Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy” của Tuệ Tĩnh

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy”  của Tuệ Tĩnh




“Hồng nghĩa giác tư y thư” là bộ sách nguyên được Thánh y Tuệ Tĩnh viết từ thế kỷ XIV. Sách đã được nhiều người đời sau chỉnh lý, bổ sung mà quy mô nhất là lần được vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương cho các quan Thái y viện và các quan Nội phủ chỉnh lý, bổ sung hai lần; khắc in hai lần bằng chữ Hán Nôm vào năm 1717 và 1723. Chúa Trịnh ban tên “Sách Y học do thầy Hồng Nghĩa trước tác”. Bộ “Hồng nghĩa giác tư y thư” được phòng Tu thư huấn luyện Viện Đông y dịch; GS.L/y Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính và chú thích; Nhà xuất bản Y học xuất bản tại Hà Nội năm 1978.
Quan niệm về thương hàn trong  “Hồng nghĩa giác tư y thư ”
Trong “Hồng nghĩa giác tư y thư ”, phần VI có chép “Thương hàn cách pháp trị lệ”, từ bộ “Thọ thế bảo nguyên” (Giữ được tuổi trời) của Cung Đình Hiền, tự Tử Tài, hiệu Vân Lâm, tên thường gọi là Cung Vân Lâm. Ông là người huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, từng đỗ đầu trong kỳ thi tuyển vào Thái y viện (Y lâm giải nguyên), làm chức Thái y viện sứ mục, đời nhà Minh. Ngoài bộ “Thọ thế”, ông còn sáng tác: Vạn bệnh hồi xuân (1587), Vân Lâm thần khóa, Cổ kim y giám… đều là các bộ sách y học nổi tiếng. Bộ “Thọ thế bảo nguyên” có 10 quyển (viết vào khoảng thế kỷ XVII), được nhiều thế hệ lương y Việt Nam nghiên cứu, sử dụng, làm sách gia bảo. Cung Đình Hiền nêu “37 nghiệm phương để trị thương hàn theo phương pháp đơn giản của riêng mình” (Thương hàn cách pháp trị lệ – Quyển 2). Ông không theo cổ phương rất phức tạp của Trương Trọng Cảnh. Về bệnh thương hàn, có lẽ ông cũng quan niệm như trong Hoàng đế Nội kinh (sách kinh điển của Đông y): “Tất cả các bệnh phát nóng đều là một loại thương hàn” (Nhiệt bệnh giai thương hàn chi loại giã). Ta thấy trong 37 phương này, có phương dùng chữa bệnh chính thương hàn mùa đông, ngoại cảm các mùa, thời khí (đại đầu ôn), dịch lệ, trúng thực, lao lực quá mức, sốt phát ban, các chứng xuất huyết, nội thương thất tình, cước khí…
“Thương hàn cách pháp trị lệ” được Lão Mai Am rất tâm đắc và đưa vào “Hồng nghĩa giác tư y thư ” bằng thể phú với tên “Thương hàn tam thập thất trùy pháp”, nghĩa là “Dùng 37 phương trị bệnh thương hàn (sốt nóng) có thêm trùy pháp”.
So với bản dịch “Thương hàn cách pháp trị lệ” của Viện Đông y với bản “Thọ thế bảo nguyên” của Cung Đình Hiền, trong phần thương hàn chúng tôi thấy:
- Tên 37 phương thang và cách gia giảm vẫn giữ nguyên.
- Có thêm bớt một vài vị thuốc trong một số phương thang và có một số phương, phần gia giảm được đưa luôn vào trùy pháp như “Sơ tà thực biểu thang”, chữa chứng thương phong về mùa đông; “Sài cát giải cơ thang” chữa chứng túc dương minh vị; “Xung hòa linh bảo ẩm” chữa thương hàn lưỡng cảm, biểu lý cùng bệnh… Không rõ đây là chủ ý của Lão Mai Am hay do sự lầm lẫn trong sao lục?
- Cái độc đáo ở đây là phần trùy pháp được Lão Mai Am thêm vào.
Sử dụng trùy pháp là nét độc đáo của Tuệ Tĩnh
Trùy pháp là phương pháp phụ thêm (gia thêm) vào phương thang một số vị thuốc có tại chỗ. Trước khi đem sắc uống hay thuốc sắc xong rồi hòa thêm vào uống để tăng hiệu quả chữa bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm độc đáo trong điều trị, được tích lũy lâu đời trong việc phối hợp dùng thuốc Nam, Bắc của ông cha ta, như thang “Lục thần thông giải” để chữa bệnh thời khí dịch lệ, đau đầu, nóng mình thì gia thêm một nắm đạm đậu xị và hai củ hành vào sắc uống; thang “Tiêu ban Thanh đại ẩm” chữa nhiệt tà vào lý, phát ban đỏ, gia thêm một muỗng giấm khi uống; “Lục nhất thuận khí thang” chữa nhiệt đã truyền vào lý, đại tiện rắn kết, miệng ráo, họng khô, nói sảng, da vàng, phát ban, sốt cơn, nhiệt quyết, tự ra mồ hôi thì gia 3 thìa nước gỉ sắt để uống; “Như thần Bạch hổ thang” chữa chứng mình nóng, khát nước, ra mồ hôi mà vẫn phát nóng, gia thêm 10 lá tre non vào sắc uống…
Các vị thuốc thêm vào là thuốc có tại địa phương, phần lớn dưới dạng thuốc Nam tươi sống như nước gừng, nước cây tre, lá tre non, nước ngó sen, củ hành, rượu, giấm, muối ăn, hoạt thạch, mạch nha, mật ong, nước lá ngải cứu, nước cây tô mộc, nước đồng tiện… ở đây, Lão Mai Am đã sử dụng một số phương thang trị bệnh có hiệu quả lâu đời của Đông y, gia thêm vào một số vị thuốc Nam đặc trị của nhân dân ta thành một lối chữa bệnh tâm đắc.
Hiện nay, chúng ta đã thừa kế và phát huy mạnh mẽ sở trường của lối chữa bệnh này và cũng đã có hàng trăm trùy pháp được áp dụng hiệu quả xưa nay. Như bị bệnh hen suyễn, ngoài dùng thuốc thang để hạ khí tiêu đàm, còn thêm nước trầu không với ít mật ong hòa uống; bị cảm nước, cảm mưa lạnh, nóng sốt, ho thì ngoài việc dùng thuốc tân ôn giải biểu uống bên trong còn phải cho một nồi lá xông có nhiều tinh dầu như lá tía tô, lá ngũ trảo, lá bạc hà, lá sả… cho ra mồ hôi, thông xoang mũi, thông phế quản, diệt vi khuẩn.
Phương pháp này, GS Can Tổ Vọng (Đại học Trung y Nam Kinh) trong cuốn “Can Tổ Vọng y thoại” xuất bản 1996 đã viết: “Thày thuốc Trung Quốc xưa kia cũng có sử dụng “dẫn tử” là những loại dược liệu tươi sống, lấy tại chỗ để dẫn thuốc trong phương thang. Đây là bí quyết để làm tăng hiệu quả chữa bệnh của thang thuốc. Phép sử dụng này bị mất dần và đến khoảng thời nhà Thanh thì không còn nữa”.
Dẫn tử có thể cũng gần giống như trùy pháp của nước ta. Sử dụng trùy pháp rất phù hợp với phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”. Nếu chúng ta biết sử dụng, phát huy nó sẽ là thế mạnh của nền y học cổ truyền nước ta.
Quan niệm thương hàn là các bệnh có nóng sốt và nêu 37 phương thang để chữa trị trong Tuệ Tĩnh là rất khoa học. Đem so sánh với các bệnh “có sốt” của y học hiện đại ta thấy có nhiều điểm gần giống nhau, chỉ khác tên gọi. Có những bệnh sốt mà y học đến nay vẫn chưa rõ được nguyên nhân.
Hồng nghĩa giác tư y thư là bộ sách  y học cổ truyền tinh gọn “hay nhất, quý nhất, xưa nhất và được dịch thuật, chú thích rõ ràng nhất” của Đông y Việt Nam. Chúng tôi rất mong bộ sách quý này sớm được nghiên cứu đưa vào làm giáo trình giảng dạy và bồi dưỡng cho thầy thuốc Đông y Việt Nam.

Những nét cơ bản về châm cứu chữa bệnh trong Nội kinh, Nạn kinh (kỳ 1)

Châm cứu chữa bệnh là phương pháp điều trị có  cơ  sở  lí  luận  (kinh  lạc,  huyệt  khí  gắn  liền với tạng phủ chi thể); có công vụ riêng (kim, ngải), có cách châm cụ thể với tác dụng và cơ chế  tác  dụng  tuy  đơn  giản  song  vẫn  chỉ  đạo cho việc dùng châm cứu chữa các bệnh cụ thể với tên gọi cổ.



Y học cổ truyền cho rằng: cơ thể  gồm có lục phủ, ngũ tạng, ngũ  thế (mạch, da, cơ, cân, cốt), ngũ qua (thị giác – mắt, thính giác – tai, khứu giác – mùi, vị giác – lưỡi, xúc giác –  da), cửu khiếu (2 lỗ mũi, 2 lỗ mắt, 2 lỗ tai, miệng, tiền âm, hậu âm). Cơ thể được nuôi dưỡng bằng huyết  khí tuần hoàn trong kinh mạch. Cơ thể hoạt động được nhờ nguyên khí chân khí, ở tạng phủ được gọi là khí của tạng phủ, ở kinh mạch là kinh khí, mạch khí, ở huyệt là thần khí. Khi khí thăng giáng xuất nhập bình thường (khí hòa) thì ngũ tạng yên, huyết khí hòa lợi, tinh thần yên tĩnh Khi huyết hòa thì kinh mạch thông sướng, tuần hoàn không bị trở ngại âm dương được duy trì, cân cốt được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi.Do khí huyết không điều hòa nên có thể sinh bách bệnh, vì vậy phải làm cho kinh toại (các ống mạch) thông sướng. Cơ chế sinh bệnh cơ bản là có tà khí tác động và chính khí hư (tà khí thịnh tắc thực, tinh khí đoạt tắc hư). Nguyên tắc chữa bệnh là: Cóhư thì bổ hư, có thực thì tả thực. Vận dụng vào châm cứu thì nguyên tắc đó là: “Phàm dụng châm giả, hư tắc thực chi (hư thì làm cho đầy đủ), mã tắc tiết chi (đầy thì làm cho vơi đi), uyển trần tắc trừ chi (ứ trệ lâu thì loại bỏ đi), thịnh tắc hư chi (thịnh thì bỏ phần thịnh đi) (Linh khu).
Thủ thuật châm cứu
Thủ thuật cơ bản là châm kim vào huyệt đại diện cho tổ chức bệnh, tiến mũi kim đến sát đúng nơi có bệnh, trên cơ sở đó làm thủ thuật bả (để bổ hư), hoặc tả (để tả thực). Mục đích của thủ thuật bổ tả là để “điều khí”, “khí hòa thì huyết hòa, huyết hòa thì kinh mạch thông sướng âm dương được duy trì, gân xương được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi”.Để tiến hành châm cứu cần xem bệnh ở đâu để đưa mũi kim đến đó với mục đích là “bệnh ở mạch thì điều huyết (mạch là phủ của huyết), chỉ châm đến sát mạch, không được châm nông vì làm tổn thương da, không được châm sâu vì gây tổn thương cơ nhục; bệnh ở huyết thì điều lạc (nơi huyết lưu hành) chỉ châm đến lạc, bệnh ở khí thì điều vệ (vệ là chủ của khí), chỉ châm ở da, không châm sâu làm tổn thương cơ nhục, bệnh ở tấu lý không châm sâu làm tổn thương da, bệnh ở nhục thì điều phân nhục, chỉ châm đến phân nhục, không châm nông làm tổn thương mạch, không châm sâu làm tổn thương cân, bệnh ở cân thì điều cân, chỉ châm đến sát cân, không châm nông làm tổn thương cơ nhục, không châm sâu làm tổn thương cốt, bệnh ở cốt thì điều cốt, chỉ châm đến sát xương, không châm nông làm tổn thương cân, không châm sâu làm tổn thương tủy, người có chứng tý có đau ở nhiều chỗ khác nhau, châm vào chỗ đau và sâu đến phân nhục” (Tố vấn). Tóm lại là: “bệnh có ở nông, ở sâu, bệnh ở nông châm nông, bệnh ở sâu châm sâu và châm đến nơi có bệnh là đúng nhất. Châm quá sâu sẽ gây nội thương, châm quá nông sẽ gây ứ trệ ở ngoài tà khí nhân lúc có ứ trệ này mà vào lý sâu hơn. Châm nông châm sâu không đúng, không những không chữa được bệnh, ngược lại thành đại họa, nếu châm sâu quá vào ngũ tạng thì sinh đại bệnh” (Tố vấn).
Chọn huyệt
Cần chọn huyệt đại diện cho nơi bị bệnh. Cụ thể:
* Chữa bệnh tạng phủ: chọn huyệt nguyên của kinh tạng phủ đó, chọn huyệt du mộ tạng phủ đó, chọn huyệt ngũ du có liên quan đến tạng phủ đó.
* Chữa bệnh của phủ: Chọn huyệt nguyên, huyệt du mộ, huyệt ngũ du có liên quan đến phủ bị bệnh. Ngoài ra còn chọn huyệt hợp có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của mạch: Chọn huyệt trên đường kinh mạch có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của cân: Chọn huyệt hội của cân, chọn huyệt a thị.
* Chữa bệnh của tủy, xương, khí, huyết: chọn huyệt hội của chúng trong bát hội huyệt.
Tiến trình châm
* Trước hết, phải trị thần trước, thần yên thì khí dễ hành.
*Tiếp theo làm thao tác tiến kim đạt đắc khí rồi làm thủ thuật bổ tả. Bổ để làm chính khí vượng trở lại, dùng cho chứng hư, thủ thuật bổ làm như sau:
Tiến kim từ từ (chính khí sẽ vượng lên, rút kim nhanh (chính khí không tiết ra ngoài).
Tả để làm tà khí sơ tiết ra ngoài, dùng cho chứng thực, tiến hành như sau: Tiến kim nhanh, rút kim từ từ (Tà khí theo kim tiết ra ngoài, tà khí từ thịnh chuyển thành hư).Chích xuất huyết để loại trừ tà khí ứ trệ (tà khí theo huyết ra ngoài).
* Khi châm đã đắc khí thì phải làm thủ thuật bổ tả ngay. Không được để kinh khí thay đổi rồi mới bổ tả. Châm xong bệnh không đỡ mà nặng lên là đã bỏ không dùng phép bổ tả (Tố vấn).
Không châm cho những trường hợp hiện đang có mạch loạn, khí tán, dinh vệ không bình thường, tuần hoàn của khí huyết không thuận lợi như: sau giao hợp, đang say rượu, đang giận dữ, đang mệt nhọc, vừa ăn no, đang đói quá, đang khát quá, đang lo sợ quá, vừa đi đường xa tới.
Không châm vào ngũ tạng, lục phủ, não, tủy, gân, mạch lớn,… vì có thể gây tai biến, tàn tật, có khi chết người.
Châm cứu dùng để chữa các bệnh sau
* Bệnh hàn nhiệt (ở da, cơ, tì, vị, thận, tâm) bằng huyệt chữa bệnh nhiệt.
* Ngũ khí bị loạn (tâm khí, phế khí, trường vị khí, khí ở đầu, khí ở chân tay) bằng huyệt ngũ du, huyệt nguyên.
* Chứng mạch trướng, da trướng bằng huyệt kinh vị và huyệt tại chỗ.
* Bệnh tà vào ngũ tạng bằng huyệt mộ ở bụng, huyệt du ở lưng, huyệt ngũ du.
* Chứng quyết đầu thống (khí của đường kinh nghịch lên đầu gây đau đầu) bằng huyệt của đường kinh đó, nếu có hiện tượng huyết ứ thì chích xuất huyết.
* Chứng quyết tâm thống (tâm có huyết ứ, hoặc khí ở các tạng phủ thận, tì, vị, can, phế nghịch lên tâm làm tâm bị đau) bằng huyệt của tâm và huyệt của tạng có liên quan.
* Chứng ngược (sốt rét) do ngược tà vào 6 kinh ở chân, vào ngũ tạng bằng các huyệt kinh có bệnh, châm để chặn cơn và châm sau khi dứt cơn là có hiệu quả nhất.
* Bệnh thủy thũng bằng 57 huyệt nơi thủy khí lưu trú ở các kinh âm.
* Chứng đau thắt lưng do tà khí vào 6 kinh dương ở chân bằng huyệt có liên quan với kinh mạch bị bệnh.
* Bệnh giản cuồng bằng những phương huyệt cụ thể.
* Tạp bệnh bằng các huyệt có liên quan đến kinh mạch và các cơ quan bị bệnh.
* Mười hai bệnh lý (ngáp, nấc, nghẹn, ợ hơi, hắt hơi, liệt mềm, buồn rầu, khóc chảy nước mắt, thở dài, chảy dãi, tai ù, tự cắn lưỡi) do tà khí tác động vào không khiếu và nơi bị tác động đang ở trạng thái hư, về nguyên tắc phải châm bổ.
Bị chú: Kinh lạc, huyệt khí, trong châm cứu học tương đồng với tổ chức nào của giải phẫu sinh lý học hiện đại. Châm cứu chữa bệnh khác lý liệu pháp hiện đại như thế nào, xin xem các bài tiếp theo.
GS Hoàng Bảo Châu

Thế nào là người có thể chất hàn và nhiệt

Theo quan điểm của triết học, tâm lý học và Y học cổ truyền phương Đông, việc phân định thể chất của con người là hàn tính hay nhiệt tính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, chỉ có trên cơ sở hiểu rõ thể chất của mình là hàn hay nhiệt, người ta mới có thể lựa chọn môi trường sống, thay đổi điều kiện sinh hoạt và ăn uống, thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực bệnh tật... một cách hợp lý và có hiệu quả. 
Trên thực tế, thể chất hàn nhiệt của mỗi người thường không giống nhau, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, điều kiện sinh hoạt, làm việc, ăn uống..., được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu về sinh lý, bệnh lý và tâm lý. Nhưng tựu trung lại cũng không nằm ngoài 7 loại hình chính là: Thể hàn, thể rất hàn, thể nhiệt, thể rất nhiệt, thể bình hoà, thể thiên hàn và thể thiên nhiệt. Để phân định các loại hình này, người xưa thường chỉ căn cứ vào các dữ liệu thu được sau khi tiến hành vọng (nhìn), văn (nghe, ngửi), vấn (hỏi) và thiết (sờ, bắt mạch). Tuy nhiên, hiện nay, các nhà Y học cổ truyền hiện đại đã xây dựng các chỉ tiêu cơ bản để phân định không chỉ dựa trên cơ sở lý luận của Y học cổ truyền, bao gồm học thuyết âm dương cân bằng, quan niệm chỉnh thể và nguyên tắc biện chứng thi trị mà còn tham chiếu thêm một số chỉ tiêu về sinh lý, sinh hóa, tâm lý của Y học hiện đại. Tổng cộng có 22 chỉ tiêu cơ bản là thể hình, tính cách, cảm giác hàn nhiệt, cảm giác khát, tình trạng ăn uống, sắc mặt, mạch, lưỡi, đại tiện, tiểu tiện, trạng thái tinh thần, thể lực, mồ hôi, tiếng nói, khả năng tình dục, huyết áp, số lượng bạch cầu, số lượng hồng cầu, số lượng tiểu cầu, huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu. Dựa trên những chỉ tiêu này, 7 loại hình có nội dung cơ bản như sau :
• Thể hàn: Thể hình hơi gầy, tính cách hướng nội, sợ lạnh, không khát và không muốn uống, ăn được, sắc mặt trắng, mạch trầm trì (sâu và chậm), rêu lưỡi trắng nhạt, đại tiện nát, tiểu tiện trong dài, tinh thần kém hưng phấn, dễ mỏi mệt, ít mồ hôi, ít nói, khả năng tình dục kém, huyết áp hơi thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu hơi thấp, nồng độ huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng hơi thấp.
• Thể rất hàn: Người rất gầy, tính cách hướng nội rất rõ, sợ lạnh nhiều, thích uống nước ấm nóng, ăn kém, sắc mặt vàng nhợt, mạch tế nhược (nhỏ và yếu), lưỡi trắng nhợt và ướt, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài nhưng đi nhiều lần, tinh thần uỷ mị, thể lực kém, rất ít mồ hôi hoặc vã mồ hôi trộm, tiếng nói nhỏ yếu, khả năng tình dục rất kém, huyết áp thấp hoặc rất thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu tương đối thấp, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng tương đối thấp.
• Thể nhiệt : Thể hình có xu hướng béo, tính cách hướng ngoại, sợ nóng, hay khát và thích uống nước mát, ăn ngon miệng, sắc mặt hồng nhuận, mạch hoạt sác (nổi và nhanh), lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện phân khô cứng, tiểu tiện vàng, tinh thần dễ hưng phấn, thể lực khoẻ, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục mạnh mẽ, huyết áp có xu hướng cao hoặc hơi cao, số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu hơi cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng hơi cao.
• Thể rất nhiệt : Người béo tốt, tính cách hướng ngoại rõ rệt, sợ và chịu nóng kém, hay khát và thích uống nước thật lạnh, ăn rất ngon miệng, sắc mặt đỏ, mạch hồng sác (rất nổi và nhanh), lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc đen, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ, tinh thần rất hưng phấn, thể lực cường tráng, dễ vã mồ hôi (tự hãn), tiếng nói khoẻ, khả năng tình dục rất khoẻ và có lúc thái quá, huyết áp hơi cao, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu tương đối cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng tương đối cao.
• Thể bình hoà : Thể hình bình thường, tính cách bình hòa và cân bằng, cảm giác hàn nhiệt bình thường, cảm giác khát bình thường, ăn được, sắc mặt hơi hồng, mạch hòa hoãn, chất lưỡi hơi hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, đại tiện bình thường, tiểu tiện bình thường, trạng thái tinh thần và thể lực bình thường, mồ hôi bình thường, khả năng tình dục vừa phải, huyết áp bình thường, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng trong phạm vi bình thường.
 Thể thiên hàn: Người hơi gầy, tích cách có xu hướng hướng nội, hơi sợ lạnh, không thích uống nhiều nước, ăn hơi kém, sắc mặt không tươi, mạch hơi trầm, lưỡi nhợt hơi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, đại tiện có lúc lỏng nát, tiểu tiện trong và có lúc đi nhiều lần, tinh thần có lúc kém hưng phấn, thể lực hơi kém, mồ hôi tương đối ít, ít nói, khả năng tình dục hơi kém, huyết áp có xu hướng thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường hoặc tương đối thấp, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng bình thường hoặc tương đối thấp.
• Thể thiên nhiệt: Người hơi béo, tính cách có xu hướng hướng ngoại, hơi sợ nóng, thích uống nước, ăn khá ngon miệng, sắc mặt hơi hồng, mạch hơi hoạt, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện có lúc khô cứng, tiểu tiện ít và có lúc vàng, tinh thần có lúc hưng phấn, thể lực khá, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục có xu hướng mạnh mẽ, huyết áp hơi cao, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường hoặc tương đối cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng bình thường hoặc tương đối cao.Việc xác định chắc chắn một loại hình nào đó được dựa trên cách tính điểm, mỗi chỉ tiêu nếu có như vậy thì được tính là 1 điểm, nếu không có thì không được tính điểm. Tổng số điểm tối đa của mỗi loại hình là 22 điểm, nhưng tổng số điểm chỉ cần từ 15 điểm trở lên là đủ để được xác định chắc chắn, từ 10 - 14 thì nghi ngờ. Đây là một phương pháp xác định thể chất hàn hay nhiệt khá đơn giản trên người bình thường, rất tiện ích cho việc vận dụng các kiến thức trong ăn uống, sinh hoạt và phòng chống tật bệnh theo quan điểm của Y học cổ truyền. 

Khánh Toàn (CTQ số 66)

Đông y với các chứng đau ở họng

Trong Đông y, Họng được chia làm 2 bộ phận là Yết và Hầu.Yết thuộc ống tiêu hoá, thuộc Vị; hầu thuộc hệ hô hấp, thuộc Phế, ngoài ra, do các tạng can Thận có quan hệ và kinh lạc tuần hành đi qua Hầu họng, nên khi chúng hoạt động thất thường cũng dẫn đến bệnh tật ở Hầu họng.
Đau Hầu họng, nguyên nhân bên ngoài phần lớn là do phong nhiệt, nguyên nhân bên trong chủ yếu là do đàm hoả, âm hư dương cang. Về biện chứng, cần chú ý có hay không có khối sưng trong Hầu họng, vị trí và hình thái của khối sưng, bề mặt nhẵn bóng hay lồi lõm gồ ghề, màu sắc đỏ thẫm hay đỏ nhạt, khối sưng có hay không có vết loét, hoặc những hạt nhỏ hình sắc khác thường, khớp hàm cử động có trở ngại gì không, trước sau và hai bên cổ có sưng đau không… đó là những khâu chẩn đoán quan trọng.
Viêm họng cấp (Khẩn hầu phong):
Chứng này do ăn quá nhiều chất bổ, dẫn đến phế vị tích nhiệt, lại mắc phải phong tà, phong và nhiệt cùng công kích làm ủng tắc hầu họng sinh bệnh.
- Triệu chứng: Hầu họng sưng đau, tiếng nói khó, đàm tắc khàn giọng, bệnh phát rất nhanh, cần điều trị gấp.
- Trị liệu: Mới bạo phát, chích lể huyệt Thiếu thương (mé ngoài ngón tay cái) cho ra một ít máu đen để tả bớt nhiệt, bên trong cho uống bài Thanh yết lợi cách thang.
- Bài thuốc: Ngưu bàng tử (sao, giã dập), Liên kiều, Kinh giới, Phòng phong, Chi tử (để sống, giã dập), Kiết cánh, Huyền sâm, Hoàng liên, Kim ngân hoa, Hoàng cầm, Bạc hà, Cam thảo, Đại hoàng, Mang tiêu, Trúc diệp (tất cả lượng bằng nhau, mỗi thứ 3g), sắc uống cách xa bữa ăn.
Viêm họng mạn (Mạn hầu phong):
Chứng này phần lớn thấy ở người thể hư nhược, hoặc do nội thương thất tình, hoặc do ăn uống quá nhiều thứ cay.
- Triệu chứng: Bệnh phát từ từ; Hầu hơi sưng nhẹ, sắc nhạt, họng ráo, hơi đau, rêu lưỡi trắng bóng, đại tiện lỏng, mạch 6 bộ vi tế.
- Trị liệu:
- Nếu đau trước trưa, dùng Bổ trung ích khí thang gia Mạch đông, Kiết cánh, Ngưu bàng tử: Nhân sâm 3g, Đương quy 3g, Sinh hoàng kỳ 6g, Bạch truật 3g, Thăng ma 1g, Trần bì 2g, Sài hồ 1g, Cam thảo chích 3g, Mạch đông (bỏ tim) 3g, Ngũ vị tử 1,5g, Gừng tươi 3 lát, Đại táo 2 quả; sắc uống nóng, lúc đói bụng.
- Nếu đau sau trưa và khát, mình nóng, chân lạnh, nên uống bài Thiếu âm cam kiết thang: Kiết cánh 6g, Sinh cam thảo 9g, Xuyên khung 2g, Hoàng cầm 2g, Trần bì 2g, Huyền sâm 2g, Sài hồ 2g, Khương hoạt 2g, Thăng ma 2g, Hành trắng 1 nhánh; sắc uống cách xa bữa ăn.
- Nếu mặt đỏ, họng khô khát, kèm mạch hư đại, dùng bài Cam lộ ẩm: Thiên đông, Mạch đông, Hoàng cầm, Sinh địa, Thục địa, Tỳ bà diệp (Chích mật), Thạch hộc, Chỉ xác (sao), Nhân trần, Cam thảo (lượng bằng nhau - khoảng 6g); sắc uống.
- Trị ngoài dùng Băng bằng tán (xem ở bài các chứng đau lưỡi) 3g trộn thêm 1g bột Đăng thảo thiêu tồn tính thổi vào họng. Theo kinh nghiệm người dịch, có thể thay bằng cách ngậm quả Kha tử (mua ở hiệu thuốc bắc, bỏ hột) mỗi lần 1/3 quả, nuốt dần lấy nước bỏ xác, ngày 3 – 4 lần, đơn giản nhưng hiệu quả hơn.
Chứng tắc hầu họng (Hầu bế thống)
Hầu bế hay còn gọi Hầu tý, do can phế hoả thịnh, gặp phải phong hàn công kích mà thành bệnh.
- Triệu chứng: Hầu họng sưng đau, mặt đỏ má sưng, nặng thì sưng đến sau cổ, trong họng có khối như nắm tay nhỏ, uống nước không nuốt được, không nói được, người phát nóng lạnh.
- Trị liệu: Lể huyệt Thiếu thương, hoặc châm huyệt Hợp cốc để khai thông hầu họng. Bệnh mới phát dùng Kinh phòng bại độc tán để sơ tán tà độc, khi cơn nóng lạnh đã lui thì đổi dùng bài Thanh yết lợi cách tán.
- Kinh phòng bại độc tán: Kinh giới, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt, Sài hồ, Tiền hồ, Kiết cánh, Xuyên khung, Chỉ xác, Phục linh mỗi thứ 3g, Nhân sâm, Cam thảo ( lượng bằng nhau, mỗi thứ 1,5g), Gừng tươi 1 lát. Sắc uống.
- Thanh yết lợi cách tán: (xem mục viêm họng cấp ở trên).
Họng khô đau rát (Yết hầu can thống)
Do thời tiết khô hạn, lâu ngày không mưa, hoặc do ca hát diễn thuyết quá nhiều, hầu họng mất sự nhuận dưỡng mà sinh khô rát.
-Trị liệu: Trứng gà 1 quả đập bỏ vỏ, quấy đều, chế nước sôi cho chín, cho thêm 30g Mật ong, vài giọt Dầu thơm, uống ngày 1 lần trước khi đi ngủ, rất hiệu quả, hết bệnh thì thôi dùng.
Viêm Amiđan (Nhủ nga trướng thống):
Chứng nhủ nga trướng thống, tương tự như viêm Amiđan trong Y học hiện đại; theo Đông y là do các nguyên nhân ngoại cảnh lục dâm, nội thương thất tình, uất lâu hoá hoả dẫn đến.
- Triệu chứng: Hạch Amiđan sưng đỏ, hình như quả nhãn hoặc hay ngài, họng đau lan ra vùng tai, khi nói hoặc nuốt thì đau tăng, thường kèm theo các chứng ớn lạnh phát sốt, đầu căng đau nhức.
- Trị liệu: Lể nặn máu huyệt Thiếu thương, trong cho uống Gia vị Thanh yết lương cách thang: Bạc hà 3g, Tang diệp 6g, Ngưu bàng tử 9g, Ngân hoa 9g, Liên kiều 9g, Xích thược 9g, Xạ can 5g, Chích cương tàm 6g, Mã bột 3g, Chi tử 9g, Sinh cam thảo 3g, Lô căn tươi 30g; sắc uống.
Họng đau do hóc dị vật (Ngạnh thống):
Dị vật hóc cổ họng gây sưng đau khó chịu, thuộc phạm vi chứng cấp cứu, trẻ con rất dễ mắc phải. Nếu chưa tiện dùng thủ thuật giải quyết, có thể sử dụng một số phương pháp trị liệu sau:
1. Hóc xương cá: Mài hạt Trám (Cảm lãm hạch) lấy nước nuốt từ từ, một lát sau xương cá theo đàm khạc ra ngoài.
2. Hóc xương gà: Sơn tra sắc lấy nước đặc uống.
3. Hóc mạt vụn đồng sắt: Dế (Lâu cô) giã nát, chế nước nóng quấy đều rồi nhỏ vào cổ họng.
4. Hóc dằm tre gỗ: Quả Mướp già (Lão ti qua) thiêu lấy tro, mỗi lần uống 10g với rượu.
5. Hóc đầu thóc lúa: Lòng trắng Trứng gà cho vào một ít Đường cát ngậm nuốt.
6. Hóc mạt vụn thuỷ tinh: Đậu đỏ, Đại hoàng sắc lấy nước đặc uống, sau lấy xác Đậu nuốt vào, mạt vụn sẽ theo xác Đậu xổ ra ngoài.

Viêm mũi

Viêm mũi cấp do ngoại tà phần nhiều thuộc chứng thực, viêm mũi mạn quá trình bệnh lâu chính khí bị thương tổn hư suy nên thường biểu hiện là chứng hư. Cả viêm mũi cấp, mạn đều có thể biểu hiện tình trạng hư thực thác tạp. Khi điều trị Thực thì dùng pháp khu tà, Hư thì dùng pháp bổ, Hư thực thác tạp thì dùng pháp bổ chính khu tà phối hợp.


Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng cũng là những đợt viêm mũi cấp, nhưng nguyên nhân có liên quan đến yếu tố dị ứng gây viêm. Y học cổ truyền mô tả trong chứng Tỵ cừu và Tỵ uyên.

Theo y học hiện đại: dị ứng là một phản ứng của cơ thể chống lại những chất lạ đang xâm phạm vào cơ thể, chất lạ đó gọi là kháng nguyên. Khi cơ thể bị kháng nguyên tấn công thì nó phản ứng lại bằng cách tạo ra kháng thể để trung hoà kháng nguyên. Sự đấu tranh đầu tiên này không có triệu chứng lâm sàng, nhưng trong máu người bệnh đã có sinh kháng thể, như vậy bệnh nhân đã bị mẫn cảm, đây là sự phản ứng của cơ thể đối với lần tấn công đầu tiên của kháng nguyên.

Từ đây về sau, nếu kháng nguyên ấy lại xâm nhập nữa thì sẽ xảy ra sự đấu tranh kịch liệt giữa kháng nguyên và kháng thể, quá trình này sản sinh ra nhiều chất hoá học trung gian, và chính các chất này là nguồn gốc của các biểu hiện của bệnh dị ứng, như vậy dị ứng là một bệnh toàn thân của cơ thể, và viêm mũi dị ứng chỉ là một hiện tượng cục bộ của bệnh toàn thân đó.    

Nguyên tắc chung

- Đối với viêm mũi cấp tính thông thường chưa có biến chứng, chỉ cần chú ý chăm sóc, giữ gìn ấm áp, tránh gió lùa, mặc áo ấm, giữ ấm ngực, ấm cổ có thể bệnh cũng tự khỏi, chỉ nên dùng thuốc khi nào có biến chứng, nếu có dùng thuốc chỉ mang tính điều trị triệu chứng như ho, sốt, nhức đầu…

- Đối với viêm mũi dị ứng: cần chú ý phòng bệnh ngăn ngừa những dị ứng nguyên.

- Đối với viêm xoang cần ngăn chặn các biến chứng viêm họng, phế quản phế viêm, viêm phế quản mạn tính.
Ké đầu ngựa

Ðiều trị cục bộ

- Dùng nước muối sinh lý nhỏ và rửa mũi trong các trường hợp viêm mũi cấp, mạn.

- Dùng thuốc xông mũi như:

+ Quả bồ kết, nướng, tán nhỏ, thổi vào lỗ mũi để gây nhảy mũi trong trường hợp mũi tắc không thông vì phế khí nghịch lên.

+ Hạt nhãn, đốt lên khói dùng ống trúc dẫn cho khói xông vào mũi trong trường hợp nước mũi chảy ra không dứt, có mùi hôi.

+ Lá lốt tán nhỏ, thổi vào lỗ mũi mỗi lần một ít dùng chữa trĩ mũi.

- Dùng tỏi 4 – 5 củ, giã nát như bùn, rịt vào lòng bàn chân, băng chặt, nước mũi tự nhiên khô ráo trong trường hợp viêm mũi cấp, mạn - viêm xoang.
Quế chi

Ðiều trị chung toàn thân

Tuỳ thuộc vào biểu hiện mà có pháp trị tương ứng:

Viêm mũi cấp tính:


Phép trị: Bổ khí cố biểu, khu phong tán hàn.

Bài thuốc: Bạch truật 12g, tang bạch bì 10g, quế chi 8g, bạch chi 12g, cam thảo 4g, ké đầu ngựa 16g, gừng 4g, xuyên khung 16g, hoài sơn 16g, tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.

Viêm mũi mạn tính.


Phép trị: Khu phong tuyên phế.

Bài thuốc: Ké đầu ngựa 16g, Cát cánh 6g, tân di 8g, cam thảo 6g, bạch chỉ 6g, hạ khô thảo 12g, bạc hà 6g.

Nếu do phong hàn giảm vị hạ khô thảo, thêm kinh giới 12g, phòng phong 8g, khương hoạt 8g.

Nếu do phong nhiệt thêm Hoàng cầm, tang bạch bì mỗi loại 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.

Hoặc dùng bài thuốc kinh nghiệm Tỷ tiên phương: Tế tân, tân di hoa, bối mẫu, thương nhĩ tử, tá dược.

Dạng thuốc sử dụng làm thành hoàn, dùng với nước đun sôi để nguội.

Châm cứu: Nhân nghinh, Hợp cốc, Ấn đường, Liệt khuyết.

Theo SKDS

Đây là bệnh chứng thường gặp ở những người từ lứa tuổi trung niên hay người già. Bệnh xảy ra thường không có dấu hiệu báo trước.


Dấu hiệu thường xuất hiện vào buổi sáng sớm sau khi tỉnh dậy, người bệnh đột ngột choáng váng mọi vật chao đảo, kèm theo rối loạn thần kinh thực vật làm cho toàn thân vã mồ hôi hoặc có thể da mặt bị tím tái, tim đập nhanh, buồn nôn hay nôn mửa liên tục...

Theo Đông y thường thấy biểu hiện bởi hai thể loại đó là "thực chứng" và "hư chứng".

Đối với thực chứng:
Đột nhiên ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa cảm thấy như đảo lộn, nghiêng ngửa buộc người bệnh phải luôn nhắm nghiền mắt và nằm xuống không sẽ bị ngã. Đây là trường hợp theo Đông y là do can hỏa hóa phong rồi bốc lên mà sinh bệnh là chủ yếu. Cũng có thể do đờm thấp đình trệ, mà làm khí thanh dương không đưa lên được khiến phát ra bệnh.Trong trường hợp thực chứng này người ta sử dụng phương "Thiên ma câu đằng ẩm" trích trong Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa.

Phương gồm các vị: Câu đằng 12g, ích mẫu 12g, ngưu tất 12g, phục thần 12g, sơn chi 12g, tang ký sinh 12g, dạ giao đằng 10g, đỗ trọng 10g, hoàng cầm 10g, thạch quyết minh sống 20g, thiên ma 8g, hà thủ ô trắng 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 - 3 lần trong ngày. Uống 3 - 5 thang liền.

Phương "Nhị căn thang" (Phúc kiến Trung y dược). Tác dụng hoạt huyết hóa ứ, lợi thấp, khử đờm, trị rối loạn tiền đình, gồm: Cát căn 20g, hải đới căn 30g, xuyên khung 12g, bán hạ 10g, thạch xương bồ 16g, đại giả thạch 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần trong ngày. Cần uống 3 - 6 thang liền.

Đối với hư chứng:

Triệu chứng cũng xảy ra đột ngột bị ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, cơn chóng mặt cũng có thể xảy ra trong chốc lát hay mấy tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Đây là bệnh chứng xảy ra chủ yếu do can, thận, tâm, tỳ suy, thận kém nên không nuôi dưỡng được can huyết mà làm cho can dương vượng lên khiến phát sinh bệnh.

Với bệnh chứng này người ta thường sử dụng phương "Kỷ cúc địa hoàng hoàn" trích trong Y cấp. Gồm các vị: Bạch cúc hoa 120g, câu kỷ tử 120g, đơn bì 120g, phục linh 120g, trạch tả 120g, sơn dược 160g, sơn thù 160g, thục địa 320g. Tất cả tán bột làm hoàn. Ngày uống 8 - 16g, chiêu với nước muối nhạt.

