Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

"BÍ ẨN" CHÂM CỨU

Châm cứu là gì?
Khởi nguồn chính xác của châm cứu là giả định các chiến binh cổ đại tổn thương nhẹ do bị trúng tên lại thấy các chứng bệnh mạn tính suy giảm. Các đồ hình từ thời nhà Thương (1600-1100 trước CN) cho thấy "châm" được dùng cùng với "cứu". Mặc cho sự xuất hiện của kim loại phải đến tận thế kỷ thứ II trước CN, "kim châm" mới thay thế "thạch châm".
Thư tịch cổ nhất về châm cứu là tác phẩm “Hoàng đế nội kinh”, xuất hiện khoảng 200 năm trước CN. Nó không phân biệt "châm" và "cứu", với cùng các chỉ định cho cả hai kỹ thuật. Cùng với sự lan tỏa văn hóa, châm cứu xâm nhập các quốc gia láng giềng, như Triều Tiên, Nhật Bản hoặc Việt Nam, với sự cải biến riêng thích hợp với từng vùng.
Tại châu Âu, các nghiên cứu cho thấy, trên cơ thể người băng Otzi có tới 15 nhóm hình xăm, một số trùng với các huyệt vị. Điều đó dẫn tới giả định, thực hành kiểu châm cứu đã xuất hiện trên khắp lục địa Á-Âu từ 5.000 năm trước.
Châm cứu là kỹ thuật dùng vật mảnh và nhọn (châm) hoặc mồi ngải (cứu) tác động lên các huyệt trên da để chữa bệnh. Theo y lý phương Đông, đó là kỹ thuật khôi phục sự cân bằng âm dương, các loại sinh khí vẫn được lưu hành theo hệ kinh mạch trong cơ thể.
Châm cứu là một y thuật có lịch sử từ hàng ngàn năm và đã được Tổ chức y tế thế giới WHO bước đầu công nhận. Tuy nhiên, bản chất thực sự của châm cứu vẫn là bí ẩn đối với khoa học hiện đại, khi nó được xem như một trường hợp khá điển hình của y học năng lượng.
Các nghiên cứu ủng hộ việc dùng châm cứu để giảm đau hoặc điều trị chứng nôn ói sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị ung thư. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng, đó chỉ là một kiểu tâm lý liệu pháp.
Tác dụng của châm cứu
Tác dụng nổi bật của châm cứu là giảm đau. Các nghiên cứu chặt chẽ về phương pháp luận đã chứng tỏ, châm cứu tỏ ra hiệu quả với viêm khớp, đau nửa đầu, đau cổ vai cánh tay, đau thắt lưng cấp và mạn tính… Chính vì vậy, trong 40 chỉ định của WHO cho châm cứu, các chứng đau chiếm đa số và tác dụng càng rõ rệt khi dùng phương pháp điện châm hoặc hỏa châm.
Điện châm
Những nghiên cứu từ năm 1976 cho thấy, cơ chế giảm đau của châm cứu là kích thích hệ chống đau tự nhiên của cơ thể, qua việc phóng thích các chất giảm đau nội sinh trong não bộ. Đó là các morphine nội sinh, serotonin và noradrenaline.
Nôn ói sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị ung thư là chỉ định ưu tiên khác của châm cứu. Dùng châm cứu trước hoặc sau xạ trị đều dẫn tới việc giảm tần suất và mức độ nôn, do đó giảm lượng thuốc chống nôn dùng cho người bệnh.
Tăng khả năng thụ thai và tạo thuận cho cuộc sinh nở cũng là lựa chọn ưa thích của giới châm cứu. Một báo cáo tổng kết trên Cochrane (nơi tiến hành các tổng kết quy chuẩn trong y khoa) năm 2008 cho thấy, với các trường hợp thụ thai trong ống nghiệm, châm cứu vào ngày cấy phôi vào dạ con làm tăng khả năng thụ thai; tuy nhiên kết luận chưa thực sự thuyết phục do số phụ nữ tham gia thử nghiệm chưa nhiều.
  
Mặc cho còn nhiều nghi ngờ về tác dụng,  nhưng châm cứu ngày càng được ưa chuộng tại phương Tây, nhất là với kỹ thuật điện châm dùng điện cực bề mặt thay kim để tránh đau và lây nhiễm. Và như một trường hợp điển hình của y học năng lượng, châm cứu vẫn là một thách thức đối với y học hiện đại, với những "bí ẩn" chờ đang được khám phá.

1 nhận xét: