Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Thiếu máu (Phần 2)

Các chức nặng tạng phủ nói chung bị hư suy sẽ ảnh hưởng đến việc tạo mới các thành phần vật chất giúp cho hoạt động cơ thể bao gồm cả tinh, khí, huyết, Thần và tân dịch…
b. Ăn uống không đầy đủ
Dinh dưỡng kém ảnh hưởng đến công năng hoạt động của tỳ, vị.
Vật chất cơ bản để tạo thành tinh, khí, huyết, Thần, tân dịch … chủ yếu là từ thức ăn, nếu ăn uống thiếu thốn, nguồn cung cấp không đầy đủ, khí huyết không có nguồn sinh hóa, lâu ngày sinh huyết hư, hư lao..
c. Mất máu quá nhiều
+ Bệnh biến từ ngoại cảm đến nội thương sinh hỏa, hỏa nhiệt vọng hành bức huyết làm chảy máu như trong khái huyết, thổ huyết, xỉ huyết, tiện huyết, v.v…
+ Bị chấn thương đụng dập mất nhiều máu.
+ Kinh nguyệt quá nhiều, hoặc rong kinh rong huyết lâu ngày.
d. Tiên thiên bất túc
Bẩm sinh tinh, khí, huyết.. không đầy đủ là do:
− Khi thụ thai cha mẹ tuổi già, sức yếu, tinh huyết kém.
− Khi thụ thai, người mẹ ăn uống thiếu thốn hoặc lao tâm, lao lực thái quá hoặc bị mắc các bệnh mạn tính.
− Dinh dưỡng thai nhi kém hoặc không đúng cách.
Tiên thiên bất túc chủ yếu là do thận.
Thận tàng tinh, tinh tiên thiên góp phần thông qua thận khí hỗ trợ cho tỳ vận hóa thủy cốc thành tinh hậu thiên, tinh hậu thiên lại bổ sung làm mới hóa không ngừng tinh tiên thiên giúp cho hoạt động của thận. Khi thận khí suy yếu ảnh hưởng dây chuyền đến việc sinh huyết. Ngoài ra thận lại là chủ phần âm của cơ thể, chủ về huyết dịch nên khi thận hư tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến huyết.
Tiên thiên bất túc, hậu thiên thất dưỡng đều dẫn đến thận hư, thận hư tất sẽ dẫn đến huyết hư.
e. Các nguyên nhân khác
− Lao nhọc quá độ lại kèm thêm ăn uống thiếu thốn làm tổn thương cả khí lẫn huyết.
− Lao tâm quá làm tổn thương âm huyết.
− Sinh đẻ nhiều hao khí tổn huyết hoặc phòng dục quá độ cũng dẫn đến khí hư huyết suy.
− Trùng tích: bệnh giun sán tích tụ, thường là ở bụng, lâu ngày cũng dẫn đến tổn thương tỳ vị gây nôn nao, bụng lúc đau lúc không, sắc mặt úa vàng, môi lưỡi nhợt nhạt.
2.2.2. Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu theo y học cổ truyền
Huyết là một trong năm dạng vật chất giúp cơ thể hoạt động và nuôi dưỡng các khí quan, nếu huyết hư sẽ xuất hiện các triệu chứng có thể quy vào 2 nhóm như:
a. Tạng phủ thất dưỡng
Tạng phủ thất dưỡng thường biểu hiện ra sắc mặt, môi, móng tay chân nhợt nhạt, kém tươi, chóng mặt, xây xẩm, tay chân tê mỏi, hồi hộp, mất ngủ, da tóc khô, đại tiện táo kết.
Tâm chủ huyết, can tàng huyết nên khi có huyết hư biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hai tạng tâm và can: tâm huyết bất túc có biểu hiện hay hồi hộp, mất ngủ, hay mộng mị, Thần chí bất an; can huyết bất túc thì sắc mặt tái nhợt, chóng mặt, ù tai, hai mắt khô, nhìn vật không rõ hoặc quáng gà, tay chân tê mỏi, móng tay chân khô dễ gãy.
Trong mối quan hệ giữa các công năng sinh huyết, tạo huyết và hoạt động của huyết lồng trong mối quan hệ của ngũ hành tương sinh - tương khắc, các biểu hiện lâm sàng có thể có thêm các triệu chứng do rối loạn dây chuyền các chức năng thận, phế, tỳ…
b. Huyết hư khí trệ
Trong việc tạo ra huyết phải nhờ có khí, khi huyết dịch đã được tạo ra khí nương tựa vào huyết mà vận hành chu lưu trong toàn thân. Nếu huyết hư khí không còn có chỗ nương nhờ nên cũng hư theo, do đó khi huyết hư thường kèm theo khí hư và trên lâm sàng không chỉ biểu hiện triệu chứng của huyết mà có cả triệu chứng của khí như: hụt hơi, thở ngắn, hay thở dài, tiếng nói yếu ớt, mệt mỏi, đổ mồ hôi….
3. Chẩn đoán
3.1. Chẩn đoán thiếu máu
3.1.1. Lâm sàng: phụ thuộc nhiều vào tình trạng thiếu máu và khả năng thích nghi của cơ thể
− Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, rõ nhất là lòng bàn tay và niêm mạc dưới lưỡi.
− Móng tay, đầu ngón tay khô đét.
− Lông tóc khô, dễ gãy, dễ rụng.
− Người mệt mỏi, tay chân yếu, tinh Thần ủ rũ.
− Sốt nhẹ có thể thấy trong thiếu máu nặng.
− Khó thở khi gắng sức và có khi cả lúc nghỉ ngơi gặp trong thiếu máu nặng.
− Tim đập nhanh, nhất là khi gắng sức, thiếu máu nhiều sẽ xuất hiện âm thổi tâm thu nghe được ở mỏm tim và ở van động mạch phổi.
3.1.2. Cận lâm sàng
a. Kiểm tra máu thông thường
− Làm huyết đồ: gồm tìm cả lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu
Lượng hồng cầu: bình thường ở người lớn: nam: 4200000 ± 210000; nữ: 3800000 ± 160000
− Định lượng huyết sắc tố: rất cần thiết để tính lượng huyết sắc tố trung bình của mỗi hồng cầu
Huyết sắc tố bình thường ở người lớn: nam 14,6 ± 0,60; nữ 13,2 ± 0,55g/dl.
− Định lượng hematocrit giúp kiểm tra số lượng hồng cầu, không thể có thiếu máu nếu hematocrit cao hoặc bình thường.
Hematocrit bình thường ở nam 43%, ở nữ 39% .
b. Đo chỉ số hồng cầu
− MCV (thể tích trung bình của hồng cầu): bình thường 85 - 95fl, đo chỉ số này để xác định loại hồng cầu to, nhỏ hay trung bình.
− MCH (lượng huyết sắc tố trung bình của hồng cầu): bình thường ở nam 34, 6pg và ở nữ 35pg (2,18 - 2,2fmol).
− MCHC (mean corpuscular hemoglobin cocentration - nồng độ huyết sắc tố trung bình) bình thường 32 - 38g/dl để xác định là ưu sắc, đẳng sắc hay nhược sắc.
c. Kiểm tra chỉ số hồng cầu lưới
Hồng cầu lưới là những hồng cầu non mới được ra máu, sau 24 - 48 giờ, hồng cầu này mất lưới và trở thành hồng cầu thường, do đó trên phiến đồ những hồng cầu lưới chứng tỏ nó mới trong tuỷ ra trong vòng 48 giờ.
Bình thường hồng cầu lưới trong máu có tỷ lệ 0,7 ± 0,21% ở nam và 0,9 ± 0,25% ở nữ so với hồng cầu nói chung. Trên 1% là tuỷ đang tăng sinh hoặc đang phục hồi hồng cầu, thấp hơn 0,5% là dòng hồng cầu không sinh sản được.
Hồng cầu lưới tăng nhiều trong các trạng thái thiếu máu nặng nhưng tiên lượng đang tốt, máu đang được hồi phục, các cơ quan tạo máu còn đủ khả năng.
3.2. Cơ sở lý luận bước đầu để chẩn đoán thiếu máu

Đặc điểm huyết đồ Dự đoán bệnh sinh Thông tin cần
Thiếu máu bình sắc, kích thước HC bình thường hoặc to, hồi phục được Hồng cầu bị phá hủy quá nhiều Tìm triệu chứng tan máu, tìm nguyên nhân mất máu cấp
Thiếu máu bình sắc, kích thước HC bình thường hoặc to, không hồi phục được Giảm sinh hoặc loạn sinh hồng cầu không phải do tổng hợp huyết cầu tố Tìm hiểu lâm sàng của viêm, suy thận, suy giáp, tủy đồ, tình trạng các dòng tế bào khác
Thiếu máu nhược sắc, có hoặc không có kèm theo kích thước hồng cầu nhỏ, không hồi phục Loạn sinh hồng cầu do tổng hợp huyết cầu tố không tốt Định lượng sắt huyết thanh và siderophilin toàn phần trong máu
Thiếu máu nhược sắc, có hoặc không có kèm theo kích thước hồng cầu nhỏ, hồi phục được Kết hợp mất máu gần đây khá nhiều và thiếu sắt. Thiếu máu tan máu có rối loạn tổng hợp huyết cầu tố
Mất sắt do tan máu mạn tính trong huyết quản
Mất sắt đang được điều trị
Tìm dấu hiệu của tan máu
Tìm dấu hiệu của mất máu
Định lượng sắt huyết thanh và siderophilin toàn phần
Thiếu máu nhược sắc, kích thước hồng cầu to, không hồi phục được Kết hợp rối loạn tổng hợp huyết cầu tố và một nguyên nhân khác làm rối loạn sinh sản hồng cầu Địnhlượng sắt huyết thanh và siderophilin toàn phần, tủy đồ
3.3. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt
Ngoài những biểu hiện nêu trên, đặc điểm thiếu máu thiếu sắt có:
− Khởi phát âm thầm bằng mệt và xanh xao tăng dần.
− Mệt mỏi, ít hoạt động, chóng mặt, ù tai.
− Khó thở khi gắng sức.
− Móng tay chân nhợt nhạt, bẹt hoặc lõm, có khía, dễ gãy.
− Lưỡi bị viêm, mất gai lưỡi.
− Thường có những rối loạn về tiêu hóa khi thiếu máu kéo dài như khó nuốt, viêm dạ dày, teo niêm mạc và giảm độ toan dịch vị.
− Trẻ em khi thiếu sắt thường chậm phát triển cơ thể, gày.
− Đặc điểm của thiếu máu thiếu sắt là hồng cầu nhỏ, nồng độ huyết sắc tố hồng cầu giảm < 30g/dl, huyết sắc tố trung bình < 28 picogram và thể tích hồng cầu giản < 80 femtolit.
− Sắt huyết thanh giảm < 500µg/l, không có hemosiderin trong tủy xương.
− Định lượng ferritin có giá trị phản ảnh đúng tình trạng dự trữ sắt của cơ thể, khi thiếu sắt lượng feritin huyết thanh giảm < 12µg/l.
3.4. Chẩn đoán phân biệt các loại thiếu máu nhược sắc
− Các thiếu máu giảm sắc hồng cầu nhỏ khác như trong bệnh thiếu máu vùng biển là bệnh bẩm sinh bởi tình trạng rối loạn trong tổng hợp các chuỗi đa peptid của hemoglobin mà biểu hiện lâm sàng rất hay thay đổi và đi từ những thể không có biểu hiện đến các thể nặng với thiếu máu lách to và rối loạn về phát triển (hộp sọ hình tháp, vẻ mặt hội chứng Down); cận lâm sàng có các hồng cầu nhỏ hơn số lượng bình thường, huyết cầu tố ít khi giảm dưới 9g/100ml, hemosiderin vẫn có mặt trong tủy xương, tỷ lệ sắt huyết thanh và khả năng toàn phần cố định sắt thì bình thường.
− Thiếu máu phối hợp với một nhiễm khuẩn: thiếu máu giảm sắc nhẹ và kích thước bình thường, tỷ lệ sắt huyết thanh giảm, khả năng toàn phần cố định sắt giảm, hemosiderin trong tuỷ xương bình thường.
− Thiếu máu nguyên bào sắt: các nguyên bào sắt là những hồng cầu chứa những hạt sắt không tạo huyết cầu tố. Trong những thiếu máu nguyên bào sắt việc sử dụng sắt để tổng hợp huyết cầu tố bị rối loạn, do đó thiếu máu ít nhiều giảm sắc rõ và trong máu ngoại vi có một số hồng cầu nhỏ cũng tồn tại với hồng cầu bình thường, tăng sinh tủy dòng hồng cầu tương đối rõ, nhưng số lượng hồng cầu lưới trong máu ngoại vi không tăng, tỷ lệ sắt huyết thanh bình thường hay tăng nhẹ.
− Các bệnh về huyết cầu tố: chẩn đoán bằng điện di huyết cầu tố.
3.5. Chẩn đoán theo y học cổ truyền
Dựa theo các biểu hiện lâm sàng hoặc rối loạn chức năng tạng phủ hoặc huyết hư khí trệ , YHCT phân thành các thể bệnh lâm sàng sau:
3.5.1. Tâm huyết hư
− Hồi hộp hay quên, tâm phiền lo lắng bất an.
− Mất ngủ, giấc ngủ không sâu, hay mộng mị nói mê.
− Chóng mặt, hoa mắt.
− Sắc mặt không tươi, môi lưỡi nhợt nhạt.
− Mạch tế sác.
3.5.2. Can huyết hư
− Sắc da khô sạm, xanh nhạt hoặc vàng bủng, nặng thì da tróc vẩy nhăn nheo.
− Móng tay chân nhợt nhạt, khô, dễ gãy.
− Miệng môi và chất lưỡi trắng, nhợt nhạt.
− Thể trạng gầy còm, tay chân tê dại hoặc gân mạch co rút.
− Đau tức hông sườn.
− Hai mắt khô rít, quáng gà hoặc nhìn vật lờ mờ, hoa mắt ù tai.
− Mất ngủ, hay mê, dễ sợ hãi.
− Phụ nữ hành kinh ít, nhạt màu hoặc hành kinh muộn, bế kinh, sau khi hành kinh đau bụng, thiếu sữa hoặc không thụ thai.
− Mạch huyền tế.
3.5.3. Tâm tỳ hư
Tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh mà có các triệu chứng lâm sàng phù hợp như: do ưu tư quá độ làm tâm huyết ngấm ngầm bị hư hoặc sau khi bệnh nặng kéo dài, chăm sóc không tốt làm ảnh hưởng đến tỳ làm cho sự hóa sinh khí huyết bị giảm sút, tâm huyết hư làm tâm khí hư có thể ảnh hưởng đến cả tỳ dương …. Tuy nhiên khi cả tâm tỳ đều hư sẽ xuất hiện:
− Hồi hộp, hay quên, hoa mắt, chóng mặt.
− Kém ăn, mỏi mệt.
− Mất ngủ.
− Sắc mặt úa vàng, lưỡi nhợt nhạt.
− Có thể có kinh nguyệt không đều ở nữ hoặc xuất huyết dưới da.
− Mạch nhược.
3.5.4. Tỳ thận dương hư
− Thân thể ớn lạnh, tay chân lạnh.
− Kém ăn, trướng bụng.
− Tiêu phân nhão hoặc tiêu chảy kéo dài, hoặc đi tiêu ra nguyên thức ăn, hoặc ngũ canh tả.
− Tiểu tiện không thông lợi.
− Toàn thân phù thũng.
− Lưng gối mỏi lạnh.
− Đàn ông có rối loạn cường dương hoặc di tinh.
− Phụ nữ không thụ thai.
− Chất lưỡi bệu, nhợt, rêu lưỡi trắng trơn.
− Mạch trầm trì, tế nhược.
3.5.5. Khí huyết đều hư
− Sắc da xanh xao nhợt nhạt.
− Hồi hộp, hoa mắt, chóng mặt.
− Mệt mỏi yếu sức, thiếu hơi, biếng nói.
− Mất ngủ.
− Tự ra mồ hôi.
− Lưỡi nhợt bệu.
− Mạch tế nhược.
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc
4.1.1. Theo y học hiện đại
a. Những điều cần chú ý trước khi quyết định điều trị
− Không có một phương pháp điều trị chung cho các loại thiếu máu:
+ Mỗi loại thiếu máu có một cách điều trị khác nhau.
+ Không nên bắt đầu điều trị thiếu máu chỉ dựa vào số lượng hồng cầu.
− Không điều trị thiếu máu khi chưa có chẩn đoán xác định và chưa rõ nguyên nhân:
+ Thiếu máu không là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều loại bệnh, trong nhiều trường hợp tính nghiêm trọng của thiếu máu là nằm ở nguyên nhân gây nên thiếu máu, thí dụ cũng là thiếu máu thiếu sắt nhưng nếu do dinh dưỡng thì dù có thiếu mức độ nặng qua điều trị bổ sung sắt cũng có hiệu quả tốt; ngược lại nếu do ung thư dạ dày gây xuất huyết mạn tính cũng thiếu sắt mức độ nhẹ điều trị bổ sung sắt tuy bệnh có giảm nhưng che mất các dấu hiệu không phát hiện ung thư kịp thời dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
+ Điều trị thiếu máu không phải là trường hợp cấp cứu (ngoại trừ mất máu cấp do chấn thương). Cần làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định, và chẩn đoán nguyên nhân.
+ Thận trọng trong các chỉ định truyền máu, sắt, hoặc vitamin B12 … sẽ gây khó khăn trong việc tìm nguyên nhân.
+ Không nên vội cho thuốc bổ và thuốc chống thiếu máu. b. Nguyên tắc điều trị
− Nhằm vào những nguyên nhân trực tiếp gây thiếu máu.
− Biện pháp phòng chống thiếu máu:
+ Cần tích cực chống ô nhiễm môi trường, làm vệ sinh môi trường ở nông thôn để giảm nhiễm ký sinh trùng đường ruột, kiểm soát chặt chẽ thuốc trừ sâu.
+ Triển khai các kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cơ sở.
+ Giáo dục về dinh dưỡng hợp lý.
+ Điều trị sớm các bệnh mạn tính đường tiêu hóa, các bệnh giun sán.
+ Phát hiện sớm các tật di truyền.
+ Tránh dùng thuốc điều trị bệnh một cách tràn lan bao vây.
4.1.2. Nguyên tắc điều trị theo y học cổ truyền
a. Kiện tỳ hòa vị
Tỳ vị là nguồn sinh hóa của huyết dịch, ăn uống có điều độ, công năng vận hóa của tỳ vị bình thường thì khí huyết thịnh, do đó bổ huyết trước hết cần phải kiện vận tỳ vị. Các bài thuốc thường dùng bao gồm: Tứ Quân tử thang, Tứ vật thang, Đương quy dưỡng huyết thang.
b. ích khí, sinh huyết
Khí là nguồn động lực thúc đẩy tinh hóa thành huyết, theo các tư liệu kinh điển “huyết và khí đều quan trọng nhưng phải bổ khí trước bổ huyết, âm dương đều là cơ bản và cần yếu nhưng nên dưỡng dương trước tư âm”. Trên thực tế dùng thuốc thường theo nguyên tắc “khí năng sinh huyết” dùng thuốc bổ huyết gia thêm thuốc ích khí, những phương thuốc thường dùng như quy tỳ thang, đương quy bổ huyết thang. Thuốc bổ khí thường dùng gồm hoàng kỳ, nhân sâm, đảng sâm, bạch truật, hoàng tinh, sơn dược, đại táo phối hợp thuốc dưỡng huyết như đương quy, bạch thược, a giao, thục địa.
c. Bổ thận, sinh huyết
Thận là nguồn gốc của tiên thiên, chủ tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy hóa huyết. Ngoài ra mệnh môn là nơi tụ hội của nguyên khí, là gốc của 12 kinh, là nguồn của sinh hóa, cũng là động lực thúc đẩy sinh huyết. Khi điều trị chứng huyết hư cần kết hợp bổ thận để sinh tinh ích tuỷ. Các phương thuốc thường dùng gồm: thỏ ty tử, nhân sâm, nhị tiên đơn…. Các vị thuốc bổ thận thường dùng gồm có: lộc nhung, lộc giác giao, quy bản, ba kích thiên, tỏa dương, dâm dương hoắc, thỏ ty tử, nhục quế, thục địa, câu kỷ tử, tử hà sa…
d. Tán ứ sinh huyết
 Huyết dịch vận hành chu lưu toàn thân giúp nuôi dưỡng, nếu vì lý do nào đó sự vận hành này bị tắc nghẽn sẽ sinh ra ứ trệ, khí huyết ngưng trệ ảnh hưởng đến tất cả tạng phủ kể cả cơ quan tạo huyết mà sinh chứng huyết hư. Trong trường hợp này việc điều trị sẽ là tán ứ sinh huyết, các bài thuốc thường dùng gồm: Đào hồng tứ vật thang, Bổ dương hoàng ngũ thang, Huyết phủ trục ứ thang. Các vị thuốc trục ứ thường dùng như đương quy, xuyên khung, đan sâm, tam thất, đơn bì, hương phụ.
e. Giải độc sinh huyết
 Các bệnh do nội thương hay do ngoại cảm lục dâm, bệnh lâu ngày tích nhiệt hóa hỏa, rất dễ làm hao tổn phần âm đưa đến huyết hư. Trong trường hợp này việc điều trị cần phải thanh nhiệt giải độc, các phương thuốc thường dùng bao gồm: Tê giác địa hoàng thang, Tam hoàng thạch cao thang, Nhân trần cao thang, Ngũ vị tiêu độc ẩm, Thanh vinh thang …
4.2. Điều trị cụ thể
4.2.1. Điều trị chung khi có thiếu máu
a. Những bài thuốc hoặc món ăn dùng trong thiếu máu nói chung
− Nhân sâm 10g, đại táo 10 quả sắc lấy nước uống: trị thiếu máu do mất máu.
− Thục địa 12g, đương quy 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 6g, sắc uống.
− Tang thầm 50g, câu kỷ tử 20g, sắc nước uống.
− Sinh địa 30g, mạch môn 12g, câu kỷ tử 12g sắc lấy nước rồi đem nấu với huyết gà hoặc vịt thành canh, nêm gia vị ăn dùng trong thiếu máu do thiếu sắt hoặc người thể trạng âm hư.
− Xương cổ dê 1-2 đoạn đập giập, đại táo 20 trái (bỏ hạt), gạo nếp 50 - 100g nấu thành cháo ăn.
− Long nhãn 5g, hạt sen 10g, nếp 100g nấu cháo ăn.
− Móng heo 2 bộ, đậu phộng 50g, đại táo 10 trái cùng nấu chín ăn trong trường hợp thiếu máu có cả giảm bạch cầu và tiểu cầu.
− Gà ác 1 con, đông trùng hạ thảo 10g cùng hầm chín để ăn.
b. Bệnh lý viêm nhiễm miễn dịch mạn tính gây thiếu máu
− Viêm gan mạn gây thiếu máu: bài thuốc Nhân trần cao thang gia giảm (gồm: nhân trần 20g, nhân sâm 10g, thục địa 30g, bạch thược 10g, đương quy 10g, chi tử 15g, đại hoàng 10g, cam thảo 5g).

Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Nhân trần Thanh lợi thấp nhiệt, thoái hoàng Quân
Nhân sâm Đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân Quân
Thục địa Tư âm, bổ thận, bổ huyết, sinh tân Quân
Bạch thược Tư âm, dưỡng huyết, liễm hãn, chỉ huyết Thần
Đương quy Bổ huyết, dưỡng huyết Thần
Chi tử Thông lợi tam tiêu, lợi thủy
Đại hoàng Tả nhiệt trục ứ, thông lợi đại tiện
Cam thảo Bổ trung, hoà vị Sứ
− Nhiễm trùng nhiễm độc mạn tính hoặc các bệnh lý viêm nhiễm do miễn dịch gây thiếu máu: dùng bài Thanh dinh thang gia giảm (tê giác 5g, sinh địa 20g, bạch thược 10g, đương quy 10g, huyền sâm 8g, mạch môn 8g, đan sâm 5g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g, hoàng liên 8g, liên tử 10g, đại táo 3 trái).

Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Tê giác Thanh tâm hỏa, lương huyết, giải độc Quân
Sinh địa Tư âm, thanh nhiệt, bổ huyết Quân
Đại táo Kiện tỳ, bổ huyết Thần, Sứ
Đương quy Bổ huyết, dưỡng huyết Thần
Bạch thược Bổ huyết, liễm hãn Thần
Mạch môn Tư âm, thanh nhiệt, bổ phế
Huyền sâm Thanh nhiệt lương huyết, sinh tân dịch
Đan sâm Hoạt huyết, khử ứ
Ngân hoa Thanh nhiệt, giải độc
Liên kiều Thanh nhiệt, giải độc, tán kết
Hoàng liên Thanh nhiệt, giải độc, thanh tâm
Liên tử Thanh tâm bổ tỳ
4.2.2. Thể khí huyết hư
Thường gặp trong hội chứng suy nhược mạn, các bệnh mạn tính kéo dài.
− Pháp trị: bổ khí huyết.
− Bài thuốc thường dùng: Bát trân thang.

Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Nhân sâm Bổ tâm khí, đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân Quân
Thục địa Bổ thận, dưỡng âm, bổ huyết Quân
Hoàng kỳ Bổ khí, thăng dương khí của tỳ, chỉ hãn, lợi thủy Thần
Bạch truật Kiện tỳ táo thấp, cầm mồ hôi Thần
Đương quy Bổ huyết, hành huyết Thần
Bạch thược Bổ huyết, cầm mồ hôi, giảm đau Thần
Phục linh Kiện tỳ, thẩm thấp, lợi thuỷ, an Thần
Xuyên khung Hành khí hoạt huyết, khu phong, chỉ thống
Đại táo Kiện tỳ, bổ huyết
Cam thảo Bổ tỳ thổ, bổ trung khí, hoà vị Sứ
− Phương huyệt:
Tên huyệt Cơ sở lý luận Tác dụng
Đản trung Mộ huyệt của tâm bào Bổ tâm khí
Quan nguyên Hội của 3 kinh túc tam âm Bổ nguyên khí
Khí hải Bể của khí Bổ khí
Thần môn Nguyên huyệt của tâm Bổ tâm
Cách du Hội huyệt của huyết Điều khí, bổ huyết
Cao hoang Huyệt của bàng quang, chỗ ở của Thần minh Bổ huyết, gìn giữ huyết cho dương
Túc tam lý Hợp huyệt của vị Điều trung khí
Tam âm giao Giao hội của 3 kinh âm ở chân Tư âm
4.2.3. Thể tâm huyết hư
− Pháp trị: tư âm, dưỡng huyết.
− Bài thuốc thường dùng: Quy tỳ thang gồm nhân sâm 8g, bạch truật 16g, hoàng kỳ 16g, đương quy 12g, long nhãn 16g, toan táo nhân 12g, phục Thần 12g, viễn chí 8g, mộc hương 8g, cam thảo 8g
Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Phục Thần Tiết tâm nhiệt, bình ổn tâm Thần Quân
Toan táo nhân Ngọt, chua, bình: dưỡng tâm, an Thần, sinh tân dịch Quân
Long Nhãn Bổ huyết, kiện tỳ Quân
Nhân sâm Ngọt, hơi đắng: bổ tâm khí, đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân Thần
Hoàng kỳ Ngọt, ấm: bổ tâm khí, thăng dương khí của tỳ Thần
Bạch truật Ngọt, đắng, hơi ấm: kiện tỳ, táo thấp, cầm mồ hôi Thần
Đương quy Ngọt, cay, ấm: bổ huyết, hành huyết
Viễn chí Đắng, ấm: bổ tâm thận, an Thần
Mộc hương Hành khí, chỉ thống, kiện tỳ
Cam thảo Ngọt, ấm: bổ tỳ thổ, bổ trung khí Sứ
+ Nếu tình trạng huyết hư dẫn đến âm hư, tâm âm hư dẫn đến thận âm hư, có thể dùng bài thuốc Hậu thiên lục vị phương (gồm: thục địa 20g, đương quy 12g, nhân sâm 8g, đan sâm 6g, viễn chí 6g, táo nhân 6g).

Vị thuốc Tác dụng Vai trò
Thục địa Bổ thận, dưỡng huyết, bổ âm Quân
Đương quy Bổ huyết, hoạt huyết, dưỡng huyết Thần
Nhân sâm Đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân
Đan sâm Hoạt huyết, khử ứ
Táo nhân Dưỡng tâm an Thần, sinh tân dịch
Viễn chí Bổ tâm thận, an Thần
− Phương huyệt:

Tên huyệt Cơ sở lý luận Tác dụng điều trị
Tâm du Bối du huyệt của tâm Dưỡng tâm an Thần
Quyết âm du Du huyệt của tâm bào Bổ tâm
Tam âm giao Hội huyệt của 3 kinh âm Tư âm, thanh nhiệt
Nội quan Lạc huyệt của tâm bào Định tâm
Thần môn Nguyên thổ huyệt kinh tâm Định tâm, an Thần
Cách du Hội huyệt của huyết Bổ huyết
Huyết hải Bể của huyết Bổ huyết
4.2.4. Thể can huyết hư

(Nội dung này có nhiều phần, xem phần tiếp theo bên dưới)
Nguồn: Bệnh học và Điều trị nội khoa
NXB Y Học - 2007
Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Thị Bay
 

1 nhận xét: