Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Trị tiểu ra dưỡng chấp

  Đi tiểu ra dưỡng chấp là tình trạng nước tiểu ra đục như sữa, như nước vo gạo. Đây là bệnh thuộc chứng ngũ lâm, cao lâm của y học cổ truyền.

Nguyên nhân do giun chỉ Filaricabancrofti trưởng thành, khu trú trong bạch mạch của bể thận gây ra viêm tắc, phồng bạch mạch sinh la lỗ rò, bạch huyết vào trong bể thận và đi tiểu ra dưỡng chấp. Bệnh có liên quan đến tỳ và thận.

Đi tiểu ra dưỡng chấp được chia làm 2 loại: tiểu ra dưỡng chấp đơn thuần (bạch trọc) và tiểu ra dưỡng chấp lẫn máu đỏ (xích trọc). 

Tiểu ra dưỡng chấp lẫn máu đỏ (xích trọc): 

Người bệnh nước tiểu đục, màu đỏ,  tiểu bình thường hoặc hơi rát, đau lưng, ù tai, rêu lưỡi vàng, mạch trầm sác. Phương pháp chữa là ích khí thanh tâm, lợi tiểu.

Tiểu ra dưỡng chấp đơn thuần (bạch trọc): 

Người bệnh nước tiểu trắng như hồ gạo, rêu lưỡi trắng dày, mạch hoạt. Phương pháp chữa là thanh nhiệt lợi thấp.

Nếu kèm phiền nhiệt, miệng khát lưỡi đỏ, mạch tế sác là do âm hư thấp nhiệt. Phương pháp chữa là tư âm thanh thấp nhiệt. 

Nếu sắc mặt xanh trắng, chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi, mạch trầm do thận dương hư. Phương pháp chữa là ôn thận cố sáp. 

Chứng phong ôn

 Trong Đông y, chứng phong ôn (khái suyễn, mã tỳ phong) lúc mới phát bệnh thường có sốt, sợ gió, đau đầu, khát nước, ho - đặc trưng bệnh lý của phế và vệ khí.

Các bệnh cúm, viêm phổi, viêm màng não... thuộc phạm trù của phong ôn. Nguyên nhân là do chính khí suy nhược, công năng tạng phủ rối loạn khiến tà khí bên ngoài xâm nhập bên trong cơ thể mà gây nên bệnh. Biểu hiện sốt, ho nhiều, ngạt mũi, đau tức ngực, môi khô, miệng khát, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn... 

Thể Phong tà bế phế

Triệu chứng: Phát sốt, ho, khó thở, khạc đờm trắng loãng, không có mồ hôi, không khát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn hoặc phù sác.

Điều trị: Tân ôn giải biểu, tuyên phế hóa đàm.

Thể Phong nhiệt bế phế

Triệu chứng: Sốt cao, ho nhiều, khó thở, vã mồ hôi, miệng khát, ngực đau, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác.

Điều trị: Tân lương giải biểu, tuyên phế hóa đàm.

Thể Phong ôn bế phế

Triệu chứng: Ho và khó thở nhiều, tắc mũi, sốt cao, vã mồ hôi, phiền khát, đau ngực, môi miệng xanh tím, đờm vàng dính, lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.

Điều trị: Thanh nhiệt giải biểu, tuyên phế bình suyễn.

Thể Đàm nhiệt bế phế

Triệu chứng: Ho và khó thở nhiều, sốt cao, môi khô miệng khát, khạc đờm nhiều màu vàng và dính, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dính, mạch khẩn sác.

Điều trị: Thanh nhiệt tuyên phế, dục đàm bình suyễn.

Trị chóng mặt, ù tai

 Hội chứng chóng mặt ù tai, nôn mửa... thuộc phạm vi chứng huyễn vựng của y học cổ truyền.

Thể can phong do can dương thượng xung, can hỏa vượng, thường gặp ở người bị tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn giao cảm. Người bệnh thấy hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô, đắng, phiền táo, dễ cáu gắt, mất ngủ hoặc ngủ không sâu, đầu lưỡi đỏ, mạch huyền.

Để điều trị, Đông y dùng phép bình can tức phong, tiềm dương hoặc bổ thận âm, bổ can huyết tiềm dương.


Chứng phế thận âm hư

 Chứng phế thận âm hư là chỉ phế âm khuy tổn, bệnh lâu ngày liên lụy đến thận, xuất hiện chứng âm suy, tân dịch của hai tạng phế thận bất túc, phế lạc bị tổn hại, dẫn đến thủy suy hỏa vượng, bệnh phần nhiều do tà nhiệt vướng vất ở phế hoặc do buồn thương quá độ hoặc do phòng lao quá độ mà gây nên.

Chứng phế thận âm hư thường gặp trong các bệnh: khái thấu, suyễn chứng, thất âm, hư lao, tiêu khát. Dưới đây là một số bài thuốc điều trị:

Do phế thận âm hư sinh chứng khái thấu

Nguyên nhân: Do nhiệt tà làm tổn thương phế, phế lạc bị tổn hại, dần dà lan tỏa tới thận mà biến thành chứng phế thận âm hư.

Triệu chứng: Bệnh nhân khái thấu ít đờm hoặc trong đờm có lẫn máu ngũ tâm phiền nhiệt, bệnh thường nặng về đêm, họng khô, tai ù, miệng ráo, choáng váng, cơ thể gầy còm, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.

Phép trị: Tư dưỡng thận âm, nhuận phế chỉ khái.

Do phế thận âm hư sinh hen suyễn

Nguyên nhân: Do khái suyễn lâu ngày, bệnh ở phế liên lụy đến thận. Phế kim không sinh thận thủy (bệnh mẹ liên lụy đến con) dẫn đến phế thận âm cùng hư.

Triệu chứng: Bệnh nhân suyễn gấp, hễ lao động thì bệnh tăng, tinh thần mệt mỏi.

Phép trị: Bổ phế chế thủy.

Do phế thận âm hư sinh chứng thất âm (mất tiếng)

Nguyên nhân do táo hỏa làm tổn thương âm, tân dịch bị hun đốt, nếu bệnh lâu ngày thì phế thận đều suy, sự thanh túc của phế kim yếu đi, thận âm không đủ thủy để dâng lên làm khàn tiếng hoặc tiếng nói bị biến dạng.

Triệu chứng: Bệnh nhân thường khàn tiếng, họng ráo, ho khan ít đờm, hư phiền ngủ kém, lòng bàn tay lòng bàn chân nóng, lưng đùi yếu, lưỡi đỏ mạch tế sác.

Điều trị: Dưỡng âm nhuận phế, hóa đờm.

Do hư lao xuất hiện chứng phế thận âm hư

Nguyên nhân: Do ốm lâu ngày dẫn đến hư lao, làm tổn thương đến phần âm của phế và thận.

Triệu chứng: Bệnh nhân thường có chứng mỏi lưng, triều nhiệt vãng lai, váng đầu, ù tai, họng ráo, ho khan, khạc ra huyết, lưỡi sáng, ít tân dịch, mạch tế sác.

Điều trị: Dưỡng âm nhuận phế, tư thận ích tinh.

Do phế thận âm hư sinh bệnh tiêu khát (đái tháo đường)

Nguyên nhân: Do táo nhiệt phạm phế hoặc do buông thả tình dục, tinh khí suy tổn, thận âm bị tổn hao, dẫn đến phế thận âm hư, phế mất chức năng trị tiết, sự nhiếp nạp của thận không bền, mất tác dụng co thắt, thủy dịch dồn thẳng xuống mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Bệnh nhân tiểu tiện nhiều lần trong ngày mà sinh ra chứng tiêu khát.

Phép trị: Nhuận phế tư thận, sinh tân trừ khát.



Chữa chứng tâm hỏa thịnh

 Chứng tâm hỏa thịnh thường gặp trong các bệnh: mất ngủ, huyết lâm (chảy máu cam, đại tiện, tiểu tiện ra máu...) tim hồi hộp, rối loạn nhịp tim...

Nguyên nhân gây chứng tâm hỏa cang thịnh là do ngũ chí quá uất, hóa hỏa, hoặc do khí lục dâm truyền vào lý, hóa hỏa, hoặc ăn nhiều thức ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia, làm dương nhiệt thịnh ở trong mà sinh ra bệnh.

Biểu hiện: Khi tâm hỏa thịnh chuyển nhiệt xuống tiểu tràng gây ra chứng tiểu tiện sẻn đỏ, niệu đạo nóng rát mà đau. Đây là chứng tiểu tràng thực nhiệt không nên xem thường, khi co giật thì hai mạn sườn đau. Hai mắt đỏ là do can hỏa động. Ho suyễn, phiền muộn, ngạt mũi, chảy máu cam là do phế hỏa động. Mộng tinh, di tinh, nước tiểu đục, đau nhức răng, vật vã là thận hỏa động. Mặt vàng, miệng đắng ù tai đau nhức trong tai là đờm hỏa động. Đau bụng từng cơn, tiểu tiện ra máu, nước tiểu đục là tiểu tràng có hỏa. Trong người thấy cồn cào khó chịu, mặt phù, sưng chân răng là vị có hỏa. Đột ngột mắc chứng tiết tả, da vàng đỏ, táo bón không thông là đại tràng có hỏa. Đái són, long bế nhỏ từng giọt, nước tiểu vẩn đục là bàng quang có hỏa. Dương sự luôn luôn cương cứng, không giao hợp mà vẫn tiết tinh là mệnh môn có hỏa. Đó là do tâm hỏa lan tỏa làm ảnh hưởng đến hỏa của lục phủ ngũ tạng.

Đông y cho rằng: “Phương pháp chữa hỏa ở 5 tạng: Khí uất, hỏa uất bắt đầu từ phế, cáu giận hỏa sinh ra từ can, uống say hỏa bắt đầu từ tỳ, sợ hãi, suy nghĩ nhiều hỏa bắt đầu từ tâm, phòng dục quá độ hỏa bắt đầu từ thận. Điều trị hỏa ở 6 phủ: Vị hỏa thì răng đau, má sưng, đờm hỏa thì chóng mặt đắng miệng, đại tràng có hỏa thì táo bón không thông, tiểu tràng có hỏa thì mắc chứng long bế tiểu tiện nhỏ giọt, bàng quang có hỏa thì bụng dưới đau tiểu tiện rít, tam tiêu có hỏa thì tay chân nóng, thân thể mỏi mệt, tâm bào có hỏa thì hồi hộp không yên. Có cái hỏa chỉ trôi nổi khi điều trị phải làm cho tiêu tan, hoặc nên thanh, nên giáng. Khi có hỏa phải căn cứ nặng hay nhẹ mà điều hòa”.

Bài thuốc chữa chứng tâm hỏa thịnhChứng tâm hỏa thịnh sinh chứng tâm quý (tim hồi hộp).

Do tâm hỏa cang thịnh sinh ra chứng niệu huyết (tiểu tiện ra máu):

 Do lao động trí óc quá nhiều làm tâm âm hao tổn. Âm hư thì dương vượng. Tâm hỏa cang thịnh. Do tâm biểu lý với tiểu tràng, tâm hỏa di chuyển xuống tiểu tràng, hỏa hun đốt âm lạc, huyết tràn ra ngoài mạch mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Tiểu tiện ra huyết, miệng lưỡi hay lở loét, tâm phiền nhiệt, nôn ra huyết, chảy máu cam, mạch sác.

Điều trị: Thanh tâm tả hỏa, lương huyết chỉ huyết.

Do tâm hỏa cang thịnh sinh chứng bất mị (mất ngủ)

Do thận âm hư tổn, tân dịch không đủ để dưỡng tâm huyết, dẫn đến tâm thận bất giao.

Triệu chứng: Ngủ kém hoặc có khi cả đêm không ngủ được, miệng lưỡi có mụn nhọt, hoặc loét miệng lưỡi, chóng mặt, ù tai, hồi hộp không yên, chất lưỡi đỏ không có rêu, mạch tế sác.

Điều trị: Tư âm giáng hỏa.

Do tâm hỏa cang thịnh sinh chứng tâm quý (tim hồi hộp)

Do tâm dương quá thịnh, tâm mất đi sự nuôi dưỡng của  huyết, hoặc do ngũ chí uất ức hóa hỏa mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Tâm hồi hộp, phiền táo làm tâm thần không yên, miệng khô, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, mạch sác.

Điều trị: Thanh tâm giáng hỏa.

Chữa viêm xoang mũi mạn tính

 Viêm xoang mũi mạn tính trẻ em hay gặp ở trẻ trên 5 tuổi, thường viêm xoang hàm hoặc viêm xoang hàm - sàng.

Viêm xoang mũi mạn tính trẻ em hay gặp ở trẻ trên 5 tuổi, thường viêm xoang hàm hoặc viêm xoang hàm - sàng. Bệnh diễn biến mạn tính ngay từ đầu, rất khó chữa, cả hai bên xoang đều bị viêm.

Trẻ thường ngạt mũi, mũi chảy dịch nhày - mủ (nước mũi đặc hơi xanh) kéo dài, hay tái phát. Nếu nuốt chất dịch này xuống đường tiêu hóa hoặc hít phải sẽ gây viêm phế quản tái diễn, viêm dạ dày ruột non, ho từng cơn…, chảy mũi ra ngoài lỗ mũi thành vệt viêm.

YHCT gọi viêm xoang mũi mạn tính ở trẻ em là cam mũi hoặc tỵ cam. Nguyên nhân do thấp nhiệt hiệp với phong tà nhập vào tỳ phế làm ảnh hưởng trực tiếp đến phế lạc và tỵ khổng gây ra. Trẻ chảy nước mũi đặc liên tục, màu xanh vàng, hơi tanh, hai lỗ mũi đỏ, kèm theo mắt nhíp, người gày yếu, ăn uống kém tiêu hoặc đại tiện lỏng, phân sống, người nóng, hay ra mồ hôi trộm, mạch tế sác. Phương pháp trị là bổ tỳ phế, thông lạc, thanh hư nhiệt, trừ thấp.

Trị vẹo cổ

 Vẹo cổ là triệu chứng rất nhiều người gặp phải. Buổi sáng khi thức dậy, người bệnh đột ngột thấy cổ bị căng cứng, có cảm giác đau nhức, khó chịu đặc biệt khi quay cổ.

Cơn đau có thể lan xuống bả vai, cánh tay, thậm chí khiến đầu bị nghiêng về một bên, không thể giữ thẳng được, người mệt mỏi ngại vận động, tinh thần uể oải không được nhanh nhẹn.

Y học cổ truyền gọi vẹo cổ là thất chẩm hay lạc chẩm. Nguyên nhân do bị cảm nhiễm phong hàn tà khí thừa cơ xâm nhập làm cho khí huyết trở trệ, kinh lạc ách tắc mà gây bệnh. Nguyên tắc điều trị là trừ phong tán hàn, điều hòa khí huyết.

Vẹo cổ thường xảy ra đột ngột vào buổi sáng khi thức dậy.