Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Tiểu đêm nhiều theo đông y

 Theo Đông y, việc bài niệu là kết quả khí hóa của bàng quang. Bất kể nguyên nhân nào, khi ảnh hưởng đến bàng quang khí hóa thì sẽ xảy ra bài niệu bất thường.

Bàng quang khí hóa là do thận dương điều chỉnh, thận dương suy sẽ ảnh hưởng đến bàng quang khí hóa bình thường. Nói vậy, tại sao ban ngày không tiểu nhiều, mà ban đêm lại tiểu nhiều?

Đặc điểm của người già tiểu đêm nhiều là số lần đi tiểu ban ngày không nhiều, lượng cũng không nhiều, nhưng sau khi ngủ phải dậy nhiều lần để tiểu tiện, hằng đêm ít là 2 - 3 lần, nhiều 4 - 5 lần, 7 - 8 lần… Việc này tuy không đau đớn, nhưng ảnh hưởng giấc ngủ nghiêm trọng.

Y học hiện đại cho rằng có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều, do sinh lý: có thói quen uống nhiều nước, trà đậm, cà phê hoặc thuốc lợi tiểu trước khi ngủ…; do thần kinh: người rối loạn thần kinh hoặc căng thẳng (stress), khi bàng quang hơi căng phồng (ít hơn 300ml) lại có ý muốn tiểu, dẫn đến số lần bài niệu trong đêm gia tăng, thậm chí tạo thành thói quen tiểu đêm; do bệnh lý: rối loạn chức năng tim, thận, viêm thận. Đặc biệt là tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, vì xơ hóa tiểu động mạch thận, chức năng đào thải thận suy thoái, rất dễ xảy ra tiểu đêm nhiều.

Thực tế, nếu do sinh lý chỉ cần thay đổi thói quen uống nước, do thần kinh chỉ cần loại bỏ trạng thái căng thẳng thì giải quyết được vấn đề. Do bệnh lý thì Tây y cho rằng do tiểu động mạch thận xơ hóa, chức năng đào thải suy giảm mà dẫn đến tiểu đêm nhiều, nhưng tại sao ban ngày lại không tiểu nhiều? Xem ra vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây tiểu đêm nhiều.

Đông y cho rằng, ban ngày thuộc dương, dương khí thịnh, thận dương tuy suy yếu nhưng có dương khí của tự nhiên “chống đỡ”, chứng hư suy không đến nỗi biểu hiện rõ. Thế nhưng, ban đêm thuộc âm, âm khí thịnh, không những không đạt tác dụng “chống đỡ”, trái lại âm hàn ban đêm quá thịnh mà gây tiêu hao dương khí cơ thể. Thận âm vốn bất túc, lại chịu ảnh hưởng của âm hàn ban đêm rồi gây ra hư suy, dẫn đến thận dương không đạt tác dụng “ôn ấm”, làm cho bàng quang khí hóa không bình thường tạo ra tiểu đêm nhiều.

Điều quan trọng hơn, căn cứ theo lý luận Đông y, việc chữa bằng thuốc, hoặc ăn uống, đều có hiệu quả tốt. Kiến nghị người có triệu chứng nặng hơn trước tiên dùng thuốc, hoặc thuốc và món ăn dùng chung. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét