Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Đái tháo đường theo y học cổ truyền

 Bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Bệnh đã được các Y gia cổ mô tả từ rất sớm.

Từ thế kỷ IV – V trước công nguyên trong “Hoàng đế nội kinh – Tố vấn” đã nhắc đến chứng “tiêu” hay “tiêu khát”. Trong sách “Hoàng đế nội kinh – Linh khu, Ngũ biến thiên”  có viết: “Ngũ tạng giai nhu nhược giả, thiện bệnh tiêu đan” có nghĩa là: Ngũ tạng nhu nhược dễ mắc bệnh tiêu. Trong “Ngoại trị bị yếu, Tiêu khát môn” viết: “Tiêu khát giả, nguyên kỳ phát động, thử tắc thận suy sở trí, mỗi phát tức tiểu tiện chí điềm” nghĩa là: Bệnh tiêu khát ban đầu do thận suy nên mỗi khi tiểu tiện nước tiểu có vị ngọt.

Theo Đại Y thiền sư Tuệ Tĩnh: Tiêu khát là chứng trên thì muốn uống nước, dưới thì ngày đêm đi tiểu rất nhiều, nguyên nhân do dâm dục quá độ, trà rượu không chừng, hoặc ăn nhiều đồ xào nướng, hoặc uống thuốc bằng kim thạch làm cho khô kiệt chất nước trong thận, khí nóng trong tâm cháy rực, tam tiêu bị nung nấu, ngũ tạng khô ráo, từ đó sinh ra chứng tiêu khát. Theo “Hải thượng Y tông tâm lĩnh, Y trung quan kiện”: Bệnh tiêu khát phần nhiều là do hỏa tiêu hao chân âm, ngũ dịch bị khô kiệt mà sinh ra.

Bệnh nguyên bệnh cơ

Từ những ghi chép của y văn cổ qua các thời đại thấy có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh tiêu khát. Thứ nhất là do tiên thiên bất túc, tức nguyên khí bị hư. Thứ 2 là do hậu thiên: Do ăn uống thất điều, quá no hay quá đói, ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh thần không ổn định, tình chí thất điều làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Các nhân tố gây bệnh thường phối hợp với nhau gây ra những hội chứng bệnh trong bệnh tiêu khát.

Tiên thiên bất túc: Do bẩm tố tiên thiên bất túc, ngũ tạng hư yếu, tinh khí của các tạng đưa đến thận để tàng chứa giảm sút dẫn đến tinh khuy dịch kiệt mà gây ra chứng tiêu khát.

Ăn uống không điều độ: Ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây ra chứng tiêu khát.

Tình chí thất điều: Do suy nghĩ, căng thẳng thái quá, do uất ức lâu ngày, lao tâm lao lực quá độ mà ngũ chí cực uất hóa hỏa. Hỏa thiêu đốt phế, vị, thận làm cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư. Thận âm hư dẫn đến tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo, không đưa được nước, tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.

Phòng lao quá độ: Do đam mê tửu sắc, phòng lao quá độ làm thận tinh hao tổn, hư hỏa nội sinh làm tân dịch càng khuy kiệt. Cuối cùng thận hư, phế táo, vị nhiệt dẫn đến tiêu khát.

Dùng thuốc ôn táo kéo dài làm hao tổn tân dịch: Ngày xưa nhiều người thích dùng phương thuốc “Tráng dương chí thạch”, là loại thuốc táo nhiệt, làm tổn hại chân âm và sinh ra tiêu khát. Các thuốc tráng dương khác cũng thường có tính ôn táo, dùng lâu ngày cũng sinh táo nhiệt, hao tổn tân dịch mà gây bệnh.

Phân thể lâm sàng và điều trị

Người xưa quan niệm tiêu khát có 3 thể: Thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Cả 3 thể này đều biểu hiện tứ chứng cổ điển: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều. Thượng tiêu khát (phế nhiệt) sẽ gây ra uống nhiều, trung tiêu khát (vị nhiệt) sẽ gây ra ăn nhiều, hạ tiêu khát (thận âm hư) sẽ gây ra đái nhiều.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về lịch sử, kinh tế, xã hội mà bệnh tật cũng thay đổi theo. Qua quá trình nghiên cứu và điều trị, người ta nhận thấy cách phân chia trước đây không còn phù hợp. Với những bệnh nhân đái tháo đường hiện nay các triệu chứng cổ điển rất mờ nhạt, thay vào đó là các biểu hiện khác như: Giảm thị lực, tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành, rối loạn chuyển hóa Lipid… Vì vậy dựa vào nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện lâm sàng mà phân ra các thể bệnh sau:

Đái tháo đường thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn.

 Đái tháo đường thể vị âm hư, vị hỏa vượng.

Đái tháo đường thể  khí âm lưỡng hư.

 Đái tháo đường thể thận âm hư.

 Đái tháo đường thể thận dương hư.

Việc điều trị chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt. Dùng thuốc theo lý luận y học cổ truyền để chữa bệnh và điều trị các biến chứng.

Đái tháo đường thể vị âm hư tân dịch khuy tổn

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, ăn nhiều, mau đói, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng khô, mạch trầm huyền.

Pháp điều trị: Dưỡng âm sinh tân.

Đái tháo đường thể vị âm hư, vị hỏa vượng

Chứng hậu: Khát nước, uống nhiều, ăn nhiều, mau đói, mệt mỏi, nóng trong, tiểu nhiều, nước tiểu vàng đục, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.

Pháp điều trị: Tư âm thanh nhiệt.

 Đái tháo đường thể khí âm lưỡng hư

Chứng hậu: Miệng khô, họng táo, mệt mỏi, đoản khí, Lưng gối mỏi yếu, hồi hộp trống ngực, đau ngực, tự hãn, đạo hãn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chân tay tê bì, giảm thị lực, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm vi.

Pháp điều trị: Ích khí dưỡng âm.

Đái tháo đường thể thận âm hư

Chứng hậu: Miệng khát, mệt mỏi, đau lưng mỏi gối, ngũ tâm phiền nhiệt, ngủ ít, hay mê, đại tiện táo, nước tiểu vàng sẫm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: Tư bổ thận âm.

Đái tháo đường thể thận dương hư

Chứng hậu: Miệng khát, không muốn uống nước, mệt mỏi, đoản khí, sợ lạnh, chân tay lạnh, tự hãn, phù thũng, sắc mặt xám nhợt, đại tiện lúc lỏng lúc táo, tiểu tiện nhiều, nước tiểu đục, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng khô, mạch trầm vi vô lực.

Pháp điều trị: Bổ thận dương.


bài hiếm muộn

 Đông y cho rằng, nguyên nhân gây hiếm muộn - không thụ thai là do hàn thấp làm huyết tắc nghẽn bào cung (thuộc dạng bào cung hư hàn); do tỳ vị hư yếu không hấp thụ được thức ăn, làm khí huyết suy kém trứng không phát triển; do âm hư hỏa vượng mắc chứng rong kinh;... Người thầy thuốc Đông y thăm khám cẩn thận, phải biện chứng lập pháp để tìm ra nguyên nhân hiếm muộn, vô sinh thuộc thể bệnh nào. 

Hiếm muộn do hàn thấp huyết làm tắc nghẽn bào cung không thụ thai

Triệu chứng: Bụng dưới có những đám tích lạnh mà đau, khi gặp nóng thì dễ chịu. Kỳ kinh đến chậm, màu huyết đen tối, có hòn cục, da mặt sạm, chất lưỡi tối có điểm ứ huyết.

Hiếm muộn do thận âm hư, thận tinh suy tổn khí huyết kém trứng không phát triển không thụ thai

Triệu chứng: Lưng đùi đau tê mỏi, lượng kinh ra ít, có khi một, hai ngày đã sạch kinh, huyết loảng, màu nhạt, da mặt hơi vàng, hay choáng váng hoa mắt chóng mặt.

Hiếm muộn do thận hư can uất khí trệ không thụ thai

Triệu chứng: Khi có kinh hai bầu vú căng trướng, bụng trướng đầy, kinh ra khi sớm, khi muộn không đúng kỳ, miệng đắng, tính tình nóng nảy, hay cáu giận.

Hiếm muộn do thận dương thận âm đều hư huyết ứ không thụ thai

Triệu chứng: Khi hành kinh đau vùng lưng và vùng bụng, lượng kinh ra ít, khó ra, có hòn cục, chất lưỡi tía tối.

 Hiếm muộn do tỳ vị hư yếu làm tổn thương khí huyết không thụ thai

Triệu chứng: Ăn ngủ kém, tinh thần luôn mỏi mệt, tim hồi hộp, mạch trầm.

Hiếm muộn do thận dương hư suy không thụ thai

Triệu chứng: Phụ nữ kết hôn lâu ngày, người béo mập nhưng mặt nhợt nhạt, hành kinh lượng kinh ra ít, có lúc kỳ kinh đến muộn, bế kinh, màu huyết tối nhạt, bụng dưới lạnh thích chườm nóng, mỏi mệt, đau lưng, lãnh cảm không thích sinh hoạt tình dục.

Hiếm muộn do âm hư hỏa vượng tâm can mất điều hòa không thụ thai

Triệu chứng: Kinh nguyệt bình thường hoặc ra trước kỳ, đầu choáng váng, ù tai, hồi hộp, mất ngủ, khi ngủ hay mê, lưng đùi ê mỏi, nóng trong hay bốc hỏa phiền táo, miệng khô chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhớt, mạch tế huyền sác.

Hiếm muộn do khí uất đờm ngăn trở không thụ thai

Triệu chứng: Kinh nguyệt ra đúng kỳ, cơ thể béo mập, luôn khạc ra đờm hoặc nôn ra nhiều đờm.

Bài tâm dương hư hồi hộp

 Tâm dương hư hồi hộp không yên thuộc chứng “Tâm quý” trong Đông y. Người bệnh thường biểu hiện mệt mỏi, tim hồi hộp không yên...

Tâm dương hư hồi hộp không yên thuộc chứng “Tâm quý” trong Đông y. Người bệnh thường biểu hiện mệt mỏi, tim hồi hộp không yên, thở hụt hơi, thiếu sức, thân thể ớn lạnh, tiểu ít phù thũng, da xanh tái, mạch vi tế.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân phần nhiều do dương khí hư, tuổi cao, bệnh ốm lâu ngày thể lực suy giảm, ra mồ hôi quá nhiều làm hao tổn dương khí. Tâm dương hư không làm ấm áp tâm mạch, khi gặp lạnh mà sinh hồi hộp không yên… Phép trị chủ yếu ôn vận tâm mạch, hành thủy giáng nghịch. Tâm dương hư không chữa trị để lâu ảnh hưởng đến tim mạch và sức khỏe.


Bài trị ho gà

 Y học cổ truyền gọi ho gà là bách nhật khái, sinh khái (ho cơn). Nguyên nhân gây bệnh do tà khí qua miệng mũi vào phế, phế khí không thông, nghịch lên gây ho, bên trong đờm nhiệt ẩn nấp ở phế, gây nên các cơn ho kịch liệt.

Bệnh kéo dài ảnh hưởng đến phế khí, phế âm và sinh ra các biến chứng.

Giai đoạn đầu ho gà (cảm nhiễm, phế hàn): 

người bệnh có biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, ho liên tục, ngày nhẹ đêm nặng, rêu lưỡi trắng mỏng. Phương pháp chữa là tuyên phế trừ tà hay tân ôn tuyên phế.

Giai đoạn ho cơn (thường do đàm nhiệt, phế nhiệt): 

sau khi mắc khoảng 1 tuần, người bệnh ho càng ngày càng nặng, sau cơn ho có tiếng rít, nôn ra đờm dãi, thức ăn; nếu ho nhiều có thể ra máu, xuất huyết dưới niêm mạc, chảy máu cam, mi mắt nề, rêu lưỡi vàng hoặc vàng dày. Phương pháp chữa là thanh phế tiết nhiệt, hóa đàm (tuyên phế tiết nhiệt). 

Giai đoạn phục hồi ho gà (phế khí hư hoặc phế âm hư): 

Người bệnh ho giảm nhẹ dần, số lần ho ít hơn, tiếng rít giảm dần đến hết, cơn ho yếu, thở ngắn, dễ ra mồ hôi, khát nước, triều nhiệt, chất lưỡi đỏ. Phương pháp chữa là tư dưỡng phế âm, phế khí. 


Bài trị chứng tâm phế khí hư

  Chứng tâm phế khí hư thường do nội thương mệt nhọc hoặc tâm và phế mắc bệnh kéo dài làm công năng của hai tạng tâm và phế đều suy nhược, dẫn đến phế khí bất túc, tâm khí hao tổn. Hoặc do các tạng khác mắc bệnh liên lụy đến hai tạng này mà sinh bệnh.

Biểu hiện: hồi hộp, đoản hơi, ho suyễn thở gấp, lao động nhẹ thì thở suyễn tăng, sắc mặt trắng bệch, tự ra mồ hôi, dễ cảm mạo, nếu bệnh nặng thì tay chân phù thũng, môi miệng tím tái, chất lưỡi nhợt, màu lưỡi tối, mạch trầm tế mà nhược.

Pháp trị: Bổ phế dẹp suyễn ích khí dưỡng tâm.

Do hư lao dẫn đến tâm phế khí hư:

Triệu chứng: Bệnh nhân đoản hơi, hồi hộp, tiếng nói nhỏ, mặt nhợt nhạt, tự ra mồ hôi, đêm ngủ không yên, hay mỏi mệt, sức yếu, ho thở gấp.

Điều trị: Bổ ích khí của tâm phế.

Do Tâm phế khí hư sinh ra chứng tự hãn (tự ra mồ hôi).

Triệu chứng: Bệnh nhân ra mồ hôi, sợ gió hoặc ra mồ hôi mà tâm hồi hộp, ngủ không yên, hay cảm mạo, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

Điều trị: Dưỡng tâm, ích khí cố biểu.

Do tâm phế khí hư sinh quyết chứng (run tay chân).

Triệu chứng: Bệnh nhân đoản hơi, thở ngắt quãng, ra mồ hôi, tay chân lạnh, sắc mặt trắng nhợt, có khi bị ngất xỉu.

Điều trị: Ích khí cố thoát.


Chứng tai biến mạch máu não trong đông y

  Theo y học cổ truyền, tai biến mạch máu não là một hội chứng trong phạm vi chứng “trúng phong” được mô tả là bệnh nhân đột nhiên chóng mặt, ngã, một nửa người không cử động được, méo mồm, nói ngọng; nếu nặng thì bất tỉnh hôn mê. Bệnh cũng thường xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh… YHCT chia thành 2 thể: Trúng phong kinh lạc và trúng phong tạng phủ. Trúng phong tạng phủ có thể gặp chứng bế hoặc chứng thoát.

Tai biến mạch máu nao thể trúng phong kinh lạc: 

Thường gặp trong co thắt mạch não, nhồi máu não và xuất huyết não mức độ nhẹ: Liệt nửa người không có hôn mê, liệt mặt, thoáng mất ý thức, hoa mắt, chóng mặt, mạch huyền tế sác thuộc âm hư hỏa vượng. Nếu chân tay co quắp, miệng sùi bọt, cử động lưỡi khó khăn, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù hoạt hoặc huyền hoạt thuộc chứng phong đàm.

Tai biến mạch máu nao thể trúng phong tạng phủ: 

Thường gặp trong xuất huyết não, nhồi máu não ổ lớn, có hôn mê. Chứng bế thể liệt cứng do dương khí thịnh, bệnh ở tại tạng tâm và can, hai tay nắm chặt, co quắp, hàm răng nghiến chặt, thở khò khè, mắt đỏ, người nóng, chất lưỡi vàng, không ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng dày, mạch hoạt sác hữu lực. Chứng thoát thể liệt mềm: Hôn mê, mồm há, chân tay mềm duỗi, đái dầm dề, ra mồ hôi nhiều, sắc mặt trắng bệch, chân tay lạnh, lưỡi nhạt, mạch tế sác, trầm tế muốn mất.

Sau khi bị trúng phong, bệnh nhân còn lại di chứng trúng phong chủ yếu là bán thân bất toại biểu hiện thượng hạ chi của bán thân bên trái hoặc bên phải tê dại, giảm hoặc mất cử động, giảm cảm giác đau, nóng, lạnh, tay không còn cầm nắm được, chân không đi lại được.

Bài trị viêm tuyến vú

 Viêm tuyến vú hay viêm vú, viêm tuyến sữa là một bệnh nhiễm trùng các mô vú gây đau ngực, sưng, nóng và đỏ vú.

Bệnh hay gặp ở phụ nữ cho con bú, tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra ở người không cho con bú.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh viêm vú xảy ra trong vòng vài tháng đầu sau khi sinh nhưng cũng có thể xảy ra trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Các biểu hiện có thể thấy như mệt mỏi, đau vú, sốt, khó chịu, sưng vú, đau hoặc cảm giác nóng rát liên tục trong khi cho con bú... Viêm vú cho con bú có xu hướng ảnh hưởng đến một vú, không phải cả hai vú.

Mặc dù bệnh viêm tuyến vú thường xảy ra trong vài tuần đầu cho con bú nhưng nó vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian cho con bú. 

 Viêm tuyến vú do nhiệt uất khí trệ sinh chứng sang độc bầu vú

Triệu chứng: Bầu vú sưng đỏ đau, da nóng rát, khát nước, ngực sườn trướng đầy.

Điều trị: Thanh nhiệt lý khí tiêu sưng giảm đau

 Viêm tuyến vú do ố hàn phát sốt uất kết, có khối sưng rắn đau dữ dội

Điều trị: Điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, tiêu sưng tán kết.

 Viêm tuyến vú do nhiệt độc quá thịnh làm khí huyết ứ trệ sinh nhiệt độc ở vú

Biểu hiện: Bầu vú sưng đau dữ dội, đỏ, nóng rát, khối sưng rắn chắc, ố hàn phát nhiệt, sốt cao, tâm phiền, miệng khát.

Điều trị: Thanh nhiệt, tiêu độc hóa ứ, tán kết thông kinh lạc, giảm đau.

  Viêm tuyến vú do sang độc nặng, khối u quá rắn chắc, sốt cao đau dữ dội mệt mỏi ăn uống kém

Điều trị: Thanh nhiệt giải độc hóa ứ tiêu ung.

  Viêm tuyến vú do nhiệt độc uất kết sang độc quá mạnh làm cả bầu vú sưng to

Biểu hiện: Một hoặc cả hai bầu vú sưng to quá mức, cứng rắn chắc, nóng rát sốt cao, đau nhức sợ lạnh, trong người khó chịu, mệt mỏi, ăn ngủ kém, nước tiểu đỏ. Mạch huyền hoạt.

Điều trị: Thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng tán kết, trục ứ thông tia sữa.