Theo y học cổ truyền: đau sinh ra từ trong hoặc ngoài cơ thể mà con người có thể chịu đựng được gọi là thống, đau nối liền thành dải kèm mỏi nhức ê ẩm gọi là đông. Đông và thống gọi chung là thống chứng, tức triệu chứng đau nói chung.
Sự phát triển của quan niệm về đau gắn liền với sự phát triển chung của y học truyền thống, cơ bản có 6 giai đoạn được xem là bước đột phá trong lý luận về đau:
Giai đoạn đầu tiên ghi nhận trong” Hoàng Đế Nội Kinh” trong cả Linh khu và Tố vấn. Nội kinh đưa ra nền tảng liên kết đau với hệ kinh lạc trong cơ thể. Nội kinh phân loại các cơn đau theo âm, hàn, tâm hỏa, giải phẫu; điều trị bằng châm và ngải cứu theo lý luận kinh lạc và huyệt vị. Như vậy, Nội kinh quan niệm về đau, nguyên nhân chủ yếu là hàn và nhiệt, bệnh sinh chủ yếu dựa trên khí và huyết; điều trị dựa trên tác động lên kinh lạc bằng châm cứu, chích lể.
Giai đoạn thứ hai ghi nhận trong “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương Trọng Cảnh. Theo đó, Trương Trọng Cảnh có hai đóng góp trong quan niệm điều trị đau: một là, cơn đau được chia thành đau ngoại sinh và đau nội sinh. Đau ngoại sinh là cơn đau biểu hiện của lục kinh, đau đầu do 3 kinh dương, kinh quyết âm gây ra nhức đầu, kinh thái âm phổ biến trong đau bụng, kinh thiếu âm gây đau trên cơ thể với cường độ cao nhất. Đau nội sinhđược thể hiện trong hung tý tâm thống luận có thể giải thích rõ ràng triệu chứng. Thứ hai là xây dựng nền tảng lý - pháp - phương - dược nhằm điều trị đau, thể hiện đầy đủ biện chứng luận trị, lý luận có hệ thống.Đau ngoại cảm được lập luận theo hàn tà, điều trị theo lục kinh biện chứng; đau nội thương và đau ngực dùng lập luận “dương hư âm huyền” và sử dụng Bạch tửu thang điều trị. Giai đoạn này, quan niệm đã rõ ràng và bước đầu có hệ thống hoàn chỉnh.
Giai đoạn thứ ba với sự phát triển mạnh mẽ của các trường phái, quan niệm về đau được mở rộng. Trong “Y học phát minh” của Lý Đông Viên đề xuất luận điểm “thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, nghĩa là thông suốt thì không đa, mà đau thì do không thông gây nên, hình thành nên một lý luận bệnh sinh về đau rõ ràng. Vương Hảo Cổ trong “Thử sự nan tri” đề xuất “Chư thống vi thực, thống tùy lợi giảm”, nguyên tắc điều trị cần “thông lợi”. Chu Đan Khê chỉ ra đau liên quan nhiều đến rối loạn khí, huyết, đàm, uất; đề xuất quan niệm đau do đàm thấp và hình thành học thuyết đàm luận trị. Đồng thời, đưa ra phương pháp điều trị đau đầu bằng thuốc theo lục kinh, tùy kinh gia dụng dẫn kinh dược: tại thái dương kinh dụng xuyên khung, tại dương minh gia bạch chỉ, tại thiếu dương dụng sài hồ, tại thái âm gia thương truật, tại thiếu âm gia tế tân, tại quyết âm gia ngô thù du.
Giai đoạn thứ tư với sự đóng góp của trường phái ôn bổ, “Chất nghi lục” của Trương Giới Tân xác lập học thuyết bổ hư trị thống, đại ý thường các loại đau là hư, không bổ không được. Hình thành luận điểm bệnh sinh thứ hai là “bất vinh tắc thống”. Giai đoạn này, các bệnh về đau được quy nạp vào bát cương gần đầy đủ: biểu lý, hàn nhiệt, hư thực.
Giai đoạn thứ năm, hệ thống lý luận về đau được hoàn thiện. Diệp Thiên Sĩ tổng hợp các quan niệm về đau, hình thành lý luận về đau, đồng thời đề xuất căn cứ theo thời gian và không gian để biện luận về đau: một là biện chứng theo hàn nhiệt, khí huyết, hư thực; hai là phân loại nguyên nhân do ngoại cảm hay nội thương. Ông đề cao việc xác định chính xác nguyên nhân đau và dùng châm cứu, xoa bóp, chườm ấm để điều trị. Ngoài ra, học thuyết hoạt huyết hóa ứ của Vương Thanh Nhậm sáng lập các phương thang chỉ thống nổi tiếng hàng đầu, trong giai đoạn này, như: huyết phủ trục ứ thang, cách hạ trục ứ thang, thiếu phúc trục ứ thang, thông kinh trục ứ thang, thân thống trục ứ thang.
Giai đoạn thứ sáu là chứng đau có hệ thống lý luận và cơ chế hoàn chỉnh. Lý luận về chứng đau được chỉnh lý toàn diện và có hệ thống, nguyên tắc bao quát “bất thông tắc thống” và “bất vinh tắc thống” và phân loại các phương pháp điều trị khác nhau chochứng đau. Với sự hỗ trợ của y học hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nghiên cứu về cơ chế của hội chứng đau đã được thực hiện ở cấp độ tế bào và phân tử, làm sáng tỏ lý luận y học cổ truyền về chứng đau.
Nhiều nghiên cứu hiện nay, khi tìm hiểu về sinh lý bệnh của đau, dựa trên “Hoàng đế nội kinh - Tố vấn - Cử thống luận” tổng hợp kiến thức kim cổ và phân tích tài liệu một cách khoa học. Đối với đau do nguyên nhân là hàn, các tài liệu có sự thống nhất sinh lý bệnh phù hợp áp dụng trong trường hợp này là “bất thông tắc thống”. Trên lâm sàng, đau là một hội chứng phức tạp, có ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân: do hàn, nhiệt, tình chí nội thương, lao lực, chấn thương... đều có thể dẫn đến khí huyết vận hành chậm lại hoặc trở trệ, từ đó thể hiện tính chất “bất thông” “bất vinh” trong chứng đau. Hiện tượng biến hóa hình thái lưỡi có mối liên quan với quá trình sinh lý bệnh trong từng giai đoạn, cũng là phương tiện chẩn đoán khách quan, phản ánh trạng thái khí huyết thịnh suy trong cơ thể. “Thương hàn luận bản chỉ” viết: “quan thiệt bổn, khả nghiệm kỳ âm dương hư thực, thẩm đài cấu, tức tri kỳ tà chi hàn nhiệt thâm thiển dã”. Như vậy, thiệt chẩn hỗ trợ cho chẩn đoán chính xác hơn. Trên lâm sàng khi biết rõ bệnh cơ, trị liệu chủ yếu để giải quyết vấn đề “thông” và “vinh”; dùng châm cứu, thuốc để sơ thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, ích khí bổ huyết, mục đích nhằm “thông tắc bất thống, vinh tắc bất thống”; khiến cơ thể khôi phục” kinh mạch lưu hành không dừng, tuần hoàn không dứt” trở về trạng thái sinh lý bình thường.