Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Phép luyện “thần” giúp sống thọ

học cổ truyền cho rằng “thần” là biểu hiện ra ngoài của hoạt động sống mà ta có thể cảm nhận được. Nó là tổng hòa của cảm giác, tư duy, hành vi của con người. Riêng tư duy còn có tên là thần minh và nó tương tự như hoạt động tâm thần.
Tinh của tạng phủ vượng, khí đưa vào cơ thể đủ thì thần vượng. Nếu thần thái suy tức là có sự hao tinh, tổn khí và cơ thể sẽ suy yếu. Bảo vệ được cái “thần” sẽ giúp cho cơ thể luôn ở trạng thái hài hòa và sống thọ. Sau đây là liệu pháp chúng ta nên luyện tập giúp bảo vệ “thần”:
Lạc quan
Lạc là vui vẻ, quan là nhìn. Lạc quan là cách nhìn, thái độ tin tưởng ở triển vọng phát triển tốt đẹp của sự việc, của tương lai.
Y học cổ truyền cho rằng, mỗi sự vật đều có hai mặt âm dương đối lập thống nhất với nhau, dựa vào nhau để phát triển, cái nọ sinh ra cái kia và luôn giữ ở thế cân bằng động. Mặt dương đại diện cho mặt tích cực vươn lên, mặt âm đại diện cho mặt tiêu cực đi xuống, tạo cho sự vật phát triển theo quỹ đạo của nó. Hãy biết vui với cái mình đang có, hòa mình vào hiện tại, hy vọng sẽ có những việc tốt đẹp hơn để làm việc có ích cho bản thân, cho đời. Biết tự giải thoát khỏi những vấn vương để lòng thanh thản, muốn vậy, cần biết phân tích mặt xấu, mặt tốt của sự việc một cách khách quan để có cách giải quyết hiệu quả.
Nên biết rằng trong cái xấu (âm) vẫn có cái tốt (dương), trong cái vui (dương) vẫn tiềm ẩn cái đáng ghét (âm). Người có được cách nhìn đó thường có thái độ lạc quan, yêu đời.
Lấy thiện hay ác trong suy nghĩ và hành động. Thích ứng tốt với cuộc sống khi nhận thức được rằng các sự việc tốt xấu đan xen lẫn lộn, phức tạp luôn diễn ra quanh ta, từ đó tìm ra hướng phát triển, tự hình thành cho mình một thế ổn định trong cuộc sống luôn luôn biến động để tiến lên. Những kết quả đạt được bước đầu sẽ là động lực cho việc nối tiếp và làm cho mình lạc quan hơn.
Phép luyện “thần” giúp sống thọ
Sống lạc quan, vui vẻ giúp người già luôn khỏe mạnh.
Có ý chí kiên cường
Y học cổ truyền cho rằng: “Người có ý chí thì có thể chế ngự được thần, thu được hồn phách, thích ứng được hàn ôn, điều hòa được vui vẻ, giận hờn”. Có thể hiểu, có ý chí kiên cường thì có thể điều khiển được hoạt động tinh thần, điều hòa được tình chí, không cho tà khí vào cơ thể và phòng được bệnh.
Biện pháp để rèn luyện ý chí chủ yếu là được rèn luyện trong những điều kiện sống đan chen cụ thể khác nhau và tìm được cách vươn lên trong những điều kiện đó.
Tình chí phải hòa hợp
Y học cổ truyền ghi nhận 7 loại tình chí: vui vẻ, giận hờn, buồn rầu, bi ai, lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ. Nếu 7 tình chí này mà hòa hợp thì tâm, can, tỳ, phế, thận được yên. Để tình chí hòa hợp phải luôn vui vẻ vì vui vẻ làm cho tâm hoạt động tốt, “thần” được yên. Song không nên vui quá mức hóa điên, hóa thần. “Tiếng cười làm trẻ mười năm, âu sầu làm bạc đầu sớm”. Phải nén cái giận không để bùng ra, vì giận quá làm can khí mất điều hòa. Biện pháp khống chế cái giận là từ từ uống 1 - 3 ngụm nước, thở dài ra vài cái (thời gian này làm cho yếu tố bùng ra mất đi); nhân nhượng khi tranh luận căng thẳng làm cho không khí dịu lại, mỗi người đều tĩnh tâm mới giải quyết được công việc; tạm thời quên việc đó bằng cách làm việc khác vui hơn.
Cũng cần giảm tối đa sự lo lắng bởi lo lắng là trạng thái rất không yên lòng và phải để hết tâm trí vào công việc. Y học cổ truyền cho “lo lắng làm tâm khí hỗn loạn”. Cái gốc của lo lắng là sự chờ đợi một việc sắp đến mà chưa biết kết quả tốt hay xấu. Để giảm lo lắng, nên tìm hiểu rõ vấn đề để có cơ sở tin tưởng trong chờ đợi. Trong khi chờ đợi, hãy tạo ra một trạng thái vui vẻ. Tuệ Tĩnh viết: “Vì lo mà sinh bệnh thì lấy mừng mà chữa”.
Tránh những việc khiến khiếp sợ. Khiếp sợ là trạng thái sợ hãi đến mức mất thần (ngất xỉu), y học cổ truyền cho là nó làm “khí hạ”. Vì thế không cho biết những tin đột ngột (nghe tin xấu, nhìn cảnh sợ chết khiếp); biết mình sợ cái gì thì tập tiếp xúc dần cho quen. Tuệ Tĩnh viết: “Sợ quá sinh bệnh thì lấy suy nghĩ mà chữa”.
Không tự đưa mình vào cảnh buồn, bi ai. Y học cổ truyền cho rằng, “buồn, bi làm khí tắc không hành được, làm khí tiêu”. Người mà “buồn cứ tích lại thì thần hồn cũng bị tổn thương” và “ở người 60 tuổi, tâm khí bắt suy, dễ cảm thấy buồn bi”. Do vậy, nên vui với cái mình đang có, hy vọng sẽ có cái khác mình đang thiếu, theo ý “lấy cái vui vẻ của tâm hỏa để chế ngự cái buồn bi của phế kèm” tức là dùng  hỏa để chế khắc kim.

BS. Nguyễn Phương Hoa

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Cách chữa bệnh tình chí của Đông y

Trong đời sống công nghiệp hóa hiện nay, sự tác động của môi trường, xã hội và những mối quan hệ phức tạp, căng thẳng, đã làm cho con người càng ngày càng phải đương đầu với những căn bệnh tâm thần. Đó là những căn bệnh mà y học phương Đông gọi là bệnh tình chí bị rối loạn. Và từ thuở xưa, các nhà y học đã đề ra những phương cách trị liệu rất độc đáo.
Những loại bệnh tâm căn (maladies psychogennès), tức bệnh có nguyên nhân do tâm lý như: suy nhược thần kinh, ám ảnh lo âu, rối loạn thần kinh tim, hysteria... với các triệu chứng dai dẳng làm đau khổ cho cả thể xác lẫn tinh thần người bệnh, gây tốn kém, khó khăn cho việc chữa trị.
Gần đây, một số bệnh có nguyên nhân tâm lý được gọi là các bệnh tâm thể (maladies psychosomatiques), không phải chỉ gây rối loạn chức năng mà còn dẫn đến những tổn thương nặng nề cho nhiều bộ phận cơ thể, có thể gây tử vong, như: loét dạ dày tá tràng, xơ mỡ động mạch, cao huyết ápnhồi máu cơ timđái tháo đường, hen suyễn, đột quỵ do xuất huyết não, thậm chí còn gây ra ung thư
Quan niệm chữa bệnh tình chí xưa và nay
Y học phương Tây từ thời Hyppocrates (460 - 377 trước Công nguyên) đã quan tâm đến mối quan hệ mật thiết giữa tinh thần và thể chất của người bệnh. Hyppocrates là người đầu tiên sáng tạo ra nguyên lý: “Không phải chỉ chữa bệnh mà chữa người bệnh”. Theo ông, nghệ thuật y học không phải chỉ tác động đến bệnh tật, mà là chữa bệnh cho người ốm, như một tập hợp các đặc tính tâm hồn và thân thể. Ông đã đưa ra luận điểm quan trọng về những đặc tính tinh thần và thể chất điển hình của các mẫu người tương ứng với tình trạng hoạt động sinh lý và bệnh tật của họ. Việc phân biệt này có ý nghĩa về mặt lý luận và có ý nghĩa lớn về thực tiễn: xác định thể loại có liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
Về sau, các thầy thuốc đã đặc biệt chú trọng đến y học toàn thể, như là một đáp ứng cần thiết của công tác bảo vệ sức khỏe con người trong thời đại công nghiệp phát triển.
Trong một bài đăng trên tạp chí của Hội y khoa Mỹ (16/4/1955), bác sĩ Fraceland viết: “Mặc dù có thể bị chỉ trích, khoa y học tâm thể là một phương pháp rất tốt để trị bệnh. Vì không thể nào trị lành bệnh cho một người mà không để ý đến tâm thần của người đó. Con người không chỉ có phần sinh lý mà còn có phần tâm lý chịu ảnh hưởng của xã hội, kinh tế…”.
Các nhà y học hiện đại đã nhìn nhận người bệnh là một sự toàn vẹn về tâm thần - thể chất, một sự thống nhất sinh tồn giữa các tổ chức (mô), hệ thống dịch thể với nhận thức của họ. Trên cơ sở đó người ta cho rằng: một nền y học chân chính phải là một khoa học bao quát mọi mặt. “Đó là một nền y học về cơ thể con người tập hợp tất cả những biểu hiện và các mối liên hệ của nó, xem xét những biểu hiện tâm lý hữu cơ và môi trường xung quanh nó trong một sự thống nhất” (F. Delore - 1961).
Mùa thu năm 1978, tại hội nghị Alma - Ata, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về sức khỏe như sau: “Sức khỏe không phải chỉ là không có bệnh tật, hay khuyết tật mà là một sự thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội”. Qua đó nói lên rằng yếu tố tinh thần và xã hội có vai trò quan trọng trong việc tạo lập sức khỏe của chúng ta.
Tuy nhiên, điều đáng nói là vấn đề này đã được y học phương Đông đặc biệt chú trọng cách đây hơn 4.000 năm.
Sách Hoàng Đế nội kinh, một tác phẩm kinh điển hàng đầu của y học phương Đông viết: “Giữ lòng điềm đạm, vô tư, ít thị dục thì chân khí được sung túc, tinh thần được vững chãi ở bên trong thì bệnh tật là sao mà phạm đến được” (Điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ,bệnh an tòng lai? - Tố Vấn/Thượng cổ thiên chân luận).
Bộ sách y học này còn chỉ ra rằng:
Con người muốn bệnh tật không xâm phạm, có sức khỏe vững bền, muốn sống lâu thì phải biết thích nghi với sự nóng lạnh của thời tiết, tâm tính phải an hòa trong cách cư xử với mọi người, làm việc nghỉ ngơi phải chừng mực, đúng phép, đúng thời hợp với quy luật âm dương. (Thuận tứ thời nhi thích hàn thử, hòa hỉ nộ nhi an cư xử, tiết âm dương nhi điều cương như. Như thị tắc tịch tà bất chí, trường sinh cửu thị - Hoàng Đế nội kinh / Linh Khu).
Về sau, các nhà y học như: Văn Chí, Hoa Đà, Trương Tử Hòa, Chu Đan khê, Tuệ Tĩnh, Viêm Thể Am… là người nổi danh về nghệ thuật chữa bệnh tình chí.
Đông y quan niệm rằng: những chức năng hoạt động của ngũ tạng (Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận) cùng với ngũ chí tương ứng (Nộ, Hỉ, Tư, Ưu, Khủng) tuân theo các quy luật tương sinh, tương khắc và chế hóa của ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy). Do đó, khi chữa bệnh do thất tình bị rối loạn, nếu biết khéo vận dụng các quy luật đó, sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Sách Hoàng Đế Nội Kinh đã viết: “Giận quá sẽ làm tổn hại tạng Can, nhưng sự bi ai có thể ức chế cái giận… Mừng vui quá sẽ làm tổn hại tạng Tâm, nhưng sự sợ hãi ức chế được cái vui mừng… Lo âu tư lự quá sẽ làm tổn hại tạng Tỳ, nhưng sự giận dữ thì ức chế được sự lo âu… Ưu sầu bi ai quá sẽ làm tổn hại tạng Phế, nhưng sự vui mừng có thể làm tan biến nỗi bi ai… Sợ hãi quá sẽ làm tổn thương tạng Thận, nhưng sự lo âu, tư lự sẽ ức chế được nỗi sợ hãi”. (Nộ thương Can, bi thắng nộ… Hỉ thương Tâm, khủng thắng hỉ… Tư thương Tỳ, nộ thắng tư… Ưu thương Thế, hỉ thắng ưu… Khủng thương Thận, tư thắng khủng…- Tố vấn/ Âm Dương ứng tượng đại luận.)
Vận dụng quy luật tương sinh, tương khắc và chế hóa của ngũ hành để chữa bệnh tình chí
Vận dụng quy luật tương sinh, tương khắc và chế hóa của ngũ hành để chữa bệnh tình chí
Theo danh y Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh: “Bệnh tình chí là do tình hướng vào cái gì đó, chí hướng vào một cái gì đó mà sinh bệnh. Người ta vì thất tình: mừng, buồn, giận, vui, lo, nghĩ, sợ, bị thương tổn mà biến ra mọi bệnh thì căn bản là bệnh ăn sâu, không phải châm cứu hay thuốc thang mà chữa trị được.
Người xưa chữa bệnh có nhiều cách như: chính trị, tòng trị và nghịch trị. Nay dùng tình chí để chữa bệnh tình chí tức là tòng trị vậy”. (Nam dược thần hiệu - Quyển VIII).
Những câu chuyện chữa bệnh tình chí
Sau đây là một số câu chuyện nói về cách chữa bệnh tình chí của các nhà y học thời trước:
Thời Xuân Thu, vua nước Tề vì quá lo nghĩ mà lâm bệnh, uống đủ thứ thuốc không giảm. Nghe nói có một thầy thuốc giỏi tên là Văn Chí, bèn cho người mời đến. Sau khi khám bệnh cho vua xong, ông liền nói với Thái tử:
- Làm cho vua tức giận thì sẽ lành bệnh. Nếu đức vua có giết tôi thì nhờ Thái tử hết lòng cứu giúp cho.
Thái tử chấp nhận lời yêu cầu của Văn Chí, nói:
- Không can gì, xin thầy cứ mạnh dạn chữa trị.
Văn Chí xin vào yết kiến nhà vua. Ông đi ngang tàng, bước xéo bừa lên cả long sàng. Quả nhiên, vua đùng đùng nổi giận, hét to sai thủ hạ bắt ông đem xử trảm. Thái tử liền tới bên vua bày tỏ can ngăn. Không bao lâu sau, nhà vua khỏi bệnh.
Đó là thuật của thầy thuốc Văn Chí: lấy giận để chữa bệnh do quá lo nghĩ của vua Tề: Tư thương tỳ, nộ thắng tư.
Thần y Hoa Đà (141 ?-206) chữa một phú ông vì quá lo nghĩ mà lâm bệnh bằng cách viết đơn thuốc bằng những lời lẽ nhục mạ thậm tệ khiến cho bệnh nhân tức giận cực độ, mặt mày tái xanh, tay chân bủn rủn rồi sau đó bệnh tình thuyên giảm. Đó là thuật mà Hoa Đà học được ở cách của Văn Chí chữa bệnh cho vua Tề.
Ở tỉnh Thái Nguyên có ông Triệu Tri Tắc, từ lúc đậu tiến sĩ rồi vì quá vui mừng mà sinh bệnh, không ngồi dậy được. Gia đình mời danh y là Sào Thị đến xem mạch để chữa trị. Vừa xem mạch xong, Sào Thị không nói không rằng, chỉ chép miệng lắc đầu, tỏ vẻ bất lực, rồi rủ áo ra về, không kịp chào từ biệt. Triệu Tri Tắc thấy vậy lo sợ quá, khóc rống lên rồi gọi con cái đến bảo rằng:
- Thầy thuốc giỏi như Sào Thị mà không chữa nổi thì mạng của ta nguy quá rồi!
Chẳng ngờ mấy giờ sau đó, bệnh tình giảm dần rồi hết hẳn.
Đó là thuật của danh y Sào Thị: lấy sự sợ hãi để chữa bệnh do quá vui mừng của ông Triệu Tri Tắc: Hỷ thương tâm, khủng thắng hỷ.
Đời Kim-Nguyên, danh y Trương Tùng Chính, tức Trương Tử Hòa (1156 - 1226), đã chữa cho viên quan Tư hầu ở Tức Thành lâm bệnh nặng sau khi nghe tin cha bị giặc giết, khóc thương quá độ đến nỗi ngất đi. Bệnh hơn một tháng, uống thuốc gì cũng không khỏi. Khi Trương Tử Hòa đến khám bệnh, biết rõ sự tình nên đã tìm cách làm cho Tư hầu phải cười phá lên. Qua trận cười đó, bệnh giảm dần và 3 ngày sau thì hết bệnh, chẳng cần thuốc thang nào cả. Đó là thuật Hỉ thắng Ưu (Bi) của ông Tử Hòa.
Ông Chu Đan Khê, tức Chu Chấn Hanh (1281 - 1358), chữa cho một thiếu phụ vì thương nhớ chồng đi xa 2 năm chưa về mà ngã bệnh. Nằm li bì suốt ngày, không ăn uống nói năng gì. Ông bàn với gia đình tìm cách quở mắng thậm tệ rồi lại tát cho mấy cái, để lấy sự giận giải được cái uất kết trong lòng do lo nghĩ, nhớ nhung của thiếu phụ. Sau đó lại làm cho nàng vui mừng, và nhờ đó mà khỏi bệnh.
Đời nhà Minh, có một người học trò thi đậu cử nhân, mừng quá mà phá lên cười và cứ cười hoài suốt đêm ngày, bỏ ăn bỏ ngủ, không sao cầm lại được. Người nhà đưa đến nhờ danh y Viên Thể Am chữa trị. Thể Am tìm cách làm cho người bệnh sợ hãi, bảo rằng bệnh nguy không chữa được, chỉ còn mươi ngày nữa là chết. Quả nhiên, sau đó một thời gian,người bệnh đã hồi phục. Đó là cách trị theo thuật khủng thắng hỷ.
Đông y quan niệm: những chức năng hoạt động của ngũ tạng (Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận) cùng với ngũ chí tương ứng (Nộ, Hỉ, Tư, Ưu, Khủng) tuân theo các quy luật tương sinh, tương khắc và chế hóa của ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy). Do đó, khi chữa bệnh do thất tình bị rối loạn, nếu biết khéo vận dụng các quy luật đó, sẽ đem lại hiệu quả.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

ÐÔI ÐIỀU VỀ Y HỌC DÂN GIAN


Con nấc mẹ dán ngọn trầu không.
Ðến nay hẳn không ai phủ nhận y học dân gian là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền y học cổ truyền nước nhà.
Nhưng thế nào là y học dân gian? Ðặc trưng của nó là gì? Vai trò xu hướng phát triển ra sao?... Những vấn đề này, ngay cả trong giới chuyên ngành, không phải ai cũng đã tường tận. Bởi vậy, tình trạng hoặc nhấn mạnh một cách quá đáng hoặc quá coi thường một bộ phận trong kho tàng kinh nghiệm chữa bệnh quý báu của cha ông âu cũng là điều dễ hiểu. Trong bài viết này, chúng tôi xin được mạnh dạn trình bày một số vấn đề cơ bản để bạn đọc có thể tham khảo và bàn luận.
Y học dân gian là gì?
Có thể hiểu y học dân gian (folk-medicine) là toàn bộ những kinh nghiệm phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe có tính tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động, ra đời từ thời kỳ công xã nguyên thủy, trải qua các thời kỳ phát triển lâu dài trong những chế độ xã hội có giai cấp và tiếp tục tồn tại trong thời đại hiện nay.
Y học dân gian còn được gọi là kinh nghiệm dân gian, y học bình dân (để phân biệt với y học bác học), y học truyền khẩu (để phân biệt với y học thành văn)... Những khái niệm này xuất hiện từ khi nào không rõ, nhưng có lẽ sớm nhất cũng chỉ từ đầu thế kỷ XX. Trên thực tế, khái niệm y học dân gian rất ít được sử dụng, mà chủ yếu là dùng các cụm từ "kinh nghiệm chữa bệnh dân gian", "môn thuốc dân gian", hay chìm lẫn trong các khái niệm y học dân tộc, y học cổ truyền, Ðông y...
 
Y học dân gian ra đời và phát triển như thế nào?
Ngay từ thuở nguyên sơ, khi còn ở thời đại đồ đá, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, bệnh tật bảo vệ cuộc sống, người xưa đã biết dùng cây cỏ quanh mình để làm thuốc và biết sáng tạo ra những cách chữa bệnh không dùng thuốc. Ví dụ, ban đầu củ gừng, củ tỏi... chỉ được dùng với mục đích nấu nướng để làm thay đổi và đa dạng hóa mùi vị, tạo ra những thức ăn ngon miệng, nhưng dần dần về sau người ta nhận thấy chúng còn có khả năng làm ấm bụng và dễ tiêu, làm hết đi lỏng do ăn phải những đồ sống lạnh..., và thế là bắt đầu một cuộc hành trình dài - từ trong lòng đất - củ gừng và củ tỏi đã theo con người lên bàn ăn, đi vào tủ thuốc của từng gia đình, đồng thời công dụng chữa bệnh của chúng được thử thách qua thời gian và lưu truyền từ đời này sang đời khác.
 
Theo đà phát triển của lịch sử, kho tàng kinh nghiệm dân gian phòng chống bệnh tật ngày càng phong phú và đa dạng. Cùng với sự ra đời của chữ viết, người xưa đã biết ghi chép, tổng hợp và đúc rút ra những quy luật về mối quan hệ giữa cơ thể con người và bệnh tật cùng phương thức sử dụng kho tàng kinh nghiệm chữa bệnh đã có, từ đó dần dần hình thành nên nền y học thành văn mang đậm tính bác học và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nền y học dân gian không còn đất để phát triển mà ngược lại, như một dòng nước ngầm chảy âm thầm trong lòng đất, nó vẫn tiếp tục có sức sống mãnh liệt, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, không ngừng phục vụ nhân dân và đắp bồi cho nền y học thành văn.
 
Y học dân gian có đặc điểm gì?
Trước hết, y học dân gian luôn mang đậm tính thực tiễn và có mối quan hệ hết sức mật thiết với đời sống sinh hoạt của nhân dân lao động. Bởi lẽ, sự ra đời, tồn tại và phát triển của nó là do nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm và lưu giữ từ đời này sang đời khác. Dường như nền y học này tham gia vào đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân lao động với tư cách như là một thành phần, một nhân tố cấu thành của những sinh hoạt đó. Hai chữ "dân gian" (trong dân) trong tên gọi của nó cũng đã đủ nói rõ điều này.
Thứ hai, đó là tính truyền miệng (truyền khẩu) hay nói cách khác truyền miệng là phương thức tồn tại chủ yếu của y học dân gian, khi chưa có chữ viết thì đó là phương thức duy nhất, nhưng ngay cả khi văn tự đã xuất hiện và nền kinh tế rất phát triển thì phương thức truyền khẩu vẫn là chủ yếu với tư cách là một trong những phương thức sáng tạo của hoạt động khoa học không chuyên gắn liền với hoạt động thực tiễn.
 Thứ ba, y học dân gian mang đậm tính văn hóa vì nó chính là một bộ phận không thể thiếu của kho tàng văn hóa dân tộc, nhất là nền văn học Việt cổ, so với y học thành văn nó dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa hơn. Xét về mặt nguồn gốc thì ở bất cứ dân tộc nào, y học dân gian cũng mang bản sắc đậm đà của nền văn hóa dân tộc đó.
 
Thứ tư, y học dân gian rất gần gũi với tự nhiên và dễ phù hợp với sinh lý tự nhiên của cơ thể con người. Phương thức dùng thuốc và không dùng thuốc của nó rất gần gũi với những sinh hoạt hàng ngày, thậm chí nhiều khi rất khó phân biệt đâu là phần can thiệp của y học và đâu là phần hoạt động sống thường nhật.
 
Cuối cùng, y học dân gian là một nền y học mang đậm tính đại chúng, tính phổ biến. Hầu hết các kinh nghiệm dân gian đều rất dễ dùng, dễ kiếm, đơn giản và rẻ tiền. Vì tính chuyên môn hóa không cao nên mọi người đều có thể nhận thức và vận dụng một cách dễ dàng.
 
Nội dung của y học dân gian?
Có thể nói, y học dân gian là cả một kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, nhưng nội dung chủ yếu vẫn không ngoài hai vấn đề lớn có quan hệ hữu cơ với nhau: dưỡng sinh và trị liệu, hay nói đầy đủ là phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Khó có thể kể hết các biện pháp mà y học dân gian sử dụng nhưng tựu trung cũng không ngoài hai nhóm lớn: dược vật liệu pháp (dùng thuốc) và phi dược vật liệu pháp (không dùng thuốc). Dược vật liệu pháp bao gồm nhiều dạng thuốc như thang, cao, đơn, hoàn, tán, tửu dược, trà dược... và nhiều phương thức sử dụng như uống, bôi, xông, xoa, đắp, dán... Phi dược vật liệu pháp cũng là cả một kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, từ những thủ thuật cụ thể như châm cứu, xoa bóp, cạo gió, giác hơi... đến các phương pháp tập luyện như khí công, dưỡng sinh... và những kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm gội, ngủ nghỉ, chọn nơi ở, dưỡng thai, sinh hoạt tình dục...
 
Vai trò của y học dân gian
Ra đời do yêu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống và được lưu truyền giữ gìn trong nhân dân nên y học dân gian có một vai trò rất đặc biệt trong việc phòng chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cho con người. Ngay cả khi nền y học thành văn đã hình thành và phát triển, y học dân gian vẫn lặng lẽ tồn tại và được sử dụng khá rộng rãi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đắc lực vào công cuộc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cá nhân và cộng đồng.
 
Ở làng xã Việt Nam, hầu như nhà nào cũng trồng dăm ba "cây nhà lá vườn" vừa để làm rau ăn, gia vị hàng ngày, vừa để dùng làm thuốc khi đau ốm, hầu như người nào cũng biết một vài bài thuốc đơn giản hoặc đôi ba môn đánh gió, cạo gió, xông, chườm, tẩm quất, day bấm huyệt..., hầu như bà nội trợ nào cũng biết cách nấu, cách dùng một số món ăn - bài thuốc theo kinh nghiệm cổ xưa truyền khẩu... Ðiều đó cho thấy, y học dân gian có một vị thế không nhỏ trong đời sống thường nhật của nhân dân ta, nhất là trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
 
Hơn nữa, y học dân gian còn có một vị trí quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền y học thành văn, mà trước hết nó là một bộ phận cấu thành không thể thiếu và là cơ sở của nền y học cổ truyền nói chung. Không ít những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian đã được phân tích, chứng minh, chỉnh lý và nâng cao dưới ánh sáng của khoa học kỹ thuật hiện đại và được áp dụng một cách rộng rãi, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng một nền y học hiện đại.
 
Cho đến nay, ở nước ta, y học dân gian đã được quan tâm phát hiện, bảo tồn và khai thác, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục giải quyết, thậm chí là khá cấp bách như: thống nhất quan điểm, đấu tranh khắc phục một số quan niệm cực đoan (hoặc quá coi thường y học dân gian do hiểu biết còn nông cạn, hoặc quá nệ cổ mà đề cao nền y học này một cách quá đáng); Khẩn trương phát hiện, sưu tầm và bảo tồn kho tàng tri thức y học dân gian, tránh nguy cơ thất truyền đang có xu hướng tăng cao, nhất là ở cộng đồng các dân tộc thiểu số; Tích cực tổ chức nghiên cứu chứng minh, thẩm định các kinh nghiệm dân gian trên cơ sở khoa học và không làm mất đi bản sắc của chúng... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Con người khó lòng biết hết được kho tàng kinh nghiệm từ hàng ngàn năm dồn lại và ngày nay vẫn đang tích lũy thêm lên. Khoa học dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể giải mã hết được những bí mật của tạo hóa. Vì vậy, bên cạnh khoa học bao giờ cũng tồn tại kinh nghiệm sống của con người được tạo nên bởi bề dày của sự tiến hóa và bề dày của lịch sử từng dân tộc, trong đó không thể thiếu vắng nền y học dân gian.
 
 
Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

TƯ LIỆU: Đông Y khám tìm bệnh qua 28 loại mạch cổ điển



I-MỤC ĐÍCH KHÁM BỆNH  :
Mục đích khám bệnh đ ể tìm nguyên nhân nào làm mất quân bình sự khí hóa ngũ hành tạng phủ của cơ thể.
Từ 5000 năm trước cho đến nay, đông y vẫn dùng 4 cách khám bệnh tổng hợp là Vọng, Văn, Vấn, Thiết :
Vọng : là nhìn những yếu tố như sắc mặt, mầu da, xem lưỡi, họng, tai, mắt, thể trạng bệnh nhân lúc đi, đứng, nằm ngồi, xem có hồng hào, khỏe mạnh, lanh lợi hoạt bát hay ốm yếu, xanh xao, chậm chạp....
Văn : là nghe những yếu tố như giọng nói, hơi thở, qua lời kể bệnh của bệnh nhân xem mạnh hay yếu, nhỏ hay lớn, nhanh hay chậm, rõ ràng mạch lạc hay đứt đoạn...
Vấn : là hỏi đến những dấu hiệu bệnh, triệu chứng thuộc về chuyên môn mà thầy thuốc còn có điểm nghi ngờ để xác định căn bệnh, như về ăn uống, thích uống nước nóng hay lạnh, về tiêu tiểu bón hay tiêu chảy, mầu phân và nước tiểu, ngủ được hay không, có nhức đầu chóng mặt, đau bụng không, cơ thể đau nhức chỗ nào....
Thiết : là bắt mạch, hoặc có thể nắn bụng, lưng, tay chân... để xác nhận tình trạng khí hóa của cơ thể xem cứng hay mềm, nóng hay lạnh... 
Thầy thuốc giỏi có thể nắm bàn tay bệnh nhân mà biết được âm dương hàn nhiệt :
Khi nắm bàn tay bệnh nhân, cảm nhận ban đầu là lạnh, giữ lâu cảm thấy bên trong ấm là dương hư thì ngoại hàn.
Bên ngoài lạnh giữ lâu bên trong nóng hâm hấp, là dương hư ngoại hàn, âm hư nội nhiệt.
Nắm bàn tay bên ngoài lạnh, giữ lâu bên trong cũng lạnh là âm và dương, huyết và khí đều hàn.
Nắm bàn tay ngoài ấm giữ lâu cảm thấy nóng là âm hư nội nhiệt
Nắm bàn tay ngoài nóng, giữ lâu bên trong cũng nóng là âm dương đều nhiệt.
Nếu một thầy thuốc giỏi, thì sau khi vọng, văn, vấn, đã có thể biết rõ căn nguyên bệnh, chỉ còn giai đoạn thiết, là bắt mạch để lập ra biểu đồ bệnh chứng xác nhận lại những dự đoán của vọng, văn, vấn mà thôi. Ngược lại hoặc bắt mạnh trước rồi vọng, văn, vấn, cũng để xác định lại xem có đúng bệnh chứng không.
Như vậy vọng, văn, vấn, thiết giống như định lý thuận và định lý đảo, cả hai đều đúng là phương pháp khám bệnh của một vị thầy thuốc giỏi và cẩn thận.
Nhờ 4 cách tổng hợp trên trên nói chung và cách đặc biệt chỉ bắt mạch nói riêng, đều nhằm xác định tình trạng bệnh quy vào những yếu tố bát cương của đông y về âm-dương (khí-huyết), hư-thực, hàn-nhiệt, biểu-lý của từng hành và của cả tổng thể ngũ hành tạng phủ của cơ thể.
Cho nên việc xem mạch rất quan trọng đối với thầy thuốc đông y, có khi phải học đến 10 năm và phải hành nghề nhiều năm mới có thể xem mạch được chính xác như các xét nghiệm của tây y được.
Theo kinh nghiệm của đông y, các đường kinh mạch trong cơ thể dẫn khí huyết đi từ Kinh Phế chu lưu khắp cơ thể rồi trở lại kinh Phế là 24 giờ, con người phải hít thở mất 13500 hơi thở ra, và hơi thở vào (=27000 ra và vào, tương đương với 18 hơi thở /phút) mỗi hơi thở mạch đi được 3 thốn khi hít vào, 3 thốn khi thở ra, ( thốn này không tính bằng cm chính xác, mà tính bằng chiều dài 1 lóng tay của mỗi người trên  củng cơ thể người đó, đông y gọi là đồng thân thốn) khí huyết đi và về đều hội tụ ở cổ tay. Khí thì hội tụ ở cổ tay bên phải gọi là Khí Khẩu, Huyết thì hội tụ ở cổ tay bên trái gọi là Nhân Nghinh.

Mỗi bên cổ tay chia làm 3 vị trí Thốn, Quan, Xích để thầy thuốc đông y đặt 3 đầu ngón tay trỏ, ngón tay giữa và ngón tay áp út để nghe mạch tương ứng với tạng phủ ở 5 mức độ ấn đè khác nhau để nghe mạch lực khác nhau của phổi, tim, tỳ, gan, thận:
a-Nếu ấn đặt nhẹ sức nặng bằng 3 gram lên Thốn-Quan-Xích để nghe mạch đập ở ngoài da là nghe mạch Phế, mạch Phế chủ bì mao.
b-Ấn đè ngón tay nặng bằng 6 gram để nghe mạch Tâm chủ Huyết mạch.
c-Ấn đè ngón tay nặng bằng 9 gram để nghe mạch Tỳ chủ cơ nhục.
d-Ấn đè ngón tay nặng 12 gram để nghe mạch Can chủ gân.
e-Ấn đè mạnh 13gram để nghe mạch Thận chủ xương cốt (ấn sát xương)
Chức năng tạng-phủ ở vị trí 3 mạch Thốn-Quan-Xích :
Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên phải chủ KHÍ gọi là mạch Khí Khẩu :
Sát cổ tay bên phải nơi huyệt Thái Uyên (kinh Phế) là mạch Thốn, nơi đặt đầu ngón tay trỏ của thầy thuốc, vị trí đặt ngón tay giữa để khám mạch Quan, vị trí ngón tay áp út của thầy thuốc là vị trí khàm mạch Xích.
3 mạch Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên phải do Phế làm chủ Khí. Cùng với Tỳ-Vị, Mệnh Môn, Tam Tiêu cùng lo việc vận KHÍ.
Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên trái chủ HUYẾT gọi là mạch Nhân-Nghinh
Sát cổ tay bên trái nơi huyệt Thái Uyên là mạch Thốn nơi đặt đầu ngón tay trỏ của thầy thuốc, ngón tay giữa nằm ở vị trí mạch Quan, ngón tay áp út nằm ở vị trí mạch Xích.
3 ngón tay Thốn-Quan-Xích ở cổ tay bên trái do Tâm làm chủ Huyết, cùng với Can-Đởn, Thận-Bàng Quang cùng lo việc vận hóa Huyết.
Cho nên Khí-Huyết thịnh thì con người khỏe mạnh. Khí-Huyết loạn làm xáo trộn sự khí hóa thì mạch cũng hiện ra sự xáo trộn, do đó xem mạch là một phương pháp khám tìm bệnh của đông y để biết xem tạng phủ nào bị xáo trộn, tùy theo vị trí ở mạch nào.
Khám Tạng Phủ trên Mạch Khí Khẩu ở cổ tay phải  :
Khi thầy thuốc đặt nhẹ tay trên phần nổi phần dương để khám bệnh của phủ, đè mạnh tay chìm xuống để khám bệnh của tạng.
Vị trí mạch Thốn khám kinh Kim dương phần nổi là Kinh Đại Trường, phần chìm khám Kim âm là kinh Phế
Vị trí mạch Quan khám kinh Thổ dưong phần nổi là Kinh Vị, phần chìm khám Thổ âm là Kinh Tỳ.
Vị trí mạch Xích khám kinh Hỏa dương phần nổi là Kinh Tam Tiêu, phần chìm là khám Mệnh Môn hỏa.
Khám Tạng-Phủ trên Mạch Nhân Nghinh ở cổ tay trái :
Vị trí mạch Thốn khám kinh Hỏa dương phần nổi là Kinh Tiểu Trường, phần chìm khám Hỏa âm là Kinh Tâm.
Vị trí mạch Quan khám kinh Mộc dương phần nổi là Kinh Đởm, phần chìm khám Mộc âm là Kinh Can.
Vị trí mạch Xích khám kinh Thủy dương phần nổi là Kinh Bàng Quang, phần chìm khám Thủy âm là Kinh Thận.


II-PHƯƠNG PHÁP NGHE MẠCH :
1-Nhận diện tổng quát :
Khi cơ thể bị xáo trộn sự khí hóa thì đường đi của khí và huyết qua mạch cổ tay có những dầu hiệu đặc biệt khác nhau để ta có thể biết được 8 loại đại cương thuộc : Khí-Huyết, Hư-Thực, Hàn-Nhiệt, Biểu-Lý, là hữu dư hay bất túc.
a-Biểu-Lý :
Lấy ngón tay khẽ để trên da nơi Thốn-Quan-Xích, nghe được mạch nhẩy ngay là bệnh thuộc Biểu là bệnh nhẹ mới phát, gọi là Mạch Phù.
Lấy ngón tay ấn mạnh xuống dưới làn da mới nghe được mạch đập là bệnh đã nặng, bệnh lâu ngày, là bệnh thuộc Lý đã vào bên trong cơ thể, gọi là Mạch Trầm.
b-Hàn-Nhiệt :
Đặt 3 ngón tay vào Thốn-Quan-Xích, khi nghe được mạch đập, thầy thuốc bắt đầu đếm xem 1 hơi thở của mình hít vào thở ra 1 lần thì nghe được mạch của bệnh nhân đập được mấy lần.
Nếu nghe được 3 lần là bệnh lạnh trong người, nghe được 2 lần là lạnh hơn, nghe được 1 lần là bệnh rất lạnh. Bệnh hàn lạnh gọi là Mạch Trì.
Nếu nghe được từ 5, 6, 7 lần là bệnh nóng trong người, nghe mạch càng đập nhiều thì trong người bệnh càng nóng nhiệt gọi là Mạch Sác.
Đôi khi thầy thuốc bị bệnh, xáo trộn tim mạch, nên bắt mạch theo tiêu chuẩn hơi thở của thầy thuốc cũng sẽ bị sai lầm không chính xác bằng máy đo áp huyết và máy đo đường của tây y, cho kết qủa bằng số cụ thể, để không bị khám bệnh sai và chữa bệnh sai có thể làm chết người trong một y án cổ kể rằng có một bệnh nhân ho ra máu, một thầy thuốc chẩn bệnh nói do nhiệt làm ho ra máu, chữa hạ nhiệt bằng Hoàng Liên cho mát thì bệnh nhân ho ra nhiều máu hơn, thầy thuốc mời thêm sư huynh đến chẩn bệnh cũng cho là nhiệt, phải cho liều Hoàng Liên gấp đôi, bệnh nhân ho ra máu gấp đôi. Cả hai thầy lại mời vị thầy giỏi hơn mình, cũng chẩn bệnh do nhiệt qúa nhiều, phải cho hạ nhiệt bằng Hoàng Liên liều gấp 3, bệnh nhân ho ra máu nhiều gấp ba. Cuối cùng một người học y cạnh nhà theo dõi bệnh tình bệnh nhân đề nghị với 3 thầy là phải dùng Quế Tâm tăng nhiệt để cầm xuất huyết, vỉ bệnh này do qúa hàn bị lạc huyết mới bị ho hàn xuất huyết. Khi mài quế cho bệnh nhân uống thử thì cầm ho không xuất huyết nữa, bệnh nhân còn khen thuốc mát qúa, trong người hết nóng rồi, đây là bệnh hàn giả nhiệt thuộc mạch Trầm + Sác vô lực (= lý hàn giả nhiệt)
c-Hư-Thực :
Nếu đặt 3 ngón tay, nghe được mạch đi nhỏ như sợi chỉ là thuộc bệnh Hư chứng, bệnh đã lâu ngày, gọi là Mạch Tế
Nếu mạch nổi to dưới 3 ngón tay dễ nhận ra là thuộc bệnh Thực chứng, gọi là Mạch Đại.(to)
d-Bất túc-Hữu dư :
Đặt 3 ngòn tay nghe được sức đi của mạch qúa ngắn, chỉ nghe được ở vị trí mạch Quan chứ mạch không lên đến mạch Thốn, hay xuống đến mạch Xích, đó là do khí-huyết suy nhược thiếu thốn, thuộc bệnh bất túc (không đủ), gọi là Mạch Đoản.

Ngược lại, ta nghe được đường đi của mạch kéo dài quá mạch Thốn, xuống qúa mạch Xích, là do khí-huyết thịnh, gọi là Mạch Trường.
2-Phần định bệnh tổng quát :
Trên thực tế khi cơ thể bị bệnh, mạch không phải đơn giản như trên mà nó phức tạp dựa theo bát cương bao gồm hai mạch hay ba mạch như :
Biểu hàn hay nhiệt, Lý hàn hay nhiệt, Biểu nhiệt hư hay thực, Biểu hàn hư hay thực, Lý nhiệt hư hay thực, nên có những mạch sau :
Biểu + Nhiệt = mạch Phù + Sác
Biểu + Hàn = mạch Phù + Trì
Lý + Nhiệt = mạch Trầm + Sác
Lý + Hàn = mạch Trầm + Trì
Biểu + Nhiệt + Hư = mạch Phù + Sác + Tế
Biểu + Nhiệt + Thực = mạch Phù + Sác + Đại
Biểu + Hàn + Hư = mạch Phù + Trì + Tế
Biểu + Hàn + Thực = mạch Phù + Trì + Đại
Lý + Nhiệt + Hư = mạch Trầm + Sác + Tế
Lý + Nhiệt + Thực = mạch Trầm + Sác + Đại
Lý + Hàn + Hư = mạch Trầm + Trì + Tế
Lý + Hàn + Thực = mạch Trầm Trì + Đại.
Trong những mạch nghe được ở trên lại còn phải nghe mạch chạy ngắn hay daì (Đoản hay Trường) để biết suy nhược bất túc hay mạch đang thịnh hữu dư, thí dụ Lý + Nhiệt + Thực + Hữu dư có mạch là Trầm + Sác + Đại + Trường.
3-Hai mươi tám loại Mạch và Bệnh Chứng :
Do đó, qua kinh nghiệm 5000 năm đến nay đông y đã phân biệt được 29 loại mạch gồm 1 mạch bình thường không bệnh và 28 loại mạch bệnh để định bệnh tổng quát và 7 loại tử mạch tương ứng với các bệnh chứng như sau :
MẠCH PHÙ :
Là mạch đi nổi trên da, chia 2 loại, có lực và ấn xuống mạnh không có lực
Bệnh chứng ngoại cảm do gió, mạch Phù không có sức là Phù + Hư
MẠCH TRẦM : còn gọi là Mạch Thạch.
Là mạch đi chìm trong da thịt, ấn mạnh tay nghe mạch động, nhấc lên không nghe thấy.
Chủ nội thương, khí kết, trong mình đau đớn.
MẠCH TRÌ :
Là mạch chạy chậm, 1 hơi thở mạch đập 1,2 đến 3 lần.
Bệnh chứng thuộc dương hư, lý hàn, bên trong người lạnh, có khi bên ngoài cũng lạnh (dương hư ngoại hàn, lý hư nội hàn).
 MẠCH SÁC :
Là mạch đi nhanh chạy qua ngón tay thầy bắt mạch nhanh đến 5,6,7 lần trong 1 hơi thở của thầy thuốc.
Bệnh chứng trong người nóng, mạch Sác có lực là nóng lắm có thể phát cuồng, nhưng ấn tay mạnh xuống không nghe thấy là hàn.
MẠCH HƯ :
Là mạch trống rỗng, ấn tay xuống hay nhấc tay lên đều thấy rộng lớn nhưng không rõ có hay không.
Bệnh chứng thuộc Khí và Huyết đều hư, bệnh nhân thường sợ hãi hốt hoảng.
MẠCH THỰC :
Là mạch đầy, đặc, khi ấn tay xuống hay nhấc tay lên đều nghe rõ mạch đi mạnh mẽ.
Bệnh chứng khí và huyết đều thực, có khi nóng.
MẠCH HỒNG : Còn gọi là Mạch Câu
Là mạch nhấc tay lên hay aấn tay xuống đều nghe có lực như sóng nước lụt chảy cuồn cuộn qua tay.
Bệnh chứng khí huyết đều bị thiêu đốt, trong ngoài cơ thể đều nóng.
MẠCH VI :
Là mạch đi nhỏ li ti không rõ, chỉ như sợi tơ nhện, nghe như có như không.
Bệnh chứng khí huyết đều hư, có khi bệnh đang phát mạnh và hàn khí kết đọng dưới rốn nổi cộm đau.
MẠCH HUYỀN :
Là mạch nhấc tay lên hay ấn tay xuống, nghe như đụng phải 1 sợi dây cung đang căng cứng lên.
Bệnh chứng nhọc mệt qúa độ, bệnh khá nặng có thể tổn hại khí huyết.
MẠCH KHẨN :
Là mạch căng xoắn như sợi dây thừng.
Bệnh chứng ngoại tà nhiễu hại, làm khí huyết rối loạn khiến bệnh nhân đau nhức.
MẠCH HOÃN :
Là mạch đi thong thả giống mạch Trì, nhưng hoãn, nghe được 4 lần, còn mạch Trì nghe được 1,2,3 lần.
Bệnh chứng khí huyết không được lưu thông, da thịt đau đớn cắn rứt.
MẠCH SẮC :
Là mạch đi rít cờn cợn như dao cạo vào vỏ tre, đi không trơn tru.
Bệnh chứng tinh huyết khô. Đàn ông bệnh phong lao tinh kiệt. Đàn bà có bầu thì trong thai ít huyết, hay đau bụng. Còn nếu không có thai thì trong bụng có huyết ứ trệ không thông, còn chỗ khác thiếu máu.
MẠCH KHÂU :
Là mạch đi như cọng rau muống, hai đầu nghe có mạch, khúc giữa rỗng.
Bệnh chứng huyết hư bại hay bị mất huyết nhiều làm đau bụng.
MẠCH HOẠT :
Là mạch chạy trơn tru như kéo 1 chuỗi hạt chạy qua tay.
Bệnh chứng huyết nhiều nhưng khí trệ làm ứ huyết không thông, sinh ra nhiều đờm, ho hắng, ăn vào thấy đầy bụng.
MẠCH PHỤC :
Là mạch ẩn nấp sát đến tận xương mới nghe được mạch chạy.
Bệnh chứng âm-dương bất giao, trắc trở thăng giáng thất thường làm đau bụng, lúc ói mửa, lúc đi tiêu chảy.
MẠCH NHU :
Là mạch ấn tay xuống không nghe được mạch, nhấc tay lên mới nghe, mềm mại, yếu ớt, không có lực chắc chắn.
Bệnh chứng khí-huyết đều hư. Dương hư mồ hôi ra nhiều. Người trẻ tuổi thì suy nhược ốm yếu lắm.
MẠCH NHƯỢC :
Là mạch chạy yếu như muốn đứt, nhấc tay lên không nghe thấy mạch.
Bệnh chứng tinh khí hao tổn, cốt tủy trống rỗng, thường hay đau mình, đau trong xương. Người già thì không đáng lo.
MẠCH TRƯỜNG :
Là mạch chạy dài qua khỏi Thốn Xích.
Bệnh chứng khí huyết hữu dư, người có bệnh này dễ chữa.
MẠCH ĐOẢN :
Là mạch chạy ngắn không đến Thốn Xích.
Bệnh chứng khí bất túc suy kém không đủ sức dẫn huyết mạch, hoặc cả khí huyết đều suy kém.
MẠCH TẾ :
Là mạch đi nhỏ có chừng mực nghe rõ hơn mạch Vi.
Bệnh chứng nguyên khí chính khí không đủ, tinh huyết thiếu.
MẠCH ĐẠI ( to) :
Lả mạch giống như mạch Hồng, nhấc tay lên nghe mạch chạy ồ ạt, nhưng ấn tay xuống lại nghe mạch chạy mềm không có lực.
Bệnh chứng do dương tà thịnh, chính khí không khắc chế nổi, bệnh còn đang tăng.
MẠCH ĐẠI (Mạch Đời) :
Là mạch thay đổi, chạy rít thỉnh thoảng lại nghỉ cách quãng đều nhất định. Thí dụ mạch đập được 30 nhịp thì nghỉ, sau lại đập tiếp 30 nhịp lại nghỉ nữa. Hình thức nửa mạch Sắc, nửa mạch Nhu.
Bệnh chứng  nguyên khí chính khí suy kiệt, bệnh nặng gặp Mạch Đại này sẽ nguy. (Đại giống nghĩa  tam đại là 3 đời)
MẠCH XÚC :
Là mạch chạy gằn lại, chạy mau như mạch Sác (nhiệt), nhưng không liên tục, chốc chốc lại nghỉ không nhất định, như thỉnh thoảng chạy bị vấp.
Bệnh chứng nhiệt tích tụ bên trong, dương thịnh mà âm không suy.
MẠCH KẾT :
Là mạch  đang đi bị kết nghẽn lại, đi chậm chạp khó khăn, thỉnh thoảng phải ngừng lại 1 cái.
Bệnh chứng âm tà thịnh hơn dương tà nên âm dương không hòa, nội tà ngoại tà đọng lại thành tích kết.
MẠCH ĐỘNG :
Là mạch nhấc tay lên nghe như lúc có lúc không, lúc có thì đứng lại 1 chỗ nghe như không chạy, mường tượng như lúc lắc hột xúc sắc.
Bệnh chứng hư tổn như băng huyết, đi kiết lỵ, chân tay co rút.
MẠCH CÁCH :
Là mạch căng như da trống, nhấc tay lên hay ấn tay xuống đều thấy căng thẳng như da trống không thấy chạy.
Bệnh chứng do tinh huyết thay đổi, đàn ông thì bệnh di mộng tinh, đàn bà thì huyết hư băng lậu, sản phụ thì sắp sinh dù tới tháng hay chưa.
MẠCH TÁN :
Là mạch thốn ở Nhân Nghinh vừa có mạch Phù, Đại, Đời, Nhu. Và mạch thốn ở Khí Khẩu vừa có mạch Phù, Sắc, Đời, Đại, đó là mạch Tán.
Bệnh chứng khí-huyết bị thoát ra do tà khí thịnh. Ở cổ tay Nhân Nghinh là tà khí thoát ra, ở cổ tay Khí Khẩu là khí của tạng phủ mất, đại tiểu tiện không cầm, chân tay giá lạnh, người xám nhợt, có thể chết.
MẠCH TUYỆT :
Là mạch mất, nghe ở thốn-quan-xích không thấy gì, nhấc tay lên ấn tay xuống cũng không có.
Bệnh chứng sắp chết.

(CÒN TIẾP)