Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

KINH NGUYỆT KHÔNG ĐỀU

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được triệu chứng các thể bệnh trong rối loạn kinh nguyệt.
2. Nêu được phương pháp điều trị các thể bệnh theo y học cổ truyền.
Kinh nguyệt không đều hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt bao gồm kinh trước kỳ, kinh sau kỳ và trước sau không định kỳ; lượng kinh có thể nhiều hoặc ít, màu sắc máu kinh cũng thay đổi.
1. Kinh nguyệt trước kỳ
Phần nhiều do nhiệt gây ra (nhiệt thực, nhiệt hư) nhưng cũng có khi do khí gây nên.
1.1. Do huyết nhiệt
Do ăn đồ cay nóng, cảm nhiệt tà làm huyết đi sai đường, thấy kinh trước kỳ và lượng kinh ra nhiều.
Triệu chứng: kinh nhiều, màu đỏ tía, máu cục, sắc mặt đỏ, môi đỏ khô, dễ giận cáu gắt, thích mát, sợ nóng, nước tiểu đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hồng thực hoặc hoạt sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt lương huyết, điều kinh.
Phương:
Bài 1: Cầm liên tứ vật thang
Hoàng cầm 12g Hoàng liên 8g
Đương quy 12g Sinh địa 12g
Xuyên khung 8g Bạch thược 12g
Sắc uống ngày một thang, uống 5- 10 thang.
Bài 2: Thanh hoá ẩm (Cảnh nhạc toàn thư)
Sinh địa 12g Hoàng cầm 12g
Xích thược 12g Mạch môn đông 12g
Đan bì 2g Thạch hộc 10g
Bạch linh 12g

Sắc uống ngày 1 thang, trước kỳ kinh 7 ngày.
Châm cứu: châm tả các huyệt: khúc trì, tam âm giao, quan nguyên, thái xung.
1.2. Do hư nhiệt
Âm huyết kém, hoả vượng, nhiệt làm kinh ra trước kỳ nhưng lượng ít.
Triệu chứng: lượng kinh ít, màu đỏ và không có cục, sắc mặt không nhuận, hai gò má đỏ, hoa mắt chóng mặt, trong người nóng, phiền nhiệt, ngủ không yên, chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, miệng lở loét, mạch tế sác.
Phép điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt.
Phương:
Bài 1:
Sinh địa 16g Huyền sâm 12g
Sa sâm 12g  ích mẫu 16g
Rễ cỏ tranh 12g
Bài 2: Lưỡng địa thang
Rễ cây rau khởi 12g
Sinh địa 40g A giao 12g
Huyền sâm 40g Địa cốt bì 12g
Bạch thược 20g Mạch môn 20g
Sắc uống ngày một thang, uống 5 - 10 thang.
Châm cứu: châm bổ các huyệt tam âm giao, quan nguyên.
1.3. Khí hư
Cơ thể suy nhược dinh dưỡng kém, làm ảnh hưởng đến mạch xung - nhâm gây nên kinh nguyệt trước kỳ và số lượng kinh nhiều.
Triệu chứng: kinh ra trước kỳ, số lượng nhiều, sắc mặt trắng nhợt, tinh Thần uể oải, hồi hộp, thở ngắn, ngại nói, eo lưng và đùi mỏi, bụng dưới sa xuống, chất lưỡi nhạt, rêu mỏng ướt, mạch hư nhược vô lực.
Phép điều trị: bổ khí, cố kinh.
Phương:
Bài 1: Bổ trung ích khí  
Đảng sâm 20g Đương quy 12g
Hoàng kỳ 20g Sài hồ 12g
Bạch truật 12g Chích thảo 4g
Thăng ma 12g Trần bì  8g
Bài 2: Bổ khí cố kinh hoàn

Đảng sâm 20g Sa nhân 4g
Bạch linh 12g
Hoàng kỳ 12g
Bạch truật 12g
Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
Châm cứu: châm bổ các huyệt: túc tam lý, tam âm giao, quan nguyên, khí hải.
2. Kinh nguyệt sau kỳ Kinh nguyệt sau kỳ đa số do hư hàn, nhưng cũng có khi do huyết ứ hoặc đàm trệ.
2.1. Do hàn
Do nội thương (hư hàn) hoặc ngoại cảm phong hàn (thực hàn) gây ra.
Hư hàn: kinh chậm lượng ít, màu nhạt hoặc xám đen, loãng, sắc mặt trắng, môi nhạt, thích nóng, sợ lạnh, tay chân lạnh, bụng đau liên miên, chờm nóng dễ chịu, chóng mặt, thở ngắn, mỏi lưng, mạch trầm trì vô lực.
Do phong hàn: chân tay lạnh, sợ rét, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm khẩn.
Phép điều trị:
+ Do hư hàn: ôn kinh, trừ hàn Bài thuốc:
Thục địa 12g Xương bồ  8g
Xuyên khung 10g Đảng sâm 12g
Can khương 8g
Ngải cứu 12g
Hà thủ ô 10g
+ Do phong hàn: ôn kinh, tán hàn Bài 1:
Quế chi 8g Nghệ đen  8g
Ngưu tất 12g Gừng tươi 3 lát
Đảng sâm 12g
Ngải cứu 8g
Xuyên khung 8g
Bài 2: Ôn kinh thang
Quế tâm 4g Nga truật 8g
Đan bì 8g Bạch thược 8g
Đảng sâm 12g Xuyên khung 8g
Ngưu tất 12g Cam thảo 4g
Đương quy 12g

Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
Châm cứu: cứu các huyệt tam âm giao, quan nguyên, khí hải, qui lai.
2.2. Do huyết
Do huyết ứ (thực) hoặc huyết hư (hư) gây ra.
2.2.1. Do huyết ứ
Triệu chứng: kinh ra sau kỳ, lượng ít, màu tím đen, có cục, sắc mặt tím xám, bụng dưới trướng, cự án, ngực bụng đầy trướng, táo bón, nước tiểu ít và đỏ, lưỡi xám, mạch trầm.
Phép điều trị: hoạt huyết, khứ ứ, điều kinh.
Phương:
Bài 1:


Sinh địa 12g ích mẫu 16g
Xuyên khung 8g Đào nhân 8g
Kê huyết đằng 16g Uất kim 8g
Bài 2: Tứ vật đào hồng

 
Sinh địa 12g Hồng hoa 6g
Bạch thược 12g Đào nhân 8g
Xuyên khung 8g

Sắc uống ngày một thang, uống 10 -15 thang.
2.2.2. Do huyết hư
Triệu chứng: kinh nguyệt sau kỳ, kinh loãng, sắc mặt trắng, mệt mỏi hồi hộp, đoản hơi, ngại nói, móng tay chân nhạt, da khô, đầu choáng, mắt hoa, ngủ ít, chất lưỡi nhợt, không có rêu, mạch tế sác hoặc hư tế.
Phép điều trị: bổ huyết, điều kinh.
Phương:
Bài 1:
Thục địa 12g Đan sâm 8g
Long nhãn 12g Hà thủ ô 8g
Xuyên khung 8g ích mẫu 12g
Trần bì 6g Kỷ tử
Nếu khí huyết đều hư: bổ khí huyết (bài Thập toàn đại bổ).
12g
Bài 2: Thập toàn đại bổ
Bạch truật 12g Nhục quế 4g
Bạch thược 12g Thục địa 8g
Đảng sâm 12g Hoàng kỳ 12g
Xuyên khung 8g Phục linh 8g
Cam thảo 4g Xuyên quy 8g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 10-15 thang.
Châm cứu: châm bổ các huyệt tam âm giao, quan nguyên, huyết hải, cách du.
2.3. Do đàm thấp
Triệu chứng: kinh nguyệt sau kỳ, sắc nhợt dính, có thể nhiều hay ít, ngực bụng trướng, thường buồn nôn, ăn kém, miệng nhạt và nhợt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm hoạt.
Phép điều trị: kiện tỳ, tiêu đàm.
Phương:
Đảng sâm 12g Bán hạ 8g
ý dĩ 12g Trần bì 8g
Hoài sơn 12g Hương phụ 8g
Bạch truật 12g Chỉ xác 6g
Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
2.4. Do khí uất
Triệu chứng: kinh ra ít, bụng dưới trướng đau, tinh Thần không thoải mái, ngực sườn đầy tức, ợ hơi, mạch huyền sác.
Phép điều trị: hành khí, giải uất, điều kinh.
Phương:
 
Bài 1: dùng bài Tiêu dao thang
Sài hồ 12g Cam thảo 4g
Trần bì 6g Gừng tươi 4g
Bạch truật 12g Bạch thược 8g
Đương quy 6g Bạc hà 4g
Phục linh 8g

Sắc uống ngày một thang, uống 7-10 thang.
Nếu hành kinh đau bụng nhiều thì gia hương phụ 6g, đào nhân 4g; nếu nhiệt nhiều gia đan bì, chi tử để thanh nhiệt.
Bài 2:
Hương phụ chế 12g Thanh bì sao 12g
Chỉ xác sao 12g Nghệ vàng sao 20g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 3-5 thang.
Châm cứu: châm tả các huyệt tam âm giao, huyết hải, hành gian, nội quan.
3. Kinh nguyệt không định kỳ (lúc có kinh sớm, lúc có kinh muộn)
3.1. Thể can khí uất kết
Triệu chứng: rối loạn kinh nguyệt không định kỳ, lượng kinh ra ít, sắc đỏ, sắc mặt xanh xám, tinh Thần uất ức. Khi hành kinh vú căng, thống kinh trước khi hành kinh, đau lan ra mạn sườn, ợ hơi, táo bón, đau lưng, mạch huyền sác.
Phép điều trị: sơ can, lý khí, giải uất.
Phương: dùng bài Việt cúc hoàn
Thương truật 8g Thần khúc 6g
Hậu phác 8g Sài hồ 12g
Hương phụ 8g Xuyên khung 12g
Chỉ xác 8g Chi tử 8g
Sắc uống ngày một thang, uống 7-10 thang.
Châm cứu: châm tả các huyệt tam âm giao, huyết hải, hành gian, nội quan.
3.2. Do tỳ hư
Triệu chứng: kinh ra không định kỳ, lượng ít, sắc nhạt, mặt vàng, chân tay phù, tinh Thần mệt mỏi, thích nằm, tay chân không ấm, chóng mặt hồi hộp, bụng trướng, miệng nhạt, ăn không ngon, ỉa chảy, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì.
Phép điều trị: bổ tỳ điều kinh.
Phương:
Bài 1:


Hoài sơn 16g Táo nhân 8g
Long nhãn 8g Đan sâm 12g
Đảng sâm 16g Ngưu tất 12g
ý dĩ 16g Bạch truật 8g
Biển đậu 12g  
Bài 2: Qui tỳ thang


Đảng sâm 12g Hoàng kỳ 12g
Bạch truật 12g Long nhãn 10g
Phục linh 12g Đương quy 12g
Táo nhân 10g Viễn chí 04g
Mộc hương 06g Cam thảo 04g
Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
3.3. Do can thận hư
Triệu chứng: kinh ra không định kỳ, sắc kinh loãng, sắc mặt ám tối, ù tai, chóng mặt, đau mỏi lưng, đi tiểu nhiều, đại tiện lỏng, mạch trầm nhược.
Phép điều trị: bổ can thận, cố xung - nhâm.
Phương:
Bài 1:


Thục địa 12g Hà thủ ô 12g
Đảng sâm  16g Thỏ ty tử  12g
Đan sâm 12g Ngưu tất 12g
Hoài sơn 12g

Bài 2: Địa kinh thang  

Thục địa 12g Phục linh 8g
Bạch thược 12g Sài hồ 12g
Đương quy 8g Hắc giới tuệ 12g
Thỏ ty tử 8g Hương phụ 8g
Hoài sơn 12g

Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
Châm cứu: châm bổ các huyệt tam âm giao, túc tam lý, quan nguyên, khí hải, địa cơ.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Trình bày triệu chứng kinh nguyệt trước kỳ thể huyết nhiệt.
2. Trình bày triệu chứng kinh nguyệt trước kỳ thể hư nhiệt.
3. Trình bày triệu chứng kinh nguyệt trước kỳ thể khí hư.
4. Trình bày phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt sau kỳ.
5. Trình bày phương pháp điều trị kinh nguyệt không định kỳ thể can khí uất và thể can thận hư.
6. Khoanh tròn vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai:
− Kinh nguyệt sau kỳ là do nguyên nhân nhiệt Đ/S − Kinh nguyệt không định kỳ là do tâm hư Đ/S
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: