PGS.TS. Nguyễn Thị Bay
Mục tiêu 1. Nêu được định nghĩa, đặc điểm dịch tễ học và quan niệm về viêm sinh dục nữ theo YHCT.
2. Nêu được nguyên nhân, bệnh sinh, các biểu hiện lâm sàng của viêm sinh dục nữ theo YHHĐ và YHCT.
3. Chẩn đoán được các thể lâm sàng của viêm sinh dục nữ theo YHCT.
4. Trình bày được những nguyên tắc và các phương pháp ứng dụng điều trị viêm sinh dục nữ theo YHHĐ và YHCT.
5. Trình bày và giải thích được cơ sở lý luận của việc điều trị viêm sinh dục nữ bằng YHCT.
1. Đại cương
1.1. Khái niệm
Viêm sinh dục nữ là loại bệnh phụ khoa thường gặp (trong đó có cả bệnh thuộc nhóm bệnh xã hội lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc tình dục và nhiễm các loại vi khuẩn thông thường do cơ hội). ở các nước đang phát triển, 3 bệnh viêm nhiễm đường sinh dục do vi khuẩn (lậu, nhiễm Chlamydia và giang mai) nằm trong số 10 đến 20 bệnh mắc cao nhất gây ảnh hưởng đến chỉ số sức khỏe và sinh sản hàng năm cho người phụ nữ do các biến chứng như viêm vòi trứng, vô sinh, thai ngoài tử cung và tử vong chu sinh.
− Các tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là lậu cầu, Chlamydia trachomatis, xoắn khuẩn Trepomenema pallidum, Trichomonas vaginalis, nấm
Candida albicans, các virus.
− Nguồn lây chủ yếu là những người trưởng thành có tiếp xúc giao hợp, nhóm nguy cơ lây lan cao là gái mại dâm.
− Đường lây: lây truyền qua đường sinh dục, tuy nhiên vẫn có thể lây qua khi dùng chung dụng cụ, áo quần …
1.2. Định nghĩa
Đặc điểm lâm sàng khởi đầu bằng tình trạng viêm niêm mạc cơ quan sinh dục nữ, gây viêm tại chỗ, sau đó lan theo chiều dài bộ phận sinh dục và gây bệnh toàn thân. Triệu chứng chung là có nhiều huyết trắng. Viêm sinh dục phân làm 2 hội chứng lâm sàng chính:
− Viêm sinh dục dưới gồm: viêm âm hộ, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung.
− Viêm sinh dục trên (viêm tiểu khung) gồm: viêm tử cung, viêm phần phụ.
1.3. Quan niệm viêm sinh dục nữ theo y học cổ truyền
Các biểu hiện của viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục nữ nằm trong phạm vi mô tả của chứng đới hạ.
Đới có nghĩa dây thắt lưng quần, hạ có nghĩa ở phần dưới.
Theo nghĩa rộng (Nội kinh): đới hạ là bệnh phát sinh ở phần dưới lưng quần, bao gồm tất cả các bệnh thuộc kinh đới, thai, sản. Theo nghĩa hẹp: đới hạ dùng để chỉ một chất dịch dẻo, nhớt, chảy từ trong âm đạo ra liên miên không dứt, thường hay gọi là khí hư hay huyết trắng.
Trong phạm vi này muốn trình bày chứng đới hạ có biểu hiện là có chất dịch tiết ra từ âm đạo người phụ nữ trong tình trạng viêm nhiễm bộ phận sinh dục bao gồm tất cả các tên được phân loại theo màu sắc, tính chất của dịch tiết như sau: bạch đới, hoàng đới, bạch dâm, bạch băng, thanh đới, bạch trọc, xích đới, hắc đới, xích bạch đới, ngũ sắc đới.
2. Nguyên nhân, bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng theo y học hiện đại
2.1. Viêm sinh dục có hệ thống do vi trùng lậu
2.1.1. Nguyên nhân
Do vi khuẩn Neisseria gonorrhrea (lậu cầu), thuộc nhóm Gram âm, do Neisser tìm ra năm 1879. Vi khuẩn di chuyển từng hồi bám vào niêm mạc của bộ phận sinh dục. Lậu cầu rất yếu, chết rất nhanh ở nhiệt độ thường, nó chỉ phát triển được ở môi trường có độ ẩm, nhiệt độ thích hợp, nhiều khí CO2 và giàu chất dinh dưỡng. Đời sống khoảng 4 giờ và cứ 15 phút lại phân chia một lần.
2.1.2. Dịch bệnh học
Khoảng 99% bệnh lây truyền do giao hợp giữa nam và nữ, phụ nữ mang mầm bệnh có khả năng lây truyền bệnh qua nhiều tháng, nhiều năm.
2.1.3. Sinh bệnh học
− Bệnh khởi đầu bằng tình trạng viêm cấp của niệu đạo, viêm tuyến Bartholin và niêm mạc âm đạo, cổ tử cung. Vi khuẩn lậu xâm nhập vào niêm mạc bộ phận sinh dục, gây phản ứng viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đa nhân để thực bào nên làm tiết ra mủ ở niệu đạo, âm đạo.
− Sau đó vi trùng lan theo nội mạc tử cung, gây viêm tử cung, viêm phần phụ. Nội mạc tử cung phù, sung huyết, nhưng tình trạng bệnh lý thường tự thuyên giảm vì mủ, có thể tự thoát ra ngoài qua cổ tử cung. Mủ có thể tự thoát ra khỏi vòi trứng, vào ổ bụng gây viêm phúc mạc vùng chậu, tụ mủ vòi chậu. Nhưng do vi trùng lậu là vi trùng ăn lan trong lớp niêm mạc nên về sau vòi trứng dễ bị bịt kín, ứ mủ hoặc nước, hậu quả là vô sinh.
2.1.4.Triệu chứng và chẩn đoán
− Triệu chứng cơ năng: sốt, đau vùng chậu, tiểu gắt, tiểu nhiều lần, tiểu ít.
− Triệu chứng thực thể: tuyến Bartholin viêm đỏ, có mủ, huyết trắng nhiều, dịch đục như mủ, niêm mạc âm đạo viêm đỏ.
− Thăm âm đạo: âm đạo, tử cung, hai phần phụ rất đau, đôi khi có bọc mủ làm phồng túi cùng Douglas.
− Xét nghiệm:
+ Công thức máu: bạch cầu tăng với tỷ lệ đa nhân trung tính tăng.
+ Soi tươi dịch âm đạo: nhuộm Gram có vi trùng lậu (song cầu trùng).
+ Cấy trùng: có vi trùng lậu.
2.1.5. Điều trị
− Nguyên tắc: điều trị đúng, sớm và đủ liều, luôn điều trị cả cho người chồng hoặc bạn tình.
− Thuốc kháng sinh: procain penicillin hoặc tetracyclin, clarithromycin (nếu dị ứng).
2.2. Viêm sinh dục do những nguyên nhân khác
2.2.1. Viêm âm đạo và cổ tử cung do Trichomonas vaginalis
a. Sinh bệnh học
Bình thường pH âm đạo acid, pH = 4,5 - 5 (do vi trùng Doderlein biến đổi glycogen ở tế bào âm đạo thành acid lactic. Khi pH âm đạo bị kiềm, dễ bị Trichomonas xâm nhập. Tỷ lệ nhiễm bệnh chiếm khoảng 25% số phụ nữ có viêm sinh dục, ở phụ nữ vệ sinh kém, thường lây qua giao hợp.
b. Triệu chứng
− ít ngứa rát âm đạo, ít đau khi giao hợp.
− Huyết trắng nhiều, loãng, vàng hơi xanh, có bọt, hôi.
− Niêm mạc cổ tử cung và âm đạo có nhiều nốt đỏ lấm tấm.
c. Chẩn đoán
− Soi tươi dịch âm đạo: tìm được Trichomonas bơi trong giọt dung dịch sinh lý.
− Nhuộm Giêmsa.
d. Điều trị: metronidazol (flagyl), hiệu quả 95%.
2.2.2. Viêm âm đạo và cổ tử cung do nấm Candida albicans
a. Sinh bệnh học: nấm Candida bình thường tìm thấy trong ống tiêu hóa, các hốc tự nhiên và có sự bình Quân giữa các tạp khuẩn sống cộng sinh, không gây bệnh. Nếu dùng kháng sinh bừa bãi hoặc corticoid, cơ thể giảm sức đề kháng thì nấm Candida sẽ tăng trưởng và gây bệnh. Tỷ lệ nhiễm bệnh là 10% tổng số viêm sinh dục, thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường, dùng kháng sinh nhiều
b. Triệu chứng
− Ngứa âm hộ, âm đạo nhiều.
− Huyết trắng màu trắng đục, đặc, lợn cợn.
− Niêm mạc âm đạo sưng đỏ, phù nề có cặn trắng như sữa bám vào cổ tử cung hoặc thành âm đạo.
c. Chẩn đoán
− Soi tươi với KOH 10%: 40 - 80% các trường hợp thấy sợi tơ nấm và bào tử nấm.
− Nhuộm Gram: 70 - 80% trường hợp thấy sợi tơ nấm và bào tử nấm.
d. Điều trị: mycostatin đặt âm đạo, uống 500000 đơn vị mỗi lần 1 viên,
3 lần/ngày x 14 ngày
2.2.3. Viêm âm đạo, cổ tử cung do tạp trùng
a. Sinh bệnh học: loại tụ cầu chiếm ưu thế, phụ nữ mang những chủng vi khuẩn không gây bệnh nhưng khi sức đề kháng yếu do bệnh nhiễm trùng, hoặc kháng sinh bừa bãi … thì các chủng vi khuẩn tăng độc lực và gây bệnh. b. Triệu chứng
− Ngứa âm đạo ít, ít đau do giao hợp.
− Huyết trắng vàng như mủ, lượng nhiều.
c. Chẩn đoán: tìm vi trùng bằng nhuộm Gram, cấy trùng.
d. Điều trị: lựa chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ, đặt thuốc âm đạo.
2.2.4. Viêm nội mạc tử cung
a. Viêm nội mạc tử cung cấp
Thường gặp sau sinh (do sót nhau hay nhiễm trùng ối), sau nạo thai nhiễm trùng, do vi trùng lậu.
− Triệu chứng và chẩn đoán viêm nội mạc tử cung cấp: tùy thuộc vào triệu chứng của vi trùng gây bệnh, tuỳ sức đề kháng của bệnh nhân và tùy tình trạng dẫn lưu của buồng tử cung
+ Viêm nhẹ: sốt nhẹ, có sản dịch hôi.
+ Viêm nặng: sốt cao mạch nhanh, có mủ từ tử cung chảy ra, cổ tử cung viêm đỏ.
+ Viêm tắc tĩnh mạch: tử cung lớn, co lại kém, di động tử cung rất đau.
+ Làm xét nghiệm: lấy dịch âm đạo, cấy trùng để chẩn đoán.
+ Cần chẩn đoán phân biệt:
▪ Viêm nôi mạc tử cung cấp do vi trùng lậu.
▪ Viêm ruột thừa cấp.
▪ Viêm bể thận.
− Điều trị:
+ Kháng sinh theo khánh sinh đồ, liều cao.
+ Nong cổ tử cung, nạo tử cung sau khi cho kháng sinh.
+ Phẫu thuật nguồn nhiễm trùng trong những trường hợp điều trị bảo tồn không kết quả.
b. Viêm nội mạc tử cung mạn
Thường là di chứng của viêm cấp, xảy ra sau viêm cấp, sau xảy thai hoặc do có u xơ tử cung dưới niêm mạc − Triệu chứng lâm sàng:
+ Đau hạ vị âm ỉ, cảm giác nặng vùng hạ vị, đau lưng, đau bụng khi có kinh; tiểu tiện gắt, buốt
+ Rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh bị ngắn lại, rong kinh.
+ Huyết trắng nhiều, loãng, màu vàng, hôi.
+ Vô sinh, dễ sẩy thai hoặc nhau tiền đạo.
+ Khám: tử cung nhỏ, di động đau.
− Điều trị:
+ Điều trị những ổ nhiễm trùng ở âm đạo, cổ tử cung nếu có.
+ Kháng sinh thích hợp.
+ Nạo tử cung sau khi cho kháng sinh 3 ngày.
2.2.5. Viêm phần phụ (viêm vòi trứng và buồng trứng)
a. Viêm phần phụ cấp
Đây là biến chứng của viêm nội mạc tử cung cấp sau sinh, sau nạo.
− Triệu chứng:
+ Giống bệnh cảnh của viêm nội mạc tử cung cấp, kèm sốt cao, hai bên phần phụ rất đau.
+ Huyết trắng như mủ, mùi hôi, lượng nhiều.
+ Khám thấy hai phần phụ đau nhưng mềm, không nề.
− Điều trị:
+ Điều trị những ổ nhiễm trùng ở âm đạo, cổ tử cung, nếu có.
+ Kháng sinh thích hợp.
+ Phẫu thuật nếu có áp xe phần phụ.
Đặc điểm của viêm phần phụ do các loại vi trùng khác (không phải vi trùng lậu) là vi trùng đi theo đường bạch huyết gây viêm lớp thanh mạc và cơ vòi trứng, niêm mạc vòi trứng vẫn bình thường nên về sau vẫn có nhiều khả năng sinh sản.
b. Viêm phần phụ mạn
Thường xảy ra sau viêm phần phụ cấp mà điều trị không đầy đủ.
− Triệu chứng:
+ Giống như viêm nội mạc tử cung mạn: tử cung to; hai phần phụ nề, dày, hơi đau.
+ Khám có khối đau dính ở cạnh tử cung (hai bên), có thể có bọc áp xe ở hai bên phần phụ.
− Điều trị:
+ Kháng sinh liều cao.
+ Corticosteroid, chườm nóng.
+ Vật lý trị liệu bằng làn sóng điện ngắn.
+ Phẫu thuật nếu điều trị nội khoa không kết quả.
3. Nguyên nhân, bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng theo y học cổ truyền
Nguyên nhân sinh chứng đới hạ do nội nhân, ngoại nhân, bất nội ngoại nhân.
− Nội nhân: do tình chí bất ổn, thể chất suy nhược ảnh hưởng chủ yếu đến 2 tạng can và tỳ (can kinh uất hỏa, tỳ khí suy yếu). Sách Phó thanh chủ nữ khoa viết: “Hễ tỳ khí hư, can khí uất, đều có thể sinh ra bệnh đới hạ”.
− Ngoại nhân: phong hàn, thấp nhiệt, đàm thấp dễ xâm phạm vào cơ thể khi cơ thể đang lao thương quá độ gây khí huyết hao tổn, nhưng chỉ khi tà nhập đến phần bào lạc thì mới gây ra chứng đới hạ.
− Bất nội ngoại nhân: do ăn uống no say quá mà giao hợp, hoặc dùng nhiều chất cao lương mỹ vị hoặc uống dạng thuốc khô táo lâu ngày tổn thương tới âm huyết làm dương khí bị nén xuống cũng tạo thành chứng đới hạ. Tuy rằng có nhiều nguyên nhân để sinh ra bệnh nhưng chỉ khi bệnh tà gây bệnh ở cửa bào cung làm cho mạch xung, nhâm bị thương tổn mới là nguyên nhân chính của các bệnh đới hạ, như khi chức năng tỳ bị rối loạn, tỳ dương mất khả năng vận hóa được thấp trọc đình trệ ở bên trong phải chảy xuống bào cung, làm rối loạn mạch xung, nhâm mới phát sinh ra chứng đới hạ.
Hậu quả của bệnh lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới nguyên khí làm cơ thể suy yếu có hại cho việc sinh sản, truyền giống nên cần chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Tùy thuộc vào màu sắc, tính chất biểu hiện bệnh, lâm sàng YHCT chia ra làm nhiều loại: bạch đới, băng đới, xích bạch đới…
3.1. Bạch đới
Bạch đới là từ dùng để chỉ một thứ nhớt màu trắng, dẻo, kéo dài như sợi từ trong âm đạo chảy ra.
3.1.1. Nguyên nhân
− Do ngoại nhân: phong hàn hoặc thấp nhiệt hoặc đờm thấp xâm phạm vào bào lạc làm rối loạn và thương tổn đến bào cung đồng thời làm tổn thương âm khí mà sinh ra bạch đới.
− Do nội nhân thất tình, làm rối loạn chức năng của can, tỳ, thận mà sinh bệnh.
− Do phòng dục quá độ làm tổn thương nguyên khí cũng sinh bệnh.
3.1.2. Các thể lâm sàng
a. Thể tỳ hư
Tỳ hư nên thấp thổ bị hãm xuống, tỳ tinh không giữ được để tạo vinh huyết mà chảy xuống chất trắng nhờn.
Triệu chứng xuất hiện lượng đới nhiều, uể oải, sắc da vàng, chân tay lạnh, chân phù, tiêu lỏng. Nếu kèm can uất hóa nhiệt thì chất đới dẻo dính hôi, màu vàng, tiểu đỏ sẻn và đau.
b. Thể thận hư
Kỳ kinh bát mạch thuộc thận kinh, khi thận tinh suy thì đới mạch giọt xuống.
Triệu chứng xuất hiện lượng đới ít, màu trong, lai rai, rỉ rả, sắc mặt xanh bạc, tinh lực yếu, đầu choáng. Nếu kèm thận dương suy sẽ tiểu nhiều lần, đầu choáng, yếu mỏi lưng gối.
c. Thể khí uất
− Lượng đới xuống khi nhiều khi ít, tinh Thần không thoải mái.
− Ngực sườn tức, đau vú, chóng mặt, hồi hộp.
− ợ hơi, nôn, ăn ít, rêu lưỡi bạc nhờn, mạch huyền hoạt.
d. Thể phong hàn
Lượng đới nhiều, màu trong như nước, sợ lạnh, chi lạnh, tiểu trong dài. e. Thể thấp nhiệt
Lượng đới nhiều, chất đới nhờn, màu đục tanh hôi, ngứa âm hộ, tiểu tiện không thông, choáng váng, mệt mỏi, rêu lưỡi dày nhờn, mạch nhu.
f. Thể đàm thấp
Lượng đới ra nhiều, giống như đàm.
Người béo bệu, uể oải, choáng váng, ngực đầy tức, bụng nặng nề, ăn ít, đàm nhiều, nôn oẹ, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền hoạt.
g. Thể hư hàn
Lượng đới ít, sắc trong, kéo dài không dứt, sắc mặt xanh, tinh lực yếu, chi lạnh, choáng váng, hồi hộp, đoản khí, rêu lưỡi mỏng, mạch trì vi.
h. Thể hư nhiệt
− Bạch đới lâu ngày, miệng đắng, họng khô đau.
− Ngũ tâm phiền nhiệt, hồi hộp, lo sợ.
− Lưỡi hồng nẻ, không rêu.
− Mạch hư, tế, sác.
3.2. Bạch băng
Thứ nước nhớt như nước vo gạo, màu trắng từ âm đạo chảy ra lượng ồ ạt, ào xuống nên gọi là bạch băng. Đây là chứng bạch đới trong thời kỳ nặng.
3.2.1. Nguyên nhân
− Do phong hàn hoặc thấp nhiệt.
− Nhưng phần nhiều do rối loạn chức năng can, tỳ, thận.
3.2.2. Các thể lâm sàng
a. Thể thấp nhiệt
Bạch đới như băng màu vàng, hôi; bụng dưới đau sưng, lưng gối mỏi, nặng đầu, miệng đắng nhớt, mạch hoạt sác.
b. Thể hư tổn
Do lao tổn quá ảnh hưởng tới bào lạc làm nguyên khí quá hư.
Triệu chứng: bạch đới nhiều, lâu ngày không hết, sắc mặt xanh bạc, lưỡi hồng, rêu có đường nứt nẻ. Nếu tỳ thận dương hư thì chân tay lạnh, ngũ canh tả, mạch trầm trì vi.
c. Thể khí uất
Lo nghĩ nhiều, tình chí u uất, bạch đới xuống nhiều như băng, sắc mặt xanh bạc, tinh Thần uất ức, xây xẩm, mệt mỏi, ngực tức, đau hông sườn, bụng trướng, sôi ruột, mỏi lưng yếu sức, mạch huyền sác.
3.3. Xích bạch đới
3.3.1. Triệu chứng
Chất nhớt đặc, có lẫn lộn màu đỏ trắng từ âm đạo chảy ra.
3.3.2. Các thể lâm sàng
a. Thể thấp nhiệt
Lượng đới rất nhiều, chất dẻo dính tanh hôi thối, nặng thì trong âm hộ sưng đau, ăn kém, bụng dưới trướng, ướt ngứa âm hộ.
b. Thể huyết ứ
Vì bên trong có ứ trệ nên đới hạ đỏ trắng, bụng dưới đau, hành kinh khó, kinh đến trước kỳ, lưỡi tím thâm, mạch trì sác.
c. Thể khí uất
Do tình chí uất ức, giận dữ làm tổn hương tâm tỳ, huyết không quy về kinh được nên sinh đới hạ xích bạch. Triệu chứng xuất hiện ngoài dấu xích bạch đới, bệnh nhân còn than phiền về tình trạng bực bội, khó ngủ; đồng thời ăn uống không ngon.
d. Thể hư hàn
Đới hạ xích bạch lâu ngày không bớt, bụng dưới đau, âm đạo đau, chân tay lạnh, sắc mặt xanh bạc, tổng trạng hư hàn.
e. Thể hư nhiệt
Do âm hư phiền nhiệt, nội hỏa thịnh. Triệu chứng kèm choáng váng, tâm phiền, mất ngủ, miệng khô, cổ khát, táo bón, tiểu ít.
3.4. Xích đới
Trong âm đạo chảy ra thứ nước dính màu đỏ nên gọi là xích đới. Xích đới không phải là huyết dịch, chảy rỉ rả lai rai không dứt. Thật ra đới hạ ròng đỏ là thuộc về kinh lậu (rong kinh) xen lẫn với sắc trắng là xích bạch đới hạ cho nên khó phân biệt rõ. Chứng bệnh này có thể tương đương với y học hiện đại là rong huyết hoặc khí hư do bệnh ác tính ở tử cung.
3.4.1. Nguyên nhân
− Do thấp nhiệt sinh hỏa.
− Có thể do tâm hỏa, can hỏa vượng lên lâu ngày làm khí huyết hư tổn. Khí hư không nhiếp được huyết mà gây bệnh.
3.4.2. Các thể lâm sàng
a. Thể thấp nhiệt
Lượng đới nhiều, chất nhớt, dính hôi tanh, miệng đắng, họng khô khát, khó ngủ, táo bón, tiểu đỏ vàng ít, tiểu đau, lưỡi hồng rêu vàng, mạch hoạt sác. b. Thể hư nhiệt
Xích đới tanh hôi, đặc.
+ Nếu huyết hư kèm can hỏa vượng: có triệu chứng tức ngực, đau hông sườn, nóng nảy, dễ giận, mạch huyền tế.
+ Nếu huyết hư kèm tâm hỏa vượng: choáng váng, ngực phiền, ngủ không yên, họng khô khát nước, lưỡi đỏ hồng, chót lưỡi nứt nẻ mà sáng, mạch hư tế kèm sác.
3.5. Hoàng đới
Đới hạ màu vàng như nước trà, đặc nhờn có mùi hôi thối. Chứng này tương đương trong phạm vi khí hư do nhiễm trùng của y học hiện đại. Trên lâm sàng chia ra hai thể bệnh là khí hư và thấp nhiệt.
3.5.1. Thể thấp nhiệt
Do thấp nhiệt phạm vào nhâm mạch, nên nhâm mạch không sinh tinh hóa khí được, nung nấu mà thành hoàng đới.
Triệu chứng xuất hiện đới hạ màu vàng, tanh hôi nồng nặc, âm hộ sưng đau.
3.5.2. Thể khí hư
Đới hạ vàng trắng, lai rai không dứt, trung khí hao tổn dần, tinh lực yếu kém.
3.6. Thanh đới
Đới hạ như màu nước đậu xanh, nhớt đặc chảy xuống từ âm đạo, mùi hôi thối. Tương đương trong phạm vi khí hư do nhiễm trùng của y học hiện đại. Thật ra, trên lâm sàng thanh đới không phải thật xanh mà là màu tro nhờn hơi pha lẫn màu xanh vàng, khó nhận định được. Lâm sàng cũng chia thanh đới làm hai thể bệnh là thể thấp nhiệt và hư tổn.
3.6.1. Thể thấp nhiệt
Thấp nhiệt ở can kinh đình trú ở trung tiêu, chạy vào bào cung, khí uất nghịch tích tụ lâu ngày thành bệnh.
Triệu chứng: đới hạ vàng trắng, pha màu xanh, hôi thối, sắc mặt xanh vàng, tinh Thần u uất, đau đầu, ngực sườn đầy tức, ăn kém, lưỡi hồng ánh sắc xanh, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.
3.6.2. Thể hư tổn
Chứng thanh đới lâu ngày không giảm để đến nỗi can thận đều hư: hoa mắt, mắt mờ kèm triệu chứng hư nhiệt.
3.7. Hắc đới
3.7.1. Triệu chứng
Đới hạ sắc đen như nước đậu đen, có thể đặc hoặc lỏng, trong như nước, mùi hôi thối. Bệnh chứng này tương đương với chứng khí hư do bệnh ác tính ở tử cung của YHHĐ.
3.7.2. Các thể lâm sàng
a. Chứng hỏa nhiệt
Do nhiệt quá nung đúc gây nên bệnh. Nhiệt này do vị hoả quá vượng kết hợp với hỏa ở mệnh môn, bàng quang, tam tiêu nung nấu cạn khô rồi biến thành màu tro, chẩn đoán là hỏa nhiệt tới cực điểm thì biến thành chứng hắc đới.
Triệu chứng: dịch huyết trắng, trong hoàng đới có xen lẫn sắc đen, dính, nhờn tanh hôi, người bồn chồn nóng nảy, khát nước. Sắc mặt đỏ vàng, âm hộ sưng đau, tiểu tiện đỏ sẻn, đau rát.
b. Thể thận hư
Lậu hạ đen là vì thận suy nhược, màu đen thuộc thận.
Triệu chứng: giữa đới hạ xích bạch, có sắc đen và có mùi hôi. Sắc mặt xanh bạc hơi vàng, gò má đỏ, da khô, đầu choáng mắt hoa, sốt về chiều, đau bụng và lưng gối, táo bón, tiểu gắt, đỏ, lưỡi đỏ hồng nứt nẻ, mạch hư tế sác.
3.8. Đới ngũ sắc
3.8.1. Triệu chứng
Đới hạ là chất nhựa nhớt, có màu xanh vàng, vàng đỏ, trắng đen. Năm màu lẫn lộn, tất cả đều có mùi thối. Chứng này tương đương trong phạm vi YHHĐ là khí hư do bệnh ác tính ở tử cung. Đây là chứng bệnh nặng trầm trọng.
3.8.2. Các thể lâm sàng
a. Thể ngũ tạng hư
Do ngũ tạng đều hư, ngũ sắc cùng chảy xuống một lượt, đó là huyết sinh ra bệnh.
Triệu chứng: chứng đới hạ ngũ sắc lâu ngày không dứt, xuất hiện triệu chứng hư hàn như sắc mặt xanh bạc, sợ lạnh, tinh Thần mỏi mệt, choáng váng, yếu sức, tiêu lỏng, lưỡi nhạt rêu lưỡi ướt, mạch trầm trì vô lực.
b. Thể thấp nhiệt
Nếu thấp nhiệt tích tụ trong bào cung, chứng đới hạ ngũ sắc chắc chắn hôi thối đặc biệt, kèm tức ngực, đắng miệng và có nhớt, bụng dưới trướng đau, tiểu vàng đục, rêu lưỡi vàng nhớt.
3.9. Bạch dâm
Chất nước trắng chảy ra từ âm hộ, bệnh chứng này thuộc phạm vi suy nhược sinh dục trong YHHĐ.
3.9.1. Nguyên nhân
− Theo sách Nữ khoa chỉ yếu, do tình dục không được toại chí hoặc giao hợp quá độ sinh ra.
− Theo sách Tố vấn: “Vì tư tưởng quá dâm dục, không được toại nguyện, thủ dâm ở ngoài, giao hợp quá độ làm cho các đường gân lỏng lẻo sinh ra chứng bại xuội (nuy chứng) và làm thành bệnh bạch dâm”.
3.9.2. Các thể lâm sàng
a. Thể uất hỏa
Khi có bạch dâm xuống, người nóng nảy bứt rứt. Nếu bệnh nhẹ: sốt về chiều, lưỡi hồng, rêu lưỡi mỏng; nếu bệnh nặng: hỏa thịnh làm tổn thương tới âm khí sinh bứt rứt, phiền nhiệt, họng khô khát, đêm nằm mộng giao hợp; lưỡi đỏ, nứt nẻ, đau; mạch tế sác.
b. Thể thận hư
ở âm hộ luôn chảy ra nước tinh liên tục, sắc mặt tái xanh, choáng đầu,
hoa mắt, hai gò má đỏ, đau lưng gối, lưỡi nứt sâu, mạch hư tế.
3.10. Bạch trọc
Chất nhựa đục thối như mủ chảy ra từ ống dẫn tiểu. Chứng này thuộc phạm vi nhiễm trùng đường tiết niệu của YHHĐ.
3.10.1. Nguyên nhân
− Do tâm hỏa thái quá.
− Do bại tinh sinh thấp nhiệt.
− Do giao hợp không vệ sinh.
3.10.2. Các thể lâm sàng
− Thể thấp nhiệt, thấp độc: bạch trọc vàng, trắng như mủ hoặc trong bạch trọc có lẫn huyết; tiểu đau buốt, màu vàng có mủ máu.
− Thể âm hư hoả vượng: bạch trọc chảy xuống liên tục hoặc trong bạch trọc có lẫn huyết, tiểu tiện đau, ngứa, tiểu tiện ra huyết, tâm phiền bứt rứt, miệng khô táo.
− Thể thận hư: bạch trọc lâu ngày không dứt, lai rai, chảy xuống như mỡ đóng, chân gối run yếu, tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu ít nhưng không đau, mạch trì vô lực.
4. Điều trị bằng thuốc theo y học cổ truyền
Đới hạ tuỳ thuộc vào tính chất và cách biểu hiện mà phân ra nhiều bệnh chứng khác nhau, mỗi bệnh chứng lại có các thể lâm sàng khác nhau, tuy nhiên các triệu chứng bệnh lý cũng như cơ sở lý luận cho việc điều trị lại giống nhau, như vậy viêm sinh dục nữ hay đới hạ của YHCT có thể điều trị như sau:
4.1. Thể tỳ hư
− Pháp trị: sơ can, giải uất, kiện tỳ.
− Bài thuốc sử dụng
+ Bài Hoàn đới thang (Phó thanh chủ nữ khoa): bạch truật, đảng sâm, cam thảo, thương truật, bạch thược, sài hồ, trần bì, sa tiền tử, hắc giới tuệ (kinh giới sao đen).
Vị thuốc | Tác dụng | Vai trò |
Bạch truật | Kiện tỳ, táo thấp | Quân |
Sài hồ | Phát tán phong nhiệt, giải uất | Quân |
Đảng sâm | Bổ tỳ, kiện vị, ích khí, sinh tân | Thần |
Thương truật | Kiện tỳ táo thấp | Thần |
Bạch thược | Liễm âm, dưỡng huyết, bình can | Tá |
Hắc giới tuệ | Phát hãn, khu phong | Tá |
Trần bì | Kiện tỳ, táo thấp, hóa đàm | Tá |
Sa tiền tử | Thanh nhiệt, lợi niệu | Tá |
Cam thảo | Ôn trung, điều hòa các vị thuốc | Sứ |
− Pháp trị: bổ thận, tráng dương, ích tinh.
− Bài thuốc sử dụng
+ Bài Nội bổ hoàn (Nữ khoa toát yếu): lộc nhung, thỏ ty tử, nhục thung dung, hoàng kỳ, quế nhục, phụ tử chế, tang phiêu tiêu, bạch tật lê, phục Thần, sa tật lê, tử uyển nhung.
Uống trước bữa ăn.
Vị thuốc | Tác dụng | Vai trò |
Lộc nhung | Bổ thận dương, bổ tinh huyết | Quân |
Tang phiêu tiêu | Cố tinh, sáp niệu, liễm hãn, chỉ đới | Quân |
Thỏ ty tử | Bổ can thận, cố tinh | Thần |
Nhục thung dung | Ôn bổ thận dương, nhuận trường | Tá |
Hoàng kỳ | Bổ khí thăng dương khí của tỳ, tiêu viêm | Tá |
Quế nhục | Trừ âm hư ở hạ tiêu, bổ mệnh môn hỏa | Tá |
Phụ tử chế | Tán hàn, chỉ thống | Tá |
Bạch tật lê | Bình can cố sáp, trừ thấp | Tá |
Phục Thần | Chỉ kinh quý, an tâm Thần | Tá |
Sa tật lê | Bình can, khử thấp | Tá |
Tử uyển nhung | Khử thấp, chỉ thống, bổ huyết, tiêu đàm | Tá |
(Nội dung này có nhiều phần, xem phần tiếp theo bên dưới)
Nguồn: Bệnh học và Điều trị nội khoa
NXB Y Học - 2007
Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Thị Bay
NXB Y Học - 2007
Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Thị Bay
vé máy bay eva airlines
vé máy bay đi california
hãng korean airlines
vé máy bay từ tphcm đi mỹ
Vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch