Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Tạng thận trong đông y

 Thận, trong Đông y, là 1 trong 5 tạng của cơ thể (tâm, can, tỳ, phế, thận). Thận có nhiều chức năng: tàng tinh, chủ cốt tủy... Đông y có những bài thuốc để bổ thận.

Thận âm hư:

Trong các bệnh của thận, nếu vì âm hư thì có những triệu chứng chủ yếu như: di tinh, ù tai, răng lung lay, lưng đau hoặc lưng đùi ê ẩm, thậm chí còn liệt dương nữa. Có khi cũng có thể ảnh hưởng đến tạng phủ khác. Ví dụ: vì thận âm hư kém làm cho can hỏa quá mạnh, miệng ráo, cổ khô, đầu choáng, mắt hoa, mặt hồng hồng, tai đỏ, trong tai chảy mủ, không nghe được. Nếu ảnh hưởng đến phế, sẽ thấy các chứng ho hắng, ho ra máu, nóng về đêm, đổ mồ hôi trộm, người gầy mòn, đó là vì âm hư hỏa vượng, đốt lên phế kim.

Thận thuộc thủy, tâm thuộc hỏa, thủy và hỏa cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Nếu thận âm hư mà tâm hỏa bùng lên thì tâm thần không yên, sinh ra chứng không ngủ. Trái lại, tâm thần không yên hoặc thần khí suy nhiều cũng rất dễ liên cập đến bệnh của thận, sinh ra chứng di tinh, ù tai, đau lưng.

 Thận dương hư: 

Thận dương hư thì tinh khí không nhiếp suy được thường có những chứng tinh lạnh, hoạt tinh, liệt dương, hoặc lưng đùi cảm thấy lạnh, 2 chân yếu liệt. Thận dương kém không hóa được thủy, thì có thể làm cho thủy khí đình tụ lại, tiểu tiện không lợi, môi nhợt, thậm chí sinh ra phù thũng, đầy bụng. Ngoài ra những chứng đi tả lúc gần sáng cũng là vì thận dương hư yếu, không thể làm cho tỳ thổ ấm được, đến nỗi công năng chuyển vận thủy khí và tiêu hóa đồ ăn của tỳ vị bị giảm sút, lại có chứng “thận tiêu”, miệng khát uống nước nhiều, tiểu tiện cũng đi nhiều, uống một phần đi tiểu hai phần là do thận dương suy kém quá: không thể phân hóa được thủy dịch mà gây nên. Nếu thận hư không thể nạp được khí, khí nghịch nên thoát ra, phát sinh chứng trạng 2 chân lạnh, khí nghịch suyễn thở, thậm chí trán đổ mồ hôi, mu bàn chân sưng phù thế là bệnh đã đến lúc nguy kịch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét