Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Dưỡng sinh và dưỡng đức

Dưỡng sinh và dưỡng đức 


Nói đến dưỡng sinh, người ta thường nghĩ ngay đến các phương pháp luyện tập thân thể, như thái cực quyền, tọa thiền, tĩnh tọa, xoa bóp, bấm huyệt... Thực chất Dưỡng sinh trong Đông y là khoa học tổng hợp,  bao gồm cả triết học, luân lý đạo đức,  kinh tế, chính trị, thậm chí cả nghệ thuật, chứ không đơn thuần là vấn đề sinh lý. Theo Đông y cổ truyền, dưỡng sinh còn bao gồm các vấn đề dưỡng tính và dưỡng đức.
Đông y học quan niệm rằng sức khỏe và tuổi thọ không chỉ liên quan đến tới các hoạt động sinh lý trong cơ thể con người. Sức khỏe và tuổi thọ có mối tương quan mật thiết với đời sống xã hội và hoàn cảnh tự nhiên. Do đó, ngay từ khi hình thành, Đông y đã được xây dựng theo mô hình “tự nhiên - sinh học - tâm lý - xã hội”. Đông y luôn luôn nhìn nhận con người như một thành phần trong tự nhiên. Cơ thể người được nhìn nhận như một “hệ thống mở”; hoạt động sinh mệnh gắn liền với những biến đổi của môi trường, sinh thái và hợp thành một thể thống nhất (thiên nhân hợp nhất).
Dưỡng sinh bất như dưỡng tính
Từ xưa Đông y vẫn coi dưỡng sinh là bộ phận trọng yếu trong phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, kiềm chế lão suy và kéo dài tuổi thọ. Dưỡng sinh bao gồm nhiều nội dung, cùng rất nhiều hệ thống thực hành khác  nhau, nhưng phần lớn y gia từ xưa đều cho rằng: “Dưỡng sinh bất như dưỡng tính” (Dưỡng sinh không bằng dưỡng tính).  “Dưỡng tính” thuộc phạm trù “tình chí” trong Đông y học và tương ứng với phạm trù “vệ sinh tâm lý” trong y học hiện đại. Trên thực tế bao quát cả vấn đề tu dưỡng đạo đức, di dưỡng tinh thần,  cùng toàn bộ đời sống tình cảm của mỗi con người.
Trong “dưỡng tính”, người xưa chú trọng nhất tới 2 phương diện: “Điều nhiếp tình chí” và “Tu dưỡng đức hạnh”. Do sự biến động của tình chí và  đạo đức có liên quan hết sức mật thiết tới sức khỏe tâm thần của mỗi con người. “Tình chí” được Đông y quy nạp thành “thất tình” bao gồm: hỷ (vui), nộ (tức giận), ưu (lo lắng), tư (nghĩ ngợi), bi (buồn), khủng (sợ hãi), kinh (sửng sốt quá mức). “Thất tình” hình thành dưới tác động, những kích thích của các nhân tố từ bên ngoài; là phản ứng của cơ thể về phương diện tâm lý cũng như sinh lý. Trong những tình huống thông thường, chúng không gây nên bệnh. Nhưng khi những kích thích và phản ứng nói trên quá mạnh hoặc quá lâu dài, hoặc là cơ thể quá mẫn cảm, thì bệnh tật có thể phát sinh: quá vui thì hại “tâm”, tức giận thì hại “can”, nghĩ ngợi quá nhiều làm hại “tỳ”,  u buồn thì hại “phế”, sợ hãi thì hại “thận”...
Dưỡng tính, nghĩa là điều nhiếp tinh thần và tình cảm. Phép tắc quan trọng nhất trong điều nhiếp là giữ cho tình chí được trung hòa; tức là giữ cho tinh thần và tình cảm ở trạng thái cân bằng. Làm được như vậy thì “chân khí” không bị nhiễu loạn, lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa, “tà khí” từ bên ngoài không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy mà bệnh tật không thể phát sinh, cơ thể được khỏe mạnh và tuổi thọ kéo dài.
Trong “dưỡng tính”, việc tu dưỡng đức hạnh còn quan trọng hơn. Người thông hiểu dưỡng sinh, lấy tu dưỡng đức hạnh làm đầu và phối hợp với điều dưỡng thân thể. Có đức hạnh thì tâm lý được bình an, ý chí không bị rối loạn. Nhờ vậy mà khí huyết điều hòa, bệnh tật không thể phát sinh. Như Tôn Tư Mạc (581-682) đã nhận định: “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh... Còn như đức hạnh chưa hoàn thiện, thì có uống đủ các thứ “kim đan ngọc dịch”, cũng không thể kéo dài tuổi thọ”.  Bản thân Tôn Tư Mạc suốt cả cuộc đời đã kiên trì tu thân và di  dưỡng đức hạnh, nên đã có tuổi thọ trên 100 tuổi,  trăm tuổi vẫn khỏe mạnh sáng suốt, tiếp tục chữa bệnh cứu người, nghiên cứu y thuật và viết sách.
Người nhân đức có tuổi thọ cao
Trong dưỡng đức, chữ “nhân” được y gia đặt lên hàng đầu. Khổng Tử không chỉ là “chí thánh tiên sư” của Nho học, mà còn là một nhà dưỡng sinh kiệt xuất; là người đầu tiên đã phát hiện và đề xướng chân lý: “nhân giả thọ” (người có đức “nhân”, có đạo đức, có tuổi thọ cao). Để giải thích và chứng minh cho luận điểm này, trong các tác phẩm của mình, Khổng Tử  đã đưa ra hàng loạt  dẫn chứng và lý lẽ xác đáng. Tại sao người có đức nhân, có đạo đức, lại có tuổi thọ cao? Đổng Trọng Thư, một triết gia kiêm dưỡng sinh gia nổi tiếng, đã giải thích: Người nhân đức sở dĩ có tuổi thọ cao, là vì không tham lam mà trong lòng luôn luôn thanh tĩnh, tâm bình hòa cho nên âm dương không bị mất cân bằng, nhờ vậy mà hấp thu được những thứ tinh hoa và cái đẹp trong trời đất để nuôi dưỡng và hoàn thiện thân thể.
Quan điểm “nhân giả thọ” đã được y gia trong suốt các đời sau phát huy, phát triển và đã trở thành một trong các bí quyết quan trọng nhất của dưỡng sinh. Để thực  hành dưỡng đức, theo Hoa Đà (141? - 208): người giỏi dưỡng đức, đầu tiên phải biết trừ “lục hại”, như vậy mới có thể bảo vệ được tính mệnh và sống tới trăm tuổi. Muốn trừ lục hại, một là phải coi nhẹ danh lợi, hai là không say mê thanh sắc, ba là không tham lam vật dụng hàng hóa, bốn là bớt của ngon vật lạ, năm là không xu nịnh, sáu là không ghen ghét. Trong 6 thứ có hại đó, trừ “của ngon vật lạ” ra, 5 thứ hại khác đều liên quan đến vấn đề tu dưỡng đạo đức.
Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và  bệnh tật không thể phát sinh.
Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, yêu cầu của con người đối với sức khỏe  càng cao, đồng thời quan niệm về sức khỏe cũng đã có rất nhiều biến đổi. Từ năm 1984, quan niệm về sức khỏe đã được mở rộng, y học bắt đầu chú ý hơn đối với các nhân tố  tâm lý, xã hội và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe và bệnh tật của con người. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa: Sức khỏe không chỉ là không có  bệnh tật (disease) hay suy nhược (infirmity), mà là một trạng thái hoàn hảo về thân thể, tinh thần và khả năng thích ứng xã hội.
Tới năm 1990, trong định nghĩa về sức khỏe,  WHO còn đề xuất thêm khái niệm “sức khỏe đạo đức”, chỉ khả năng phân biệt thực giả, thiện ác, vinh nhục, đúng sai; biết kiềm chế và chi phối hành vi và suy nghĩ của mình, trong khuôn khổ các quy tắc đạo đức được xã hội chấp nhận; không gây tổn hại đối với người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.
Dưỡng tính, dưỡng đức là vấn đề được Đông y coi trọng từ xưa và cũng là vấn đề có tính thời sự hiện nay. Trong tương lai, chắc rằng dưỡng tính và dưỡng đức sẽ ngày càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân loại.
Thái Hư 

“Buông bỏ” - liều thuốc phòng trị bệnh hữu hiệu

“Buông bỏ” - liều thuốc phòng trị bệnh hữu hiệu



Thông thường khi nói đến bệnh tật, người ta liên tưởng đến ngay các tạng phủ hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, tức là cái bệnh hữu hình, ít ai nghĩ phần tinh thần vô hình cũng bệnh.
Thật vậy, rất nhiều người đã từng đi khám bác sĩ, lương y và cả các trung tâm chẩn đoán y khoa, làm đủ các thứ xét nghiệm: x quang, siêu âm, nội soi… kết quả vẫn không tìm được bệnh lý.
Nếu mọi thứ trong cơ thể đều tốt, thì tại sao cứ rề rề, không có ngày vui khoẻ. Trong người có cảm giác nằng nặng buồn vương và luôn trong trạng thái mỏi mệt, biếng ăn, biếng nói, nét mặt như ẩn chứa một nỗi đau thương, tuyệt vọng.
Hiện nay, loại bệnh này khá phổ biến, không chỉ ở người lớn tuổi mà  ngay cả thanh thiếu niên cũng mắc phải.
Phải chăng, đà phát triển nhanh quá của xã hội là một trong những nguyên nhân gây ra thứ bệnh này? ở phương Tây, người ta gọi chúng là hội chứng stress, còn ở Đông phương được gọi là “thất tình” (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục)
Tuy nó đã có từ lâu rồi, nhưng đến nay sự tăng tốc của nó thật đáng lo ngại và có lẽ cuộc sống vật chất càng lên cao thì nó vẫn theo đà vượt lên cả chiều sâu lẫn chiều rộng.
Làm sao để chữa được loại bệnh nguy hiểm này? Nó đã gây khổ cho bao người và làm giảm chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình. Xin thưa: Muốn trị nó, ta phải truy tìm căn nguyên (trị bệnh tất cầu kỳ bản). Mặc dù y học hiện đại đã tiến bộ vượt bậc nhưng khó chữa được. Bởi lẽ nó không khu trú một chỗ nào nhất định, không hình tướng, không thể thấy… làm sao ta dùng dược phẩm hữu hình mà trừ cái vô hình cho được. Đánh giặc mà không biết rõ mặt mũi và sào huyệt của đối phương thì trăm trận ắt trăm bại, chỉ có cách duy nhất là dùng tâm dược vô hình để điều chỉnh tâm bệnh mà thôi.
Trong kiếp sống, con người có rất nhiều duyên cớ để phát tâm bệnh bất ngờ. Ví dụ: Một gia đình đang sống bình thường, hạnh phúc, kinh tế ổn định, bỗng nhiên người thân yêu nhất là thần tượng trong đời, vội ra đi không ngày trở lại. Hoặc vì lý do nào đó bị phá sản, phút chốc trở thành kẻ trắng tay… đó là những cú sốc làm cho ta chao đảo, mất thăng bằng và sinh ra bệnh. Ngoài ra còn rất nhiều chuyện như: hoài bão không thành, vợ chồng, anh em xung nghịch mà vẫn phải sống chung nhau. Buồn, thương, giận, ghét thái quá cũng là những tác nhân vi tế, nó gặm nhấm ta mãi mãi…
Truyện Kiều có câu:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Có lẽ, nhiều người cũng đã từng trải nghiệm và thấm thía vô cùng. Bởi vì ta mang tâm trạng buồn thương thì dù cảnh đó là cảnh tiên ta cũng thấy chán ngắt, hay có dọn mâm cao cỗ đầy, sơn hào, hải vị cũng chẳng nuốt vô.
Tất cả mọi người không ai ưa cái khổ, cũng không muốn bệnh hoạn, nhưng trùng trùng sự duyên không mời mà đến, quấy nhiễu làm tâm ta bất an, phiền não…  Trước đây, vào năm 1979, giặc Pôn-pốt tấn công làng Ba Chúc, Thất Sơn. Tôi chạy tản cư ở thị trấn Cái Dầu, tỉnh An Giang. Nơi đây có một người đàn bà bị bệnh tâm thần. Bà ta, trên đường đi luôn nhặt tất cả thứ gì rơi rớt, từ những cục đá, ve chai, khúc gỗ … và treo buộc đầy người, dần dần càng nặng nề, đi đứng rất khó khăn, vất vả. Bà vừa đi vừa thở hổn hển trông thật đáng thương. Nhiều người thấy động lòng, cho ăn cho uống và khuyên bà nên bỏ bớt những thứ vặt vãnh cho đỡ mệt nhọc. Không ngờ bà ta nổi cơn thịnh nộ, bà hét to bảo rằng: “Sao mấy người ngu quá vậy! Mang như thế đó mới sung sướng, mới khoẻ. Nếu bỏ đi hết thì tôi thỏng lỏng, khổ chắc chết”.
Qua sự việc trên, tôi cảm thấy có cái gì triết lý trùng hợp với lối suy nghĩ của con người. Trông bà rồi ngẫm lại ta. Dường như bà chỉ mang những thứ vụn vặt bên ngoài thân mà ai ai cũng cho là quá khổ. Còn ta, có thể lớp mang lớp gánh bên trong mà ta không tự biết. Nếu bà biết nghe lời khuyên chân tình của người bình tĩnh thì chắc chắn bà sẽ dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cũng thế, những thứ ngổn ngang bên trong, ta hãy mạnh dạn buông bỏ thì tuyệt biết chừng nào.
Thì ra “buông bỏ” là một liều thuốc hay là một giải pháp tốt, khôn ngoan, hữu hiệu nhất, phòng và chữa tuyệt gốc căn bệnh “thất tình”.
Nếu chúng ta khôn khéo, mỗi thứ toại ý hay nghịch lòng đến với ta, ta đều dung nạp, chất chứa, vô tình mảnh đất tâm ta sẽ thành bãi rác đáng kinh tởm. Thiết nghĩ, chúng ta nên tương kế tựu kế, bất cứ thứ gì thiện ác tốt xấu, thuận nghịch lãng vãng tìm đến, ta nên bình tĩnh, khách quan, quan sát nó, xem diễn biến nó thế nào, không thêm tạo tác ý khen chê, thương ghét, tựa như người xem phim theo dõi diễn biến sự việc, nhất định sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống. Xa hơn, chúng ta tiến đến “vô tâm” như mặt nước hồ thu, tất cả chim trời, mây bay, gió thoảng đi ngang qua nó vẫn im bóng, nhưng qua rồi thì thôi, không để lại dấu vết nào. Dần dần, tâm ta lắng đọng, biến khổ nạn thành an vui, đổi bệnh tật thành sức khoẻ, tự tại.
Có người bảo “nói thì dễ mà làm mới khó”. Đúng vậy, phải nói là quá khó, bởi vì đối phó với thứ bệnh vô hình, nó vi tế, không hành tung, nhưng phát tác dụng rất đáng sợ, làm sao dễ được. Đòi hỏi ta phải nỗ lực, có ý chí, tích cực tự cứu lấy, đừng hy vọng ở phương thuốc hay vị thầy nào giúp được.
Ngược lại, nếu chúng ta cứ chấp nhặt, mặc cho thất tình dẫn dắt ta vào thế giới vô định mịt mù ta sẽ ra sao?
Nếu ta thất bại trong tình trường, trong nền kinh tế hay bệnh tật… mà ta ngồi rầu rĩ than thân trách phận, liệu có giải quyết được gì không? hay chỉ thêm đau khổ và mau đi đến tàn rụi và chết chóc.
Rất nhiều người biết mình bị bệnh ngặt nghèo, lòng lo sợ không nguôi, tinh thần suy sụp, vô tình tạo điều kiện cho bệnh tật tấn công. Cơ thể kém đề kháng và bệnh phát như ong vỡ tổ, rồi kết quả là đã chết nhanh hơn dự định.
Một số ít khác có nghị lực, gan dạ, bình tĩnh quan sát diễn biến của bệnh, thưởng thức cái chết từ từ như thế nào. Cuối cùng họ vượt qua, vẫn vui sống đến ngày nay, bệnh cũng không tiến triển.
Kiếp người không ai không bị khổ nạn, bệnh tật và gặp nhiều nghịch cảnh. Cả thế giới đều bình đẳng, đều như vậy, nó là di sản chung của nhân loại, đâu phải dành cho cá nhân nào.
Thế nên chỉ có liều thuốc “buông bỏ” không tham đắm, không cố chấp, cái gì đến cứ đến, cái gì đi cứ đi. Tâm ta rỗng rang đâu có chỗ cho cho đau khổ và bệnh tật trú ngụ.
Không những giải pháp “buông bỏ” rất hữu hiệu với tâm bệnh mà vẫn có công dụng với thân bệnh.
Như vậy, ta đã dùng liều thuốc hảo hạng, không trị mà trị. Khi mảnh đất tâm hồn không còn những thứ cỏ độc, gai góc, chắc chắn sức khoẻ và trí tuệ sẽ có cơ hội nẩy mầm và lớn mạnh. Chúng ta được dịp chia sẻ những kinh nghiệm hạnh phúc, vui sống đến những người thân và tất cả mọi người.

Trần Văn Thoại

Ứng dụng thuyết âm dương ngũ hành trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Âm dương ngũ hành là học thuyết vừa để lý giải vừa để ứng dụng các hiện tượng trong thiên nhiên và đời sống con người. Bài viết này xin được giới thiệu việc ứng dụng thuyết Âm dương ngũ hành của Danh y Hải Thượng Lãn Ông trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.



Thiên thiên và hậu thiên
Căn cứ vị trí bát quái trong Hậu thiên đồ (hình H1), Danh y Hải Thượng Lãn Ông xây dựng nên thuyết “Tâm thận” (ứng với hai quái Ly – Khảm) và phương pháp dùng hai bài Lục vị và Bát vị để bổ Thuỷ, Hoả làm gốc.
Trong Y học cổ thì danh từ “Tiên thiên” là khí huyết của cha mẹ khi con người mới được thụ thai chưa hình thành, còn danh từ “Hậu thiên” là khi con người đã hình thành được nuôi dưỡng. Vì vậy khi nói đứa trẻ “Tiên thiên bất túc” là nói đứa bé khi sinh ra ốm yếu do khí huyết của cha mẹ không đủ. Còn nói “Hậu thiên bất túc” nghĩa là đứa trẻ ốm yếu do nuôi dưỡng không tốt.
Bát quái và ngũ tạng
Hải Thượng Lãn Ông viết: “Người bắt đầu thụ thai ở mạch nhâm, ở đốt sống thứ 7. Thai ở giữa rỗng có một mầm như nhị sen thẳng, mầm ấy là cuống rốn. Nhị sen là hai thận, ở giữa hai thận là mệnh môn. Mệnh môn là cửa của sinh mệnh, là một hào dương thuộc về Hoả, đóng ở giữa hai hào âm thuộc về Thuỷ.
Mệnh môn Hoả (Một hào Dương đóng giữa hai hào Âm).

Thuỷ sinh ra Mộc mới thành Can. Mộc sinh Hoả mới thành Tâm, Hoả sinh Thổ mới thành Tỳ, Thổ sinh Kim mới thành Phế. Năm tạng Thận, Can, Tâm, Tỳ, Phế hình thành rồi tiếp theo là Lục phủ. Thận là gốc của Phủ tạng, là căn bản của 12 kinh lạc, chủ chốt của sự thu nạp khí, nguồn của Tam tiên, thân người từ đó mà hình thành.
Dựa vào sự sinh, khắc, hợp, hình của Ngũ hành, Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng lý thuyết điều trị chủ về Thuỷ, Hoả nổi tiếng theo Dịch lý “Hậu Thiên đồ” trong đó hai quái Ly – Khảm ở trục Nam - Bắc. Ly ứng với tạng Tâm chủ Hoả, Khảm ứng với tạng Thận chủ về Thuỷ. Hải Thượng viết: “Tạng Tâm thuộc về Ly, có một hào âm ở giữa hai hào dương.
Trong Tâm có máu đỏ tức là chân Âm, còn tạng Thận thuộc quẻ Khảm có hào dương ở giữa hai hào âm. Trong tạng Thận chứa màng trắng tức là chân Dương vậy. Theo Kinh dịch thì Thuỷ phải bốc hơi lên, Hoả phải chiếu xuống thì mới trôi chảy (Đây là quẻ Ký tế (có hình), Khảm trên, Ly dưới). Theo Hải Thượng Lãn Ông thì hai quả thận cũng là một “Đồ thái cực”. Giữa “Đồ thái cực” có một điểm gọi là Mệnh môn (giữa hai quả thận). Mệnh môn này là Hoả nhưng Hoả vô hình khác Hoả ở tâm (quẻ Ly) là Hoả hữu hình.
Tiên thiên đồ và Hậu thiên đồ
Trong “Tiên thiên đồ” của Kinh dịch, vị trí phương Nam chủ Hoả vốn là vị trí Hoả của quẻ Kiều là quẻ thuần Dương vì vậy trong “Hậu thiên đồ” quẻ Ly thay thế vị trí quẻ Kiều, Hoả Hậu thiên bắt nguồn từ Hoả Tiên thiên.
Hải Thượng phân biệt “Hoả Hậu thiên” với “Hoả tiên thiên” như sau: “Người sinh ra ở Hộ Dần mà Dần là mẹ đẻ của Hoả (Mộc sinh Hoả), Hỏa là gốc để sinh ra mệnh”. Từ đó ông đi đến áp dụng vào điều trị bằng hai bài thuốc “Bổ Thuỷ Hoả” tức là Lục vị và Bát vị rồi gia giảm để chữa nhiều căn bệnh khác nhau.
Chú giải
Vòng trong là Tiên thiên bát quái
Vòng ngoài là Hậu thiên bát quái
Như vậy cùng trục Nam – Bắc, nếu sử dụng Tiên thiên bát quái thì nó là Càn – Khôn còn dùng Hậu thiên bát quái nó là Ly Khảm. Bản chất của Nam là Hoả và Bắc là Thuỷ do vậy nói Hoả Hậu thiên bắt nguồn từ Hoả tiên thiên là chính xác.

Những nét cơ bản về châm cứu chữa bệnh trong Nội kinh, Nạn kinh (kỳ 1)

Châm cứu chữa bệnh là phương pháp điều trị có  cơ  sở  lí  luận  (kinh  lạc,  huyệt  khí  gắn  liền với tạng phủ chi thể); có công vụ riêng (kim, ngải), có cách châm cụ thể với tác dụng và cơ chế  tác  dụng  tuy  đơn  giản  song  vẫn  chỉ  đạo cho việc dùng châm cứu chữa các bệnh cụ thể với tên gọi cổ.

Châm cứu chữa bệnh là phương pháp điều trị có  cơ  sở  lí  luận  (kinh  lạc,  huyệt  khí  gắn  liền với tạng phủ chi thể); có công vụ riêng (kim, ngải), có cách châm cụ thể với tác dụng và cơ chế  tác  dụng  tuy  đơn  giản  song  vẫn  chỉ  đạo cho việc dùng châm cứu chữa các bệnh cụ thể với tên gọi cổ.



Y học cổ truyền cho rằng: cơ thể  gồm có lục phủ, ngũ tạng, ngũ  thế (mạch, da, cơ, cân, cốt), ngũ qua (thị giác – mắt, thính giác – tai, khứu giác – mùi, vị giác – lưỡi, xúc giác –  da), cửu khiếu (2 lỗ mũi, 2 lỗ mắt, 2 lỗ tai, miệng, tiền âm, hậu âm). Cơ thể được nuôi dưỡng bằng huyết  khí tuần hoàn trong kinh mạch. Cơ thể hoạt động được nhờ nguyên khí chân khí, ở tạng phủ được gọi là khí của tạng phủ, ở kinh mạch là kinh khí, mạch khí, ở huyệt là thần khí. Khi khí thăng giáng xuất nhập bình thường (khí hòa) thì ngũ tạng yên, huyết khí hòa lợi, tinh thần yên tĩnh Khi huyết hòa thì kinh mạch thông sướng, tuần hoàn không bị trở ngại âm dương được duy trì, cân cốt được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi.Do khí huyết không điều hòa nên có thể sinh bách bệnh, vì vậy phải làm cho kinh toại (các ống mạch) thông sướng. Cơ chế sinh bệnh cơ bản là có tà khí tác động và chính khí hư (tà khí thịnh tắc thực, tinh khí đoạt tắc hư). Nguyên tắc chữa bệnh là: Cóhư thì bổ hư, có thực thì tả thực. Vận dụng vào châm cứu thì nguyên tắc đó là: “Phàm dụng châm giả, hư tắc thực chi (hư thì làm cho đầy đủ), mã tắc tiết chi (đầy thì làm cho vơi đi), uyển trần tắc trừ chi (ứ trệ lâu thì loại bỏ đi), thịnh tắc hư chi (thịnh thì bỏ phần thịnh đi) (Linh khu).
Thủ thuật châm cứu
Thủ thuật cơ bản là châm kim vào huyệt đại diện cho tổ chức bệnh, tiến mũi kim đến sát đúng nơi có bệnh, trên cơ sở đó làm thủ thuật bả (để bổ hư), hoặc tả (để tả thực). Mục đích của thủ thuật bổ tả là để “điều khí”, “khí hòa thì huyết hòa, huyết hòa thì kinh mạch thông sướng âm dương được duy trì, gân xương được nuôi dưỡng, các khớp được linh lợi”.Để tiến hành châm cứu cần xem bệnh ở đâu để đưa mũi kim đến đó với mục đích là “bệnh ở mạch thì điều huyết (mạch là phủ của huyết), chỉ châm đến sát mạch, không được châm nông vì làm tổn thương da, không được châm sâu vì gây tổn thương cơ nhục; bệnh ở huyết thì điều lạc (nơi huyết lưu hành) chỉ châm đến lạc, bệnh ở khí thì điều vệ (vệ là chủ của khí), chỉ châm ở da, không châm sâu làm tổn thương cơ nhục, bệnh ở tấu lý không châm sâu làm tổn thương da, bệnh ở nhục thì điều phân nhục, chỉ châm đến phân nhục, không châm nông làm tổn thương mạch, không châm sâu làm tổn thương cân, bệnh ở cân thì điều cân, chỉ châm đến sát cân, không châm nông làm tổn thương cơ nhục, không châm sâu làm tổn thương cốt, bệnh ở cốt thì điều cốt, chỉ châm đến sát xương, không châm nông làm tổn thương cân, không châm sâu làm tổn thương tủy, người có chứng tý có đau ở nhiều chỗ khác nhau, châm vào chỗ đau và sâu đến phân nhục” (Tố vấn). Tóm lại là: “bệnh có ở nông, ở sâu, bệnh ở nông châm nông, bệnh ở sâu châm sâu và châm đến nơi có bệnh là đúng nhất. Châm quá sâu sẽ gây nội thương, châm quá nông sẽ gây ứ trệ ở ngoài tà khí nhân lúc có ứ trệ này mà vào lý sâu hơn. Châm nông châm sâu không đúng, không những không chữa được bệnh, ngược lại thành đại họa, nếu châm sâu quá vào ngũ tạng thì sinh đại bệnh” (Tố vấn).
Chọn huyệt
Cần chọn huyệt đại diện cho nơi bị bệnh. Cụ thể:
* Chữa bệnh tạng phủ: chọn huyệt nguyên của kinh tạng phủ đó, chọn huyệt du mộ tạng phủ đó, chọn huyệt ngũ du có liên quan đến tạng phủ đó.
* Chữa bệnh của phủ: Chọn huyệt nguyên, huyệt du mộ, huyệt ngũ du có liên quan đến phủ bị bệnh. Ngoài ra còn chọn huyệt hợp có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của mạch: Chọn huyệt trên đường kinh mạch có liên quan, chọn huyệt hội của mạch.
* Chữa bệnh của cân: Chọn huyệt hội của cân, chọn huyệt a thị.
* Chữa bệnh của tủy, xương, khí, huyết: chọn huyệt hội của chúng trong bát hội huyệt.
Tiến trình châm
* Trước hết, phải trị thần trước, thần yên thì khí dễ hành.
*Tiếp theo làm thao tác tiến kim đạt đắc khí rồi làm thủ thuật bổ tả. Bổ để làm chính khí vượng trở lại, dùng cho chứng hư, thủ thuật bổ làm như sau:
Tiến kim từ từ (chính khí sẽ vượng lên, rút kim nhanh (chính khí không tiết ra ngoài).
Tả để làm tà khí sơ tiết ra ngoài, dùng cho chứng thực, tiến hành như sau: Tiến kim nhanh, rút kim từ từ (Tà khí theo kim tiết ra ngoài, tà khí từ thịnh chuyển thành hư).Chích xuất huyết để loại trừ tà khí ứ trệ (tà khí theo huyết ra ngoài).
* Khi châm đã đắc khí thì phải làm thủ thuật bổ tả ngay. Không được để kinh khí thay đổi rồi mới bổ tả. Châm xong bệnh không đỡ mà nặng lên là đã bỏ không dùng phép bổ tả (Tố vấn).
Không châm cho những trường hợp hiện đang có mạch loạn, khí tán, dinh vệ không bình thường, tuần hoàn của khí huyết không thuận lợi như: sau giao hợp, đang say rượu, đang giận dữ, đang mệt nhọc, vừa ăn no, đang đói quá, đang khát quá, đang lo sợ quá, vừa đi đường xa tới.
Không châm vào ngũ tạng, lục phủ, não, tủy, gân, mạch lớn,… vì có thể gây tai biến, tàn tật, có khi chết người.
Châm cứu dùng để chữa các bệnh sau
* Bệnh hàn nhiệt (ở da, cơ, tì, vị, thận, tâm) bằng huyệt chữa bệnh nhiệt.
* Ngũ khí bị loạn (tâm khí, phế khí, trường vị khí, khí ở đầu, khí ở chân tay) bằng huyệt ngũ du, huyệt nguyên.
* Chứng mạch trướng, da trướng bằng huyệt kinh vị và huyệt tại chỗ.
* Bệnh tà vào ngũ tạng bằng huyệt mộ ở bụng, huyệt du ở lưng, huyệt ngũ du.
* Chứng quyết đầu thống (khí của đường kinh nghịch lên đầu gây đau đầu) bằng huyệt của đường kinh đó, nếu có hiện tượng huyết ứ thì chích xuất huyết.
* Chứng quyết tâm thống (tâm có huyết ứ, hoặc khí ở các tạng phủ thận, tì, vị, can, phế nghịch lên tâm làm tâm bị đau) bằng huyệt của tâm và huyệt của tạng có liên quan.
* Chứng ngược (sốt rét) do ngược tà vào 6 kinh ở chân, vào ngũ tạng bằng các huyệt kinh có bệnh, châm để chặn cơn và châm sau khi dứt cơn là có hiệu quả nhất.
* Bệnh thủy thũng bằng 57 huyệt nơi thủy khí lưu trú ở các kinh âm.
* Chứng đau thắt lưng do tà khí vào 6 kinh dương ở chân bằng huyệt có liên quan với kinh mạch bị bệnh.
* Bệnh giản cuồng bằng những phương huyệt cụ thể.
* Tạp bệnh bằng các huyệt có liên quan đến kinh mạch và các cơ quan bị bệnh.
* Mười hai bệnh lý (ngáp, nấc, nghẹn, ợ hơi, hắt hơi, liệt mềm, buồn rầu, khóc chảy nước mắt, thở dài, chảy dãi, tai ù, tự cắn lưỡi) do tà khí tác động vào không khiếu và nơi bị tác động đang ở trạng thái hư, về nguyên tắc phải châm bổ.
Bị chú: Kinh lạc, huyệt khí, trong châm cứu học tương đồng với tổ chức nào của giải phẫu sinh lý học hiện đại. Châm cứu chữa bệnh khác lý liệu pháp hiện đại như thế nào, xin xem các bài tiếp theo.
GS Hoàng Bảo Châu

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy” của Tuệ Tĩnh

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy”  của Tuệ Tĩnh




“Hồng nghĩa giác tư y thư” là bộ sách nguyên được Thánh y Tuệ Tĩnh viết từ thế kỷ XIV. Sách đã được nhiều người đời sau chỉnh lý, bổ sung mà quy mô nhất là lần được vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương cho các quan Thái y viện và các quan Nội phủ chỉnh lý, bổ sung hai lần; khắc in hai lần bằng chữ Hán Nôm vào năm 1717 và 1723. Chúa Trịnh ban tên “Sách Y học do thầy Hồng Nghĩa trước tác”. Bộ “Hồng nghĩa giác tư y thư” được phòng Tu thư huấn luyện Viện Đông y dịch; GS.L/y Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính và chú thích; Nhà xuất bản Y học xuất bản tại Hà Nội năm 1978.
Quan niệm về thương hàn trong  “Hồng nghĩa giác tư y thư ”
Trong “Hồng nghĩa giác tư y thư ”, phần VI có chép “Thương hàn cách pháp trị lệ”, từ bộ “Thọ thế bảo nguyên” (Giữ được tuổi trời) của Cung Đình Hiền, tự Tử Tài, hiệu Vân Lâm, tên thường gọi là Cung Vân Lâm. Ông là người huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, từng đỗ đầu trong kỳ thi tuyển vào Thái y viện (Y lâm giải nguyên), làm chức Thái y viện sứ mục, đời nhà Minh. Ngoài bộ “Thọ thế”, ông còn sáng tác: Vạn bệnh hồi xuân (1587), Vân Lâm thần khóa, Cổ kim y giám… đều là các bộ sách y học nổi tiếng. Bộ “Thọ thế bảo nguyên” có 10 quyển (viết vào khoảng thế kỷ XVII), được nhiều thế hệ lương y Việt Nam nghiên cứu, sử dụng, làm sách gia bảo. Cung Đình Hiền nêu “37 nghiệm phương để trị thương hàn theo phương pháp đơn giản của riêng mình” (Thương hàn cách pháp trị lệ – Quyển 2). Ông không theo cổ phương rất phức tạp của Trương Trọng Cảnh. Về bệnh thương hàn, có lẽ ông cũng quan niệm như trong Hoàng đế Nội kinh (sách kinh điển của Đông y): “Tất cả các bệnh phát nóng đều là một loại thương hàn” (Nhiệt bệnh giai thương hàn chi loại giã). Ta thấy trong 37 phương này, có phương dùng chữa bệnh chính thương hàn mùa đông, ngoại cảm các mùa, thời khí (đại đầu ôn), dịch lệ, trúng thực, lao lực quá mức, sốt phát ban, các chứng xuất huyết, nội thương thất tình, cước khí…
“Thương hàn cách pháp trị lệ” được Lão Mai Am rất tâm đắc và đưa vào “Hồng nghĩa giác tư y thư ” bằng thể phú với tên “Thương hàn tam thập thất trùy pháp”, nghĩa là “Dùng 37 phương trị bệnh thương hàn (sốt nóng) có thêm trùy pháp”.
So với bản dịch “Thương hàn cách pháp trị lệ” của Viện Đông y với bản “Thọ thế bảo nguyên” của Cung Đình Hiền, trong phần thương hàn chúng tôi thấy:
- Tên 37 phương thang và cách gia giảm vẫn giữ nguyên.
- Có thêm bớt một vài vị thuốc trong một số phương thang và có một số phương, phần gia giảm được đưa luôn vào trùy pháp như “Sơ tà thực biểu thang”, chữa chứng thương phong về mùa đông; “Sài cát giải cơ thang” chữa chứng túc dương minh vị; “Xung hòa linh bảo ẩm” chữa thương hàn lưỡng cảm, biểu lý cùng bệnh… Không rõ đây là chủ ý của Lão Mai Am hay do sự lầm lẫn trong sao lục?
- Cái độc đáo ở đây là phần trùy pháp được Lão Mai Am thêm vào.
Sử dụng trùy pháp là nét độc đáo của Tuệ Tĩnh
Trùy pháp là phương pháp phụ thêm (gia thêm) vào phương thang một số vị thuốc có tại chỗ. Trước khi đem sắc uống hay thuốc sắc xong rồi hòa thêm vào uống để tăng hiệu quả chữa bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm độc đáo trong điều trị, được tích lũy lâu đời trong việc phối hợp dùng thuốc Nam, Bắc của ông cha ta, như thang “Lục thần thông giải” để chữa bệnh thời khí dịch lệ, đau đầu, nóng mình thì gia thêm một nắm đạm đậu xị và hai củ hành vào sắc uống; thang “Tiêu ban Thanh đại ẩm” chữa nhiệt tà vào lý, phát ban đỏ, gia thêm một muỗng giấm khi uống; “Lục nhất thuận khí thang” chữa nhiệt đã truyền vào lý, đại tiện rắn kết, miệng ráo, họng khô, nói sảng, da vàng, phát ban, sốt cơn, nhiệt quyết, tự ra mồ hôi thì gia 3 thìa nước gỉ sắt để uống; “Như thần Bạch hổ thang” chữa chứng mình nóng, khát nước, ra mồ hôi mà vẫn phát nóng, gia thêm 10 lá tre non vào sắc uống…
Các vị thuốc thêm vào là thuốc có tại địa phương, phần lớn dưới dạng thuốc Nam tươi sống như nước gừng, nước cây tre, lá tre non, nước ngó sen, củ hành, rượu, giấm, muối ăn, hoạt thạch, mạch nha, mật ong, nước lá ngải cứu, nước cây tô mộc, nước đồng tiện… ở đây, Lão Mai Am đã sử dụng một số phương thang trị bệnh có hiệu quả lâu đời của Đông y, gia thêm vào một số vị thuốc Nam đặc trị của nhân dân ta thành một lối chữa bệnh tâm đắc.
Hiện nay, chúng ta đã thừa kế và phát huy mạnh mẽ sở trường của lối chữa bệnh này và cũng đã có hàng trăm trùy pháp được áp dụng hiệu quả xưa nay. Như bị bệnh hen suyễn, ngoài dùng thuốc thang để hạ khí tiêu đàm, còn thêm nước trầu không với ít mật ong hòa uống; bị cảm nước, cảm mưa lạnh, nóng sốt, ho thì ngoài việc dùng thuốc tân ôn giải biểu uống bên trong còn phải cho một nồi lá xông có nhiều tinh dầu như lá tía tô, lá ngũ trảo, lá bạc hà, lá sả… cho ra mồ hôi, thông xoang mũi, thông phế quản, diệt vi khuẩn.
Phương pháp này, GS Can Tổ Vọng (Đại học Trung y Nam Kinh) trong cuốn “Can Tổ Vọng y thoại” xuất bản 1996 đã viết: “Thày thuốc Trung Quốc xưa kia cũng có sử dụng “dẫn tử” là những loại dược liệu tươi sống, lấy tại chỗ để dẫn thuốc trong phương thang. Đây là bí quyết để làm tăng hiệu quả chữa bệnh của thang thuốc. Phép sử dụng này bị mất dần và đến khoảng thời nhà Thanh thì không còn nữa”.
Dẫn tử có thể cũng gần giống như trùy pháp của nước ta. Sử dụng trùy pháp rất phù hợp với phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”. Nếu chúng ta biết sử dụng, phát huy nó sẽ là thế mạnh của nền y học cổ truyền nước ta.
Quan niệm thương hàn là các bệnh có nóng sốt và nêu 37 phương thang để chữa trị trong Tuệ Tĩnh là rất khoa học. Đem so sánh với các bệnh “có sốt” của y học hiện đại ta thấy có nhiều điểm gần giống nhau, chỉ khác tên gọi. Có những bệnh sốt mà y học đến nay vẫn chưa rõ được nguyên nhân.
Hồng nghĩa giác tư y thư là bộ sách  y học cổ truyền tinh gọn “hay nhất, quý nhất, xưa nhất và được dịch thuật, chú thích rõ ràng nhất” của Đông y Việt Nam. Chúng tôi rất mong bộ sách quý này sớm được nghiên cứu đưa vào làm giáo trình giảng dạy và bồi dưỡng cho thầy thuốc Đông y Việt Nam.


Trần Sỹ

Đoán bệnh

Đoán bệnh





Mặt
Sắc mặt bóng mượt sáng tươi
Là sức khỏe tốt, trong người yên an
Sắc mặt thấy ánh nhợt vàng
Là tỳ hư thấp ở phần trong thân
Mặt trắng nhợt, máu hư hàn
Mặt đỏ là nhiệt toàn phần thể thân
Da mặt thấy sắc nhợt xanh
Là phong ứ huyết do hàn sinh ra.

Mắt
Mắt trắng nhợt, hàn đấy mà
Đỏ ngầu con mắt ắt là nhiệt tâm
Mắt xanh ngà, bệnh về gan
Bệnh tỳ thường thấy mắt vàng loáng qua
Mắt trắng đục, phế đấy mà
Vẩn đen lòng trắng, ắt là thận thôi
Mắt đục đờ đẫn rã rời
Thần kinh suy thoái, chơi vơi thể người.

Môi
Người khỏe, đôi môi sáng tươi
Môi khô đỏ rực, trong người nhiệt tâm
Huyết hư, môi nhợt trắng ngần
Thận hư thường thấy môi thâm khô rời
Luôn luôn mấp máy đôi môi
Tâm thần bạc nhược làm đời liêu xiêu.

Lưỡi
Lưỡi đỏ, vàng kệch có rêu
Là bệnh nóng nhiệt quá nhiều trong thân
Lưỡi có rêu trắng, hư hàn
Tỳ hư, thấy lưỡi có hằn vết răng
Đầu lưỡi đỏ là nhiệt tâm
Người thiếu tân dịch, thấy phần lưỡi khô
Lưỡi có rêu đen rất lo
Là bệnh gan thận nguy cơ đến rồi.
Nhìn sắc chẩn đoán con người
Còn nghe lời nói, thở hơi mạch ngoài
Rồi mới kết luận gì đây
Biểu, lý, hàn, nhiệt… không ngoài âm dương.

Trần Văn Giang

Mạch học theo âm dương ngũ hành

Mạch học theo âm dương ngũ hành




Một trong bốn phương pháp để chẩn bệnh của người xưa là Vọng, Văn, Vấn, Thiết - nghĩa là trông sắc thái bên ngoài của người bệnh; nghe hơi thở, tiếng nói của người bệnh; hỏi triệu chứng, lịch sử bệnh và bắt mạch cho người bệnh để biết bệnh ở biểu hay lý, hàn hay nhiệt, hư hay thực, âm hay dương…
Vị trí bắt mạch
Y học cổ truyền và y học hiện đại đều thống nhất rằng: Vị trí bắt mạch chính là thốn khẩu. Sách Nam Kinh nói rằng: “Thốn khẩu là chỗ tập trung tất cả các mạch. Nó là động mạch của Kinh thủ Thái âm (tâm) mà cũng là chỗ bắt đầu và kết thúc của mạch Thốn, Quan, Xích; là điểm chung của ngũ tạng, lục phủ; là chỗ mạch đi nông nhất. Chính vì vậy “thốn khẩu” được lấy làm nơi bắt mạch”.
Mạch ở thốn khẩu chia làm 3 bộ ở mỗi bên tay, tương ứng với ba đầu ngón tay (của bàn tay đối diện hoặc bàn tay phía đối diện của người thầy thuốc) gồm: ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út. Đó là bộ Xích, bộ Quan và bộ Thốn.
Phương pháp bắt mạch
Thầy thuốc đặt ngón tay giữa của mình vào chỗ lồi xương trụ ở mặt sấp cổ tay người bệnh phía đối diện, rồi kéo nửa vòng qua mặt ngửa cổ tay người bệnh đến chỗ dọc theo ngón tay cái, đó là vị trí bắt mạch; dưới ngón giữa thầy thuốc là bộ Quan, dưới ngón trỏ là bộ Xích, dưới ngón áp út là bộ Thốn (ba ngón tay thầy thuốc sát nhau).
Nếu mình tự bắt mạch cho mình thì tay phải 3 ngón: trỏ, giữa, áp út đặt lên thốn khẩu tay trái (sao cho đầu ngón áp út chạm vào đường chỉ cườm tay là đúng).
Mạch đều có cả hai bên tay. Ba bộ bên trái, ba bộ bên phải kể theo thứ tự từ trong ra đầu ngón tay:
Tay trái
1. Tả Xích thuộc thận và bàng quang thuộc Thuỷ
2. Tả Quan thuộc gan và mật, hành Mộc.
3. Tả Thốn thuộc tâm và tiểu tràng, hành Hoả.
Tay phải
1. Hữu Xích thuộc mệnh Môn và Tam tiêu, hành Hoả
2. Hữu Quan thuộc Tỳ và Vị, hành Thổ.
3. Hữu Thốn thuộc Phế và đại tràng, hành Kim.
Dùng cảm giác của 3 đầu ngón tay để cảm nhận và dò mạch. Có 3 mức độ ấn ngón tay khi bắt mạch:
Ấn nhẹ: ước lượng sức nặng ba ngón tay bằng ba hạt đỗ xanh đã thấy mạch đập gọi là mạch Phù.
Ấn vừa: sức nặng ba đầu ngón tay bằng 6 hạt đậu thấy mạch đập gọi là mạch Hoạt.
Ấn mạnh: sức mạnh ba đầu ngón tay bằng 9 hạt đậu mới thấy mạch đập, mạch đi sát xương gọi là mạch Trầm.
Bắt cả ba bộ mạch Thốn, Quan, Xích cùng một lúc để dò xét tình trạng âm dương, khí huyết, thịnh suy của người bệnh; cảm nhận tình trạng vượng, suy của Thủy – Hỏa để đánh giá chung. Sau đó bắt từng bộ mạch, so sánh cả hai bên tình trạng bệnh từng tạng phủ. Cuối cùng là tổng hợp việc chẩn đoán để biết rõ bệnh tình cụ thể.
• Thời gian bắt mạch: Ngoại trừ những trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu, còn lại thời gian xem mạch tốt nhất là vào buổi sáng sớm - lúc âm chưa tan hết, dương chưa thịnh hẳn, bệnh nhân còn yên tĩnh, chưa ăn sáng nên dễ dò xét thịnh, suy, tà khí, chính khí.
• Căn cứ đo nhịp mạch: Y học hiện đại xác định tần số nhịp đập của mạch theo đồng hồ còn y học cổ truyền có cách đo sinh học là so sánh tương đối giữa mạch thầy thuốc với mạch bệnh nhân (thầy thuốc không khoẻ mạnh không được bắt mạch nếu đo theo nhịp so sánh).
Nhịp mạch bình thường là mạch đập 4 đến 5 lần trong một nhịp thở bình thường của thầy thuốc (gồm 1 lần hít vào và 1 lần thở ra), tương đương với 70  đến 80 lần đập trong một phút.
Nhịp mạch đập chậm là mạch đập dưới 4 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là dưới 70 lần đập trong 1 phút.
Nhịp mạch đập nhanh là mạch đập trên 5 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là số lần đập trên 80 lần trong 1 phút.
• Mạch bình thường: Ngoài số lần đập bình thường như nói trên thì mạch phải thấy rõ trên cả 3 bộ mạch: Thốn, Quan, Xích, nhịp nhàng qua lại đều nhau, không rộng - không hẹp, không cao - không thấp; có khí, có thần, có lực. Người già mạch chậm, trẻ nhỏ mạch nhanh hơn; người béo mạch trầm, người gầy mạch phù. Mùa xuân mạch huyền, mùa hạ mạch hồng, mùa đông mạch trầm.
• Mạch bệnh lý: Khi bị bệnh, mạch sẽ thay đổi tần số (nhanh hoặc chậm), cường độ (mạnh hay yếu) về nông sâu (phù hay trầm)…
Mạch phù (nông), mạch đại (không đều), mạch hoạt (quá lưu loát), mạch xác (quá nhanh)… thuộc dương chứng. Mạch trầm (chìm), mạch tế (nhanh nhỏ), mạch vi (nhỏ, yếu), mạch sáp (mạch đi khó khăn)… thuộc âm chứng.

Xuyên Sơn