Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Trị chứng viêm thận - bể thận trong đông y

  Viêm thận - bể thận là bệnh viêm của tổ chức nhu mô thận do nhiễm khuẩn, là loại bệnh tiết niệu hay gặp có các triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt, đau vùng thắt lưng và tiểu buốt, tiểu rắt. Bệnh hay gặp ở phụ nữ nhất là thời kỳ thai nghén.

Viêm thận - bể thận là bệnh viêm của tổ chức nhu mô thận do nhiễm khuẩn, là loại bệnh tiết niệu hay gặp có các triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt, đau vùng thắt lưng và tiểu buốt, tiểu rắt. Bệnh hay gặp ở phụ nữ nhất là thời kỳ thai nghén. Trên lâm sàng chia hai loại: cấp và mạn tính. Đối với thể cấp tính, nếu điều trị tích cực phần lớn bệnh đều khỏi, một số ít kéo dài, tái phát nhiều lần mà chuyển thành mạn tính và có thể dẫn tới suy thận.

Theo y học cổ truyền bệnh viêm thận - bể thận thuộc phạm trù chứng “lâm” hoặc chứng “yêu thống”.

Theo y học cổ truyền thì viêm thận - bể thận cấp và bán cấp có triệu chứng giống với các chứng nhiệt lâm, huyết lâm và khí lâm thực chứng, còn viêm thận - bể thận mạn có triệu chứng như chứng lao lâm và khí lâm hư chứng. Vị trí bệnh chủ yếu ở thận và bàng quang, bệnh lý chủ yếu là thận hư và thấp nhiệt. Ở thể cấp tính, chính khí không đầy đủ và tà khí thịnh nên bệnh lý chủ yếu là bàng quang khí hóa không thông lợi nên thấp nhiệt uất kết gây nên. Trường hợp viêm thận - bể thận mạn thì chính khí hư mà chủ yếu là tỳ thận khí hư, thấp nhiệt tà không đuổi đi được nên trên lâm sàng biểu hiện triệu chứng hư thực phức tạp.

Theo y học cổ truyền, thấp nhiệt độc xâm phạm thận bàng quang có thể là từ bên ngoài vùng âm hộ vệ sinh kém sinh thấp nhiệt độc, có thể do ăn nhiều chất béo ngọt tích tụ sinh thấp sinh nhiệt, hoặc do bệnh nhiệt, tâm hỏa hạ chú tiểu tràng ảnh hưởng đến bàng quang, hoặc do can khí uất sinh nhiệt, hoặc bệnh nhiệt các vùng khác trong cơ thể sản sinh thấp nhiệt tà hạ chú bàng quang gây chứng nhiệt lâm, nhiệt bức huyết hành sinh chứng huyết lâm, bàng quang khí hóa không thông lợi sinh các chứng tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu buốt hoặc tiểu có mủ.

Thận khí hư là do thiên tiên bất túc, do phòng dục quá độ, do sinh đẻ quá nhiều, do lao lực... thường có triệu chứng của lao lâm, cơ thể suy nhược, bệnh kéo dài, đau thắt lưng, mỏi gối, thận âm hư, can dương vượng sinh đau đầu, hoa mắt mờ mắt, chóng mặt, tăng huyết áp, bệnh nặng hơn dẫn đến thận dương hư, thấp trọc, thủy độc tích tụ nhiều trong cơ thể dẫn đến suy thận. Tỳ khí hư là do bệnh lâu ngày, thấp nhiệt khốn tỳ, do lo nghĩ nhiều, do lao động quá sức, ăn nhiều chất béo ngọt, rượu chè vô độ gây tổn thương tỳ, tỳ khí hư nên tiểu nhiều lần, mệt mỏi chán ăn, bụng đầy, tiêu chảy, sụt cân, khó thở sinh chứng lao lâm, khí lâm.

Đông y điều trị viêm thận - bể thận: 
viêm thận - bể thận thể bàng quang thấp nhiệt: 

Gai rét phát sốt, tiểu đau, tiểu gấp tiểu nhiều lần, bụng dưới đầy đau, lưng đau, rêu lưỡi vàng nhày, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.

phép trị viêm thận - bể thận thể bàng quang thấp nhiệt: 

Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm.

viêm thận - bể thận thể  can đởm uất nhiệt :

Sốt và rét xen kẽ, người khó chịu bứt rứt muốn nôn, chán ăn, lưng đau, bụng dưới đau, tiểu nhiều lần mà nóng, rêu lưỡi vàng đậm, mạch huyền sác.

phép tri viêm thận - bể thận thể can đởm uất nhiệt :

Thanh lợi can đởm, thông điều thủy đạo.

viêm thận -bể thận thể thận âm bất túc, thấp nhiệt đinh lưu: 

Tiểu nhiều lần, tiểu đau, sốt nhẹ, váng đầu, ù tai, mồ hôi trộm, họng khô môi táo, lưỡi đỏ không rêu, mạch huyền tế sác.

Phép trị viêm thận -bể thận thể thận âm bất túc, thấp nhiệt đinh lưu: 

Tư âm thanh nhiệt.

Viêm thận -bể thận thể tỳ thận đều hư, thấp tà chưa hết:

 Ngoài các triệu chứng như thể thận âm bất túc nêu trên, thêm chứng phù mặt và chân, chán ăn bụng đầy, tiêu phân lỏng, mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, lưỡi bệu sắc nhợt, mạch trầm tế vô lực.

Phép trị viêm thận -bể thận thể tỳ thận đều hư, thấp tà chưa hết:

Kiện tỳ bổ thận thấm thấp.

Phép trị u xơ tuyến tiền liệt trong đông y

 U xơ tiền liệt tuyến hay chứng phì đại tuyến tiền liệt là thể lành tính, phần nhiều phát sinh ở người già và một phần ở lứa tuổi trung niên. Đông y gọi là “Long bế” một loại chứng bệnh chủ yếu là tiểu tiện giỏ giọt. “Long” là giỏ giọt, “bế” là bế tắc.

Nguyên nhân tuyến tiền liệt :

 phần nhiều do thấp trệ, thấp trệ chảy xuống làm ứ trệ huyết; do can thận hư tổn làm hội âm bị sa sưng, đau bụng dưới, làm bài tiết không bình thường, kéo dài hoặc bế tắc không bài tiết được. Ban đầu là do thấp nhiệt, giai đoạn giữa do khí huyết ứ trệ, giai đoạn sau đan xen giữa hư chứng và thực chứng do can, thận bị tổn thương.

Phép trị tuyến tiền liệt : 

Đông y xếp bệnh long bế vào bộ môn nội khoa điều trị theo phương pháp khí ở tam tiêu không hóa.

Nếu khí ở thượng tiêu (phế) không hóa để thủy giáng xuống.

Nếu khí ở trung tiêu (tỳ vị) không hóa để giáng xuống, là do khí của tỳ vị hư yếu, thấp nhiệt ngưng tụ lại không thông.

Nếu khí ở hạ tiêu (can, thận, bàng quang) không hóa là do mệnh môn hỏa suy. Khi điều trị phải ôn bổ thận dương.

Trị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn bằng đông y

 Tiêu chảy là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, được miêu tả trong phạm vi chứng tiết tả của Đông y.

Tiêu chảy là tình trạng đại tiện phân lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày. Bệnh được chia làm 2 loại: cấp tính và mạn tính. Tiêu chảy cấp tính thường do lạnh (hàn thấp), do nhiễm trùng (thấp nhiệt) và do ăn uống (thực tích)

Người bị tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn (do thấp nhiệt) có biểu hiện đau bụng, đại tiện lỏng, lỗ đít nóng, phân ra thối, sốt, nước tiểu vàng đỏ, vật vã không yên, khát nước, phân vàng thâm, đôi khi nôn mửa. 

Cách điều trị là thanh nhiệt lợi thấp, phương hương hóa trọc. 

Chẩn mạch của y học cổ truyền

 Chẩn mạch (xem mạch) là một trong các phương pháp đoán bệnh của thầy thuốc xưa và vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay. việc chẩn mạch, có thể “nói” được bệnh trạng của một người mà không thông qua các phương tiện xâm lấn, ít tốn thời gian và chi phí.

Chẩn mạch là gì?

Chẩn mạch thuộc Thiết chẩn, là một trong bốn phương pháp chẩn đoán của y học cổ truyền (bốn phép chẩn của y học cổ truyền gồm: Vọng, Văn, Vấn, Thiết). Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp các phương tiện chẩn đoán hiện đại nhìn thấu “bụng dạ” con người như CT-scan, X-quang, siêu âm... thì xưa kia các cụ nhà ta đã có thể tỏ tường qua việc xem mạch.

Xem mạch là việc người thầy thuốc bên ngoài thì đặt ba ngón tay của mình vào vị trí nhất định trên cổ tay bệnh nhân, bên trong thì dùng trí để phân tích, phán đoán bệnh tình.

Quan hệ giữa mạch và khí huyết

Mạch (kinh mạch, huyết mạch) là nơi tuần hoàn khí- huyết dịch trong cơ thể, có thể ví như hệ thống sông suối trên mặt đất, cứ chảy không ngừng, trong thì nuôi tạng phủ, ngoài thì nuôi bì phu, cơ nhục. Mạch phải có khí huyết thì mới có sự sống, mạch rỗng thì vô dụng. Khí huyết phải có mạch dẫn đường thì mới đi đúng hướng, khí huyết không có mạch thì vận hành tán loạn.

Lại nói, huyết có nguồn gốc từ tinh chất của thức ăn, rồi qua Tâm hóa ra sắc đỏ mà thành. Khí trong mạch nhận từ tiên thiên thận khí (do quá trình giao hợp mà thành) và hậu thiên tỳ khí (do ăn uống mà thành). Vì “khí hành thì huyết hành” nên khí huyết nương tựa nhau rồi đi khắp cơ thể. Cũng từ đó, bệnh tật trong người dù do thất tình (bảy loại tình cảm của con người: hỷ, nộ, ái, ố, bi, tư, khủng) hay lục dâm (sáu loại khí trong thiên nhiên: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) đều theo sự lưu hành của khí huyết mà báo hiệu ra mạch: khí huyết thịnh thì mạch thịnh, khí huyết suy thì mạch suy, khí huyết hòa thì mạch bình, khí huyết loạn thì mạch bệnh.

Tiếng nói của “mạch”

Xem mạch nơi cổ tay, sao lại “rõ trong lòng”?

Vị trí mạch nơi cổ tay gọi là Mạch Thốn Khẩu - nghĩa là cái cửa của mạch, dài hơn một tấc. Nơi đó có ba bộ theo thứ tự là Thốn, Quan, Xích. Theo học thuyết Tam tài: bộ Quan ở giữa, ứng với người, là nơi âm dương hội tụ; bộ Thốn ở ngoài, sát nếp cổ tay, ứng với trời, thuộc dương; bộ Xích ở trong, ứng với đất, thuộc âm. Mỗi bộ vị ở hai tay ứng với các tạng phủ khác nhau trong cơ thể.

Sở dĩ toàn thân có mười hai kinh chính, mỗi kinh lại đều có chỗ bắt được nhịp đập của  mạch nhưng thầy thuốc chỉ bắt Mạch Thốn Khẩu là vì mạch ấy nằm trên kinh Thủ Thái âm Phế - là con đường chủ yếu của hô hấp, mà hô hấp lại có quan hệ mật thiết với sự lưu thông của huyết mạch, toàn bộ khí trong cơ thể đều họp nơi Phế nên có thể phản ánh được tình trạng của các kinh- chính vì thế nên “rõ trong lòng”. Và nếu chưa rõ tận tường, ta có thể nhờ sự hỗ trợ của các mạch khác, bao gồm: mạch Thái dương (mạch ngoài kinh), mạch Toản trúc (túc Thái dương Bàng quang kinh), mạch Thính cung (thủ Thái dương Tiểu trường kinh), mạch Cự liêu, mạch Nhân nghinh, mạch Xung dương (đều ở túc Dương minh Vị kinh), mạch Thái khê (túc Thiếu âm Thận kinh), mạch Thái xung (túc Quyết âm Can kinh), mạch Hợp cốc (thủ Dương minh Đại trường kinh), mạch Thần môn (thủ Thiếu âm Tâm kinh), mạch Cơ môn (túc Thái âm Tỳ kinh), ngoài ra còn có cả Tề chẩn- phúc chẩn, là xem mạch rốn và mạch bụng.

Nguyên tắc xem mạch

Thời gian xem mạch tốt nhất là buổi sáng sớm vì chúng ta đã được trải qua giấc ngủ để hồi phục cơ thể, tinh thần sảng khoái, dạ dày trống rỗng, tay chân chưa hoạt động nên khí huyết được yên tĩnh, lưu thông điều độ, xem mạch rất chính xác. Tuy nhiên, với bộn bề công việc thì việc xem mạch thời điểm ấy rất khó khăn, thế nên bệnh nhân giữ được tâm tĩnh lặng, tư thế thoải mái lúc chẩn bệnh đã là rất tốt.

Việc chẩn đoán chính xác bệnh phụ thuộc rất nhiều vào sự tinh tường, tỉ mỉ, cẩn trọng của thầy thuốc, vì vậy có nhiều nguyên tắc xem mạch được đặt ra: trước hết đó là sự tĩnh tâm, gạt bỏ các tạp ý, sự ồn ào của ngoại cảnh, rồi tập trung vào hơi thở để điều hòa cùng hơi thở của bệnh nhân, mạch phải xem ba bậc (phù, trung, trầm) ở ba bộ, lại phải so sánh trước sau, so sánh hai bên- gọi là “thất chẩn” và “cửu hậu”.

Triết học Đông phương trong việc xem mạch

Khi xem mạch, tay trái của thầy thuốc sẽ xem mạch ở tay phải của bệnh nhân và ngược lại. Điều này làm cho âm dương được giao hòa. Sách “Định Ninh - Tôi học mạch” có đoạn viết: nhiều cụ già ngoài y giới thường truyền khẩu cho con cháu: tao thấy thầy thuốc giỏi khi xem mạch thì đàn ông tay trái trước, tay mặt sau, đàn bà tay mặt trước, tay trái sau... nghĩa là nam tả nữ hữu mới đúng vậy. Điều ấy bởi đạo trời đất, nam thuộc dương, mà tay trái thuộc dương, chủ về dương thì phải mạnh hơn âm; nữ thì thuộc âm, tay trái thuộc âm, chủ về âm thì phải mạnh hơn dương. Khi xem theo trật tự như thế thì có thể phán đoán được âm dương thăng- giáng, thuận- nghịch để tìm ra bệnh. Thế nhưng khi xem về Mệnh môn (liên quan đến sự sống còn- Mệnh môn nghĩa là cánh cửa của sự sống) thì ngược lại: nam hữu nữ tả. Vì dương khí vận hành theo đạo trời, đi từ trái sang phải, còn âm khí vận hành theo đạo đất, đi từ phải sang trái.

Qua ít dòng viết trên, chúng ta có thể phần nào hình dung được việc chẩn đoán qua xem mạch. Không chỉ nói được bệnh lý thực thể như các phương tiện cân lâm sàng hiện đại mà xem mạch còn có thể biết được tâm tư, tình cảm của một người. Thế nên mới nói “Tiếng mạch nói hộ lòng tôi”- hễ xem mạch thì “biết tuốt”.


Nhức đầu do ngoại cảm trong đông y

 Nhức đầu là một triệu chứng hay gặp của rất nhiều bệnh. Theo YHCT, nếu đau đầu đột ngột và kéo dài vài ngày là do ngoại cảm; nếu khi đau khi không và đau âm ỉ là nội thương.

Đau đầu do ngoại cảm phần lớn là thực chứng nên phải lấy khu phong tán tà là chính (khu phong tán hàn, khu phong thanh nhiệt, khu phong táo thấp).

Đau đầu do phong hàn:

 Người bệnh có biểu hiện đau đầu, sợ lạnh, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, không khát nước, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.  

Phép chữa đau đầu do phong hàn :

 sơ phong tán hàn.

Đau đầu do phong nhiệt:

 Người bệnh có biểu hiện đau đầu, sợ gió, khát nước, đau cổ họng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác. 

Phép chữa đau đầu do phong nhiệt :

 Sơ phong, thanh nhiệt. 

Đau đầu do phong thấp: 

Người bệnh biểu hiện nhức đầu, sợ gió, lồng ngực buồn bực, mỏi mệt, rêu lưỡi trắng trơn, ướt, mạch phù hoãn là thiên về hàn; rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác là thiên về nhiệt.

 Phép chữa đau đầu do phong thấp :

khu phong hóa thấp.

Trị mụn nhọt theo đông y

 Mụn là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hoá, chất bã nhờn bị ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn.

Khi nhân mụn hình thành thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn ở lỗ chân lông gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây ra mụn nhọt là do hoả độc gây ra, một số trường hợp hay tái phát do tình trạng nhiễm khuẩn mà y học cổ truyền gọi là nhiệt huyết. 

Giai đoạn viêm nhiễm (khởi phát)

Biểu hiện: Mụn nhỏ hình thành, ngứa, nóng, muốn gãi, giai đoạn này dùng phương pháp thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm.

Giai đoạn hoá mủ

Biểu hiện: mụn sưng tấy thành nhọt bọc có mủ, nóng, đỏ, sốt. Dùng phương pháp thác độc bài nùng (đưa độc ra ngoài, trừ mủ).

Giai đoạn vỡ mủ

Dùng phương pháp khử hư sinh cơ (làm mất các tổ chức hoại tử, làm liền da).

Thiểu năng tuần hoàn não

 Thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng thiếu máu cung cấp cho não, bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, phổ biến nhất ở người lao động trí óc và người cao tuổi.

Nguyên nhân chính là do xơ vữa các động mạch nuôi não, co cứng các cơ vùng cổ gáy cũng gây cản trở máu lưu thông lên não...

Thiểu năng tuần hoàn não thường biểu hiện với các triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, dị cảm, rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về sự chú ý, rối loạn về cảm xúc...