Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Những nét cơ bản về châm cứu chữa bệnh trong Nội kinh, Nạn kinh (kỳ 1)

Châm cứu chữa bệnh là phương pháp điều trị có  cơ  sở  lí  luận  (kinh  lạc,  huyệt  khí  gắn  liền với tạng phủ chi thể); có công vụ riêng (kim, ngải), có cách châm cụ thể với tác dụng và cơ chế  tác  dụng  tuy  đơn  giản  song  vẫn  chỉ  đạo cho việc dùng châm cứu chữa các bệnh cụ thể với tên gọi cổ.



Y học cổ truyền cho rằng: cơ thể  gồm có lục phủ, ngũ tạng, ngũ  thế (mạch, da, cơ, cân, cốt), ngũ qua (thị giác – mắt, thính giác – tai, khứu giác – mùi, vị giác – lưỡi, xúc giác –  da), cửu khiếu (2 lỗ mũi, 2 lỗ mắt, 2 lỗ tai, miệng, tiền âm, hậu âm). Cơ thể được nuôi dưỡng bằng huyết  khí tuần hoàn trong kinh mạch. Cơ thể hoạt động được nhờ nguyên khí chân khí, ở tạng phủ được gọi là khí của tạng phủ, ở kinh mạch là kinh khí, mạch khí, ở huyệt là thần khí. Khi khí thăng giáng xuất nhập bình thường (khí hòa) thì ngũ tạng yên, huyết khí hòa lợi, tinh thần yên tĩnh Khi huyết hòa thì kinh mạch thông sướng, tuần hoàn không bị trở ngại âm dương được duy trì, cân cốt được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi.Do khí huyết không điều hòa nên có thể sinh bách bệnh, vì vậy phải làm cho kinh toại (các ống mạch) thông sướng. Cơ chế sinh bệnh cơ bản là có tà khí tác động và chính khí hư (tà khí thịnh tắc thực, tinh khí đoạt tắc hư). Nguyên tắc chữa bệnh là: Cóhư thì bổ hư, có thực thì tả thực. Vận dụng vào châm cứu thì nguyên tắc đó là: “Phàm dụng châm giả, hư tắc thực chi (hư thì làm cho đầy đủ), mã tắc tiết chi (đầy thì làm cho vơi đi), uyển trần tắc trừ chi (ứ trệ lâu thì loại bỏ đi), thịnh tắc hư chi (thịnh thì bỏ phần thịnh đi) (Linh khu).
Thủ thuật châm cứu
Thủ thuật cơ bản là châm kim vào huyệt đại diện cho tổ chức bệnh, tiến mũi kim đến sát đúng nơi có bệnh, trên cơ sở đó làm thủ thuật bả (để bổ hư), hoặc tả (để tả thực). Mục đích của thủ thuật bổ tả là để “điều khí”, “khí hòa thì huyết hòa, huyết hòa thì kinh mạch thông sướng âm dương được duy trì, gân xương được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi”.Để tiến hành châm cứu cần xem bệnh ở đâu để đưa mũi kim đến đó với mục đích là “bệnh ở mạch thì điều huyết (mạch là phủ của huyết), chỉ châm đến sát mạch, không được châm nông vì làm tổn thương da, không được châm sâu vì gây tổn thương cơ nhục; bệnh ở huyết thì điều lạc (nơi huyết lưu hành) chỉ châm đến lạc, bệnh ở khí thì điều vệ (vệ là chủ của khí), chỉ châm ở da, không châm sâu làm tổn thương cơ nhục, bệnh ở tấu lý không châm sâu làm tổn thương da, bệnh ở nhục thì điều phân nhục, chỉ châm đến phân nhục, không châm nông làm tổn thương mạch, không châm sâu làm tổn thương cân, bệnh ở cân thì điều cân, chỉ châm đến sát cân, không châm nông làm tổn thương cơ nhục, không châm sâu làm tổn thương cốt, bệnh ở cốt thì điều cốt, chỉ châm đến sát xương, không châm nông làm tổn thương cân, không châm sâu làm tổn thương tủy, người có chứng tý có đau ở nhiều chỗ khác nhau, châm vào chỗ đau và sâu đến phân nhục” (Tố vấn). Tóm lại là: “bệnh có ở nông, ở sâu, bệnh ở nông châm nông, bệnh ở sâu châm sâu và châm đến nơi có bệnh là đúng nhất. Châm quá sâu sẽ gây nội thương, châm quá nông sẽ gây ứ trệ ở ngoài tà khí nhân lúc có ứ trệ này mà vào lý sâu hơn. Châm nông châm sâu không đúng, không những không chữa được bệnh, ngược lại thành đại họa, nếu châm sâu quá vào ngũ tạng thì sinh đại bệnh” (Tố vấn).
Chọn huyệt
Cần chọn huyệt đại diện cho nơi bị bệnh. Cụ thể:
* Chữa bệnh tạng phủ: chọn huyệt nguyên của kinh tạng phủ đó, chọn huyệt du mộ tạng phủ đó, chọn huyệt ngũ du có liên quan đến tạng phủ đó.
* Chữa bệnh của phủ: Chọn huyệt nguyên, huyệt du mộ, huyệt ngũ du có liên quan đến phủ bị bệnh. Ngoài ra còn chọn huyệt hợp có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của mạch: Chọn huyệt trên đường kinh mạch có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của cân: Chọn huyệt hội của cân, chọn huyệt a thị.
* Chữa bệnh của tủy, xương, khí, huyết: chọn huyệt hội của chúng trong bát hội huyệt.
Tiến trình châm
* Trước hết, phải trị thần trước, thần yên thì khí dễ hành.
*Tiếp theo làm thao tác tiến kim đạt đắc khí rồi làm thủ thuật bổ tả. Bổ để làm chính khí vượng trở lại, dùng cho chứng hư, thủ thuật bổ làm như sau:
Tiến kim từ từ (chính khí sẽ vượng lên, rút kim nhanh (chính khí không tiết ra ngoài).
Tả để làm tà khí sơ tiết ra ngoài, dùng cho chứng thực, tiến hành như sau: Tiến kim nhanh, rút kim từ từ (Tà khí theo kim tiết ra ngoài, tà khí từ thịnh chuyển thành hư).Chích xuất huyết để loại trừ tà khí ứ trệ (tà khí theo huyết ra ngoài).
* Khi châm đã đắc khí thì phải làm thủ thuật bổ tả ngay. Không được để kinh khí thay đổi rồi mới bổ tả. Châm xong bệnh không đỡ mà nặng lên là đã bỏ không dùng phép bổ tả (Tố vấn).
Không châm cho những trường hợp hiện đang có mạch loạn, khí tán, dinh vệ không bình thường, tuần hoàn của khí huyết không thuận lợi như: sau giao hợp, đang say rượu, đang giận dữ, đang mệt nhọc, vừa ăn no, đang đói quá, đang khát quá, đang lo sợ quá, vừa đi đường xa tới.
Không châm vào ngũ tạng, lục phủ, não, tủy, gân, mạch lớn,… vì có thể gây tai biến, tàn tật, có khi chết người.
Châm cứu dùng để chữa các bệnh sau
* Bệnh hàn nhiệt (ở da, cơ, tì, vị, thận, tâm) bằng huyệt chữa bệnh nhiệt.
* Ngũ khí bị loạn (tâm khí, phế khí, trường vị khí, khí ở đầu, khí ở chân tay) bằng huyệt ngũ du, huyệt nguyên.
* Chứng mạch trướng, da trướng bằng huyệt kinh vị và huyệt tại chỗ.
* Bệnh tà vào ngũ tạng bằng huyệt mộ ở bụng, huyệt du ở lưng, huyệt ngũ du.
* Chứng quyết đầu thống (khí của đường kinh nghịch lên đầu gây đau đầu) bằng huyệt của đường kinh đó, nếu có hiện tượng huyết ứ thì chích xuất huyết.
* Chứng quyết tâm thống (tâm có huyết ứ, hoặc khí ở các tạng phủ thận, tì, vị, can, phế nghịch lên tâm làm tâm bị đau) bằng huyệt của tâm và huyệt của tạng có liên quan.
* Chứng ngược (sốt rét) do ngược tà vào 6 kinh ở chân, vào ngũ tạng bằng các huyệt kinh có bệnh, châm để chặn cơn và châm sau khi dứt cơn là có hiệu quả nhất.
* Bệnh thủy thũng bằng 57 huyệt nơi thủy khí lưu trú ở các kinh âm.
* Chứng đau thắt lưng do tà khí vào 6 kinh dương ở chân bằng huyệt có liên quan với kinh mạch bị bệnh.
* Bệnh giản cuồng bằng những phương huyệt cụ thể.
* Tạp bệnh bằng các huyệt có liên quan đến kinh mạch và các cơ quan bị bệnh.
* Mười hai bệnh lý (ngáp, nấc, nghẹn, ợ hơi, hắt hơi, liệt mềm, buồn rầu, khóc chảy nước mắt, thở dài, chảy dãi, tai ù, tự cắn lưỡi) do tà khí tác động vào không khiếu và nơi bị tác động đang ở trạng thái hư, về nguyên tắc phải châm bổ.
Bị chú: Kinh lạc, huyệt khí, trong châm cứu học tương đồng với tổ chức nào của giải phẫu sinh lý học hiện đại. Châm cứu chữa bệnh khác lý liệu pháp hiện đại như thế nào, xin xem các bài tiếp theo.
GS Hoàng Bảo Châu

1 nhận xét: