Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

MỤN NHỌT (Tiết đinh)

ThS. Trần Hải Vân
Mục tiêu
Trình bày được triệu chứng và các phương pháp điều trị bệnh mụn nhọt theo y học cổ truyền.
1. Đại cương
Bệnh mụn nhọt là một bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, thường gặp phần lớn là do tụ cầu vàng. Y học cổ truyền gọi mụn nhọt là tiết. Bệnh phát tập trung ở một số vị trí trên cơ thể hay rải rác khắp người, dễ tái phát. Nhọt thường mọc tập trung ở vùng gáy, mông và nách.
2. Nguyên nhân
Bệnh phần lớn là do nhiệt gây ra.
Những yếu tố có liên quan do vệ sinh da kém, ngứa gãi, da bị kích thích do bôi hóa chất, cọ xát nhiều lần, tinh Thần căng thẳng, lao lực quá mức, mắc bệnh tiểu đường, cơ thể suy yếu.
3. Triệu chứng lâm sàng
Nhọt mới mọc hơi ngứa, sưng, cứng đau; sau đó to dần, nóng, đau và có mủ; kèm theo là phát sốt, miệng khát, đại tiện táo bón, tiểu vàng đỏ, ngực đầy, chán ăn, lưỡi đỏ rêu vàng nhầy, mạch hoạt sác. Sau khi chảy hết mủ thì đóng vẩy, liền da.
4. phương pháp điều trị
4.1. Giai đoạn sưng đau
Pháp điều trị:thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm.
Bài thuốc:
+ Thuốc dùng ngoài:dùng 1 -2 vị thuốc sau
Bồ công anh Lá rau sam
Lá phù dung Lá diếp cá
Giã nát với muối, đắp vào mụn nhọt ngày hai lần.
+ Thuốc dùng uống trong: bài Giải độc thang
Bồ công anh 20g Huyền sâm 20g
Hà thủ ô 12g Ké đầu ngựa 12g
Hoàng đằng 12g Kê huyết đằng 12g
Lá đơn 12g Thổ phục linh 20g
Sơn trà 12g Vỏ cây gạo 20g
Lá móng tay 12g Sài đất 20g
Sắc uống ngày một thang.
− Châm:châm các huyệt ôn lưu, hạ cự hư, hợp cốc, các huyệt a thị xung quanh mụn; dùng tả pháp.
4.2. Giai đoạn hóa mủ
Pháp điều trị:thác độc, bài nùng.
Bài thuốc:
+ Thuốc dùng ngoài: đắp cho vỡ mủ
Rọc ráy
Lá xoan
Muối
Lượng bằng nhau, giã nhỏ trộn đều ngày đắp hai lần.
+ Thuốc dùng trong:
Bài thuốc:Nội thác tiêu độc tán
Bạch chỉ 40g Cam thảo 20g
Cát cánh 40g Đương quy 20g
Hoàng kỳ 60g Ngân hoa 60g
Liên kiều 80g Nhân sâm 60g
Phòng phong 40g Xuyên khung 40g
Tán bột cho thêm nước vào nấu, lọc bỏ bã, uống.
4.3. Giai đoạn đã vỡ mủ
Giai đoạn này có thể có kèm theo cơ thể suy nhược.
Pháp điều trị:khứ hủ, sinh cơ, bổ ích khí huyết.
Bài thuốc:
+ Thuốc dùng ngoài:dùng cao dán hết mủ và lên da, gồm
Củ ráy dại 100g Sáp ong 30g
Nghệ già 50g Nhựa thông 30g
Dầu vừng 300ml
Cóc vàng 1 con đốt tồn tính
Cách chế và dùng: cho dầu vừng, nghệ, ráy đun sôi đến khi nghệ, ráy teo lại, gạn bỏ bã, cho sáp ong vào đun tan, cho bột cóc và nhựa thông khuấy tan đều, lấy 1 giọt nhỏ vào một cái đĩa không lòe ra là được.
Rửa sạch mụn nhọt bằng nước lá trầu không và kinh giới, phết cao vào 1 miếng giấy có lỗ chọc thủng ở giữa và dán lên nhọt.
+ Thuốc uống trong:
Bài thuốc Nội bổ hoàng kỳ thang
Bạch thược 10g Viễn chí 8g
Nhục quế 2g Phục linh 10g
Cam thảo 4g Xuyên khung 8g
Hoàng kỳ 12g Quy thân 12g
Nhân sâm 12g Thục địa 12g
Mạch môn 12g

Sắc uống ngày một thang.
5. Phòng bệnh
− Kiêng các chất cay nóng, dầu mỡ, các chất tanh.
− Phòng trị bệnh tiểu đường kịp thời (nếu có).
− Vệ sinh da tốt.
− Tránh bôi các loại thuốc dầu mỡ.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Điền từ thích hợp vào chỗ trống
Bệnh mụn nhọt thuộc chứng…. của y học cổ truyền.
2. Chọn câu trả lời đúng nhất bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu câu
Câu 1:Phương pháp điều trị thích hợp nhất trong giai đoạn sưng đau của bệnh mụn nhọt là
a. Thanh nhiệt lương huyết
b. Thanh nhiệt giải độc
c. Thanh nhiệt trừ thấp
Câu 2:Để điều trị có hiệu quả bệnh mụn nhọt theo y học cổ truyền thì a. Dùng các thuốc y học cổ truyền để đắp ngoài hoặc bôi lên nhọt.
b. Kết hợp các thuốc y học cổ truyền đắp hoặc bôi lên nhọt với các bài thuốc y học cổ truyền uống trong.
c. Dùng các bài thuốc y học cổ truyền uống trong.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: