Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TRONG Y DƯỢC HỌC NƯỚC TA HIỆN NAY



Trong khi nghiên cứu tìm hiểu để thừa kế vốn Y học cổ truyền của dân tộc, người cán bộ y dược quen với phương pháp và cách suy nghĩ làm việc theo khoa học hiện đại truyền đạt trên ghế nhà trường đại học hiện nay thường vấp phải một trở ngại. Hầu hết các sách, các kinh nghiệm chữa bệnh, chế thuốc, dùng thuốc đều viết và nói bằng những tiếng rất xa lạ đối với khoa học ngày nay như âm dương, hàn nhiệt, hư thực, biểu lý, thận thủy, thận hỏa…
Muốn tìm hiểu những tiếng xa lạ ấy đối với khoa học hiện đại, không có cách nào khác là tìm hiểu học thuyết “Âm dương ngũ hành” do một môn phái triết học phương Đông đưa ra sau khi đã quan sát lâu đời sự biến hóa của tự nhiên.
Nhưng học thuyết này trước nay lại được diễn đạt một cách rất khó hiểu, nhiều khi được bao phủ bởi một lớp vỏ đượm màu mê tín, vì học thuyết này đồng thời là cơ sở của nhiều ngành học cổ như môn địa lý, tử vi, bói toán… Cho nên nhiều người cho rằng trong lúc nghiên cứu theo phương pháp của khoa học hiện đại còn chưa đủ thời giờ thì tội gì lại đâm đầu vào tìm hiểu một vấn đề đã lạc hậu.
Sự thực thì sau khi tước bỏ lớp ngoài đượm màu mê tín, huyền bí do người đời sau thêm thắt xuyên tạc, chúng ta sẽ thấy học thuyết “Âm dương ngũ hành” chứa đựng những chân lý khách quan và giúp ta một phương pháp suy luận mới khác với những suy luận quen thuộc.
Thực vậy, theo học thuyết này vạn vật biến chuyển không ngừng, vạn vật chứa mâu thuẫn và sự sinh tồn của vạn vật là do sự ức chế và thúc đẩy lẫn nhau của hai lực lượng đối lập và gắn liền với nhau gọi là “âm” và “dương”. Sau đây gần như nguyên là lời văn của người xưa: “Vũ trụ khi mới hình thành là một khối thống nhất gọi là thái cực. Thái cực biến hóa sinh ra lưỡng nghi là âm và dương. Âm dương kết hợp với nhau để sinh ra ngũ hành làKim, Mộc, Thủy, Hỏa  Thổ. Ngũ hành (năm thứ vật chất) này lại có sự kết hợp chặt chẽ để tạo ra “Tam tài”(ba lực lượng) là Thiên (trời), Địa (đất) và Nhân (người). Trong mỗi lực lượng này lại có sự kết hợp chặt chẽ và cân bằng giữa “âm”  “dương” và “ ngũ hành”.
Âm dương không phải là một vật chất cụ thể nào, mà là thuộc tính mâu thuẫn n»m trong tất cả mọi sự vật. Nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn chi phối mọi sự biến hóa và phát triển của sự vật.
Phàm cái gì hoạt động tích cực, hưng phấn, hướng lên… đều thuộc dương. Tất cả những gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, đi xuống… đều thuộc âm. Âm dương bao hàm ý nghĩa đối lập, nhưng còn bao hàm ý nghĩa nguồn gốc ở nhau mà ra; hỗ trợ, chế ước lẫn nhau mà tồn tại. Do đó, không thể chỉ có âm, hoặc chỉ có dương. Trong hình vẽ người xưa về hình tượng âm và dương, người ta vẽ hai phần bằng nhau đen và trắng và ước gọi với nhau phần trắng là dương, còn phần đen là âm. Nhưng trong phần trắng lại có một điểm đen và trong phần đen có một điểm trắng để tượng trưng trong dương có mầm mống của âm; trong âm có mầm mống của dương. Người ta còn nói: “Trong âm có âm dương và trong dương cũng có âm dương; âm đến cực độ sinh ra dương, dương đến cực độ sinh ra âm, tức là hàn đến cực độ sinh ra nhiệt, nhiệt đến cực độ sinh ra hàn”. Những lời lẽ có vẻ huyền bí khó hiểu ấy lại trở thành rất chính xác, dễ hiểu khi ta nhìn cục nam châm với hai cực Nam và Bắc. Nếu  ta bẻ đôi cục nam châm ấy ra thì lập tức ở phần cực Nam lại xuất hiện một đầu Nam và một đầu bắc; và ở cực hoàn toàn Bắc lại xuất hiện một cực Nam và một cực Bắc. Nghĩa là Nam nằm sẵn trong Bắc và Bắc cũng đã nằm sẵn trong Nam; trong Nam có Nam, Bắc và trong Bắc cũng có cả Bắc, Nam.
Thuyết “Ngũ hành” với luật sinh khắc, chế hóa cũng chỉ là một cách diễn đạt những đặc tính và sự liên quan với nhau, đối lập và nương tựa thống nhất với nhau của các sự vật. Ví dụ như người xưa tượng trưng thận (bao gồm cả tuyến thượng thận) thuộc chất “nước” (thủy); gan và mật thuộc  chất “gỗ”(mộc); tim (bao gồm cả bao tim) thuộc chất “lửa” (hỏa); dạ dày thuộc chất “đất” (thổ)… thực ra là người xưa đã diễn đạt một số tính chất và sự liên quan chặt chẽ giữa các cơ quan đó với nhau. Và khi chữa bệnh một cơ quan nào phải luôn nhớ sự liên quan đó.
Ví dụ để diễn đạt sự liên quan giữa thận, gan và tim, thuyết “Ngũ hành” nói rằng thận thuộc thủy, gan thuộc mộc và tim thuộc hỏa, trong đó “thủy” (thận) sinh ra “mộc”; “mộc” (gan) lại sinh ra “hỏa” (tim). Do đó, muốn chữa bệnh ở tim có khi người ta dùng vị thuốc tác động trực tiếp lên tim, nhưng có khi người ta lại dùng những vị thuốc tác động vào gan; hoặc hơn nữa có khi vào thận. Vì như vậy là tác động lên nguồn gốc bệnh nằm ở cơ quan trực tiếp hay xa hơn nữa đã sinh ra nó, vì tim là “con” của  gan và cháu của “thận”.
Chúng tôi có thể dẫn ra nhiều thí dụ để giới thiệu cách ông cha ta đã vận dụng thuyết “Âm dương ngũ hành” trong việc dùng thuốc chữa bệnh. Nhưng đó không phải là mục đích của bài khảo luận này.
Chúng tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, trong khi chưa có khoa học hiện đại, ông cha ta đã nhờ những học thuyết này mà tìm thuốc chữa bệnh có kết quả. Như Hải Thượng Lãn Ông, một thầy thuốc Việt Nam nổi tiếng ở vào thế kỷ XVIII, trước khi vào nghề y đã học được thuật “âm dương”. Cho nên khi tình cờ đọc sách thuốc đã thâu nhận môn học này một cách nhanh chóng và đã vận dụng một cách sáng tạo học thuyết này trong chữa bệnh mà trở nên bất tử. Ai đã đọc sách của Hải Thượng đều thấy rõ trong bất kỳ trường hợp chẩn đoán nào Hải Thượng cũng tìm cho ra bệnh thuốc chứng “dương” hay chứng “âm” để rồi dùng những vị thuốc hay bài thuốc thuộc “âm” hay thuộc “dương” (như các bài lục vị, bát vị để điều hòa cơ thể trở về cái thế cân bằng của “âm dương”).
Có người hỏi học thuyết “Âm dương” có đặt ra cách đây hàng nghìn năm, một nguyên lý y học của ông cha ta hiện nay còn giúp gì cho ta trong việc nghiên cứu y dược?
Để trả lời, chúng tôi muốn kể lại kết quả của một công trình nghiên cứu của Ohsawa, một nhà khoa học Nhật Bản đã rút ra từ học thuyết “Âm dương” một phương pháp nghiên cứu vận dụng vào môn học “Khoa học về trường sinh” (Macrobiotika). Ông đã đem đến cho học thuyết “Âm dương” một nội dung hiện đại bằng cách đem so sánh thành phần hóa học của thức ăn, chia thức ăn ra hai loại thức ăn acid và thức ăn kiềm tùy theo lượng Natri hay Kali chứa trong đó. Nếu tỷ lệ giữa Kali và Natri lớn hơn 5 thì đó là thức ăn acid hay là “âm”; nếu nhỏ hơn 5 thì đó là thức ăn kiềm hay là “dương”, một số thức ăn còn được chia thêm thành “rất âm”, “rất dương”, “âm hơn”, “dương hơn”. Mệnh đề chính của thuyết “Macrobiotika” là sự mất cân bằng về âm dương trong thức ăn sẽ dẫn đến trạng thái ốm đau. Nếu như một người nào đó ăn chủ yếu những thức ăn âm (acid) thì cơ thể dễ mắc những chứng bệnh cảm cúm, chức năng của cơ thể bị phá hoại, một số bệnh mạn tính xuất hiện… Để nhằm chữa nhanh chóng bệnh này, chỉ cần lập lại sự cân bằng đã bị phá hoại do sự ăn uống không đúng bằng cách cho ăn cơm và thức ăn thuộc nhóm dương như lúa mạch, gà tây…
Chúng tôi, những người trí thức của Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi đang đi theo một khía cạnh khác của học thuyết “Âm dương ngũ hành”. Chúng tôi tìm những cặp mâu thuẫn “âm dương” đang chứa đựng ngay trong bản thân của mỗi sự vật, của mỗi vị thuốc. Đối chiếu với một số vị thuốc đã được nghiên cứu về mặt hóa học, chúng tôi thấy trong mỗi vị đều chứa hai yếu tố đối lập về tác dụng. Như trong vị thuốc “Đại hoàng”. Sự phân tích hóa học trong nhiều năm đã cho biết trong vị “Đại hoàng” có chứa những hợp chất Anthraglucosid có tác dụng tẩy, nhuận tràng; nhưng đồng thời cũng lại  chứa nhiều chất tanin có tác dụng làm săn da, gây táo bón. Khoai lang cũng vậy.
Trong mía (mía cũng là một vị thuốc gọi là Cam giá), người ta cũng phân tích có chứa chất đường; nhưng đồng thời cũng lại chứa rất nhiều men có tác dụng phân hủy chất đường. Do đó khi ta ăn mía thì đồng thời ta ăn chất đường nhưng ta lại ăn luôn chất men để tiêu hóa được chất đường. Nhưng nếu ta phơi khô mía thì trong quá trình phơi khô, chất men này lại phá hủy hết chất đường và mía phơi khô không còn tác dụng gì nữa.
Vị thuốc “Ích mẫu” là một vị thuốc dùng để chữa bệnh cho phụ nữ; khi nghiên cứu người ta cũng phát hiện ngay trong vị “Ích mẫu” hai chất có tác dụng trái ngược nhau; một số chất có tác dụng gây ức chế tử cung, một số chất lại có tác dụng gây kích thích tử cung. (Do đó lại có tác dụng trái ngược nhau là một vị thuốc có tác dụng điều kinh, đồng thời cũng là một  vị thuốc chữa băng huyết).
Đối với một số vị thuốc khác chúng tôi cũng thấy có cặp mâu thuẫn như vậy. Phải chăng đây là một quy luật có tính chất phổ biến? Nếu là một quy luật phổ biến thì phải hiểu tác dụng của những vị thuốc đó đối với cơ thể ra sao? Vì nếu chúng ta nghiên cứu thấy tính âm hay dương ở những vị thuốc khác nhau thì tùy theo bệnh thuộc âm nhiều hay dương nhiều, ta sẽ lựa chọn những vị thuốc có tính chất ngược lại cho uống để lập lại cân bằng.
Nhưng ở cặp mâu thuẫn “âm dương” ấy lại chứa đựng ngay trong một vị thuốc. Vì thế, theo ý tôi, cần phải phân tích để so sánh tỷ lệ giữa hai phần “âm”, “dương” ấy với nhau. Sau đó nghiên cứu tìm xem trong trường hợp nào thì cơ thể của người bệnh nghiêng về việc lựa chọn phần “âm” hay phần “dương” của vị thuốc. Cơ thể sẽ lựa chọn sử dụng một trong hai phần đó như thế nào? Theo chúng tôi đó là những hướng mới mà học thuyết “Âm dương ngũ hành” đã đề xuất. Chúng ta không thể chỉ lý luận mà phải thực nghiệm. Rồi từ những kết quả thực nghiệm ấy đưa vào điều trị. Có điều khuyến khích là những thí nghiệm ấy sẽ có căn cứ lâu đời từ những kết quả điều trị thực trên thân thể con người qua hàng nghìn năm kinh nghiệm.
Việc nghiên cứu ấy không thể một sớm một chiều sẽ thu được kết quả ngay. Nhưng học thuyết “Âm dương”, quy luật vạn vật chứa mâu thuẫn nhắc nhở chúng tôi không theo con đường mà nhiều đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi vẫn làm khi nặng về phương pháp chiết xuất từng chất riêng lẻ từ cây cỏ (như chiết riêng những chất Morphin, Cafein chẳng hạn). Những đồng nghiệp này thường tinh chế và chỉ dùng những chất hoàn toàn tinh khiết không lẫn những chất khác, dù những chất đó có sẵn trong cây trong những trạng thái hỗn hợp tự nhiên.
Chúng tôi sẽ chỉ dừng lại ở mức độ thu gọn vị thuốc, làm sao cho vị thuốc trở nên tiện dùng, bảo quản được lâu dài. Còn thì chúng tôi tôn trọng tối đa sự kết cấu tự nhiên của các vị thuốc, nghĩa là dùng toàn bộ vị thuốc dưới dạng gọn nhất, công hiệu nhất, mà cũng thuận tiện nhất. Phải chăng vì đã dùng những hóa chất tác dụng theo một chiều hướng nhất định nên càng ngày nhân dân các nước phương Tây có khuynh hướng sợ dùng những thuốc hóa chất tổng hợp, và đã quay trở lại dùng những thuốc cây cỏ theo kinh nghiệm lâu năm với toàn bộ tác dụng mâu thuẫn cần thiết mà trước đây người ta chưa biết, nhưng nay lại cũng chưa thấy rõ hết nguyên nhân.

Đỗ Tất Lợi 

1 nhận xét: