Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

áp-xe tuyến vú

Sưng tuyến vú là bệnh thường gặp ở các sản phụ thời kỳ đang cho con bú, nhất là khi nhũ nhi mới chừng 1-2 tháng tuổi.

Tuyến vú bị tắc nghẽn, sữa ứ đọng cộng thêm điều kiện vệ sinh thiếu sạch sẽ hoặc do trẻ bú làm tổn thương đầu vú dẫn đến viêm tuyến vú. Bệnh tiến triển nhanh kèm theo phát nóng, phát sốt, bầu vú sưng to, sờ nắn thấy có cục kết rắn, sưng, nóng, đỏ, đau và sau có thể mưng mủ. Y học hiện đại gọi là bệnh áp-xe (abcèse) tuyến vú. Đông y gọi là chứng “nhũ ung” hay “nhũ nham” nguyên nhân do can khí uất kết, vị khí ủng trệ, nhiệt độc tích đọng lại hoặc do cảm nhiễm ngoại tà mà sinh ra.

Trường hợp bị chứng tắc sữa gây nên nhọt vú dùng một trong các bài thuốc sau kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng nơi bầu vú, nặn sữa ra cho chóng thông.

- Bối mẫu sao vàng tán thành bột, uống mỗi lần 4g, ngày 3 lần hòa với nước sôi.

- Dùng bồ hoàng cả cây, cả lá giã nát đắp lên vú kết hợp sắc lấy nước mà uống sẽ khỏi.

Trường hợp nhọt vú mới phát:

- Trích cam thảo 12g sắc đặc uống, kết hợp với hút sữa nơi núm vú bị đau vài lần sẽ khỏi.

- Bồ công anh 40g, dây kim ngân 80g, bỏ vào ấm đất đun lấy một bát nước thật đặc, rồi uống.

- Bồ công anh, thiên hoa phấn, liên kiều, bối mẫu, bốn vị đồng lượng 4g, thanh bì 6g, sắc uống.

Khi nhọt mọc ở vú sưng đau, có thể dùng thuốc bôi trực tiếp vào đầu vú:

- Đan sâm 80g, thược dược 80g, tán thành bột rồi ngâm dấm một đêm, dùng 200g mỡ lợn đổ thuốc vào nấu thành cao, lọc bỏ bã. Dùng cao thuốc này bôi vào vú ngày 2-3 lần.

- Chi ma (hạt vừng) sao đen, nghiền nhỏ trộn với dầu hoả thành bột nhão, bôi vào vú.

- Xạ can, huyền thảo bằng lượng tán thành bột hoà thêm một ít mật, bôi vào chỗ đau.

- Hoàng liên 10g, binh lang (hạt cau) 10g, hai thứ đem tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà, bôi vào nơi vú sưng đau, ngày 2-3 lần, liên tục vài ngày.

Trường hợp mưng mủ lâu không khỏi:

Toàn qua lâu (vỏ và hạt quả) 30g, thiên hoa phấn, hoàng cầm, liên kiều, thanh bì, tạo giác thích, ngưu bàng tử, sài hồ, chi tử, trần bì mỗi thứ 9g, kim ngân hoa 30g, bồ công anh 25g, xích thược 10g, sinh cam thảo 5g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần.

Để phòng bệnh, sản phụ phải luôn chú ý giữ gìn bầu vú sạch sẽ, cần lau, rửa vệ sinh trước và sau khi cho con bú, loại bỏ phần sữa thừa khi trẻ bú không hết, tránh ứ đọng lại. Bên cạnh việc quan tâm tới ăn uống, chế độ dinh dưỡng hằng ngày phải luôn tạo sự thoải mái trong sinh hoạt, cuộc sống. Nơi ăn ở phải thoáng mát, tránh ẩm ướt, nóng bức về mùa hè hoặc thiếu ấm áp về mùa đông.
Theo SKDS

Ứng dụng thuyết âm dương ngũ hành trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Âm dương ngũ hành là học thuyết vừa để lý giải vừa để ứng dụng các hiện tượng trong thiên nhiên và đời sống con người. Bài viết này xin được giới thiệu việc ứng dụng thuyết Âm dương ngũ hành của Danh y Hải Thượng Lãn Ông trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.



Thiên thiên và hậu thiên
Căn cứ vị trí bát quái trong Hậu thiên đồ (hình H1), Danh y Hải Thượng Lãn Ông xây dựng nên thuyết “Tâm thận” (ứng với hai quái Ly – Khảm) và phương pháp dùng hai bài Lục vị và Bát vị để bổ Thuỷ, Hoả làm gốc.
Trong Y học cổ thì danh từ “Tiên thiên” là khí huyết của cha mẹ khi con người mới được thụ thai chưa hình thành, còn danh từ “Hậu thiên” là khi con người đã hình thành được nuôi dưỡng. Vì vậy khi nói đứa trẻ “Tiên thiên bất túc” là nói đứa bé khi sinh ra ốm yếu do khí huyết của cha mẹ không đủ. Còn nói “Hậu thiên bất túc” nghĩa là đứa trẻ ốm yếu do nuôi dưỡng không tốt.
Bát quái và ngũ tạng
Hải Thượng Lãn Ông viết: “Người bắt đầu thụ thai ở mạch nhâm, ở đốt sống thứ 7. Thai ở giữa rỗng có một mầm như nhị sen thẳng, mầm ấy là cuống rốn. Nhị sen là hai thận, ở giữa hai thận là mệnh môn. Mệnh môn là cửa của sinh mệnh, là một hào dương thuộc về Hoả, đóng ở giữa hai hào âm thuộc về Thuỷ.
Mệnh môn Hoả (Một hào Dương đóng giữa hai hào Âm).

Thuỷ sinh ra Mộc mới thành Can. Mộc sinh Hoả mới thành Tâm, Hoả sinh Thổ mới thành Tỳ, Thổ sinh Kim mới thành Phế. Năm tạng Thận, Can, Tâm, Tỳ, Phế hình thành rồi tiếp theo là Lục phủ. Thận là gốc của Phủ tạng, là căn bản của 12 kinh lạc, chủ chốt của sự thu nạp khí, nguồn của Tam tiên, thân người từ đó mà hình thành.
Dựa vào sự sinh, khắc, hợp, hình của Ngũ hành, Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng lý thuyết điều trị chủ về Thuỷ, Hoả nổi tiếng theo Dịch lý “Hậu Thiên đồ” trong đó hai quái Ly – Khảm ở trục Nam - Bắc. Ly ứng với tạng Tâm chủ Hoả, Khảm ứng với tạng Thận chủ về Thuỷ. Hải Thượng viết: “Tạng Tâm thuộc về Ly, có một hào âm ở giữa hai hào dương.
Trong Tâm có máu đỏ tức là chân Âm, còn tạng Thận thuộc quẻ Khảm có hào dương ở giữa hai hào âm. Trong tạng Thận chứa màng trắng tức là chân Dương vậy. Theo Kinh dịch thì Thuỷ phải bốc hơi lên, Hoả phải chiếu xuống thì mới trôi chảy (Đây là quẻ Ký tế (có hình), Khảm trên, Ly dưới). Theo Hải Thượng Lãn Ông thì hai quả thận cũng là một “Đồ thái cực”. Giữa “Đồ thái cực” có một điểm gọi là Mệnh môn (giữa hai quả thận). Mệnh môn này là Hoả nhưng Hoả vô hình khác Hoả ở tâm (quẻ Ly) là Hoả hữu hình.
Tiên thiên đồ và Hậu thiên đồ
Trong “Tiên thiên đồ” của Kinh dịch, vị trí phương Nam chủ Hoả vốn là vị trí Hoả của quẻ Kiều là quẻ thuần Dương vì vậy trong “Hậu thiên đồ” quẻ Ly thay thế vị trí quẻ Kiều, Hoả Hậu thiên bắt nguồn từ Hoả Tiên thiên.
Hải Thượng phân biệt “Hoả Hậu thiên” với “Hoả tiên thiên” như sau: “Người sinh ra ở Hộ Dần mà Dần là mẹ đẻ của Hoả (Mộc sinh Hoả), Hỏa là gốc để sinh ra mệnh”. Từ đó ông đi đến áp dụng vào điều trị bằng hai bài thuốc “Bổ Thuỷ Hoả” tức là Lục vị và Bát vị rồi gia giảm để chữa nhiều căn bệnh khác nhau.
Chú giải
Vòng trong là Tiên thiên bát quái
Vòng ngoài là Hậu thiên bát quái
Như vậy cùng trục Nam – Bắc, nếu sử dụng Tiên thiên bát quái thì nó là Càn – Khôn còn dùng Hậu thiên bát quái nó là Ly Khảm. Bản chất của Nam là Hoả và Bắc là Thuỷ do vậy nói Hoả Hậu thiên bắt nguồn từ Hoả tiên thiên là chính xác.

Thống kinh

Thống kinh hay đau bụng kinh là bệnh lý phụ khoa rất thường gặp. Có thể đau trước, trong và sau hành kinh. Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y trị chứng bệnh này theo từng thể lâm sàng trước và trong khi có kinh.

Thống kinh hay đau bụng kinh là bệnh lý phụ khoa rất thường gặp. Có thể đau trước, trong và sau hành kinh. Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y trị chứng bệnh này theo từng thể lâm sàng trước và trong khi có kinh.

Đau trước khi hành kinh:
Có 2 thể: thể huyết nhiệt và thể huyết ứ.
Thể huyết nhiệt: Trước lúc hành kinh, người bệnh đau bụng, đau lan ra hai bên bụng dưới, kinh nguyệt trước kỳ, lượng kinh nhiều, sắc kinh đỏ tím, đặc không có mùi hôi, môi đỏ, miệng đỏ, khô, tâm phiền, ít ngủ, táo bón, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ rêu vàng. Mạch hoạt sác, huyền sác. Dùng bài thuốc: Sinh địa 16g, huyền sâm 16g, địa cốt bì 12g, đào nhân 8g, ích mẫu 20g, uất kim 12g, hương phụ 8g, thanh bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể huyết ứ: Đau trước hoặc mới hành kinh, bụng dưới đau, kinh ít, máu tím đen, ra huyết cục, khi kinh ra thì đỡ đau. Nếu có ứ huyết nhiều thì sắc mặt tím, da khô, miệng khô không muốn uống nước, lưỡi đỏ có điểm tím, rêu lưỡi bình thường. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: Cao ích mẫu mỗi ngày uống 20-30g.

Bài 2: Ích mẫu 16g, đào nhân 8g, uất kim 8g, xuyên khung 8g, ngưu tất 8g, hương phụ 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đau khi hành kinh:

Có 2 thể: thể khí trệ và thể hàn thực.

Thể khí trệ: Bụng dưới trướng đau, kinh nguyệt ít, lúc trướng căng thì ngực sườn đầy tức lợm giọng, rêu lưỡi mỏng.Mạch huyền. Dùng một trong các bài:

Bài 1:
 Hương phụ 8g, ô dược 8g, sa nhân 8g, thanh bì 6g, ích mẫu 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2:
 Ô dược 8g, sa nhân 8g, hương phụ 8g, huyền hồ 8g, mộc hương 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể hàn thực:
 Đang hành kinh bị lạnh, cảm mạo phong hàn gây đau bụng kinh. Biểu hiện: nhức đầu, sợ lạnh, mỏi lưng, đau hạ vị, lạnh, chườm nóng thì đỡ đau, lượng kinh  ít, màu đỏ sẫm có cục. Dùng một trong các bài:

Bài 1: Quế chi, bạch chỉ càn cương, bán hạ chế, uất kim đều 8g, đan sâm 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Đương quy, đan bì, bán hạ chế mạch môn, ngô thù đều 8g, phục linh, tế tân, phòng phong, cao bản, càn cương mộc hương, cam thảo đều 4g, ô dược 8g, thương truật 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Theo SKDS

viêm khớp dạng thấp

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nắng mưa, nhiệt độ, độ ẩm, khí hậu luôn thay đổi nên số người mắc các bệnh về khớp rất nhiều. Triệu chứng chung là sưng nóng đỏ đau các khớp, mưa lạnh, ẩm thấp thì đau tăng hoặc tái phát, trở thành bệnh mạn tính.



Nguyên nhân bên ngoài theo Đông y là do phong hàn thử thấp xâm nhập cơ thể làm kinh lạc trở trệ, khí huyết mất thông sướng, cân cơ co cứng… Nguyên nhân bên trong là do can thận và khí huyết hư suy, khả năng phòng vệ của cơ thể yếu, từ đó gây ra bệnh.

Theo Đông y, viêm khớp dạng thấp có 2 thể cấp tính và mạn tính. Sau đây là một số bài thuốc Nam điều trị theo từng thể bệnh.

Viêm khớp cấp tính:

Các khớp sưng đau, người sốt, toàn thân mệt mỏi, nhiều khi kèm theo viêm họng, đau họng. Khớp sưng đau tăng lên khi bị lạnh và ẩm ướt. Phép trị: khu phong tán hàn, chống viêm, chỉ thống. Dùng một trong các bài:

Bài 1: rễ bưởi bung 16g, thổ phục linh 20g, cà gai leo 12g, nam tục đoạn 20g, hà thủ ô 16g, xương bồ 16g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Bài 2: xuyên khung 10g, cỏ xước 10g, tất bát 12g, kê huyết đằng 20g, ngải diệp 16g, tang ký sinh 16g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, ngũ gia bì 16g, cẩu tích 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Bài 3: nam tục đoạn, ngũ gia bì, ngải diệp, trinh nữ, cối xay, đơn hoa, kê huyết đằng, xa tiền thảo mỗi vị 24g. Ngày dùng 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Viêm khớp mạn tính:

Đau nhức các khớp, ổ khớp không sưng, người không sốt, hạn chế vận động, đau tăng lên khi thời tiết thay đổi, có biểu hiện cứng khớp, thường gặp ở người cao tuổi. Phép trị: trừ phong, lợi thấp kết hợp với bổ can thận và dưỡng huyết. Dùng một trong các bài:

Bài 1: đương quy 12g, bạch thược 12g, kê huyết đằng 20g, trinh nữ 20g, bưởi bung 20g, hy thiêm 20g, đinh lăng 20g, nam tục đoạn 20g, quế 8g, thiên niên kiện 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. 15 - 17 ngày là một liệu trình.

Bài 2: thổ phục linh 20g, trinh nữ 20g, xương bồ 16g, ngải diệp 16g, kinh giới 16g, hà thủ ô chế 16g, kê huyết đằng 20g, tất bát 12g, đương quy 12g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

- Nếu đau nhiều không ngủ được, gia: hắc táo nhân 16g, viễn chí 12g, lạc tiên 20g.

- Thường bị lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa, gia: bạch truật 16g, sơn thù 10g, lương khương 12g.

- Ăn uống kém, cơ thể suy nhược, gia: đại táo 5 quả, hoàng kỳ 16g, sinh khương 6g, nhân sâm 10g.

- Ho hen, khó thở, mắc đờm, gia: tía tô 12g, cát cánh 12g, bán hạ 10g, hậu phác 10g.

Kết hợp uống thuốc sắc với các thuốc xoa bóp ngoài như: quế 20g, thiên niên kiện 20g, hoa hồi 20g, bạch chỉ 24g, xuyên khung 20g, xương bồ 30g, cao lương khương 20g, gừng khô 20g, trần bì 20g, tô mộc 20g. Các vị thái nhỏ, bỏ vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm. Sau 10 ngày là dùng được. Dùng  bông tẩm thuốc xoa vào những nơi bị sưng đau.
Theo SKDS

Điều trị các chứng đâu ở đầu mặt bằng thuốc đông y

Đầu ở vị trí cao nhất trong thân người. Khí thanh dương của tạng phủ dâng lên đầu, ba kinh dương ở tay và ba kinh dương ở chân đều gặp nhau trên đầu, mạch Đốc – tổng quản phần dương thân thể cũng đi đến đỉnh đầu. Vì vậy mà Đông y cho rằng đầu là nơi hội tụ của các phần dương.

Đầu ở vị trí cao nhất trong thân người. Khí thanh dương của tạng phủ dâng lên đầu, ba kinh dương ở tay và ba kinh dương ở chân đều gặp nhau trên đầu, mạch Đốc – tổng quản phần dương thân thể cũng đi đến đỉnh đầu. Vì vậy mà Đông y cho rằng đầu là nơi hội tụ của các phần dương.

Do đầu ở vị trí cao và thuộc dương , trong các nguyên nhân gây bệnh trong–ngoài (nội nhân, ngoại nhân) có phong tà và hoả khí  rất dễ gây ra các bệnh ở bộ phận đầu, bởi vì tính của hoả bốc lên và trên đỉnh đầu chỉ có phong tà  mới có thể đến được. Lại do nội tạng suy yếu, thanh khí không thăng, hoặc gió lạnh xâm nhập, dương khí uất trệ đều làm xuất hiện chứng đau đầu do hư hàn.  Ngoài ra, não là bể tuỷ (não vi tuỷ hải), nếu không đầy đủ thì ảnh hưởng đến tinh lực toàn thân. Sắc diện bộ mặt cũng phản ánh được tình hình biến hoá của bệnh tật trong cơ thể.  Vì vậy, Chương này bao quát các chứng đau đầu do các nguyên nhân phong hàn, phong nhiệt, phong thấp, can dương, thận hư, huyết hư, đàm trọc, huyết ứ dẫn đến, ngoài ra còn có các chứng đau sưng đầu mặt, đau nửa đầu, đau gờ chân mày, sưng quai bị, đau đỉnh đầu (cả thẩy 13 chứng).  Trên lâm sàng cần nắm rõ các chủ chứng , phân biệt rõ nguyên nhân trong–ngoài mới tiến hành trị liệu.
Theo Tây y, chứng đau đầu có thể xuất hiện trong các bệnh chủ như cao huyết áp, viêm xoang mũi, thần kinh chức năng, di chứng chấn động não…đều có thể tham khảo điều trị.

1.ĐAU ĐẦU DO PHONG HÀN.
Phong hàn thâm nhập thể biểu (bề ngoài) khiến dương khí bảo vệ mặt ngoài bị ngăn cách, kinh mạch trở ngại, khí thanh dương không thăng lên, khí huyết ngưng trệ mà phát sinh đau đầu. Điều trị dùng phép sơ phong tán hàn.
Chủ chứng: Đau đầu phát tác liên tục, đau lan ra cổ gáy, sợ gió, sợ lạnh. Gặp gió đau tăng, thích trùm kín đầu, miệng không khát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù hoặc Phù– Khẩn.
Trị liệu: Xuyên khung trà điều tán gia giảm: Xuyên khung 10g, Khương hoạt 5g, Kinh giới 6 g, Phòng phong 6g, Bạch chỉ 6g, Tế tân 3g, Mạn kinh tử 10g, Cam thảo 6g.  Sắc lấy nước uống.

2. ĐAU ĐẦU DO PHONG NHIỆT.
Phong nhiệt bên ngoài xâm nhập vào, da thịt không được thư thái thoải mái, tính của hoả ưa bốc lên, khuấy động các khiếu ở trên, khí huyết nghịch loạn mà dẫn đến đau đầu.  Điều trị dùng phép sơ phong thanh nhiệt.
Chủ chứng: Đầu đau trướng căng, thậm chí như búa bổ, phát sốt, sợ gió, mặt hồng, mắt đỏ, miệng khát muốn uống nước, táo bón, nước tiểu đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Phù -Sác.
Trị liệu: Khung chỉ thạch cao thang gia giảm: Sinh thạch cao 30g, Cúc hoa 9g, Xuyên khung 9g, Bạc hà 6g, Mạnh kinh tử 10g.  Sắc uống.
Nếu đại tiện bí kết, miệng mũi sinh lở loét do khí các tạng phủ không thông, cần thông phủ tiết nhiệt bằng các thuốc đắng lạnh giáng hoả, nên gia thêm Đại hoàng 10g, Hoàng liên 10g và bài thuốc trên.

3. ĐAU ĐẦU DO PHONG THẤP.
Phong thấp từ ngoài xâm nhập vào làm dương khí bị ngăn trở, che phủ các khiếu ở trên, khí thanh dương không thăng lên được gây nên chứng đau đầu. Điều trị dùng phép khu phong thắng thấp.
Chủ chứng: Đau đầu như bưng, tay chân mình mẩy nặng nề khó chịu, ngây ngây bức rức trong ngực, tiểu tiện không thông, đại tiện nhão nhoẹt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu.
Trị liệu: Khương hoạt thắng thấp thang gia giảm: Khương hoạt 10g, Độc hoạt 6g, Xuyên khung 10g, Mạn kinh tử 10g, Phòng phong 10g, Cảo bản 6g, Bạch chỉ 6g, Tế tân 3g, Sắc uống.

4. ĐAU ĐẦU DO CAN DƯƠNG.
Do tình chí bất hoà, can mất khả năng điều đạt, can khí uất kết, khí uất hoá hoả, lâu ngày hao tổn tân dịch, can âm bất túc, can mất tính nhu nhuận ẩm thấm; hoặc do phòng lao thương tinh, thận thuỷ bất túc,thuỷ không hàm dưỡng được mộc, khiến cho can thận âm khuy tổn, cả hai trường hợp trên đều dẫn tới can dương thượng cang (mạnh vượt lên).  Đông y cho rằng can tạng thuộc phong mộc, tính hoả bốc lên, phong hoả gặp nhau thì bùng cháy, quấy nhiễu các cơ quan bên trên gây nên đau đầu thể can dương.  Điều trị nên bình can tiềm dương.
Chủ chứng: Đau đầu hoa mắt, đau xiết kéo dài, đau thiên về hai bên hoặc đau xiên lên đỉnh đầu, hay buồn bực dễ cáu giận, ngủ không an giấc, mặt hồng, mắt đỏ, miệng đắng, có khi đau cả hông sườn, lưỡi hồng, rêu vàng mỏng, mạch Huyền hoặc Huyền Sác.
Trị liệu: Thiên ma câu đằng ẩm gia giảm: Thiên ma 10g, Câu đằng 12g, Sinh thạch quyết minh 15g, Sinh long cốt 15g, Sinh mẫu lệ 15g, Sơn chi 10g, Long đởm thảo 12g, Cúc hoa 10g, Đỗ trọng 12g, Hoài ngưu tất 12g, Phục thần 10g, Sắc uống.

5. ĐAU ĐẦU DO THẬN HƯ.
Do bẩm sinh bất túc, phòng lao quá độ khiến thận tinh khuyết tổn,.  Thận chủ cốt sinh tuỷ, tuỷ thông lên não, não là bể của tuỷ. Thận tinh giảm thiểu lâu ngày thì bể tuỷ rỗng không sinh đau đầu. Nếu thận âm khuy tổn lâu kéo theo thận dương suy thì khí thanh dương không khai triển lên trên mà phát chứng đau đầu. Điều trị nên bổ thận điền tinh.
Chủ chứng: Đầu khi đau khi không, khi đau kiêm hoa mắt chóng mặt, lưng gối đau ê bủn rủn, đàn ông di tinh, đàn bà đới hạ, ù tai, ít ngủ, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm-tế vô lực.
Trị liệu: Đại bổ nguyên tiễn gia giảm: Thục địa 16g, Sơn thù nhục 10g, Sơn dược 10g, Câu kỷ tử 10g, Đỗ trọng 10g, Đương quy 10g, Nữ trinh tử 12g, Thỏ ty tử 6g, Cúc hoa 6g, Mạn kinh tử 6g.  Sắc uống.

6. ĐAU ĐẦU DO HUYẾT HƯ:
Do ăn uống không điều độ, làm lụng quá sức, hoặc sau khi bệnh khỏi, sau khi sinh tỳ vị hư nhược, sinh hoá không đầy đủ, khí huyết suy tổn, hoặc do các chứng mất máu quá nhiều; khí hư thì khí thanh dương không đi lên, huyết hư thì não bộ không được nuôi dưỡng tốt, từ đó phát sinh đau đầu. Điều trị nên dùng thuốc bổ huyết.
Chủ chứng: Đau đầu hoa mắt, sắc mặt xanh sao kém  tươi tỉnh, hồi hộp trống ngực, mỏi mệt yếu sức, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch tế-nhược.
Trị liệu: Tứ vật thang gia giảm: Sinh địa 10g, Đương quy 10g, Xuyên khung 10g, Mạn kinh tử 10g, Cúc hoa 6g, Tang thầm tử 12g, Hà thủ ô 10g, A giao 10g, Sắc uống.

7. ĐAU ĐẦU DO ĐÀM TRỌC.

Tỳ mất kiện vận, đàm trọc trở trệ, khí thanh dương không thăng lên, các khiếu ở trên bị chướng ngại gây đau đầu do đàm trọc. Điều trị dùng thuốc hoá đàm giáng nghịch, kiện tỳ hoà vị.
Chủ chứng: Đau đầu tối tăm mặt mũi, vùng ngực-chấn thuỷ đầy tức khó chịu, nôn oẹ đàm dãi, rêu lưỡi nhớt, mạch Hoạt hoặc Huyền-Hoạt.
Trị liệu: Bán hạ Bạch truât  thiên ma thang gia giảm: Bán hạ 10g, Bạch truật 15g, Thiên ma 10g, Phục linh 12g, Trần bì 6g, Mạn kinh tử 12g, Bạch tật lê 10g. Sắc uống.

8. ĐAU ĐẦU DO Ứ HUYẾT.

Đau đầu do ứ huyết phần lớn phát sinh sau chấn thương bên ngoài sọ não hoặc phụ nữ kinh hành không thông, bệnh lâu ngày nhập vào kinh lạc dẫn đến khí trệ huyết ứ, huyết ứ trở ngại mạch lạc lên não, không thông nên đau.(bất thông tắc thống). Điều trị dùng thuốc hoạt huyết hoá ứ.
Chủ chứng: Đau đầu lâu ngày không hết, có diểm đau cố định, đau như dùi đâm hoặc tiền sử có chấn thương bên ngoài đầu, lưỡi có chấm điểm ứ huyết, mạch Tế hoặc Tế -Sáp.
Trị liệu: Thông khiếu hoạt huyết thang gia giảm: Đào nhân 9g, Hồng hoa 9g, Xích thược 6g, Xuyên khung 6g, Hành 3 củ, Đương quy vĩ 10g, Sâm tam thất 6g.  Sắc uống.

9. ĐAU SƯNG ĐẦU MẶT (LÔI ĐẦU PHONG)

Đầu mặt sưng đau, bệnh phát rất nhanh, phần lớn do phong nhiệt bên ngoài công kích, đàm hoả bên trong uất lại mà phát bệnh.  Bệnh này còn có tên gọi là “Lôi đầu phong”.  điều trị nên dùng thuốc thanh nhiệt giải độc, trừ thấp hoá đàm.
Chủ chứng: Đầu mặt đau sưng nổi cục, sốt cao, sợ lạnh, phát bệnh rất nhanh, đầu đau nghe như sấm rền.
Trị liệu: Thanh chấn thang. Thiên ma 15g, Thương truật 15g, Lá sen 1 lá nguyên.  Sắc uống.

10. ĐAU NỬA ĐẦU (THIÊN DẦU THỐNG, THIÊN ĐẦU PHONG).

Chứng này đau dữ đội, bệnh thế kịch liệt, hoặc đau bên trái hoặc đau bên phải, hoặc đau liên hố mắt, hàm răng, đau dứt trở lại như người bình thường.  Chứng này đa phần do đàm hoả gây nên.  Điều trị cần phân biệt đau nửa đầu bên trái hay bên phải.
Trị liệu:
- Phương thuốc trị đau nửa đầu bên phải: Bán hạ 9g, Trần bì 9g, Phục linh 10g, Cam thảo 6g, Sa sâm 10g, Hoàng cầm 10g, Hoàng liên 9g, Xuyên khung 9g, Phòng phong 10g, Đởm tinh 6g. Sắc uống.
- Phương thuốc trị đau nửa đầu bên trái: Bán hạ 9g, Trần bì 9g, Phục linh 10g, Cam thảo 6g, Đương quy 9g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 10g, Sài hồ 15g, Bạch chỉ 15g. Sắc uống.

11.ĐAU CẠNH CHÂN MÀY (MI LĂNG CỐT THỐNG).
Chứng này thường đi kèm  trong các chứng đau đầu kinh dương minh hoặc kinh thiếu dương, nếu đơn độc xuất hiện phần lớn là do phong nhiệt bó thúc ở ngoài, khi đau không thể mở mắt ra được.
Trị liệu: Tuyến kỳ phương: Phòng phong 12g, Khương hoạt 10g, Hoàng cầm 12g, Cam thảo 10g. Sắc uống.

12. ĐAU ĐỈNH ĐẦU.
Đau tại đỉnh đầu, ngay huỵệt Bách hội, do tướng hoả vượng, theo Đốc mạch vượt lên.  Điều trị không nên phạt hoả, chỉ nên tư âm tiềm dương.  Đồng thời châm các huyệt Bách hội, Thông thiên, Côn lôn, Chí âm, Thái xung
Trị liệu: Tam tài lang gia vị: Thiên môn 9g, Thục địa 12g, Nhân sâm 9g, Mẫu lệ 15g, Quy bản 15g.  Sắc uống.

Biên dịch từ Phương đáo thống trừ  
NXB Cổ tịch Trung y, Bắc kinh 1997.

Phương pháp chữa nấc hiệu quả

Nấc là chỉ hội chứng do cơ hô hấp không thể tự khống chế mà ra. Âm thanh phát ra từ thanh đới ở giữa hầu tạo ra tiếng “nấc” do khí nghịch dâng lên. Đông y gọi là “nghịch ách” (có nghĩa là nấc). Ngẫu nhiên bị nấc thì không chữa cũng tự khỏi. Nếu bị nấc liên tục, lâu mà không khỏi thì phải chữa trị.

Nấc là chỉ hội chứng do cơ hô hấp không thể tự khống chế mà ra. Âm thanh phát ra từ thanh đới ở giữa hầu tạo ra tiếng “nấc” do khí nghịch dâng lên. Đông y gọi là “nghịch ách” (có nghĩa là nấc). Ngẫu nhiên bị nấc thì không chữa cũng tự khỏi. Nếu bị nấc liên tục, lâu mà không khỏi thì phải chữa trị.
Để có thể tự chữa, xin giới thiệu cùng độc giả vài bài thuốc sau đây:
* Bài 1: Trường hợp nấc do bị lạnh, dạ dày lạnh.
Trần bì 10g, Thị đế (tai quả hồng) 10g, Cao lương khương (giềng ấm) 9g, Hậu phác 9g, Chỉ thực (quả Trấp non) 6g, Đinh hương 4g, Chích cam thảo 4g,nước sạch 400ml, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.
* Bài 2: Thang này dùng cho trường hợp tiếng nấc nhỏ, liên tục, mặt trắng nhợt, ăn ít, khó nuốt, đó là do tỳ hư.
Sơn dược (sao) 30g, Đảng sâm 10g, Bạch truật 10g, Bán hạ 10g, Đinh hương 6g, Phụ tử 3g, Bào khương 3g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 quả, nước sạch 400ml, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Ngày 1 thang.
* Bài 3: Hô hấp sâu chữa nấc: Hít sâu vào, thở ra, cứ thế cho tới khi hết nấc.
* Bài 4: Dùng chữa nấc do loại hình hư hàn:
Gừng tươi 60g, rửa sạch giã nát, vắt lấy nước, bỏ bã, hoà vào với 30ml mật ong, uống một lần hết.

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Giữ “Xuân”

Mùa xuân khí trời ấm áp được coi là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở.  Theo học thuyết ngũ hành, mùa xuân thuộc mộc ở phương Ðông, ứng với tạng can (gan) màu xanh. Y học cổ truyền cho rằng mùa xuân là mùa của mộc khí, đây là mùa can khí vượng, đồng thời tạng can dễ bị tổn thương. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ngày xuân.
Giữ “Xuân”
Huyệt đại đôn.
Y học cổ truyền cho rằng, công năng của can chủ sơ tiết. Can có tác dụng thăng phát, điều tiết, làm cho sự vận hành các phủ tạng khác được thông suốt. Nó chủ quản về thư giãn và điều đạt khí cơ phân bố toàn thân. Nếu can khí sơ tiết, điều đạt thất thường, khí cơ không thư thái, có thể gây nên bệnh tật. Can khí uất kết thường dễ cáu, sườn ngực đầy tức, đau đầu, kinh nguyệt rối loạn. Nếu can khí thăng phát thái quá là can dương thượng cang sẽ thấy đầu váng, đau đầu, đỏ mắt, ù tai, điếc tai. Nếu can dương cang cực mà hóa hỏa sinh phong, tức có thể sinh hàng loạt chứng của trúng gió. Can khí thăng phát không đủ, cũng gây ra các chứng váng đầu, mất ngủ, tinh thần hoảng hốt. Do đó, ngày xuân chúng ta cần giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, lạc quan, không quá phấn khích, đồng thời tránh trạng thái u uất, phiền não.
Ngày xuân nên năng đến những nơi có nhiều màu xanh. Can trong ngũ sắc là màu xanh. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy rằng màu xanh lá cây có tác dụng ổn định tinh thần, điều hòa huyết áp và duy trì huyết áp bình thường của cơ thể. Những nơi rộng rãi thoáng đãng, môi trường trong lành có tác dụng tốt cho việc dưỡng can. Việc tham gia các phong trào “Tết trồng cây” với mục đích làm cho đất nước thêm xanh, cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường, cũng là một hoạt động rất tốt để cải thiện hoạt động tạng can.
Giữ “Xuân”
Huyệt thái xung.
Can chủ tàng huyết: Can có công năng chứa giữ huyết dịch và điều tiết lưu lượng huyết. Can chủ cân, tinh hoa của can phô ra ở móng tay, móng chân. Can chủ quản hoạt động của gân, chi phối hoạt động của bắp thịt và khớp xương trong toàn thân. Gân nhờ vào can huyết nuôi dưỡng, nếu can huyết bất túc không nuôi dưỡng được gân sẽ sinh ra đau gân, tê dại, khó co duỗi, co quắp. Kiên trì luyện tập có tác dụng thư cân hoạt lạc, có lợi cho can. Mỗi người nên dựa vào tình trạng thể chất của mình, chọn chương trình tập thể dục thích hợp. Buổi sáng, buổi tối và ngày nghỉ, bạn có thể đi dạo qua những con đường mòn cỏ, công viên, hoặc đi đến vùng ngoại ô chạy bộ, bơi lội, câu cá, tập yoga, thái cực quyền, đắm mình trong thiên nhiên.
Day bấm huyệt kinh can cũng có tác dụng dưỡng can. Hằng ngày trước khi đi ngủ bấm một số huyệt sau (mỗi huyệt 2 - 3 phút) có tác dụng tốt với can:
Đại đôn: Tại đốt thứ nhất ngón chân cái, cách bờ ngoài gốc móng khoảng 0, 1 thốn (0,2cm).
Thái xung: Sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1,5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2.
Tam âm giao: Ở sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn.
Duy trì chế độ ăn uống một cách thích hợp: Y học cổ truyền cho rằng, tỳ vị là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh hoá khí huyết của cơ thể. Tỳ vị vượng thịnh thì cơ thể khỏe mạnh và sống lâu. Nhưng vào mùa xuân can khí làm chủ, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ. Theo học thuyết Ngũ hành, mộc khắc thổ cho nên mùa xuân can khí vượng thịnh dễ làm hại tỳ vị, ảnh hưởng không tốt đến chức năng tiêu hóa và hấp thu của cơ thể. Đồ ăn nên thanh đạm và đa dạng. Thức ăn béo ngậy thường khó tiêu, khó hấp thu và dễ gây cảm giác ngấy chán khiến người ta cảm thấy mệt mỏi, đầy bụng, chậm tiêu. Nên ăn nhiều rau quả tươi vốn chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng là hết sức cần thiết để duy trì chức năng bình thường của các tạng phủ trong hoạt động trao đổi chất.
Giữ “Xuân”
Huyệt tam âm giao.
Đảm bảo giấc ngủ là rất quan trọng: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ giúp cho con người tự điều chỉnh hoạt động của toàn bộ hệ thống thần kinh. Trong giấc ngủ chất lượng cao xảy ra một loạt các thay đổi sinh lý và sinh hóa có lợi cho cơ thể, giúp tiêu trừ bệnh tật kéo dài tuổi thọ. Y học cổ truyền cho rằng can tàng huyết, khi ngủ huyết quay về can. Các nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh rằng dòng máu của gan trong khi ngủ tăng gấp nhiều lần, có lợi cho việc tăng cường các chức năng của các tế bào gan, tăng cường khả năng giải độc và đẩy nhanh sự trao đổi chất của protein, axit amin, đường, chất béo, vitamin và chất dinh dưỡng khác, để duy trì môi trường bên trong ổn định, tăng khả năng chống lại bệnh tật.

TS.BSCKII. Dương Trọng Nghĩa