Định huyễn thang (trích trong Trung Quốc Trung y bí phương đại hoàn). Tác dụng hóa đờm tức phong, kiện tỳ khử thấp, trị rối loạn tiền đình, gồm: Bạch tật lê 20g, trạch tả 20g, thiên ma 16g, bán hạ 16g, đạm trúc diệp 12g, phục thần 12g, cát nhân 12g, long cốt 30g (sắc trước). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần trong ngày. Cần uống 5 - 10 thang liền. Rất hiệu nghiệm.

Chỉ huyễn trừ vựng thang (trong Trung Quốc Trung y bí phương đại toàn). Tác dụng hóa đờm, lợi thấp, khử ứ, trị rối loạn tiền đình, gồm bán hạ 12g, ngưu tất 12g, sinh khương 12g, xa tiền tử 30g, trạch lan 16g, quế chi 16g, bạch truật 20g, hổ phách 6g, đan sâm 24g, phục linh 24g, mẫu lệ 40g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần trong ngày. Cần uống 5 - 7 thang liền sẽ hiệu nghiệm.

Theo SKDS

Sốt xuất huyết - chẩn đoán và phép trị


Theo Tây y, nguyên nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết là do vi rút Đengue lây truyền, do Muỗi vằn có tên AĐex. Theo Đông y  là do ôn bệnh dịch lê nhiệt độc tác động vào doanh vệ khí huyết, tạng phủ, triệu chứng lâm sàng.



Giai đoạn đầu: Ứng vào doanh vệ khí huyết tương đương với độ 1 độ 2 theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới:
Sốt cao liên tục 39 – 40o, đau đầu dữ dội, sốt nóng, có khi rét đau mỏi khắp thân thể, có khi nôn. Mạch hồng đại hoặc hoạt. Mặt đỏ, toàn thân đỏ, ngày thứ 3 trở đi thường xuất hiện các ban đỏ ở lưng, bụng hoặc các chấm xuất huyết dưới da, đặc biệt là nhìn mắt thấy xung huyết đỏ.
Giai đoạn 2 sau 5 – 7 ngày, sốt thường không cao, có khi tụt nhiệt độ, người mệt li bì, trên người lấm tấm mồ hôi dính; có biểu hiện xuất huyết chân răng, máu mũi; nặng thì nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu, phụ nữ hành kinh ra nhiều. Mạch nhược hoặc vi tế tương đương với độ 3 – 4 của tổ chức Y tế thế giới.
Chẩn đoán phân biệt.
Bệnh thường xẩy ra vào mùa hè hoặc mùa thu cho nên những bệnh sốt vi rút cúm, sốt thương hàn, sốt rét, sốt nhiễm trùng, nhiễm độc thường làm ta dễ nhầm. Sốt vi rút cũng có mạch hồng đai nhưng có biểu hiện xưng họng, ho sổ mũi; sốt rét cũng mạch đai nhưng nóng từng cơn; sốt nhiễm trùng có viêm tấy người lơ mạch tê sác; sốt thương hàn mạch nhiệt phân ly.
Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.
Bát pháp
+ Thanh nhiệt lương huyết giải độc độ 1 – 2.
+ Bổ khí hoà huyết: chỉ huyết giai đoạn 3 – 4.
+ Nâng cao thể trạng phục hồi cơ thể, giai đoạn phục hồi.
Tôi xin trình bày kinh nghiệm cá nhân về điều trị xuất huyết giai đoạn 1 – 2.
Thể nhẹ: Phổ biến cho bệnh nhân nghỉ ngơi ăn uống những thứ mát dễ tiêu hàng ngày dùng: Rau má 1 nắm, Cỏ nhọ nhồi 1 nắm, Cỏ màn chầu 1 nắm ,Ngải cứu 1 nắm.  Tất cả giã nát, vắt nước cốt uống tươi, bã đắp vào vùng  bách hội dũng tuyền và cần theo dõi chặt chẽ  để báo cho thầy thuốc.
Nếu nặng : Đơn quỷ: 15g khô hoặc 30g tươi kết hợp với bài Tiểu sài hồ:
Sài hồ nam 12g, Hoàng cầm 8g, Bạch linh 8g, Bạch thược 8g, Sinh khương 4g, bán hạ 8g, cam thảo 4g, đảng sâm 8g,
Phân tích bài thuốc
Nếu chỉ dùng bài Tiểu sài hồ thì công năng hoà giải là chính thanh nhiệt ít, nhưng khi lấy Đơn mặt quỷ là chính kết hợp với bài Tiểu sài hồ thì bài thuốc có thể thanh nhiệt được, lương được, huyết giải được độc.
Đảng sâm, Bạch thược bồi bổ khí huyết. Bán hạ sinh khương hành khí chỉ nôn. Cam thảo đại táo điều hòa dinh vệ. Thường dùng 1 – 2 thang ít người phải dùng 3 thang( 2 ngày một thang)
Các sách xưa chỉ nói Đơn mặt quỷ làm mát máu tiêu mụn nhọt trị mẩn ngứa.
Theo kinh nghiệm dân gian Mặt quỷ thường dùng giã nát, đắp lên những mụn nhọt nhiều đầu rất kết quả, nhân dân vùng quê tôi gọi đó là trúng trẻ em sốt coo, thường lấy nam 7 lá, nữ 9 lá, giã nát, lấy một thìa nước cốt cho uống bã đắp vào vùng thóp một lúc thì đỡ.
Kiêng kị : Bệnh sốt  xuất huyết cấm dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến thanh mạch. Đông y gọi là thuốc tan huyết, phá huyết. Công tác chăm sóc với người bệnh là rất quan trọng, những ca nặng thì cần phải theo dõi chặt chẽ
Tuyên truyền nhân dân vệ sinh môi trường, không để cho muỗi sinh nở lây lan, nằm màn chống muỗi, khi phát hiện trên địa bàn có người bị sốt xuất huyết phải báo ngay với cơ quan y tế để chống dịch.