Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Trị bệnh ở tạng phế

 Đông y cho rằng “Tà bên ngoài, ẩm tà bên trong giằng co ở phế gây ra sốt, sợ lạnh, ho suyễn, nôn ọe, tiểu tiện không lợi. Bệnh chủ yếu ở phế. Cần dùng phương pháp tán tà, trục ẩm để điều trị”.

Lại nói “Phế chủ khí, tâm chủ huyết nhưng các kinh mạch đều triều về phế, khi phế bị bệnh thì các tạng phủ khác cũng bị liên lụy tổn thương mà sinh ra đa tạng, phủ bệnh.”.

Chứng đái dầm ở trẻ

 Để trị chứng đái dầm ở trẻ em, Đông y có một phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ làm mà hiệu quả - đó là cách đắp thuốc vào rốn, người xưa gọi là “Phu tề liệu pháp”.

Theo quan niệm của Đông y, rốn là nguồn gốc của tiên thiên (thứ vật chất cơ bản của sự sống được bẩm thụ từ cha mẹ), có quan hệ mật thiết với ngũ tạng, lục phủ và tất cả các kinh mạch trong nhân thể. Sách thuốc cổ viết: “Tề thông bách mạch, vi thập nhị kinh chi hải, chủ huyết”. Bởi vậy, khi dùng thuốc đắp vào rốn có thể đạt được mục đích điều hòa cân bằng âm dương, khứ tà phù chính, khôi phục sức khỏe cho cơ thể

Khàn tiếng

 Y học hiện đại cho rằng khàn tiếng là do thanh quản bị viêm, do bị kích ứng hoặc tổn thương của dây thanh âm. Nguyên nhân có thể do những rối loạn thực thể hoặc rối loạn cơ năng của bộ phận phát âm gây ra.

Theo Đông y, khàn tiếng phần lớn do ngoại tà cảm nhiễm, liên quan đến kinh phế và thường phát sinh đột ngột, đó là do ngoại tà lấn phế làm cho khí phế âm bị tổn thương mà sinh bệnh. Điều trị khàn tiếng phải tùy theo từng thể bệnh

Chứng tâm phiền, mất ngủ

 Mất ngủ theo y học cổ truyền thuộc phạm trù chứng “thất miên”, “bất mị”, hay “bất đắc miên”. Nguyên nhân mất ngủ do suy giảm chức năng của ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận); Do tinh huyết không đủ; Do tà khí bên ngoài nhiễu động dẫn đến thần không được yên ổn.

Tùy thuộc vào từng thể bệnh mà y học cổ truyền áp dụng phương pháp chữa mất ngủ bằng những bài thuốc sau:

Thể tâm tỳ lưỡng hư

Triệu chứng: mất ngủ, ngủ mơ nhiều, dễ tỉnh giấc, hay quên, có thể kèm hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, chân tay rã rời, ăn uống không ngon miệng hoặc đầy bụng chán ăn; sắc mặt nhợt nhạt; chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng hoặc rêu nhờn dày; mạch tế nhược hoặc nhu hoạt.

Biện chứng: Tâm tỳ lưỡng hư, dinh huyết bất túc nên không thể nuôi dưỡng tâm thần gây ra chứng mất ngủ, ngủ hay mơ, hay quên hoặc ngủ dễ bị tỉnh giấc, sau khi tỉnh thì không ngủ lại được. Huyết không nuôi dưỡng được tạng tâm nên tâm quý, đánh trống ngực. Khí huyết hư không lên nuôi não được, thanh dương không thăng nên người hoa mắt chóng mặt. Tâm chủ huyết, vinh nhuận ra mặt, huyết hư nên sắc mặt nhợt nhạt. Tỳ khí hư nên ăn uống không ngon miệng, chán ăn. Khí huyết hư thiếu nên người bệnh thấy mệt mỏi, chân tay rã rời, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch tế nhược. Nếu tỳ hư mất kiện vận, sinh đàm thấp thì bệnh nhân đầy bụng, chán ăn, rêu lưỡi dày nhờn, mạch nhu hoạt.

Điều trị: Dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần

Do âm suy hỏa vượng

Triệu chứng: mất ngủ, tâm phiền, chóng mặt ù tai, hay quên, nhức mỏi lưng, con trai bị mộng tinh, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu hoặc không rêu, mạch tế sác.

Biện chứng: Thận âm hư, tâm thận bất giao, âm hư sinh nội nhiệt làm nhiễu động thần minh nên tâm phiền, mất ngủ, tâm quý, bồn chồn, đánh trống ngực, hay quên. Thận âm hư không nuôi dưỡng được não tủy nên bệnh nhân thường chóng mặt, ù tai, mộng tinh. Lưng là phủ của thận, thận âm hư nên bệnh nhân thường nhức mỏi lưng. Âm hư hỏa vượng nên có biểu hiện miệng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không rêu, mạch tế sác.

Điều trị: Tư âm giáng hỏa, dưỡng tâm an thần

Do khí của tâm và đởm (túi mật) hư

Triệu chứng: Mất ngủ, khi ngủ dễ tỉnh giấc, hay sợ hãi, dễ bị giật mình, tâm quý, khí đoản, nước tiểu trong dài; hoặc người mệt mỏi nhưng khó ngủ, người gầy, sắc mặt nhợt; hoặc mất ngủ, tâm quý, hoa mắt chóng mặt, miệng và họng khô, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, hoặc chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế hoặc huyền nhược.

Biện chứng: Tâm đởm khí hư, đàm trọc nhiễu loạn tâm khiếu khiến bệnh nhân mất ngủ, ngủ hay mơ, dễ bị giật mình kinh sợ, tâm quý. Khí hư nên bệnh nhân khí đoản, người mệt mỏi, nước tiểu trong dài. Chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế là biểu hiện của khí huyết bất túc. Nếu can huyết hư, tâm không được nuôi dưỡng thì người mệt mỏi, khó ngủ, tâm quý không yên, chóng mặt, mạch huyền tế. Khí âm hư sinh nội nhiệt, hư nhiệt phiền nhiễu tâm thần làm cho miệng họng đều khô, chất lưỡi đỏ.

Điều trị: Ích khí trấn kinh, an thần định chí

Do tỳ vị không điều hòa

Triệu chứng: Mất ngủ, nặng đầu, tức ngực, tâm phiền, có thể kèm buồn nôn, nôn, ợ hơi, miệng đắng, hoa mắt chóng mặt hoặc đại tiện táo, cả đêm mất ngủ, chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhờn, mạch hoạt sác.

Biện chứng: Do thực tích ứ trệ hoặc can đởm uất kết, lâu ngày hóa nhiệt sinh đàm; đàm nhiệt nhiễu loạn tâm thần làm bệnh nhân mất ngủ, tâm phiền, miệng đắng, chóng mặt. Đàm nhiệt uất kết làm ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của khí cơ, vị khí không giáng gây tức ngực, chóng mặt, buồn nôn, nôn, ợ hơi. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác là biểu hiện của đàm nhiệt. Nếu đàm nhiệt nặng nhiễu loạn tâm thần còn có thể làm bệnh nhân cả đêm không ngủ được; nhiệt tà làm hao tổn tân dịch gây đại tiện táo.

Điều trị: Thanh nhiệt hóa đàm.

Do suy nhược cơ thể

Triệu chứng: Cơ thể gầy còm, sắc mặt trắng bợt, ăn uống kém, hay có cơn mệt bất thường, giấc ngủ không sâu, nửa đêm tỉnh dậy rồi không ngủ lại được, lưỡi  nhạt, mạch tế sác.

Biện chứng: sau khi ốm đã điều trị bệnh khỏi, hoặc phụ nữ sau khi sinh, hoặc người cao tuổi khí huyết hư yếu, tạng tâm và tỳ hư suy, tâm thần không yên sinh chứng mất ngủ.

Điều trị: bổ khí dưỡng huyết, bổ tâm an thần.


Chứng tiểu buốt

 Tiểu tiện khó khăn, đau buốt thuộc phạm vi chứng lâm trong Đông y. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh rất phức tạp, chủ yếu do thận hư và bàng quang thấp nhiệt, gặp phải các tác nhân làm suy giảm chính khí quá mức như phòng lao quá độ, tình dục không điều hòa, giận dữ, ăn uống thái quá, thiếu khoa học... làm cho bàng quang không khí hóa được, bên trong vừa hư, vừa bị tích tụ sinh ra nội thấp kiêm hiệp nhiệt. Thấp nhiệt tích tụ lâu ngày kết lại ở hạ tiêu làm nước tiểu sẫm, đỏ, tiểu tiện khó khăn, đau buốt. 

Bệnh ôn dịch

 Khi gặp khí hậu không đúng mùa: mùa xuân lại giá rét; mùa hạ lại mát mẻ; mùa thu lại nóng bức, mùa đông lại ấm áp...; con người dễ cảm nhiễm mà sinh bệnh, gọi là bệnh ôn dịch.

Bệnh truyền qua mũi, miệng. Người mắc chứng này, phần nhiều do chính khí bị khuy tổn, hoặc làm lụng vất vả quá độ, hoặc ăn uống lúc đói quá, lúc no quá,... nên tà khí nhiễm vào.

Triệu chứng bệnh ôn dịch

Khi mới phát bệnh, cảm giác người gai lạnh, sau phát sốt, nhiệt nhiều rét ít, dần dần chỉ sốt nóng mà không lạnh, nhức đầu, đau mình, mạch sác. Nếu để lâu không chữa, độc tà truyền vào tâm bào, khiến trong tâm nóng nảy và bức bách, tinh thần mê man. Cũng có khi tà nhiệt hãm ở hạ tiêu, khí đạo không thông hành được, làm cho tiểu tiện bị bít tắc; bụng dưới trướng đầy, đêm sốt nhiều. Người bị bệnh ôn dịch thường rêu lưỡi trắng rộp như bông, dần chuyển sắc vàng, hung cách đầy và đau, khát, phiền táo, là độc tà đã truyền vào tới vị. Nhiệt tà hun đúc ở bên trong, không bài tiết đi được; huyết bị nhiệt hun, lưu ở kinh lạc, hóa thành huyết tím, tràn sang trường, vị, lại biến thành sắc đen, lúc đó thì đại tiện dễ mà phân đen, bệnh nhân lại sinh chứng hay quên. Có khi nhiệt đi xuống khí phận ở hạ tiêu, thành chứng tiểu tiện không lợi. Có khi do tiểu tiện không lợi, tà khí bị uất tắc, kinh khí ngừng trệ mà biến thành chứng hoàng đản; nếu tà khí lưu ở huyết phận, sẽ phát ban.

Trị liệu chứng trúng thử

  Chứng trúng thử với cơ chế sinh bệnh là do: trên cơ sở chính khí hư suy (giảm sức đề kháng), 2 nhân tố gây bệnh là thử nhiệt hoặc thử thấp xâm nhập cơ thể, uất lại và nung đốt làm hao tổn âm dịch mà tạo thành bệnh.

Nếu nặng thì thanh khiếu bị che phủ, kinh khí bế tắc gây nên hôn mê, nếu tân dịch bị hao tổn quá nhiều thì phát sinh chứng hư thoát.

Chứng trúng thử trong y học cổ truyền có 2 mức độ: Nhẹ thì đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, lợm giọng, buồn nôn, khát nước, da nóng, không có mồ hôi, toàn thân mệt mỏi rã rời hoặc có biểu hiện bồn chồn, vật vã; Nặng thì ngoài các triệu chứng trên còn có thêm sắc mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân lạnh, thậm chí xuất hiện hôn mê bất tỉnh, co giật tứ chi.

Về mặt trị liệu, khi gặp tình trạng này phải hết sức nhanh chóng tiến hành các biện pháp sau đây:

Khẩn trương đưa người bệnh đến chỗ thoáng mát, cởi bỏ và nới rộng quần áo, cho uống một ít nước muối nhạt hoặc nước chín mát, dùng khăn thấm ướt nước lạnh hoặc rượu trắng lau các hốc tự nhiên như hõm nách, bẹn...

Một số huyệt cần tác động trị hoa mắt , chóng mặt, mệt mỏi trong chứng trúng thử.

Một số huyệt cần tác động trị hoa mắt , chóng mặt, mệt mỏi trong chứng trúng thử.

Nếu nặng, bất tỉnh nhân sự thì lập tức dùng ngón tay cái lần lượt bấm mạnh huyệt Nhân trung và Thập tuyên. Vị trí huyệt Nhân trung: ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh nhân trung, giữa đáy rãnh. Vị trí huyệt Thập tuyên: ở đỉnh cao nhất giữa 10 đầu ngón tay. Bấm các huyệt này có tác dụng khai khiếu (làm thức tỉnh) và tiết nhiệt (thải nhiệt, giải nhiệt). Sách Châm cứu khổng huyệt cập kỳ liệu pháp tiện lãm đã viết: “Thập tuyên là kỳ huyệt... dùng kim tam lăng hoặc kim lớn châm ra máu chủ trị tất cả các chứng mất thần cấp tính”.

Dùng gốc bàn tay day lòng bàn tay, lòng bàn chân và chỗ hõm giữa thắt lưng của người bệnh (có thể dùng một chút rượu trắng để xoa) sao cho tại chỗ nóng lên là được. Trong tư thế bệnh nhân nằm sấp, xác định và day mạnh huyệt Đại chuỳ nằm ở ngay dưới chỗ lồi lớn của ụ xương cổ thứ 7. Sau đó, Huyệt này có tác dụng thanh nhiệt và thông dương khí. Kinh nghiệm của cổ nhân thường phối hợp kích thích Thập tuyên với Đại chuỳ để trị sốt cao và chống say nắng.

Nếu bệnh nhân đã tỉnh nhưng còn mệt thì dùng tay xoa, day và vê các ngón chân của người bệnh. Điều này rất có lợi vì như vậy tác động đến các huyệt vị như Ẩn bạch, Chí âm, Hành gian, Thái xung, Đại đôn, Lệ đoài, Túc khiếu âm. Kế đó, dùng ngón tay cái nhẹ nhàng day huyệt Thái dương và dọc theo hai lông mày với một lực vừa phải.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, người ta còn có thể chọn dùng một trong các biện pháp kích thích hồi tỉnh như: dùng lá hẹ tươi hoặc nga bất thực thảo tươi hay gừng tươi hoặc tỏi tươi rửa sạch, giã nát, ép lấy nước để nhỏ vào lỗ mũi; dùng trầm hương và đàn hương đốt khói xông hai lỗ mũi... Khi bệnh nhân tỉnh, có thể cho uống nước sắc lá sen, lá hoắc hương và lá hương nhu tươi. Chú ý: dù người bệnh đã tỉnh hẳn vẫn không nên cho trở lại làm việc ngay mà phải được nghỉ ngơi một thời gian thích đáng.

 

Vị trí huyệt

Ẩn bạch: ở mé trong ngón chân cái, cách góc móng chân 0,1 tấc về phía sau.

Chí âm: ở mé ngoài đầu ngón chân út, cách góc móng khoảng 0,1 tấc về phía sau.

Hành gian: cách mép kẽ ngón chân 1 và 2 một khoảng 0,5 tấc.

Thái xung: ở kẽ ngón chân 1 và 2, cách mép da 2 tấc.

Ðại đôn: ở mé ngoài ngón chân cái, tại điểm giữa đường nối góc ngoài móng chân và khớp liên đốt ngón chân cái.

Lệ đoài: ở phía ngoài góc ngoài móng chân ngón thứ 2, cách góc móng chân 0,1 tấc về phía sau.

Túc khiếu âm: Bên ngoài ngón chân thứ 4, cách góc móng chân chừng 0,1 tấc về phía sau.