Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Đái tháo đường theo y học cổ truyền

 Bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Bệnh đã được các Y gia cổ mô tả từ rất sớm.

Từ thế kỷ IV – V trước công nguyên trong “Hoàng đế nội kinh – Tố vấn” đã nhắc đến chứng “tiêu” hay “tiêu khát”. Trong sách “Hoàng đế nội kinh – Linh khu, Ngũ biến thiên”  có viết: “Ngũ tạng giai nhu nhược giả, thiện bệnh tiêu đan” có nghĩa là: Ngũ tạng nhu nhược dễ mắc bệnh tiêu. Trong “Ngoại trị bị yếu, Tiêu khát môn” viết: “Tiêu khát giả, nguyên kỳ phát động, thử tắc thận suy sở trí, mỗi phát tức tiểu tiện chí điềm” nghĩa là: Bệnh tiêu khát ban đầu do thận suy nên mỗi khi tiểu tiện nước tiểu có vị ngọt.

Theo Đại Y thiền sư Tuệ Tĩnh: Tiêu khát là chứng trên thì muốn uống nước, dưới thì ngày đêm đi tiểu rất nhiều, nguyên nhân do dâm dục quá độ, trà rượu không chừng, hoặc ăn nhiều đồ xào nướng, hoặc uống thuốc bằng kim thạch làm cho khô kiệt chất nước trong thận, khí nóng trong tâm cháy rực, tam tiêu bị nung nấu, ngũ tạng khô ráo, từ đó sinh ra chứng tiêu khát. Theo “Hải thượng Y tông tâm lĩnh, Y trung quan kiện”: Bệnh tiêu khát phần nhiều là do hỏa tiêu hao chân âm, ngũ dịch bị khô kiệt mà sinh ra.

Bệnh nguyên bệnh cơ

Từ những ghi chép của y văn cổ qua các thời đại thấy có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh tiêu khát. Thứ nhất là do tiên thiên bất túc, tức nguyên khí bị hư. Thứ 2 là do hậu thiên: Do ăn uống thất điều, quá no hay quá đói, ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh thần không ổn định, tình chí thất điều làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Các nhân tố gây bệnh thường phối hợp với nhau gây ra những hội chứng bệnh trong bệnh tiêu khát.

Tiên thiên bất túc: Do bẩm tố tiên thiên bất túc, ngũ tạng hư yếu, tinh khí của các tạng đưa đến thận để tàng chứa giảm sút dẫn đến tinh khuy dịch kiệt mà gây ra chứng tiêu khát.

Ăn uống không điều độ: Ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây ra chứng tiêu khát.

Tình chí thất điều: Do suy nghĩ, căng thẳng thái quá, do uất ức lâu ngày, lao tâm lao lực quá độ mà ngũ chí cực uất hóa hỏa. Hỏa thiêu đốt phế, vị, thận làm cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư. Thận âm hư dẫn đến tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo, không đưa được nước, tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.

Phòng lao quá độ: Do đam mê tửu sắc, phòng lao quá độ làm thận tinh hao tổn, hư hỏa nội sinh làm tân dịch càng khuy kiệt. Cuối cùng thận hư, phế táo, vị nhiệt dẫn đến tiêu khát.

Dùng thuốc ôn táo kéo dài làm hao tổn tân dịch: Ngày xưa nhiều người thích dùng phương thuốc “Tráng dương chí thạch”, là loại thuốc táo nhiệt, làm tổn hại chân âm và sinh ra tiêu khát. Các thuốc tráng dương khác cũng thường có tính ôn táo, dùng lâu ngày cũng sinh táo nhiệt, hao tổn tân dịch mà gây bệnh.

Phân thể lâm sàng và điều trị

Người xưa quan niệm tiêu khát có 3 thể: Thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Cả 3 thể này đều biểu hiện tứ chứng cổ điển: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều. Thượng tiêu khát (phế nhiệt) sẽ gây ra uống nhiều, trung tiêu khát (vị nhiệt) sẽ gây ra ăn nhiều, hạ tiêu khát (thận âm hư) sẽ gây ra đái nhiều.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về lịch sử, kinh tế, xã hội mà bệnh tật cũng thay đổi theo. Qua quá trình nghiên cứu và điều trị, người ta nhận thấy cách phân chia trước đây không còn phù hợp. Với những bệnh nhân đái tháo đường hiện nay các triệu chứng cổ điển rất mờ nhạt, thay vào đó là các biểu hiện khác như: Giảm thị lực, tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành, rối loạn chuyển hóa Lipid… Vì vậy dựa vào nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện lâm sàng mà phân ra các thể bệnh sau:

Đái tháo đường thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn.

 Đái tháo đường thể vị âm hư, vị hỏa vượng.

Đái tháo đường thể  khí âm lưỡng hư.

 Đái tháo đường thể thận âm hư.

 Đái tháo đường thể thận dương hư.

Việc điều trị chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt. Dùng thuốc theo lý luận y học cổ truyền để chữa bệnh và điều trị các biến chứng.

Đái tháo đường thể vị âm hư tân dịch khuy tổn

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, ăn nhiều, mau đói, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng khô, mạch trầm huyền.

Pháp điều trị: Dưỡng âm sinh tân.

Đái tháo đường thể vị âm hư, vị hỏa vượng

Chứng hậu: Khát nước, uống nhiều, ăn nhiều, mau đói, mệt mỏi, nóng trong, tiểu nhiều, nước tiểu vàng đục, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.

Pháp điều trị: Tư âm thanh nhiệt.

 Đái tháo đường thể khí âm lưỡng hư

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, mệt mỏi, đoản khí, Lưng gối mỏi yếu, hồi hộp trống ngực, đau ngực, tự hãn, đạo hãn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chân tay tê bì, giảm thị lực, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm vi.

Pháp điều trị: Ích khí dưỡng âm.

Đái tháo đường thể thận âm hư

Chứng hậu: Miệng khát, mệt mỏi, đau lưng mỏi gối, ngũ tâm phiền nhiệt, ngủ ít, hay mê, đại tiện táo, nước tiểu vàng sẫm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: Tư bổ thận âm.

Đái tháo đường thể thận dương hư

Chứng hậu: Miệng khát, không muốn uống nước, mệt mỏi, đoản khí, sợ lạnh, chân tay lạnh, tự hãn, phù thũng, sắc mặt xám nhợt, đại tiện lúc lỏng lúc táo, tiểu tiện nhiều, nước tiểu đục, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng khô, mạch trầm vi vô lực.

Pháp điều trị: Bổ thận dương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét