Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Mạch học theo âm dương ngũ hành

Mạch học theo âm dương ngũ hành




Một trong bốn phương pháp để chẩn bệnh của người xưa là Vọng, Văn, Vấn, Thiết - nghĩa là trông sắc thái bên ngoài của người bệnh; nghe hơi thở, tiếng nói của người bệnh; hỏi triệu chứng, lịch sử bệnh và bắt mạch cho người bệnh để biết bệnh ở biểu hay lý, hàn hay nhiệt, hư hay thực, âm hay dương…
Vị trí bắt mạch
Y học cổ truyền và y học hiện đại đều thống nhất rằng: Vị trí bắt mạch chính là thốn khẩu. Sách Nam Kinh nói rằng: “Thốn khẩu là chỗ tập trung tất cả các mạch. Nó là động mạch của Kinh thủ Thái âm (tâm) mà cũng là chỗ bắt đầu và kết thúc của mạch Thốn, Quan, Xích; là điểm chung của ngũ tạng, lục phủ; là chỗ mạch đi nông nhất. Chính vì vậy “thốn khẩu” được lấy làm nơi bắt mạch”.
Mạch ở thốn khẩu chia làm 3 bộ ở mỗi bên tay, tương ứng với ba đầu ngón tay (của bàn tay đối diện hoặc bàn tay phía đối diện của người thầy thuốc) gồm: ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út. Đó là bộ Xích, bộ Quan và bộ Thốn.
Phương pháp bắt mạch
Thầy thuốc đặt ngón tay giữa của mình vào chỗ lồi xương trụ ở mặt sấp cổ tay người bệnh phía đối diện, rồi kéo nửa vòng qua mặt ngửa cổ tay người bệnh đến chỗ dọc theo ngón tay cái, đó là vị trí bắt mạch; dưới ngón giữa thầy thuốc là bộ Quan, dưới ngón trỏ là bộ Xích, dưới ngón áp út là bộ Thốn (ba ngón tay thầy thuốc sát nhau).
Nếu mình tự bắt mạch cho mình thì tay phải 3 ngón: trỏ, giữa, áp út đặt lên thốn khẩu tay trái (sao cho đầu ngón áp út chạm vào đường chỉ cườm tay là đúng).
Mạch đều có cả hai bên tay. Ba bộ bên trái, ba bộ bên phải kể theo thứ tự từ trong ra đầu ngón tay:
Tay trái
1. Tả Xích thuộc thận và bàng quang thuộc Thuỷ
2. Tả Quan thuộc gan và mật, hành Mộc.
3. Tả Thốn thuộc tâm và tiểu tràng, hành Hoả.
Tay phải
1. Hữu Xích thuộc mệnh Môn và Tam tiêu, hành Hoả
2. Hữu Quan thuộc Tỳ và Vị, hành Thổ.
3. Hữu Thốn thuộc Phế và đại tràng, hành Kim.
Dùng cảm giác của 3 đầu ngón tay để cảm nhận và dò mạch. Có 3 mức độ ấn ngón tay khi bắt mạch:
Ấn nhẹ: ước lượng sức nặng ba ngón tay bằng ba hạt đỗ xanh đã thấy mạch đập gọi là mạch Phù.
Ấn vừa: sức nặng ba đầu ngón tay bằng 6 hạt đậu thấy mạch đập gọi là mạch Hoạt.
Ấn mạnh: sức mạnh ba đầu ngón tay bằng 9 hạt đậu mới thấy mạch đập, mạch đi sát xương gọi là mạch Trầm.
Bắt cả ba bộ mạch Thốn, Quan, Xích cùng một lúc để dò xét tình trạng âm dương, khí huyết, thịnh suy của người bệnh; cảm nhận tình trạng vượng, suy của Thủy – Hỏa để đánh giá chung. Sau đó bắt từng bộ mạch, so sánh cả hai bên tình trạng bệnh từng tạng phủ. Cuối cùng là tổng hợp việc chẩn đoán để biết rõ bệnh tình cụ thể.
• Thời gian bắt mạch: Ngoại trừ những trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu, còn lại thời gian xem mạch tốt nhất là vào buổi sáng sớm - lúc âm chưa tan hết, dương chưa thịnh hẳn, bệnh nhân còn yên tĩnh, chưa ăn sáng nên dễ dò xét thịnh, suy, tà khí, chính khí.
• Căn cứ đo nhịp mạch: Y học hiện đại xác định tần số nhịp đập của mạch theo đồng hồ còn y học cổ truyền có cách đo sinh học là so sánh tương đối giữa mạch thầy thuốc với mạch bệnh nhân (thầy thuốc không khoẻ mạnh không được bắt mạch nếu đo theo nhịp so sánh).
Nhịp mạch bình thường là mạch đập 4 đến 5 lần trong một nhịp thở bình thường của thầy thuốc (gồm 1 lần hít vào và 1 lần thở ra), tương đương với 70  đến 80 lần đập trong một phút.
Nhịp mạch đập chậm là mạch đập dưới 4 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là dưới 70 lần đập trong 1 phút.
Nhịp mạch đập nhanh là mạch đập trên 5 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là số lần đập trên 80 lần trong 1 phút.
• Mạch bình thường: Ngoài số lần đập bình thường như nói trên thì mạch phải thấy rõ trên cả 3 bộ mạch: Thốn, Quan, Xích, nhịp nhàng qua lại đều nhau, không rộng - không hẹp, không cao - không thấp; có khí, có thần, có lực. Người già mạch chậm, trẻ nhỏ mạch nhanh hơn; người béo mạch trầm, người gầy mạch phù. Mùa xuân mạch huyền, mùa hạ mạch hồng, mùa đông mạch trầm.
• Mạch bệnh lý: Khi bị bệnh, mạch sẽ thay đổi tần số (nhanh hoặc chậm), cường độ (mạnh hay yếu) về nông sâu (phù hay trầm)…
Mạch phù (nông), mạch đại (không đều), mạch hoạt (quá lưu loát), mạch xác (quá nhanh)… thuộc dương chứng. Mạch trầm (chìm), mạch tế (nhanh nhỏ), mạch vi (nhỏ, yếu), mạch sáp (mạch đi khó khăn)… thuộc âm chứng.

Xuyên Sơn

1 nhận xét: