Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

DỌA SẨY THAI (Động thai, thai lậu)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được định nghĩa, chẩn đoán động thai theo YHHĐ.
2. Trình bày được triệu chứng, nguyên nhân, phép điều trị các thể bệnh theo YHCT.
1. theo y học hiện đại
1.1. Định nghĩa
Doạ sẩy thai là giai đoạn đầu của sẩy thai. Trong giai đoạn này trứng còn sống chưa bị bong khỏi niêm mạc tử cung, nếu được điều trị sớm thì có thể giữ được thai.
1.2. Triệu chứng
Cơ năng: chậm kinh, ra máu là triệu chứng chủ yếu. Máu đỏ tươi hoặc đen, thường lẫn dịch nhầy, đau lưng, tức nặng bụng dưới, đau bụng (nếu đau có cơn co thì dễ bị sẩy thai).
Thực thể:khám âm đạo thấy cổ tử cung còn dài và đóng kín, tử cung to tương ứng với tuổi thai.
1.3. Chẩn đoán phân biệt
Triệu chứng Doạ sẩy Chửa ngoài TC Chửa trứng Thai lưu
Chậm kinh + + + +
Nghén ± ± ++ -
Ra máu Đỏ, ít Đỏ, nhiều Màu cà phê, kéo dài Đen
Đau bụng ± Dữ dội,
HA tụt
± ±
Khám TC tương ứng tuổi thai TC, BT và cùng đồ đau TC to hơn tuổi thai TC nhỏ hơn tuổi thai
Xét nghiệm hCG (+) hCG (+) hCG (++) hCG (-)
1.4. Xử trí
− Nghỉ ngơi, bất động.
− Thuốc chống co bóp tử cung: spasmaverin 0,04g x 2-4 ống/ngày tiêm bắp.
− Nếu đau nhiều và ra máu: spasmaverin 0,04g x 2-4 ống/ngày tiêm bắp.
 Lactacringer + spasfon 0,02gx 1-2 ống truyền tĩnh mạch.
 Amoxicilin 2g/ngày x 5-7 ngày uống.
− Thuốc nội tiết: utrogestan 100mg x 2-4 viên uống hoặc đặt âm đạo
2lần/ngày
Microfolin 0,05mg x 1viên/ngày hoặc provames 2mg x 1viên/ngày uống.
Trường hợp thai kém phát triển hoặc tiền sử sẩy thai lưu dùng pregnyl 1500đv x 1 ống tiêm dưới da cách ngày.
− Thời gian điều trị: thuốc giảm co dùng đến khi hết triệu chứng đau bụng. Thuốc nội tiết điều trị tối đa cho đến khi thai hết 13 tuần. Nếu sẩy thai cần kiểm tra buồng tử cung để tránh sót rau.
2. theo Y học cổ truyền
Tuỳ theo chứng bệnh để có các tên gọi như sau:
− Động thai.
− Nếu có tiền sử sẩy thai gọi là hoạt thai.
− Có thai đau bụng gọi là tử thống.
− Có thai ra máu gọi là thai lậu.
− Có thai nôn nhiều gọi là ác trở.
2.1. Nguyên nhân
Sách Ngữ khoa kinh luận có ghi: có thai mà thai không yên là vì xung - nhâm mạch đều hư, thai phụ không vững. Cũng có khi do uống rượu, dâm dục quá độ mà thai động không yên; có khi do vấp ngã mà thai động; có khi do khí giận mà tổn thương can, khí uất kết không thư thái làm huyết mạch không yên hoặc uống các thuốc kiêng kỵ gây động thai; cũng có khi người mẹ có bệnh mà động thai.
2.2. Thể bệnh và điều trị
2.2.1. Thể khí huyết hư
Triệu chứng: có thai mỏi lưng, tức nặng bụng hoặc đau bụng âm ỉ, chóng mặt, mệt mỏi, da khô, không ra máu hoặc ra ít, miệng nhạt không muốn ăn, mạch trầm hoạt.
Biện luận: do thai phụ vốn yếu hoặc khi mang thai có bệnh làm cho khí huyết hư, xung - nhâm vốn không vững chắc, không giữ được khí huyết; hoặc do tỳ khí hư không vận hoá được thuỷ cốc nên sinh huyết kém, xung nhâm yếu nên thai không được nuôi dưỡng. − Pháp điều trị: bổ khí, dưỡng huyết, an thai.
Phương: dùng bài Thai nguyên ẩm
Đảng sâm  12g Thục địa  12g
Đương quy  12g Đỗ trọng  8g
Bạch thược  12g Trần bì  8g
Bạch truật  12g Cam thảo  4g
Sắc uống ngày một thang, uống 10-20 thang.
Hoặc dùng bài Bát trân giảm xuyên khung; gia a giao, ngải diệp, tục đoạn.
Nếu thiên về huyết hư dùng bài Giao ngải thang (Tứ vật gia a giao, ngải diệp).
2.2.2. Thể huyết nhiệt
Triệu chứng: có thai mà ra huyết ri rỉ, sắc đỏ tươi, mặt đỏ, môi đỏ, lòng bàn tay nóng, miệng khô, tiểu tiện vàng ít, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
Biện luận: thai phụ vốn âm hư hoả vượng hoặc ăn nhiều chất cay nóng, nhiệt phục ở xung - nhâm làm huyết đi sai đường không nuôi dưỡng thai.
Phép điều trị: thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng huyết, an thai.
Phương: dùng bài Bảo âm tiễn
Sinh địa 12g   Tục đoạn 12g
Hoài sơn 20g   Cam thảo 4g
Hoàng bá  8g   Bạch thược 20g
Thục địa 12g   Hoàng cầm 12g
Nếu ra máu nhiều gia: cỏ mực sao, a giao nướng.
Nếu đau lưng nhiều gia: củ gai, tang ký sinh.
Sắc uống ngày một thang, uống 7-10 thang.
2.2.3. Thể thận hư
Triệu chứng: thai động không yên, ra máu, đau lưng, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, ù tai, tiểu tiện nhiều lần, người gầy, mặt xạm, rêu mỏng, chất lưỡi nhợt, mạch trầm hoạt mạch xích yếu.
Biện luận: do thận tiên thiên kém, thận khí hư yếu, tình dục thái quá, nạo sẩy nhiều lần làm ảnh hưởng xung - nhâm, do đó không giữ được thai.
Phép điều trị: bổ thận an thai.
Phương: dùng bài Bổ thận an thai ẩm
Thục địa 12g Cẩu tích 12g
Tang ký sinh 12g Đảng sâm 12g
Thỏ ty tử 12g Bạch truật 12g
A giao 12g Ngải diệp 6g
Đỗ trọng 12g ích trí nhân 8g
Hoặc bài Thái sơn bàn thạch: gồm bài Bát trân gia sa nhân 4g, hoàng cầm 10g, tục đoạn 12g.
Hoặc Bài thọ thai hoàn:
Thỏ ty tử 20g Tang ký sinh 20g
Tục đoạn 0g A giao 20g
Sắc uống ngày một thang , uống 7-10 thang.
2.2.4. Thể can khí uất
Triệu chứng: tinh Thần uất ức, ngực sườn đầy tức, ợ hơi, ăn kém, nôn, đau đầu, đau bụng, có thể ra máu tươi, mạch huyền hoạt.
Biện luận: do tình chí uất ức thương can, làm can khí uất kết không thư thái, khí nghịch lên làm ngực sườn đầy tức, thai động không yên.
Phép điều trị: sơ can giải uất, lý khí, an thai. − Phương: dùng bài Tử tô ẩm
Tô ngạnh 8g Đương quy 12g
Đại phúc bì 8g Xuyên khung 8g
Đảng sâm 12g Thông bạch 4g
Bạch truật 12g

2.2.5. Thể do ngoại thương
Triệu chứng: sau khi ngã vấp, thai động không yên, đau bụng, mỏi lưng, có thể ra máu âm đạo.
Phép điều trị: điều khí, dưỡng huyết, an thai.
Phương: dùng bài Tiểu phẩm trữ căn thang
Đương quy 12g Trữ ma căn 20g
Bạch thược 12g A giao 12g
Nếu đau lưng gia thêm: đỗ trọng 10g, tục đoạn 10g, tang ký sinh 12g.
Hoặc dùng bài An thai ẩm
Thục địa 16g Bạch thược 12g
Hoàng kỳ  12g Tục đoạn 12g
Đương quy  12g Hoàng cầm 8g
Hương phụ  8g Ngải diệp 8g
Xuyên khung  8g Đảng sâm 12g
Đỗ trọng 10g Cam thảo 4g
− Chú ý:
+ Những vị thuốc kiêng dùng khi có thai: thuốc phá huyết, thuốc tả hạ, thuốc độc như thuỷ ngân, thạch tín, mang tiêu, ba đậu, đào nhân, ngưu tất, hồng hoa, tam lăng, nhục quế… các thuốc có tính nóng.
+ Thuốc cẩn thận khi dùng: quy vĩ, xuyên khung, tang ký sinh.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai:
− Dọa sẩy thai là giai đoạn đầu của sẩy thai Đ/S
− Trong giai đoạn này thai còn sống Đ/S
− Cần chẩn đoán phân biệt với chửa trứng, thai lưu.. Đ/S
− Động thai cần phải điều trị kịp thời Đ/S
2. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể huyết hư.
3. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể thận hư.
4. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể can khí uất kết.
5. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể ngoại thương.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: