Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy” của Tuệ Tĩnh

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy”  của Tuệ Tĩnh




“Hồng nghĩa giác tư y thư” là bộ sách nguyên được Thánh y Tuệ Tĩnh viết từ thế kỷ XIV. Sách đã được nhiều người đời sau chỉnh lý, bổ sung mà quy mô nhất là lần được vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương cho các quan Thái y viện và các quan Nội phủ chỉnh lý, bổ sung hai lần; khắc in hai lần bằng chữ Hán Nôm vào năm 1717 và 1723. Chúa Trịnh ban tên “Sách Y học do thầy Hồng Nghĩa trước tác”. Bộ “Hồng nghĩa giác tư y thư” được phòng Tu thư huấn luyện Viện Đông y dịch; GS.L/y Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính và chú thích; Nhà xuất bản Y học xuất bản tại Hà Nội năm 1978.
Quan niệm về thương hàn trong  “Hồng nghĩa giác tư y thư ”
Trong “Hồng nghĩa giác tư y thư ”, phần VI có chép “Thương hàn cách pháp trị lệ”, từ bộ “Thọ thế bảo nguyên” (Giữ được tuổi trời) của Cung Đình Hiền, tự Tử Tài, hiệu Vân Lâm, tên thường gọi là Cung Vân Lâm. Ông là người huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, từng đỗ đầu trong kỳ thi tuyển vào Thái y viện (Y lâm giải nguyên), làm chức Thái y viện sứ mục, đời nhà Minh. Ngoài bộ “Thọ thế”, ông còn sáng tác: Vạn bệnh hồi xuân (1587), Vân Lâm thần khóa, Cổ kim y giám… đều là các bộ sách y học nổi tiếng. Bộ “Thọ thế bảo nguyên” có 10 quyển (viết vào khoảng thế kỷ XVII), được nhiều thế hệ lương y Việt Nam nghiên cứu, sử dụng, làm sách gia bảo. Cung Đình Hiền nêu “37 nghiệm phương để trị thương hàn theo phương pháp đơn giản của riêng mình” (Thương hàn cách pháp trị lệ – Quyển 2). Ông không theo cổ phương rất phức tạp của Trương Trọng Cảnh. Về bệnh thương hàn, có lẽ ông cũng quan niệm như trong Hoàng đế Nội kinh (sách kinh điển của Đông y): “Tất cả các bệnh phát nóng đều là một loại thương hàn” (Nhiệt bệnh giai thương hàn chi loại giã). Ta thấy trong 37 phương này, có phương dùng chữa bệnh chính thương hàn mùa đông, ngoại cảm các mùa, thời khí (đại đầu ôn), dịch lệ, trúng thực, lao lực quá mức, sốt phát ban, các chứng xuất huyết, nội thương thất tình, cước khí…
“Thương hàn cách pháp trị lệ” được Lão Mai Am rất tâm đắc và đưa vào “Hồng nghĩa giác tư y thư ” bằng thể phú với tên “Thương hàn tam thập thất trùy pháp”, nghĩa là “Dùng 37 phương trị bệnh thương hàn (sốt nóng) có thêm trùy pháp”.
So với bản dịch “Thương hàn cách pháp trị lệ” của Viện Đông y với bản “Thọ thế bảo nguyên” của Cung Đình Hiền, trong phần thương hàn chúng tôi thấy:
- Tên 37 phương thang và cách gia giảm vẫn giữ nguyên.
- Có thêm bớt một vài vị thuốc trong một số phương thang và có một số phương, phần gia giảm được đưa luôn vào trùy pháp như “Sơ tà thực biểu thang”, chữa chứng thương phong về mùa đông; “Sài cát giải cơ thang” chữa chứng túc dương minh vị; “Xung hòa linh bảo ẩm” chữa thương hàn lưỡng cảm, biểu lý cùng bệnh… Không rõ đây là chủ ý của Lão Mai Am hay do sự lầm lẫn trong sao lục?
- Cái độc đáo ở đây là phần trùy pháp được Lão Mai Am thêm vào.
Sử dụng trùy pháp là nét độc đáo của Tuệ Tĩnh
Trùy pháp là phương pháp phụ thêm (gia thêm) vào phương thang một số vị thuốc có tại chỗ. Trước khi đem sắc uống hay thuốc sắc xong rồi hòa thêm vào uống để tăng hiệu quả chữa bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm độc đáo trong điều trị, được tích lũy lâu đời trong việc phối hợp dùng thuốc Nam, Bắc của ông cha ta, như thang “Lục thần thông giải” để chữa bệnh thời khí dịch lệ, đau đầu, nóng mình thì gia thêm một nắm đạm đậu xị và hai củ hành vào sắc uống; thang “Tiêu ban Thanh đại ẩm” chữa nhiệt tà vào lý, phát ban đỏ, gia thêm một muỗng giấm khi uống; “Lục nhất thuận khí thang” chữa nhiệt đã truyền vào lý, đại tiện rắn kết, miệng ráo, họng khô, nói sảng, da vàng, phát ban, sốt cơn, nhiệt quyết, tự ra mồ hôi thì gia 3 thìa nước gỉ sắt để uống; “Như thần Bạch hổ thang” chữa chứng mình nóng, khát nước, ra mồ hôi mà vẫn phát nóng, gia thêm 10 lá tre non vào sắc uống…
Các vị thuốc thêm vào là thuốc có tại địa phương, phần lớn dưới dạng thuốc Nam tươi sống như nước gừng, nước cây tre, lá tre non, nước ngó sen, củ hành, rượu, giấm, muối ăn, hoạt thạch, mạch nha, mật ong, nước lá ngải cứu, nước cây tô mộc, nước đồng tiện… ở đây, Lão Mai Am đã sử dụng một số phương thang trị bệnh có hiệu quả lâu đời của Đông y, gia thêm vào một số vị thuốc Nam đặc trị của nhân dân ta thành một lối chữa bệnh tâm đắc.
Hiện nay, chúng ta đã thừa kế và phát huy mạnh mẽ sở trường của lối chữa bệnh này và cũng đã có hàng trăm trùy pháp được áp dụng hiệu quả xưa nay. Như bị bệnh hen suyễn, ngoài dùng thuốc thang để hạ khí tiêu đàm, còn thêm nước trầu không với ít mật ong hòa uống; bị cảm nước, cảm mưa lạnh, nóng sốt, ho thì ngoài việc dùng thuốc tân ôn giải biểu uống bên trong còn phải cho một nồi lá xông có nhiều tinh dầu như lá tía tô, lá ngũ trảo, lá bạc hà, lá sả… cho ra mồ hôi, thông xoang mũi, thông phế quản, diệt vi khuẩn.
Phương pháp này, GS Can Tổ Vọng (Đại học Trung y Nam Kinh) trong cuốn “Can Tổ Vọng y thoại” xuất bản 1996 đã viết: “Thày thuốc Trung Quốc xưa kia cũng có sử dụng “dẫn tử” là những loại dược liệu tươi sống, lấy tại chỗ để dẫn thuốc trong phương thang. Đây là bí quyết để làm tăng hiệu quả chữa bệnh của thang thuốc. Phép sử dụng này bị mất dần và đến khoảng thời nhà Thanh thì không còn nữa”.
Dẫn tử có thể cũng gần giống như trùy pháp của nước ta. Sử dụng trùy pháp rất phù hợp với phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”. Nếu chúng ta biết sử dụng, phát huy nó sẽ là thế mạnh của nền y học cổ truyền nước ta.
Quan niệm thương hàn là các bệnh có nóng sốt và nêu 37 phương thang để chữa trị trong Tuệ Tĩnh là rất khoa học. Đem so sánh với các bệnh “có sốt” của y học hiện đại ta thấy có nhiều điểm gần giống nhau, chỉ khác tên gọi. Có những bệnh sốt mà y học đến nay vẫn chưa rõ được nguyên nhân.
Hồng nghĩa giác tư y thư là bộ sách  y học cổ truyền tinh gọn “hay nhất, quý nhất, xưa nhất và được dịch thuật, chú thích rõ ràng nhất” của Đông y Việt Nam. Chúng tôi rất mong bộ sách quý này sớm được nghiên cứu đưa vào làm giáo trình giảng dạy và bồi dưỡng cho thầy thuốc Đông y Việt Nam.


Trần Sỹ

1 nhận xét: