Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Nhĩ châm

Nhĩ châm - phương pháp chữa bệnh độc đáo 

Trong Nội kinh tố vấn có đề cập: tai không phải bộ phận cô lập mà có liên quan mật thiết với toàn bộ cơ thể con người, với lục phủ ngũ tạng. Từ đó, nhĩ châm đã được lưu truyền và sử dụng để điều trị bệnh.

Tại Việt Nam và thế giới, nhĩ châm cũng đã được sử dụng lâu đời trong phòng ngừa và điều trị bệnh lý. Đã có nhiều công trình nghiên cứu hiệu quả của nhĩ châm trong điều trị các bệnh lý.

 

Nhĩ châm

 

Cấu trúc loa tai

Theo Nogier, loa tai  đại biểu cho hình thái của bào thai lộn ngược, đầu chúc xuống, chân ở trên.  Do  đó, vị trí khái quát của các vùng đại biểu đó sắp xếp như hình bên.

Từ trên xuống lần lượt:

Ở thuyền tai: ngón tay, bàn tay; cổ tay (ngang với lồi củ vành tai); cẳng tay, khuỷu tay; vai (ngang với rãnh trên bình tai); khớp vai; xương đòn (ngang với chỗ đối vành tai và đối bình tai giao nhau).

Chân trên đối vành tai có từ trên xuống: ngón chân, bàn chân; cẳng chân, đầu gối.

Chân dưới đối vành tai từ sau ra trước có: điểm dây thần kinh hông; mông.

Bụng ngực nằm trên đoạn hợp nhất của 2 chân đối vành tai: bụng ở trên ngang với bờ dưới của chân dưới đối vành tai; ngực ở dưới ngang với chân vành tai.

Cột sống chạy suốt từ bờ dưới chân dưới đối vành tai vòng xuống hết đối vành tai: L5 - L1: bờ dưới của chân dưới đối vành tai;  D12 - D1: bờ trong của đoạn chạy thẳng của đối vành tai;  C1 - C7: bắt  đầu từ chỗ tiếp giáp với  đối vành tai lên đến đoạn nối với đối sống lưng  (D1).

Trán: phía trước và dưới đối bình tai.

Chẩm: phía sau và trên đối bình tai.

Mắt: giữa dái tai.

Mũi: phần bờ bình tai thuộc xoắn tai dưới.

Miệng: bờ ngoài ống tai.

Sát chân dưới đối vành tai: bàng quang; thận; tụy (loa tai trái) hoặc túi mật  (loa tai phải); gan; lách.

Sát chân vành tai: ruột già; ruột thừa; ruột non; tá tràng; dạ dày; tim; phổi; khí quản.

Nguyên tắc lựa chọn huyệt trong nhĩ châm

Các huyệt nhĩ châm tương ứng với vùng bị bệnh có thể được lựa chọn để điều trị: điều này là phổ biến nhất và là phương pháp cơ bản để lựa chọn huyệt.

Ví dụ: đau cổ tay chọn huyệt nhĩ châm tương ứng vùng cổ tay, đau dạ dày chọn huyệt nhĩ châm tương ứng vùng dạ dày.

Chọn huyệt theo các học thuyết của Y học cổ truyền: quan trọng nhất là học thuyết tạng phủ.

Ví dụ: nếu bệnh nhân có bệnh lý xoang hay da, châm điểm phổi (Phế) bởi vì Phế khai khiếu ra mũi và chủ bì mao.

Và học thuyết kinh lạc.

Ví dụ: với đau đầu, nếu đau khu vực trán thuộc về vùng chi phối kinh Dương Minh Vị, có thể chọn điểm Dạ dày để châm. Nếu là đau nửa đầu thuộc vùng chi phối kinh Thiếu dương Đởm, có thể chọn điểm túi mật để châm

Chọn huyệt theo bệnh học và sinh lý bệnh của Y học hiện đại: nhiều huyệt được đặt tên theo tên y học hiện đại, chẳng hạn như vùng dưới vỏ, điểm giao cảm, thượng thận, và nội tiết.

Ví dụ: điểm thượng thận có chức năng điều chỉnh chức năng tuyến thượng thận, và đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị viêm, dị ứng, viêm khớp dạng thấp…

Các điểm thần kinh giao cảm, vỏ não có thể được sử dụng cho nhiều bệnh lý có rối loạn chức năng thần kinh .

Chọn huyệt dựa theo chức năng của huyệt:

Ví dụ: điểm chẩm là một điểm quan trọng để sử dụng điều trị chóng mặt. Thần môn có chức năng để ngăn chặn cơn đau...

Chọn huyệt theo phản ứng nhạy cảm:

Sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán như: nhìn, sờ nắn, và các máy dò huyệt để tìm những điểm nhạy cảm cần điều trị.

Kỹ thuật châm loa tai

Cấu tạo loa tai chủ yếu trên da dưới sụn, một vài chỗ có vài cơ dẹt mỏng, vì vậy châm ở loa tai khác với châm ở cơ thể.

Châm kim: có thể theo hai hướng: châm thẳng góc với da sâu 0,1 - 0,2cm không châm xuyên qua sụn, châm chếch 30 - 40 độ. Hoặc khi cần có thể châm luồn dưới da xuyên vùng này qua vùng khác.

Cảm giác đạt được khi châm:

- Châm vào huyệt A thị trên loa tai, bệnh nhân thường có cảm giác đau buốt, nóng bừng và đỏ ứng bên tai châm.

- Châm vào những vùng không phải là điểm ấn đau, bệnh nhân thường có cảm giác căng tức.

Cài kim: thủ pháp thường áp dụng khi thầy thuốc muốn kéo dài tác dụng của nhĩ châm. Kim  được sử dụng là loại kim đặc biệt, giúp thầy thuốc dễ dàng cài đặt và cố định trên loa tai. Kim này có tên là nhĩ hoàn.

Cứu: rất ít sử dụng vì khó thực hiện.

Thủ thuật bổ tả: trong nhĩ châm, phương pháp bổ tả được thực hiện  đơn giản hơn hào châm. Kích thích mạnh (Tả). Kích thích nhẹ (Bổ).

Liệu trình:

- Khi chữa bệnh cấp tính, nếu bệnh giảm thì có thể ngưng châm.

- Nếu chữa bệnh mãn tính, nên ước định một liệu trình khoảng 10 lần châm. Có thể thực hiện tiếp liệu trình thứ 2 (nếu cần thiết). Giữa 2 liệu trình nên chỉ nghỉ vài ngày. Khi cần điều trị dự phòng, có thể châm cách 7 - 10 ngày /lần.

Lưu kim: tùy theo mục đích chữa bệnh mà quyết định lưu kim lâu mau. Điều trị bệnh cấp, nhất là có kèm đau: Rút kim khi hết đau hoặc khi bệnh giảm nhiều. Muốn duy trì tác dụng, có thể lưu kim 24 - 48 giờ, thậm chí cả 7 - 10 ngày

Có thể đề phòng vựng châm bằng cách để bệnh nhân nằm châm, thầy thuốc châm kim cần tránh những thao tác đột ngột và quá mạnh; cần có thời gian  để cho bệnh nhân thích nghi dần, tránh gây căng thẳng không cần thiết cho bệnh nhân. Cũng như hào châm,  đừng châm khi bệnh nhân no quá,  đói quá hoặc đang mệt nhọc.

Hiện tại Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược đã triển khai 2 hình thức nhĩ châm: châm kim lưu trong 10 - 30 phút và châm kim cài với thời gian lưu kim 4 - 7 ngày để điều trị và phòng các bệnh lý có liên quan đến đau và liệt, rối loạn chức năng thần kinh cảm giác…

 

Chỉ định:
Thứ nhất là chống đau và ngăn ngừa tái phát. Gần đây đã phát triển thêm, ứng dụng thành công vào châm tê để mổ.
Thứ đến, châm loa tai cũng còn được dùng trong một số trường hợp rối loạn chức năng của cơ thể, an thần, giảm dị ứng, điều chỉnh hệ thống nội tiết…
Chống chỉ định:
Những cơn đau cấp chưa xác định được chẩn đoán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét