Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

TƯ LIỆU: Đông Y khám tìm bệnh qua 28 loại mạch cổ điển



I-MỤC ĐÍCH KHÁM BỆNH  :
Mục đích khám bệnh đ ể tìm nguyên nhân nào làm mất quân bình sự khí hóa ngũ hành tạng phủ của cơ thể.
Từ 5000 năm trước cho đến nay, đông y vẫn dùng 4 cách khám bệnh tổng hợp là Vọng, Văn, Vấn, Thiết :
Vọng : là nhìn những yếu tố như sắc mặt, mầu da, xem lưỡi, họng, tai, mắt, thể trạng bệnh nhân lúc đi, đứng, nằm ngồi, xem có hồng hào, khỏe mạnh, lanh lợi hoạt bát hay ốm yếu, xanh xao, chậm chạp....
Văn : là nghe những yếu tố như giọng nói, hơi thở, qua lời kể bệnh của bệnh nhân xem mạnh hay yếu, nhỏ hay lớn, nhanh hay chậm, rõ ràng mạch lạc hay đứt đoạn...
Vấn : là hỏi đến những dấu hiệu bệnh, triệu chứng thuộc về chuyên môn mà thầy thuốc còn có điểm nghi ngờ để xác định căn bệnh, như về ăn uống, thích uống nước nóng hay lạnh, về tiêu tiểu bón hay tiêu chảy, mầu phân và nước tiểu, ngủ được hay không, có nhức đầu chóng mặt, đau bụng không, cơ thể đau nhức chỗ nào....
Thiết : là bắt mạch, hoặc có thể nắn bụng, lưng, tay chân... để xác nhận tình trạng khí hóa của cơ thể xem cứng hay mềm, nóng hay lạnh... 
Thầy thuốc giỏi có thể nắm bàn tay bệnh nhân mà biết được âm dương hàn nhiệt :
Khi nắm bàn tay bệnh nhân, cảm nhận ban đầu là lạnh, giữ lâu cảm thấy bên trong ấm là dương hư thì ngoại hàn.
Bên ngoài lạnh giữ lâu bên trong nóng hâm hấp, là dương hư ngoại hàn, âm hư nội nhiệt.
Nắm bàn tay bên ngoài lạnh, giữ lâu bên trong cũng lạnh là âm và dương, huyết và khí đều hàn.
Nắm bàn tay ngoài ấm giữ lâu cảm thấy nóng là âm hư nội nhiệt
Nắm bàn tay ngoài nóng, giữ lâu bên trong cũng nóng là âm dương đều nhiệt.
Nếu một thầy thuốc giỏi, thì sau khi vọng, văn, vấn, đã có thể biết rõ căn nguyên bệnh, chỉ còn giai đoạn thiết, là bắt mạch để lập ra biểu đồ bệnh chứng xác nhận lại những dự đoán của vọng, văn, vấn mà thôi. Ngược lại hoặc bắt mạnh trước rồi vọng, văn, vấn, cũng để xác định lại xem có đúng bệnh chứng không.
Như vậy vọng, văn, vấn, thiết giống như định lý thuận và định lý đảo, cả hai đều đúng là phương pháp khám bệnh của một vị thầy thuốc giỏi và cẩn thận.
Nhờ 4 cách tổng hợp trên trên nói chung và cách đặc biệt chỉ bắt mạch nói riêng, đều nhằm xác định tình trạng bệnh quy vào những yếu tố bát cương của đông y về âm-dương (khí-huyết), hư-thực, hàn-nhiệt, biểu-lý của từng hành và của cả tổng thể ngũ hành tạng phủ của cơ thể.
Cho nên việc xem mạch rất quan trọng đối với thầy thuốc đông y, có khi phải học đến 10 năm và phải hành nghề nhiều năm mới có thể xem mạch được chính xác như các xét nghiệm của tây y được.
Theo kinh nghiệm của đông y, các đường kinh mạch trong cơ thể dẫn khí huyết đi từ Kinh Phế chu lưu khắp cơ thể rồi trở lại kinh Phế là 24 giờ, con người phải hít thở mất 13500 hơi thở ra, và hơi thở vào (=27000 ra và vào, tương đương với 18 hơi thở /phút) mỗi hơi thở mạch đi được 3 thốn khi hít vào, 3 thốn khi thở ra, ( thốn này không tính bằng cm chính xác, mà tính bằng chiều dài 1 lóng tay của mỗi người trên  củng cơ thể người đó, đông y gọi là đồng thân thốn) khí huyết đi và về đều hội tụ ở cổ tay. Khí thì hội tụ ở cổ tay bên phải gọi là Khí Khẩu, Huyết thì hội tụ ở cổ tay bên trái gọi là Nhân Nghinh.

Mỗi bên cổ tay chia làm 3 vị trí Thốn, Quan, Xích để thầy thuốc đông y đặt 3 đầu ngón tay trỏ, ngón tay giữa và ngón tay áp út để nghe mạch tương ứng với tạng phủ ở 5 mức độ ấn đè khác nhau để nghe mạch lực khác nhau của phổi, tim, tỳ, gan, thận:
a-Nếu ấn đặt nhẹ sức nặng bằng 3 gram lên Thốn-Quan-Xích để nghe mạch đập ở ngoài da là nghe mạch Phế, mạch Phế chủ bì mao.
b-Ấn đè ngón tay nặng bằng 6 gram để nghe mạch Tâm chủ Huyết mạch.
c-Ấn đè ngón tay nặng bằng 9 gram để nghe mạch Tỳ chủ cơ nhục.
d-Ấn đè ngón tay nặng 12 gram để nghe mạch Can chủ gân.
e-Ấn đè mạnh 13gram để nghe mạch Thận chủ xương cốt (ấn sát xương)
Chức năng tạng-phủ ở vị trí 3 mạch Thốn-Quan-Xích :
Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên phải chủ KHÍ gọi là mạch Khí Khẩu :
Sát cổ tay bên phải nơi huyệt Thái Uyên (kinh Phế) là mạch Thốn, nơi đặt đầu ngón tay trỏ của thầy thuốc, vị trí đặt ngón tay giữa để khám mạch Quan, vị trí ngón tay áp út của thầy thuốc là vị trí khàm mạch Xích.
3 mạch Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên phải do Phế làm chủ Khí. Cùng với Tỳ-Vị, Mệnh Môn, Tam Tiêu cùng lo việc vận KHÍ.
Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên trái chủ HUYẾT gọi là mạch Nhân-Nghinh
Sát cổ tay bên trái nơi huyệt Thái Uyên là mạch Thốn nơi đặt đầu ngón tay trỏ của thầy thuốc, ngón tay giữa nằm ở vị trí mạch Quan, ngón tay áp út nằm ở vị trí mạch Xích.
3 ngón tay Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên trái do Tâm làm chủ Huyết, cùng với Can-Đởn, Thận-Bàng Quang cùng lo việc vận hóa Huyết.
Cho nên Khí-Huyết thịnh thì con người khỏe mạnh. Khí-Huyết loạn làm xáo trộn sự khí hóa thì mạch cũng hiện ra sự xáo trộn, do đó xem mạch là một phương pháp khám tìm bệnh của đông y để biết xem tạng phủ nào bị xáo trộn, tùy theo vị trí ở mạch nào.
Khám Tạng Phủ trên Mạch Khí Khẩu ở cổ tay phải  :
Khi thầy thuốc đặt nhẹ tay trên phần nổi phần dương để khám bệnh của phủ, đè mạnh tay chìm xuống để khám bệnh của tạng.
Vị trí mạch Thốn khám kinh Kim dương phần nổi là Kinh Đại Trường, phần chìm khám Kim âm là kinh Phế
Vị trí mạch Quan khám kinh Thổ dưong phần nổi là Kinh Vị, phần chìm khám Thổ âm là Kinh Tỳ.
Vị trí mạch Xích khám kinh Hỏa dương phần nổi là Kinh Tam Tiêu, phần chìm là khám Mệnh Môn hỏa.
Khám Tạng-Phủ trên Mạch Nhân Nghinh ở cổ tay trái :
Vị trí mạch Thốn khám kinh Hỏa dương phần nổi là Kinh Tiểu Trường, phần chìm khám Hỏa âm là Kinh Tâm.
Vị trí mạch Quan khám kinh Mộc dương phần nổi là Kinh Đởm, phần chìm khám Mộc âm là Kinh Can.
Vị trí mạch Xích khám kinh Thủy dương phần nổi là Kinh Bàng Quang, phần chìm khám Thủy âm là Kinh Thận.


II-PHƯƠNG PHÁP NGHE MẠCH :
1-Nhận diện tổng quát :
Khi cơ thể bị xáo trộn sự khí hóa thì đường đi của khí và huyết qua mạch cổ tay có những dầu hiệu đặc biệt khác nhau để ta có thể biết được 8 loại đại cương thuộc : Khí-Huyết, Hư-Thực, Hàn-Nhiệt, Biểu-Lý, là hữu dư hay bất túc.
a-Biểu-Lý :
Lấy ngón tay khẽ để trên da nơi Thốn-Quan-Xích, nghe được mạch nhẩy ngay là bệnh thuộc Biểu là bệnh nhẹ mới phát, gọi là Mạch Phù.
Lấy ngón tay ấn mạnh xuống dưới làn da mới nghe được mạch đập là bệnh đã nặng, bệnh lâu ngày, là bệnh thuộc Lý đã vào bên trong cơ thể, gọi là Mạch Trầm.
b-Hàn-Nhiệt :
Đặt 3 ngón tay vào Thốn-Quan-Xích, khi nghe được mạch đập, thầy thuốc bắt đầu đếm xem 1 hơi thở của mình hít vào thở ra 1 lần thì nghe được mạch của bệnh nhân đập được mấy lần.
Nếu nghe được 3 lần là bệnh lạnh trong người, nghe được 2 lần là lạnh hơn, nghe được 1 lần là bệnh rất lạnh. Bệnh hàn lạnh gọi là Mạch Trì.
Nếu nghe được từ 5, 6, 7 lần là bệnh nóng trong người, nghe mạch càng đập nhiều thì trong người bệnh càng nóng nhiệt gọi là Mạch Sác.
Đôi khi thầy thuốc bị bệnh, xáo trộn tim mạch, nên bắt mạch theo tiêu chuẩn hơi thở của thầy thuốc cũng sẽ bị sai lầm không chính xác bằng máy đo áp huyết và máy đo đường của tây y, cho kết qủa bằng số cụ thể, để không bị khám bệnh sai và chữa bệnh sai có thể làm chết người trong một y án cổ kể rằng có một bệnh nhân ho ra máu, một thầy thuốc chẩn bệnh nói do nhiệt làm ho ra máu, chữa hạ nhiệt bằng Hoàng Liên cho mát thì bệnh nhân ho ra nhiều máu hơn, thầy thuốc mời thêm sư huynh đến chẩn bệnh cũng cho là nhiệt, phải cho liều Hoàng Liên gấp đôi, bệnh nhân ho ra máu gấp đôi. Cả hai thầy lại mời vị thầy giỏi hơn mình, cũng chẩn bệnh do nhiệt qúa nhiều, phải cho hạ nhiệt bằng Hoàng Liên liều gấp 3, bệnh nhân ho ra máu nhiều gấp ba. Cuối cùng một người học y cạnh nhà theo dõi bệnh tình bệnh nhân đề nghị với 3 thầy là phải dùng Quế Tâm tăng nhiệt để cầm xuất huyết, vỉ bệnh này do qúa hàn bị lạc huyết mới bị ho hàn xuất huyết. Khi mài quế cho bệnh nhân uống thử thì cầm ho không xuất huyết nữa, bệnh nhân còn khen thuốc mát qúa, trong người hết nóng rồi, đây là bệnh hàn giả nhiệt thuộc mạch Trầm + Sác vô lực (= lý hàn giả nhiệt)
c-Hư-Thực :
Nếu đặt 3 ngón tay, nghe được mạch đi nhỏ như sợi chỉ là thuộc bệnh Hư chứng, bệnh đã lâu ngày, gọi là Mạch Tế
Nếu mạch nổi to dưới 3 ngón tay dễ nhận ra là thuộc bệnh Thực chứng, gọi là Mạch Đại.(to)
d-Bất túc-Hữu dư :
Đặt 3 ngòn tay nghe được sức đi của mạch qúa ngắn, chỉ nghe được ở vị trí mạch Quan chứ mạch không lên đến mạch Thốn, hay xuống đến mạch Xích, đó là do khí-huyết suy nhược thiếu thốn, thuộc bệnh bất túc (không đủ), gọi là Mạch Đoản.

Ngược lại, ta nghe được đường đi của mạch kéo dài quá mạch Thốn, xuống qúa mạch Xích, là do khí-huyết thịnh, gọi là Mạch Trường.
2-Phần định bệnh tổng quát :
Trên thực tế khi cơ thể bị bệnh, mạch không phải đơn giản như trên mà nó phức tạp dựa theo bát cương bao gồm hai mạch hay ba mạch như :
Biểu hàn hay nhiệt, Lý hàn hay nhiệt, Biểu nhiệt hư hay thực, Biểu hàn hư hay thực, Lý nhiệt hư hay thực, nên có những mạch sau :
Biểu + Nhiệt = mạch Phù + Sác
Biểu + Hàn = mạch Phù + Trì
Lý + Nhiệt = mạch Trầm + Sác
Lý + Hàn = mạch Trầm + Trì
Biểu + Nhiệt + Hư = mạch Phù + Sác + Tế
Biểu + Nhiệt + Thực = mạch Phù + Sác + Đại
Biểu + Hàn + Hư = mạch Phù + Trì + Tế
Biểu + Hàn + Thực = mạch Phù + Trì + Đại
Lý + Nhiệt + Hư = mạch Trầm + Sác + Tế
Lý + Nhiệt + Thực = mạch Trầm + Sác + Đại
Lý + Hàn + Hư = mạch Trầm + Trì + Tế
Lý + Hàn + Thực = mạch Trầm Trì + Đại.
Trong những mạch nghe được ở trên lại còn phải nghe mạch chạy ngắn hay daì (Đoản hay Trường) để biết suy nhược bất túc hay mạch đang thịnh hữu dư, thí dụ Lý + Nhiệt + Thực + Hữu dư có mạch là Trầm + Sác + Đại + Trường.
3-Hai mươi tám loại Mạch và Bệnh Chứng :
Do đó, qua kinh nghiệm 5000 năm đến nay đông y đã phân biệt được 29 loại mạch gồm 1 mạch bình thường không bệnh và 28 loại mạch bệnh để định bệnh tổng quát và 7 loại tử mạch tương ứng với các bệnh chứng như sau :
MẠCH PHÙ :
Là mạch đi nổi trên da, chia 2 loại, có lực và ấn xuống mạnh không có lực
Bệnh chứng ngoại cảm do gió, mạch Phù không có sức là Phù + Hư
MẠCH TRẦM : còn gọi là Mạch Thạch.
Là mạch đi chìm trong da thịt, ấn mạnh tay nghe mạch động, nhấc lên không nghe thấy.
Chủ nội thương, khí kết, trong mình đau đớn.
MẠCH TRÌ :
Là mạch chạy chậm, 1 hơi thở mạch đập 1,2 đến 3 lần.
Bệnh chứng thuộc dương hư, lý hàn, bên trong người lạnh, có khi bên ngoài cũng lạnh (dương hư ngoại hàn, lý hư nội hàn).
 MẠCH SÁC :
Là mạch đi nhanh chạy qua ngón tay thầy bắt mạch nhanh đến 5,6,7 lần trong 1 hơi thở của thầy thuốc.
Bệnh chứng trong người nóng, mạch Sác có lực là nóng lắm có thể phát cuồng, nhưng ấn tay mạnh xuống không nghe thấy là hàn.
MẠCH HƯ :
Là mạch trống rỗng, ấn tay xuống hay nhấc tay lên đều thấy rộng lớn nhưng không rõ có hay không.
Bệnh chứng thuộc Khí và Huyết đều hư, bệnh nhân thường sợ hãi hốt hoảng.
MẠCH THỰC :
Là mạch đầy, đặc, khi ấn tay xuống hay nhấc tay lên đều nghe rõ mạch đi mạnh mẽ.
Bệnh chứng khí và huyết đều thực, có khi nóng.
MẠCH HỒNG : Còn gọi là Mạch Câu
Là mạch nhấc tay lên hay aấn tay xuống đều nghe có lực như sóng nước lụt chảy cuồn cuộn qua tay.
Bệnh chứng khí huyết đều bị thiêu đốt, trong ngoài cơ thể đều nóng.
MẠCH VI :
Là mạch đi nhỏ li ti không rõ, chỉ như sợi tơ nhện, nghe như có như không.
Bệnh chứng khí huyết đều hư, có khi bệnh đang phát mạnh và hàn khí kết đọng dưới rốn nổi cộm đau.
MẠCH HUYỀN :
Là mạch nhấc tay lên hay ấn tay xuống, nghe như đụng phải 1 sợi dây cung đang căng cứng lên.
Bệnh chứng nhọc mệt qúa độ, bệnh khá nặng có thể tổn hại khí huyết.
MẠCH KHẨN :
Là mạch căng xoắn như sợi dây thừng.
Bệnh chứng ngoại tà nhiễu hại, làm khí huyết rối loạn khiến bệnh nhân đau nhức.
MẠCH HOÃN :
Là mạch đi thong thả giống mạch Trì, nhưng hoãn, nghe được 4 lần, còn mạch Trì nghe được 1,2,3 lần.
Bệnh chứng khí huyết không được lưu thông, da thịt đau đớn cắn rứt.
MẠCH SẮC :
Là mạch đi rít cờn cợn như dao cạo vào vỏ tre, đi không trơn tru.
Bệnh chứng tinh huyết khô. Đàn ông bệnh phong lao tinh kiệt. Đàn bà có bầu thì trong thai ít huyết, hay đau bụng. Còn nếu không có thai thì trong bụng có huyết ứ trệ không thông, còn chỗ khác thiếu máu.
MẠCH KHÂU :
Là mạch đi như cọng rau muống, hai đầu nghe có mạch, khúc giữa rỗng.
Bệnh chứng huyết hư bại hay bị mất huyết nhiều làm đau bụng.
MẠCH HOẠT :
Là mạch chạy trơn tru như kéo 1 chuỗi hạt chạy qua tay.
Bệnh chứng huyết nhiều nhưng khí trệ làm ứ huyết không thông, sinh ra nhiều đờm, ho hắng, ăn vào thấy đầy bụng.
MẠCH PHỤC :
Là mạch ẩn nấp sát đến tận xương mới nghe được mạch chạy.
Bệnh chứng âm-dương bất giao, trắc trở thăng giáng thất thường làm đau bụng, lúc ói mửa, lúc đi tiêu chảy.
MẠCH NHU :
Là mạch ấn tay xuống không nghe được mạch, nhấc tay lên mới nghe, mềm mại, yếu ớt, không có lực chắc chắn.
Bệnh chứng khí-huyết đều hư. Dương hư mồ hôi ra nhiều. Người trẻ tuổi thì suy nhược ốm yếu lắm.
MẠCH NHƯỢC :
Là mạch chạy yếu như muốn đứt, nhấc tay lên không nghe thấy mạch.
Bệnh chứng tinh khí hao tổn, cốt tủy trống rỗng, thường hay đau mình, đau trong xương. Người già thì không đáng lo.
MẠCH TRƯỜNG :
Là mạch chạy dài qua khỏi Thốn Xích.
Bệnh chứng khí huyết hữu dư, người có bệnh này dễ chữa.
MẠCH ĐOẢN :
Là mạch chạy ngắn không đến Thốn Xích.
Bệnh chứng khí bất túc suy kém không đủ sức dẫn huyết mạch, hoặc cả khí huyết đều suy kém.
MẠCH TẾ :
Là mạch đi nhỏ có chừng mực nghe rõ hơn mạch Vi.
Bệnh chứng nguyên khí chính khí không đủ, tinh huyết thiếu.
MẠCH ĐẠI ( to) :
Lả mạch giống như mạch Hồng, nhấc tay lên nghe mạch chạy ồ ạt, nhưng ấn tay xuống lại nghe mạch chạy mềm không có lực.
Bệnh chứng do dương tà thịnh, chính khí không khắc chế nổi, bệnh còn đang tăng.
MẠCH ĐẠI (Mạch Đời) :
Là mạch thay đổi, chạy rít thỉnh thoảng lại nghỉ cách quãng đều nhất định. Thí dụ mạch đập được 30 nhịp thì nghỉ, sau lại đập tiếp 30 nhịp lại nghỉ nữa. Hình thức nửa mạch Sắc, nửa mạch Nhu.
Bệnh chứng  nguyên khí chính khí suy kiệt, bệnh nặng gặp Mạch Đại này sẽ nguy. (Đại giống nghĩa  tam đại là 3 đời)
MẠCH XÚC :
Là mạch chạy gằn lại, chạy mau như mạch Sác (nhiệt), nhưng không liên tục, chốc chốc lại nghỉ không nhất định, như thỉnh thoảng chạy bị vấp.
Bệnh chứng nhiệt tích tụ bên trong, dương thịnh mà âm không suy.
MẠCH KẾT :
Là mạch  đang đi bị kết nghẽn lại, đi chậm chạp khó khăn, thỉnh thoảng phải ngừng lại 1 cái.
Bệnh chứng âm tà thịnh hơn dương tà nên âm dương không hòa, nội tà ngoại tà đọng lại thành tích kết.
MẠCH ĐỘNG :
Là mạch nhấc tay lên nghe như lúc có lúc không, lúc có thì đứng lại 1 chỗ nghe như không chạy, mường tượng như lúc lắc hột xúc sắc.
Bệnh chứng hư tổn như băng huyết, đi kiết lỵ, chân tay co rút.
MẠCH CÁCH :
Là mạch căng như da trống, nhấc tay lên hay ấn tay xuống đều thấy căng thẳng như da trống không thấy chạy.
Bệnh chứng do tinh huyết thay đổi, đàn ông thì bệnh di mộng tinh, đàn bà thì huyết hư băng lậu, sản phụ thì sắp sinh dù tới tháng hay chưa.
MẠCH TÁN :
Là mạch thốn ở Nhân Nghinh vừa có mạch Phù, Đại, Đời, Nhu. Và mạch thốn ở Khí Khẩu vừa có mạch Phù, Sắc, Đời, Đại, đó là mạch Tán.
Bệnh chứng khí-huyết bị thoát ra do tà khí thịnh. Ở cổ tay Nhân Nghinh là tà khí thoát ra, ở cổ tay Khí Khẩu là khí của tạng phủ mất, đại tiểu tiện không cầm, chân tay giá lạnh, người xám nhợt, có thể chết.
MẠCH TUYỆT :
Là mạch mất, nghe ở thốn-quan-xích không thấy gì, nhấc tay lên ấn tay xuống cũng không có.
Bệnh chứng sắp chết.

(CÒN TIẾP)

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?

Y học phương Tây, hay y học hiện đại hình thành từ thực nghiệm, phân tích, chứng minh. Thí dụ mổ phanh ra xem có những cơ quan gì, rồi mô tả vị trí, kích thước các cơ quan đó: Hình thành bộ môn giải phẫu. Dùng thực nghiệm để tìm hiểu chức năng từng cơ quan khi nó hoạt động bình thường hay khi bị bệnh. Từ đó hình thành bộ môn sinh lý thường và sinh lý bệnh.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Khi bị bệnh, nhận xét các triệu chứng thể hiện ra ngoài như ho, sốt, khó thở, vàng da.v.v… Rồi lại mổ để phân tích tổn thương các cơ quan xem tim, gan, phổi… khác với bình thường thế nào từ đó hình thành bộ môn giải phẫu bệnh. Dùng vị thuốc diệt con ký sinh trùng, diệt con vi trùng đều có làm thực nghiệm xem thuốc đó tác động tới ký sinh trùng (giun, sán) hay vi trùng như thế nào. Từ đó mới sản sinh ra thuốc, hình thành bộ môn dược lý. Cũng qua thực nghiệm, người ta giải thích tại sao bị bệnh gọi là cơ chế bệnh sinh.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Lúc đầu còn sơ khai, sau này khoa học phát triển, y học được thừa hưởng cũng phát triển theo con người, khám phá sâu về con người, biết sâu về bệnh tật, tìm ra nhiều cách chữa, cứu chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Đó là Y học hiện đại của các nước phương Tây (Tây bán cầu) hay còn gọi là Tây y. Có trường lớp, có chương trình để đào tạo thầy thuốc.
Y học phương Đông hình thành từ thực tiễn cuộc sống. Con người phải sống, lao động, chịu tác động của môi trường thiên nhiên như không khí, đất, thực phẩm, nước. Có lẽ lúc đầu từ lao động nhiều, mệt mỏi, con người biết vươn vai, xoa xoa bóp bóp thấy đỡ mệt, đỡ đau. Khi đói cần tìm lá, quả, củ để ăn. Có thứ ăn lăn ra chết, có thứ ăn vào bị nôn nao, có thứ ăn vào thấy khoẻ và lớn lên. Qua hàng ngàn đời truyền lại và tổng kết thứ gì tốt, thứ gì độc, thứ gì ăn hết đau, thứ gì uống hết sốt.v.v… Cứ như thế, đời trước truyền cho đời sau để duy trì và phát triển nòi giống. Khi phát hiện ra lửa, con người biết nấu chín, dần biết chế biến thức ăn, uống, chế biến thuốc, bảo vệ nòi giống. Cũng từ thực tiễn, nhận xét thấy lạnh sinh bệnh gì, nóng sinh bệnh gì, ẩm thấp ảnh hưởng đến sức khoẻ ra sao. Từ tổng kết tác động của thiên nhiên, của ăn uống, mặt trái của lao động và thực phẩm mà phát hiện ra các nguyên nhân gây bệnh…
Khi con người có chữ viết, đã phát hiện ra các học thuyết: Âm dương – Ngũ hành, Kinh dịch… thì y học phương Đông có lý luận. Vậy là hình thành Y học phương Đông. Y học phương Đông được một số người tự tìm tòi trong cuộc sống, khám chữa bệnh, tự chế thuốc gọi là ông bà lang vườn. Có người được học giỏi Nho – Y – Lý số rồi khám chữa bệnh, hình thành các lương y. Khoảng 100 năm gần đây, những lương y mở trường đào tạo và cũng đã đào tạo các lương y thực thụ. Vậy ở xã hội ta có hai loại: một là người được đào tạo có lý luận của y học phương Đông, một loại từ lượm lặt kinh nghiệm, từ gia truyền cũng gọi là thầy thuốc, là lương y. Do vậy, đã đến lúc các nhà quản lý nên tìm các tên thích hợp cho các đối tượng trên kẻo xã hội dễ bị hiểu lầm, nhất là thời buổi kinh tế thị trường như ngày nay. (Trong từ điển: Lương y được định nghĩa là thầy thuốc giỏi, chứ không phải ai, cứ chữa bệnh gọi là lương y). Y lý của Đông y quá sâu sắc, nhất là khi kết hợp với Kinh Dịch, thì số người hiểu để vận dụng hành nghề có thể nói chỉ đếm trên đầu ngón tay dám cho mình là người hiểu biết y lý. Cách khám bệnh là một ví dụ.
Y học phương Đông khám bệnh như thế nào?
Khám theo trình tự: vọng, văn, vấn, thiết. Vọng là nhìn, là quan sát người đến khám bệnh, dáng đi, đứng có gù, vẹo, lệch, có gì bất thường rồi nhận xét thần và sắc của người bệnh. U tối, sáng sủa, đau, buồn, bực tức, lo nghĩ… thần của vẻ mặt sẽ chỉ ra nguyên nhân và bệnh ở đâu. Sắc là màu sắc của da, niêm mạc sáng, đỏ, đen, vàng … mỗi màu là một bệnh. Xem răng, môi, lưỡi… Nhìn lưỡi nhận xét tổng thể lưỡi dày, mỏng, phía trên lưỡi có lớp rêu trắng hay vàng, đen, có dày hay mỏng. Dìa lưỡi có ngấn răng là bệu…. Sau đó xem đầu lưỡi, giữa lưỡi, cuống lưỡi có gì bất thường. Dìa lưỡi bên phải khác dìa lưỡi bên trái… Tất cả các nhận xét trên cho thầy thuốc nhận định bệnh ở nông hay sâu, bệnh ở hàn hay nhiệt, bệnh ở cơ quan tạng phủ nào: tâm, can, tỳ, phế, thận. Ẩm thấp hay khô táo. Bệnh khó hay dễ chữa. Cũng từ nhận xét qua nhìn lưỡi, gợi ý nên chọn thức gì, phối hợp thuốc ra sao.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Vì các triệu chứng nhận xét của thầy thuốc và lời khai của bệnh nhân (hay gia đình) thường mang tính chủ quan. Vì vậy, người xưa yêu cầu phải khám rất tỷ mỉ, phải đủ bốn bước, rồi mới được kết luận. Phải so sánh bốn nhóm triệu chứng qua bốn bước, triệu chứng nào phù hợp, triệu chứng nào giả. Sau vọng thần sắc là vọng bộ phận bị bệnh. Thí dụ, xem ngực, bụng, đầu, tóc, móng… xem màu sắc chất thải như đờm, nước tiểu, phân, kinh nguyệt.
Văn là nghe, ngửi. Nghe tiếng nói, tiếng ho, to hay nhỏ, tiếng rõ hay yếu; Ngửi mùi hơi thở hôi, chua; Mùi chất thải chua, tanh, hôi…
Vấn chẩn là hỏi bệnh. Hỏi nguyên nhân đi khám bệnh: do đau, do sốt, do nôn, do mệt mỏi, do mất ngủ, do ăn uống kém, do gầy sút… Thời gian bị bệnh bao lâu ? Các triệu chứng trên có liên quan đến nóng, lạnh, ẩm thấp (thí dụ: lạnh ho tăng liên quan đến ăn, uống). Cần hỏi các triệu chứng kèm theo. Thí dụ ho có sốt không, ho có khó thở, có táo bón? hoặc đau vai có ho, có hạn chế vận động .v.v…
Thiết là sờ. Sờ da xem lạnh hay nóng, ẩm hay khô, sờ bộ phận bị bệnh: bụng, ngực… Sờ ấn các huyệt vị, đường kinh xem có gì bất thường, cuối cùng mới bắt mạch. Người bệnh và thầy thuốc phải ngồi thoải mái, có bàn, có gối kê tay. Khi khám, thầy thuốc phải bình tĩnh… Nhận xét 6 bộ mạch ở hai tay liên quan đến các tạng phủ. Xem tính chất của mạch: phù, trầm, căng, nhũn, đều hay loạn… Có 36 loại mạch, mỗi mạch ứng với một bệnh và bệnh thuộc tạng phủ nào.
Y học phương Đông chẩn bệnh như thế nào?
Sau khi qua bốn bước khám bệnh (vọng, văn, vấn, thiết), thày thuốc tập hợp và suy luận để đưa ra kết luận: Bệnh còn ở nông hay đã sâu vào tạng phủ, bệnh thuộc hàn hay nhiệt, bệnh mắc đã lâu hay mới, sức người bệnh còn khoẻ hay yếu, cuối cùng bệnh thuộc loại âm hay dương. Bệnh ở tạng phủ nào? (Tâm, can, tỳ, phế, thận…).
TÌm nguyên nhân gây ra bệnh :
Thời tiết, khí hậu trái thường. Do trạng thái tâm lý, tình cảm căng thẳng kéo dài. Do trùng, thú vật cắn hay do chấn thương, chiến thương. Do ăn uống no đói thất thường hay do sinh hoạt bừa bãi.
Từ đó thầy thuốc mới gợi ý cách phòng bệnh và cách chữa cho người bệnh. Chữa bằng thuốc hay không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, luyện tập, hoặc phối hợp cả hai).

PGS.TS Dương Trọng Hiếu

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Đông y kỳ diệu, uyên thâm

Càng học, càng đọc, càng thấy lý luận y học cổ truyền (đông y) thật kỳ diệu và uyên thâm. Lý luận của y học cổ truyền không chỉ vận dụng vào y học (khám, chữa bệnh) mà suy rộng ra có thể vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống con người, xã hội.
Lấy học thuyết tạng tượng của y học cổ truyền là một ví dụ: “Tạng” theo nghĩa gốc tạng, là chứa đựng bên trong, ở đây chỉ các cơ quan nội tạng trong cơ thể. “Tượng” lý giải theo nghĩa là biểu tượng, hình tượng hay những trạng thái biểu hiện ra bên ngoài. Thông qua các biểu hiện và trạng thái bên ngoài, cái mà người ta có thể cảm nhận, quan sát được (tượng), mà nắm bắt, hiểu được cái bên trong tàng ẩn không quan sát, nhận biết được (tạng). Phương pháp tư duy này của y học cổ truyền rất logic, uyên thâm, phù hợp với quy luật của nhận thức và được vận dụng một cách diệu kỳ không chỉ trong chẩn đoán, điều trị bệnh mà cả trong cuộc sống nói chung.
Sở dĩ quan sát, nhận biết cái bên ngoài (tượng) để hiểu được và nắm bắt được cái bên trong (tạng), người xưa đã sớm phát hiện quy luật “hữu ư chung tất hình ư ngoại” (có ở bên trong ắt phải hiện ra bên ngoài) và trên cơ sở quan sát, nhận biết những biểu hiện, biến đổi bên ngoài để hiểu được nội dung bên trong. Ví dụ: thấy da dẻ mát lạnh hay nóng sốt biết là cơ thể đang bị cảm mạo do phong hàn hay phong nhiệt, sẽ xuất hiện các chứng tắc mũi, chảy nước mũi, ho….qua đó người ta biết được giữa da, lông, lỗ mũi và phế (phổi) có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Y học cổ truyền chỉ ra rằng: không có cái gì giấu kín ở trong mà không hề biểu hiện ra bên ngoài, từ sinh lý đến tâm lý. Bởi thực tế cho thấy “cái kim trong bọc, lâu ngày cũng lòi ra” hay “nhìn mặt mà bắt hình dong….”
Nhiều học thuyết, lý luận của đông y được áp dụng cả trong cuộc sống
Nhiều học thuyết, lý luận của đông y được áp dụng cả trong cuộc sống
Từ những lý luận kỳ diệu, uyên thâm của y học cổ truyền vận dụng trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật có kết quả….tôi suy ngẫm và thấy các học thuyết, lý luận của y học cổ truyền không chỉ vận dụng trong việc chẩn đoán, điều trị phòng ngừa bệnh tật mà rộng hơn nó còn có ý nghĩa sâu xa đối với đời sống con người và xã hội. Ví dụ: nhìn diện mạo, phong thái, cách ăn nói, của một con người, ta có thể đoán biết được người thiện, kẻ ác, người chính, kẻ tà… như người xưa thường nói: “nhìn mặt mà bắt hình dong”, hay “khôn ngoan hiện ra mặt”.
Vậy hãy sống cởi mở và chân thành với mọi người, đừng giấu kín suy nghĩ của mình hoặc hành động sai trái của mình, vì cổ nhân đã dạy: “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
“Hư thực” là một cặp phạm trù trong bát cương của y học cổ truyền. Hư là chỉ chính khí của cơ thể bất túc, sức đề kháng suy yếu. Thực là chỉ chính khí của cơ thể hữu dư, sức đề kháng của cơ thể mạnh mẽ. Nếu chính khí đầy đủ, mạnh mẽ thì tà khí không thể xâm nhập, gây bệnh cho con người. Suy rộng ra trong cuộc sống nếu cái thiện mạnh sẽ át được cái ác, cái tốt đẩy lùi cái xấu… vì vậy mỗi con người phải rèn luyện để cái thiện, cái tốt trong mình đầy đủ sẽ không sợ cái ác, cái xấu lấn áp như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Trong thực tế cuộc sống nhận biết được đâu là hư, đâu là thực không phải dễ dàng, nên mới có hiện tượng “chân hư giả thực” hay “chân thực giả hư” là những khái niệm rất sâu xa của y học cổ truyền.
Khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Bình
Khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Bình
“Chân hư giả thực” là để chỉ chính khí bị hư nhược, nhưng lại biểu hiện giả như thực chứng, dễ làm người thầy thuốc bị nhầm lẫn. Ngược lại “chân thực giả hư” chỉ bệnh thực tà kết tụ, nhưng lại biểu hiện giả giống như hư chứng.
Để điều trị được bệnh, đòi hỏi người thầy thuốc phải phân biệt được đâu là “chân” (bản chất), đâu là “giả” (hiện tượng) nếu không sẽ bị nhầm lẫn giữa chân và giả. Suy rộng ra trong cuộc sống thực tế cũng vậy không được nhầm lẫn giữa bản chất (chân) và hiện tượng (giả) như người xưa từng cảnh báo: “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”.
“Phù chính khu tà” là khái niệm rất độc đáo của y học cổ truyền. "Phù chính" là phù trợ, giúp đỡ chính khí, tăng cường chính khí để tiêu trừ bệnh tà. "Khu tà" là khu trừ bệnh tà, cũng là nhằm phù trợ cho chính khí. Suy rộng ra trong cuộc sống muốn cho mọi việc tốt đẹp hoàn mỹ, phải luôn luôn ủng hộ những điều tốt đẹp, hoàn mỹ đồng thời phải chung tay tiêu trừ những điều xấu.
Trong thực tế cuộc sống rất phong phú và đa dạng, nếu biết nắm bắt và vận dụng các học thuyết và lý luận của y học cổ truyền sẽ thấy được những điều kỳ diệu và uyên thâm của nó. Đó là bài học lớn mà tôi rút ra được và chiêm nghiệm trong cuộc sống cũng như cuộc đời hành nghề của mình.
Lấy học thuyết tạng tượng là một ví dụ: cái gì có bên trong rồi cũng phải thể hiện (lộ) ra bên ngoài. Vậy sao lại giấu kín những ý nghĩa hành động của mình để làm gì? Hãy sống cởi mở và chân thành với mọi người. Bởi vì không thể nào giấu được.
Cũng như vậy, nếu suy ngẫm sâu xa, các học thuyết về âm dương, ngũ hành, con người là tiểu vũ trụ của y học cổ truyền không chỉ là các học thuyết, lý luận thuần túy về y học mà mang ý nghĩa sâu xa và rất rộng.

Hoài Vũ 

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

BẾ KINH, VÔ KINH (Trẫn huyết)

BẾ KINH, VÔ KINH
(Trẫn huyết)
PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được quan niệm vô kinh theo YHHĐ và YHCT.
2. Trình bày được triệu chứng và phương pháp điều trị vô kinh theo thể bệnh bằng YHCT.
1. theo y học hiện đại
1.1. Định nghĩa
Vô kinh là hiện tượng không có kinh nguyệt qua một thời gian quy định. Thời gian ấy là 18 tuổi đối với vô kinh nguyên phát, 3 tháng nếu đã từng có kinh đều, là 6 tháng nếu có kinh không đều.
Người ta còn phân biệt vô kinh sinh lý (xảy ra trong thời kỳ có thai, thời kỳ cho con bú) và vô kinh bệnh lý.
1.2. Điều trị
Gây vòng kinh nhân tạo theo trình tự: giai đoạn đầu chỉ có oestrogen, giai đoạn sau có cả oestrogen và progesteron giống như vòng kinh tự nhiên.
2. theo Y học cổ truyền
Trên thực tế lâm sàng y học cổ truyền chỉ chữa loại vô kinh thứ phát và chứng bế kinh, do 2 nguyên nhân chính:
− Do phần huyết giảm sút gồm: khí hư, huyết hư, lao tổn, vị nhiệt.
− Do phần huyết bị ứ trệ gồm: phong hàn, khí uất, đàm tắc, huyết ứ làm kinh huyết không vận hành gây bế kinh, vô kinh.
2.1. Khí huyết hư tổn
2.1.1. Do huyết hư: hay gặp ở người thiếu máu
Triệu chứng: kinh nguyệt vài tháng không có, sắc mặt vàng úa, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp, ăn kém, người gầy, da khô, chất lưỡi nhợt, mạch tế sác.
Phép điều trị: bổ khí huyết.
Phương:
Bài 1: Đảng sâm 12g Thục địa 12g
Bạch truật 12g Hà thủ ô 12g
Hoài sơn 12g Kê huyết đằng 12g
ý dĩ 12g Ngưu tất 12g
Kỷ tử 12g ích mẫu 16g
Bài 2: Dùng bài Tứ vật đào hồng
Xuyên khung 10g Bạch thược 12g
Đương quy 16g Đào nhân 12g
Thục địa 12g Hồng hoa 10g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 20- 30 thang.
2.1.2. Do tỳ khí hư
Triệu chứng: bế kinh vài tháng, sắc mặt vàng, tinh Thần mỏi mệt, đầu choáng, hồi hộp, thở gấp, kém ăn, chân tay lạnh, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm.
Phép điều trị: kiện tỳ, ích khí, sinh huyết.
Phương: dùng bài Bổ trung ích khí thang gia giảm
Đảng sâm 12g Bạch truật 12g
Hoàng kỳ 12g Đương quy 12g
Thăng ma 12g Sài hồ 12g
Trần bì 12g Đan sâm 12g
Ngưu tất 12g Bạch thược
Hoặc dùng bài Quy tỳ thang gia giảm
12g
Đảng sâm 12g Bạch linh 12g
Bạch truật 12g Cam thảo 12g
Hoàng kỳ 12g Đương quy 12g
Táo nhân 10g Mộc hương 6g
Viễn chí 4g Thục địa 12g
Bạch thược 12g Xuyên khung 8g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 10-15 thang.
2.1.3. Do can thận âm hư
Triệu chứng: bế kinh vài tháng, người gầy còm, sắc mặt trắng, gò má đỏ, lòng bàn tay bàn chân nóng, miệng khô, tâm phiền, ít ngủ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch tế sác.
Phép điều trị: tư bổ can thận, hoạt huyết.
Nếu hư lao (lao phổi) thêm bổ phế âm.
Phương: dùng bài Lục vị gia vị
Thục địa 12g Sơn dược 12g
Sơn thù 12g Trạch tả 10g
Phục linh 12g Đan bì 12g
Trạch lan 12g Ngưu tất 12g
ích mẫu 12g Đào nhân
Nếu có phế âm hư thì dùng bài Kiếp lao tán
10g
Bạch thược 12g Bán hạ chế 12g
Hoàng kỳ 12g Phục linh 12g
Cam thảo 4g Đương quy 12g
Ngũ vị tử 10g Sa sâm 12g
Agiao 12g Thục địa 12g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 15-20 thang.
2.1.4. Do vị nhiệt: do nhiệt tích ở trung tiêu, không dẫn xuống làm tổn thương tân dịch gây nên bế kinh.
Triệu chứng: bế kinh, sắc mặt vàng, hai gò má đỏ, tâm phiền, nóng nảy, miệng đắng, họng khô, người gầy, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, có khi loét miệng, mạch tế sác.
Phép điều trị: tiết nhiệt, tồn âm.
Phương: dùng bài Ngọc trúc tán
Xuyên khung 10g Đương quy 12g
Thục địa 12g Bạch thược 12g
Đại hoàng 4g Mang tiêu 4g
Cam thảo 4g

Sắc uống ngày 1 thang, uống 15-20 thang hoặc có thể làm thuốc hoàn uống.
 
2.2. Do huyết ứ
2.2.1. Do phong hàn: do phong hàn xâm nhập vào mạch xung và nhâm gây bế kinh.
Triệu chứng: bế kinh, bụng dưới lạnh, đau, chân tay lạnh, buồn nôn, rêu lưỡi trắng, mạch trầm khẩn.
Phép điều trị: ôn kinh tán hàn, hành khí hoạt huyết.
Phương:
Bài 1:
Quế chi 6g Tô ngạnh 10g
Bạch chỉ 8g Đan sâm 12g
Xuyên khung 10g Uất kim 8g
Ngưu tất 12g Nga truật 10g
Bài 2: Lương phương ôn kinh thang
Đương quy 12g Ngưu tất 12g
Xuyên khung 10g Đảng sâm 12g
Bạch thược 12g Cam thảo 4g
Nga truật 12g
Quế chi 4g
Đan bì 12g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 7-10 thang.
2.2.2. Do can khí uất
Triệu chứng: bế kinh, tình chí uất ức, hay cáu gắt, phiền táo, sắc mặt vàng, ngực sườn đầy tức, ợ hơi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.
Phép điều trị: lý khí thư uất, điều kinh.
Phương:
Hương phụ  8g Nga truật 12g
Trần bì 8g Uất kim 8g
Xuyên khung 12g Ô dược 8g
Tô ngạnh 8g Ngưu tất 12g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 10-15 thang.
2.2.3. Do huyết ứ, huyết ngưng
Triệu chứng: bế kinh, đau vùng hạ vị, cự án, sắc mặt tối, miệng khô nhưng không muốn uống, mạch trầm sác.
Phép điều trị: hoạt huyết, hoá ứ.
Phương:
Bài 1: ích mẫu 12g Đào nhân 10g
  Uất kim 12g Ngưu tất 12g
  Tạo giác thích 8g Hương phụ 8g
Bài 2: Thông ứ tiễn

Đương quy 12g Huyền hồ 10g

Hồng hoa 10g Xích thược 12g

Xuyên khung10g Hương phụ 8g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 10-15 thang.
Châm cứu
+ Tại chỗ: châm bổ các huyệt quan nguyên, khí hải, khúc cốt.
+ Toàn thân: châm tam âm giao, huyết hải, thận du, can du, tỳ du.
+ Nhĩ châm: châm vùng tử cung và nội tiết.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống
− Vô kinh là hiện tượng….quy định.
− Thời gian ấy là…vô kinh nguyên phát,…..có kinh đều, …..có kinh không đều.
2. Hãy điền vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai
− Vô kinh thể huyết hư, phép điều trị là bổ khí huyết Đ/S − Điều trị vô kinh không nên châm cứu Đ/S
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

ĐỚI HẠ

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Nắm được Đại cương về đới hạ theo YHHĐ và YHCT.
2. Nêu được triệu chứng và phương pháp điều trị đới hạ bằng YHCT.
1. Đại cương
1.1. Theo y học hiện đại
Bình thường âm đạo phụ nữ tiết ra dịch nhầy trong, không hôi, có tác dụng nhu nhuận âm đạo, giữ cho pH của âm đạo ở mức 4,5 (toan) để vi khuẩn gây bệnh không phát triển (glucogen chịu tác dụng trực tiếp của trực khuẩn Doderlein ở âm đạo biến thành acid lactic làm môi trường âm đạo trở nên toan nên vi khuẩn không phát triển được).
Chất dịch được tiết ra từ các tuyến ở cổ tử cung, niêm mạc tử cung, biểu mô âm đạo dưới tác dụng của nội tiết.
Trong trường hợp thiểu năng nội tiết, khí hư ít, hay bị viêm âm đạo và dẫn đến vô sinh.
Trong nhiễm khuẩn đường sinh dục khí hư ra nhiều, bẩn, hôi, ngứa.
Tác dụng của khí hư:
− Bảo vệ âm đạo khỏi viêm nhiễm.
− Hướng cho tinh trùng đi về phía tử cung.
− Phản ánh sự phát triển của nội tiết.
− Phản ánh tình trạng của viêm nhiễm đường sinh dục.
− Dưới tác dụng của estrogen các chất protein kết tinh tạo thành hình ảnh dương xỉ (phản ánh tình trạng rụng trứng và phóng noãn), thường áp dụng để điều trị vô sinh.
1.2. Theo y học cổ truyền
Theo Nội kinh đới hạ bao gồm 2 nghĩa:
Nghĩa rộng: gồm tất cả các bệnh kinh đới, thai sản vì các bệnh này đều phát sinh phần dưới lưng quần (đới là dây thắt lưng quần, hạ là dưới).
Nghĩa hẹp: trong âm đạo có dịch chảy xuống lai rai gọi là đới hạ. Bao gồm bạch đới, xích đới, hoàng đới, hắc đới, thanh đới, ngũ sắc đới, bạch dâm (giống di tinh ở nam giới), bạch trọc (viêm đường tiết niệu).
Đới hạ thuộc âm dịch. Trong cơ thể âm dịch do tỳ vận hoá, thận bế tàng, liên quan đến xung nhâm. Khi tỳ vận hoá tốt, thận khí thịnh, xung - nhâm điều hoà, đới mạch kiên cố… thì âm dịch có tác dụng nhu nhuận âm hộ và âm đạo “tân tân thường nhuận, bản phi bệnh giả”.
Nếu thận khí bất túc, tỳ vận hoá kém hoặc nhâm mạch hư yếu, đới mạch bất cố gây khí hư ra nhiều, sắc màu có tính chất thay đổi gọi là bệnh đới hạ.
2. Nguyên nhân gây bệnh đới hạ
2.1. Nội nhân
− Do tỳ hư thấp đình trệ.
− Do can khí uất, nhiệt theo kinh can dồn xuống xung - nhâm.
− Do thận hư, xung - nhâm thương tổn gây nên đới hạ.
2.2. Ngoại nhân
Do phong hàn thấp nhiệt nhân lúc bào cung hư yếu xâm nhập vào gây nên bệnh đới hạ.
2.3. Bất nội ngoại nhân
Do chửa đẻ, phòng dục quá độ, nạo sẩy nhiều lần.
3. Điều trị
3.1. Thể do tỳ hư
Triệu chứng: đới hạ nhiều, trắng loãng như nước, không hôi, đau lưng, trướng bụng, da vàng nhạt, tinh Thần mệt mỏi, chân tay lạnh, đại tiện táo, chất lưỡi nhợt, mạch trầm nhược.
Phép điều trị: kiện tỳ, trừ thấp.
Phương: dùng bài Hoàng đới thang
Bạch truật 12g Sa tiền tử 8g
Hoài sơn 12g Thương truật 8g
Đảng sâm 12g Trần bì 8g
Bạch thược 12g Cam thảo 4g
Sài hồ 12g Bạch giới tử sao 4g
Hoặc dùng đối pháp lập phương
Đảng sâm 12g Hoài sơn 12g
ý dĩ 12g Bạch truật 12g
Thương truật 8g Hoàng bá 8g
Khiếm thực 12g Hương phụ 8g
Cam thảo 4g

Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
3.2. Thể do thận hư
Triệu chứng: đới hạ nhiều, màu vàng, mệt mỏi, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần, lạnh bụng dưới, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng dày, mạch trầm tế.
Phép điều trị: bổ thận, cố xung nhâm.
Phương:
Nếu thận dương hư dùng bài Bát vị.
Nếu thận âm hư dùng bài Lục vị tri bá hoặc bài Thủ ô câu kỷ thang
Hà thủ ô 12g Câu kỷ tử 12g
Thỏ ty tử 12g Tang phiêu tiêu 12g
Xích thạch chi 12g Cẩu tích 12g
Đỗ trọng 12g Thục địa 12g
Hoắc hương 4g Sa nhân 4g
Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
3.3. Thể do can uất
Triệu chứng: đới hạ lờ đờ máu cá, nhầy dính, kinh nguyệt trước sau không định kỳ, u uất, ngực sườn đầy tức, miệng khô đắng, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ, mạch huyền hoạt.
Phép điều trị: điều can, giải uất, thanh nhiệt.
Phương: dùng bài Long đởm tả can thang
 Long đởm thảo 12g Đương quy 12g
 Bạch thược 12g Sài hồ 12g
 Trạch tả  10g Mộc thông 10g
 Sa tiền  8g Cam thảo 4g
 Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
3.4. Thể do thấp nhiệt
Triệu chứng: đới hạ nhiều, màu vàng như mủ, hôi, ngứa âm hộ, âm đạo, tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
Phép điều trị: thanh trừ nhiệt thấp.
Phương: dùng bài Chỉ đới hoàng
Trư linh 12g Nhân trần  12g
Phục linh 12g Xích thược  12g
Sa tiền 10g Đan bì  12g
Trạch tả 10g Chi tử  12g
Hoàng bá 8g Ngưu tất
Sắc uống ngày một thang, uống 10-15 thang.
Hoặc có thể dùng bài Long đởm tả can thang.
 12g

TỰ LƯỢNG GIÁ
− Khí hư phản ánh tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục Đ/S
− Đới hạ thuộc âm dịch Đ/S
2. Điền vào chỗ trống cụm từ thích hợp
− Đới hạ bao gồm…ngũ sắc đới.
− Nguyên nhân gây ra đới hạ là…..và bất nội ngoại nhân.
3. Trình bày triệu chứng và phương pháp điều trị đới hạ thể tỳ hư.
4. Trình bày triệu chứng và phương pháp điều trị đới hạ thể thận hư.
5. Trình bày triệu chứng và phương pháp điều trị đới hạ thể can uất.
6. Trình bày triệu chứng và phương pháp điều trị đới hạ thể thấp nhiệt.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền