Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Bài đau dây thần kinh tọa

 Đau dây thần kinh tọa (còn gọi đau thần kinh hông) thuộc phạm vi chứng tọa cốt phong của y học cổ truyền. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, những người lao động chân tay, nam mắc nhiều hơn nữ. Nguyên nhân gây bệnh có nhiều như do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, do lạnh, thoái hóa cột sống, thoát vị

Đau dây thần kinh tọa (còn gọi đau thần kinh hông) thuộc phạm vi chứng tọa cốt phong của y học cổ truyền. 

Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, những người lao động chân tay, nam mắc nhiều hơn nữ. Nguyên nhân gây bệnh có nhiều như do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, do lạnh, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Y học cổ truyền có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả đối với những trường hợp do phong hàn, phong hàn thấp tý. 

Đau dây thần kinh hông do lạnh, trúng phong hàn ở kinh lạc: 

Người bệnh có biểu hiện đau vùng thắt lưng, đau lan xuống mông, mặt sau đùi, cẳng chân, đi lại khó khăn, chưa teo cơ, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù. Phương pháp chữa là khu phong tán hàn, hành khí, hoạt huyết.

Đau dây thần kinh hông do phong hàn thấp tý: 

Người bệnh có biểu hiện đau vùng thắt lưng cùng, lan xuống chân theo dọc đường đi của dây thần kinh hông to, teo cơ, bệnh kéo dài, dễ tái phát, thường kèm theo triệu chứng toàn thân, ăn kém, ngủ ít, mạch nhu hoãn, trầm nhược. Phép chữa là khu phong tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, bổ can thận, nếu teo cơ phải bổ khí huyết.

Bài trị hen phế quản

 Theo Đông y, hen phế quản thuộc chứng háo suyễn với nhiều thể bệnh. Việc điều trị phải dựa theo thể bệnh để cho thuốc hay châm cứu.

Hen do hàn:

Triệu chứng:

- Thay đổi thời tiết, lạnh nhiều xuất hiện cơn khó thở ra, kèm có tiếng rên rít.

- Ho đờm trong loãng trắng có bọt.

- Ngực đầy tức như bị nghẹt, khi cố dùng sức để thở thì có tiếng kêu phát ra.

- Người lạnh, sợ lạnh, sắc mặt xanh tái, thích uống nước nóng.

- Rêu lưỡi trắng mỏng, ướt trơn.

- Mạch phù (nếu do hàn tà gây nên; mạch trầm khẩn nếu cả trong ngoài đều có hàn).

Pháp trị: ôn phế tán hàn, trừ đờm, định suyễn.

Hen do nhiệt:

Triệu chứng:

- Khi gặp trời nóng nực thì lên cơn khó thở ra, thở mạnh thở gấp rút cảm giác ngộp.

- Ho nhiều, đàm vàng đặc đục, dẻo dính, khó khạc.

- Ngực đầy, khó thở kèm tiếng kêu phát ra.

- Lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhờn.

- Mạch hoạt sác.

Pháp trị: thanh nhiệt, tuyên phế hóa đàm.

Hen do ẩm thực:

Triệu chứng:

- Ăn phải thức ăn không thích hợp nên có cơn hen.

- Tiếng thở như tiếng ngáy, thô ráp, mệt, cảm giác tức hơi.

- Đầy trướng ngực bụng.

- Mạch hoạt thực.

Pháp trị: tiêu thực tích.

Hen do phế khí hư:

Triệu chứng:

- Thở gấp, đoản khí.

- Tiếng ho khẽ, yếu, tiếng nói nhỏ không có sức.

- Tự hãn, sợ gió.

- Miệng khô, mặt đỏ, hầu họng khô.

- Lưỡi hơi đỏ.

- Mạch phu nhu tế.

Pháp trị: dưỡng phế định suyễn.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Bài trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới và có tỷ lệ người mắc bệnh cao, lên đến 10 - 20%. Ở Việt Nam chưa có số thông kê cụ thể, nhưng ước tính người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có xu hướng ngày càng tăng. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm thanh quản, hen, viêm loét dạ dày - tá tràng...

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, xuất huyết thực quản và nhất là ung thư vòm họng, ung thư dạ dày. Theo quan điểm của y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do lo nghĩ, ăn uống không điều độ, tỳ vị hư nhược gây nên. Lo nghĩ nhiều làm can khí uất kết, ảnh hưởng đến vị phủ, khí kết lâu ngày làm cho khí huyết không lưu thông mà dẫn đến bệnh. Ăn uống không điều độ, làm tổn thương tỳ vị, công năng của tỳ vị bị rối loạn. Tỳ vị hư nhược sinh ra thấp đàm, lâu ngày hóa nhiệt, thấp nhiệt ứ trệ bên trong, vị không giáng trọc mà bị nghịch lên trên gây bệnh.

Người bệnh có các triệu chứng như: ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau tức nóng rát vùng ngực, nước bọt tiết ra nhiều, đau họng, ho. Bệnh nhân nặng có thể bị khàn giọng, khó nuốt, không thể nằm thẳng...

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thể can vị bất hòa

Đau vùng thượng vị, đầy trướng bụng, đau lan sang hai bên sườn, tức ngực, hay thở dài, ợ hơi nhiều, tinh thần không tốt bệnh thêm nặng, lưỡi nhạt hay hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền.

Phép điều trị: sơ can giải uất, hòa vị giáng nghịch.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thể  can vị uất nhiệt

Vùng ngực đau nóng như có lửa đốt, hồi hộp, dễ cáu gắt, miệng khô, đắng, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoặc sác.

Phép điều trị: sơ can thanh nhiệt, hòa vị giáng nghịch.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thể  hàn nhiệt thác tạp

Biểu hiện đau nóng vùng ngực rõ rệt, ợ chua nhiều, bụng đau âm ỉ, thích ấn, thích chườm ấm, lúc đói đau tăng lên, ăn vào thì đau giảm, nôn ra đàm dãi, ăn kém, tay chân lạnh, đại tiện nát, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch nhu sác hoặc trầm hoãn.

Phép điều trị: hàn nhiệt bình điều, hòa vị giáng nghịch.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thể  khí trệ huyết ứ

Đau nhói vùng sau ngực, bụng đầy trướng, hình thể gầy yếu, nuốt khó khăn, nặng có thể nôn ra máu, lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch sáp hoặc huyền.

Phép điều trị: hành khí hoạt huyết, hòa vị giáng nghịch.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thể vị âm hư nhược

Vùng sau ngực hoặc dạ dày đau âm ỉ, miệng khô háo, lòng bàn tay bàn chân nóng, người mệt mỏi, đại tiện táo, lưỡi đỏ ít tân dịch, mạch tế sác.

Phép điều trị: dưỡng âm ích vị, hòa trung giáng nghịch.

Đái tháo đường theo y học cổ truyền

 Bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Bệnh đã được các Y gia cổ mô tả từ rất sớm.

Từ thế kỷ IV – V trước công nguyên trong “Hoàng đế nội kinh – Tố vấn” đã nhắc đến chứng “tiêu” hay “tiêu khát”. Trong sách “Hoàng đế nội kinh – Linh khu, Ngũ biến thiên”  có viết: “Ngũ tạng giai nhu nhược giả, thiện bệnh tiêu đan” có nghĩa là: Ngũ tạng nhu nhược dễ mắc bệnh tiêu. Trong “Ngoại trị bị yếu, Tiêu khát môn” viết: “Tiêu khát giả, nguyên kỳ phát động, thử tắc thận suy sở trí, mỗi phát tức tiểu tiện chí điềm” nghĩa là: Bệnh tiêu khát ban đầu do thận suy nên mỗi khi tiểu tiện nước tiểu có vị ngọt.

Theo Đại Y thiền sư Tuệ Tĩnh: Tiêu khát là chứng trên thì muốn uống nước, dưới thì ngày đêm đi tiểu rất nhiều, nguyên nhân do dâm dục quá độ, trà rượu không chừng, hoặc ăn nhiều đồ xào nướng, hoặc uống thuốc bằng kim thạch làm cho khô kiệt chất nước trong thận, khí nóng trong tâm cháy rực, tam tiêu bị nung nấu, ngũ tạng khô ráo, từ đó sinh ra chứng tiêu khát. Theo “Hải thượng Y tông tâm lĩnh, Y trung quan kiện”: Bệnh tiêu khát phần nhiều là do hỏa tiêu hao chân âm, ngũ dịch bị khô kiệt mà sinh ra.

Bệnh nguyên bệnh cơ

Từ những ghi chép của y văn cổ qua các thời đại thấy có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh tiêu khát. Thứ nhất là do tiên thiên bất túc, tức nguyên khí bị hư. Thứ 2 là do hậu thiên: Do ăn uống thất điều, quá no hay quá đói, ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh thần không ổn định, tình chí thất điều làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Các nhân tố gây bệnh thường phối hợp với nhau gây ra những hội chứng bệnh trong bệnh tiêu khát.

Tiên thiên bất túc: Do bẩm tố tiên thiên bất túc, ngũ tạng hư yếu, tinh khí của các tạng đưa đến thận để tàng chứa giảm sút dẫn đến tinh khuy dịch kiệt mà gây ra chứng tiêu khát.

Ăn uống không điều độ: Ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây ra chứng tiêu khát.

Tình chí thất điều: Do suy nghĩ, căng thẳng thái quá, do uất ức lâu ngày, lao tâm lao lực quá độ mà ngũ chí cực uất hóa hỏa. Hỏa thiêu đốt phế, vị, thận làm cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư. Thận âm hư dẫn đến tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo, không đưa được nước, tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.

Phòng lao quá độ: Do đam mê tửu sắc, phòng lao quá độ làm thận tinh hao tổn, hư hỏa nội sinh làm tân dịch càng khuy kiệt. Cuối cùng thận hư, phế táo, vị nhiệt dẫn đến tiêu khát.

Dùng thuốc ôn táo kéo dài làm hao tổn tân dịch: Ngày xưa nhiều người thích dùng phương thuốc “Tráng dương chí thạch”, là loại thuốc táo nhiệt, làm tổn hại chân âm và sinh ra tiêu khát. Các thuốc tráng dương khác cũng thường có tính ôn táo, dùng lâu ngày cũng sinh táo nhiệt, hao tổn tân dịch mà gây bệnh.

Phân thể lâm sàng và điều trị

Người xưa quan niệm tiêu khát có 3 thể: Thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Cả 3 thể này đều biểu hiện tứ chứng cổ điển: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều. Thượng tiêu khát (phế nhiệt) sẽ gây ra uống nhiều, trung tiêu khát (vị nhiệt) sẽ gây ra ăn nhiều, hạ tiêu khát (thận âm hư) sẽ gây ra đái nhiều.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về lịch sử, kinh tế, xã hội mà bệnh tật cũng thay đổi theo. Qua quá trình nghiên cứu và điều trị, người ta nhận thấy cách phân chia trước đây không còn phù hợp. Với những bệnh nhân đái tháo đường hiện nay các triệu chứng cổ điển rất mờ nhạt, thay vào đó là các biểu hiện khác như: Giảm thị lực, tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành, rối loạn chuyển hóa Lipid… Vì vậy dựa vào nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện lâm sàng mà phân ra các thể bệnh sau:

Đái tháo đường thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn.

 Đái tháo đường thể vị âm hư, vị hỏa vượng.

Đái tháo đường thể  khí âm lưỡng hư.

 Đái tháo đường thể thận âm hư.

 Đái tháo đường thể thận dương hư.

Việc điều trị chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt. Dùng thuốc theo lý luận y học cổ truyền để chữa bệnh và điều trị các biến chứng.

Đái tháo đường thể vị âm hư tân dịch khuy tổn

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, ăn nhiều, mau đói, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng khô, mạch trầm huyền.

Pháp điều trị: Dưỡng âm sinh tân.

Đái tháo đường thể vị âm hư, vị hỏa vượng

Chứng hậu: Khát nước, uống nhiều, ăn nhiều, mau đói, mệt mỏi, nóng trong, tiểu nhiều, nước tiểu vàng đục, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.

Pháp điều trị: Tư âm thanh nhiệt.

 Đái tháo đường thể khí âm lưỡng hư

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, mệt mỏi, đoản khí, Lưng gối mỏi yếu, hồi hộp trống ngực, đau ngực, tự hãn, đạo hãn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chân tay tê bì, giảm thị lực, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm vi.

Pháp điều trị: Ích khí dưỡng âm.

Đái tháo đường thể thận âm hư

Chứng hậu: Miệng khát, mệt mỏi, đau lưng mỏi gối, ngũ tâm phiền nhiệt, ngủ ít, hay mê, đại tiện táo, nước tiểu vàng sẫm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: Tư bổ thận âm.

Đái tháo đường thể thận dương hư

Chứng hậu: Miệng khát, không muốn uống nước, mệt mỏi, đoản khí, sợ lạnh, chân tay lạnh, tự hãn, phù thũng, sắc mặt xám nhợt, đại tiện lúc lỏng lúc táo, tiểu tiện nhiều, nước tiểu đục, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng khô, mạch trầm vi vô lực.

Pháp điều trị: Bổ thận dương.


bài hiếm muộn

 Đông y cho rằng, nguyên nhân gây hiếm muộn - không thụ thai là do hàn thấp làm huyết tắc nghẽn bào cung (thuộc dạng bào cung hư hàn); do tỳ vị hư yếu không hấp thụ được thức ăn, làm khí huyết suy kém trứng không phát triển; do âm hư hỏa vượng mắc chứng rong kinh;... Người thầy thuốc Đông y thăm khám cẩn thận, phải biện chứng lập pháp để tìm ra nguyên nhân hiếm muộn, vô sinh thuộc thể bệnh nào. 

Hiếm muộn do hàn thấp huyết làm tắc nghẽn bào cung không thụ thai

Triệu chứng: Bụng dưới có những đám tích lạnh mà đau, khi gặp nóng thì dễ chịu. Kỳ kinh đến chậm, màu huyết đen tối, có hòn cục, da mặt sạm, chất lưỡi tối có điểm ứ huyết.

Hiếm muộn do thận âm hư, thận tinh suy tổn khí huyết kém trứng không phát triển không thụ thai

Triệu chứng: Lưng đùi đau tê mỏi, lượng kinh ra ít, có khi một, hai ngày đã sạch kinh, huyết loảng, màu nhạt, da mặt hơi vàng, hay choáng váng hoa mắt chóng mặt.

Hiếm muộn do thận hư can uất khí trệ không thụ thai

Triệu chứng: Khi có kinh hai bầu vú căng trướng, bụng trướng đầy, kinh ra khi sớm, khi muộn không đúng kỳ, miệng đắng, tính tình nóng nảy, hay cáu giận.

Hiếm muộn do thận dương thận âm đều hư huyết ứ không thụ thai

Triệu chứng: Khi hành kinh đau vùng lưng và vùng bụng, lượng kinh ra ít, khó ra, có hòn cục, chất lưỡi tía tối.

 Hiếm muộn do tỳ vị hư yếu làm tổn thương khí huyết không thụ thai

Triệu chứng: Ăn ngủ kém, tinh thần luôn mỏi mệt, tim hồi hộp, mạch trầm.

Hiếm muộn do thận dương hư suy không thụ thai

Triệu chứng: Phụ nữ kết hôn lâu ngày, người béo mập nhưng mặt nhợt nhạt, hành kinh lượng kinh ra ít, có lúc kỳ kinh đến muộn, bế kinh, màu huyết tối nhạt, bụng dưới lạnh thích chườm nóng, mỏi mệt, đau lưng, lãnh cảm không thích sinh hoạt tình dục.

Hiếm muộn do âm hư hỏa vượng tâm can mất điều hòa không thụ thai

Triệu chứng: Kinh nguyệt bình thường hoặc ra trước kỳ, đầu choáng váng, ù tai, hồi hộp, mất ngủ, khi ngủ hay mê, lưng đùi ê mỏi, nóng trong hay bốc hỏa phiền táo, miệng khô chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhớt, mạch tế huyền sác.

Hiếm muộn do khí uất đờm ngăn trở không thụ thai

Triệu chứng: Kinh nguyệt ra đúng kỳ, cơ thể béo mập, luôn khạc ra đờm hoặc nôn ra nhiều đờm.

Bài tâm dương hư hồi hộp

 Tâm dương hư hồi hộp không yên thuộc chứng “Tâm quý” trong Đông y. Người bệnh thường biểu hiện mệt mỏi, tim hồi hộp không yên...

Tâm dương hư hồi hộp không yên thuộc chứng “Tâm quý” trong Đông y. Người bệnh thường biểu hiện mệt mỏi, tim hồi hộp không yên, thở hụt hơi, thiếu sức, thân thể ớn lạnh, tiểu ít phù thũng, da xanh tái, mạch vi tế.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân phần nhiều do dương khí hư, tuổi cao, bệnh ốm lâu ngày thể lực suy giảm, ra mồ hôi quá nhiều làm hao tổn dương khí. Tâm dương hư không làm ấm áp tâm mạch, khi gặp lạnh mà sinh hồi hộp không yên… Phép trị chủ yếu ôn vận tâm mạch, hành thủy giáng nghịch. Tâm dương hư không chữa trị để lâu ảnh hưởng đến tim mạch và sức khỏe.


Bài trị ho gà

 Y học cổ truyền gọi ho gà là bách nhật khái, sinh khái (ho cơn). Nguyên nhân gây bệnh do tà khí qua miệng mũi vào phế, phế khí không thông, nghịch lên gây ho, bên trong đờm nhiệt ẩn nấp ở phế, gây nên các cơn ho kịch liệt.

Bệnh kéo dài ảnh hưởng đến phế khí, phế âm và sinh ra các biến chứng.

Giai đoạn đầu ho gà (cảm nhiễm, phế hàn): 

người bệnh có biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, ho liên tục, ngày nhẹ đêm nặng, rêu lưỡi trắng mỏng. Phương pháp chữa là tuyên phế trừ tà hay tân ôn tuyên phế.

Giai đoạn ho cơn (thường do đàm nhiệt, phế nhiệt): 

sau khi mắc khoảng 1 tuần, người bệnh ho càng ngày càng nặng, sau cơn ho có tiếng rít, nôn ra đờm dãi, thức ăn; nếu ho nhiều có thể ra máu, xuất huyết dưới niêm mạc, chảy máu cam, mi mắt nề, rêu lưỡi vàng hoặc vàng dày. Phương pháp chữa là thanh phế tiết nhiệt, hóa đàm (tuyên phế tiết nhiệt). 

Giai đoạn phục hồi ho gà (phế khí hư hoặc phế âm hư): 

Người bệnh ho giảm nhẹ dần, số lần ho ít hơn, tiếng rít giảm dần đến hết, cơn ho yếu, thở ngắn, dễ ra mồ hôi, khát nước, triều nhiệt, chất lưỡi đỏ. Phương pháp chữa là tư dưỡng phế âm, phế khí.