Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

RONG KINH (Kinh lậu)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Nắm được định nghĩa và nguyên nhân của rong kinh, rong huyết theo y học hiện đại và y học cổ truyền.
2. Phân biệt được rong kinh và rong huyết.
3. Biết chẩn đoán và điều trị rong kinh, rong huyết bằng y học cổ truyền.
1. Đại cương
1.1. Định nghĩa
Theo YHHĐ: rong kinh là hiện tượng kinh kéo dài trên 7 ngày, lượng kinh có thể nhiều hoặc ít (kinh nhiều gọi là đa kinh (băng kinh), kinh ít gọi là thiểu kinh).
Theo y học cổ truyền: rong kinh được gọi là băng lậu (băng: có nghĩa là lở, tựa như núi lở, huyết ra cấp tốc (cấp); lậu: chỉ huyết ra nhỏ giọt, tựa như nhà dột (hoãn)).
1.2. Nguyên nhân
1.2.1. Theo y học hiện đại
− Rong kinh cơ năng: do rối loạn nội tiết thường gặp trong tuổi dậy thì và rong kinh ở tuổi tiền mãn kinh.
− Thực thể: do u xơ tử cung, đặt vòng tránh thai.
1.2.2. Theo y học cổ truyền
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do mạch xung - nhâm bị tổn thương gây nên. Trên lâm sàng chia làm 2 thể: hư và thực.
− Hư:
+ Khí hư: do lao động quá sức hoặc ăn uống không điều độ làm tỳ khí và phế khí bị tổn hại. Khí hư không chủ quản được huyết gây băng lậu.
+ Dương hư: khí hư lâu ngày ảnh hưởng đến dương khí của hạ nguyên, mệnh hoả suy kém, không ôn ấm được tử cung, không gìn giữ được sự điều hoà của xung - nhâm mà gây bệnh.
+ Âm hư: do sinh đẻ gây mất huyết hoặc phòng dục quá độ làm huyết hao tổn, mạch xung - nhâm không được nuôi dưỡng mà sinh bệnh.
− Thực:
+ Huyết nhiệt: do tâm hoả vốn vượng hoặc ăn phải chất cay nóng, nhiệt ứ đọng ở trong đẩy huyết đi xuống.
+ Huyết ứ: sau khi sinh hoặc sau hành kinh, huyết hôi ngăn trở ở trong làm chân huyết ứ lại mà tân huyết không quy được kinh.
+ Khí uất: do tình chí uất ức làm can khí uất kết, can mất chức năng điều đạt, khí nghịch lên nên huyết không đi theo kinh được.
1.3. Phân biệt rong kinh và rong huyết − Giống nhau: đều ra huyết âm đạo.
− Khác nhau:
+ Rong kinh có chu kỳ.
+ Rong huyết không có chu kỳ và thường do nguyên nhân thực thể gây ra như sẩy thai, sót rau, chửa ngoài tử cung, ung thư tử cung, polyp cổ tử cung, viêm cổ tử cung….
2. Phân loại và cách chữa bệnh
2.1. Theo y học hiện đại
Trước hết cần xác định nguyên nhân để điều trị:
− Nếu rong kinh do rối loạn nội tiết: dùng nội tiết progesteron và oestrogen tiêm 5-7 ngày.
− Nếu cường kinh: nguyên nhân người ta hay chú ý đến quá sản niêm mạc tử cung, do đó điều trị có thể nạo niêm mạc tử cung.
− Nếu do thực thể phải giải quyết nguyên nhân thực thể.
2.2. Theo y học cổ truyền
2.2.1. Thể do huyết nhiệt
Triệu chứng: kinh ra nhiều đầm đìa, sắc đỏ hồng, mình nóng, khát nước, hoa mắt chóng mặt, lưỡi đỏ, khô, rêu vàng, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết.
Phương:
Bài 1: Thanh nhiệt cố kinh thang
Quy bản 12g Hoàng cầm 12g
Mẫu lệ 12g Địa du 12g
A giao 12g Tông lư thán 12g  
Sinh địa 12g Ngẫu tiết 12g
Tiêu sơn chi 12g Cam thảo 4g
Địa cốt bì 12g  
Bài 2:Ngó sen sao vàng 40g
Cỏ nhọ nồi sao vàng 40g Trắc bá diệp sao vàng 40g
Lá huyết dụ sao vàng 40g Chi tử sao đen 20g Sắc uống ngày một thang, uống 7- 10 thang.
2.2.2. Thể tỳ hư
Triệu chứng: rong kinh kéo dài, người mỏi mệt, máu đỏ nhạt, ăn ít, thở nhiều, chân tay lạnh, khó tiêu, đầy bụng, chất lưỡi nhạt, có hằn răng, mạch tế nhược vô lực. Nếu băng huyết nhiều có thể xây xẩm, mạch muốn tuyệt.
Pháp điều trị: bổ tỳ khí để cầm máu.
Phương:
Bài 1: bài Bổ trung ích khí thang
Hoàng kỳ 12g Nhân sâm 12g
Đương quy 12g Thăng ma 8g
Sài hồ 12g Bạch truật 12g
Trần bì 8g Cam thảo 4g
Sắc uống ngày một thang, uống 7-10 thang.
Bài 2: dùng Độc sâm thang (nếu bệnh nặng)
 Nhân sâm 12g
 Nếu dùng đảng sâm thì phải 100g Sắc đặc lấy nước uống ngay.
Bài 3: dùng bài Quy tỳ thang (nếu cả tâm tỳ hư) xem bài rong kinh.
2.2.3. Thể thận hư
Triệu chứng: huyết ra không dứt, sắc nhợt, lạnh bụng dưới, thích xoa nóng, lưng đau, hoa mắt, chóng mặt, lưỡi nhợt, mạch trầm nhược − Pháp điều trị: bổ thận, điều hoà xung - nhâm, chỉ huyết.
Phương:
 
Bài 1: dùng bài Lục vị gia vị (nếu thiên về thận âm hư)
 Thục địa 12g Sơn dược 10g
 Sơn thù 10g Trạch tả 10g
 Phục linh 12g Đan bì 12g
 A giao 12g Ngải diệp
Trắc bá diệp 12g (sao đen)
Bài 2: Giao ngải thang (nếu thiên về thận dương hư)
12g (sao đen)
 Xuyên khung 12g Đương quy 12g
 Bạch thược 12g Thục địa 12g
 A giao 12g Ngải diệp 8g
 Sắc uống ngày 1 thang với nước gừng, đại táo.
2.2.4. Thể huyết ứ (do đặt vòng)
Triệu chứng: huyết ra dây dưa không cầm, sắc đen, có cục, đau bụng dưới, ấn vào khó chịu, chất lưỡi có đám ứ huyết, mạch trầm sáp.
Pháp điều trị: hoạt huyết, hành ứ.
Phương:
Bài 1: Tứ vật đào hồng
Đương quy 12g Thục địa 12g
Xuyên khung 12g Đào nhân 8g
Bạch thược 12g Hồng hoa 8g
Sắc uống ngày một thang trong 3- 5 ngày, sau đó có thể uống tiếp bài Quy tỳ.
Bài 2: Thất tiếu tán (cục phương)
 Bồ hoàng 8g
 Ngũ linh chi 8g
Sắc với rượu và nước tiểu trẻ em, uống 2 lần trong ngày.
Điều trị băng lậu bằng châm cứu: châm tả huyệt đoạn hồng (kẽ ngón tay 2-3 đo lên 0,5 thốn); châm bổ huyệt tam âm giao, quan nguyên, khí hải, vùng nội tiết ở loa tai.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Trình bày phương pháp điều trị rong kinh thể tỳ hư?
2. Trình bày phương pháp điều trị rong kinh thể huyết ứ
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: