Mất ngủ theo y học cổ truyền gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”
Mất ngủ theo y học cổ truyền gọi là chứng “thất miên”, “bất mị” thường hay đi kèm với chứng đau đầu, váng đầu, hay quên, mất tập trung, phiền muộn, …
Nguyên nhân mất ngủ theo y học cổ truyền
Theo “Hoàng đế nội kinh tố vấn”: âm dương không cân bằng, ngũ tạng thất hoà, tinh khí hư tổn là nguyên nhân chủ yếu của loại bệnh này. Người già mất ngủ là do tuổi già sức suy, khí huyết hư tổn, cơ nhục khô héo, dưỡng khí không thông, khí của ngũ tạng đảo lộn, âm huyết suy yếu, dương khí quá thịnh nội phá nên ban ngày không có tinh thần, ban đêm không ngủ được; hoặc tâm âm không đủ, hư hoả bốc lên làm cho mạch dương kiểu thịnh gây ra mất ngủ vì mạch dương kiểu chủ về ngủ.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong “Y trung quan kiện” cho rằng: “Tâm là nơi chứa thần, thống nhiếp huyết mạch; can là nơi chứa hồn, chứa huyết; tỳ là nơi chứa ý và sinh ra huyết. Phàm chứng mất ngủ là do âm hư huyết kém; thần, hồn và ý đều bị thương tổn”
Như vậy nguyên nhân chủ yếu gây mất ngủ ở người cao tuổi bao gồm:
- Do âm hư huyết kém, không nuôi dưỡng được tâm, Tâm chủ thần trí, mà huyết là cơ sở cho hoạt động tinh thần, tâm chủ huyết cho nên nói Tâm chủ thần trí. Đông y cho rằng Tâm là nơi cư trú của thần, gọi là Tâm tàng thần, thần được trú ngụ ở tâm, nếu tâm hỏa động, thần không yên sẽ gây chứng mất ngủ
- Do huyết ứ làm thiếu máu lên não
- Do lo nghĩ quá độ mà ảnh hưởng đến tâm tỳ. Do sợ hãi, lo lắng thái quá, không dám quyết đoán khiến cho tâm đởm khí hư, thần hồn không yên gây mất ngủ.
- Do chứng tâm thận bất giao, do thận âm hư không tiềm được dương, không chế được hỏa, hoặc thận tinh hư tổn, không sinh tủy, từ đó không nuôi dưỡng được não, làm cho não tủy thất dưỡng mà gây chứng mất ngủ.
Triệu chứng và phân biệt bệnh mất ngủ
Nếu bệnh mới khởi phát có các triệu chứng như khó đi vào giấc ngủ, hoặc không duy trì được giấc ngủ suốt đêm hoặc thức dậy lúc nửa đêm và không quay lại giấc ngủ được nữa.
Mất ngủ kinh niên thì nghiêm trọng hơn, bệnh nhân mất ngủ hàng tuần, hàng tháng. Mặc dù cơ thể rất mệt mỏi, buồn ngủ nhưng khi lên giường thì rất khó ngủ hoặc chỉ chợp mắt được 1-2 tiếng và thức dậy rất mệt mỏi. Người bệnh ngủ chập chờn cả đêm, giấc ngủ miên man, hay mơ, mộng mị.
Mất ngủ, kém ngủ, rối loạn giấc ngủ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, mất ngủ mạn tính gây rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý khác, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống
Hậu quả của mất ngủ kéo dài
- Suy giảm trí nhớ: Khi giấc ngủ đủ sâu, trí nhớ trong một ngày sẽ được sắp xếp lại trong não bộ. Nếu tình trạng mất ngủ xảy ra, khả năng ghi nhớ của người bệnh sẽ giảm đi rõ rệt.
- Ảnh hưởng xấu đến da: Khi cơ thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn, các hoocmon tăng trưởng đạt đỉnh sẽ kích thích quá trình sửa chữa mô và tế bào. Nếu ngủ không đủ, không sâu giấc, quá trình hồi phục của làn da sẽ diễn ra chậm hơn, gây nên tình trạng lão hóa.
- Mất ngủ dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm. Người bệnh dễ bị kích động, tức giận, buồn bã và thờ ơ với cuộc sống.
- Mất ngủ dễ bị các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, suy giảm hệ miễn dịch trong cơ thể…và dẫn tới các bệnh lý khác
Quan điểm điều trị chứng mất ngủ của đông y
Quan điểm điều trị chứng mất ngủ của YHCT là phải kết hợp dùng thuốc và không dùng thuốc thì mới mang lại hiệu quả cao và lâu dài cho người bệnh. Dùng thuốc để chữa mất ngủ thì dựa trên nguyên tắc “hư phải bổ, nhiệt phải thanh, đờm phải tiêu đạo”.
Mất ngủ ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ giai đoạn mãn kinh, nội tiết tố suy giảm (trong đông y gọi là phần âm suy giảm) chủ yếu là do tâm (tim) hỏa quá vượng. Người phụ nữ trong giai đoạn này hay gặp các triệu chứng như bốc hỏa từng cơn, nóng lên mặt là do như vậy.
Tâm (tim) ở phần trên của cơ thể, nó thuộc Dương, chủ về hỏa, có tính chất động. Trong khi đó, thận nằm ở phần dưới cơ thể, nó thuộc âm, chủ về thủy, có tính chất tĩnh. Đông y cho rằng: Khi Thận thiếu hỏa của Tâm, thủy sẽ lạnh; khi Tâm thiếu Thủy của Thận, hỏa sẽ thái quá, đông y gọi là chứng tâm thận bất giao. Khi thủy và hỏa hài hòa, quan hệ cân bằng giữa âm ở dưới và dương ở trên giúp duy trì sự đảm bảo cần thiết cho sức khỏe (gọi là thủy hóa ký tế) thì giấc ngủ ngon sẽ đến một cách tự nhiên và ngủ sâu giấc.
Ngoài việc dùng thuốc thì liệu pháp tâm lý nội tâm có vai trò rất quan trọng. Người bệnh phải tự giải tỏa những vướng mắc về tâm lý thực hiện lối sống lành mạnh, yên vui. Loại bỏ những lo lắng không cần thiết, không trầm trọng hóa các vấn đề để chấm dứt những âu lo, sợ hãi không đáng có thì việc điều trị chứng mất ngủ mới thể có hiệu quả lâu dài.