Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

DANH TỪ HUYỆT VỊ CHÂM CỨU - PHẦN 1 - LỜI GIỚI THIỆU

Đây là cuốn sách của cụ Lương Y Lê Văn Sửu viết, chúng tôi mong rằng nó sẽ giúp ích cho những ai đang nghiên cứu hoặc sử dụng phương pháp CHÂM CỨU để điều trị cho nhiều loại bệnh lý khác nhau.
 LỜI NÓI ĐẦU

Để tiện sử dụng trong công việc chữa bệnh không dùng thuốc và kết hợp Đông – Tây Y, còn có một bộ sách tra cứu về huyệt vị. Trong đó ghi tác dụng của huyệt đối với các tên bệnh được chẩn đoán bằng phương tiện hiện đại, nhưng nếu dùng thuốc điều trị thì ít có khả năng chữa khỏi, hoặc giá thành quá tốn kém, hoặc khi dùng thuốc sẽ bị tác dụng chậm hơn diễn biến của bệnh, đồng thời lại phải có ghi tác dụng với các chứng trạng mà người bệnh tự cảm thấy để chiếu cố tới hoàn cảnh ở những nơi, những lúc không có các phương tiện hiện đại giúp cho chẩn đoán, người thầy thuốc buộc phải dựa vào chứng trạng do chính người bệnh tự cảm thấy ấy để làm căn cứ tiến hành chữa bệnh. Vì trong thực tế, nhiều khi chỉ dựa vào cách này, chúng ta có thể chữa được những bệnh hiểm nghèo ngay từ khi nó mới chớm phát.

Bằng những băn khoăn trong suốt cả chục năm trên khắp nẻo đường và những sách vở đã gom góp được trong tay, tôi tiến hành làm bộ sách này để đáp ứng mục đích tôi vừa nêu trên, nay tôi xin giới thiệu khái quát nội dung để độc giả hình dung đại lược trước khi sử dụng.

1.    Về tài liệu sử dụng tham khảo, trích dịch:
-    Châm cứu Đại thanh, của Dương Kế châu, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1973.
-    Châm cứu học, của Thượng Hải Trung Y Học viện biên, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1984.
-    Châm cứu, của Hà báo Tân Y Đại học viện, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1975.
-    Châm cứu huyệt vị quải đồ thuyết minh, của Quảng Châu Bộ đội Hậu cần bộ biên soạn, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1970.
-    Kinh huyệt tiện lãm, của Vương Dã Phong, Nhà xuất bản Thượng Hải Khoa học 1960.
-    Giảng nghĩa tên kinh tên huyệt, của Lê Văn Sửu, bản thảo chưa in 1986.
Những điều cần thiết được tuyển chọn trong các tài liệu trên là những kiến thức rất cơ bản rất cần biết về Du huyệt học, về Kinh lạc học, Bệnh học, Dưỡng sinh, thao tác lấy huyệt, thủ pháp châm cứu. Riêng những phần chuyên sâu về Giải phẫu học, Tổ chức học, Bệnh học, Trị liệu học trong các tài liệu trên tôi không tuyển chọn vào trong sách này.

2.    Về Nội dung:

2.1    Phần Kinh huyệt: Dựa vào lối viết của Châm cứu Đại thành, ở mỗi đường kinh, phần đầu, tôi trích đưa toàn bộ phần đầu đường kinh của Châm cứu Đại thanh, trong đó Ông Dương Kế Châu đã trình bày các nội dung:

-    Ngũ hành tương ứng, tương sinh, tương khắc.
-    Kinh huyệt ca.
-    Kinh mạch tuần hành.
-    Phép dưỡng sinh (Đạo dân bản kinh).

2.2    Phần huyệt vị: Tôi xếp các nội dung trong từng huyệt vị theo thứ tự như sau:

-    Tên huyệt, ý nghĩa của tên huyệt, các tên khác của huyệt.
-    Vị trí huyệt theo bề mặt của cơ thể, các tính chất khác của huyệt như: Giao hội, Ngũ du, Ngũ 
      hành, Đặc định, Lưu ý riêng…
-    Cách châm, độ nông sâu, số lượng mồi cứu, thời gian hơ điếu ngải và những cấm kỵ.
-    Chủ trị, theo tên bệnh Tây Y, tên bệnh cổ truyền, chứng trạng, trạng người bệnh tự cảm thấy.
-    Tác dụng phối hợp: do bản huyệt phối hợp với các huyệt khác đem lại ( Tôi chỉ ghi theo nhóm 
      huyệt và tác dụng, bỏ bớt phần xuất xứ mà trong các sách có ghi).
-    Một số giai thoại về tác dụng chủ yếu của huyệt được chép trong sách Châm cứu Đại Thành.

2.3    Phần Tân huyệt và Kỳ huyệt:

Tôi đưa toàn bộ phần Tân huyệt và Kỳ huyệt ở sách Châm cứu học Thượng Hải Trung Y Học viện biên soạn để tiện sử dụng.

2.4    Phần tác dụng phối hợp ở các du huyệt:

Để giúp cho công việc điều trị, tôi góp tất cả phần tác dụng phối hợp ở các du huyệt lại thành một chương, phân xếp theo tên bệnh, chứng bệnh. Theo tôi nghĩ, đây là những kinh nghiệm thực tiễn đã được tổng kết của các thời đại.

2.5    Gợi ý cho những thực nghiệm mới:

 Để gợi ý cho những thực nghiệm mới, tôi xếp riêng một bảng gồm những tính chất đặc hiệu cần chú ý, cũng như tác dụng của huyệt đối với các bệnh lạ, bệnh ít gặp, bệnh chứng khó giải rõ nguyên nhân và bệnh khẩn cấp nguy hiểm.

Bộ sách này được làm trong sự động viên và giúp đỡ nồng hậu về đời sống tinh thần và vật chất của bà con và bạn bè, nhưng lại bằng sức cần cù của bản thân cá nhân tôi, cho nên nó vẫn chỉ là kết quả sự hiểu biết và kinh nghiệm có hạn, khó lòng tránh khỏi sự không thỏa mãn cho người dùng. Kính mong mọi người coi đây là công việc mà tôi đã đem tấm lòng chân thành của mình để đền đáp lại những gì mà cuộc đời đã ưu ái dành riêng cho tôi.

Xin Kính cáo cùng độc giả.

Hà Nội, tiết Đông Chí năm 1988
LÊ VĂN SỬU

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Trị chứng tâm dương đột ngột hư thoát

Mùa hè nóng nực dễ sinh chứng tâm (tim) dương đột ngột hư thoát. Đây là một loại chứng trạng nguy kịch, do nóng quá dương khí của tâm đột ngột thoát hết ra ngoài. Tông khí (khí của thức ăn đồ uống hòa với khí của trời đất) cũng tiết ra theo, thần mất đi chỗ dựa. Dương khí tuyệt là do mồ hôi ra quá nhiều, làm vong dương hoặc do ốm đau lâu ngày khí huyết suy kiệt hoặc do cao tuổi nguyên khí hư suy, làm tâm dương suy yếu lại cảm nhiễm nhiệt tà hoặc do dùng sai thuốc hoặc lao động ngoài trời nóng quá sức chịu đựng mà sinh bệnh.
Trị chứng tâm dương đột ngột hư thoát
Bốc thuốc cho bệnh nhân tại BV YHCT Trung ương. Ảnh: TM
Biểu hiện: Bệnh nhân đột ngột mồ hôi ra đầm đìa, tay chân lạnh toát, môi, miệng tím tái, đoản hơi khó thở, thần chí lơ mơ, có trường hợp hôn mê, mạch vi muốn tuyệt. Bệnh này thường có các triệu chứng dự báo trước như: đoản hơi, hồi hộp, mệt mỏi, hễ lao động nhẹ thì bệnh nặng thêm, có những cơn đau thắt ngực hoặc tức ngực, lưỡi có màu tía tối, mạch trầm tế hoặc kết đại nhưng là mạch tuyệt (khó bắt).
Xin giới thiệu một số bài thuốc điều trị tùy theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết:
Chứng hung tý (đau thắt ngực do tắc động mạch vành): đau xiên từ vùng ngực ra sau lưng, hồi hộp, đoản hơi, mặt trắng bợt, thở gấp, mồ hôi ra đầm đìa, tay chân lạnh, thần thức lơ mơ, chất lưỡi tía tối, mạch vi muốn tuyệt.
Điều trị: Hồi dương cứu nghịch.
Bài thuốc: Sâm Phụ long mẫu thang: nhân sâm 12g, phụ tử (chế) 10g, long cốt 16g, mẫu lệ 16g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày một thang, sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.
Chứng tâm dương đột ngột hư thoát thường gặp trong chứng trúng phong (tắc nghẽn mạch máu não). Bệnh nhân đột ngột hôn mê, bất tỉnh nhân sự, liệt nửa người, miệng mặt méo xệch, họng có đờm khò khè, tay xòe, mắt nhắm nghiền, tay chân lạnh, mồ hôi đầm đìa, đái són cả quần, có khi són cả đại tiện, lưỡi cứng không nói được hoặc nói ngọng, mạch muốn tuyệt.
Điều trị: Hồi dương ích khí.
Bài thuốc: Sâm phụ thang: nhân sâm 20g, sinh khương 10 lát, phụ tử (chế) 20g, đại táo 10 quả. Ngày một thang. Sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống lúc đói để thuốc đi vào phần huyết.
Tâm dương hư thoát sinh hãn chứng (mồ hôi ra đầm đìa) mồ hôi ra nhiều không dứt, mồ hôi ra nhiều như dầu kèm theo đoản hơi khó thở, tay chân quyết lạnh, thần thức lơ mơ, mạch vi muốn tuyệt.
Điều trị: hồi dương cứu nghịch, ích khí sinh mạch, liễm hãn (cầm mồ hôi).
Bài thuốc: Tứ nghịch thang phối hợp bài Sinh mạch tán: hắc phụ tử (chế) 12g, cam thảo 8g, can khương 20g, nhân sâm 12g, ngũ vị tử 8g, mạch môn 8g. Ngày uống một thang, sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Tâm dương đột ngột hư thoát sinh chứng quyết (co giật): Bệnh nhân tự nhiên ngã lăn ra, hôn mê, tứ chi quyết lạnh, sắc mặt trắng xanh, mồ hôi ra không dứt, mạch vi muốn tuyệt.
Điều trị: Bổ khí hồi dương. Bài thuốc: Tứ vật hồi dương ẩm gia vị: nhân sâm 12g, phụ tử (chế) 8g, bào khương 8g, chích thảo 6g, tùy chứng của bệnh nhân mà gia thêm vị. Ngày một thang sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.
Tâm dương đột ngột hư thoát do ôn bệnh (bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân sốt cao nhưng tay chân giá lạnh, mồ hôi ra đầm đìa, nhưng thích nằm co quắp, tinh thần suy sụp, sắc mặt trắng xanh, mạch tán đại nhưng vi muốn tuyệt, bệnh tình thuộc loại nguy hiểm.
Điều trị: Ích khí thu liễm tân dịch, sinh mạch cứu thoát.

Bài thuốc: Hồi dương cấp cứu thang: nhân sâm 12g, hắc phụ tử 8g, bạch truật 12g, bán hạ (chế) 8g, chích thảo 4 g, trần bì 8g, can khương 6g, nhục quế 6g, ngũ vị tử 10g, sinh khương 3 lát, phục linh 12g, xạ hương 0,1g (nếu không có thay bằng trầm hương). Ngày một thang, sắc uống chia làm 3 lần trong ngày. Chú ý: xạ hương cho vào khi thuốc đã nguội.