Theo quan điểm của triết học, tâm lý học và Y học cổ truyền phương Đông, việc phân định thể chất của con người là hàn tính hay nhiệt tính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, chỉ có trên cơ sở hiểu rõ thể chất của mình là hàn hay nhiệt, người ta mới có thể lựa chọn môi trường sống, thay đổi điều kiện sinh hoạt và ăn uống, thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực bệnh tật... một cách hợp lý và có hiệu quả.
Trên thực tế, thể chất hàn nhiệt của mỗi người thường không giống nhau, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, điều kiện sinh hoạt, làm việc, ăn uống..., được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu về sinh lý, bệnh lý và tâm lý. Nhưng tựu trung lại cũng không nằm ngoài 7 loại hình chính là: Thể hàn, thể rất hàn, thể nhiệt, thể rất nhiệt, thể bình hoà, thể thiên hàn và thể thiên nhiệt. Để phân định các loại hình này, người xưa thường chỉ căn cứ vào các dữ liệu thu được sau khi tiến hành vọng (nhìn), văn (nghe, ngửi), vấn (hỏi) và thiết (sờ, bắt mạch). Tuy nhiên, hiện nay, các nhà Y học cổ truyền hiện đại đã xây dựng các chỉ tiêu cơ bản để phân định không chỉ dựa trên cơ sở lý luận của Y học cổ truyền, bao gồm học thuyết âm dương cân bằng, quan niệm chỉnh thể và nguyên tắc biện chứng thi trị mà còn tham chiếu thêm một số chỉ tiêu về sinh lý, sinh hóa, tâm lý của Y học hiện đại. Tổng cộng có 22 chỉ tiêu cơ bản là thể hình, tính cách, cảm giác hàn nhiệt, cảm giác khát, tình trạng ăn uống, sắc mặt, mạch, lưỡi, đại tiện, tiểu tiện, trạng thái tinh thần, thể lực, mồ hôi, tiếng nói, khả năng tình dục, huyết áp, số lượng bạch cầu, số lượng hồng cầu, số lượng tiểu cầu, huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu. Dựa trên những chỉ tiêu này, 7 loại hình có nội dung cơ bản như sau :
• Thể hàn: Thể hình hơi gầy, tính cách hướng nội, sợ lạnh, không khát và không muốn uống, ăn được, sắc mặt trắng, mạch trầm trì (sâu và chậm), rêu lưỡi trắng nhạt, đại tiện nát, tiểu tiện trong dài, tinh thần kém hưng phấn, dễ mỏi mệt, ít mồ hôi, ít nói, khả năng tình dục kém, huyết áp hơi thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu hơi thấp, nồng độ huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng hơi thấp.
• Thể rất hàn: Người rất gầy, tính cách hướng nội rất rõ, sợ lạnh nhiều, thích uống nước ấm nóng, ăn kém, sắc mặt vàng nhợt, mạch tế nhược (nhỏ và yếu), lưỡi trắng nhợt và ướt, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài nhưng đi nhiều lần, tinh thần uỷ mị, thể lực kém, rất ít mồ hôi hoặc vã mồ hôi trộm, tiếng nói nhỏ yếu, khả năng tình dục rất kém, huyết áp thấp hoặc rất thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu tương đối thấp, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng tương đối thấp.
• Thể nhiệt : Thể hình có xu hướng béo, tính cách hướng ngoại, sợ nóng, hay khát và thích uống nước mát, ăn ngon miệng, sắc mặt hồng nhuận, mạch hoạt sác (nổi và nhanh), lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện phân khô cứng, tiểu tiện vàng, tinh thần dễ hưng phấn, thể lực khoẻ, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục mạnh mẽ, huyết áp có xu hướng cao hoặc hơi cao, số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu hơi cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng hơi cao.
• Thể rất nhiệt : Người béo tốt, tính cách hướng ngoại rõ rệt, sợ và chịu nóng kém, hay khát và thích uống nước thật lạnh, ăn rất ngon miệng, sắc mặt đỏ, mạch hồng sác (rất nổi và nhanh), lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc đen, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ, tinh thần rất hưng phấn, thể lực cường tráng, dễ vã mồ hôi (tự hãn), tiếng nói khoẻ, khả năng tình dục rất khoẻ và có lúc thái quá, huyết áp hơi cao, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu tương đối cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng tương đối cao.
• Thể bình hoà : Thể hình bình thường, tính cách bình hòa và cân bằng, cảm giác hàn nhiệt bình thường, cảm giác khát bình thường, ăn được, sắc mặt hơi hồng, mạch hòa hoãn, chất lưỡi hơi hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, đại tiện bình thường, tiểu tiện bình thường, trạng thái tinh thần và thể lực bình thường, mồ hôi bình thường, khả năng tình dục vừa phải, huyết áp bình thường, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng trong phạm vi bình thường.
• Thể thiên hàn: Người hơi gầy, tích cách có xu hướng hướng nội, hơi sợ lạnh, không thích uống nhiều nước, ăn hơi kém, sắc mặt không tươi, mạch hơi trầm, lưỡi nhợt hơi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, đại tiện có lúc lỏng nát, tiểu tiện trong và có lúc đi nhiều lần, tinh thần có lúc kém hưng phấn, thể lực hơi kém, mồ hôi tương đối ít, ít nói, khả năng tình dục hơi kém, huyết áp có xu hướng thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường hoặc tương đối thấp, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng bình thường hoặc tương đối thấp.
• Thể thiên nhiệt: Người hơi béo, tính cách có xu hướng hướng ngoại, hơi sợ nóng, thích uống nước, ăn khá ngon miệng, sắc mặt hơi hồng, mạch hơi hoạt, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện có lúc khô cứng, tiểu tiện ít và có lúc vàng, tinh thần có lúc hưng phấn, thể lực khá, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục có xu hướng mạnh mẽ, huyết áp hơi cao, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường hoặc tương đối cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng bình thường hoặc tương đối cao.Việc xác định chắc chắn một loại hình nào đó được dựa trên cách tính điểm, mỗi chỉ tiêu nếu có như vậy thì được tính là 1 điểm, nếu không có thì không được tính điểm. Tổng số điểm tối đa của mỗi loại hình là 22 điểm, nhưng tổng số điểm chỉ cần từ 15 điểm trở lên là đủ để được xác định chắc chắn, từ 10 - 14 thì nghi ngờ. Đây là một phương pháp xác định thể chất hàn hay nhiệt khá đơn giản trên người bình thường, rất tiện ích cho việc vận dụng các kiến thức trong ăn uống, sinh hoạt và phòng chống tật bệnh theo quan điểm của Y học cổ truyền.
Khánh Toàn (CTQ số 66)
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng cũng là những đợt viêm mũi cấp, nhưng nguyên nhân có liên quan đến yếu tố dị ứng gây viêm. Y học cổ truyền mô tả trong chứng Tỵ cừu và Tỵ uyên.
Theo y học hiện đại: dị ứng là một phản ứng của cơ thể chống lại những chất lạ đang xâm phạm vào cơ thể, chất lạ đó gọi là kháng nguyên. Khi cơ thể bị kháng nguyên tấn công thì nó phản ứng lại bằng cách tạo ra kháng thể để trung hoà kháng nguyên. Sự đấu tranh đầu tiên này không có triệu chứng lâm sàng, nhưng trong máu người bệnh đã có sinh kháng thể, như vậy bệnh nhân đã bị mẫn cảm, đây là sự phản ứng của cơ thể đối với lần tấn công đầu tiên của kháng nguyên.
Từ đây về sau, nếu kháng nguyên ấy lại xâm nhập nữa thì sẽ xảy ra sự đấu tranh kịch liệt giữa kháng nguyên và kháng thể, quá trình này sản sinh ra nhiều chất hoá học trung gian, và chính các chất này là nguồn gốc của các biểu hiện của bệnh dị ứng, như vậy dị ứng là một bệnh toàn thân của cơ thể, và viêm mũi dị ứng chỉ là một hiện tượng cục bộ của bệnh toàn thân đó.
Nguyên tắc chung
- Đối với viêm mũi cấp tính thông thường chưa có biến chứng, chỉ cần chú ý chăm sóc, giữ gìn ấm áp, tránh gió lùa, mặc áo ấm, giữ ấm ngực, ấm cổ có thể bệnh cũng tự khỏi, chỉ nên dùng thuốc khi nào có biến chứng, nếu có dùng thuốc chỉ mang tính điều trị triệu chứng như ho, sốt, nhức đầu…
- Đối với viêm mũi dị ứng: cần chú ý phòng bệnh ngăn ngừa những dị ứng nguyên.
- Đối với viêm xoang cần ngăn chặn các biến chứng viêm họng, phế quản phế viêm, viêm phế quản mạn tính.
Ké đầu ngựa
Ðiều trị cục bộ
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ và rửa mũi trong các trường hợp viêm mũi cấp, mạn.
- Dùng thuốc xông mũi như:
+ Quả bồ kết, nướng, tán nhỏ, thổi vào lỗ mũi để gây nhảy mũi trong trường hợp mũi tắc không thông vì phế khí nghịch lên.
+ Hạt nhãn, đốt lên khói dùng ống trúc dẫn cho khói xông vào mũi trong trường hợp nước mũi chảy ra không dứt, có mùi hôi.
+ Lá lốt tán nhỏ, thổi vào lỗ mũi mỗi lần một ít dùng chữa trĩ mũi.
- Dùng tỏi 4 – 5 củ, giã nát như bùn, rịt vào lòng bàn chân, băng chặt, nước mũi tự nhiên khô ráo trong trường hợp viêm mũi cấp, mạn - viêm xoang.
Quế chi
Ðiều trị chung toàn thân
Tuỳ thuộc vào biểu hiện mà có pháp trị tương ứng:
Viêm mũi cấp tính:
Phép trị: Bổ khí cố biểu, khu phong tán hàn.
Bài thuốc: Bạch truật 12g, tang bạch bì 10g, quế chi 8g, bạch chi 12g, cam thảo 4g, ké đầu ngựa 16g, gừng 4g, xuyên khung 16g, hoài sơn 16g, tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.
Viêm mũi mạn tính.
Phép trị: Khu phong tuyên phế.
Bài thuốc: Ké đầu ngựa 16g, Cát cánh 6g, tân di 8g, cam thảo 6g, bạch chỉ 6g, hạ khô thảo 12g, bạc hà 6g.
Nếu do phong hàn giảm vị hạ khô thảo, thêm kinh giới 12g, phòng phong 8g, khương hoạt 8g.
Nếu do phong nhiệt thêm Hoàng cầm, tang bạch bì mỗi loại 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.
Hoặc dùng bài thuốc kinh nghiệm Tỷ tiên phương: Tế tân, tân di hoa, bối mẫu, thương nhĩ tử, tá dược.
Dạng thuốc sử dụng làm thành hoàn, dùng với nước đun sôi để nguội.
Châm cứu: Nhân nghinh, Hợp cốc, Ấn đường, Liệt khuyết.
Theo SKDS