Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Tắc tia sữa trong đông y

 Tắc tia sữa có thể gặp trong bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn nào cho con bú. Tuy nhiên hay gặp nhất là trong tuần lễ đầu tiên.

Tắc tia sữa có thể gặp trong bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn nào cho con bú. Tuy nhiên hay gặp nhất là trong tuần lễ đầu tiên. Khoảng 15% phụ nữ cho con bú bị cương vú, căng tức, đôi khi có sốt.

Điều trị tắc tia sữa không tốt có thể tiến triển thành viêm tuyến vú, áp-xe vú (sản phụ sốt cao, ở vú có các nhân cứng và đau, nách có hạch ấn đau. Nếu nặng, vắt sữa lên miếng gạc quan sát thấy có những mảnh nhỏ vàng nhạt chứng tỏ có mủ trong sữa; viêm tuyến vú có thể chữa khỏi hoặc tiến triển thành áp-xe vú).

Theo YHCT, tắc tia sữa - viêm tuyến vú thuộc phạm vi chứng nhũ ung.

 Phép điều trị chung: thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi sữa. Chia từng giai đoạn như sau:

Lúc mới phát

Vú đau, sưng tấy, sờ vào có cục cứng, ấn đau, mặt đỏ, người phát sốt, đau tức ngực, đau lan ra các khớp, không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

Giai đoạn sắp vỡ mủ hay đã vỡ

Mình lạnh, hết sốt, vú đã mềm, đau nhức sắp vỡ mủ hoặc đã vỡ.

Giai đoạn khí huyết hư

Sắc mặt xanh, người mệt mỏi, thích ngủ, vùng vú đau ít hơn trước nhưng vẫn sưng, cứng, mạch hư tế.

Bài trị chứng tâm thận dương hư trong đông y

 Chứng mệnh môn hỏa hư suy làm tâm thận dương hư, thường gặp trong các bệnh: thủy thũng, kinh quý (tim loạn nhịp), chinh xung (tim hồi hộp), hung tí (đau thắt vùng ngực).

Do mệnh môn hỏa hư suy xuất hiện chứng kinh quý, chinh xung (hồi hộp, tim đập nhanh)

Triệu chứng: Bệnh nhân hồi hộp, đoản hơi, thở gấp, chân tay lạnh, phù thũng. Hồi hộp nhưng trong tâm có cảm giác rỗng không, cho nên mới sợ sệt dễ kinh hãi, hễ động làm thì bệnh tăng.

Phép trị: Ôn dương, lợi thủy trấn nghịch, trừ hồi hộp.

Do mệnh môn hỏa hư xuất hiện chứng hung tý (đau thắt vùng ngực)

Triệu chứng: Bệnh nhân thấy vùng ngực khó chịu, không thoải mái, có khi đau ngực, chất lưỡi tía tối, hoặc có nốt ứ huyết, mạch sắc kết đại.

Phép trị: Ôn dương tuyên tý thông lạc hóa ứ.

Bài trị các bệnh chứng thường gặp mùa hè trong đông y

 Mùa hè dương khí vượng, trời nắng nóng, nhất là vào tiết tiểu thử, đại thử, là những thời điểm cực nóng thường làm cho cơ thể của mỗi người thiếu nước mà sinh ra những chứng bệnh khác nhau…

Bệnh mùa hè, đông y gọi là ôn bệnh, có những loại bệnh nhiều người cùng mắc gọi là ôn dịch (truyền nhiễm) như: Thủy tả, thủy đậu, cảm phong hàn, phong nhiệt và một số bệnh ngoài da…

Chứng thủy tả (tiêu chảy)

Bệnh do thấp trọc gây ra. Thường do ăn uống nhiều thức ăn sống lạnh, không sạch, đêm nằm ngoài trời gặp sương lạnh.

Triệụ chứng: Đại tiện ra nước lỏng, có khi ra cả thức ăn chưa tiêu hóa, tiểu tiện ít, nước tiểu màu vàng, bụng trướng đầy, tâm phiền, khát nước, bệnh do ngoại cảm nhập vào lý.

Điều trị: Táo thấp lý khí khoan trung trừ tả.

Cảm phong hàn

Tên khác: Ố hàn, ố phong, úy hàn, phong hàn bó biểu. Đi nắng về cơ thể đang nóng, ra nhiều mồ hôi, đi tắm nước lạnh ngay, hoặc ngồi trong phòng có nhiệt độ quá lạnh. Sau một thời gian ngắn thấy trong người có cảm giác lạnh, sợ lạnh, không có mồ hôi, sốt có khi sốt cao, rét run, đau đầu, đau khắp mình mẩy, rêu lưỡi trắng, mạch phù.

Điều trị: Sơ biểu tán hàn lý khí tuyên phế.

Cảm phong nhiệt

Thường do làm việc lâu ngày ngoài trời nắng gắt, hoặc ở trong nhà mát lạnh đột ngột ra ngoài trời nắng, không che chở bảo vệ bị nóng làm tổn thương huyết phận. Hoặc người cao tuổi vốn cơ thể yếu, mắc chứng huyết nhiệt, trẻ em cơ thể còn non nớt phát triển chưa đầy đủ đưa ra nắng thời gian lâu bị cảm nhiễm khí nóng gọi là cảm phong nhiệt.

Triệu chứng: Sốt cao, sợ gió, chảy nước mũi, không có mồ hôi hoặc có nhưng ít, khát nước, họng đỏ sưng đau, lưỡi đỏ, mạch phù. Có trường hợp kiêm chứng ho đờm vàng.

Điều trị: Tân lương giải biểu, tuyên phế chỉ ho.

Chứng rôm sảy

Đông y gọi chứng Phi tử, thường phát sinh vào mùa hè do nóng bên ngoài cộng với nhiệt độc bên trong mà phát ra.

Triệu chứng: Bề mặt da nổi nhiều nốt đỏ hoặc mọng nước.

Điều trị: Thanh lương giải độc.



Đau trong y học cổ truyền

 Theo y học cổ truyền: đau sinh ra từ trong hoặc ngoài cơ thể mà con người có thể chịu đựng được gọi là thống, đau nối liền thành dải kèm mỏi nhức ê ẩm gọi là đông. Đông và thống gọi chung là thống chứng, tức triệu chứng đau nói chung.

Sự phát triển của quan niệm về đau gắn liền với sự phát triển chung của y học truyền thống, cơ bản có 6 giai đoạn được xem là bước đột phá trong lý luận về đau:

Giai đoạn đầu tiên ghi nhận trong” Hoàng Đế Nội Kinh” trong cả Linh khu và Tố vấn. Nội kinh đưa ra nền tảng liên kết đau với hệ kinh lạc trong cơ thể. Nội kinh phân loại các cơn đau theo âm, hàn, tâm hỏa, giải phẫu; điều trị bằng châm và ngải cứu theo lý luận kinh lạc và huyệt vị. Như vậy, Nội kinh quan niệm về đau, nguyên nhân chủ yếu là hàn và nhiệt, bệnh sinh chủ yếu dựa trên khí và huyết; điều trị dựa trên tác động lên kinh lạc bằng châm cứu, chích lể.

Giai đoạn thứ hai ghi nhận trong “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương Trọng Cảnh. Theo đó, Trương Trọng Cảnh có hai đóng góp trong quan niệm điều trị đau: một là, cơn đau được chia thành đau ngoại sinh và đau nội sinh. Đau ngoại sinh là cơn đau biểu hiện của lục kinh, đau đầu do 3 kinh dương, kinh quyết âm gây ra nhức đầu, kinh thái âm phổ biến trong đau bụng, kinh thiếu âm gây đau trên cơ thể với cường độ cao nhất. Đau nội sinhđược thể hiện trong hung tý tâm thống luận có thể giải thích rõ ràng triệu chứng. Thứ hai là xây dựng nền tảng lý - pháp - phương - dược nhằm điều trị đau, thể hiện đầy đủ biện chứng luận trị, lý luận có hệ thống.Đau ngoại cảm được lập luận theo hàn tà, điều trị theo lục kinh biện chứng; đau nội thương và đau ngực dùng lập luận “dương hư âm huyền” và sử dụng Bạch tửu thang điều trị. Giai đoạn này, quan niệm đã rõ ràng và bước đầu có hệ thống hoàn chỉnh.

Giai đoạn thứ ba với sự phát triển mạnh mẽ của các trường phái, quan niệm về đau được mở rộng. Trong “Y học phát minh” của Lý Đông Viên đề xuất luận điểm “thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, nghĩa là thông suốt thì không đa, mà đau thì do không thông gây nên, hình thành nên một lý luận bệnh sinh về đau rõ ràng. Vương Hảo Cổ trong “Thử sự nan tri” đề xuất “Chư thống vi thực, thống tùy lợi giảm”, nguyên tắc điều trị cần “thông lợi”. Chu Đan Khê chỉ ra đau liên quan nhiều đến rối loạn khí, huyết, đàm, uất; đề xuất quan niệm đau do đàm thấp và hình thành học thuyết đàm luận trị. Đồng thời, đưa ra phương pháp điều trị đau đầu bằng thuốc theo lục kinh, tùy kinh gia dụng dẫn kinh dược: tại thái dương kinh dụng xuyên khung, tại dương minh gia bạch chỉ, tại thiếu dương dụng sài hồ, tại thái âm gia thương truật, tại thiếu âm gia tế tân, tại quyết âm gia ngô thù du.

Giai đoạn thứ tư với sự đóng góp của trường phái ôn bổ, “Chất nghi lục” của Trương Giới Tân xác lập học thuyết bổ hư trị thống, đại ý thường các loại đau là hư, không bổ không được. Hình thành luận điểm bệnh sinh thứ hai là “bất vinh tắc thống”. Giai đoạn này, các bệnh về đau được quy nạp vào bát cương gần đầy đủ: biểu lý, hàn nhiệt, hư thực.

Giai đoạn thứ năm, hệ thống lý luận về đau được hoàn thiện. Diệp Thiên Sĩ tổng hợp các quan niệm về đau, hình thành lý luận về đau, đồng thời đề xuất căn cứ theo thời gian và không gian để biện luận về đau: một là biện chứng theo hàn nhiệt, khí huyết, hư thực; hai là phân loại nguyên nhân do ngoại cảm hay nội thương. Ông đề cao việc xác định chính xác nguyên nhân đau và dùng châm cứu, xoa bóp, chườm ấm để điều trị. Ngoài ra, học thuyết hoạt huyết hóa ứ của Vương Thanh Nhậm sáng lập các phương thang chỉ thống nổi tiếng hàng đầu, trong giai đoạn này, như: huyết phủ trục ứ thang, cách hạ trục ứ thang, thiếu phúc trục ứ thang, thông kinh trục ứ thang, thân thống trục ứ thang.

Giai đoạn thứ sáu là chứng đau có hệ thống lý luận và cơ chế hoàn chỉnh. Lý luận về chứng đau được chỉnh lý toàn diện và có hệ thống, nguyên tắc bao quát “bất thông tắc thống” và “bất vinh tắc thống” và phân loại các phương pháp điều trị khác nhau chochứng đau. Với sự hỗ trợ của y học hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nghiên cứu về cơ chế của hội chứng đau đã được thực hiện ở cấp độ tế bào và phân tử, làm sáng tỏ lý luận y học cổ truyền về chứng đau.

Nhiều nghiên cứu hiện nay, khi tìm hiểu về sinh lý bệnh của đau, dựa trên “Hoàng đế nội kinh - Tố vấn - Cử thống luận” tổng hợp kiến thức kim cổ và phân tích tài liệu một cách khoa học. Đối với đau do nguyên nhân là hàn, các tài liệu có sự thống nhất sinh lý bệnh phù hợp áp dụng trong trường hợp này là “bất thông tắc thống”. Trên lâm sàng, đau là một hội chứng phức tạp, có ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân: do hàn, nhiệt, tình chí nội thương, lao lực, chấn thương... đều có thể dẫn đến khí huyết vận hành chậm lại hoặc trở trệ, từ đó thể hiện tính chất “bất thông” “bất vinh” trong chứng đau. Hiện tượng biến hóa hình thái lưỡi có mối liên quan với quá trình sinh lý bệnh trong từng giai đoạn, cũng là phương tiện chẩn đoán khách quan, phản ánh trạng thái khí huyết thịnh suy trong cơ thể. “Thương hàn luận bản chỉ” viết: “quan thiệt bổn, khả nghiệm kỳ âm dương hư thực, thẩm đài cấu, tức tri kỳ tà chi hàn nhiệt thâm thiển dã”. Như vậy, thiệt chẩn hỗ trợ cho chẩn đoán chính xác hơn. Trên lâm sàng khi biết rõ bệnh cơ, trị liệu chủ yếu để giải quyết vấn đề “thông” và “vinh”; dùng châm cứu, thuốc để sơ thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, ích khí bổ huyết, mục đích nhằm “thông tắc bất thống, vinh tắc bất thống”; khiến cơ thể khôi phục” kinh mạch lưu hành không dừng, tuần hoàn không dứt” trở về trạng thái sinh lý bình thường.



Bài trị kinh nguyệt đến sớm trong đông y

 Cơ chế sinh ra kinh nguyệt có sớm theo y học cổ truyền là do huyết nhiệt và khí hư gây nên.

Cơ chế sinh ra kinh nguyệt có sớm theo y học cổ truyền là do huyết nhiệt và khí hư gây nên. Huyết nhiệt thì bức bách làm huyết chạy càn, khí hư thì xung, Nhâm không cố nhiếp (giữ) được. Phương pháp điều trị kinh nguyệt sớm là thanh nhiệt ích khí để củng cố xung, nhâm là chính. Tuy vậy, trong lúc thanh nhiệt không nên dùng những thứ quá đắng, quá lạnh có hại cho việc sinh ra khí, đồng thời kinh xuống không được lưu lợi dẫn đến huyết khối.

Huyết trắng ra nhiều trong đông y

Người ta thường nói: “Mười nữ có chín bị huyết trắng”, huyết trắng (khí hư) ra nhiều là bệnh thường gặp của nữ giới.

Tuy nhiên, tuyệt không thể bỏ sót, bởi vì rất nhiều bệnh được gây ra do huyết trắng ra nhiều.Sau khi thăm khám, chẩn đoán xác định, nếu huyết trắng ra nhiều do thể chất suy nhược, mạnh dạn tẩm bổ một cách yên tâm. Khi tẩm bổ cần phân biệt thuộc thể tỳ hư hay thận hư. Trong thể thận hư lại phân biệt tỉ mỉ thận dương hư hay thận âm hư.

Huyết trắng ra nhiều thể tỳ hư

Nếu khí hư màu trắng, không mùi hôi, vùng kín không ngứa, cũng như sắc mặt vàng bủn, mỏi mệt sức yếu, ăn ít, đại tiện lỏng hoặc phân mềm, lưỡi nhạt rêu trắng, bắt thấy mạch nhược vô lực… là triệu chứng của tỳ khí bất túc, tức chẩn đoán thuộc thể tỳ hư, dùng bài thuốc bổ tỳ, kiện tỳ để chữa huyết trắng:

Huyết trắng ra nhiều thể thận dương hư

Nếu huyết trắng ra nhiều, như lòng trắng trứng gà, chất loãng, không mùi hôi, thường kèm mỏi lưng yếu sức, bụng dưới lạnh đau, tiểu trong dài, tiểu đêm nhiều, đại tiện lỏng, rêu trắng mỏng, bắt thấy mạch trầm mà sác… là triệu chứng của thận dương bất túc, tức chẩn đoán thuộc thể thận dương hư cần ôn bổ thận dương .

Huyết trắng ra nhiều thể thận âm hư

Nếu huyết trắng ra nhiều, thường có màu trắng đục, chất dính, không mùi hôi, vùng kín có cảm giác nóng rát, thường kèm nóng rang đầu mặt, dễ ra mồ hôi, chất lưỡi hơi đỏ, rêu ít, bắt mạch tế sác… là triệu chứng âm hư hỏa vượng, tức chẩn đoán thuộc thể thận âm hư cần  tư bổ thận âm để giáng hư hỏa

Nếu huyết trắng có những hiện tượng khác thường dưới đây không nên tẩm bổ vội vàng:

- Huyết trắng ra nhiều, màu vàng xám hoặc xanh xám có bọt, lợn cợn, mùi hôi tanh, phần nhiều là viêm âm đạo do trùng roi.

- Huyết trắng màu trắng sữa như bã hậu hũ, phần nhiều là viêm âm đạo do nấm.

- Huyết trắng như nước vàng, người nghiêm trọng có huyết trắng như máu mủ, gặp ở phụ nữ sau khi hết kinh, phần nhiều là viêm âm đạo của người cao tuổi.

- Huyết trắng như mủ, ra nhiều, có thể gặp ở viêm âm đạo mủ, lở loét cổ tử cung, viêm khung chậu.

- Huyết trắng như nước, đôi lúc có sợi máu, phần nhiều là ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.

Liệt kê cách chẩn đoán phân biệt nêu trên, khi chữa bệnh ta không quên tẩm bổ, nhưng tẩm bổ không được chữa trị sai.

Cửu châm trong nội kinh

 Cửu châm trong nội kinh không dùng để chỉ cụ thể chín loại kim châm, phương pháp châm hoặc tác động cụ thể.

“Hoàng đế nội kinh - Linh khu - Ngoại sủy” đại ý Hoàng đế cảm thán “Thiên cửu châm”, cửu châm nếu nhỏ không gì nhỏ hơn, nếu lớn không gì lớn hơn, nếu sâu không gì sâu hơn, nếu rộng thì bao la, nếu cao cao vô tận, là biểu hiện trạng thái vô cùng, vô tận; phù hợp với sự biến hóa của thiên đạo, của nhân sự, của tứ thời.

Hoàng đế nội kinh - linh khu - cửu châm thập nhị nguyên và cửu châm luận miêu tả tỉ mỉ về cách phân loại, tên gọi, hình dáng, độ dài, phạm vi ứng dụng. Quyển “Linh khu - quan châm”có ghi “cửu châm chi nghi, các hữu sở vi, trường đoản đại tiểu, các hữu sở thi dã”. Trong đó, viên châm và sàm châm dùng án áp lên cơ thể, phi châm dùng để bài nùng còn lại dùng châm thích hoặc thích huyết.

Cửu châm được hình thành do ở sự biến hóa của Âm Dương trong Trời Đất mà thành đại số, con số đó bắt đầu ở nhất mà chấm dứt ở cửu. Cho nên nói rằng: Nhất là nhằm phỏng theo Thiên, Nhị nhằm phỏng theo Địa, tam phỏng theo Nhân, tứ phỏng theo Thời, ngũ phỏng theo Âm (thanh), lục phỏng theo Luật, thất phỏng theo Tinh, bát phỏng theo Phong, cửu phỏng theo Dã.

Cửu châm

1. Loại kim thứ nhất tượng trưng cho thiên, thiên thuộc dương, trong ngũ tạng thiên tương ứng với phế vì phế nằm ở thượng tiêu, được xem là nắp đậy của lục phủ ngũ tạng. Bì phu là phần ngoài cùng của cơ thể, là chỗ hợp của phế.Cho nên, trị liệu vùng bì phu bị bệnh nên chế tạo ra loại kim này, gọi là sàm châm. Kim này tác động mà không tổn thương quá phần bì phu của con người, nếu quá sâu sẽ làm dương khí tiết ra ngoài.

2. Loại kim thứ hai tượng trưng cho địa, trong người địa cùng thổ tương ứng với nhục. Cho nên, trị liệu vùng cơ nhục bị bệnh nên chế tạo ra loại kim này, gọi là viên châm. Kim này tác động phần nhưng không gây tổn thương lên cơ nhục, nếu tổn thương cơ nhục sẽ làm dương khí kiệt.

3. Loại kim thứ ba tượng trưng cho nhân, người muốn duy trì sự sống thì huyết mạch phải vận hành không nghỉ. Muốn trị liệu bệnh của huyết mạch nên tạo ra loại kim này, gọi là đề châm. Loại này tác động nhẹ nhàng lên mạch lạc nhưng không quá sâu vào cơ nhục, giúp tập trung chính khí lại và bài xuất tà khí.

4. Loại kim thứ tư tượng trưng cho thời, tứ thời bát phong làm khách trong kinh lạc hình thành cổ chứng, bệnh lâu không thuyên giảm, thời điểm hiện tại nhiệt chứng hoành hành. Vì trị liệu loại bệnh này mà chế tạo ra phong châm, mục đích tả nhiệt xuất huyết, từ đó trừ được cố tật.

5. Loại kim thứ năm tượng trưng âm (thanh). Số năm nằm vị trí trung ương trong cửu cung, là ranh giới giữa âm và dương, giữa hàn và nhiệt, được xem là cực động tranh đấu của âm dương, hàn nhiệt; tà khí chính khí tương hỗ đối lập quá lâu mà hình thành ung thũng. Nhằm trị liệu bệnh này nên chế tạo ra phi châm. Dùng bài tiết nùng (mủ) mà phá vỡ sự giằng co bất lợi.

6. Loại kim thứ sáu tượng trưng cho luật. Âm luật là chỉ sự điều hòa âm dương tứ thời, nhờ có luật mới có trật tự bình thường của cơ thể. Nếu như hư tà xâm nhập kinh lạc phá vỡ trật tự bình thường hình thành tý chứng giai đoạn cấp tính. Để điều trị tý chứng cấp tính do hư tà đột nhiên xâm nhập mà chế tạo loại kim này, gọi là viên lợi châm.

7. Loại kim thứ bảy tượng trưng cho tinh. Thất tinh đại diện cho thất khiếu trong con người. Ngoại tà thông qua thất khiếu xâm nhập kinh lạc mà lưu lại, hình thành thống tí. Dùng để trị liệu bệnh này mà chế tác hào châm. Hào châm được giữ trong thời gian ngắn, điều khiển chính khí sung mãn hay đắc khí, tác động đồng thời lên kinh khí và tà khí mà tạo thành tác dụng.Khi rút kim ra tà khí sẽ tán và chính khí được phù dưỡng.

8. Loại kim thứ tám tượng trưng cho phong. Trong tự nhiên phong thuận theo tám hướng, tương đương con người có 8 quan tiết ở tay chân. Hư tà do phong làm thương tổn bát tiết; xâm nhập và lưu trệ giữa khớp xương, cột sống thắt lưng mà hình thành tý chứng vùng này. Để trị liệu cho loại bệnh này mà chế tạo trường châm.

9. Loại kim thứ chín tượng trưng cho dã. Cửu dã tương ứng quan tiết bì phu trong người. Bệnh tà mạnh mẽ, ồ ạt xâm nhập vào làm quan tiết tắc trệ, như chứng phong thủy mà đọng lại làm khí không qua được các quan tiết lớn.

Mặc khác, cửu châm còn được xem là châm đạo được nhắc đến “Hồi dương cửu châm ca” trong “Châm cứu tụ anh - quyển thứ tư” thực tế là chín huyệt du, đại biểu “cửu châm” liệu pháp và danh từ “cửu châm” biểu thị sự trân trọng, quý giá. Bên cạnh đó, “Cứu pháp bí truyện - phàm lệ” thời đại nhà Thanh cảm thán: người xưa dùng cửu châm, đã thất truyền, người hiện tại dụng châm không chỉ không am tường châm pháp đến cứu pháp cũng vậy. Cho thấy, cửu châm không phải là một lượng từ cụ thể về phương pháp hay dụng cụ châm thích, mà cửu châm được hiểu khái quát là châm đạo.

Hiện nay, thuật ngữ “cửu châm” hình thức sử dụng không nhiều, do sự phát triển vật liệu mới và công nghệ chế tạothiết bị y tế, cũng như sự tiến bộ của phương pháp điều trị, một số loại kim châm trong cửu châm không còn được sử dụng, bên cạnh một số loại được phát triển do tính ưu việt, đa dụng và được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, mô tả cửu châm trong y cổ văn vẫn là nguồn cảm hứng áp dụng triết lý phương đông vào điều trị y học cổ truyền  trong thời đại ngày nay và có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu liệu pháp và lý luận của châm cứu.

 

Mô tả chín loại châm trong hoàng đế nội kinh:

1. Sàm châm: hậu thế gọi là tiễn đầu châm. “Nhất viết sàm châm, trường nhất thốn lục phân,... đầu đại mạt duệ, khứ tả dương khí”. Kích thước 1 thốn 6 phân. Chủ yếu dùng châm nông ở bì phu cho xuất huyết, điều trị đầu và thân bị nhiệt chứng. Hiện tại, sàm châm được ứng dụng và phát triển thành mai hoa châm.

2. Viên châm: hậu thế gọi là viên đầu châm. “nhị viết viên châm, trường nhất thốn lục phân… châm như noãn hình, khai ma phân gian, bất đắc thương cơ nhục, dĩ tả phân khí” loại châm được miêu tả với đầu kim bầu dục, kích thước 1 thốn 6 phân, dùng để tác động, xoa bóp phần ngoài cơ thể, điều trị đau gân cơ.

3. Đề châm: người đời sau gọi là tác thôi châm. Thân kim to, mũi kim cùn hơi nhọn, như hạt kê, dài 3 thốn 5 phân, dùng xoa bóp kinh mạch, điểm huyệt, không xuyên qua da mà có tác dụng dẫn khí huyết, phù chính khư tà, điều trị các thể chứng hư, chứng đau.

4. Phong châm: còn gọi là tam lăng châm. Được miêu tả có thân hình trụ, đầu kim nhọn có ba mặt, kích thước 1 thốn 6 phân. Dùng châm nông cho ra máu, điều trị nhiệt chứng, ung thũng, tí chứng lâu năm.

5. Phi châm: xưng là phi đao châm hay kiếm châm. Hình dáng như thanh kiếm có hai lưỡi, dài 4 thốn, rộng 2,5 phân. Dùng cắt mở ápxe và máu, chủ trị loét, ápxe.

6. Viên lợi châm: một loại châm thân kim mỏng, mũi kim to, kích thước 1 thốn 6 phân. Điều trị ung thũng tí chứng.

7. Hào châm: mũi kim mỏng và nhọn, giới hạn chiều dài loại kim này là 4 thốn, còn gọi là mãn châm. Dùng trị tà ở kinh lạc gây đau nhức các loại. Hiện tại, trên lâm sàng hào châm được ứng dụng rộng rãi.

8. Trường châm: thân kim dài, mũi nhọn sắc, thân mỏng, dài 7 thốn. Dùng trị tà khí ẩn sâu, chứng tí lâu ngày không giảm.

9. Đại châm: hậu thế dùng kim này hơ nóng trên ngọn lửa đến đỏ, sau đó thích lên huyệt, còn gọi là hỏa châm. Dùng điều trị khi các khớp bị sưng phù.

 

Ngày nay, thuật ngữ “cửu châm” còn dùng để chỉ 9 loại kim châm mới được cải tiến từ cửu châm thời cổ đại. Cửu châm mới bao gồm: sàm châm, từ viên châm, đề châm, phong câu châm, phi châm, mai hoa châm, hỏa châm, hào châm, tam lăng châm.

Sự miêu tả tỉ mỉ từ hình dạng, kích thước, cơ chế cũng như phương pháp sử dụng của cửu châm, cho thấy điều trị bệnh theo y học cổ truyền không chỉ đòi hỏi sự chuẩn xác trong chẩn bệnh mà còn cần sự phù hợp trong phương pháp điều trị. Cửu châm không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế mà còn là sự thăng hoa trong triết lý phương đông cổ đại cần được quan tâm, tìm hiểu và chiêm nghiệm.