Có thể hiểu y học dân gian (folk-medicine) là toàn bộ những kinh nghiệm phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe có tính tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động, ra đời từ thời kỳ công xã nguyên thủy, trải qua các thời kỳ phát triển lâu dài trong những chế độ xã hội có giai cấp và tiếp tục tồn tại trong thời đại hiện nay.
Y học dân gian còn được gọi là kinh nghiệm dân gian, y học bình dân (để phân biệt với y học bác học), y học truyền khẩu (để phân biệt với y học thành văn)... Những khái niệm này xuất hiện từ khi nào không rõ, nhưng có lẽ sớm nhất cũng chỉ từ đầu thế kỷ XX. Trên thực tế, khái niệm y học dân gian rất ít được sử dụng, mà chủ yếu là dùng các cụm từ "kinh nghiệm chữa bệnh dân gian", "môn thuốc dân gian", hay chìm lẫn trong các khái niệm y học dân tộc, y học cổ truyền, Ðông y...
Y học dân gian ra đời và phát triển như thế nào?
Ngay từ thuở nguyên sơ, khi còn ở thời đại đồ đá, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, bệnh tật bảo vệ cuộc sống, người xưa đã biết dùng cây cỏ quanh mình để làm thuốc và biết sáng tạo ra những cách chữa bệnh không dùng thuốc. Ví dụ, ban đầu củ gừng, củ tỏi... chỉ được dùng với mục đích nấu nướng để làm thay đổi và đa dạng hóa mùi vị, tạo ra những thức ăn ngon miệng, nhưng dần dần về sau người ta nhận thấy chúng còn có khả năng làm ấm bụng và dễ tiêu, làm hết đi lỏng do ăn phải những đồ sống lạnh..., và thế là bắt đầu một cuộc hành trình dài - từ trong lòng đất - củ gừng và củ tỏi đã theo con người lên bàn ăn, đi vào tủ thuốc của từng gia đình, đồng thời công dụng chữa bệnh của chúng được thử thách qua thời gian và lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Theo đà phát triển của lịch sử, kho tàng kinh nghiệm dân gian phòng chống bệnh tật ngày càng phong phú và đa dạng. Cùng với sự ra đời của chữ viết, người xưa đã biết ghi chép, tổng hợp và đúc rút ra những quy luật về mối quan hệ giữa cơ thể con người và bệnh tật cùng phương thức sử dụng kho tàng kinh nghiệm chữa bệnh đã có, từ đó dần dần hình thành nên nền y học thành văn mang đậm tính bác học và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nền y học dân gian không còn đất để phát triển mà ngược lại, như một dòng nước ngầm chảy âm thầm trong lòng đất, nó vẫn tiếp tục có sức sống mãnh liệt, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, không ngừng phục vụ nhân dân và đắp bồi cho nền y học thành văn.
Y học dân gian có đặc điểm gì?
Trước hết, y học dân gian luôn mang đậm tính thực tiễn và có mối quan hệ hết sức mật thiết với đời sống sinh hoạt của nhân dân lao động. Bởi lẽ, sự ra đời, tồn tại và phát triển của nó là do nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm và lưu giữ từ đời này sang đời khác. Dường như nền y học này tham gia vào đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân lao động với tư cách như là một thành phần, một nhân tố cấu thành của những sinh hoạt đó. Hai chữ "dân gian" (trong dân) trong tên gọi của nó cũng đã đủ nói rõ điều này.
Thứ hai, đó là tính truyền miệng (truyền khẩu) hay nói cách khác truyền miệng là phương thức tồn tại chủ yếu của y học dân gian, khi chưa có chữ viết thì đó là phương thức duy nhất, nhưng ngay cả khi văn tự đã xuất hiện và nền kinh tế rất phát triển thì phương thức truyền khẩu vẫn là chủ yếu với tư cách là một trong những phương thức sáng tạo của hoạt động khoa học không chuyên gắn liền với hoạt động thực tiễn.
Thứ ba, y học dân gian mang đậm tính văn hóa vì nó chính là một bộ phận không thể thiếu của kho tàng văn hóa dân tộc, nhất là nền văn học Việt cổ, so với y học thành văn nó dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa hơn. Xét về mặt nguồn gốc thì ở bất cứ dân tộc nào, y học dân gian cũng mang bản sắc đậm đà của nền văn hóa dân tộc đó.
Thứ tư, y học dân gian rất gần gũi với tự nhiên và dễ phù hợp với sinh lý tự nhiên của cơ thể con người. Phương thức dùng thuốc và không dùng thuốc của nó rất gần gũi với những sinh hoạt hàng ngày, thậm chí nhiều khi rất khó phân biệt đâu là phần can thiệp của y học và đâu là phần hoạt động sống thường nhật.
Cuối cùng, y học dân gian là một nền y học mang đậm tính đại chúng, tính phổ biến. Hầu hết các kinh nghiệm dân gian đều rất dễ dùng, dễ kiếm, đơn giản và rẻ tiền. Vì tính chuyên môn hóa không cao nên mọi người đều có thể nhận thức và vận dụng một cách dễ dàng.
Nội dung của y học dân gian?
Có thể nói, y học dân gian là cả một kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, nhưng nội dung chủ yếu vẫn không ngoài hai vấn đề lớn có quan hệ hữu cơ với nhau: dưỡng sinh và trị liệu, hay nói đầy đủ là phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Khó có thể kể hết các biện pháp mà y học dân gian sử dụng nhưng tựu trung cũng không ngoài hai nhóm lớn: dược vật liệu pháp (dùng thuốc) và phi dược vật liệu pháp (không dùng thuốc). Dược vật liệu pháp bao gồm nhiều dạng thuốc như thang, cao, đơn, hoàn, tán, tửu dược, trà dược... và nhiều phương thức sử dụng như uống, bôi, xông, xoa, đắp, dán... Phi dược vật liệu pháp cũng là cả một kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, từ những thủ thuật cụ thể như châm cứu, xoa bóp, cạo gió, giác hơi... đến các phương pháp tập luyện như khí công, dưỡng sinh... và những kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm gội, ngủ nghỉ, chọn nơi ở, dưỡng thai, sinh hoạt tình dục...
Vai trò của y học dân gian
Ra đời do yêu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống và được lưu truyền giữ gìn trong nhân dân nên y học dân gian có một vai trò rất đặc biệt trong việc phòng chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cho con người. Ngay cả khi nền y học thành văn đã hình thành và phát triển, y học dân gian vẫn lặng lẽ tồn tại và được sử dụng khá rộng rãi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đắc lực vào công cuộc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cá nhân và cộng đồng.
Ở làng xã Việt Nam, hầu như nhà nào cũng trồng dăm ba "cây nhà lá vườn" vừa để làm rau ăn, gia vị hàng ngày, vừa để dùng làm thuốc khi đau ốm, hầu như người nào cũng biết một vài bài thuốc đơn giản hoặc đôi ba môn đánh gió, cạo gió, xông, chườm, tẩm quất, day bấm huyệt..., hầu như bà nội trợ nào cũng biết cách nấu, cách dùng một số món ăn - bài thuốc theo kinh nghiệm cổ xưa truyền khẩu... Ðiều đó cho thấy, y học dân gian có một vị thế không nhỏ trong đời sống thường nhật của nhân dân ta, nhất là trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Hơn nữa, y học dân gian còn có một vị trí quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền y học thành văn, mà trước hết nó là một bộ phận cấu thành không thể thiếu và là cơ sở của nền y học cổ truyền nói chung. Không ít những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian đã được phân tích, chứng minh, chỉnh lý và nâng cao dưới ánh sáng của khoa học kỹ thuật hiện đại và được áp dụng một cách rộng rãi, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng một nền y học hiện đại.
Cho đến nay, ở nước ta, y học dân gian đã được quan tâm phát hiện, bảo tồn và khai thác, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục giải quyết, thậm chí là khá cấp bách như: thống nhất quan điểm, đấu tranh khắc phục một số quan niệm cực đoan (hoặc quá coi thường y học dân gian do hiểu biết còn nông cạn, hoặc quá nệ cổ mà đề cao nền y học này một cách quá đáng); Khẩn trương phát hiện, sưu tầm và bảo tồn kho tàng tri thức y học dân gian, tránh nguy cơ thất truyền đang có xu hướng tăng cao, nhất là ở cộng đồng các dân tộc thiểu số; Tích cực tổ chức nghiên cứu chứng minh, thẩm định các kinh nghiệm dân gian trên cơ sở khoa học và không làm mất đi bản sắc của chúng... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Con người khó lòng biết hết được kho tàng kinh nghiệm từ hàng ngàn năm dồn lại và ngày nay vẫn đang tích lũy thêm lên. Khoa học dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể giải mã hết được những bí mật của tạo hóa. Vì vậy, bên cạnh khoa học bao giờ cũng tồn tại kinh nghiệm sống của con người được tạo nên bởi bề dày của sự tiến hóa và bề dày của lịch sử từng dân tộc, trong đó không thể thiếu vắng nền y học dân gian.
Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Trả lờiXóaeva air của hãng nào
vé máy bay 2 chiều đi mỹ
ve may bay hang korean air
vé máy bay đi mỹ mùa nào rẻ nhất
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch