Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ CỦA PHỤ NỮ

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
Nêu được đặc điểm sinh lý về kinh nguyệt và thai sản.
1. Kinh nguyệt
Phụ nữ trên dưới 14 tuổi thì bắt đầu thấy kinh, một tháng thấy 1 lần.
Người xưa cho rằng phụ nữ thuộc về âm nhưng nguyên khí ứng với mặt trăng. Mặt trăng cứ 30 ngày có một lần tròn, do vậy kinh nguyệt cũng 1 tháng thấy 1 lần và thường xuyên đúng hẹn nên gọi là kinh nguyệt hay còn gọi là nguyệt tín (đúng hẹn).
Sách Tố vấhi:
Con gái 7 tuổi thận khí thịnh, thay răng, tóc dài.
14 tuổi có thiên quý, nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, nguyệt sự di thời hạn, hữu năng có tử (kinh nguyệt đến đúng hẹn và có khả năng có con).
21 tuổi thận khí thăng bằng, mọc răng khôn.
28 tuổi gân xương cứng cáp, tóc dài hết sức, thân thể khoẻ mạnh.
35 tuổi mạch dương minh suy, da mặt bắt đầu nám, tóc bắt đầu rụng.
42 tuổi tam dương mạch suy ở phần trên, da mặt nhăn, tóc bắt đầu bạc.
49 tuổi mạch nhâm hư, mạch xung suy kém, thiên quý kiệt, mạch túc thiếu âm thận không thông nữa, hình thể suy tàn, hết khả năng sinh đẻ.
1.1. Thận khí
Thận khí là gốc của tiên thiên, là nguồn của sinh hoá. Đó là bẩm thụ của tiên thiên tạo thành bởi sự kết hợp tinh huyết của bố mẹ, có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể.
1.2. Thiên quý
Thiên quý là loại vật chất mới sinh ra khi chức năng sinh lý của con người đã hoàn thiện. Chức năng của thiên quý là làm cho nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, tạo ra kinh nguyệt ở nữ, làm tinh khí tràn đầy ở nam.
Tiếp đó lý luận y học cổ truyền cho rằng kinh nguyệt và thai sản liên quan đến hai mạch xung - nhâm.
1.3. Mạch xung
Mạch xung thuộc kinh dương minh vị, là chỗ các kinh mạch hội tụ, là bể chứa huyết. Khi bể huyết tràn đầy kinh sẽ ra đúng hẹn.
1.4. Mạch nhâm
Mạch nhâm chủ bào cung, thống quản các mạch âm trong cơ thể con người.
Vương Băng nói: “Mạch xung là bể chứa huyết, mạch nhâm chủ về bào thai. Hai mạch xung - nhâm nương tựa hỗ trợ cho nhau tốt thì đấy là nguồn suối của kinh nguyệt và thai sản”.
Có kinh nguyệt chủ yếu do hai mạch xung - nhâm, song cũng có liên quan đến 5 tạng. Vì: kinh nguyệt do huyết biến hoá mà tâm chủ huyết, can tàng huyết, tỳ thống nhiếp huyết, thận tàng tinh chủ tuỷ, huyết lại do tinh tuỷ hoá ra. Như vậy khi 5 tạng điều hoà, huyết mạch lưu thông thì bể huyết luôn đầy đủ làm cho kinh nguyệt điều hoà.
Người phụ nữ khoẻ mạnh bình thường thì cứ 28 ngày có kinh 1 lần (trừ khi có thai và cho con bú) đó gọi là sinh lý bình thường. Có trường hợp 2 tháng có kinh 1 lần (tính nguyệt), 3 tháng có kinh 1 lần (cự kinh), một năm thấy kinh 1 lần (tỵ niên), suốt đời không có kinh mà vẫn có thai (ám kinh), sau khi có thai đến kỳ kinh vẫn ra chút ít (khích kinh), đó là sự khác thường về sinh lý, không phải bệnh tật.
Về lượng kinh mỗi kỳ khoảng 50-100ml, cũng có người nhiều hơn người ít hơn song không quá nhiều hoặc quá ít gọi là bình thường. Thời gian thấy kinh thường 3-7 ngày. Máu kinh lúc đầu đỏ nhạt sau đậm hơn, cuối cùng lại đỏ nhạt, không đông.
Phụ nữ mới bắt đầu thấy kinh và thời kỳ tiền mãn kinh có những biểu hiện khác thường như sau:
− Lúc đầu mới thấy kinh có thể không đều về chu kỳ, nếu trong người không có bệnh gì khác thì không cần chữa.
− Thời gian tiền mãn kinh có giai đoạn rối loạn kinh nguyệt kèm theo tính tình cáu gắt, mất ngủ, đau đầu, đau lưng, nhức mỏi chân tay…Nếu không có gì nghiêm trọng thì không cần phải chữa.
2. Thai sản
Sách Linh khu có ghi: “Lưỡng Thần tương tác, hợp nhị thành hình”. Nghĩa là hai Thần chung đúc nhau hợp lại mà nên con người, vật chất để chung đúc ấy là tinh cha và huyết mẹ. Phụ nữ sau khi thụ thai, về sinh lý có một số thay đổi đặc biệt:
− Trước hết là tắt kinh.
− Âm đạo tiết ra nhiều chất dịch.
− Màu da bờ ngoài âm đạo sẫm lại.
− Bầu vú dần dần to lên, núm vú thâm lại, có một số hạt nổi lên.
Thời gian đó có hiện tượng ốm nghén: thích ăn của chua, buồn nôn…; sau 4 tháng sản phụ thấy thai máy động; đến cuối thời kỳ hay có hiện tượng đái dắt và bí đại tiện; sau 280 ngày là đến thời kỳ khai hoa nở nhụy. Sinh đẻ là hiện tượng sinh lý bình thường. Cổ nhân đã hình dung sự sinh đẻ là “dưa chín thì tróc miệng đĩa”.
Ngày đầu sau khi sinh thường có phát sốt, sợ rét, đổ mồ hôi, mạch trì hoãn là do khi sinh hao tổn nhiều khí huyết, nếu không phát triển nặng hơn thì không coi là hiện tượng bệnh lý.
Sau khi sinh vài ngày trong âm đạo có chảy ra chất dịch gọi là huyết hôi (ác huyết, ác lộ), có người đau bụng dưới từng cơn nhẹ, nếu không phải đau dữ dội thì sau vài ngày sẽ khỏi, cũng không coi là hiện tượng bệnh lý.
Sau khi sinh được nằm nghỉ tại chỗ (nằm chỗ, ở cữ) đúng 100 ngày. Ngoài việc cho con bú và không thấy hành kinh, toàn bộ thân thể sẽ hồi phục lại bình thường.
3. Các mạch Xung, Nhâm, Đốc, Đới có quan hệ với phụ khoa
Trọng yếu nhất là hai mạch xung và nhâm vì hai mạch này là nguồn suối của kinh nguyệt và thai sản.
Các mạch xung, nhâm, đốc, đới đều khởi đầu từ huyệt hội âm rồi chia ra 3 nhánh. Mạch Xung nhâm nối liền vào dạ con chịu sự ràng buộc của mạch đới. Vì thế bốn mạch xung, nhâm, đốc, đới cùng liên quan ảnh hưởng với nhau gây thành hệ thống có quan hệ trực tiếp đến sinh lý của phụ nữ.
Mạch xung - nhâm đầy đủ, thịnh vượng thì thân thể khoẻ mạnh, kinh nguyệt điều hoà, thụ thai và sinh nở bình thường. Nếu mạch xung - nhâm bị tổn thương có thể gây ra bệnh phụ khoa.
Mạch đới thì ràng buộc lấy các mạch để gìn giữ lấy mối quan hệ lẫn nhau. Nếu công năng ấy không điều hoà thì 3 mạch xung, nhâm, đốc bị ảnh hưởng sinh ra bệnh đới hạ, vô sinh.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Trình bày đặc điểm sinh lý kinh nguyệt theo YHCT.
2. Thận khí là gì? Thiên quý là gì?
3. Trình bày đặc điểm sinh lý về thai sản theo YHCT.
4. Hãy điền vào chỗ trống cụm từ thích hợp Mạch xung, mạch nhâm là nguồn suối của….
Mạch xung, nhâm, đốc, đới đều xuất phát từ….
Cổ nhân nói: “Sinh đẻ là dưa….miệng đĩa”
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: