Y học hiện đại không có bệnh danh “Cam tích” mà chỉ có suy dinh dưỡng trẻ em hoặc dạng bệnh thuộc ngũ quan; bệnh liên quan đến hoạt động tiêu hóa thất thường (tích trệ đồ ăn, bị trùng tích…).
Bệnh cam là gì?
Từ “Cam” không phải do thành phần đơn thuốc có cam thảo, cũng không phải thuốc có màu quả cam như một số người thường nghĩ. Từ “Cam” là chỉ trẻ ăn nhiều chất ngọt béo khó tiêu mà tích lại thành bệnh hoặc tình trạng tân dịch của tỳ vị bị khô cạn, vị nhiệt thượng xung gây bệnh cho lục phủ ngũ tạng; gọi chung là “bệnh cam”. Người xưa cho rằng: người từ 15 tuổi trở lên mà bị suy nhược gọi là hư lao, dưới 15 tuổi bị suy dinh dưỡng gọi là cam tích. Tùy theo chứng trạng của tạng phủ mà có tên gọi khác nhau: tỳ cam, phế cam, tâm cam, thận cam …
Y học hiện đại không có bệnh danh “Cam tích” mà chỉ có suy dinh dưỡng trẻ em hoặc dạng bệnh thuộc ngũ quan; bệnh liên quan đến hoạt động tiêu hóa thất thường (tích trệ đồ ăn, bị trùng tích…). Suy dinh dưỡng được chia làm 3 cấp:
- Độ 1 tương ứng tiêu chảy cấp tính mất nước, mất chất điện giải.
- Độ 2: tiêu chảy lâu ngày gây suy dinh dưỡng.
- Độ 3: Suy dinh dưỡng lâu ngày làm người gầy, bộ mặt nhăn nheo như người già, tinh thần mệt mỏi, ăn uống kém, tiếng khóc nhỏ bé, rêu lưỡi mỏng khô, lông tóc khô; có kèm các biểu hiện: da khô, loét niêm mạc, loét miệng, lắng đọng sắc tố, tử ban, phù thũng….
Các chứng trạng của suy dinh dưỡng độ 2 và 3 có viêm nhiễm, tương tự chứng bệnh cam tích của y học cổ truyền (độ 2: do tỳ hư – tỳ cam; độ 3: khí huyết hư, phế, tâm, thận hư… hay gọi là can cam).
Nguyên nhân chứng bệnh cam :
Do ăn uống không điều độ (cai sữa quá sớm, ăn nhiều chất ngọt hoặc béo quá, no hoặc đói thất thường) làm tỳ vị bị tổn thương; Do chăm sóc không đúng cách (khi bị bệnh, uống thuốc công phạt quá nhiều, bị sốt do vi rút mà dùng kháng sinh mạnh …); Do chăm sóc không phù hợp với các giai đoạn phát triển sinh lý của trẻ nhỏ làm nguyên khí hao tổn, tân dịch bị tổn thương.
Các loại bệnh cam
Bệnh cam ở tạng phủ khác nhau có chứng trạng rất khác nhau và có khoảng 12 loại bệnh cam. Các bệnh trên đều là chứng bệnh khó chữa, chữa mất nhiều thời gian; thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Phương pháp điều trị: Vừa công vừa bổ. Trước hết phải tiêu tích (tiêu đồ ăn bị tích trệ), tiếp đến tẩy trùng tích (trừ giun sán), sau đó bổ hư lý điều tỳ vị. Mỗi chứng cam tích có phương pháp chữa trị cụ thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét