Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Tinh thần và bệnh tật



Một tạp chí Y khoa của trường Đại học Sorbone (Pháp) thuật lại câu chuyện người vợ sau khi xung đột mãnh liệt với chồng, liền cho con bú và đứa bé phải được đưa đi cấp cứu vì ngộ độc bởi những độc tố tiết ra trong sữa do cơn giận của người mẹ.
Câu chuyện trên là minh chứng đầy sức thuyết phục về sự liên quan mật thiết giữa tinh thần và thể xác. Điều đó cũng đã được xác nhận bởi nhiều nhà y học Đông Tây xưa nay. Do hệ thần kinh làm môi giới tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến thể xác trong quá trình sống. Nhiều công trình nghiên cứu cho biết hầu hết các bệnh đều ít nhiều có nguyên nhân sâu xa ở tinh thần, sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng, ghen tuông ... đã tạo ra ; những trạng thái tinh thần tích cực như: tự tin, lạc quan, yêu đời, thanh thản ... ảnh hưởng tốt đẹp đến chức năng tạng phủ, bảo đảm duy trì được sức khỏe bền vững.
Y học phương Đông quy chúng thuộc phạm vi sang chấn tinh thần do thất tình (bảy yếu tố tinh thần) gây ra. Tây y cho chúng là những chấn thương tâm lý do căng thẳng (stress). Một điều đáng chú ý là những stress càng ngày càng tăng theo nhịp sống khẩn trương trong thời đại công nghiệp hóa. Nếu những tiến bộ y học đã đẩy lùi hàng loạt bệnh tật để kéo dài tuổi thọ cho con người thì nó lại phải đối đầu với một số bệnh phức tạp hơn, bắt nguồn từ nguyên nhân tinh thần. Theo công trình nghiên cứu thực nghiệm của các chuyên gia y học Anh, Pháp, Nhật và Mỹ, một số tổn thương tinh thần gây các bệnh sau : Nóng giận làm tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, xuất huyết ;  ưu phiền quá độ gây viêm niêm dịch, giảm sức đề kháng cơ thể. Rối loạn cảm xúc mảnh liệt gây liệt toàn thân; buồn bã và ân hận gây sỏi mật, thận, sút cân, lao phổi; khiếp đảm đột ngột gây ỉa chảy, trụy tim mạch, liệt dương. Thất vọng, tuyệt vọng gây loét dạ dày, tá tràng. Mừng quá độ gây rối loạn tuần hoàn. Lo nghĩ quá độ gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu. Bất mãn thường nhật gây hen suyễn. 
Xét theo quan điểm Đông y, những khám phá trên có nhiều điểm tương đồng. Y lý cổ truyền cho rằng : mừng quá hại tâm, lo nghĩ quá hại tỳ vị, nóng giận quá hại can, sợ quá hại thận, buồn quá hại phế. Ta thấy Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận có quan hệ mật thiết (quan hệ biểu lý) với mật, dạ dày, đại trường, tiểu trường, bàng quang và căn cứ vào mối quan hệ sinh khắc của chúng trên phương diện ngũ hành, từ đó chúng ta thấy tuy bệnh danh có khác, nhưng xét tính chất và nguồn xuất phát thì không khác nhau mấy. Mặt khác, tinh thần cũng cần những thực phẩm bổ dưỡng trong lành. Vì thế, món ăn tinh thần mà ta “ăn” hàng ngày thông qua sách vở, báo chí, phim ảnh, giao tiếp ... cũng là điều rất quan trọng để phòng bệnh và góp phần chữa bệnh cho chúng ta.

Phan Hồng Long (CTQ số 90)

1 nhận xét: