Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Học thuyết Thuỷ Hoả và bài “Lục vị – Bát vị”

Học thuyết Thuỷ Hoả và bài “Lục vị – Bát vị”  



Học thuyết Thuỷ Hoả luôn đi với bài “Lục vị – Bát vị”. Từ khi nó ra đời đến nay đã 300 năm được nhiều danh y ca ngợi, thành phẩm cũng được bào chế khắp nơi. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng và hiệu quả của các vị thuốc trong bài này, còn nhiều vấn đề phải bàn bạc. chúng tôi xin có vài nhận xét về việc sử dụng bài thuốc trên thị trường hiện nay.

Đôi nét về học thuyết Thuỷ Hoả và bài Lục vị - Bát vị

Học thuyết Thuỷ Hoả được Phùng Triệu Trương, hiệu Sở Chiêm (1617 – 1700) ở Tô Châu, tỉnh Triết Giang, khởi xướng và phát triển từ học thuyết Mệnh môn, trong bộ “Phùng Thị Cẩm Nang” 50 quyển, in năm 1702 đời nhà Thanh và chuyên sử dụng Lục Vị, Bát Vị.
Học thuyết Thuỷ Hoả quan niệm: Lúc có thai thì hai quả thận hình thành đầu tiên. Thận là gốc của tiên thiên, gồm cả Thuỷ lẫn Hoả và Thận chi phối đến sức khoẻ, cuộc sống con người. Thận trái là Thận âm, chủ thuỷ, sinh huyết, sinh tinh, sinh tinh dịch, đàm ẩm. Thận bên phải là Thận dương, chủ hoả là chánh khí. Âm Thuỷ – Dương Hoả lưu hành trong con người phải cân bằng nhau thì con người mới khoẻ mạnh. Nếu bên tả Thận âm suy thì dẫn đến các chứng thuỷ khô, huyết táo, làm cho hoả động sinh nóng rát, đỏ mặt ho hen, khó ngủ… phải dùng thang Lục vị để bổ thuỷ cho bằng với Hoả. Nếu Dương Hoả hư do Âm Thuỷ mạnh lên, gấy mất cân bằng, làm Thận Hoả không yên, long hoả bốc lên, gây chứng phong hoả như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi… phải dùng thang Bát vị để bổ Hoả, bổ dương khí, làm ấm Thận Dương, đưa phù du hoả trở về Thận.
Bài "Lục vị" được Tiền ất (1032 – 1113) ở Sơn Đông, lấy bài “Kim Quỹ Thận khí hoàn” của Trương Trọng Cảnh (145 – 208), bỏ vị Quế chi, Phụ tử mà thành; Chuyên dùng để bổ chân âm cho trẻ em. Bài “Lục vị hoàn” có Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Trạch tả, Mẫu đơn bì, Phục linh. Phùng Triệu Trương dùng bài Lục vị để bổ Thuỷ, bổ chân Âm.
Bài “Bát vị”, Phùng Triệu Trương lấy bài “Thận Khí hoàn”, thay vị Quế chi bằng Nhục quế để bổ Hoả, bổ chân Dương, chữa các chứng Thận hư, tiểu tiện không thông lợi (Bát vị tức Lục vị thêm Phụ tử, Nhục quế).
Thật ra bài “Thận khí hoàn” của Trương Trọng Cảnh đã được Thôi Tri Đệ (615 – 685) thay vị Quế chi bằng vị Quế tâm, gọi là “Thôi Thị Bát Vị hoàn”, để chữa các chứng cước khí làm bụng dưới tê cứng. Trương Cảnh Nhạc (1583 – 1640) cũng lấy bài “Thận khí hoàn”, bỏ Trạch tả, Đơn bì, Phục linh và thêm vào các vị bổ Dương: Câu kỷ tử, Chích thảo, Đỗ trọng, thay Quế chi bằng Nhục quế; Thành bài “Hữu quy ẩm” để bổ Thận Dương, Cảnh nhạc cũng dùng bài Lục vị, bỏ Trạch tả, Đơn bì, thêm vào Kỷ tử, Chích thảo thành bài “Tả Quy ẩm” để tư âm chủ trị thận âm bất túc, làm đau lưng, mỏi gối, di tinh, đạo hãn, miệng khô, họng ráo…
Lê Hữu Trác (1920 – 1791), trong “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” và danh y Hoàng Nguyên Cát (1702 – 1779) trong “Quỳ viên gia học” rất tâm đắc học thuyết Thuỷ Hoả và sử dụng bài Lục Vị, Bát Vị.
Hãy thận trọng với chất lượng thuốc trong bài Lục Vị, Bát Vị
Bài Lục Vị, Bát Vị đã được nhiều thế hệ lương y tâm đắc, nhưng hiện nay nhiều người sử dụng chẳng những không có hiệu quả, mà còn có dấu hiệu không an toàn. Chúng ta hãy xem lại tính vị của hai phương thuốc này và tìm hiểu tình hình các vị thuốc có trên thị trường hiện nay.
Thục địa (Rhemannia glutinosa)
Thục địa được nấu từ Sinh địa hoàng, cây di thực vào nước ta từ năm 1958 và trồng thực nghiệm ở Trại dược liệu Văn Điển. Cây phát triển tốt và sau đó được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt…nhưng năng suất thấp. Đến nay ta phải nhập nên đắt (30000 – 40000đ/kg Sinh địa).
Trong củ Địa hoàng có chứa nhiều glucosit như: Rehmaniosit, rehmapicrosit, axit amin… Địa hoàng có vị ngọt, đắng, tính lạnh, có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết, cầm máu. Dùng chữa âm hư, sốt âm, khát nước, đái tháo đường, thiếu máu, bổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, ban chẩn, viêm họng, tân dịch khô, tâm thận không yên, phiền táo, mất ngủ. Thục địa tư âm dưỡng huyết, bổ thận; chữa âm hư, huyết suy, sốt âm, ho suyễn, điều kinh, bổ huyết, di tinh, viêm thận. Liều dùng từ 10g – 30g dạng thuốc sắc.
Sơn thù du (Cornus officinadis)
Sơn thù du phải nhập từ Trung Quốc. Việt Nam cũng có ở Chư Yan Sin, Sa Pa, Ba Vì...nhưng thuộc chi khác. Khi dùng bỏ hạt gọi là Táo nhục. Sơn thù chống loạn nhịp tim, kháng khuẩn đối với trực khuẩn thương hàn, lỵ… Sơn thù du có vị chua, tính bình. Bổ can thận, sáp tinh, thông khiếu, cầm mồ hôi. Dùng tán phong hàn, chữa đau đầu, đau thắt lưng, gối mỏi, ù tai, thận suy, đa niệu, di tinh, rối loạn kinh nguyệt, ra mồ hôi trộm. Liều dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc.
Hoài sơn (Pioscorea persimilis)Còn có tên là Củ mài, Sơn dược. Hoài sơn có nhiều ở nước ta. Là loại củ dễ trồng, cho năng xuất cao. Hoài sơn chứa nhiều tinh bột, mucrin (protein nhớt). Allantoin, các axít amin, arginin, cholin và men maltaza… Hoài sơn vị ngọt, tính bình vào kinh phế, tỳ, vị, thận. Có công dụng bổ tỳ vị hư nhược, sinh tân dịch, ích phế, bổ thận, chỉ khát, chữa viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày, phế hư, ho hen, bệnh đái tháo đường, di tinh, bạch đới...
Phục linh (Poria cocos Wolf) Họ Nấm lỗ
Là loại nấm ký sinh trên rễ cây Thông. Nấm có hình khối, to nhỏ không đều nhau từ bằng nắm tay đến khoảng 5 kg. Có ở Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Việt Nam. Loại có mặt cắt bên trong màu trắng gọi là Bạch linh, loại có màu hồng xám gọi là Xích linh, loại có rễ Thông xuyên qua gọi là Phục thần.
- Phục linh có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng tăng cường miễn dịch, an thần, chống viêm loét dạ dày, hạ đường huyết, bảo vệ gan, lợi thuỷ…
- Bạch linh lợi thuỷ, trừ thấp, tiêu thũng, chống phù, bổ tỳ, chữa bụng đầy trướng, chữa tiêu chảy, suy nhược, di tinh, chóng mặt, an thần.
Mẫu đơn bì hay Đơn bì (Paeonia moutan Suns. Họ Hoàng liên)
Mẫu đơn là loại hoa quý, được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Việt Nam đã di thực về trồng ở Sa Pa, nhưng hiện đã bị mất giống. Rễ đơn bì có tác dụng chống co thắt, chống viêm, giảm đau, an thần, ức chế sự sinh sôi của E coli, Baccillus subtilis, staphylococcus aureus…  Mẫu đơn bì vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, hạ sốt, tan máu ứ, giảm đau, dùng thuốc trấn kinh, chữa sốt âm kéo dài, chữa đau đầu, viêm rễ thần kinh, các bệnh kèm co giật, phòng và trị bệnh tắc mạch do huyết khối, đau ngực, chống đông máu, viêm da dị ứng, mụn nhọn, lở loét, viêm phổi, sốt xuất huyết, chữa nhiễm khuẩn, chữa viêm gan cấp…
Liều dùng từ 6 – 12g.
Trạch tả (Alisma plantage aquatica L.) còn có tên là Mã đề nước.
Có nhiều loại làm Trạch tả. Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi thuỷ, thẩm thấp, thanh nhiệt. Dùng chữa bệnh thuỷ thũng, viêm thận, viêm bể thận, tiểu tiện khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, đái tháo đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ. Liều dùng từ 10 – 20 gam thuốc sắc.
Nhục quế (Cinnamomum cassia Blume)
Việt Nam là nơi có Quế nổi tiếng từ lâu đời như Quế ở Thanh Hoá, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Quế có chứa tinh dầu cinnamaldehyt có tác dụng diệt khuẩn, chống đái tháo đường… Quế có vị ngọt, cay, mùi thơm, tính rất nóng. Có tác dụng bổ hoả, hồi dương, ấm thận, tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Quế dùng làm thuốc cấp cứu do bị trúng hàn như lạnh chân tay, mạch chậm-nhỏ, hôn mê, đau bụng, trúng thực, phong tê bại, chữa tiêu hoá kém, tả lỵ, bí tiểu tiện, kinh bế, ung thư.
Phụ tử
Việt Nam có trồng ở Sa Pa, Mù Cang Chải. Phụ tử là củ rễ nhánh của Ô đầu. Từ củ Phụ tử chế biến ra Bạch phụ tử, Hắc phụ tử, Diêm phụ.
Phụ tử có Alcaloit là Aconitin, chất rất độc đối với tim nên phải được chế kỹ lưỡng và khi dùng phải thận trọng về liều lượng. Phụ tử có tác dụng hạ huyết áp, giảm đau, kích thích thần kinh, chống viêm. Phụ tử vị cay, ngọt, tính nhiệt, có độc mạnh. Phụ tử có tác dụng hồi dương cứu nghịch (lạnh chân tay, ra mồ hôi lạnh), trục phong hàn, tà thấp, bổ hoả. Dùng từ 1 – 10g (chế kỹ).
Qua phân tích trên, ta thấy học thuyết Thuỷ Hoả và thang Lục vị, Bát vị gia giảm được tiền nhân cấu tạo rất khoa học. Nhưng hiện nay nhiều vị lương y khi sử dụng tỏ ra nghi ngờ hiệu quả bài thuốc này. Có người cho rằng, có lẽ bệnh của thời naykhác với bệnh thời trước chăng? Theo chúng tôi thì nguyên nhân có thể do chất lượng các vị thuốc.
Hiện nay trên thị trường các vị thuốc này đều không đảm bảo: Thục địa được nấu sơ sài, không sấy khô, còn ẩm ướt, không thơm, không đảm bảo chất lượng. Sơn thù nhiều khi chỉ là vỏ và hạt, không có thịt. Hoài sơn làm từ củ khoai mì (củ sắn) được tẩy trắng, một số được làm từ khoai mỡ, khoai từ. Vị Phục linh, theo cố GS, L/Y Lê Minh Xuân, nguyên Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh thì “trên thị trường phần lớn Phục linh chế sẵn là giả, được làm từ gạo ủ, không phải là nấm lỗ của cây Thông”. Mẫu đơn bì không biết được làm từ vỏ cây gì, được ướp hương liệu hoá chất cho thơm (ester), nhưng có độc. Nhục quế được lấy từ vỏ cành cây Quế nên ít tinh dầu, kém ngọt, thơm. Phụ tử rất độc nên việc bào chế và liều lượng khó kiểm soát.
Bài Lục vị có 6 vị, mà thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã 3 – 4 vị rồi, thì còn đâu là bài thuốc bổ Thuỷ, bổ chân âm nữa. Nên thuốc uống vào thường gây nhiều phản ứng phụ như nóng xót, tiêu chảy, buồn nôn, mệt… Có cả hiện tượng của ngộ độc thuốc.
Khi sử dụng bài Lục vị, Bát vị gia giảm, chúng ta nên chú ý đến chất lượng và liều lượng của bài thuốc. Chất lượng bảo đảm thì hãy dùng, còn không thì nên thay vị thuốc khác thoả đáng hơn.

Trần Sỹ (CTQ số 98)

Tinh thần và bệnh tật



Một tạp chí Y khoa của trường Đại học Sorbone (Pháp) thuật lại câu chuyện người vợ sau khi xung đột mãnh liệt với chồng, liền cho con bú và đứa bé phải được đưa đi cấp cứu vì ngộ độc bởi những độc tố tiết ra trong sữa do cơn giận của người mẹ.
Câu chuyện trên là minh chứng đầy sức thuyết phục về sự liên quan mật thiết giữa tinh thần và thể xác. Điều đó cũng đã được xác nhận bởi nhiều nhà y học Đông Tây xưa nay. Do hệ thần kinh làm môi giới tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến thể xác trong quá trình sống. Nhiều công trình nghiên cứu cho biết hầu hết các bệnh đều ít nhiều có nguyên nhân sâu xa ở tinh thần, sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng, ghen tuông ... đã tạo ra ; những trạng thái tinh thần tích cực như: tự tin, lạc quan, yêu đời, thanh thản ... ảnh hưởng tốt đẹp đến chức năng tạng phủ, bảo đảm duy trì được sức khỏe bền vững.
Y học phương Đông quy chúng thuộc phạm vi sang chấn tinh thần do thất tình (bảy yếu tố tinh thần) gây ra. Tây y cho chúng là những chấn thương tâm lý do căng thẳng (stress). Một điều đáng chú ý là những stress càng ngày càng tăng theo nhịp sống khẩn trương trong thời đại công nghiệp hóa. Nếu những tiến bộ y học đã đẩy lùi hàng loạt bệnh tật để kéo dài tuổi thọ cho con người thì nó lại phải đối đầu với một số bệnh phức tạp hơn, bắt nguồn từ nguyên nhân tinh thần. Theo công trình nghiên cứu thực nghiệm của các chuyên gia y học Anh, Pháp, Nhật và Mỹ, một số tổn thương tinh thần gây các bệnh sau : Nóng giận làm tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, xuất huyết ;  ưu phiền quá độ gây viêm niêm dịch, giảm sức đề kháng cơ thể. Rối loạn cảm xúc mảnh liệt gây liệt toàn thân; buồn bã và ân hận gây sỏi mật, thận, sút cân, lao phổi; khiếp đảm đột ngột gây ỉa chảy, trụy tim mạch, liệt dương. Thất vọng, tuyệt vọng gây loét dạ dày, tá tràng. Mừng quá độ gây rối loạn tuần hoàn. Lo nghĩ quá độ gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu. Bất mãn thường nhật gây hen suyễn. 
Xét theo quan điểm Đông y, những khám phá trên có nhiều điểm tương đồng. Y lý cổ truyền cho rằng : mừng quá hại tâm, lo nghĩ quá hại tỳ vị, nóng giận quá hại can, sợ quá hại thận, buồn quá hại phế. Ta thấy Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận có quan hệ mật thiết (quan hệ biểu lý) với mật, dạ dày, đại trường, tiểu trường, bàng quang và căn cứ vào mối quan hệ sinh khắc của chúng trên phương diện ngũ hành, từ đó chúng ta thấy tuy bệnh danh có khác, nhưng xét tính chất và nguồn xuất phát thì không khác nhau mấy. Mặt khác, tinh thần cũng cần những thực phẩm bổ dưỡng trong lành. Vì thế, món ăn tinh thần mà ta “ăn” hàng ngày thông qua sách vở, báo chí, phim ảnh, giao tiếp ... cũng là điều rất quan trọng để phòng bệnh và góp phần chữa bệnh cho chúng ta.

Phan Hồng Long (CTQ số 90)

Điều trị rung tâm nhĩ bằng Đông y



LTS: Trong Tử Siêu y thoại, Lương y Nguyễn Tử Siêu có giới thiệu kinh nghiệm của bạn đồng nghiệp là L.Y Trần Cung, người miền Nam tập kết ra Bắc, công tác ở Bệnh viện Hòa Bình (Hải Phòng) có cách dùng thuốc rất táo bạo: Phụ tử có khi dùng tới 1 lạng, lạng rưỡi trong mỗi thang, có người thấy ông kê đơn đều phải lè lưỡi. Nhưng vì ông chẩn bệnh rất đúng, nên cương quyết dụng dược, không chút rụt rè… Do đó đối với loại bệnh mạn tính, người khác có khi phải chữa đến 30, 40 thang, mà đến tay ông chỉ mươi thang đã thu được kết quả. 

Bệnh án dưới đây tuy chỉ dùng đến 20g Phụ tử, nhưng CTQ tự thấy có trách nhiệm cảnh báo trước: Đây là kinh nghiệm lâm sàng dành cho đồng nghiệp tham khảo, người bệnh dù thấy triệu chứng tương tự cũng không được tự tiện y cứ theo đơn mua thuốc chữa bệnh. Muốn điều trị bệnh phải có thầy thuốc chuyên môn trực tiếp thăm khám và chỉ định cụ thể mới đảm bảo hiệu quả và an toàn.
CTQ
Rung tâm nhĩ là bệnh cảnh lâm sàng thường gặp đối với bệnh tim. Điều trị chủ yếu là thuộc loại các thuốc chẹn bê - ta, hoặc dùng sốc điện để tái lập lại các đường dẫn truyền. Nhưng kết quả thường hay tái phát, có khi tồn tại dai dẳng gây nhiều khó khăn cho thầy thuốc cũng như bệnh nhân.
Từ 1993 trở lại đây, dựa vào biện chứng luận trị, chúng tôi đã điều trị có kết quả một số ca rung nhĩ bằng thuốc đông y, xin nêu một bệnh án điển hình : 
Bệnh nhân nữ Nguyễn Thị X. 55 tuổi, cán bộ hưu trí, thường trú xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ngày 29/3/1993, bệnh nhân đến khám với lý do: nghẹn thở, khó chịu ở ngực người rất mệt mỏi, không ăn không ngủ được.Bệnh nhân khai từ nhiều tháng nay, người rất mệt mỏi, yếu sức, có những cơn nghẹn thở, trước ngực rất khó chịu, cảm giác không thể diễn tả được. Bệnh nhân thường hay bị ngất, người nhà phải cạo gió xoa dầu nóng một lát mới tỉnh lại. Thường ngày, cảm thấy đói bụng nhưng không muốn ăn, ăn vào thì mệt, đêm ngũ rất khó. Đại tiểu tiện bình thường. Có đi khám bác sĩ tư, tiêm thuốc và cho thuốc về uống nhưng không đỡ.
* Tiền sử:Thường đau yếu luôn, bác sĩ bảo bị yếu tim, ba năm nay lại bị đau thần kinh tọa vừa mới đỡ.
* Khám : Tổng trạng gầy, xanh xao, niêm mạc mắt nhạt. Lưỡi đạm, không rêu, mặt lưỡi láng bóng và mỏng. Tiếng nói yếu ớt, đi lại chậm chạp. Huyết áp: 110/70 mmHg. Mạch: 60 lần/phút. Nhịp thở 18 lần/phút.
Hiện tại không có dấu hiệu khó thở, không tím tái, nhưng phù nhẹ mặt và hai mi mắt.
• Tim: Mỏm ở liên sườn V, cách bên trái đường trung đòn phải 2cm. Nghe tim thấy có ngoại tâm thu liên tục (loạn nhịp hoàn toàn), không nghe âm thổi.
• Phổi: Ran ẩm to hạt ở hai đáy.
* Chẩn mạch: Hai bộ thốn và xích trầm vi, hai bộ quan huyền nhược (bên trái vi nhược hơn bên phải), kết đại.
* Chẩn đoán sơ bộ: Rung tâm nhĩ do suy tim toàn bộ.
Cho đi làm điện tâm đồ để xác định chẩn đoán. Kết quả điện tâm đồ: Rung tâm nhĩ, lệch dẫn truyền.
* Biện chứng đông y: Âm Dương lưỡng hư, Tâm khí bất túc, tâm huyết ứ tắc.
* Phép chữa: Bổ dương liễm âm, ích khí hoạt huyết.
* Phương thuốc: Dùng bài Nhân sâm dưỡng vinh gia 
Kiết lâm sâm   20 g
Chích kỳ   20 g
Đương quy 16 g 
Bạch truật 20 g 
Bạch thược 12 g 
Bạch linh 6 g 
Nhục quế 4 g  (Tán bột gói riêng, hòa vào thuốc sắc)
Trần bì 6 g
Viễn chí 6 g 
Xương bồ   8 g 
Hắc táo nhân 12 g 
Ngũ vị tử 4 g 
Chế phụ tử  8 g 
Đào nhân 12 g 
Hồng hoa 8 g 
Sinh khương 12 g 
Đại táo 3 quả
Bốc 4 thang, sắc uống.
Ngày 2/4/1993 tái khám: Tổng trạng bệnh nhân khá hẳn, bớt mệt, da đã có sắc hồng, cảm thấy dễ thở hơn. Nghe tim vẫn còn ngoại tâm thu nhưng những nhát bóp đều hơn, không âm thổi. Xem mạch thấy hai bộ thốn đã có mạch rõ hơn, đều hơn, nhưng bộ quan xích còn trầm vi lắm.
Chúng tôi giữ y theo thang thuốc trước, cho uống tiếp 12 thang nữa.
Ngày 14/4/1993 tái khám: Bệnh nhân khá hẳn lên, tinh thần phấn khởi. Huyết áp 110/70 mmHg, Mạch 68 lần/phút, nhưng vẫn ăn chưa ngon, khó ngũ. Nghe tim các nhát bóp rõ hơn, đều hơn... nhưng vẫn còn ngoại tâm thu nhịp 2, nhịp 3. Chẩn mạch thì lưỡng thốn tế, quan xích vẫn rất vi, gần như không có mạch.
Tiếp tục uống đến thang thứ 20, tình hình vẫn không tiến triển thêm.
Ngày 18/4/1993, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên phương cũ, tăng chế phụ tử lên hai mươi gam (20 gam), và cho sắc trước, giữ sôi 30 phút, bốc từng thang một cho bệnh nhân mang về nhà sắc uống.
Uống thang thứ nhất, bệnh nhân nghe khắp thân thể đau nhừ như bị ai đánh, có cảm giác đầy nghẹn ở cổ. Khám nghe tim T1, T2 rõ, đều thỉnh thoảng mới có một nhịp ngoại tâm thu. Chẩn mạch thì hai tay ba bộ đều có mạch rõ ràng, tượng huyền, hơi sắc.
Căn cứ vào nghe tim và chẩn mạch như trên, chúng tôi giữ nguyên thang thuốc với lượng phụ tử hai mươi gam, cho uống cách nhật, đến thang thứ 5 thì xuất hiện dấu hiệu ngộ độc phụ tử:
- Bệnh nhân than mệt ngực trở lại.
- Nghe tim xuất hiện loạn nhịp nhanh, kiểu ngoại tâm thu nhịp 3 nhanh, tần số 86 lần/phút. Chẩn mạch lại thấy mạch trầm vi kết đại như lúc đầu. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không buồn nôn, không nôn. Huyết áp 110/70mmHg.
Vẫn y phương cũ, khử phụ tử, gia giảm cho uống tiếp 5 thang nữa, mọi triệu chứng bệnh đều khỏi, bệnh nhân khỏe, nghe tim và chẩn mạch đều bình thường. Theo dõi đến mười năm sau, không thấy tái phát.
* Bàn luận: Nhân Sâm Dưỡng Vinh (NSDV) là bài thuốc thường dùng trên lâm sàng, để điều trị các chứng tâm hỏa hư, âm dương lưỡng hư. ở đây, dùng NSDV gia phụ tử để tăng cường sức bổ hỏa. Nhưng trong trường hợp này, nếu không tăng phụ tử lên đến liều hai mươi gam, và không uống đến ngộ độc phụ tử, thì e rằng không cắt hẳn được cơn rung nhĩ mà không bị tái phát trong thời gian lâu như vậy. (Vì uống đến thang thứ 4, nghe tim vẫn còn ngoại tâm thu. Đây là dấu chứng báo hiệu rung nhĩ sẽ tái phát).
Đến thang thứ 5, xuất hiện dấu hiệu ngộ độc Aconitine, biểu hiện trên tim là loạn nhịp ngoại tâm thu nhịp đôi, nhịp ba nhanh. Mạch cũng thấy trầm vi, kết đại. Trầm vi là hàn, kết đại là hàn cực. Phụ tử là thuốc đại ôn nhiệt, nhưng dùng quá thì lại sinh hàn. Đây là nguyên lý nhiệt cực sinh hàn, vật cực tắc phản. Từ chỗ hỏa hư nên phải bổ hỏa. Nhưng bổ hỏa cho đến cái giới hạn hơi quá một chút, khiến hỏa bị “ức chế đột ngột”, đích thực là làm cho tim bị sốc vì hỏa. Chúng tôi trộm nghĩ cơ chế cắt cơn rung nhĩ trong trường hợp này, tương tự như làm sốc điện trên tim.
Những nghiên cứu dược lý lâm sàng gần đây của Trung Quốc cũng chứng minh tác dụng cường tim của phụ tử. Phải chăng do vậy mà Phụ tử được xếp vào nhóm thuốc ĐộC BảNG A?

Phạm Ngọc Cảnh

Luận trị liệt dương theo “Biện chứng kỳ văn” (tiếp theo kỳ trước)

2. Liệt dương do dương khí của tỳ vị không vượng

Có người tinh lạnh, tinh loãng, tuy cũng có thể giao hợp, nhưng nửa đường đứt gánh hay “vừa đến chợ đã hết tiền”, người ta cho là hỏa mệnh môn suy, ai hay đó là do dương khí của tỳ vị không vượng. 
Tỳ vị thuộc thổ, mà thổ sinh từ hỏa, dương khí của tỳ vị không vượng tựa hồ như hỏa mệnh môn suy. Đâu biết rằng hỏa của mệnh môn là hỏa tiên thiên, còn thổ của tỳ vị là thổ hậu thiên. Thổ hậu thiên vốn có gốc nơi hỏa tiên thiên, nếu hỏa tiên thiên không vượng thì thổ hậu thiên không thể sinh. Bổ hỏa tiên thiên chính là để sinh thổ hậu thiên. Thổ của tỳ vị tuy gốc là hậu thiên, nhưng kỳ thực bên trong không phải không có khí tiên thiên. Hỏa mệnh môn mà hàn, thì khí tiên thiên của tỳ vị làm sao sinh được. Mệnh môn đã không thể sinh khí tiên thiên của tỳ vị, trong khi khí hậu thiên của tỳ vị mỗi lúc càng thêm suy vi, mà muốn cho khí vượng để có thể cố sáp được tinh, cho tinh đậm đặc chứ không loãng nhạt thì làm sao có thể được? 
Phép điều trị tất phải bổ hỏa tiên thiên của mệnh môn, đồng thời bổ thổ hậu thiên của tỳ vị, thì thổ khí đã vượng mà hỏa khí lại chẳng suy, khiến cho khí ấm áp mà tinh đậm đặc vậy.
Phương thuốc dùng Hỏa Thổ ký tế đan:
Nhân sâm 1 chỉ, Bạch truật 1 lượng, Sơn thù du 1 lượng, Thỏ ty tử 1 lượng, Sơn dược 5 chỉ, Ba kích thiên 1 lượng, Nhục quế 1 chỉ.
Sắc uống liên tục 10 thang thời tinh khí ấm áp. Uống được 3 tháng thời vĩnh viễn không suy nhược trở lại. 
Phương này kiện tỳ vị thổ đồng thời bổ mệnh môn hỏa, nên tránh được các tai họa hỏa bốc lên quá cao hay thổ nhiễm phải hàn thấp. Thấp khí khử được thì tinh thuần chất, hàn khí khử được thì tinh ấm áp. Hàn thấp đã trừ, âm khí tiêu vong thì dương khí mạnh mẽ, đâu phải hổ thẹn vì dương sự yếu kém nữa.

3. Liệt dương do tâm hỏa bế tắc


Có người do lúc thiếu thời gặp chuyện không toại nguyện, uất ức sầu muộn dẫn đến dương vật yếu mềm, không nhấc lên nổi, hoặc có cương mà không cứng. Người ta cho  là hỏa của mệnh môn suy, ai hay đó chính là do tâm hỏa bế tắc.
Thận là chức quan tác cường, kỹ xảo từ đó mà ra, là nơi tàng trữ tinh và chí (theo Nội Kinh) . Tâm chí không thỏa mãn thì dương khí không thư thái. Dương khí chính là chân hỏa trong thận vậy. Chân hỏa trong thận tất phải vâng mệnh của tâm. Tâm hỏa mà động thì thận hỏa ứng liền. Tâm hỏa bị đè nén uất ức, không khai thông thì thận hỏa tuy vượng, cũng không thể đáp ứng, tựa như hỏa yếu mà thật ra không phải hỏa yếu. 
Điều trị không được dùng phương pháp trợ mệnh môn hỏa. Nếu nhầm dùng trợ mệnh môn hỏa thời hỏa vượng ở hạ tiêu mà khí ức uất không được tuyên thông, tất dẫn đến thảm họa dương vượng âm tiêu, biến sinh chứng ung thư không thể cứu được. Nên tuyên thông uất ức trong tâm, khiến tâm ý thư thái cởi mở, dương khí được khai thông thời chứng liệt dương liền khỏi.
Dùng phương Tuyên chí thang như sau:
Phục linh 5 chỉ, Xương bồ 1 chỉ, Cam thảo 1 chỉ, Bạch truật 3 chỉ, Sinh táo nhân 5 chỉ, Viễn chí 1 chỉ, Sài hồ 1 chỉ, Đương quy 3 chỉ, Nhân sâm 1 chỉ, Sơn dược 5 chỉ, Ba kích thiên 3 chỉ. Sắc uống 2 thang tâm chí liền thư thái, uống thêm 2 thang dương sự cất lên ngay, không cần uống nhiều. Bệnh này nguyên nhân do hỏa bế tắc mà sanh khí muộn phiền buồn bực, chứ tuyệt nhiên không phải do hỏa hàn mà lửa tắt. Vì thế, chỉ cần thổi một vài lần là hỏa bùng lên, không cần bổ hỏa nhiều mới đầy đủ. Nhưng tiếc thay, phần lớn người đời đã chữa nhầm như vậy!
(còn nữa)

Phan Lang 

Luận trị liệt dương theo “Biện chứng kỳ văn”

1. Liệt dương do tâm khí bất túc
Người đang có cảm hứng muốn ân ái, dương vật  bỗng mềm nhũn, không cương cứng được, tìm đủ cách kích thích, cuối cùng vẫn không thể giao hợp được. Có người cho đó là do hoả mệnh môn suy. Có mấy ai biết được thực ra là do tâm khí bất túc?Nói chung, người có thể giao hợp kéo dài không suy là nhờ sức của mệnh môn tướng hoả sung mãn. Dương vật mềm yếu không cương, đúng là mệnh môn hoả suy. Như vậy, cớ sao lại bảo là do tâm khí bất túc? 
Nên biết quân hoả của tâm động thì tướng hoả của mệnh môn mới theo đó mà động. Tướng hoả không thể vượt qua thay thế quân hoả mà hành sự. Quân hoả vượng mà tướng hoả lại chẳng suy, cho nên giao hợp được lâu mà không xuất tinh. Nếu quân hoả suy trước, không thể tự chủ, dù tướng hoả có thúc giục bên cạnh thì sự suy yếu vẫn là chủ. ý vua không mạnh mẽ cứng rắn thì thần tướng làm sao tự phấn chấn lên được. Cho dù thần tướng có cưỡng ép vua ra lệnh cho chư hầu, hoả động nhưng trong tâm chỉ rung rung ở thế không thể chủ động, thì có nghe quyền lệnh của thần tướng cũng tạm cương lên trong giây lát, chứ không thể giao hợp kéo dài cho thoả lòng hoan lạc.
Vì vậy trị bệnh liệt dương tất phải trên thời bổ tâm, dưới thời bổ thận. Tâm thận đều vượng sau đó mới bổ tướng hoả của mệnh môn. Giống như vua sáng tôi hiền thì vận nước dài lâu, tâm tĩnh lặng mà thận khởi động thì chuyện “nhất dạ đế vương” mới bền vững vậy.
Trong trường hợp này dùng bài thuốc “Khởi dương thang” gồm có:
Nhân sâm 1 chỉ, Bạch truật 1 lượng, Ba kích thiên 1 lượng, Hoàng kỳ 5 chỉ, Bắc ngũ vị 1 chỉ, Thục địa 1 lượng, Nhục quế 1 chỉ, Viễn chí 1 chỉ, Bá tử nhân 1 chỉ, Sơn thù du 3 chỉ. Sắc uống.
Uống liên tục 4 thang, thấy dương cương. Uống tiếp 4 thang thì dương vượng. Uống 4 thang nữa tất có thể giao hợp lâu mà không thất bại. Nếu uống kéo dài được 3 tháng thì thấy người đổi khác hẳn, chẳng những xương cốt nặng chắc mà cả thân người như được tái tạo lại vậy.
Phương thuốc này hay ở chỗ đại bổ khí của tâm thận, không hoàn toàn ôn hoả của mệnh môn mà hoả khí tự vượng. Người đời không biết rằng bổ tâm để sinh hoả thì tâm khí vốn đã suy khi gặp hoả vượng sẽ gây hại tâm. Lại không biết bổ thận để sinh hoả thì thận thuỷ vốn đã thiếu khi gặp hoả vượng sẽ làm tổn thận. Tâm bị hại, thận bị tổn, tuy hoả vượng phỏng có ích gì, hoả vượng chỉ tổ thiêu đốt âm huyết khô táo, ắt dẫn đến tình thế dương vượng âm tiêu không thể cứu được. Đạo của ta vốn có phương thuốc trợ dương, nhân vì ngại kẻ hiền trí cậy vào để hưởng lạc, cho nên thánh nhân đời trước giấu đi không nói ra. Nhưng thật đáng tiếc, nền nếp xã hội ngày càng suy bại, các giới quan lại thượng lưu luôn khẩn cầu bọn phương sĩ chế luyện các bài thuốc bằng kim loại đất đá cho uống, dẫn đến chết người vô số kể. Thấy thế, thầy ta rất đỗi xót thương, cho nên chợt bàn đến chứng âm nuy (liệt dương) mà truyền lại phương thuốc này. Ta chẳng dám giấu, do vậy ghi ra đầy đủ, cấp cho những kẻ đang sửa soạn các phương thuốc kim loại đất đá để rước hoạ mất mạng, nếu may mà uống được phương thuốc này đạt được hiệu quả sinh tân trợ dương thì quý lắm thay!
(Còn nữa)

Phan Lang

Đoán bệnh




Mặt
Sắc mặt bóng mượt sáng tươi
Là sức khỏe tốt, trong người yên an
Sắc mặt thấy ánh nhợt vàng
Là tỳ hư thấp ở phần trong thân
Mặt trắng nhợt, máu hư hàn
Mặt đỏ là nhiệt toàn phần thể thân
Da mặt thấy sắc nhợt xanh
Là phong ứ huyết do hàn sinh ra.

Mắt
Mắt trắng nhợt, hàn đấy mà
Đỏ ngầu con mắt ắt là nhiệt tâm
Mắt xanh ngà, bệnh về gan
Bệnh tỳ thường thấy mắt vàng loáng qua
Mắt trắng đục, phế đấy mà
Vẩn đen lòng trắng, ắt là thận thôi
Mắt đục đờ đẫn rã rời
Thần kinh suy thoái, chơi vơi thể người.

Môi
Người khỏe, đôi môi sáng tươi
Môi khô đỏ rực, trong người nhiệt tâm
Huyết hư, môi nhợt trắng ngần
Thận hư thường thấy môi thâm khô rời
Luôn luôn mấp máy đôi môi
Tâm thần bạc nhược làm đời liêu xiêu.

Lưỡi
Lưỡi đỏ, vàng kệch có rêu
Là bệnh nóng nhiệt quá nhiều trong thân
Lưỡi có rêu trắng, hư hàn
Tỳ hư, thấy lưỡi có hằn vết răng
Đầu lưỡi đỏ là nhiệt tâm
Người thiếu tân dịch, thấy phần lưỡi khô
Lưỡi có rêu đen rất lo
Là bệnh gan thận nguy cơ đến rồi.
Nhìn sắc chẩn đoán con người
Còn nghe lời nói, thở hơi mạch ngoài
Rồi mới kết luận gì đây
Biểu, lý, hàn, nhiệt… không ngoài âm dương.

Trần Văn Giang

Mạch học theo âm dương ngũ hành




Một trong bốn phương pháp để chẩn bệnh của người xưa là Vọng, Văn, Vấn, Thiết - nghĩa là trông sắc thái bên ngoài của người bệnh; nghe hơi thở, tiếng nói của người bệnh; hỏi triệu chứng, lịch sử bệnh và bắt mạch cho người bệnh để biết bệnh ở biểu hay lý, hàn hay nhiệt, hư hay thực, âm hay dương…
Vị trí bắt mạch
Y học cổ truyền và y học hiện đại đều thống nhất rằng: Vị trí bắt mạch chính là thốn khẩu. Sách Nam Kinh nói rằng: “Thốn khẩu là chỗ tập trung tất cả các mạch. Nó là động mạch của Kinh thủ Thái âm (tâm) mà cũng là chỗ bắt đầu và kết thúc của mạch Thốn, Quan, Xích; là điểm chung của ngũ tạng, lục phủ; là chỗ mạch đi nông nhất. Chính vì vậy “thốn khẩu” được lấy làm nơi bắt mạch”.
Mạch ở thốn khẩu chia làm 3 bộ ở mỗi bên tay, tương ứng với ba đầu ngón tay (của bàn tay đối diện hoặc bàn tay phía đối diện của người thầy thuốc) gồm: ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út. Đó là bộ Xích, bộ Quan và bộ Thốn.
Phương pháp bắt mạch
Thầy thuốc đặt ngón tay giữa của mình vào chỗ lồi xương trụ ở mặt sấp cổ tay người bệnh phía đối diện, rồi kéo nửa vòng qua mặt ngửa cổ tay người bệnh đến chỗ dọc theo ngón tay cái, đó là vị trí bắt mạch; dưới ngón giữa thầy thuốc là bộ Quan, dưới ngón trỏ là bộ Xích, dưới ngón áp út là bộ Thốn (ba ngón tay thầy thuốc sát nhau).
Nếu mình tự bắt mạch cho mình thì tay phải 3 ngón: trỏ, giữa, áp út đặt lên thốn khẩu tay trái (sao cho đầu ngón áp út chạm vào đường chỉ cườm tay là đúng).
Mạch đều có cả hai bên tay. Ba bộ bên trái, ba bộ bên phải kể theo thứ tự từ trong ra đầu ngón tay:
Tay trái
1. Tả Xích thuộc thận và bàng quang thuộc Thuỷ
2. Tả Quan thuộc gan và mật, hành Mộc.
3. Tả Thốn thuộc tâm và tiểu tràng, hành Hoả.
Tay phải 
1. Hữu Xích thuộc mệnh Môn và Tam tiêu, hành Hoả
2. Hữu Quan thuộc Tỳ và Vị, hành Thổ.
3. Hữu Thốn thuộc Phế và đại tràng, hành Kim.
Dùng cảm giác của 3 đầu ngón tay để cảm nhận và dò mạch. Có 3 mức độ ấn ngón tay khi bắt mạch:
Ấn nhẹ: ước lượng sức nặng ba ngón tay bằng ba hạt đỗ xanh đã thấy mạch đập gọi là mạch Phù.
Ấn vừa: sức nặng ba đầu ngón tay bằng 6 hạt đậu thấy mạch đập gọi là mạch Hoạt.
Ấn mạnh: sức mạnh ba đầu ngón tay bằng 9 hạt đậu mới thấy mạch đập, mạch đi sát xương gọi là mạch Trầm.
Bắt cả ba bộ mạch Thốn, Quan, Xích cùng một lúc để dò xét tình trạng âm dương, khí huyết, thịnh suy của người bệnh; cảm nhận tình trạng vượng, suy của Thủy – Hỏa để đánh giá chung. Sau đó bắt từng bộ mạch, so sánh cả hai bên tình trạng bệnh từng tạng phủ. Cuối cùng là tổng hợp việc chẩn đoán để biết rõ bệnh tình cụ thể.
• Thời gian bắt mạch: Ngoại trừ những trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu, còn lại thời gian xem mạch tốt nhất là vào buổi sáng sớm - lúc âm chưa tan hết, dương chưa thịnh hẳn, bệnh nhân còn yên tĩnh, chưa ăn sáng nên dễ dò xét thịnh, suy, tà khí, chính khí.
• Căn cứ đo nhịp mạch: Y học hiện đại xác định tần số nhịp đập của mạch theo đồng hồ còn y học cổ truyền có cách đo sinh học là so sánh tương đối giữa mạch thầy thuốc với mạch bệnh nhân (thầy thuốc không khoẻ mạnh không được bắt mạch nếu đo theo nhịp so sánh).
Nhịp mạch bình thường là mạch đập 4 đến 5 lần trong một nhịp thở bình thường của thầy thuốc (gồm 1 lần hít vào và 1 lần thở ra), tương đương với 70  đến 80 lần đập trong một phút.
Nhịp mạch đập chậm là mạch đập dưới 4 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là dưới 70 lần đập trong 1 phút.
Nhịp mạch đập nhanh là mạch đập trên 5 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là số lần đập trên 80 lần trong 1 phút.
• Mạch bình thường: Ngoài số lần đập bình thường như nói trên thì mạch phải thấy rõ trên cả 3 bộ mạch: Thốn, Quan, Xích, nhịp nhàng qua lại đều nhau, không rộng - không hẹp, không cao - không thấp; có khí, có thần, có lực. Người già mạch chậm, trẻ nhỏ mạch nhanh hơn; người béo mạch trầm, người gầy mạch phù. Mùa xuân mạch huyền, mùa hạ mạch hồng, mùa đông mạch trầm.
• Mạch bệnh lý: Khi bị bệnh, mạch sẽ thay đổi tần số (nhanh hoặc chậm), cường độ (mạnh hay yếu) về nông sâu (phù hay trầm)…
Mạch phù (nông), mạch đại (không đều), mạch hoạt (quá lưu loát), mạch xác (quá nhanh)… thuộc dương chứng. Mạch trầm (chìm), mạch tế (nhanh nhỏ), mạch vi (nhỏ, yếu), mạch sáp (mạch đi khó khăn)… thuộc âm chứng.

Xuyên Sơn