ThS. Thái Hoàng Oanh
Mục tiêu1. Trình bày được biểu hiện bệnh lý ở cổ tử cung.
2. Trình bày được phương pháp điều trị viêm loét cổ tử cung bằng y học cổ truyền.
1. Đại cương
1.1. Theo y học hiện đại
Viêm loét cổ tử cung là bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tỷ lệ gặp khá cao (80%) trong bệnh phụ khoa, phổ biến hay gặp trong độ tuổi hoạt động tình dục. Nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực sẽ khỏi hẳn và tránh được những biến chứng xấu như viêm tắc ống dẫn trứng, viêm phần phụ, ung thư cổ tử cung.
Viêm cổ tử cung: có 2 hình thái viêm cổ tử cung là viêm trong cổ tử cung và viêm ngoài cổ tử cung.
− Lộ tuyến cổ tử cung: là tổn thương trong đó biểu mô trụ của ống tử cung phát triển và thay thế biểu mô lát của mặt ngoài cổ tử cung bị huỷ hoại. Về đại thể nhìn lộ tuyến những tổn thương loét, nếu làm nghiệm pháp thấm acid acetic 3% sẽ thấy tổn thương màu trắng, có những hạt như chùm nho.
− Lao và ung thư cổ tử cung: diện loét lao và ung thư thường không đều, sần sùi, chạm vào dễ chảy máu. Để chẩn đoán xác định cần phải làm tế bào học hoặc sinh thiết.
Nguyên nhân: thường do lây qua đường tình dục, nhiễm khuẩn sau các thủ thuật như đặt vòng, bơm hơi vòi trứng, nạo sẩy thai, sau đẻ, thiếu vệ sinh khi giao hợp, khi hành kinh….
1.2. Theo y học cổ truyền
Viêm loét cổ tử cung được mô tả trong chứng âm sang (âm là ở trong, sang là nhọt, lở loét).
Nguyên nhân: do can khí uất kết, do tỳ hư hoặc do ngoại nhân gây nên thấp nhiệt hạ tiêu. Thấp lâu ngày dẫn đến sinh loét, loét lâu dẫn đến sinh trùng (ngứa).
2. Điều trị
2.1. Theo y học hiện đại
Phải xác định mầm bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
− Nếu do vi khuẩn thường: khí hư vàng như mủ, có thể lẫn ít máu, âm đạo đỏ, cổ tử cung viêm đỏ.
Đặt thuốc kháng sinh phối hợp với estrogen: thường dùng colposeptin vừa có tác dụng sát khuẩn vừa có tác dụng estrogen, mỗi ngày đặt một viên vào âm đạo trong 20 ngày liên tục.
− Nếu viêm do lậu:khí hư đặc trắng hoặc xanh đục, phải điều trị cả nam giới.
− Nếu viêm do Gardnerella vaginalis (là loại Gram (âm) hình que): khí hư nhiều, hôi, đục, ngứa, cổ tử cung viêm loét, soi tươi khí hư sẽ thấy nhiều trực khuẩn gậy bám thì dùng ampicillin 2g/ngày hoặc amoxicilin 1g/ngày trong 10 ngày.
Ngoài dùng kháng sinh có thể vận dụng thêm đốt điện cổ tử cung, áp lạnh cổ tử cung.
2.2. Theo y học cổ truyền
Đặt thuốc tại chỗ chia làm 3 giai đoạn:
− Giai đoạn đầu: giảm tiết dịch và dọn sạch tổn thương
Đặt bột khứ hủ (khứ là khước, bỏ; hủ là chất bẩn, hôi), thành phần gồm:
Lá mỏ quạ Lá móng tay
Ngũ bội tử Bạch cập
Bằng sa Phèn phi
− Giai đoạn 2: chống viêm (khi mặt loét chỉ còn viêm đỏ) Đặt bột tiêu viêm, thành phần gồm:
Lá móng tay
Hoàng bá
Hoàng đằng
− Giai đoạn 3: tái tạo tổ chức
Đặt bột sinh cơ, thành phần gồm:
Nghệ vàng Mẫu lệ
Hoàng bá Ngũ bội tử
Lô cam thạch (oxyd kẽm)
Các loại thuốc đặt này đều được sản xuất tại Khoa dược Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Chú ý:
+ Thuốc đặt được làm dưới dạng bột đảm bảo độ PH của âm đạo (4,5) mỗi ngày đặt 10g, có thể đặt liên tục hoặc cách ngày.
+ Thời gian đặt thuốc: phụ thuộc vào tổn thương, không nhất thiết phải qua 3 giai đoạn.
+ Khi có kinh không đặt thuốc.
+ Ngoài thuốc đặt tại chỗ có thể dùng thuốc uống trong theo biện chứng.
+ Những trường hợp đặt thuốc và uống thuốc của y học cổ truyền không có kết quả phải kết hợp với y học hiện đại.
TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai
− Viêm loét cổ tử cung được mô tả trong chứng âm sang | Đ/S |
− YHHĐ thường dùng kháng sinh đặt tại chỗ | Đ/S |
− Không nên đốt điện cổ tử cung | Đ/S |
− Viêm cổ tử cung có thể biến thành ung thư cổ tử cung | Đ/S |
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền