Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?

Y học phương Tây, hay y học hiện đại hình thành từ thực nghiệm, phân tích, chứng minh. Thí dụ mổ phanh ra xem có những cơ quan gì, rồi mô tả vị trí, kích thước các cơ quan đó: Hình thành bộ môn giải phẫu. Dùng thực nghiệm để tìm hiểu chức năng từng cơ quan khi nó hoạt động bình thường hay khi bị bệnh. Từ đó hình thành bộ môn sinh lý thường và sinh lý bệnh.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Khi bị bệnh, nhận xét các triệu chứng thể hiện ra ngoài như ho, sốt, khó thở, vàng da.v.v… Rồi lại mổ để phân tích tổn thương các cơ quan xem tim, gan, phổi… khác với bình thường thế nào từ đó hình thành bộ môn giải phẫu bệnh. Dùng vị thuốc diệt con ký sinh trùng, diệt con vi trùng đều có làm thực nghiệm xem thuốc đó tác động tới ký sinh trùng (giun, sán) hay vi trùng như thế nào. Từ đó mới sản sinh ra thuốc, hình thành bộ môn dược lý. Cũng qua thực nghiệm, người ta giải thích tại sao bị bệnh gọi là cơ chế bệnh sinh.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Lúc đầu còn sơ khai, sau này khoa học phát triển, y học được thừa hưởng cũng phát triển theo con người, khám phá sâu về con người, biết sâu về bệnh tật, tìm ra nhiều cách chữa, cứu chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Đó là Y học hiện đại của các nước phương Tây (Tây bán cầu) hay còn gọi là Tây y. Có trường lớp, có chương trình để đào tạo thầy thuốc.
Y học phương Đông hình thành từ thực tiễn cuộc sống. Con người phải sống, lao động, chịu tác động của môi trường thiên nhiên như không khí, đất, thực phẩm, nước. Có lẽ lúc đầu từ lao động nhiều, mệt mỏi, con người biết vươn vai, xoa xoa bóp bóp thấy đỡ mệt, đỡ đau. Khi đói cần tìm lá, quả, củ để ăn. Có thứ ăn lăn ra chết, có thứ ăn vào bị nôn nao, có thứ ăn vào thấy khoẻ và lớn lên. Qua hàng ngàn đời truyền lại và tổng kết thứ gì tốt, thứ gì độc, thứ gì ăn hết đau, thứ gì uống hết sốt.v.v… Cứ như thế, đời trước truyền cho đời sau để duy trì và phát triển nòi giống. Khi phát hiện ra lửa, con người biết nấu chín, dần biết chế biến thức ăn, uống, chế biến thuốc, bảo vệ nòi giống. Cũng từ thực tiễn, nhận xét thấy lạnh sinh bệnh gì, nóng sinh bệnh gì, ẩm thấp ảnh hưởng đến sức khoẻ ra sao. Từ tổng kết tác động của thiên nhiên, của ăn uống, mặt trái của lao động và thực phẩm mà phát hiện ra các nguyên nhân gây bệnh…
Khi con người có chữ viết, đã phát hiện ra các học thuyết: Âm dương – Ngũ hành, Kinh dịch… thì y học phương Đông có lý luận. Vậy là hình thành Y học phương Đông. Y học phương Đông được một số người tự tìm tòi trong cuộc sống, khám chữa bệnh, tự chế thuốc gọi là ông bà lang vườn. Có người được học giỏi Nho – Y – Lý số rồi khám chữa bệnh, hình thành các lương y. Khoảng 100 năm gần đây, những lương y mở trường đào tạo và cũng đã đào tạo các lương y thực thụ. Vậy ở xã hội ta có hai loại: một là người được đào tạo có lý luận của y học phương Đông, một loại từ lượm lặt kinh nghiệm, từ gia truyền cũng gọi là thầy thuốc, là lương y. Do vậy, đã đến lúc các nhà quản lý nên tìm các tên thích hợp cho các đối tượng trên kẻo xã hội dễ bị hiểu lầm, nhất là thời buổi kinh tế thị trường như ngày nay. (Trong từ điển: Lương y được định nghĩa là thầy thuốc giỏi, chứ không phải ai, cứ chữa bệnh gọi là lương y). Y lý của Đông y quá sâu sắc, nhất là khi kết hợp với Kinh Dịch, thì số người hiểu để vận dụng hành nghề có thể nói chỉ đếm trên đầu ngón tay dám cho mình là người hiểu biết y lý. Cách khám bệnh là một ví dụ.
Y học phương Đông khám bệnh như thế nào?
Khám theo trình tự: vọng, văn, vấn, thiết. Vọng là nhìn, là quan sát người đến khám bệnh, dáng đi, đứng có gù, vẹo, lệch, có gì bất thường rồi nhận xét thần và sắc của người bệnh. U tối, sáng sủa, đau, buồn, bực tức, lo nghĩ… thần của vẻ mặt sẽ chỉ ra nguyên nhân và bệnh ở đâu. Sắc là màu sắc của da, niêm mạc sáng, đỏ, đen, vàng … mỗi màu là một bệnh. Xem răng, môi, lưỡi… Nhìn lưỡi nhận xét tổng thể lưỡi dày, mỏng, phía trên lưỡi có lớp rêu trắng hay vàng, đen, có dày hay mỏng. Dìa lưỡi có ngấn răng là bệu…. Sau đó xem đầu lưỡi, giữa lưỡi, cuống lưỡi có gì bất thường. Dìa lưỡi bên phải khác dìa lưỡi bên trái… Tất cả các nhận xét trên cho thầy thuốc nhận định bệnh ở nông hay sâu, bệnh ở hàn hay nhiệt, bệnh ở cơ quan tạng phủ nào: tâm, can, tỳ, phế, thận. Ẩm thấp hay khô táo. Bệnh khó hay dễ chữa. Cũng từ nhận xét qua nhìn lưỡi, gợi ý nên chọn thức gì, phối hợp thuốc ra sao.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Vì các triệu chứng nhận xét của thầy thuốc và lời khai của bệnh nhân (hay gia đình) thường mang tính chủ quan. Vì vậy, người xưa yêu cầu phải khám rất tỷ mỉ, phải đủ bốn bước, rồi mới được kết luận. Phải so sánh bốn nhóm triệu chứng qua bốn bước, triệu chứng nào phù hợp, triệu chứng nào giả. Sau vọng thần sắc là vọng bộ phận bị bệnh. Thí dụ, xem ngực, bụng, đầu, tóc, móng… xem màu sắc chất thải như đờm, nước tiểu, phân, kinh nguyệt.
Văn là nghe, ngửi. Nghe tiếng nói, tiếng ho, to hay nhỏ, tiếng rõ hay yếu; Ngửi mùi hơi thở hôi, chua; Mùi chất thải chua, tanh, hôi…
Vấn chẩn là hỏi bệnh. Hỏi nguyên nhân đi khám bệnh: do đau, do sốt, do nôn, do mệt mỏi, do mất ngủ, do ăn uống kém, do gầy sút… Thời gian bị bệnh bao lâu ? Các triệu chứng trên có liên quan đến nóng, lạnh, ẩm thấp (thí dụ: lạnh ho tăng liên quan đến ăn, uống). Cần hỏi các triệu chứng kèm theo. Thí dụ ho có sốt không, ho có khó thở, có táo bón? hoặc đau vai có ho, có hạn chế vận động .v.v…
Thiết là sờ. Sờ da xem lạnh hay nóng, ẩm hay khô, sờ bộ phận bị bệnh: bụng, ngực… Sờ ấn các huyệt vị, đường kinh xem có gì bất thường, cuối cùng mới bắt mạch. Người bệnh và thầy thuốc phải ngồi thoải mái, có bàn, có gối kê tay. Khi khám, thầy thuốc phải bình tĩnh… Nhận xét 6 bộ mạch ở hai tay liên quan đến các tạng phủ. Xem tính chất của mạch: phù, trầm, căng, nhũn, đều hay loạn… Có 36 loại mạch, mỗi mạch ứng với một bệnh và bệnh thuộc tạng phủ nào.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Sau khi qua bốn bước khám bệnh (vọng, văn, vấn, thiết), thày thuốc tập hợp và suy luận để đưa ra kết luận: Bệnh còn ở nông hay đã sâu vào tạng phủ, bệnh thuộc hàn hay nhiệt, bệnh mắc đã lâu hay mới, sức người bệnh còn khoẻ hay yếu, cuối cùng bệnh thuộc loại âm hay dương. Bệnh ở tạng phủ nào? (Tâm, can, tỳ, phế, thận…).
TÌm nguyên nhân gây ra bệnh :
Thời tiết, khí hậu trái thường. Do trạng thái tâm lý, tình cảm căng thẳng kéo dài. Do trùng, thú vật cắn hay do chấn thương, chiến thương. Do ăn uống no đói thất thường hay do sinh hoạt bừa bãi.
Từ đó thầy thuốc mới gợi ý cách phòng bệnh và cách chữa cho người bệnh. Chữa bằng thuốc hay không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, luyện tập, hoặc phối hợp cả hai).

PGS.TS Dương Trọng Hiếu

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Đông y kỳ diệu, uyên thâm

Càng học, càng đọc, càng thấy lý luận y học cổ truyền (đông y) thật kỳ diệu và uyên thâm. Lý luận của y học cổ truyền không chỉ vận dụng vào y học (khám, chữa bệnh) mà suy rộng ra có thể vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống con người, xã hội.
Lấy học thuyết tạng tượng của y học cổ truyền là một ví dụ: “Tạng” theo nghĩa gốc tạng, là chứa đựng bên trong, ở đây chỉ các cơ quan nội tạng trong cơ thể. “Tượng” lý giải theo nghĩa là biểu tượng, hình tượng hay những trạng thái biểu hiện ra bên ngoài. Thông qua các biểu hiện và trạng thái bên ngoài, cái mà người ta có thể cảm nhận, quan sát được (tượng), mà nắm bắt, hiểu được cái bên trong tàng ẩn không quan sát, nhận biết được (tạng). Phương pháp tư duy này của y học cổ truyền rất logic, uyên thâm, phù hợp với quy luật của nhận thức và được vận dụng một cách diệu kỳ không chỉ trong chẩn đoán, điều trị bệnh mà cả trong cuộc sống nói chung.
Sở dĩ quan sát, nhận biết cái bên ngoài (tượng) để hiểu được và nắm bắt được cái bên trong (tạng), người xưa đã sớm phát hiện quy luật “hữu ư chung tất hình ư ngoại” (có ở bên trong ắt phải hiện ra bên ngoài) và trên cơ sở quan sát, nhận biết những biểu hiện, biến đổi bên ngoài để hiểu được nội dung bên trong. Ví dụ: thấy da dẻ mát lạnh hay nóng sốt biết là cơ thể đang bị cảm mạo do phong hàn hay phong nhiệt, sẽ xuất hiện các chứng tắc mũi, chảy nước mũi, ho….qua đó người ta biết được giữa da, lông, lỗ mũi và phế (phổi) có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Y học cổ truyền chỉ ra rằng: không có cái gì giấu kín ở trong mà không hề biểu hiện ra bên ngoài, từ sinh lý đến tâm lý. Bởi thực tế cho thấy “cái kim trong bọc, lâu ngày cũng lòi ra” hay “nhìn mặt mà bắt hình dong….”
Nhiều học thuyết, lý luận của đông y được áp dụng cả trong cuộc sống
Nhiều học thuyết, lý luận của đông y được áp dụng cả trong cuộc sống
Từ những lý luận kỳ diệu, uyên thâm của y học cổ truyền vận dụng trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật có kết quả….tôi suy ngẫm và thấy các học thuyết, lý luận của y học cổ truyền không chỉ vận dụng trong việc chẩn đoán, điều trị phòng ngừa bệnh tật mà rộng hơn nó còn có ý nghĩa sâu xa đối với đời sống con người và xã hội. Ví dụ: nhìn diện mạo, phong thái, cách ăn nói, của một con người, ta có thể đoán biết được người thiện, kẻ ác, người chính, kẻ tà… như người xưa thường nói: “nhìn mặt mà bắt hình dong”, hay “khôn ngoan hiện ra mặt”.
Vậy hãy sống cởi mở và chân thành với mọi người, đừng giấu kín suy nghĩ của mình hoặc hành động sai trái của mình, vì cổ nhân đã dạy: “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
“Hư thực” là một cặp phạm trù trong bát cương của y học cổ truyền. Hư là chỉ chính khí của cơ thể bất túc, sức đề kháng suy yếu. Thực là chỉ chính khí của cơ thể hữu dư, sức đề kháng của cơ thể mạnh mẽ. Nếu chính khí đầy đủ, mạnh mẽ thì tà khí không thể xâm nhập, gây bệnh cho con người. Suy rộng ra trong cuộc sống nếu cái thiện mạnh sẽ át được cái ác, cái tốt đẩy lùi cái xấu… vì vậy mỗi con người phải rèn luyện để cái thiện, cái tốt trong mình đầy đủ sẽ không sợ cái ác, cái xấu lấn áp như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Trong thực tế cuộc sống nhận biết được đâu là hư, đâu là thực không phải dễ dàng, nên mới có hiện tượng “chân hư giả thực” hay “chân thực giả hư” là những khái niệm rất sâu xa của y học cổ truyền.
Khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Bình
Khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Bình
“Chân hư giả thực” là để chỉ chính khí bị hư nhược, nhưng lại biểu hiện giả như thực chứng, dễ làm người thầy thuốc bị nhầm lẫn. Ngược lại “chân thực giả hư” chỉ bệnh thực tà kết tụ, nhưng lại biểu hiện giả giống như hư chứng.
Để điều trị được bệnh, đòi hỏi người thầy thuốc phải phân biệt được đâu là “chân” (bản chất), đâu là “giả” (hiện tượng) nếu không sẽ bị nhầm lẫn giữa chân và giả. Suy rộng ra trong cuộc sống thực tế cũng vậy không được nhầm lẫn giữa bản chất (chân) và hiện tượng (giả) như người xưa từng cảnh báo: “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”.
“Phù chính khu tà” là khái niệm rất độc đáo của y học cổ truyền. "Phù chính" là phù trợ, giúp đỡ chính khí, tăng cường chính khí để tiêu trừ bệnh tà. "Khu tà" là khu trừ bệnh tà, cũng là nhằm phù trợ cho chính khí. Suy rộng ra trong cuộc sống muốn cho mọi việc tốt đẹp hoàn mỹ, phải luôn luôn ủng hộ những điều tốt đẹp, hoàn mỹ đồng thời phải chung tay tiêu trừ những điều xấu.
Trong thực tế cuộc sống rất phong phú và đa dạng, nếu biết nắm bắt và vận dụng các học thuyết và lý luận của y học cổ truyền sẽ thấy được những điều kỳ diệu và uyên thâm của nó. Đó là bài học lớn mà tôi rút ra được và chiêm nghiệm trong cuộc sống cũng như cuộc đời hành nghề của mình.
Lấy học thuyết tạng tượng là một ví dụ: cái gì có bên trong rồi cũng phải thể hiện (lộ) ra bên ngoài. Vậy sao lại giấu kín những ý nghĩa hành động của mình để làm gì? Hãy sống cởi mở và chân thành với mọi người. Bởi vì không thể nào giấu được.
Cũng như vậy, nếu suy ngẫm sâu xa, các học thuyết về âm dương, ngũ hành, con người là tiểu vũ trụ của y học cổ truyền không chỉ là các học thuyết, lý luận thuần túy về y học mà mang ý nghĩa sâu xa và rất rộng.

Hoài Vũ