Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Viêm loét dạ dày - tá tràng

 Theo y học cổ truyền, bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống. Y học cổ truyền chia chứng vị quản thống làm các thể: Can khí phạm vị, vị âm hư suy và tỳ vị hư¬ hàn. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả một số bài thuốc và phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền có hiệu quả tốt trong điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng thể can khí phạm vị.

Thể can khí phạm vị còn gọi là can vị bất hòa, can khắc tỳ, can mộc khắc tỳ thổ… thường chia ra 3 thể nhỏ:

Thể khí trệ (khí uất)

Triệu chứng: Đau vùng thượng vị từng cơn; đau lan ra hai mạng sườn, xuyên ra sau lưng; bụng đầy chướng, ấn thấy đau (cự án), ợ hơi, ợ chua, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng, mạch huyền.

Phương pháp chữa: Hòa can lý khí (sơ can giải uất, sơ can hòa vị).

Thể hỏa uất

Triệu chứng: Vùng thượng vị đau nhiều, đau rát, cự án, miệng khô đắng, hay ợ chua, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

Phương pháp chữa: Sơ can tiết nhiệt (thanh can hòa vị).

Thể huyết ứ

Triệu chứng: Đau dữ dội ở một vị trí nhất định vùng thượng vị, cự án (ấn tay vào đau tăng thêm) chia làm hai loại thực chứng và hư chứng:

+ Thực chứng: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, môi, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực (bệnh thể cấp).

+ Hư chứng: Sắc mặt xanh nhợt, người mệt mỏi, chân tay lạnh, môi nhợt. Chất lưỡi bệu có điểm ứ huyết, rêu lưỡi nhuận, mạch hư đại hoặc tế sáp (bệnh thể hoãn).

Phương pháp chữa:

+ Thực chứng: Thông lạc hoạt huyết hay lương huyết chỉ huyết.

+ Hư chứng: Bổ huyết chỉ huyết.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét