Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Viêm gan theo Đông y

 Đông y không phân thành bệnh viêm gan mà gọi chung là hoàng đản (chứng vàng da). Theo Y văn, hoàng đản nguyên nhân chủ yếu do thấp nhiệt uất kết trong tỳ vị, ảnh hưởng đến can, sinh ra mắt vàng, mặt vàng rồi đến toàn thân đều vàng, nước tiểu vàng sẫm. Nếu độc khí của thấp nhiệt lưu lại không tiêu được sẽ làm cho càng ngày càng ăn kém, gan càng ngày càng to.

Điều trị  viêm gan theo chứng bệnh

Về phân loại, Đông y phân ra hai chứng hoàng đản: Dương hoàng và Âm hoàng.

Chứng hoàng đản do dương hoàng 

Dương hoàng biểu hiện mặt, mắt vàng tươi sáng như màu quả quýt, da vàng nhuận, bệnh nhân cảm giác lợm giọng, nôn ọe, vùng thượng vị đau tức, nước tiểu đỏ và sẻn, có sốt, thân thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhờn, hoặc trắng mỏng, chất lưỡi đỏ.

 Phép chữa chứng hoàng đản do dương hoàng 

 Thanh nhiệt, lợi thấp.

Chứng hoàng đản do âm hoàng 

Âm hoàng có triệu chứng mặt, mắt và da vàng hãm tối, bụng đầy, rối loạn tiêu hóa, vùng thượng vị, trung vị, hạ vị đều đau tức, không sốt, thân thể mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, hoặc hơi vàng trơn, chất lưỡi nhợt nhạt.

Phép chữa chứng hoàng đản do dương hoàng

Ôn hóa hàn thấp.

Điều trị viêm gan theo thể bệnh

Viêm gan mạn tính thường xảy ra sau khi mắc các bệnh viêm gan cấp (viêm gan siêu vi, viêm gan nhiễm độc); sau khi mắc bệnh sốt rét hoặc suy dinh dưỡng kéo dài. Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là sự giảm sút chức năng gan, thoái hóa tế bào gan và các rối loạn về tiêu hóa, cơn đau vùng gan, vàng da, tiêu chảy hay táo bón, chậm tiêu, chán ăn

Nguyên nhân theo y học cổ truyền là do công năng của tỳ vị, can bị rối loạn, ảnh hưởng tới âm huyết hoặc tân dịch, từ đó ảnh hưởng tới sự hoạt động của cơ thể. Điều trị theo từng thể bệnh:

Viêm gan thể can nhiệt tỳ thấp: 

viêm gan có vàng da kéo dài. Người bệnh thường thấy đắng miệng không muốn ăn, bụng đầy trướng, ngực sườn đầy tức, miệng khô nhợt, đau nóng ở vùng gan, da sạm tối. Tiểu tiện ít, vàng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền. 

Phép chữa viêm gan thể can nhiệt tỳ thấp:

thanh nhiệt lợi thấp, thoái hoàng, kiện tỳ trừ thấp.

Viên gan thể can uất tỳ hư, khí trệ: 

hay gặp ở viêm gan mạn do viêm gan siêu vi. Người bệnh có biểu hiện mạn sườn phải đau, ngực sườn đau tức, miệng đắng, ăn kém, người mệt mỏi, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền. 

Phép chữa viên gan thể can uất tỳ hư, khí trệ:

sơ can kiện tỳ lý khí.

Viêm gan thể can âm bị thương tổn:

 người bệnh có biểu hiện đầu choáng, hồi hộp, ngủ ít, hay mê, lòng bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, táo bón, nước tiểu vàng, mạch huyền sác.

Phép chữa viêm gan thể can âm bị thương tổn:

 tư âm dưỡng can. 

Viêm gan thể khí trệ huyết ứ: 

hay gặp ở thể viêm gan mạn có kèm theo hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ. Người bệnh có biểu hiện sắc mặt tối sạm, môi thâm, lưỡi tím, lách to, người gầy, ăn kém, tuần hoàn bàng hệ ở bụng, đại tiện phân nát, nước tiểu vàng ít, chất lưỡi đỏ hoặc có điểm ứ huyết, rêu lưỡi vàng dính, mạch huyền sác.

Phép chữa viêm gan thể khí trệ huyết ứ: 

sơ can lý khí hoạt huyết.

Trị suy dinh dưỡng trẻ em trong đông y

 Đông y gọi suy dinh dưỡng ở trẻ em là chứng cam tích, mà nguyên nhân thường gặp là do khẩu phần ăn không hợp lý,

Đông y gọi suy dinh dưỡng ở trẻ em là chứng cam tích, mà nguyên nhân thường gặp là do khẩu phần ăn không hợp lý, như: ăn thiếu đạm kéo dài, ăn nhiều chất béo ngọt khiến không tiêu hóa được, tích lại làm tổn thương tỳ vị, cũng có khi do nhiễm nhiều giun...

Nhìn chung các biểu hiện ban đầu đối với trẻ mắc chứng cam tích thường thấy xuất hiện như: cơ thể hơi gầy, kém ăn hoặc ăn nhiều, đi cầu nhiều, phân khi lỏng khi đặc, đầy bụng, có thể sốt nhẹ, miệng khát, lòng bàn chân, bàn tay nóng, người bứt rứt, hay khóc, ngủ không yên, rêu lưỡi hơi vàng, mạch tế hoạt.

Suy dinh dưỡng thể tỳ hư (còn gọi là tỳ cam):

Tương ứng với suy dinh dưỡng độ 2. Biểu hiện như mặt vàng, người gầy, miệng khô, khát nước, sôi bụng, tiêu chảy. Có trường hợp do tân dịch giảm gây táo bón, bụng to, gân xanh nổi lên, nước tiểu đục trắng, rêu lưỡi trắng.

Phương pháp chữa suy dinh dưỡng thể tỳ hư

Bổ khí, bổ tỳ vị.

Suy dinh dưỡng thể can cam 

 (tức bệnh do khí huyết hư can thận hư mà gọi là can cam, tương ứng với suy dinh dưỡng độ 3):

Biểu hiện như người gầy, da khô, bộ mặt già, tinh thần mệt mỏi, kém ăn, tiếng khóc nhỏ, rêu lưỡi mỏng khô, lông, tóc khô. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: khô loét giác mạc, loét miệng, tử ban (lắng đọng sắc tố), phù thũng…

Phương pháp chữa suy dinh dưỡng thể can cam 

Bổ khí huyết, bổ can, thận tỳ vị.

Liệu pháp cạo gió bài bản và khoa học

 Cạo gió là một phương pháp điều trị đơn giản, lưu truyền lâu đời, ít tác dụng phụ, hiệu quả thấy rõ, có ưu thế độc đáo.

Liệu pháp cạo gió dùng bờ trơn láng của các công cụ như tấm cạo gió, đồ sứ, muỗng nhỏ, đồng xu…, xát mạnh vào một vùng nào đó trên cơ thể người bệnh, lặp lại nhiều lần từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, để kích thích tuần hoàn máu dưới da nhằm chữa một số chứng bệnh thường gặp.

Để giảm sức cản khi cạo, tránh tổn thương làn da, tăng hiệu quả điều trị, trước khi thao tác cần thoa lên bộ phận cần cạo một lớp chất xúc tác như: dầu vừng, dầu gió, rượu trắng, nước…

Tư thế người bệnh khi cạo gió

Nằm ngửa. Người bệnh mặt hướng lên trên, nằm duỗi thẳng trên giường, để lộ phần bụng và cạnh trong của chi trên. Thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo các huyệt hay các vị trí ở mặt, đầu, bụng, cạnh trong, cạnh trước của chi trên, cạnh trước và cạnh ngoài của chi dưới.

Nằm úp. Người bệnh nằm sấp, duỗi thẳng chân trên giường. Tư thế này thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo vị trí hay huyệt vị ở phần lưng, mông, sau chi dưới gần bàn chân.

Nằm nghiêng. Người bệnh mặt hướng sang một bên, hai đầu gối hơi co, cơ thể ở tư thế nằm nghiêng. Thích hợp lấy huyệt và cạo gió huyệt vị ở một bên mặt, bả vai, cạnh ngoài của tứ chi, khe lườn ở phần ngực và lưng, mặt bên của cơ thể.

Ngồi cúi. Người bệnh ngồi cúi trên ghế, để lộ lưng sau và cổ, thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo vị trí hoặc huyệt vị hai bên xương sống, sau đầu, cổ, bả vai, lưng, mông hoặc tiến hành kiểm tra hai bên xương sống.

Ngồi tựa. Người bệnh ngồi tựa lưng vào ghế, để lộ phần dưới cằm, cổ họng. Thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo gió vị trí hay huyệt vị ở mặt, trước cổ, hai bên xương cổ họng, khe giữa lườn ở ngực.

Các phương pháp cạo gió
Phương pháp cạo trực tiếp.

 Sau khi bôi chất xúc tác lên trên chỗ cần cạo gió, dùng dụng cụ cạo trực tiếp cạo lên da người bệnh, tiến hành lặp lại thao tác cho đến khi da hằn lên vết bệnh thì dừng lại. Người bệnh nên ở tư thế ngồi hoặc ngồi hơi cúi. Người cạo dùng khăn ấm lau vùng da ở chỗ cạo gió của người bệnh, bôi đều chất xúc tác, sau đó cầm dụng cụ cạo, tiến hành cạo, cạo đến lúc vùng da đỏ ửng thì dừng lại.

Phương pháp bổ (bổ cạo). 

Lực ấn nhỏ, tốc độ chậm, có thể kích phát chính khí của cơ thể làm cho chức năng cơ thể hồi phục nhanh. Lâm sàng phần lớn dùng cho người già, cơ thể yếu, bệnh kéo dài, bệnh nặng hoặc cơ thể gầy yếu.

Phương pháp tả (tả cạo). 

Lực ấn lớn, tốc độ nhanh, có thể giảm độc ở phần bệnh, làm cho chức năng cơ thể khôi phục bình thường. Lâm sàng phần lớn dùng cho người bệnh là thanh niên cường tráng, người mới mắc bệnh, bệnh gấp hoặc người có hình thể rắn chắc.

Phương pháp bình bổ, bình tả (bình cạo). 

Còn gọi là phương pháp cạo cân bằng, có 3 loại phương pháp tay: thứ nhất là lực ấn lớn, tốc độ chậm. Thứ hai là lực ấn nhỏ, tốc độ nhanh. Thứ ba là lực ấn vừa phải, tốc độ vừa phải. Khi ứng dụng cụ thể có thể căn cứ vào bệnh tình và thể chất của người bệnh để linh hoạt sử dụng. Trong đó lực ấn vừa, tốc độ vừa dễ được người bệnh tiếp nhận. Phương pháp này cân bằng giữa phương pháp bổ và phương pháp tả, thường dùng cho người khỏe mạnh bình thường.

Cạo gió các vị trí trên cơ thể người
Cào gió vùng đầu:

Cạo hai bên đầu: từ huyệt Thái dương (hai bên đầu) bắt đầu cạo đến huyệt Phong trì, cạo qua các huyệt vị: Đầu duy, Hàm phục, Huyền lư, Huyền li, Luật cốc, Thiên xung, Phù bạch, Não không.

Phần đầu trước: từ huyệt Bách hội bắt đầu cạo đến viền tóc đầu trước, qua các huyệt: Tiền đỉnh, Thông thiên, Tín hội, Thượng tinh, Thần đình, Thừa quang, Ngũ xứ, Khúc sai, Chính doanh, Đương dương, Đầu lâm khấp.

Phần đầu sau: từ huyệt Bách hội bắt đầu cạo đến viền tóc ở đầu sau, qua các huyệt: Hậu đỉnh, Lạc khước, Cường gian, Não hộ, Ngọc chẩm, Não không, Phong phủ, Á môn, Thiên trụ.

Phần toàn bộ đầu: dùng huyệt Bách hội làm trung tâm theo phương hướng tỏa ra xung quanh cạo toàn bộ đầu. Qua toàn bộ huyệt vị và trung khu cảm giác, trung khu vận động, trung khu nghe, trung khu nhìn, trung khu dạ dày, trung khu khoang não, trung khu sinh sản.

Cạo gió vùng mặt:

Cạo phần trán: trán bắt đầu từ chính giữa phía trước phân tách ra, hai bên lần lượt cạo từ trong ra ngoài. Vùng trán bao gồm da giữa viền tóc trước và lông mày. Qua các huyệt: Ấn đường, Toán trúc, Ngư yêu, Ty trúc không.

Cạo phần hai gò má: từ huyệt Thừa khấp đến Cự liêu, Nghênh hương đến khu vực Nhĩ môn, Nhĩ cung, lần lượt cạo từ trong ra ngoài, qua các huyệt vị: Thừa khấp, Tứ bạch, Quyền liêu, Hạ quan, Cự liêu, Thính cung, Thính hội, Nhĩ môn.

Cạo phần cằm dưới:  lấy Thừa tương làm trung tâm lần lượt cạo từ trong ra ngoài. Qua các huyệt vị Thừa tương, Địa thương, Đại nghênh, Giáp xa.

Cạo gió vùng lưng:

Phương pháp cạo phần lưng bao gồm phương pháp cạo phần đốt sống ngực, đốt sống lưng và đốt sống đuôi.

Đường chính giữa phần lưng (đốt sống ngực, đốt sống lưng, đốt sống đuôi): từ huyệt Đại chùy đến huyệt Trường cường.

Cạo hai bên lưng (bao gồm đốt sống ngực, đốt sống lưng, hai bên đốt sống đuôi): chủ yếu cạo các đường Túc thái dương bàng quang kinh ở phần lưng, tức 1,5 tấc và 3 tấc bên cạnh xương sống.

cao gioHướng cạo gió vùng lưng

Cạo gió vùng ngực:

Cạo phần ngực bao gồm cạo đường chính giữa và hai bên ngực.

Cạo đường chính giữa (quan sát ngực để tiến hành): từ huyệt Thiên đột qua Kinh thiện đến Cưu vỹ, cạo từ trên xuống dưới.

Cạo hai bên ngực: từ đường chính giữa cạo từ trong ra ngoài.

cao gioHướng cạo gió vùng ngực

Cạo gió vùng cổ:

Phương pháp cạo phần cổ bao gồm phương pháp cạo đường chính giữa, và hai cạnh cổ.

Cạo đường chính giữa cổ (tuần tự tiến hành các mạch ở cổ): từ huyệt Á môn đến huyệt Đại chùy.

Cạo từ hai bên cổ đến trên vai: từ huyệt Phong trì đến Kiên tỉnh, Cự cốt. Qua các huyệt Kiên trung du, Thiên liêu, Bỉnh phong.

cao gioHướng cạo gió vùng cổ

Cạo gió vùng bụng:

Phương pháp cạo bụng bao gồm cạo đường chính giữa và cạo hai bên bụng.

Cạo đường chính giữa (quan sát phần bụng để tiến hành): từ huyệt Cưu vỹ đến huyệt Thủy phân, từ huyệt Âm giao đến huyệt Khúc cốt.

Cạo hai bên bụng: từ huyệt U môn, Bất dung, Nhật nguyệt hướng xuống dưới, qua Thiên khu, Hoang du đến Khí xung, Hoành cốt.

Cạo gió phần tứ chi:

Cạo cạnh trong chi trên: từ trên xuống dưới qua Thủ tam âm kinh tức Thủ thái âm phế kinh, Thủ quyết âm tâm bào kinh, Thủ thiếu âm tâm kinh.

Cạo gió cạnh ngoài của chi trên: từ trên xuống dưới qua Thủ tam dương kinh tức Thủ dương minh đại trành kinh, Thủ thiếu dương tam tiêu kinh, Thủ thái dương tiểu tràng kinh.

Cạo cạnh trong của chi dưới: từ trên xuống dưới qua Túc tam âm kinh tức Túc thái âm tỳ kinh, Túc quyết âm can kinh, Túc thiếu âm thận kinh.

Cạo phần mặt trước, cạnh ngoài, mặt sau của chi dưới: từ trên xuống dưới qua Túc dương minh vị kinh, Túc thiếu dương kinh, Túc thái dương bàng quang kinh.

Những điều cần lưu ý khi cạo gió.

- Khi cạo gió người bệnh cần bộc lộ làn da, nên lưu ý giữ ấm trong phòng, nhất là vào mùa lạnh cần tránh hàn lạnh và ngọn gió. Khi cạo gió vào mùa nóng, cần tránh quạt máy thổi trực tiếp vào làn da bộc lộ.

- Sau khi cạo gió trong vòng 1 giờ không tắm nước lạnh.

- Không nên cạo gió lần thứ hai khi vết bệnh của lần trước chưa biến mất, thời gian cách nhau giữa hai lần cạo 4 - 7 ngày, với vết bệnh biến mất để làm chuẩn.

- Khi cạo gió, không ngừng hỏi thăm người bệnh có đau hay không, theo dõi phản ứng của người bệnh để điều chỉnh sức cạo nặng nhẹ, không gây tổn thương da. Khi cạo vùng lưng nên thuận từ trên xuống dưới, thường không cạo ngược từ dưới lên trên.

- Trong quá trình cạo gió, người bệnh xảy ra hiện tượng chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, vã mồ hôi lạnh, sắc mặt trắng nhạt, tay chân lạnh, tức ngực buồn nôn hoặc hôn mê, tạm ngừng cạo gió kịp thời, nhanh chóng cho người bệnh nằm thẳng, bằng tư thế đầu thấp chân cao. Cho người bệnh dùng 1 ly nước đường ấm, lưu ý giữ ấm. Kịp thời xoa nắn huyệt Bách hội, Nhân trung, Nội quan, Túc tam lý, Dũng tuyền. Nằm nghỉ giây lát người bệnh sẽ hồi phục.

Chống chỉ định trong cạo gió

- Vùng bụng, vùng thắt lưng của phụ nữ mang thai, đầu vú của phái nữ: cấm
cạo gió.
- Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, hôn mê gan và các bệnh có khuynh hướng chảy máu: cấm cạo gió.
- Bệnh ngoài da, dị ứng da,
lở loét ngoài da, ung nhọt, hay vết thương chưa lành, chấn thương gãy xương cấm cạo gió.
- Người bệnh tim nặng xuất hiện suy tim, người bệnh thận xuất hiện suy thận, người bệnh xơ gan báng bụng, người phù toàn thân cấm cạo gió.
- Mắt, lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, môi, rốn (huyệt Thần khuyết) cấm cạo gió.
- Người say rượu, quá no, quá đói, quá mệt mỏi cấm cạo gió, tránh xảy ra hiện tượng sốc phản vệ.
- Hộp sọ trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn chỉnh, cấm cạo gió vùng đầu.

Hiếm muộn trong đông y

 Về lĩnh vực chữa vô sinh, hiếm muộn, Y học cổ truyền từ lâu đã có nhiều kinh nghiệm điều trị dựa trên các lý luận của âm dương ngũ hành, với những bài thuốc hay và rất hiệu quả.

Theo y học cổ truyền, tinh người cha thuộc dương, trứng người mẹ (mẫu huyết) thuộc âm, âm dương giao hòa sẽ thụ thai. Sách Linh khu có ghi: “Lưỡng thần tương tác, hợp nhị thành hình”. Nghĩa là hai thần chung đúc nhau hợp lại mà nên con người, vật chất để chung đúc ấy là tinh cha và huyết mẹ

Theo Hải Thượng Lãn Ông: Tinh cha huyết mẹ nhân cảm hứng mà giao hội với nhau, tinh nhờ dương tiết ra, huyết thu liễm tinh, tinh thành xương, đó là muôn vật nhờ ở càn nguyên (càn là dương, là cha, nguyên là đầu, là trước, càn nguyên là đức đầu tiên của càn tạo ra muôn vật) làm nguồn gốc.

Huyết khí hộ vệ bên ngoài, thành bào thai, tinh dày đặc bên trong để hóa sinh nuôi dưỡng, đó là muôn vật sinh trưởng nhờ khôn nguyên (đức đầu tiên của khôn là sinh ra muôn vật). Âm dương giao cấu, ngưng kết thành thai, chỗ thai ở gọi là tử cung, một cuống ở dưới, trên phân 2 ngả, một ngả thông sang tả, một ngả thông sang hữu.

Như vậy, theo y học cổ truyền, tinh cha huyết mẹ đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên con cái. Tinh cha huyết mẹ có lành lặn, đầy đủ, khí chất của thai nhi mới hoàn bị, yếu tố bẩm sinh mới tốt đẹp.

Vô sinh do nữ

Đông Y gọi là Chủng tử môn. Chủng tử môn bao gồm các chứng trạng không thụ thai được hoặc đã thụ thai mà không có khả năng để giữ noãn bào đã thụ thai ở lại trong bào cung hoặc không phát triển thành thai nhi.

Theo Hải Thượng Lãn Ông: phụ nữ không có thai, có người do lục dâm thất tình làm tổn thương mạch Xung Nhâm, hoặc bệnh cũ ẩn nấp, di chuyển trong tạng phủ, hoặc tử cung hư lạnh, hoặc khí thịnh huyết suy, tỳ vị hư tổn. Do đó không nuôi dưỡng được mạch xung nhâm hoặc tích đờm ngưng trệ ở bào lạc.

Vô sinh nam:

Do đàn ông phòng lao quá độ, tiết tinh quá nhiều, tinh loãng như nước, hoặc lạnh như băng, lo nghĩ quá nhiều... Tất cả các nguyên nhân ấy đều dẫn đến khó có con.

Vì tâm chủ thần, tâm có lo nghĩ, thần chạy ra ngoài, làm cho quân hỏa bị uất mà không xuống được.Thận chủ chí, thận có nhọc mệt, chí loạn ở trong dẫn đến thận thủy thiếu mà không thăng lên được.Trên dưới (tâm ở trên, thận ở dưới) không giao hòa với nhau, mà có thể sinh dục được chưa bao giờ có.

Y học cổ truyền từ lâu có những bài thuốc để điều trị chứng vô sinh, hiếm muộn nam, nữ. Danh y Hải Thượng Lãn Ông có nói: “Người thầy thuốc giỏi chữa bệnh không có con, về  phía con trai nói là ở chủ tinh, về phía gái nói chủ ở huyết.

Tinh hoa của ngũ tạng đều thu nạp về thận, thận là nơi hội tụ của các cơ quan. Nhưng tinh sinh ở huyết, huyết kém làm gì sinh được tinh. Tâm chủ huyết cho nên không con trách cứ vào tâm bạc, bạc đầu trách cứ vào thận. Cho nên người xem trọng việc cầu tự chẳng những phải bổ thận mà càng nên dưỡng tâm.Lại thêm điều hòa ngũ tạng, làm cho tinh khí của ngũ tạng thường thịnh vượng luôn, mà tràn đầy tới thận được dồi dào.

Quan niệm như vậy, xưa kia Đông y thường chẩn đoán trên bằng vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (bắt mạch) để từ đó tìm ra nguyên nhân gây vô sinh - nam và nữ để cóa những bài thuốc thích hợp. Ngày nay, các thầy thuốc còn có “vũ khí mới” là các xét nghiệm, chẩn đoán bằng y học hiện đại để rõ hơn về nguyên nhân gây hiếm muộn, như làm tinh dịch đồ xem số lượng và chất lượng tinh trùng như thế nào, siêu âm xem vòi trứng có bình thường không, tử cung có u xơ không…

Từ sự kết hợp tuyệt vời của hai nền y học Đông - Tây, thầy thuốc sẽ có chỉ định điều trị thích hợp nhất. Từ đó, bệnh nhân sẽ được sử dụng những bài thuốc hay của các danh y tiền bối với sự gia giảm theo kinh nghiệm của thầy thuốc điều trị. Các bài thuốc hay trong những trường hợp này có thể: Bát vị, Lục vị gia giảm, Quy tỳ hoàn…

Bài chứng khó tiêu

 Chứng tỳ vị dương hư còn gọi là chứng trung tiêu dương hư hoặc chứng tỳ vị hàn. Do trung tiêu hư hàn mất đi chức năng thu nạp vận hóa nên đồ ăn thức uống không tiêu...

Chứng tỳ vị dương hư còn gọi là chứng trung tiêu dương hư hoặc chứng tỳ vị hàn. Do trung tiêu hư hàn mất đi chức năng thu nạp vận hóa nên đồ ăn thức uống không tiêu, thủy thấp ứ đọng lại ở bên trong. Dương khí không sưởi ấm tạng phủ và tay chân. Nguyên nhân chủ yếu phần nhiều do ăn quá mức độ, ăn nhiều thức ăn sống lạnh hoặc do ốm đau lâu ngày không được chăm sóc chu đáo, hoặc do thận dương hư, tỳ không được sưởi ấm mà sinh bệnh. Chứng này thường gặp ở người cao tuổi, kể cả nam và nữ. 

Tỳ vị dương hư sinh chứng hư lao.

Triệu chứng: Bệnh nhân ăn uống kém, sắc mặt úa vàng, mỏi mệt, cơ thể hay ớn lạnh, sôi bụng, đại tiện thường xuyên đi lỏng, lưỡi trắng, mạch vi tế. 

Do tỳ vị dương hư sinh chứng đau bụng, đau vị quản.

Triệu chứng: Bệnh nhân đau bụng liên miên. Thích ấm, ưa xoa bóp, lúc đói hoặc mệt nhọc thì đau tăng lên, khi ăn vào hoặc được nghỉ ngơi thì giảm đau, đại tiện lỏng. Nếu đau vị quản thì ăn uống tiêu hóa chậm, nôn ra nước trong, tay chân lạnh. 

Tỳ vị dương hư sinh chứng ách nghịch.

Triệu chứng: Bệnh nhân thường hay bị nấc, đoản hơi, mặt trắng xanh, tay chân lạnh. 

Tỳ vị dương hư sinh chứng nôn mửa.

Triệu chứng: Ăn uống không điều độ, mệt nhọc, chóng mặt buồn nôn. 

Tỳ vị dương hư sinh chứng phản vị (trào ngược).

Triệu chứng: Bệnh nhân ăn xong thì nôn ra, có khi đang ăn mà nôn ra hoặc sáng ăn thì trưa nôn ra, trưa ăn thì tối nôn ra. Chất nôn ra là thức ăn chưa tiêu hóa. 

Tỳ vị hư sinh tiết tả.

Triệu chứng: Bệnh nhân đau bụng, sôi bụng, đại tiện nhiều lần trong ngày, phân có nhiều thức ăn chưa tiêu hóa. Bài thuốc: phụ tử 8g; nhục quế 8g. Sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.

Tỳ vị dương hư sinh chứng thủy thũng.

Triệu chứng: Bệnh nhân tay chân, có khi cả toàn thân bị phù thũng, sức khỏe yếu, hay mệt mỏi, nước tiểu ít mà đỏ. 

Tỳ vị dương hư đại tiện ra huyết.

Triệu chứng: Bệnh nhân đại tiện ra huyết có màu sẫm hoặc phân đen, bụng đau âm ỉ, mặt trắng nhợt, người mệt mỏi, tay chân lạnh.

Bạch điến trong đông y

 Bạch điến trong đông y là gì ?

Bạch điến phong là tình trạng có từng vùng trên da tự nhiên xuất hiện các đốm trắng, có thể lan tràn sang các vùng lân cận, thường không đau, ít ngứa.

Bạch điến phong là tình trạng có từng vùng trên da tự nhiên xuất hiện các đốm trắng, có thể lan tràn sang các vùng lân cận, thường không đau, ít ngứa. Đông y cho nguyên nhân gây bệnh do tâm hỏa vượng, mồ hôi ra quá nhiều hay do uống rượu quá độ làm bì phu và khiếu khai mở bất bình thường làm huyết thiếu tại bì phu, phong tà thừa hư mà xâm phạm vào bì phu tấu lý, ẩn phục lâu ngày gây tổn thương bì phu cơ nhục mà gây bệnh.

Biểu hiện bạch điến

Người bệnh có biểu hiện trên da xuất hiện những đốm màu trắng, bề mặt phẳng như các vùng da khác, không đau, ít ngứa. Bệnh hay gặp ở tuổi trung niên và hay lan tràn sang các vùng lân cận. Đa số tồn tại kéo dài, có khi suốt đời, không có biến chứng, không ảnh hưởng sức khỏe, chỉ gây mất thẩm mỹ.

 Phép điều trị bạch điến trong đông y

 Dưỡng âm, bổ huyết, khu phong, thanh nhiệt.

Bài trị suy nhược thần kinh theo đônng y

 Suy nhược thần kinh (còn gọi là tâm căn suy nhược) là bệnh phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân gây bệnh là do sang chấn về tinh thần do lo nghĩ quá nhiều, làm việc hoặc học tập quá sức gây căng thẳng thần kinh quá độ...

Do cơ địa của người bệnh thần kinh yếu (tiên thiên không đầy đủ) dẫn đến công năng của các tạng phủ đặc biệt là tâm, can, tỳ, thận (tinh, khí, thần) bị rối loạn. Dưới đây là các thể lâm sàng của suy nhược thần kinh và cách điều trị theo Đông y:

Suy nhược thần kinh thể can khí uất kết

Thể này tương ứng với giai đoạn hưng phấn tăng và do sang chấn tinh thần gây nên.

Triệu chứng suy nhược thần kinh thể can khí uất kết :          

Tinh thần uất ức hoặc phiền muộn, đầy tức, hay thở dài, bụng đầy trướng, ăn kém, rêu lưỡi trắng, mạch huyền.

Phép điều trị suy nhược thần kinh thể can khí uất kết :

 Sơ can, lý khí, an thần.

 Suy nhược thần kinh thể can tâm thận âm hư

Thể này tương ứng với giai đoạn ức chế thần kinh giảm gồm 4 loại:

Suy nhược thần kinh do âm hư hỏa vượng

Triệu chứng suy nhược thần kinh do Âm hư hỏa vượng:        

 Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp, hay xúc động, vui buồn thất thường, ngủ ít, hay mơ, miệng khô, họng khô, trong người hay cảm thấy bừng nóng, táo bón, nước tiểu đỏ, mạch huyền, tế, sác.

Phép điều trị suy nhược thần kinh  do Âm hư hỏa vượng

Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa, an thần, bình can tiềm dương

Suy nhược thần kinh do tâm can thận âm

Triệu chứng suy nhược thần kinh do tâm can thận âm:

Lưng đau, tai ù, di tinh, ngủ ít, hồi hộp, nhức đầu, nước tiểu trong, táo bón, miệng ít khô, mạch tế.

Phép điều trị suy nhược thần kinh  do tâm can thận âm:

Bổ thận âm, bổ can huyết, an thần, cố tinh.

Suy nhược thần kinh do tâm tỳ hư

Triệu chứng suy nhược thần kinh do tâm tỳ hư

 Ngủ ít, dễ hoảng sợ, ăn kém, sút cân, mệt mỏi, mắt thâm quầng, hồi hộp, nhức đầu, rêu lưỡi trắng, mạch nhu, tế, hoãn.

Phép điều trị suy nhược thần kinh do tâm tỳ hư

Pháp điều trị: Kiện Tỳ, dưỡng Tâm, an thần.

Suy nhược thần kinh do thận âm thận dương hư

Triệu chứng suy nhược thần kinh do thận âm thận dương hư

Sắc mặt trắng, tinh thần uể oải, lưng đau, gối mỏi, di tinh, liệt dương, chân tay lạnh, sợ lạnh, ngủ ít, tiểu nhiều, nước tiểu trong, dài, lưỡi trắng nhạt, mạch trầm tế không lực.

Phép điều trị suy nhược thần kinh do thận âm thận dương hư

 Ôn Thận dương, bổ Thận âm, an thần, cố tinh.

Suy nhược thần kinh là bệnh dễ mắc, tuy nhiên chúng ta có thể phòng ngừa suy nhược thần kinh bằng lối sống lành mạnh như: Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất; ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Trong công việc, nên sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học để tránh căng thẳng, mệt mỏi.