến các sinh thể chung quanh. Trên thực tế, nền văn hoá cổ phương Đông đã nói đến những vòng hào quang bao quanh cơ thể con người từ hàng ngàn năm về trước. Ngành khí công cũng đã có truyền thống chữa bệnh không tiếp xúc thông qua tương tác khí hoá từ xa. Một trong những nguyên tắc chữa bệnh bằng khí công là sự hoà hợp giữa người chữa và người bệnh. Người chữa sẽ dùng năng lực của tư tưởng để tạo nên sự hợp nhất giữa trường khí năng lượng của mình và trường khí của người bệnh. Trong quá trình này, trường khí cân bằng và ổn định của người chữa sẽ tác động điều chỉnh trường khí rối loạn và mất cân bằng của người bệnh. Hiệu quả chữa bệnh và liệu trình dài hay ngắn sẽ tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và năng lực khí công của người thầy. Những thầy thuốc Đông y thực hành châm cứu, bấm huyệt cũng hiểu rằng chân khí sung mãn của thầy thuốc sẽ tác động rất hửu ích cho công tác điều trị bệnh nhân. Ngược lại, người thầy cũng dễ bị trược khí, tức khí bệnh từ người bệnh truyền sang. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta có cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ê ẩm hoặc thậm chí đau tức ở đâu đó trong cơ thể sau khi đi viếng đám tang hoặc tiếp xúc lâu với một người, nhất là những người bệnh nặng. Điều này có thể là do tương tác sinh học giữa các trường khí gây ra. Đối với người có sức đề kháng tốt, sự khó chịu sẽ tự biến mất sau vài khắc hoặc vài giờ rời khỏi hiện trường. Một vài trường hợp nặng hơn, dân gian có cách hoá giải bằng  cách “xông hơi giải cảm” để đuổi trược khí ra khỏi cơ thể qua đường mồ hôi. Quy luật về tương tác sinh học cũng thể hiện trong nhiều mặt khác nhau của cuộc sống. Một người, nhất là những người có ý chí mạnh, có thể tạo ra những ảnh hưởng tâm lý trên những người chung quanh. Sự buồn bã, ủ rũ có thể kéo theo sự bi lụy của những người bên cạnh. Sự tức giận có thể kích động người khác tức giận theo. Hiệu ứng đám đông không chỉ là hiệu ứng tâm lý mà còn là do tính tương tác và sự cộng hưởng của những trường khí sinh học. Điều này có thể giải thích tại sao trường khí hiền hoà của một thiền sư có thể nhiếp phục một con hổ dữ hoặc tại sao một số người cảm thấy an tịnh hoặc ngồi thiền, vận khí dễ dàng khi ở bên cạnh người thầy hoặc khi cùng tập với một tập thể.

Stress có thể ví như một dây xích gồm một chuỗi những ý niệm tiêu cực, như những móc xích đan xen nhau liên tục, vây kín, phong toả  lấy tâm thức con người.  Chỉ cần chặt đứt một mắt xích là có thể vô hiệu hoá được cả dây xích để giải phóng cơ thể khỏi sự ràng buộc của những tâm lý tiêu cực.

Tương tác giữa ý niệm, cảm xúc và hoạt động khí hoá

Từ trên 4000 năm trước, y học phương Đông đã biết được những tác động xấu của những cảm xúc thái quá đối với sức khoẻ con người. Nội kinh ghi “trăm bệnh đều do nơi khí sinh ra”. Chẳng hạn, giận quá có thể làm khí thăng lên, buồn quá có thể làm khí tiêu đi, suy nghĩ quá có thể làm khí kết lại. Những cảm xúc thái quá sẽ làm rối loạn khí hoá những tạng phủ có liên quan và qua mối quan hệ sinh khắc có thể làm mất cân bằng của toàn hệ thống và gây bệnh. Những nghiên cứu về hệ quả  Stress của khoa học ngày nay cũng cho thấy những căng thẳng tâm lý hoặc những cảm xúc nội tâm bị dồn nén lâu ngày sẽ làm rối loạn hoạt động của hệ giao cảm, làm tăng tiết các nội tiết tố Stress, suy giảm hệ miễn dịch, nên có thể gây ra rất nhiều bệnh tật khác nhau. Tâm bình khí hoà và những ý niệm tích cực, lạc quan sẽ mang lại sức khoẻ. Ngược lại, những thán oán, sầu khổ hoặc những tư tưởng bi quan tiêu cực sẽ dẫn đến bệnh tật.
Tiến sĩ Daniel Mroczek và các cộng sự thuộc trường Đại học Indiana, Hoa kỳ đã thực hiện một công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của những rối loạn cảm xúc lên sức khoẻ và tuổi thọ của con người. Cuộc thí nghiệm được tiến hành trên 1.600 người tình nguyện. Với các thử nghiệm tiêu chuẩn, những người này đã được theo dõi, đánh giá tình trạng cảm xúc và diễn biến về sức khoẻ trong suốt 18 năm.  Kết quả cho thấy những người hay bị stress, dễ lo sợ, cáu gắt thường có nguy cơ tử vong sớm do bệnh ung thư hoặc tim mạch. Nói đến Stress, nhiều người  thường nghĩ đến những biến cố lớn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người như thi hỏng, thất nghiệp, bệnh tật hoặc người thân qua đời. Tuy nhiên không cứ gì những sự cố gây sốc hoặc những tình huống trái lòng nghịch ý, chỉ cần quá bươn chải theo cơn lốc của cuộc sống, nhịp sống quá nhanh hoặc lịch làm việc quá dầy đặc cũng có thể làm cho hệ thần kinh căng thẳng, quá tải và suy nhược. Để tránh hệ quả này, các chuyên gia tâm lý thường khuyên chúng ta nên sắp xếp công việc hợp lý, phải biết “tri túc thiểu dục” (ít muốn biết đủ), bằng lòng và hoà hợp với cuộc sống. Tuy nhiên những điều này dường như không dễ làm được trong một xã hội cạnh tranh, nhiều cám dổ và luôn bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ như hiện nay. Do đó, điều quan trọng hơn là  phải biết tự tạo cho mình những giây phút tỉnh thức ngay trong cuộc sống hiện tại, sao cho vẫn sống trong  dòng chảy bất tận của những ý niệm lăng xăng hàng ngày mà vẫn không bị nó đồng hoá hoặc làm ô nhiễm. Tỉnh thức và  thư giãn không nhất thiết phải cần đến những bài quyền, điệu vũ đẹp mắt, những động tác yoga điêu luyện, cầu kỳ hoặc hàng giờ đồng hồ nhập tĩnh của những vị thiền sư. Stress có thể ví như một dây xích gồm một chuỗi những ý niệm tiêu cực, như những móc xích đan xen nhau liên tục, vây kín, phong toả  lấy tâm thức con người. Chỉ cần chặt đứt một mắt xích là có thể vô hiệu hoá được cả dây xích để giải phóng cơ thể khỏi sự ràng buộc của những tâm lý tiêu cực. Do đó, những giấc ngủ trưa* ngắn khoảng 15 phút, một vài động tác căng giãn tối đa của yoga, một thời thiền ngắn khoảng 10 phút mỗi ngày… đều có thể giúp giải toả căng thẳng tâm lý hoặc ngăn chặn sự liên kết của những cảm xúc tiêu cực.
Để chặt đứt những mắt xích tiêu cực, có thể không phải chờ đến buổi tối hoặc đến cuối tuần, cũng không chiếm dụng bất cứ thời gian hoặc không gian riêng biệt nào, mỗi người có thể tạo nên tập quán tỉnh thức bằng cách thỉnh thoảng chỉ cần hướng sự chú ý của tâm thức vào một vài hơi thở của bản thân. Hít vào đến bụng dưới, thở ra chậm trong khi từ từ buông lỏng toàn thân, chú trọng buông lỏng phần vai, hai cánh tay. Chỉ cần một hay vài hơi thở mỗi lần. Có thể thở ở bất cứ nơi đâu, hầu như ở bất kỳ tư thế nào, ngay cả lúc đang làm việc. Thở sâu đến bụng dưới có tác dụng sinh khí tại Đan điền và tăng cường nội khí. Thư giãn cơ bắp sẽ thư giãn được thần kinh. Chú tâm vào hơi thở sẽ làm gián đoạn những cảm xúc âm tính; thì thở ra dài có thể tăng cường ức chế giao cảm. Do đó, thỉnh thoảng chú tâm vào một vài hơi thở là một phương pháp đơn giản nhưng đã vận dụng đồng bộ được nhiều cơ chế để điều hoà thần kinh giao cảm, giúp kiểm soát cảm xúc, giải toả stress và phục hồi sinh lực. Đối với những trường hợp bệnh mạn tính, cách thở này có tác dụng tăng cường chính khí, và thông qua sự tự điểu chỉnh của hệ thần kinh trung ương, hoạt động khí hoá cũng như các hoạt động nội tiết, nội tạng sẽ dần dần được phục hồi để cơ thể vươn lên đẩy lùi bệnh tật.
Cải thiện khí hậu thiên thông qua chế độ ăn uống
Bên cạnh việc tập luyện dưỡng sinh, chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đên sức khoẻ và điều kiện tinh thần của con người. Ăn uống là nguồn cung cấp khí hậu thiên cho cơ thể nhưng ăn uống không khéo lại cũng là một nguyên nhân gây bệnh. Giáo sư Oshawa (1893-1965) là một người Nhật đã có công đề xướng và truyền bá Macrobiotocs, một phương pháp chữa bệnh  dưỡng sinh bằng cách ăn uống ngủ cốc thô và các loại rau, quả, củ không có sự hỗ trợ của hoá chất. Ông cho rằng thức ăn thức uống không chỉ nuôi sống thể xác mà qua sự lựa chọn những loại thực phẩm có năng lượng Âm hoặc Dương thích hợp có thể phát triển tinh thần và cải thiện hành vi, tâm lý con người. Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau cũng cho thấy giá trị trị liệu quan trọng của các loại thực dưỡng. Chẳng hạn ăn nhiều các loại cá, dầu cá có nhiều axít béo omega 3 có thể giúp chữa các chứng trầm cảm và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch như đau ngực, đột quỵ; ăn nhiều các loại ngũ cốc thô và rau quả  có thể cung cấp nhiều sinh tố và vi chất là những chất chống oxy hoá có thể cải thiện tim mạch và tăng cường hệ miễn dịch để phòng chống nhiều loại bệnh tật khác nhau.
Nói chung, sức khoẻ và tuổi thọ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Yếu tố nầy có thể làm nhẹ đi sự cần thiết của một yếu tố khác nhưng không hẳn  có thể thay thể lẫn nhau. Thuốc men, vận động thân thể, thư giãn, khí công đều rất hữu ích nhưng không thể xem thường yếu tố ăn uống, nhất là trong điều kiện hiện nay khi phần lớn thực phẩm là thực phẩm công nghiệp. Thực phẩm công nghiệp không chỉ tiềm tàng nhiều hoá chất độc hại mà còn thiếu chất xơ và nhiều vi chất cần thiết khác chỉ tìm thấy trong rau quả tự nhiên và trong lớp ngoài của ngũ cốc, đậu và các loại hạt có vỏ cứng. 
* Kết quả của một nghiên cứu do sự phối hợp giữa  trường Đại học Y khoa Hy lạp và Đại học Y Harvard kéo dài 6 năm tại  Hy Lạp trên 23.681 người từ 20 đến 86 tuổi cho thấy: những người ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày,  ít nhất 3 lần mỗi tuần, có tỉ lệ tử vong do bệnh tim thấp hơn 37% so với những đối tượng không ngủ trưa. Các nhà nghiên cứu Androniki Noska và  Dimitrios Trichopoulos còn cho biết thêm tại các nước có số ca tử vong thấp, thói quen ngủ trưa là khá phổ biến.  Những nhà khoa học này cho rằng ngủ trưa giúp thư giãn, giảm stress do đó  giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mới đây theo tin từ báo Telegraph, ngành dịch vụ công ở Đức đang phát động chương trình khuyến khích công chức nên ngủ trưa. Các giới chức ở Đức tin rằng sau giấc ngủ trưa công chức có khả năng tập trung và làm việc hiệu quả hơn. Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Kentucky còn đưa ra một giải pháp tích cực.  Mỗi người nên bỏ ra từ 10 đến 15 phút vào buổi trưa để ngồi tĩnh toạ, hoặc quan sát hơi thở hoặc nhẩm một từ nhất định ở thì thở ra. Điều này sẽ giúp thư giãn thần kinh và cơ, nảo bộ sẽ hoạt động hiệu quả hơn mà không gây buồn ngủ hoặc mệt mỏi như những trường hợp bình thường.

