Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Bài chứng phong ôn

 Phong ôn thường phát sinh vào hai mùa đông - xuân. Phong ôn mới phát, tà phạm vào biểu phần vệ khí. Vệ khí liên quan với phế. Vệ khí bị uất bế phế khí cũng mất tuyên thông, tà của phong ôn hóa nhiệt rất nhanh làm tổn thương tân dịch.

Triệu chứng của phong ôn mới phát gần giống như ngoại cảm phong hàn; Nhưng ngoại cảm phong hàn phát sốt nhẹ, sợ gió lạnh tương đối nhiều, không khát nước, mạch phù hoặc phù khẩn; Còn phong ôn thì phát sốt tương đối nặng, sợ gió lạnh ít, hơi khát nước. Mạch phù sác.

Tà ở phần vệ:

Triệu chứng: Sốt, hơi sợ gió lạnh, không có mồ hôi hoặc ít mồ hôi, nhức đầu, ho, hơi khát nước, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch phù sác.

Phương pháp điều trị: Tân lương giải biểu.

Nhiệt tà ở phần khí:

Nhiệt uất ở ngực và cách mô:

Triệu chứng: Sốt, bực dọc, bứt rứt, nằm ngồi không yên, rêu lưỡi vàng.

Phương pháp điều trị: Thanh tuyên thấu nhiệt, đạt tà ngoại xuất.

Nhiệt tà ở dương minh:

Vô hình nhiệt thịnh:

- Triệu chứng: Sốt, mắt đỏ, sợ nóng, bực dọc, ra nhiều mồ hôi, rêu lưỡi vàng khô, khát muốn uống nước mát. Mạch hồng đại.

- Phương pháp điều trị: Thanh dương minh khí phận trừ nhiệt tà.

Hữu hình nhiệt kết:

- Triệu chứng: Sốt cơn vào buổi chiều, có lúc nói lảm nhảm, táo bón hoặc đi lỏng toàn nước, ấn vào bụng đau, rêu lưỡi vàng khô. Mạch trầm.

- Phương pháp điều trị: Thanh lý tiết nhiệt.

Nhiệt vào phần dinh:

Nhiệt đốt dinh âm:

- Triệu chứng: Sốt, đêm sốt nặng hơn, bực dọc, vật vã, có khi nói nhảm, ban chẩn lờ mờ, không khát, lưỡi đỏ thẫm, không có rêu. Mạch tế sác.

- Phương pháp điều trị: Thanh dinh tiết nhiệt.

Phế nhiệt phát chẩn:

- Triệu chứng: Sốt, ho, tức ngực, mọc chẩn đỏ.

- Phương pháp điều trị: Tuyên phế nhiệt lương dinh thấu tiết.

Nhiệt hãm tâm bào:

- Triệu chứng: Sốt cao, mê man, nói nhảm hoặc nói ngọng, chân tay lạnh.

- Phương pháp điều trị: Thanh tâm dưỡng âm hoá đàm.

Nhiệt thịnh làm động phong:

- Triệu chứng: Sốt cao, đầu váng, chân tay buồn, giật hoặc run giật, cuồng loạn, kinh quyết, lưỡi đỏ, rêu khô. Mạch huyền sác.

- Phương pháp điều trị: Lương can trừ phong.

Nhiệt đốt chân âm (Dương nhiệt thịnh âm hư):

- Triệu chứng: Sốt, bực dọc nằm không yên, lưỡi đỏ, rêu vàng. Mạch tế sác.

- Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt tư âm.


Bài trị chứng khô miệng

 Khô miệng thường gặp ở người trung và cao tuổi. Nguyên nhân do thận âm hư suy, do tâm hỏa can thịnh, do phế nhiệt, do tác dụng phụ của thuốc, tân dịch bị hao tổn... Theo Đông y, điều trị chứng khô miệng cần dựa theo nguyên nhân. Sau đây là những bài thuốc chữa trị theo từng thể lâm sàng.

Khô miệng do phế nhiệt

Người bệnh có triệu chứng: hơi thở nóng, khô miệng, khô niêm mạc, đau họng, da khô, ho khan kéo dài, tiểu đỏ, tiểu rắt, ăn ngủ kém, đại tiện thường bị táo.

Khô miệng, khô niêm mạc do tâm hỏa cang thịnh

Người bệnh có triệu chứng: có những cơn bốc nóng, đau váng đầu, giấc ngủ không thành, tâm phiền, rạo rực, tiểu đỏ tiểu ít, miệng khô, họng ráo, đau họng, lưỡi đỏ, mồ hôi thường toát ra bất kỳ.

Khô miệng, khô niêm mạc do thận âm hư suy

Người bệnh có triệu chứng: hoa mắt, váng đầu, người nóng, cơ thể yếu mệt, hoa mắt buốt đầu, miệng khô, họng ráo, chân tay không có lực, ngủ hay mơ màng, đau lưng mỏi gối; nam giới dễ bị di, mộng tinh... Phép trị: bổ âm sinh thủy. 

Khô miệng hay gặp ở người trung và cao tuổi. Nguyên nhân do thận âm hư suy, tâm hỏa can thịnh, do phế nhiệt, do tác dụng phụ của thuốc...

Bài dưỡng sinh phòng bệnh mùa thu

  Sách Hoàng đế nội kinh viết: “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mùa thu thời tiết từ nóng chuyển sang mát lạnh, dương suy âm thịnh. Thời tiết khô hanh, vì thế dưỡng âm phòng ngừa khô hanh là chủ yếu của dưỡng sinh mùa thu để phòng bệnh

Mùa thu, trước cảnh lá vàng rơi, cành khô lá úa, hoa cỏ lụi tàn… lòng người thường hay thương cảm, man mác buồn… dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Đông y cho rằng, dưỡng sinh và chăm sóc tinh thần trong mùa thu cần phải “sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phổi khí thanh, thử thu khí chi ứng”. Nghĩa là : mọi người hãy nhìn nhận sự biến đổi của thiên nhiên bằng trạng thái tinh thần bình thường, nên ra khỏi nhà, đi du lịch hoặc leo núi ngắm cảnh, thư giãn tinh thần, có như thế mọi lo âu và buồn bã sẽ tiêu tan. Bạn cũng có thể tập khí công, thu liễm tâm thần, duy trì sự yên tĩnh của nội tâm. Đồng thời bạn cần thường xuyên tắm nắng, đi lại hoặc loại bỏ tâm trạng không vui. Đó chính là cẩm nang “thu dưỡng”, là phương pháp dưỡng sinh tốt cho mọi người nhất là các bậc cao niên trong mùa  thu.

 

Mùa thu cảnh lá vàng rơi, cành khô lá úa... lòng người hay thương cảm, man mác buồn… dễ rơi vào trạng thái trầm cảm

Mùa thu cảnh lá vàng rơi, cành khô lá úa... lòng người hay thương cảmman mác buồn… dễ rơi vào trạng thái trầm cảm

 

Trong sinh hoạt và lao động, bạn cũng cần thuận theo quy luật âm dương cân bằng, giúp cơ thể duy trì trạng thái “âm bình dương bí”. Khi chúng ta lấy thực hiện cân bằng âm dương làm mục đích, thì khi âm dương sẽ không thiên lệch, không gây bệnh lý.

Theo đó, điều quan trọng nhất về dưỡng sinh trong mùa thu là bạn phải có tinh thần lạc quan, độ lượng cởi mở, điềm đạm, bình tĩnh, tránh xúc động, tránh khí huyết dâng trào, định tâm thần cho phẳng lặng để tránh mọi bệnh tật.

Trong mùa thu tập trung dưỡng sinh thân thể là điều rất cần làm. Tuy nhiên bạn cần hiểu rõ: dưỡng sinh không đồng nghĩa với ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, phải hiểu đạo dưỡng sinh mùa thu mới có thể dưỡng thân thể một cách tốt nhất.

Mùa thu trong ngũ hành là tương ứng với kim, cũng ứng với phổi. Do đó đây là mùa của phế kim, khí thuộc phế kim sẽ vượng. Khi phế kim quá mạnh có thể làm tổn thương cho can mộc (tạng gan ứng với mộc trong ngũ hành), cũng làm hao tổn tỳ thổ (tỳ ứng với thổ trong ngũ hành). Vì vậy mùa thu cần chú ý dưỡng âm ẩm chống khô hanh, chăm sóc can và tỳ tránh suy tổn.

Phối hợp nhiều biện pháp dưỡng sinh

Trong phương pháp dưỡng sinh phòng bệnh mùa thu, bạn cần phối hợp nhiều biện pháp như : ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện, điều hòa khí huyết…. theo nguyên tắc dưỡng âm ẩm chống khô hanh.

Ăn tăng chua, giảm cay

Theo thuyết Ngũ hành, món ăn có ngũ vị là : chua, cay, đắng, mặn, ngọt, năm vị này có quan hệ với ngũ tạng. Theo Đông y: “Chua vào can, cay vào phế, đắng vào tim, mặn vào thận, ngọt vào tỳ”. Theo đó món ăn chua giúp dưỡng can, ngọt dưỡng tỳ.

 

Ăn canh chua tốt cho sức khỏe trong mùa thu

Ăn canh chua tốt cho sức khỏe trong mùa thu

Tuy nhiên bạn không nên ăn quá chua sẽ có hại. Đối với người bị đau dạ dày, viêm loét đường tiêu hóa thì càng phải hạn chế ăn chua để phòng viêm loét nặng thêm. Bạn cũng không nên ăn nhiều dưa muối, cà muối vì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp vì ăn mặn nhiều. Đông y còn lý luận: “chua ngọt hóa âm”, vì thế món ăn chua ngọt giúp điều dưỡng can và tỳ, nên dùng nhiều hơn vào mùa thu. Mặt khác, mùa thu cần kiêng bớt vị cay như : hạt tiêu, tỏi, ớt, gừng, rượu… vì các món này làm khí phổi phát quá độ gây tổn hại cho phổi và tổn thương tới can, tỳ.

 

Nên ngủ sớm, dậy sớm

Đông y cho rằng: mùa thu cần ngủ sớm, dậy sớm, để giúp tinh thần bình ổn, tránh khí tiêu điều vào mùa thu. Tiết trời mùa thu khiến cơ thể dễ mệt mỏi, bạn nên ngủ trưa để điều dưỡng tốt cho tim, làm khỏe tim, giảm rủi ro bệnh tim mạch. Một số người còn khuyên nên dưỡng sinh khởi xướng “thu đông”, nghĩa là : mùa thu nên để cơ thể chịu lạnh một chút làm giảm tiết mồ hôi, vì mồ hôi ra làm âm khí hao tổn, đảm bảo nguyên tắc “trữ âm tinh, giữ âm khí”.  Thế nhưng bạn cũng không nên để cơ thể lạnh quá, nhất là người già, trẻ nhỏ và người sức khỏe kém nên mặc thêm áo ấm, tránh để khí lạnh làm thương tổn cho phổi.

Giảm quan hệ tình dục

Bạn nhớ rằng: mùa thu chúng ta cũng phải thuận theo nguyên tắc tích trữ của giới tự nhiên, vì thế cần tiết chế chuyện phòng the là tích trữ âm tinh. Như thế,  bạn chỉ nên “giao ban” tuần một lần điều độ thôi. Còn các bậc cao niên nên thực hiện theo quy luật số 9: 51-60 tuổi thì 5 tuần làm 4 lần; 61-70 tuổi thì 6 tuần gặp gỡ 3 lần; 71-80 tuổi trong 7 tuần chỉ âu yếm 2 lần thôi…

Giảm vận động

Mùa thu không khí mát mẻ, bạn nên ra ngoài vận động như  đi du lịch, leo núi ngắm cảnh, thư giãn tinh thần, chạy bộ, bơi… để tăng cường sức khỏe tim phổi.

 

Mùa thu không khí mát mẻ, bạn nên ra ngoài vận động như  du lịch, ngắm cảnh

Mùa thu không khí mát mẻ, bạn nên ra ngoài vận động như  du lịch, ngắm cảnh

Tuy nhiên bạn không nên vận động quá mức, vì mùa thu lấy tích trữ làm chủ, không cần thiết vận động cho đổ nhiều mồ hôi để hạn chế tiêu tán âm khí, thế mới dưỡng được khí, cơ thể mới khỏe mạnh.

Luôn giữ tinh thần lạc quan

Cảnh mùa thu dễ gợi cảm xúc buồn thương, nhất là với người già khi tuổi đã xế chiều, người trẻ cũng vì cảnh buồn người chẳng thể vui, nên tâm trạng dễ bực tức…  Bởi vậy bạn cần phải giữ tinh thần lạc quan yêu đời để làm nền cho hai khí âm dương cân bằng, phòng tránh bệnh tật.


Bài bệnh lý về khí huyết theo y học cổ truyền

 Theo Y học cổ truyền “khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái đó là sức khỏe” nên khí huyết là vật chất cơ bản nhất của sự sống. Mọi vấn đề sức khỏe, đều liên quan đến khí huyết, mọi bệnh tật đều do khí huyết mà ra.

Khí là gì?

Khí có nguồn gốc hóa sinh từ tinh khí của thức ăn uống phối hợp cùng khí trời hít thở hấp thụ vào. Khí được tạo ra giúp vận hành huyết dịch nuôi dưỡng cơ thể, đồng thời cũng được đưa đến tạng phủ giúp tạng phủ hoạt động để tạo thành và duy trì hoạt động sống cho con người.

- Chỉ sự hoạt động (công năng) của các tạng phủ.

- Do khí vận hành huyết dịch không ngừng trong kinh mạch, bên trong nuôi dưỡng tạng phủ, bên ngoài nuôi dưỡng bì mao - kinh lạc - cân cốt, dạng công năng này còn được gọi là khí lực.

- Chỉ dạng vật chất nuôi dưỡng và giúp cơ thể hoạt động tuy gọi là dạng vật chất nhưng khó thấy như là: dưỡng khí, cốc khí, tông khí. Tạng phủ sau khi được nuôi dưỡng bởi các dạng vật chất này mới phát sinh các hoạt động cơ năng.

- Công năng hoạt động của khí ở tạng phủ được gọi là tạng khí.

- Khí của Tiên thiên kết hợp với khí của hậu thiên gọi là chân khí hoặc Chính khí.

Quan niệm và giải pháp cải thiện bệnh lý về khí huyết theo y học cổ truyềnChâm cứu là phương pháp chữa bệnh về Khí, Huyết không dùng thuốc

Phân loại khí

- Nguyên khí: Bao gồm khí nguyên âm và khí nguyên dương bẩm thụ ở tiên thiên. Nguyên khí được tàng trữ ở thận, nhờ đường tam tiêu mà đi khắp nơi thúc đẩy hoạt động của ngũ tạng lục phủ và là nguồn gốc sự sinh hóa của cơ thể. Do nguyên khí đầy đủ tạng phủ sẽ mạnh, người sẽ ít bệnh tật và ngược lại.

- Tông khí: Là dạng không khí tự nhiên được hít vào, kết hợp với khí của tinh vi thủy cốc do tỳ vị tiêu hóa mà thành, được hình thành ở phế và tích tụ ở ngực, nó có tác dụng giúp phế hô hấp, giúp hành dưỡng huyết toàn thân.

- Dinh khí: Do tinh khí của thủy cốc sinh ra. Thiên “Dinh vệ tinh hội luận” sách Linh khu viết: “Cốc nhập ở vị chuyển vào phế, ngũ tạng lục phủ hấp thu. Thanh là dinh, dinh đi trong mạch, di chuyển không ngừng”. Sau khi vào mạch tạo thành một bộ phận của huyết. Cho nên công năng của nó, ngoài sinh huyết, còn có tác dụng dinh dưỡng toàn thân.

- Vệ khí: Là một bộ phận của dương khí, sinh ra ở thủy cốc. Nguồn gốc ở tỳ vị, xuất phát ở thượng tiêu, lưu hành ở ngoài mạch. Tính chất thò mạnh, lưu hành mau, ở ngoài phân bố đi toàn thân, bên trong thì vào tạng phủ; có tác dụng làm ấm tạng phủ, bên ngoài đi ra cơ biểu, có tác dụng đóng mở lỗ chân lông do đó bảo vệ được cơ thể kháng ngại tà.

Huyết là gì?

Huyết là dạng vật chất quan trọng giúp suy trì hoạt động sống của cơ thể. Huyết chu lưu tuần hoàn dinh dưỡng toàn thân: Phàm lông, da, xương, thịt, tạng phủ của người ta, nếu không có sự dưỡng của huyết, không thể hoạt động được, bởi vì huyết có tác dụng dinh dưỡng, cho nên huyết thịnh, hình thể cũng thịnh, huyết suy, hình thể cũng suy. Chỉ có huyết mạch điều hòa, tuần hoàn lưu lợi mới có thể làm cho da thịt, gân cốt, khớp xương của toàn thân có sức mạnh mẽ vận động như thường.

Sở dĩ hai mắt trông được, hai chân đi được, hai tay nắm được, da dẻ mịn màng, đều là nhờ sự tưới nhuần của huyết dịch. Nhưng sự điều hòa và tuần hoàn của huyết dịch cùng với khí có sự quan hệ rất lớn. Người xưa nói: “Khí là thống soái của huyết”. Lại nói: “Khí đi, huyết cũng đi”. Chỉ rõ ra huyết dịch sở dĩ có thể chu lưu không ngừng, nuôi dưỡng toàn thân được là hoàn toàn nhờ ở tác dụng thúc đẩy của khí.

Nếu vì một nguyên nhân nào đó sự tuần hoàn của huyết dịch bị trở ngại, da không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ có chứng da dẻ tê dại, chân tay không được nuôi dưỡng đầy đủ, chân tay không được ấm, nặng thì bại liệt.

Tính chất của huyết: Là một dịch thể màu hồng, lưu chuyển trong cơ thể và có tác dụng dinh dưỡng cho cơ thể. Sự tạo thành huyết được thực hiện như sau:

- Tỳ vị sau khi hấp thu, vận hóa thức ăn, tạo ra tinh, và từ một phần của tinh được tâm khí hóa thành sắc đỏ gọi là huyết (Khí được tỳ, thận và phế tạo thành).

- Thận tàng tinh, chủ cốt sinh tủy, tinh tủy cũng hóa sinh thành huyết.

Nên có thể nói rằng quá trình tạo thành huyết có liên quan tới tỳ - phế - tâm - thận. Khi huyết đã được sinh ra, sự tuần hoàn của huyết do tâm làm chủ, do can tàng trữ và do tỳ thống soái.

Mối quan hệ khí huyết: Trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Âm ở trong để giữ gìn cho dương, dương ở ngoài để giúp đỡ cho âm”. Huyết và khí cũng vậy (huyết thuộc âm và khí thuộc dương), huyết tuy do khí mà sinh, theo khí mà đi, nhưng khí lại cần dựa vào cơ sở của huyết mới có thể phát huy tác dụng vận động sinh hóa, hai thứ đó tương trợ lẫn nhau, xúc tiến lẫn nhau, cũng bao hàm ý nghĩa dương sinh âm trưởng. Cho nên khí huyết không điều hòa sẽ xuất hiện nhiều chứng bệnh.

Thiên Điều kinh luận sách Tố vấn nói: “Khí huyết lẫn lộn nhau, âm dương chênh lệch nhau, khí loạn ở vệ, huyết nghịch ở kinh, khí huyết không đúng chỗ, một bên thực, một bên hư”. Đó tức là nói: “Khí huyết bị thiên thắng, âm dương mất điều hòa, liền làm cho đường vận hành của khí huyết bị rối loạn, thậm chí không nương tựa vào nhau được mà sai chỗ, gây ra thiên lệch, bên này hư, bên kia thực”, do đó sinh ra bệnh. Cho nên khí huyết điều hòa lẫn nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Chẩn đoán và điều trị bệnh thuộc khí huyết

Khí, huyết là cơ sở vật chất của tạng phủ - kinh lạc; khi khí huyết có bệnh sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng phủ. Ngược lại, khi tạng phủ kinh lạc bị bệnh sẽ có biểu hiện bất thường qua khí huyết. Các thể bệnh về khí, huyết trên lâm sàng và các bài thuốc thường dùng:

Bệnh của khí: Khí hư (suy):

 Do cơ năng hoạt động của cơ thể và nội tạng bị suy thoái hay gặp ở người có bệnh mạn tính, người già yếu, hoặc người bệnh ở thời kỳ hồi phục sau khi mắc các bệnh cấp tính nặng. Biểu hiện: Hơi thở ngắn, không có sức, giọng nói nhỏ yếu. Người mệt mỏi, rã rượi, sắc da xanh tái. Ăn uống kém. Tự hãn. Đau thiện án. Lưỡi nhạt, lạt miệng. Mạch nhược (vô lực). Triệu chứng cụ thể cho từng tạng có liên quan:

- Tâm khí hư: Ngoài triệu chứng chung còn có thêm hồi hộp, tức ngực.

- Phế khí hư: Thêm triệu chứng ho suyễn, thở gấp, dễ bị cảm nhiễm.

- Tỳ khí hư: Ăn ít, đầy trướng bụng, Tiêu chảy (tỳ mất kiện vận). Sa tử cung, trĩ, sa dạ dày (tỳ khí hư hạ hãm). Sắc mặt vàng, kinh nguyệt nhiều, cầu ra máu, có dấu xuất huyết dưới da (tỳ bất thống huyết).

-  Thận khí hư: Lưng gối nhức mỏi, thính lực giảm, tiểu ít (không nạp khí).

Phép trị: Bổ khí. Dùng bài thuốc: Tứ quân: Nhân sâm (quân); bạch truật (thần); bạch linh (tá); cam thảo (sứ). Nhân sâm bổ nguyên khí kiện tỳ dưỡng vị. Bạch truật kiện tỳ táo thấp; phục linh, cam thảo kiện tỳ thẩm thấp. Phương thuốc này chủ yếu để ích khí kiện tỳ.

Bệnh của huyết: 

Thường gặp Huyết hư: Do mất máu nhiều quá. Hoặc do tỳ vị hư nhược nên sự sinh hóa máu không đầy đủ. Triệu chứng chung: Sắc mặt nhợt nhạt, xanh xao hoặc hơi vàng, môi niêm mạc trắng nhợt nhạt. Hoa mắt, chóng mặt. Hồi hộp, mất ngủ, đánh trống ngực. Tay chân tê. Chất lưỡi nhợt nhạt. Mạch tế sác vô lực.

- Tâm huyết hư: Thêm hồi hộp trống ngực, mất ngủ, hay quên.

- Can huyết hư: Bực bội, cân cơ co giật, kinh ít hoặc bế.

- Huyết hư thường ảnh hưởng tới khí hư khi có khí hư kèm theo thường có thêm triệu chứng: đoản khí, thở gấp, mệt mỏi, mất sức.

- Phép trị: Bổ huyết nếu có thêm khí hư bổ khí huyết.

- Bài thuốc: Tứ vật thang: Đương quy, Thục địa, Xuyên khung, Bạch thược. Ý nghĩa: Thục địa tư âm bổ huyết; đương quy dưỡng huyết hóa huyết; bạch thược hòa doanh, lý huyết; Xuyên khung hành khí hoạt huyết. Đây là bài thuốc chung dùng bổ huyết, tùy thuộc vào bệnh biến cụ thể mà có thể gia giảm thêm.

Khí huyết hư (suy): 

Thường có triệu chứng: da xanh, môi nhợt hoa mắt người gầy mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí hồi hộp, ăn ít, lưỡi nhạt, mạch tế. Dùng bài Bát trân, gồm: đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g. Công dụng bồi bổ khí huyết, có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống thiếu máu, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, làm tăng lượng huyết sắc tố, từ đó phòng chống hữu hiệu tình trạng thiếu máu. Ngoài ra, bát trân còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hệ tuần hoàn, điều tiết sự co bóp của tử cung, bảo vệ gan, chống mệt mỏi và nâng cao năng lực thích ứng của cơ thể.

Điều trị các bệnh khí, huyết với dùng thuốc ngoài cơ thể

Xông, ngâm, tắm, chườm, bó: có thể dùng thuốc độc vị hoăc bài thuốc hoặc chỉ là dùng sức nóng hoặc kết hợp cả tác dụng nhiệt và tác dụng của thuốc lên vùng ngoài cơ thể.

Các phương pháp điều trị các bệnh về khí, huyết không dùng thuốc

Châm cứu: Châm cứu là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mang lại hiệu quả điều trị cao, phương pháp này tác động lên các huyệt vị bằng kim châm hoặc sức nóng của ngải cứu để kích thích khí huyết lưu thông, điều hòa âm dương trong cơ thể nhằm mục đích phòng và điều trị bệnh tùy theo từng thể bệnh về khí huyết.

Xoa bóp, bấm huyệt: Là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với sự chỉ đạo của lý luận y học cổ truyền giúp điều hòa âm dương, khí huyết.

Xoa bóp: Đặc điểm của nó là dùng bàn tay là chính; tác động lên da, thịt, gân, khớp, kinh lạc của người bệnh, làm cho khí huyết lưu thông để đạt mục đích phòng và chữa bệnh.

Bấm huyệt: Là một phương pháp dựa trên sự tác động lực của ngón tay trên bề mặt cơ thể chủ yếu là huyệt, mục đích để làm khí huyết lưu thông qua đó phòng bệnh, chữa bệnh, cải thiện tuần hoàn khí huyết.

Xoa bóp, bấm huyệt sử dụng đôi bàn tay của người thầy thuốc để phát hiện những điểm tắc nghẽn, tác động một lực nhất định lên các điểm, vùng này để giải tỏa sự tắc nghẽn của khí huyết.

Yoga, khí công, thái cực quyền: Với nhiều động tác khác nhau kết hợp với thở, mỗi động tác tác động vào một vùng cơ thể nào đó theo mục đích của động tác để khí huyết vùng đó được lưu thông tốt, qua đó phòng bệnh và trị bệnh.

Khí huyết hư suy là một bệnh chứng thường gặp của YHCT nên thông qua tứ chẩn để chẩn đoán và có giải pháp cải thiện, điều trị thích hợp. Nên đến các thầy thuốc chuyên khoa YHCT thăm khám và điều chỉnh để khí huyết sung mãn, có sức khỏe giúp cuộc sống tâm thể viên mãn.

Bài buồng trứng đa nang

  Buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.

Biểu hiện kinh nguyệt không đều, không theo chu kỳ (tháng có tháng không, đến nhanh, chậm bất thường)…, kinh thưa, bế kinh liên tục, trước khi bế kinh kinh nguyệt loãng quá ít, đa mao - tức là cơ thể có nhiều lông, mọc nhiều sau thời kỳ dậy thì…

Ngoài ra, điều rất dễ nhận thấy là phụ nữ mắc đa nang buồng trứng rất hay bị béo phì. Đối với Y học cổ truyền, theo các tài liệu và thư tịch không có bệnh danh nào là đa nang buồng trứng. Căn cứ vào triệu chứng và nguyên nhân bệnh lý của đa nang buồng trứng cho thấy bệnh này có liên quan đến thận hư, đàm ẩm và can uất. Thận gắn với sinh dục, đó là bản chất thiên bẩm. Thận khí hư suy không thể sinh tinh huyết, gây nên bệnh.

Đàm thấp là chứng người mắc bệnh đa nang buồng trứng thường dư thừa cân nặng, béo, đôi lúc bị chứng béo phì. Đàm thấp quan hệ đến hai tạng tỳ, thận: Tỳ thận âm hư làm cho vận chuyển thủy dịch mất điều hòa, nước tinh không thể phân phát tứ phương tích tụ lại sinh đờm, đờm dính kết lại làm trở ngại cơ chế vận hành thủy dịch, làm tổn thương dương khí, đờm thấp trì trệ, vận khí không suôn sẻ, cơ năng sinh hóa không đủ, kinh nguyệt không đều nên không thể có thai. Bệnh này do quan hệ với tỳ hư thấp thịnh, tích tụ thành đờm, đờm đọng không thông có thể thành cục, tỳ hư huyết thiếu, nước bọt khô, dạ dày nóng cũng có thể thành khối cục.

Bài thuốc chữa buồng trứng đa nangChị em có thể chế biến trứng ngải cứu để chữa buồng trứng đa nang.

Chứng can uất (là trạng thái tâm lý tình cảm). Phụ nữ không con đều là do kinh nguyệt không điều hòa, bên trong có thương tổn tình cảm, bên ngoài là do lục dâm chi phối hoặc khí huyết hưng thịnh, âm dương tương thừa gây ra. Nếu vì tình cảm phân ưu khiến cho gan khí uất kết lại, sự điều tiết thất thường, khí trì, huyết đọng, xung nhâm không thể tương tu, tử cung ra máu thường xuyên, kinh nguyệt không điều hòa nên sẽ khó thụ thai.

Bài ù tai, giảm thính lực

 Theo Đông y, tạng thận khai khiếu ra tai, tinh khí của thận nuôi dưỡng tai (khổng nhĩ), đồng thời tai còn nhận tinh khí của lục phủ ngũ tạng và phủ kỳ hằng.

Khi cơ thể bị lão hóa thì nguyên khí của thận và các tạng phủ khác suy tổn làm ảnh hưởng đến chức năng phát hiện, phân tích, tiếp nhận và phản ánh sức nghe âm thanh của tai (giảm thính lực, ù tai, điếc tai...). 

Bài áp-xe tuyến vú

 Đông y gọi bệnh áp-xe tuyến vú là chứng “nhũ ung” hay ”nhũ nham”, là bệnh thường gặp ở các sản phụ thời kỳ cho con bú, hay gặp nhất là khi nhũ nhi 1-2 tháng tuổi.

Biểu hiện tuyến vú bị tắc nghẽn, sữa ứ đọng cộng thêm điều kiện vệ sinh thiếu sạch sẽ hoặc do trẻ bú làm tổn thương đầu vú. Bệnh tiến triển nhanh kèm theo phát nóng, phát sốt, bầu vú sưng to, sờ nắn thấy có  cục kết rắn, sưng, nóng, đỏ, đau và sau có thể mưng mủ. Nguyên nhân do can khí uất kết, vị khí ủng trệ, nhiệt độc tích đọng lại hoặc do cảm nhiễm ngoại tà mà sinh ra.