Giận là gì?
Theo Michael Kent, giận có thể được xem như là “một hình thức phản ứng và đối phó được sinh khởi để giúp con người có thể ứng phó trước những sự đe dọa”.
Theo Từ điển bách khoa về Tâm lý học của Gale: “Tức giận là một trong những xúc cảm chính của con người. Tức giận thường phát sinh bởi sự thất vọng về những cố gắng để đạt được một múc đích nào đó, hay bởi những hành động đạt được một mục đích nào đó, hay bởi những hành động chống đối hoặc gây phiền phức, chẳng hạn như những lời sỉ nhục, những sự tổn thương hay những sự đe dọa không xuất phát từ một nguồn đáng sợ. Những nguyên nhân gây ra tức giận đối với mỗi người vào những thời điểm khác nhau là không giống nhau trong cuộc sống của họ”.
Trong y học cổ truyền, giận (hay “nộ”) là một trong bảy loại tình chí gây ra bệnh tật cho con người, phát sinh từ chính bản thân người bệnh. Đó là nguyên nhân xuất phát từ tâm lý gây ra các triệu chứng khó chịu lên cơ thể.
Tác hại của giận lên sức khỏe
Giận là tình chí của tạng Can,
khi giận dữ quá mức sẽ làm hại đến công năng của Can. Ngược lại khi chức năng Can bị rối loạn thì cũng dễ làm con người hay giận, dễ cáu gắt.
Can có chức năng chủ sơ tiết, điều này có liên hệ chính đến trạng thái tâm lý của cơ thể, nếu Can bình thường thì tâm trạng sẽ sảng khoái, thoải mái.
Khi công năng của Can rối loạn sẽ dẫn đến các biểu hiện sau: khó dỗ giấc ngủ, ngủ không yên, hay giật mình trong giấc ngủ do Can có chức năng tàng huyết, điều huyết. Hay mỏi mắt, đau mắt, giảm thị lực do Can khai khiếu ra mắt. Khi giận, chúng ta cũng khó tập trung suy nghĩ, phán đoán thiếu chính xác, như ông bà ta hay nói “giận quá mất khôn”, điều này là do Can chủ mưu lự, giúp chúng ta suy nghĩ chính chắn, khả năng phán đoán sự việc tinh tế. Có đôi khi sau cơn giận cực điểm, một số người rơi vào trạng thái trầm cảm, ấy là vì chức năng Can tàng hồn bị rối loạn, gây ra rối loạn cảm xúc, bi quan.
Ngoài ra, tạng Can còn quan hệ biểu lý với phủ Đởm (Đởm chứa đựng Mật do Can tạo ra) nên khi giận thì miệng đắng, ăn không ngon. Theo ngũ hành sinh khắc, Can Tỳ tương khắc gây nên tình trạng ăn uống khó tiêu, đầy bụng.
Phương pháp thư giãn ức chế cơn giận
Giận là một trạng thái của cảm xúc thì nên được chữa bằng cảm xúc. Phương pháp đơn giản nhất để chăm sóc cảm xúc có lẽ là “thở”. Tập trung vào hơi thở không chỉ khiến cơn giận biến mất mà còn giúp điều hòa khí huyết trong cơ thể, giúp cơ thể lấy lại trạng thái cân bằng âm dương. Kế thừa chủ trương “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã kết hợp các phương pháp lý luận và thực tiễn, sáng tạo ra bài dưỡng sinh riêng. Trong lúc cơn giận lên đến cực đỉnh, chúng ta có thể dùng bài tập 1 - thư giãn để làm giảm cơn giận. Bài tập như sau:
Tư thê: nằm che mắt, nơi yên tĩnh.
Bước 1: ức chế ngũ quan.
Bước 2: tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Toàn thân nặng xuống ấm lên.
Bước 3: theo dõi hơi thở 10 lần, thở thật êm, nhẹ, đều, nông.
Khi cơn giận giảm xuống, chúng ta áp dụng bài tập 2. Thở bốn thời có kê mông và giơ chân để lấy lại quân bình hưng phấn và ức chế của thần kinh. Bài tập như sau:
Tư thê: nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5 - 8cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.
Thời 1: hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng (3”- 6”).
Thời 2: giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 cái, rồi hạ chân (3”- 6”).
Thời 3: thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc (3” - 6”).
Thời 4: thư giãn chân tay mềm giãn. (3”- 6”); chuẩn bị trở lại thời một, hít vào.
Hai bài tập trên cũng có thể áp dụng tập mỗi ngày, rất tốt cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Ngoài ra chúng ta cũng nên tạo ra những thói quen tốt để không còn thời gian dành cho cơn giận nữa như: tập thể dục, đọc sách, trồng cây...
Có nên nổi giận?
Cuộc sống không phải luôn trải thảm hoa nên giận dữ là một phần của cuộc sống, biết giận đúng người, đúng lúc cũng giúp giải quyết những rắc rối. Tuy nhiên, “dĩ hòa vi quý” vẫn là lẽ hơn. Bởi có âm nên có dương, vì có giận nên có “nhẫn”, nhẫn để tạo hòa khí, ấy là “lấy nhu thắng cương”.
Không chỉ giận dữ mà bất cứ điều gì thái quá cũng không tốt. Giữ được cân bằng cho cuộc sống thật sự là một điều cần thiết.