Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Bài chữa chứng mề đay

 Mề đay là chứng bệnh phát ra ở ngoài bì phu. Y học cổ truyền gọi là ban chẩn, phong chẩn khối, tầm ma chẩn.

Nếu nổi thành từng quầng đỏ thì gọi là ban; nếu mọc thành từng nốt lấm chấm thời gọi là chẩn. Nguyên nhân gây bệnh do thời tiết nóng lạnh bất thường, ăn uống phải những chất mà cơ thể mẫn cảm, do ký sinh trùng... làm xuất hiện những nốt ban, ngứa, đỏ da hoặc phù tại chỗ.

Bệnh chia làm 2 thể: phong hàn, phong nhiệt. Phương pháp điều trị là giải dị ứng, chống sung huyết, chống giãn mạch và các rối loạn thực vật: phù dị ứng, táo bón, tiêu chảy, bí tiểu tiện... 

chứng mề đay thể phong hàn: 

Hay gặp dị ứng nổi ban do lạnh, do nước lạnh. Người bệnh có triệu chứng: da hơi đỏ hoặc sắc trắng, gặp lạnh hay phát bệnh, trời nóng bệnh giảm, rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn. Phương pháp chữa là tán phong hàn, điều hòa dinh vệ. 

chứng mề đay thể phong nhiệt:

Người bệnh có triệu chứng: da đỏ, các nốt ban đỏ, nóng rát, miệng khát, phiền táo. Gặp gió nóng, bệnh phát ra hoặc tăng thêm; mạch phù sác; chất lưỡi đỏ, rêu vàng hoặc trắng. Phương pháp chữa là khu phong, thanh nhiệt lương huyết.


Bài trị bệnh rối loạn tiêu hóa do hàn thấp

 Chứng hàn thấp phần nhiều phát sinh ở người cao tuổi, vì người cao tuổi dương khí tỳ thận đa số đều hư, khí không hóa thủy cho nên đa số gặp chứng hàn thấp.

Người bệnh tinh thần ủy mị, sắc mặt kém tươi, cơ thể chân tay lạnh, nặng nề yếu sức, bụng đầy, đại tiện lỏng rêu lưỡi trắng nhớt; ở phụ nữ: đới hạ trong loãng, thống kinh, khó có con...

Nguyên nhân gây bệnh do hàn tà từ ngoài xâm phạm (sương mưa lạnh, nằm ngồi nơi ẩm ướt, ăn thức ăn sống, lạnh) kết hợp với tỳ dương không mạnh dẫn đến thủy thấp ứ đọng ở trong. Chứng hàn thấp hay gặp trong các bệnh: vị quản thống, hoắc loạn, tiết tả, lỵ tật, tý chứng. Phương pháp chữa là giải biểu tán hàn, phương hương hóa trọc, ôn trung hóa thấp.


Học phương pháp xem mạch của Hải Thượng Lãn Ông

 Xem mạch là phần cơ bản và tối quan trọng đối với người thầy thuốc lâm sàng Đông y. Hải Thượng Lãn Ông, người có học vấn uyên thâm về y học phương Đông, văn võ kinh luân uyên bác, nhiều nghiên cứu của ông trong đó có phương pháp xem mạch giúp người đọc dễ hiểu, người chữa bệnh chóng tìm ra bệnh.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc phương pháp xem mạch của Hải Thượng Lãn ông. Người đã biết xem mạch rồi thì để hiểu sâu hơn, người chưa biết xem thì qua bài viết này mà tự nghiên cứu, để biết xem mạch trước khi điều trị cho bệnh nhân.

Bốn loại mạch lớn là khí huyết của con người

Mạch là khí huyết của con người, được ký ngụ trong hơi thở, biểu hiện ra ở hai tay, mỗi tay chia ra ba bộ, bộ thốn là dương, bộ xích là âm, bộ quan ở giữa âm và dương. Để biết mạch của người bình thường phải xem lẻ từng bộ. Bộ thốn của tay trái là vị trí của tạng tâm và tiểu tràng; thuộc hành hỏa, mạch hiện ra phù đại, mà tán là mạch bình thường. Bộ quan tay trái là vị trí của tạng can và đởm, thuộc hành mộc, mạch huyền mà nhuyễn là mạch bình thường. Bộ xích tay trái là vị trí của tạng thận và bàng quang, thuộc thủy, mạch trầm mà hoạt là mạch bình thường. Bộ thốn bên tay phải là vị trí của tạng phế và đại tràng, thuộc hành kim, mạch hiện ra phù mà sác là mạch bình thường. Bộ quan ở bên tay phải, thuộc vị trí của tạng tỳ và vị, thuộc hành thổ, mạch hòa mà hoãn là mạch bình thường. Bộ xích bên tay phải là vị trí của thận và tâm bào lạc, tam tiêu, thuộc tướng hỏa, mạch trầm mà thực là mạch bình thường. Gộp cả ba bộ xem chung mà trong mỗi hơi thở mạch đập 4 nhịp (một lần thở ra và một lần hít vào là một hơi thở) mạch không trầm, không phù, không trì, không sác, mạch đi hòa hoãn, đều đặn đó là mạch bình thường, không có bệnh. Khi mạch có bệnh thì tùy theo khí huyết thịnh suy, hàn nhiệt của từng người mà mạch có biến hóa khác nhau. Những người khí huyết thịnh mà nhiệt, khi cảm nhiễm phải tà khí lục dâm (phong, hàn,  thử, thấp, táo, hỏa) mạch sẽ biến ra phù, sác, hồng, trường, hoạt, đại, huyền, khẩn, khâu, thực đều thuộc mạch dương. Đó là bệnh ngoại cảm đang ở phần biểu, bệnh thuộc ngoại tà thực chứng.

Nếu khí huyết của người thuộc hư mà hàn, khi mắc chứng nội thương thất tình (mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, kinh, sợ) mạch sẽ biểu hiện ra dạng trầm, trì, nhuyễn, nhược, nhu, sác, hoãn, phục, tế, mạch hư thuộc loại mạch âm. Đó là bệnh nội thương ở phần lý, bệnh thuộc chính khí hư. Mạch có 27 loại trong tập “mạch quyết” của Vương Thúc Hòa đã  nói đầy đủ. Nhưng tên mạch thì nhiều, lý luận của mạch thì huyền vi (kỳ diệu), khó mà hiểu được một cách sâu sắc. Nay xin tóm tắt như sau: Mạch phù, mạch sác là cùng loại mạch dương, mạch trầm, mạch trì là cùng loại mạch âm, gọi chung là 4 loại mạch lớn để mọi người dễ hiểu.

Phương pháp xem mạch của Hải Thượng Lãn ÔngPhương pháp chẩn bệnh qua bắt mạch của Hải Thượng Lãn Ông vẫn được duy trì đến ngày nay.

Cách tìm mạch để chẩn bệnh

Đặt đầu ngón tay vào vị trí để tìm mạch, mới nhẹ tay ấn vào da đã thấy mạch đập đó là mạch phù, lấy hơi thở để đoán mạch thì một hơi thở mạch đập 5-6 nhịp, đó là mạch sác, khi ấn mạnh tay xuống đến phần thịt, thấy mạch dội vào đầu ngón tay, càng ấn tay xuống gần xương mà sức đập của mạch không hề giảm sút, đó là mạch phù sác có lực, mạch phù thuộc chứng phong, mạch sác thuộc nhiệt chứng. Đó là điều khẳng định không còn nghi ngờ gì nữa, khi điều trị phải trục phong thanh nhiệt là bệnh sẽ giảm. Nếu ấn tay xuống từ từ mạch cũng từ từ giảm dần, không thấy mạch dội vào đầu ngón tay, là mạch phù sác nhưng không có lực. Đó là mạch của chứng hư hỏa, hư nhiệt, hoặc do khí huyết hư, bệnh thuộc nội thương, không được nhầm lẫn với chứng ở trên. Từ đó mà suy ra các loại mạch khác như hồng, đại, hoạt, trường…

Một số mạch khác: Khi đặt nhẹ ngón tay vào vị trí xem mạch, ngón tay đặt ở ngoài da chưa thấy mạch, ấn nhẹ xuống phần thịt bắt đầu thấy mạch, ấn nặng tay xuống đến tận xương mạch đập rõ dần. Đấy là mạch trầm. Mỗi hơi thở mạch đập 3 lần hoặc chưa đến 3 lần, đó là mạch trì, nhưng khi ấn mạnh tay hơn mà không thấy mạch dội ở đầu ngón tay, càng ấn thì lực mạch càng giảm, đó là mạch trầm trì không có lực, là mạch thuộc hàn chứng. Khi điều trị phải dùng phương pháp ôn bổ. Nếu ấn tay xuống dần dần thấy mạch dội ở đầu ngón tay, sức dội của mạch càng mạnh dần lên, đó là mạch trầm trì có lực. Bệnh thuộc loại tích tụ hoặc bệnh nhân mắc chứng trưng hà (có hòn cục trong bụng). Nếu bệnh thuộc chứng thương hàn thì nhiệt đã vào tạng phủ. Khi điều trị phải dùng thuốc ôn bổ để tiêu tích tụ, hoặc dùng thuốc thông lợi để trị chứng táo bón. Không nên nhầm với chứng hàn lạnh ở phần trên. Từ đó mà suy ra các loại mạch hư, tế, nhu, sáp. “Mạch càng phù sác thì mức độ hư càng nặng”. Đó là nói về loại mạch phù sác mà vô lực.

Tóm lại, mạch dương mà có lực, khi biện luận phải là dương chứng, khi điều trị phải dùng phương pháp thanh giải hoặc phát hãn. Nếu mạch dương mà không có lực thì khi biện luận bệnh thuộc chứng hư hàn. Mạch âm mà không có lực khi biện luận phải là âm chứng dùng thuốc để ôn tán hoặc ôn bổ. Nếu mạch âm mà có lực nên biện chứng bệnh thuộc loại thực nhiệt.

Mạch có lực hay không có lực đã là tiêu chuẩn để xem xét bệnh chưa? Nếu mạch do chứng bị ức chế mà hoãn, hoặc người bị khiếp sợ mà mạch phục, hoặc đau dữ dội cũng có mạch phục, bệnh thổ tả nặng cũng có mạch phục, cho nên không thể xem mạch một cách chung chung. Khi xem mạch cần chú ý mạch có vị khí hay không? Nếu mạch có vị khí thì sống, mạch không có vị khí thì chết. Cho nên khi xem mạch cần ấn nhẹ tay để tìm khí của phủ, ấn sâu để tìm khí của tạng, ấn trung bình để tìm vị khí (vị khí là khí của trung tiêu, nếu ốm mà vị khí tốt thì dù bệnh nặng, bệnh nhân vẫn sống, nhưng bệnh nhẹ mà vị khí hết thì bệnh nhân cũng tử vong). Ấn trung bình là đặt các ngón tay ấn vừa phải, không nặng quá cũng không nhẹ quá. Nhưng chưa đủ: Nếu về mùa xuân thì can mộc vượng ở cả sáu bộ mạch đều có kiêm huyền. Mùa hạ thì tâm hỏa vượng cả sáu bộ mạch đều kèm theo hồng. Mùa thu thì phế kim vượng cả sáu bộ mạch đều kiêm hơi mao (nổi nhẹ). Về mùa đông thì thận thủy vượng, cả sáu bộ mạch đều kiêm mạch thạch (chìm chắc) nhẹ. Mạch ở bốn tháng cuối của bốn mùa là tháng tỳ thổ vượng, sau sáu bộ mạch đều kèm theo hòa hoãn. Đó là mạch có vị khí. Nếu chỉ thấy đơn thuần mạch huyền, mạch hồng, mạch mao, hay mạch thạch mà không có hòa hoãn là mạch chân tạng, mạch không có vị khí.

Phương pháp xem mạch của Hải Thượng Lãn Ông

Mạch của trẻ em thường nên hồng sác, mạch của người trai tráng nên hồng hoạt, nếu mới mắc bệnh thì mạch nên hồng và trường. Nếu bệnh thuộc dương chứng mà mạch dương là mạch với chứng hợp nhau thuộc bệnh dễ chữa. Song trong mạch có hiện tượng hồng hoạt, có chút hòa dịu không đến nỗi cứng rắn, mới là mạch có vị khí.

Người mới sinh đẻ thường có mạch tế nhược, vì khí huyết đang bị tổn thương. Người già mạch thường nhu nhược vì các bộ phận trong người đều suy thoái, khí huyết suy kém lưu thông chậm. Người ốm lâu ngày thường có mạch nhu tế. Bệnh thuộc âm chứng, mà mạch tượng cũng âm là giữa mạch và bệnh thuận, dễ điều trị. Trong trường hợp mạch nhu nhược nhưng có lưu lợi là mạch có vị khí. Nếu mạch hồng sác là mạch không có vị khí, vì mạch hồng sác trái với âm chứng. Nếu bệnh thuộc dương chứng, mạch hồng sác là giữa bệnh và mạch thuận với nhau mạch có vị khí dễ điều trị. Nếu xuất hiện mạch trì nhu là trái ngược với bệnh thuộc loại mạch không có vị khí bệnh thuộc loại khó điều trị.


Bài điều hòa kinh nguyệt

 Có thể bạn đã gặp hiện tượng bị rối loạn kinh nguyệt như: Chu kỳ ngắn quá hoặc dài quá, kinh đến sớm trước kỳ, kinh muộn sau kỳ...

Có thể bạn đã gặp hiện tượng bị rối loạn kinh nguyệt như: Chu kỳ ngắn quá hoặc dài quá, kinh đến sớm trước kỳ, kinh muộn sau kỳ; Kinh nguyệt khi nhiều khi ít, thất thường, không theo chu kỳ chung 1 tháng/1lần… Nguyên nhân do thể trạng vốn có âm hư huyết nhiệt hoặc cảm nhiễm khí hậu, nội nhiệt hiệp với ngoại tà mà gây ra bệnh. Do công năng sơ tiết của can không được bình thường làm cho việc tang trữ huyết không tốt, can khí và can huyết mất thăng bằng, làm cho khí huyết ứ trệ…

Kinh ra trước kỳ

Kinh nguyệt ra trước kỳ sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, lượng nhiều, không có máu hòn, máu cục, người hay choáng váng, ngũ tâm phiền nhiệt, khát nước; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

Nếu kinh nguyệt đến sớm, sắc kinh đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, có khí lẫn máu cục, ngực sườn đầy tức, hay đau hai bên mạng sườn, bụng trướng trước khi hành kinh, người hay choáng váng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch huyền sác.

Có khi kinh nguyệt tháng 2 kỳ, mỗi kỳ một vài ngày, sắc kinh đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, có khi lẫn máu cục, lượng ít, hay đau bụng, người mệt mỏi; chất lưỡi đỏ, có khi thấy nốt tím trên lưỡi. Mạch tế sắc.

Kinh trễ

Nếu kinh nguyệt trễ (chu kỳ kinh nguyệt chậm hơn 7 ngày, thậm chí có khi đến 40 - 50 ngày), sắc mặt xanh, sợ lạnh, thích nóng ấm, uể oải, hồi hộp, ít ngủ, lượng kinh ít, mạch trần trí.

Kinh trễ, sắc nhạt, lượng ít, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, tay chân lạnh, đại tiện táo, khô, mạch hư tế.

Nếu kinh trễ, lượng kinh ít, màu đen sẫm có cục nhỏ (huyết khối), bụng dưới đau, miệng khát, bứt rứt trong ngực, mạch sác.

Kinh đến trễ, bụng dưới sình đau, đè vào lại đau hơn, màu kinh tím đen, có cục (huyết khối), cục xuống thì bớt đau, lưỡi tím sẫm, mạch tế sác.

Kinh trễ, trước khi có kinh và sắp có kinh, bụng dưới sình đau, đau lan đến hông, sườn, tinh thần bứt rứt, bực dọc, rêu lưỡi trắng, mạch huyền sác.

Kinh đến trễ, có khi vài tháng mới có một lần, sắc nhạt và đặc, ra nhiều bạch đới, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền hoạt.

Chứng tâm thần không yên

 Tâm thần không yên thuộc chứng “tâm kinh” trong Đông y, thường gặp ở cả người lớn và trẻ em.

Người bệnh biểu hiện nhút nhát sợ hãi, dễ kinh sợ, nằm ngồi không yên, ít ngủ hay giật mình, buồn vui thất thường. Nguyên nhân phần nhiều do kinh sợ quá mà thần chí không yên, tâm thần dao động, hồi hộp. Sợ (khủng) quá thì tổn thương thận, thận hư yếu không giao thông được với tâm khiến cho tâm hồi hộp không yên...

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

 Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một bệnh lý rất thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một bệnh lý rất thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thoát vị đĩa đệm  chiếm  tỷ lệ  khoảng 65 - 75% tổng số đau cột sống thắt lưng và 76% trường hợp đau thần kinh hông là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Các mức độ thoát vị nhân nhầy đĩa đệm.

Theo YHCT, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thuộc phạm vi các chứng yêu thống, yêu cước thống.Nguyên nhân do can thận bị suy kém, phong hàn thấp thừa hư xâm phạm vào kinh bàng quang hoặc kinh đởm làm kinh khí bị bế tắc; Sự lưu thông của kinh khí không bình thường, khí huyết không điều hòa gây đau và hạn chế vận động.  Bệnh lâu ngày càng ảnh hưởng tới can thận. Hoặc do lao động quá sức hoặc vận động sai tư thế, hoặc do chấn thương gây huyết ứ làm bế tắc kinh lạc. Sự lưu thông kinh khí không bình thường, khí huyết không điều hòa gây đau và hạn chế vận động. 

Bài trị chóng mặt, ù tai

 Chóng mặt, ù tai thuộc phạm vi chứng huyễn vựng của y học cổ truyền. Nguyên nhân là do can thận âm hư...

Chóng mặt, ù tai thuộc phạm vi chứng huyễn vựng của y học cổ truyền. Nguyên nhân là do can thận âm hư, can huyết hư gây ra (chứng hư) hoặc do can dương nổi lên, can hỏa vượng thịnh, đàm thấp gây ra (chứng thực). Y học hiện đại cho nguyên nhân là do rối loạn tiền đình, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, thiếu máu... Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.

Người bệnh bị hội chứng meniere thường chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc nôn...

Chóng mặt, ù tai thể can phong

Do can dương thượng xung, can hỏa vượng, can thận âm hư gây ra. Thường gặp ở người tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn giao cảm,... Người bệnh có biểu hiện hoa mắt, ù tai, miệng khô, đắng, nôn, phiền táo, dễ cáu gắt, đầu lưỡi đỏ, mạch huyền tế đới sác. Phép chữa là bình can tức phong, tiềm dương hoặc bổ thận âm, bổ can huyết tiềm dương.  

Chóng mặt, ù tai thể đàm thấp 

Người bệnh có biểu hiện béo trệ, hay hoa mắt chóng mặt, lợm giọng buồn nôn, hồi hộp, ngủ hay mê, ăn kém, hay khạc đờm buổi sáng, miệng nhạt, lưỡi bệu, rêu dính, mạch hoạt. Phép chữa là hóa thấp trừ đàm.

Chóng mặt, ù tai thể huyết hư

Thường gặp ở người thiếu máu, xơ cứng động mạch. Người bệnh có biểu hiện sắc mặt xanh hoặc vàng úa, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, ngủ ít, mệt mỏi, hay quên, ăn kém, kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, sắc nhạt, chất lưỡi nhạt, ít rêu, mạch tế nhược.