Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

BỆNH LOÃNG XƯƠNG

PGS.TS. Nguyễn Thị Bay
Mục tiêu
1. Nêu được định nghĩa, đặc điểm dịch tễ học và quan niệm của YHCT về bệnh loãng xương.
2. Trình bày được nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của loãng xương theo YHHĐ và YHCT.
3. Chẩn đoán được loãng xương theo YHCT và YHHĐ.
4. Trình bày được các phương pháp ứng dụng điều trị loãng xương theo YHCT và phân tích được cách điều trị này.
1. Đại cương
Xương là một mô liên kết đặc biệt có 3 chức năng: vận động, bảo vệ và chuyển hóa. Xương được cấu tạo bởi 2 thành phần cơ bản là khuôn xương và các hợp chất khoáng
Khuôn xương chiếm khối lượng lớn trong toàn bộ xương gồm các sợi colagen, các mô liên kết khác rất giàu chất glucoaminoglycin và các tế bào (tạo cốt bào và huỷ cốt bào). Trên các khuôn bằng chất hữu cơ này các hợp chất khoáng calci và phospho sẽ cố định và làm cho xương trở nên rắn chắc, chịu lực, chịu tải.
Mô xương luôn được thay cũ đổi mới trong suốt cuộc đời, hủy cốt bào phá hủy phần xương cũ, đồng thời tạo cốt bào tạo nên xương mới để bù đắp lại, hai quá trình này cân bằng nhau ở người trưởng thành, nhưng tạo nhiều hơn ở người trẻ và huỷ nhiều hơn ở người già.
Có nhiều yếu tố tác động vào sự điều hòa quá trình tạo và huỷ xương như: di truyền, tuổi, giới, dinh dưỡng, nội tiết, sự sinh sản, nghề nghiệp, các thói quen trong cuộc sống như vận động, tĩnh tại….
 
1.1. Định nghĩa
Là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng trong một đơn vị tổ chức xương, là hậu quả của sự suy giảm các khung protein và lượng calci gắn với các khung này. Về giải phẫu bệnh thấy các bè xương teo, mỏng và thưa, phần vỏ xương mỏng, tạo cốt bào thưa thớt, không thấy các đường diềm dạng xương (bordures ostéoides), tủy xương nghèo và thay bằng tổ chức mỡ.
1.2. Đặc điểm dịch tễ học của loãng xương
Loãng xương đang là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng, trong đó riêng loãng xương nguyên phát được các chuyên gia y học thống kê như sau:
ở Mỹ mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gãy xương do loãng xương, đòi hỏi chi phí lên tới 7 - 10 tỷ đô la mỗi năm cho các trường hợp này.
ở Pháp số phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh ước tính khoảng 4,5 triệu người trong đó 10% bị tàn phế.
ở châu Âu: 20% phụ nữ tuổi 65 có ít nhất là một hoặc nhiều tổn thương ở cột sống, xương cổ tay, cận đầu xương đùi và 40% trong số này sau đó có thể bị gãy xương.
ở Hồng Kông năm 1993 thống kê thấy có 380 trường hợp gãy xương trên 100000 phụ nữ và ở nam giới con số này là 200/100000.
1.3. Quan niệm của YHCT về bệnh loãng xương
Theo YHCT biểu hiện của loãng xương cũng được mô tả trong phạm vi chứng hư lao, là tên gọi chung của cả ngũ lao thất thương và lục cực.
Bệnh chứng này được nêu trong sách Nạn kinh và định cách điều trị. Sách Kim quỹ yếu lược đem chứng này thành ra một thiên riêng, viết thêm về cách phân biệt mạch, chứng và phương dược điều trị. Đến thời đại Kim nguyên thì Lý Đông Viên và Chu Đan Khê có thêm ý kiến về chứng lao quyện nội thương, Đông Viên sở trường dùng thuốc cam ôn để bổ trung khí và Đan Khê giỏi về thuốc tư âm để giáng hỏa. Sau đó các đời sau như Nguyên, Minh, Thanh đều có sách vở nói đến bệnh lý này.
Theo sách Nội kinh: ngũ lao là nhìn lâu hại huyết, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại thịt, đứng lâu hại xương, đi lâu hại gân (còn gọi là tâm lao, phế lao, tỳ lao, thận lao, can lao). Thất thương là ăn no quá hại tỳ; giận quá hại can; gắng sức, mang nặng quá, ngồi lâu chỗ đất ướt tổn thương thận; để thân thể bị lạnh tổn thương phế; buồn rầu lo nghĩ tổn thương tâm; mưa gió rét nắng thì tổn thương hình thể; khiếp sợ quá không tiết chế được thì tổn thương ý chí. Lục cực là khí cực, huyết cực, cân cực, cơ nhục cực, cốt cực, tinh cực.
Như vậy, loãng xương là một trong các bệnh lý thuộc chứng hư lao, đó là thận lao hay cốt cực.
2. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh
2.1. Nguyên nhân
Bản chất của loãng xương là do thiếu sót trong khâu sản xuất khung xương, còn các rối loạn chuyển hóa calci - phospho, nhất là tăng calci niệu chỉ là thứ phát và chỉ rõ rệt nếu loãng xương tiến triển nhanh chóng.
Người ta phân biệt loãng xương nguyên phát và thứ phát.
2.1.1. Loãng xương nguyên phát
Loãng xương nguyên phát gặp ở tuổi già, do quá trình lão hoá của tạo cốt bào gây nên thiểu sản xương, tuổi càng cao thì tình trạng thiểu sản xương càng tăng, cho đến khi trọng lượng riêng giảm trên 30% so với bình thường thì có dấu hiệu lâm sàng và coi là bệnh lý vì vượt quá giới hạn sinh lý bình thường.
Gặp ở tuổi mãn kinh do rối loạn và thiếu hụt kích tố nữ.
2.1.2. Loãng xương thứ phát
Thấy ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau:
− Bất động quá lâu: do bệnh, do nghề nghiệp, những người du hành vũ trụ ở lâu trong con tàu…
− Do bệnh ống tiêu hóa, hoặc do dinh dưỡng:
+ Hội chứng kém hấp thu.
+ Cắt đoạn dạ dày.
+ Thức ăn thiếu calci.
+ Bệnh Scorbut.
− Do có bệnh nội tiết: cường vỏ thượng thận (Cushing), suy tuyến sinh dục
(cắt buồng trứng, tinh hoàn), cường giáp, to viễn cực…
− Do thận: suy thận mạn (thải nhiều calci), chạy thận nhân tạo chu kỳ…
− Do thuốc: lạm dụng steriod, heparin…
2.2. Những yếu tố nguy cơ gây loãng xương
− Yếu tố di truyền.
− Thiếu sót trong cấu trúc hoặc trong tổng hợp chất tạo keo, thể trạng quá gầy.
− Do dùng thuốc: chống co giật, hóa trị liệu ung thư, lạm dụng rượu.
− Hút thuốc lá.
− Cafein: uống > 5 tách cà phê 1 ngày.
Bảng xếp loại nguyên nhân loãng xương theo mức độ xuất hiện
Hay gặp Hiếm gặp
Sau mãn kinh
Tuổi cao
Suy sinh dục (cắt bỏ buồng trứng)
Điều trị bằng corticoid
Bất động lâu
Ung thư (như đa u tuỷ xương)
Thiếu niên
Tráng niên
Rối loạn nhiễm sắc thể
Hội chứng Cushing
Cường giáp
Bệnh do ứ đọng sắt
2.3. Cơ chế sinh bệnh
Thiểu sản xương và mức độ nặng hơn của nó là loãng xương là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng giữa hai quá trình tạo xương và hủy xương, ở đây quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương bình thường; nguyên nhân của hiện tượng này giải thích bằng nhiều cách:
− Theo Albright: loãng xương là sự mất cân bằng giữa suy giảm nội tiết tố sinh dục trong khi nội tiết tố vỏ thượng thận bình thường.
− Theo Nordin: ở người già hấp thu calci qua đường tiêu hóa giảm, lượng calci qua đường tiêu hóa giảm, lượng calci máu thấp sẽ kích thích tuyến cận giáp tiết nhiều parathormon, chất này kích thích hủy cốt bào tăng cường hoạt động.
− Theo Frost: lão hoá của tạo cốt bào ở người già là nguyên nhân chủ yếu gây nên loãng xương, ở người trưởng thành hai quá trình tạo cốt và hủy cốt luôn cân bằng để duy trì cấu trúc bình thường của xương.
2.4. Phân loại
2.4.1. Loãng xương nguyên phát
Loãng xương nguyên phát được chia thành hai thể:
− Loãng xương tuổi mãn kinh: xuất hiện sau tuổi mãn kinh trong vòng 6 hoặc 8 năm, tổn thương loãng xương nặng ở phần xương xốp, do đó thường thấy các dấu hiệu ở cột sống như lún đốt sống, gù, còng. Thể này được gọi là loãng xương typ I.
− Loãng xương tuổi già: gặp cả ở nam và nữ xuất hiện sau tuổi 75, tổn thương loãng xương thấy nhiều ở phần xương đặc (vỏ các xương dài), thường biểu hiện bằng dễ gãy xương (cổ xương đùi, cổ tay). Thể này được gọi là loãng xương typ II.
2.4.2. Loãng xương thứ phát
Loãng xương thứ phát có triệu chứng lâm sàng giống loãng xương nguyên phát.
2.5. Nguyên nhân, bệnh sinh theo y học cổ truyền
2.5.1. Bẩm sinh không đầy đủ
Khi thụ thai, do cha mẹ tuổi lớn, sức yếu, tinh huyết kém, hoặc khi mang thai không điều dưỡng giữ gìn, sự dinh dưỡng cho thai nhi kém.
2.5.2. Lao thương quá độ
Làm việc phải đứng lâu và nhiều, gắng sức, mang nặng quá, ngồi lâu chỗ đất ẩm ướt.
2.5.3. Dinh dưỡng không đầy đủ
Dinh dưỡng không đầy đủ ảnh hưởng đến sự tạo tinh huyết, lại cảm nhiễm hàn tà làm rối loạn sự vận hành khí huyết trong cơ thể gây đau tức trong xương.
Tân dịch, tinh, huyết… bên trong cơ thể đều thuộc âm. Vì thế chứng âm hư bao gồm: huyết hư cùng chứng tân dịch bên trong bị khô ráo, âm tinh hao tổn do âm dịch không đầy đủ, hư hỏa bốc lên nên bệnh sinh sẽ có các biểu hiện sớm nhất là huyết hư dẫn đến khí hư, thận âm hư dẫn đến thận khí hư.
3. Chẩn đoán
3.1. Những biểu hiện lâm sàng
Những biểu hiện lâm sàng chỉ xuất hiện khi trọng lượng của xương giảm trên 30%. Triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện đột ngột sau một chấn thương nhẹ (ngã ngồi, đi ô tô đường xóc nhiều…) hoặc có thể xuất hiện từ từ tăng dần.
− Đau xương: thường đau ở vùng xương chịu tải của cơ thể (cột sống thắt lưng, chậu hông), đau nhiều nếu là sau chấn thương, đau âm ỉ nếu là tự phát. Đau tăng khi vận động đi lại, đứng ngồi lâu; giảm khi nằm nghỉ.
− Hội chứng kích thích rễ Thần kinh: đau có thể kèm với dấu hiệu chèn ép kích thích rễ Thần kinh như đau dọc theo các dây Thần kinh liên sườn, dọc theo dây Thần kinh đùi bì, dây tọa… đau tăng khi ho, hắt hơi, nín hơi… nhưng không bao giờ gây nên hội chứng ép tủy.
3.2. Thăm khám
− Cột sống: biến dạng đường cong bình thường như gù ở vùng lưng hay thắt lưng, gù có đường cong rộng (ít khi là gù nhọn), có thể lại quá cong về phía trước (hyperlordose), một số trường hợp gù ở mức độ nặng gập về phía trước gây nên tình trạng còng lưng (hay gặp ở loãng xương typ I sau mãn kinh). Chiều cao của cơ thể giảm vài cm so với lúc trẻ tuổi.
Nếu đau nhiều, các cơ cạnh cột sống có thể co cứng phản ứng, khiến bệnh nhân không làm được các động tác cúi, ngửa, nghiêng, quay; cột sống trông như cứng đờ. Gõ hoặc ấn vào các gai sau của đột sống bệnh nhân thấy đau trội lên.
− Toàn thân: không thấy các dấu hiệu toàn thân (nhiễm khuẩn, suy sụp, sút cân), thường thấy các rối loạn khác nhau như của tuổi già như béo bệu, giãn tĩnh mạch ở chân, thoái hóa khớp, tăng huyết áp, xơ vữa mạch.
3.3. Tiến triển
Đau do loãng xương tiến triển từng đợt, khi tăng, khi giảm, thường trội lên khi vận động nhiều, chấn thương nhẹ, thay đổi thời tiết.
Chiều cao cơ thể giảm dần, một số trường hợp lưng còng gập dần khiến cho các xương sườn cuối gần sát với xương chậu…
Người bị loãng xương rất dễ bị gãy xương, chỉ một chấn thương nhẹ có thể gây nên gãy cổ xương đùi, gãy hai xương cẳng tay (Pouteau - Colles), gãy xương sườn hoặc lún đốt sống chèn ép các rễ Thần kinh gây đau nhiều, hoặc không đi lại được.
3.4. Những dấu hiệu X quang
3.4.1. Những dấu hiệu của loãng xương
− Xương tăng thấu quang: trên tất cả các xương đều thấy trong sáng hơn bình thường, ở mức độ nhẹ còn thấy được cấu trúc các bè xương là những hình vân dọc hoặc chéo. Nếu loãng xương mức độ nặng thì cấu trúc bè mất, xương trong như thủy tinh, phần vỏ ngoài của đốt sống có thể đậm hơn tạo nên hình ảnh “đốt sống bị đóng khung”.
− Hình ảnh thân đốt sống biến dạng: tất cả thân đốt sống biến dạng ở các mức độ khác nhau (hình lõm mặt trên, hình thấu kính phân kỳ, hình chêm, hình lưỡi…). Nói chung chiều cao thân đốt sống giảm rõ, có thể di lệch một phần, đĩa đệm ít thay đổi so với đốt sống.
− Hình ảnh cốt hóa và vôi hóa: cùng với quá trình loãng xương, calci lắng đọng ở một số dây chằng, sụn sườn, thành các động mạch lớn và động mạch chủ tạo nên các hình cản quang bất thường.
3.4.2. Đánh giá mức độ loãng xương bằng X quang
Trên phim chụp rất khó đánh giá mức độ cản quang nhiều hay ít, vì nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố (điện thế, khoảng cách, chất lượng phim và thuốc hiện hình…); do đó người ta phải sử dụng một số phương pháp đánh giá như:
− Đo chỉ số Barnett và Nordin: dựa vào hình ảnh X quang của xương bàn tay số 2 (métacarte), đo đường kính của thân xương D và đường kính của phần tủy xương d.

Chỉ số này bình thường là trên 45, nếu giảm dưới 45 được coi là loãng xương.
− Đo mật độ xương: loãng xương khi < -2.
− Chỉ số Singh.
− Chụp đầu trên xương đùi ở tư thế thẳng: bình thường thấy có 4 hệ thống dải xương, trong loãng xương các hệ thống dải xương này bị đứt gẫy, mất đi ít hay nhiều tùy theo mức độ nặng nhẹ của loãng xương; chỉ số 7 là bình thường, chỉ số 1 là nặng nhất.
3.4.3. Xét nghiệm sinh hóa
− Các xét nghiệm calci máu, phospho máu, men phosphatase kiềm, hydroxyprolin niệu đềubình thường.
− Nghiệm pháp tăng calci máu: tiêm tĩnh mạch 20ml gluconat calci 10%, lấy toàn bộ nước tiểu trong 9 giờ sau khi tiêm, định lượng số calci thải ra rồi so sánh với lượng calci thải ra 9 giờ ngày hôm trước lúc chưa tiêm. ở những người loãng xương sau khi tiêm, lượng calci thải ra cao hơn lúc bình thường 30% trở lên (vì khả năng hấp thu và giữ calci ở người loãng xương kém hơn người bình thường).
− Nghiệm pháp vitamin D2: cho bệnh nhân uống 2 ngày liền mỗi ngày 15mg vitamin D2. Sau đó định lượng calci niệu 24 giờ sau, 48 giờ và 5 ngày sau; bình thường calci niệu tăng 50-100mg trong 24 giờ đầu, sau đó trở về bình thường. ở người loãng xương calci niệu tăng nhiều và kéo dài nhiều ngày sau.
− Nghiệm pháp cortison: trong 5 ngày mỗi ngày uống 25mg prednisolon, định lượng calci niệu từng ngày. Bình thường calci niệu không thay đổi, ở bệnh nhân loãng xương có calci niệu tăng nhiều và kéo dài.

Chẩn đoán loãng xương:
• Đau xương ít hay nhiều kéo dài
• Có hiện tượng gẫy xương tự nhiên
• Phát hiện ngẫu nhiên khi chụp X quang
• Giảm chiều cao
• Calci huyết, phospho huyết và phosphatase kiềm bình thường
• Mất chất khoáng chủ yếu là ở cột sống và khung chậu
• Đo mật độ xương
Cần chẩn đoán phân biệt: nhuyễn xương, cường cận giáp, đa u tuỷ xương, di căn xương do ung thư…
 
4. Điều trị
Chứng hư lao lấy nguyên khí hao tổn làm đặc trưng.
Việc điều trị ngoài sử dụng thuốc còn phối hợp các phương pháp tập luyện, khí công, xoa bóp, châm cứu, điều hòa sinh hoạt hằng ngày và ăn uống cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị.
4.1. Điều trị dùng thuốc
4.1.1. Khí huyết hư
Phép trị: điều bổ khí huyết.
− Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang gia giảm (gồm: hoàng kỳ, bạch truật, trần bì, thăng ma, sài hồ, đảng sâm, đương quy, chích thảo).

Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Nhân sâm Ngọt, hơi đắng, bình; vào tỳ, phế: đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân Quân
Hoàng kỳ Ngọt, ấm; vào tỳ phế: bổ khí, thăng dương khí của tỳ, chỉ hãn, lợi thủy Thần
Trần bì Cay, đắng, ấm; vào tỳ phế: hành khí, bình vị, hóa đờm, trừ thấp Thần
Sài hồ Đắng, hàn; vào can đởm, tâm bào, tam tiêu: tả nhiệt, giải độc, thăng đề Thần
Thăng ma Cay ngọt, hơi đắng; vào phế, vị, đại tràng: thanh nhiệt, giải độc, thăng đề Thần
Bạch truật Ngọt, đắng, ấm; vào tỳ vị: kiện tỳ, táo thấp, chỉ hãn, an Thần
Bạch linh Ngọt, nhạt, bình; vào tâm, tỳ, phế, thận: lợi niệu thẩm thấp, kiện tỳ, an Thần
4.1.2. Thận âm hư
Phép trị: bổ thận, ích tinh, tư âm, dưỡng huyết.
− Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn gia vị
Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Thục địa Ngọt, hơi ôn: nuôi thận dưỡng âm, bổ thận, bổ huyết Quân
Hoài sơn Ngọt, bình: bổ tỳ vị, bổ phế thận, sinh tân chỉ khát Quân
Sơn thù Chua, sáp, hơi ôn: ôn bổ can thận, sáp tinh chỉ hãn Thần
Đơn bì Cay, đắng, hơi hàn: thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết, chữa nhiệt nhập doanh phận
Phục linh Ngọt, nhạt, bình: lợi thủy, thẩm thấp, bổ tỳ định tâm
Trạch tả Ngọt, nhạt, mát: thanh tả thấp nhiệt ở bàng quang
4.1.3. Thận khí hư
Phép trị: bổ thận, trợ dương.
− Bài thuốc: Hữu quy hoàn
Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Phụ tử Đại nhiệt, có độc, cay, ngọt: hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, trực phong hàn thấp tà Quân
Quế Cay, ngọt, đại nhiệt hơi độc: bổ mệnh môn tướng hỏa Quân
Thục địa Ngọt, hơi ôn: nuôi thận dưỡng âm, bổ thận, bổ huyết Quân
Hoài sơn Ngọt, bình: bổ tỳ vị, bổ phế thận, sinh tân chỉ khát Quân
Sơn thù Chua sáp, hơi ôn: ôn bổ can thận, sinh tân chỉ hãn Thần
Kỷ tử Ngọt, bình: bổ can thận, nhuận phế táo, mạnh gân cốt Thần
Đỗ trọng Ngọt, ôn, hơi cay: bổ can thận, mạnh gân cốt Thần
Cam thảo Ngọt, bình: bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa vị thuốc Sứ
− Điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc:
+ Châm cứu: châm bổ hoặc cứu bổ các huyệt quan nguyên, khí hải, thận du, thái khê, mệnh môn, tam âm giao, thái xung, túc tam lý.
Bấm huyệt vùng giáp tích 2 bên cột sống và tỳ du, vị du.
+ Ăn uống: ăn đầy đủ chất, chú ý vitamin và khoáng chất.
+ Tập luyện: thể dục vận động khởi đầu từ nhẹ đến mạnh dần (cho những người già mới bắt đầu tập) tốt nhất là đi bộ (từ đi bách bộ bình thường đến đi nhanh và sau đó chạy) và bơi lội; chú ý những tác động xương theo chiều dọc của cơ thể sẽ giúp xương mau chắc khỏe hơn, ngoài ra tất cả các môn hoạt động thể lực đều tốt như đánh cầu, khiêu vũ, tập võ dưỡng sinh… Luyện thở giúp sự trao đổi khí tốt hơn, hỗ trợ cho sự tạo lập lại Quân bình giữa tạo xương và huỷ xương, theo xu hướng giảm quá trình huỷ xương và quan trọng hơn nữa qua đó chống được sự lão hóa tế bào cơ thể nói chung.

1 nhận xét: