Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Châm cứu trong y học cổ truyền phương Đông (Kỳ II)

 Châm cứu gắn liền với hình ảnh những chiếc kim đâm vào người làm cho người bệnh liên tưởng đến sự đau đớn. Thực ra kim châm cứu không giống như kim tiêm hay kim may mà nó mỏng và mềm dẻo hơn nhiều. ngoài ra, nhiều câu hỏi khác liên quan đến châm cứu...

(Tiếp theo kỳ trước)

Châm cứu có đau không?

Một số loại kim châm cứu mỏng như sợi tóc. Bởi vì kim có đường kính rất nhỏ, cộng với thao tác châm qua da nhanh tay của thầy thuốc thì gần như bệnh nhân không cảm thấy gì, nếu có chỉ là cảm giác nhói nhẹ tại thời điểm kim đi qua da, khi kim đã đi vào dưới da thì cảm giác nhói này không còn nữa. Bệnh nhân nên bình tĩnh khi châm cứu, nếu có lo lắng gì nên hỏi bác sĩ trước khi điều trị. Quá căng thẳng khi châm cứu là cho các cơ co thắt, cảm giác đau sẽ tăng lên nhiều lần, do đó khi châm sẽ cảm thấy đau nhiều hơn và dễ xảy ra tai biến.

Hiểu đúng về  châm cứu

Châm cứu có tai biến gì không?

Những tai biến khi châm cứu: hiếm khi xảy ra và không quá nghiêm trọng.

Đau sau châm cứu: sau khi châm cứu, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu vàđau nhức sau khi kim châm được rút ra, có thể sẽ đau nhưng thường biến mất trong vòng 24 giờ.

Vựng châm: vừa châm kim xong, người bệnh bỗng nhiên cảm thấy khó chịu, hoa mắt, buồn nôn, tay chân lạnh, toát mồ hôi, trụy tim mạch, có khi bị ngất. Nguyên nhân có thể do suy nhược, quá sợ hãi, yếu tim, dễ kích động, mới đến chưa được nghỉ, đói hoặc do bị châm quá đau, kích thích quá mạnh… Đề phòng: đối với người mới châm, sức yếu quá, mệt, đói… nên cho nghỉ 10 - 15 phút trước khi châm, không nên để quá đói hoặc quá no khi châm. Với người tim yếu, dễ xúc động, thần kinh nhạy cảm, thầy thuốc cần giải thích trước khi châm để bệnh nhân an tâm.

Chảy máu hoặc bầm tím: khi có chảy máu thầy thuốc sẽ cầm máu ngay, thường ít khi chảy máu trong châm cứu hoặc nếu có thì rất ít nếu thầy thuốc phát hiện và cầm máu ngay. Nếu bệnh nhân có các bệnh lý về đông máu cần thông báo trước cho thầy thuốc. Vết bầm tím thỉnh thoảng xuất hiện tại vị trí châm kim, bệnh nhân không nên quá lo lắng, chỉ cần chườm ấm sẽ mau hết.

Phỏng hoặc nóng rát khi cứu: do sức nóng của ngải cứu, sự cẩn thận trong điều trị của thầy thuốc sẽ hạn chế được tình trạng này. Bệnh nhân cần nằm im hạn chế cử động khi được điều trị bằng ngải cứu. Nếu bị phỏng, sơ cứu, làm mát vết bỏng.

Có thai có châm cứu được không?

Phụ nữ đang có kinh, đang mang thai chưa thật cần thiết không nên châm. Cần thông báo cho thầy thuốc nếu bệnh nhân đang có kinh hoặc mang thai.

Châm cứu có gây nhiễm trùng không?

Ngày nay, các bác sĩ thường sử dụng loại kim châm cứu tiệt trùng chỉ dùng 1 lần rồi bỏ để đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe cho người bệnh. Trước khi châm thầy thuốc sát trùng trước bằng cồn tại vị trí sẽ châm. Sau khi châm, rút kim ra, sẽ sát trùng lại vết châm lần nữa, như vậy đảm bảo sạch sẽ an toàn. Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được châm cứu đúng, an toàn và giảm thiểu những tai biến đáng tiếc của phương pháp điều trị này.

Bị bệnh đái tháo đường thì không nên châm cứu?

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường cho rằng châm cứu không tốt cho mình vì dễ gây nhiễm trùng. Trong châm cứu thường thực hiện sát trùng trước và sau khi châm nên vấn đề nhiễm khuẩn được kiểm soát tốt. Bệnh nhân nên yên tâm.

Khi nào không nên châm cứu?

Không châm cứu chữa bệnh đối với các trường hợp cấp cứu và các cơn đau bụng ngoại khoa. Người có sức khỏe yếu, người bị thiếu máu, mắc bệnh về tim và những người đang có trạng thái tinh thần không ổn định tuyệt đối không nên châm cứu. Ngoài ra, những người vừa lao động nặng nhọc, mệt mỏi, vừa ăn no hay cơ thể đang quá đói cũng được chống chỉ định châm cứu. Tuyệt đối không châm cứu ở các vùng như núm vú, rốn và không châm sâu vào các huyệt vùng ngực bụng.

Thời gian châm cứu như thế nào?

Một liệu trình châm cứu kéo dài trong 15 ngày, mỗi ngày áp dụng châm cứu 1 lần. Tuy nhiên, liệu trình châm cứu như thế nào bệnh nhân cần theo sự hướng dẫn của thầy thuốc chứ không cứng nhắc chỉ châm 15 ngày, tùy theo sự tiến triển trong điều trị mà có thể kéo dài hoặc rút ngắn liệu trình, không tự ý ngưng điều trị. Khi châm cứu dài ngày thầy thuốc có thể luân phiên các huyệt để bệnh nhân không bị châm nhiều lần vào một chỗ gây đau, khó chịu. Thời gian mỗi lần châm là 15 - 20 phút.

Hiểu đúng về  châm cứu

Châm cứu liên tục vào một vài huyệt nào đó có hại gì không?

Huyệt là nơi thần khí hoạt động vào - ra; nó được phân bố khắp phần ngoài cơ thể. Việc kích thích tại những huyệt vị này để có sự phản ứng nhằm đạt được kết quả điều trị mong muốn. Do đó, để phục vụ cho mục đích điều trị, có những huyệt cần được kích thích liên tục, dài ngày. Tuy nhiên, khi bệnh nhân thấy đau hoặc khó chịu tại vị trí châm đó cần báo cho thầy thuốc để có sự điều chỉnh.

Có thể bị liệt nếu châm không đúng kỹ thuật?

Châm không đúng kỹ thuật sẽ gây chảy máu nếu châm trúng mạch máu, gây tê dọc theo đường đi của dây thần kinh nếu châm trúng dây thần kinh. Do đó, trong khi châm nếu bệnh nhân thấy bất thường như đau, tê cần báo ngay để thầy thuốc xử trí kịp thời.

Trên đây là vài thắc mắc mà thầy thuốc thường gặp khi châm cứu cho bệnh nhân. Hy vọng giúp giải tỏa thắc mắc và làm yên tâm hơn cho người bệnh sẽ thực hiện châm cứu. Nếu có thắc mắc gì bệnh nhân nên trao đổi với thầy thuốc trước khi điều trị. Thông báo kịp thời cho thầy thuốc những khó chịu khi đang điều trị. Trên hết, để châm cứu an toàn và hiệu quả, người bệnh cần chọn cho mình nơi châm cứu có uy tín và được nhà nước cho phép.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét