Huyết trong Đông y và Máu trong Tây y là một dạng vật chất hữu hình - một loại dịch lỏng, màu đỏ, lưu thông khắp cơ thể, là nền tảng cấu trúc và chức năng của cơ thể. Chứng Huyết hư và Thiếu máu có những nét tương đồng cho chúng ta một sự hình dung về sự giao thoa của hai nền y học.
Chứng huyết hư trong Đông y
Theo Đông y, huyết hư là một chứng hậu, nguyên nhân bao gồm tất cả các yếu tố dẫn đến sự thiếu hụt huyết lưu hành trong tạng phủ, kinh mạch, biểu hiện ra bên ngoài là sự thiếu nuôi dưỡng. Huyết là “tinh” của đồ ăn, thức uống, được nạp vào Vị, được Tỳ hóa ra, rồi vận lên Tâm, Tâm dùng chân âm Hỏa mà hóa sắc đỏ cho “tinh” tạo ra huyết. Huyết lại nương vào Phế để lưu thông khắp cơ thể, rồi lại về tàng trữ ở Can. Thận thuộc Thủy, chủ về tất cả “Thủy”- mà huyết là một loại thuỷ, nên Thận Tinh cũng sinh huyết. Đây là con đường tạo ra và vận hành của huyết trong cơ thể.
Huyết là một phạm trù lớn, thuộc tính Âm trong Âm Dương - nên “thường bất túc” mà sinh Hư chứng. Lẽ ấy là do người xưa quan sát trời đất, thấy Mặt trăng có lúc vơi lúc đầy, so với sự rực rỡ của Mặt trời,thuộc Dương - thì thường sinh thực chứng. Huyết có quan hệ mật thiết với Khí - thuộc Dương - Tạo thành một “cặp đôi” không thể tách rời. Huyết chủ tĩnh, dựa vào khí mà hành, cũng là nơi để khí nương tựa mà thực hiện công năng. Huyết chảy trong kinh mạch tựa như sông ngòi chảy trên mặt đất, nước dồi dào đất được tươi tốt; nước cạn dòng chảy yếu sinh mà ứ trệ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Huyết hư, trong đó, Hư lao là một trong những nguyên nhân chính. Hư lao là tên gọi chung của “ngũ lao, thất thương, lục cực”. “Ngũ lao” chỉ sự hoạt động quá sức của cơ thể làm tổn thương ngũ tạng, gồm tâm lao, can lao, tỳ lao, phế lao, thận lao.
Nội Kinh viết: nhìn lâu hại huyết (Tâm) vì huyết dựa vào mạch chứa đựng, các mạch lại quy về mắt, nằm lâu hại khí (Phế) do khí thuộc Dương, Dương chủ động, tĩnh làm khí trở trệ, ngồi lâu hại cơ nhục (Tỳ) vì Tùy chủ cơ nhục, chủ vận động, đứng lâu hại cốt (Thận) vì Thận chủ cốt tủy, cốt vững đứng được, đi lâu hại cân (Can) vì Can chủ cân, cân mạnh đi được, đó là thương tổn về ngũ lao.
Trong Nội Kinh, “thất thương” chỉ sự tổn thương tạng phủ do bảy loại tình chí gây ra, Tôn Tư Mạo đời Đường khi bàn về “thất thương” còn thêm các nguyên nhân từ bên ngoài, ông cho rằng: ăn no quá tổn thương tỳ; giận quá khí bốc lên tổn thương can, gắng sức mang nặng quá, ngồi lâu ở chỗ cát ướt tổn thương thận; để thân thể bị lạnh và uống thứ lạnh tổn thương phế; buồn rầu lo nghĩ tổn thương tâm; mưa gió rét nắng tổn thương hình thể; khiếp sợ quá không tiết chế được tổn thương ý chí. “Lục cực” chỉ sự suy yếu đến mức cùng cực, gồm: Khí cực, Mạch cực, Cân cực, Cốt cực, Nhục cực, Tinh cực.
Giữa Nam và Nữ Nữ thường gặp Huyết hư, vì Nữ thuộc Âm - như Huyết, lấy huyết làm gốc. phụ nữ có kinh nguyệt, thai sản, đều phụ thuộc vào huyết mà điều hoà, nhờ huyết đến hai Mạch Xung - Nhâm vượng mà phụ nữ có thể thụ thai, nhờ Huyết đủ mà kinh nguyệt đều đặn.