Võ Hà 

Dưỡng sinh và dưỡng đức

Dưỡng sinh và dưỡng đức 


Nói đến dưỡng sinh, người ta thường nghĩ ngay đến các phương pháp luyện tập thân thể, như thái cực quyền, tọa thiền, tĩnh tọa, xoa bóp, bấm huyệt... Thực chất Dưỡng sinh trong Đông y là khoa học tổng hợp,  bao gồm cả triết học, luân lý đạo đức,  kinh tế, chính trị, thậm chí cả nghệ thuật, chứ không đơn thuần là vấn đề sinh lý. Theo Đông y cổ truyền, dưỡng sinh còn bao gồm các vấn đề dưỡng tính và dưỡng đức.
Đông y học quan niệm rằng sức khỏe và tuổi thọ không chỉ liên quan đến tới các hoạt động sinh lý trong cơ thể con người. Sức khỏe và tuổi thọ có mối tương quan mật thiết với đời sống xã hội và hoàn cảnh tự nhiên. Do đó, ngay từ khi hình thành, Đông y đã được xây dựng theo mô hình “tự nhiên - sinh học - tâm lý - xã hội”. Đông y luôn luôn nhìn nhận con người như một thành phần trong tự nhiên. Cơ thể người được nhìn nhận như một “hệ thống mở”; hoạt động sinh mệnh gắn liền với những biến đổi của môi trường, sinh thái và hợp thành một thể thống nhất (thiên nhân hợp nhất).
Dưỡng sinh bất như dưỡng tính
Từ xưa Đông y vẫn coi dưỡng sinh là bộ phận trọng yếu trong phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, kiềm chế lão suy và kéo dài tuổi thọ. Dưỡng sinh bao gồm nhiều nội dung, cùng rất nhiều hệ thống thực hành khác  nhau, nhưng phần lớn y gia từ xưa đều cho rằng: “Dưỡng sinh bất như dưỡng tính” (Dưỡng sinh không bằng dưỡng tính).  “Dưỡng tính” thuộc phạm trù “tình chí” trong Đông y học và tương ứng với phạm trù “vệ sinh tâm lý” trong y học hiện đại. Trên thực tế bao quát cả vấn đề tu dưỡng đạo đức, di dưỡng tinh thần,  cùng toàn bộ đời sống tình cảm của mỗi con người.
Trong “dưỡng tính”, người xưa chú trọng nhất tới 2 phương diện: “Điều nhiếp tình chí” và “Tu dưỡng đức hạnh”. Do sự biến động của tình chí và  đạo đức có liên quan hết sức mật thiết tới sức khỏe tâm thần của mỗi con người. “Tình chí” được Đông y quy nạp thành “thất tình” bao gồm: hỷ (vui), nộ (tức giận), ưu (lo lắng), tư (nghĩ ngợi), bi (buồn), khủng (sợ hãi), kinh (sửng sốt quá mức). “Thất tình” hình thành dưới tác động, những kích thích của các nhân tố từ bên ngoài; là phản ứng của cơ thể về phương diện tâm lý cũng như sinh lý. Trong những tình huống thông thường, chúng không gây nên bệnh. Nhưng khi những kích thích và phản ứng nói trên quá mạnh hoặc quá lâu dài, hoặc là cơ thể quá mẫn cảm, thì bệnh tật có thể phát sinh: quá vui thì hại “tâm”, tức giận thì hại “can”, nghĩ ngợi quá nhiều làm hại “tỳ”,  u buồn thì hại “phế”, sợ hãi thì hại “thận”...
Dưỡng tính, nghĩa là điều nhiếp tinh thần và tình cảm. Phép tắc quan trọng nhất trong điều nhiếp là giữ cho tình chí được trung hòa; tức là giữ cho tinh thần và tình cảm ở trạng thái cân bằng. Làm được như vậy thì “chân khí” không bị nhiễu loạn, lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa, “tà khí” từ bên ngoài không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy mà bệnh tật không thể phát sinh, cơ thể được khỏe mạnh và tuổi thọ kéo dài.
Trong “dưỡng tính”, việc tu dưỡng đức hạnh còn quan trọng hơn. Người thông hiểu dưỡng sinh, lấy tu dưỡng đức hạnh làm đầu và phối hợp với điều dưỡng thân thể. Có đức hạnh thì tâm lý được bình an, ý chí không bị rối loạn. Nhờ vậy mà khí huyết điều hòa, bệnh tật không thể phát sinh. Như Tôn Tư Mạc (581-682) đã nhận định: “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh... Còn như đức hạnh chưa hoàn thiện, thì có uống đủ các thứ “kim đan ngọc dịch”, cũng không thể kéo dài tuổi thọ”.  Bản thân Tôn Tư Mạc suốt cả cuộc đời đã kiên trì tu thân và di  dưỡng đức hạnh, nên đã có tuổi thọ trên 100 tuổi,  trăm tuổi vẫn khỏe mạnh sáng suốt, tiếp tục chữa bệnh cứu người, nghiên cứu y thuật và viết sách.
Người nhân đức có tuổi thọ cao
Trong dưỡng đức, chữ “nhân” được y gia đặt lên hàng đầu. Khổng Tử không chỉ là “chí thánh tiên sư” của Nho học, mà còn là một nhà dưỡng sinh kiệt xuất; là người đầu tiên đã phát hiện và đề xướng chân lý: “nhân giả thọ” (người có đức “nhân”, có đạo đức, có tuổi thọ cao). Để giải thích và chứng minh cho luận điểm này, trong các tác phẩm của mình, Khổng Tử  đã đưa ra hàng loạt  dẫn chứng và lý lẽ xác đáng. Tại sao người có đức nhân, có đạo đức, lại có tuổi thọ cao? Đổng Trọng Thư, một triết gia kiêm dưỡng sinh gia nổi tiếng, đã giải thích: Người nhân đức sở dĩ có tuổi thọ cao, là vì không tham lam mà trong lòng luôn luôn thanh tĩnh, tâm bình hòa cho nên âm dương không bị mất cân bằng, nhờ vậy mà hấp thu được những thứ tinh hoa và cái đẹp trong trời đất để nuôi dưỡng và hoàn thiện thân thể.
Quan điểm “nhân giả thọ” đã được y gia trong suốt các đời sau phát huy, phát triển và đã trở thành một trong các bí quyết quan trọng nhất của dưỡng sinh. Để thực  hành dưỡng đức, theo Hoa Đà (141? - 208): người giỏi dưỡng đức, đầu tiên phải biết trừ “lục hại”, như vậy mới có thể bảo vệ được tính mệnh và sống tới trăm tuổi. Muốn trừ lục hại, một là phải coi nhẹ danh lợi, hai là không say mê thanh sắc, ba là không tham lam vật dụng hàng hóa, bốn là bớt của ngon vật lạ, năm là không xu nịnh, sáu là không ghen ghét. Trong 6 thứ có hại đó, trừ “của ngon vật lạ” ra, 5 thứ hại khác đều liên quan đến vấn đề tu dưỡng đạo đức.
Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và  bệnh tật không thể phát sinh.
Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, yêu cầu của con người đối với sức khỏe  càng cao, đồng thời quan niệm về sức khỏe cũng đã có rất nhiều biến đổi. Từ năm 1984, quan niệm về sức khỏe đã được mở rộng, y học bắt đầu chú ý hơn đối với các nhân tố  tâm lý, xã hội và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe và bệnh tật của con người. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa: Sức khỏe không chỉ là không có  bệnh tật (disease) hay suy nhược (infirmity), mà là một trạng thái hoàn hảo về thân thể, tinh thần và khả năng thích ứng xã hội.
Tới năm 1990, trong định nghĩa về sức khỏe,  WHO còn đề xuất thêm khái niệm “sức khỏe đạo đức”, chỉ khả năng phân biệt thực giả, thiện ác, vinh nhục, đúng sai; biết kiềm chế và chi phối hành vi và suy nghĩ của mình, trong khuôn khổ các quy tắc đạo đức được xã hội chấp nhận; không gây tổn hại đối với người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.
Dưỡng tính, dưỡng đức là vấn đề được Đông y coi trọng từ xưa và cũng là vấn đề có tính thời sự hiện nay. Trong tương lai, chắc rằng dưỡng tính và dưỡng đức sẽ ngày càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân loại.
Thái Hư 

“Buông bỏ” - liều thuốc phòng trị bệnh hữu hiệu

“Buông bỏ” - liều thuốc phòng trị bệnh hữu hiệu



Thông thường khi nói đến bệnh tật, người ta liên tưởng đến ngay các tạng phủ hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, tức là cái bệnh hữu hình, ít ai nghĩ phần tinh thần vô hình cũng bệnh.
Thật vậy, rất nhiều người đã từng đi khám bác sĩ, lương y và cả các trung tâm chẩn đoán y khoa, làm đủ các thứ xét nghiệm: x quang, siêu âm, nội soi… kết quả vẫn không tìm được bệnh lý.
Nếu mọi thứ trong cơ thể đều tốt, thì tại sao cứ rề rề, không có ngày vui khoẻ. Trong người có cảm giác nằng nặng buồn vương và luôn trong trạng thái mỏi mệt, biếng ăn, biếng nói, nét mặt như ẩn chứa một nỗi đau thương, tuyệt vọng.
Hiện nay, loại bệnh này khá phổ biến, không chỉ ở người lớn tuổi mà  ngay cả thanh thiếu niên cũng mắc phải.
Phải chăng, đà phát triển nhanh quá của xã hội là một trong những nguyên nhân gây ra thứ bệnh này? ở phương Tây, người ta gọi chúng là hội chứng stress, còn ở Đông phương được gọi là “thất tình” (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục)
Tuy nó đã có từ lâu rồi, nhưng đến nay sự tăng tốc của nó thật đáng lo ngại và có lẽ cuộc sống vật chất càng lên cao thì nó vẫn theo đà vượt lên cả chiều sâu lẫn chiều rộng.
Làm sao để chữa được loại bệnh nguy hiểm này? Nó đã gây khổ cho bao người và làm giảm chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình. Xin thưa: Muốn trị nó, ta phải truy tìm căn nguyên (trị bệnh tất cầu kỳ bản). Mặc dù y học hiện đại đã tiến bộ vượt bậc nhưng khó chữa được. Bởi lẽ nó không khu trú một chỗ nào nhất định, không hình tướng, không thể thấy… làm sao ta dùng dược phẩm hữu hình mà trừ cái vô hình cho được. Đánh giặc mà không biết rõ mặt mũi và sào huyệt của đối phương thì trăm trận ắt trăm bại, chỉ có cách duy nhất là dùng tâm dược vô hình để điều chỉnh tâm bệnh mà thôi.
Trong kiếp sống, con người có rất nhiều duyên cớ để phát tâm bệnh bất ngờ. Ví dụ: Một gia đình đang sống bình thường, hạnh phúc, kinh tế ổn định, bỗng nhiên người thân yêu nhất là thần tượng trong đời, vội ra đi không ngày trở lại. Hoặc vì lý do nào đó bị phá sản, phút chốc trở thành kẻ trắng tay… đó là những cú sốc làm cho ta chao đảo, mất thăng bằng và sinh ra bệnh. Ngoài ra còn rất nhiều chuyện như: hoài bão không thành, vợ chồng, anh em xung nghịch mà vẫn phải sống chung nhau. Buồn, thương, giận, ghét thái quá cũng là những tác nhân vi tế, nó gặm nhấm ta mãi mãi…
Truyện Kiều có câu:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Có lẽ, nhiều người cũng đã từng trải nghiệm và thấm thía vô cùng. Bởi vì ta mang tâm trạng buồn thương thì dù cảnh đó là cảnh tiên ta cũng thấy chán ngắt, hay có dọn mâm cao cỗ đầy, sơn hào, hải vị cũng chẳng nuốt vô.
Tất cả mọi người không ai ưa cái khổ, cũng không muốn bệnh hoạn, nhưng trùng trùng sự duyên không mời mà đến, quấy nhiễu làm tâm ta bất an, phiền não…  Trước đây, vào năm 1979, giặc Pôn-pốt tấn công làng Ba Chúc, Thất Sơn. Tôi chạy tản cư ở thị trấn Cái Dầu, tỉnh An Giang. Nơi đây có một người đàn bà bị bệnh tâm thần. Bà ta, trên đường đi luôn nhặt tất cả thứ gì rơi rớt, từ những cục đá, ve chai, khúc gỗ … và treo buộc đầy người, dần dần càng nặng nề, đi đứng rất khó khăn, vất vả. Bà vừa đi vừa thở hổn hển trông thật đáng thương. Nhiều người thấy động lòng, cho ăn cho uống và khuyên bà nên bỏ bớt những thứ vặt vãnh cho đỡ mệt nhọc. Không ngờ bà ta nổi cơn thịnh nộ, bà hét to bảo rằng: “Sao mấy người ngu quá vậy! Mang như thế đó mới sung sướng, mới khoẻ. Nếu bỏ đi hết thì tôi thỏng lỏng, khổ chắc chết”.
Qua sự việc trên, tôi cảm thấy có cái gì triết lý trùng hợp với lối suy nghĩ của con người. Trông bà rồi ngẫm lại ta. Dường như bà chỉ mang những thứ vụn vặt bên ngoài thân mà ai ai cũng cho là quá khổ. Còn ta, có thể lớp mang lớp gánh bên trong mà ta không tự biết. Nếu bà biết nghe lời khuyên chân tình của người bình tĩnh thì chắc chắn bà sẽ dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cũng thế, những thứ ngổn ngang bên trong, ta hãy mạnh dạn buông bỏ thì tuyệt biết chừng nào.
Thì ra “buông bỏ” là một liều thuốc hay là một giải pháp tốt, khôn ngoan, hữu hiệu nhất, phòng và chữa tuyệt gốc căn bệnh “thất tình”.
Nếu chúng ta khôn khéo, mỗi thứ toại ý hay nghịch lòng đến với ta, ta đều dung nạp, chất chứa, vô tình mảnh đất tâm ta sẽ thành bãi rác đáng kinh tởm. Thiết nghĩ, chúng ta nên tương kế tựu kế, bất cứ thứ gì thiện ác tốt xấu, thuận nghịch lãng vãng tìm đến, ta nên bình tĩnh, khách quan, quan sát nó, xem diễn biến nó thế nào, không thêm tạo tác ý khen chê, thương ghét, tựa như người xem phim theo dõi diễn biến sự việc, nhất định sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống. Xa hơn, chúng ta tiến đến “vô tâm” như mặt nước hồ thu, tất cả chim trời, mây bay, gió thoảng đi ngang qua nó vẫn im bóng, nhưng qua rồi thì thôi, không để lại dấu vết nào. Dần dần, tâm ta lắng đọng, biến khổ nạn thành an vui, đổi bệnh tật thành sức khoẻ, tự tại.
Có người bảo “nói thì dễ mà làm mới khó”. Đúng vậy, phải nói là quá khó, bởi vì đối phó với thứ bệnh vô hình, nó vi tế, không hành tung, nhưng phát tác dụng rất đáng sợ, làm sao dễ được. Đòi hỏi ta phải nỗ lực, có ý chí, tích cực tự cứu lấy, đừng hy vọng ở phương thuốc hay vị thầy nào giúp được.
Ngược lại, nếu chúng ta cứ chấp nhặt, mặc cho thất tình dẫn dắt ta vào thế giới vô định mịt mù ta sẽ ra sao?
Nếu ta thất bại trong tình trường, trong nền kinh tế hay bệnh tật… mà ta ngồi rầu rĩ than thân trách phận, liệu có giải quyết được gì không? hay chỉ thêm đau khổ và mau đi đến tàn rụi và chết chóc.
Rất nhiều người biết mình bị bệnh ngặt nghèo, lòng lo sợ không nguôi, tinh thần suy sụp, vô tình tạo điều kiện cho bệnh tật tấn công. Cơ thể kém đề kháng và bệnh phát như ong vỡ tổ, rồi kết quả là đã chết nhanh hơn dự định.
Một số ít khác có nghị lực, gan dạ, bình tĩnh quan sát diễn biến của bệnh, thưởng thức cái chết từ từ như thế nào. Cuối cùng họ vượt qua, vẫn vui sống đến ngày nay, bệnh cũng không tiến triển.
Kiếp người không ai không bị khổ nạn, bệnh tật và gặp nhiều nghịch cảnh. Cả thế giới đều bình đẳng, đều như vậy, nó là di sản chung của nhân loại, đâu phải dành cho cá nhân nào.
Thế nên chỉ có liều thuốc “buông bỏ” không tham đắm, không cố chấp, cái gì đến cứ đến, cái gì đi cứ đi. Tâm ta rỗng rang đâu có chỗ cho cho đau khổ và bệnh tật trú ngụ.
Không những giải pháp “buông bỏ” rất hữu hiệu với tâm bệnh mà vẫn có công dụng với thân bệnh.
Như vậy, ta đã dùng liều thuốc hảo hạng, không trị mà trị. Khi mảnh đất tâm hồn không còn những thứ cỏ độc, gai góc, chắc chắn sức khoẻ và trí tuệ sẽ có cơ hội nẩy mầm và lớn mạnh. Chúng ta được dịp chia sẻ những kinh nghiệm hạnh phúc, vui sống đến những người thân và tất cả mọi người.

Trần Văn Thoại

Ứng dụng thuyết âm dương ngũ hành trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Âm dương ngũ hành là học thuyết vừa để lý giải vừa để ứng dụng các hiện tượng trong thiên nhiên và đời sống con người. Bài viết này xin được giới thiệu việc ứng dụng thuyết Âm dương ngũ hành của Danh y Hải Thượng Lãn Ông trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.



Thiên thiên và hậu thiên
Căn cứ vị trí bát quái trong Hậu thiên đồ (hình H1), Danh y Hải Thượng Lãn Ông xây dựng nên thuyết “Tâm thận” (ứng với hai quái Ly – Khảm) và phương pháp dùng hai bài Lục vị và Bát vị để bổ Thuỷ, Hoả làm gốc.
Trong Y học cổ thì danh từ “Tiên thiên” là khí huyết của cha mẹ khi con người mới được thụ thai chưa hình thành, còn danh từ “Hậu thiên” là khi con người đã hình thành được nuôi dưỡng. Vì vậy khi nói đứa trẻ “Tiên thiên bất túc” là nói đứa bé khi sinh ra ốm yếu do khí huyết của cha mẹ không đủ. Còn nói “Hậu thiên bất túc” nghĩa là đứa trẻ ốm yếu do nuôi dưỡng không tốt.
Bát quái và ngũ tạng
Hải Thượng Lãn Ông viết: “Người bắt đầu thụ thai ở mạch nhâm, ở đốt sống thứ 7. Thai ở giữa rỗng có một mầm như nhị sen thẳng, mầm ấy là cuống rốn. Nhị sen là hai thận, ở giữa hai thận là mệnh môn. Mệnh môn là cửa của sinh mệnh, là một hào dương thuộc về Hoả, đóng ở giữa hai hào âm thuộc về Thuỷ.
Mệnh môn Hoả (Một hào Dương đóng giữa hai hào Âm).

Thuỷ sinh ra Mộc mới thành Can. Mộc sinh Hoả mới thành Tâm, Hoả sinh Thổ mới thành Tỳ, Thổ sinh Kim mới thành Phế. Năm tạng Thận, Can, Tâm, Tỳ, Phế hình thành rồi tiếp theo là Lục phủ. Thận là gốc của Phủ tạng, là căn bản của 12 kinh lạc, chủ chốt của sự thu nạp khí, nguồn của Tam tiên, thân người từ đó mà hình thành.
Dựa vào sự sinh, khắc, hợp, hình của Ngũ hành, Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng lý thuyết điều trị chủ về Thuỷ, Hoả nổi tiếng theo Dịch lý “Hậu Thiên đồ” trong đó hai quái Ly – Khảm ở trục Nam - Bắc. Ly ứng với tạng Tâm chủ Hoả, Khảm ứng với tạng Thận chủ về Thuỷ. Hải Thượng viết: “Tạng Tâm thuộc về Ly, có một hào âm ở giữa hai hào dương.
Trong Tâm có máu đỏ tức là chân Âm, còn tạng Thận thuộc quẻ Khảm có hào dương ở giữa hai hào âm. Trong tạng Thận chứa màng trắng tức là chân Dương vậy. Theo Kinh dịch thì Thuỷ phải bốc hơi lên, Hoả phải chiếu xuống thì mới trôi chảy (Đây là quẻ Ký tế (có hình), Khảm trên, Ly dưới). Theo Hải Thượng Lãn Ông thì hai quả thận cũng là một “Đồ thái cực”. Giữa “Đồ thái cực” có một điểm gọi là Mệnh môn (giữa hai quả thận). Mệnh môn này là Hoả nhưng Hoả vô hình khác Hoả ở tâm (quẻ Ly) là Hoả hữu hình.
Tiên thiên đồ và Hậu thiên đồ
Trong “Tiên thiên đồ” của Kinh dịch, vị trí phương Nam chủ Hoả vốn là vị trí Hoả của quẻ Kiều là quẻ thuần Dương vì vậy trong “Hậu thiên đồ” quẻ Ly thay thế vị trí quẻ Kiều, Hoả Hậu thiên bắt nguồn từ Hoả Tiên thiên.
Hải Thượng phân biệt “Hoả Hậu thiên” với “Hoả tiên thiên” như sau: “Người sinh ra ở Hộ Dần mà Dần là mẹ đẻ của Hoả (Mộc sinh Hoả), Hỏa là gốc để sinh ra mệnh”. Từ đó ông đi đến áp dụng vào điều trị bằng hai bài thuốc “Bổ Thuỷ Hoả” tức là Lục vị và Bát vị rồi gia giảm để chữa nhiều căn bệnh khác nhau.
Chú giải
Vòng trong là Tiên thiên bát quái
Vòng ngoài là Hậu thiên bát quái
Như vậy cùng trục Nam – Bắc, nếu sử dụng Tiên thiên bát quái thì nó là Càn – Khôn còn dùng Hậu thiên bát quái nó là Ly Khảm. Bản chất của Nam là Hoả và Bắc là Thuỷ do vậy nói Hoả Hậu thiên bắt nguồn từ Hoả tiên thiên là chính xác.

Những nét cơ bản về châm cứu chữa bệnh trong Nội kinh, Nạn kinh (kỳ 1)

Châm cứu chữa bệnh là phương pháp điều trị có  cơ  sở  lí  luận  (kinh  lạc,  huyệt  khí  gắn  liền với tạng phủ chi thể); có công vụ riêng (kim, ngải), có cách châm cụ thể với tác dụng và cơ chế  tác  dụng  tuy  đơn  giản  song  vẫn  chỉ  đạo cho việc dùng châm cứu chữa các bệnh cụ thể với tên gọi cổ.

Châm cứu chữa bệnh là phương pháp điều trị có  cơ  sở  lí  luận  (kinh  lạc,  huyệt  khí  gắn  liền với tạng phủ chi thể); có công vụ riêng (kim, ngải), có cách châm cụ thể với tác dụng và cơ chế  tác  dụng  tuy  đơn  giản  song  vẫn  chỉ  đạo cho việc dùng châm cứu chữa các bệnh cụ thể với tên gọi cổ.



Y học cổ truyền cho rằng: cơ thể  gồm có lục phủ, ngũ tạng, ngũ  thế (mạch, da, cơ, cân, cốt), ngũ qua (thị giác – mắt, thính giác – tai, khứu giác – mùi, vị giác – lưỡi, xúc giác –  da), cửu khiếu (2 lỗ mũi, 2 lỗ mắt, 2 lỗ tai, miệng, tiền âm, hậu âm). Cơ thể được nuôi dưỡng bằng huyết  khí tuần hoàn trong kinh mạch. Cơ thể hoạt động được nhờ nguyên khí chân khí, ở tạng phủ được gọi là khí của tạng phủ, ở kinh mạch là kinh khí, mạch khí, ở huyệt là thần khí. Khi khí thăng giáng xuất nhập bình thường (khí hòa) thì ngũ tạng yên, huyết khí hòa lợi, tinh thần yên tĩnh Khi huyết hòa thì kinh mạch thông sướng, tuần hoàn không bị trở ngại âm dương được duy trì, cân cốt được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi.Do khí huyết không điều hòa nên có thể sinh bách bệnh, vì vậy phải làm cho kinh toại (các ống mạch) thông sướng. Cơ chế sinh bệnh cơ bản là có tà khí tác động và chính khí hư (tà khí thịnh tắc thực, tinh khí đoạt tắc hư). Nguyên tắc chữa bệnh là: Cóhư thì bổ hư, có thực thì tả thực. Vận dụng vào châm cứu thì nguyên tắc đó là: “Phàm dụng châm giả, hư tắc thực chi (hư thì làm cho đầy đủ), mã tắc tiết chi (đầy thì làm cho vơi đi), uyển trần tắc trừ chi (ứ trệ lâu thì loại bỏ đi), thịnh tắc hư chi (thịnh thì bỏ phần thịnh đi) (Linh khu).
Thủ thuật châm cứu
Thủ thuật cơ bản là châm kim vào huyệt đại diện cho tổ chức bệnh, tiến mũi kim đến sát đúng nơi có bệnh, trên cơ sở đó làm thủ thuật bả (để bổ hư), hoặc tả (để tả thực). Mục đích của thủ thuật bổ tả là để “điều khí”, “khí hòa thì huyết hòa, huyết hòa thì kinh mạch thông sướng âm dương được duy trì, gân xương được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi”.Để tiến hành châm cứu cần xem bệnh ở đâu để đưa mũi kim đến đó với mục đích là “bệnh ở mạch thì điều huyết (mạch là phủ của huyết), chỉ châm đến sát mạch, không được châm nông vì làm tổn thương da, không được châm sâu vì gây tổn thương cơ nhục; bệnh ở huyết thì điều lạc (nơi huyết lưu hành) chỉ châm đến lạc, bệnh ở khí thì điều vệ (vệ là chủ của khí), chỉ châm ở da, không châm sâu làm tổn thương cơ nhục, bệnh ở tấu lý không châm sâu làm tổn thương da, bệnh ở nhục thì điều phân nhục, chỉ châm đến phân nhục, không châm nông làm tổn thương mạch, không châm sâu làm tổn thương cân, bệnh ở cân thì điều cân, chỉ châm đến sát cân, không châm nông làm tổn thương cơ nhục, không châm sâu làm tổn thương cốt, bệnh ở cốt thì điều cốt, chỉ châm đến sát xương, không châm nông làm tổn thương cân, không châm sâu làm tổn thương tủy, người có chứng tý có đau ở nhiều chỗ khác nhau, châm vào chỗ đau và sâu đến phân nhục” (Tố vấn). Tóm lại là: “bệnh có ở nông, ở sâu, bệnh ở nông châm nông, bệnh ở sâu châm sâu và châm đến nơi có bệnh là đúng nhất. Châm quá sâu sẽ gây nội thương, châm quá nông sẽ gây ứ trệ ở ngoài tà khí nhân lúc có ứ trệ này mà vào lý sâu hơn. Châm nông châm sâu không đúng, không những không chữa được bệnh, ngược lại thành đại họa, nếu châm sâu quá vào ngũ tạng thì sinh đại bệnh” (Tố vấn).
Chọn huyệt
Cần chọn huyệt đại diện cho nơi bị bệnh. Cụ thể:
* Chữa bệnh tạng phủ: chọn huyệt nguyên của kinh tạng phủ đó, chọn huyệt du mộ tạng phủ đó, chọn huyệt ngũ du có liên quan đến tạng phủ đó.
* Chữa bệnh của phủ: Chọn huyệt nguyên, huyệt du mộ, huyệt ngũ du có liên quan đến phủ bị bệnh. Ngoài ra còn chọn huyệt hợp có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của mạch: Chọn huyệt trên đường kinh mạch có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của cân: Chọn huyệt hội của cân, chọn huyệt a thị.
* Chữa bệnh của tủy, xương, khí, huyết: chọn huyệt hội của chúng trong bát hội huyệt.
Tiến trình châm
* Trước hết, phải trị thần trước, thần yên thì khí dễ hành.
*Tiếp theo làm thao tác tiến kim đạt đắc khí rồi làm thủ thuật bổ tả. Bổ để làm chính khí vượng trở lại, dùng cho chứng hư, thủ thuật bổ làm như sau:
Tiến kim từ từ (chính khí sẽ vượng lên, rút kim nhanh (chính khí không tiết ra ngoài).
Tả để làm tà khí sơ tiết ra ngoài, dùng cho chứng thực, tiến hành như sau: Tiến kim nhanh, rút kim từ từ (Tà khí theo kim tiết ra ngoài, tà khí từ thịnh chuyển thành hư).Chích xuất huyết để loại trừ tà khí ứ trệ (tà khí theo huyết ra ngoài).
* Khi châm đã đắc khí thì phải làm thủ thuật bổ tả ngay. Không được để kinh khí thay đổi rồi mới bổ tả. Châm xong bệnh không đỡ mà nặng lên là đã bỏ không dùng phép bổ tả (Tố vấn).
Không châm cho những trường hợp hiện đang có mạch loạn, khí tán, dinh vệ không bình thường, tuần hoàn của khí huyết không thuận lợi như: sau giao hợp, đang say rượu, đang giận dữ, đang mệt nhọc, vừa ăn no, đang đói quá, đang khát quá, đang lo sợ quá, vừa đi đường xa tới.
Không châm vào ngũ tạng, lục phủ, não, tủy, gân, mạch lớn,… vì có thể gây tai biến, tàn tật, có khi chết người.
Châm cứu dùng để chữa các bệnh sau
* Bệnh hàn nhiệt (ở da, cơ, tì, vị, thận, tâm) bằng huyệt chữa bệnh nhiệt.
* Ngũ khí bị loạn (tâm khí, phế khí, trường vị khí, khí ở đầu, khí ở chân tay) bằng huyệt ngũ du, huyệt nguyên.
* Chứng mạch trướng, da trướng bằng huyệt kinh vị và huyệt tại chỗ.
* Bệnh tà vào ngũ tạng bằng huyệt mộ ở bụng, huyệt du ở lưng, huyệt ngũ du.
* Chứng quyết đầu thống (khí của đường kinh nghịch lên đầu gây đau đầu) bằng huyệt của đường kinh đó, nếu có hiện tượng huyết ứ thì chích xuất huyết.
* Chứng quyết tâm thống (tâm có huyết ứ, hoặc khí ở các tạng phủ thận, tì, vị, can, phế nghịch lên tâm làm tâm bị đau) bằng huyệt của tâm và huyệt của tạng có liên quan.
* Chứng ngược (sốt rét) do ngược tà vào 6 kinh ở chân, vào ngũ tạng bằng các huyệt kinh có bệnh, châm để chặn cơn và châm sau khi dứt cơn là có hiệu quả nhất.
* Bệnh thủy thũng bằng 57 huyệt nơi thủy khí lưu trú ở các kinh âm.
* Chứng đau thắt lưng do tà khí vào 6 kinh dương ở chân bằng huyệt có liên quan với kinh mạch bị bệnh.
* Bệnh giản cuồng bằng những phương huyệt cụ thể.
* Tạp bệnh bằng các huyệt có liên quan đến kinh mạch và các cơ quan bị bệnh.
* Mười hai bệnh lý (ngáp, nấc, nghẹn, ợ hơi, hắt hơi, liệt mềm, buồn rầu, khóc chảy nước mắt, thở dài, chảy dãi, tai ù, tự cắn lưỡi) do tà khí tác động vào không khiếu và nơi bị tác động đang ở trạng thái hư, về nguyên tắc phải châm bổ.
Bị chú: Kinh lạc, huyệt khí, trong châm cứu học tương đồng với tổ chức nào của giải phẫu sinh lý học hiện đại. Châm cứu chữa bệnh khác lý liệu pháp hiện đại như thế nào, xin xem các bài tiếp theo.
GS Hoàng Bảo Châu