Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

DANH TỪ HUYỆT VỊ CHÂM CỨU - PHẦN 16: THỦ QUYẾT ÂM TÂM BÀO KINH

X.THỦ QUYẾT ÂM TÂM BÀO KINH
(Khí huyết của tâm bào đi dọc qua phần giữa mặt âm ở tay)

- Thủ tuyết âm kinh chủ trị:

Hoạt Thị nói rằng: “Thủ quyết âm tâm chủ lại gọi là tâm bào lạc. Vì sao thế? Bằng: Quân hỏa là tên, Tướng hỏa là vị. Thủ quyết âm thay quân hỏa làm việc đó, là lấy cái dụng của nó, cho nên gọi là thủ tâm chủ, lấy kinh mà nói, gọi là Tâm bào lạc, một kinh mà hai tên, thực (là) tướng hỏa vậy.

- Thủ quyết âm Tâm bào kinh huyệt ca:

Chín huyệt Tâm bào thủ quyết âm,
Thiên trì, Thiên tuyền, Khúc trạch thâm,
Khích môn, Gian sử, Nội qua đối,
Đại lăng, Lao cung, Trung xung thân

Cả 2 bên phải trái là 18 huyệt

Đó là một đường dọc, bắt đầu từ Thiên trì, cuối cùng ở Trung xung. Lấy Trung xung, Lao cung, Đại lăng, Gian sử, Khúc trạch làm Tỉnh, Vinh, Du, Kinh, Hợp.

Mạch bắt đầu ở trong ngực, ra thuộc Tâm bào, xuống cách, qua nhánh nối Tam tiêu, nhánh chia theo ngực sườn, dưới nách 3 thốn, lên đến dưới gần nách, xuống theo cạnh trong bắp vai, đi giữa thái âm và thiếu âm, vào trong khuỷu xuống cánh tay, đi giữa 2 gân, vào giữa ổ cổ tay, đi qua ngón tay giữa mà ra ngoài đầu chót. Còn một nhánh riêng tách đi từ lòng bàn tay theo ngón út, ngón nhẫn ra ngoài đầu. Nhiều huyệt, ít khí, giờ Tuất khí huyết trú ở đó.

Chịu giao với Túc thiếu âm, hệ này với hệ Tam tiêu có liên thuộc, cho nên chỉ rằng là tạng Tướng hỏa, đúng là cái màng túi bọc tâm, chỗ đó đúng là chỗ an thân, lập mạng, tốt nhất nên xét cho rõ rằng thâm hiểu là đúng. Khi điều tế không thể chấp một phương. Khi châm cứu tất theo đạo đó. Đạt được như thế mới là thần.

CÁCH TÌM ĐÚNG HUYỆT :

1. THIÊN TRÌ : 天池

Cái đầm của trời
Có tên là Thiên hội

- Vị trí : Dưới nách 3 thốn, sau vú 1 thốn, khe liên sườn 4 – 5, chỗ hội của Thủ, Túc quyết âm, Thiếu dương ở đó.

- Cách châm cứu : Châm chếch kim, sâu 5 phân, cứu 3 mồi

- Chủ trị : Đau sườn ngực, dưới nách sưng đau, tim cắn đau, trong ngực có tiếng, ngực cách tức bứt rứt, bệnh nhiệt mồ hôi không ra, đầu đau, tứ chi không cử động được, khí lên, sốt rét có hạch nóng lạnh, cánh tay đau,mắt mờ mờ không rõ.

2. THIÊN TUYỀN :天泉

Cái đầm của trời
Có tên là Thiên thấp

- Vị trí : Ở đầu trước nếp gấp nách xuống 2 thốn, giữa khe 2 đầu cơ của cơ nhị đầu cánh tay.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi

- Chủ trị : Sườn ngực đau, ho hắng, lưng trên và cạnh trong cách tay trên đau, tim cắn đau, tim thổn thức, mắt mờ mờ không rõ, sợ gió lạnh, bệnh tim.

3. KHÚC TRẠCH : 曲澤

Cái ao cong

- Vị trí : Ở chính giữa khớp khuỷu tay, cạnh trong gân lớn cơ nhị đầu. Chỗ mạch tâm bào  lạc nhập, là Hợp, Thủy.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, thường dùng kim 3 cạnh chích nặn máu, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’

- Chủ trị : Đau dạ dày, nấc, nôn mửa, say nắng, chân tay co giật, ung ruột, bệnh nhiệt, bứt rứt không yên, đau khuỷu cánh tay cấp mãn, bệnh tim do phong thấp, viêm cơ tim, viêm phế quản, đau tim hay sợ.

- Tác dụng phối hợp : Với Ủy trung chích điểm nặn máu, trị cấp tính viêm đường ruột, với các huyệt Nội quan, Gian sử, Thiếu phủ, trị bệnh tim di phong thấp, với Thiếu thương trị huyết hư miệng khát, với Nội quan, Đại lăng trị đau tim ngực, với Thận du, Cách du trị đau tim, với Ủy trung chích nặn máu trị thủy đậu.

4. KHÍCH MÔN : 郤門

Cái cửa oán trách

- Vị trí : Ở giữa nếp gấp cổ tay lên 3 thốn, giữa 2 gân, là Khích huyệt của mạch thủ quyết âm tâm bào.

- Cách châm cứu : châm đứng kim, sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’

- Chủ trị : Đau ngực, tim thổn thức, đau dạ dày, nôn mửa, khuỷu cánh tay đau bại, bệnh tim do phong thấp, viêm cơ tim, tim cắn đau, viêm tuyến vú, viêm mạc lồng ngực, co thắt cơ hoành cách, bệnh thần kinh chức năng, ưu uất, sợ hãi oai người, nôn ra máu, mũi chảy máu cam, thần khí bất túc.

- Tác dụng phối hợp : Với Nội quan, Khúc trạch trị bệnh tim do phong thấp, với Khúc trì, Tam dương lạc trị lạc huyết, với Đại lăng, Chi câu trị đau sườn ngực, với Đại lăng trị mửa ra máu.

5. GIAN SỬ : 間使

Làm cho có giản cách

- Vị trí : Ở chính giữa nếp gấp cổ tay lên 3 thốn, giữa 2 gân, chỗ Tâm bào lạc hành, là Kinh, Kim.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cảm giác tê tức có thể lan tới khuỷu hoặc nách, cứu 3 mồi, hơ 5’

- Chủ trị : Sốt rét, đau tim ngực, nôn mửa, tim đập mạch, động kinh, bệnh tim do phong thấp, đau dạ dày, bệnh thần kinh chức năng, bệnh thần kinh phân lập, mắt vàng, ghẻ lở khắp người, đàn bà kinh nguyệt không đều, thương hàn kết ở ngực, tâm lơ lửng như đói, tự nhiên cuồng, trong ngực bâng khuâng, sợ gió lạnh,  nôn ra bọt, rụt rè e ngại, hàn ở trong ít khí, lòng bàn tay nóng, nách sưng, khuỷu tay co, tự nhiên đau tim, hay sợ, trúng gió tắc hơi, hãi lên hôn nguy, câm không nói được, trong họng như vướng, hoắc loạn nôn khan, đàn bà kinh nguyệt kết thành cục, trẻ em hỗn láo với khách.

- Tác dụng phối hợp : Với Nội quan, Thiếu phủ, Khích môn, Khúc trạch, trị bệnh tim do phong thấp, với Khí anh, Tam âm giao trị cơ năng tuyến giáp căng tiến, với Đại trữ trị sốt rét, với Hậu khê, Hợp cốc trị tự nhiên điên cuồng, với Đại chùy, Hậu khê trị sốt rét.

6. NỘI QUAN :内關

Có dính líu tới các tạng phủ bên trong
Huyệt giao hội với Mạch Âm duy, huyệt lạc với Thủ thiếu dương Tam tiêu.

- Vị trí : Ở giữa lằn cổ tay lên 2 thốn, giữa 2 gân, đối vị trong ngoài với huyệt Ngoại quan ở kinh Tam tiêu. Đó là Lạc của Tâm chủ, tách đi sang Thiếu dương.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, hoặc thấu huyệt Ngoại quan, cảm giác tê tức, có khi lan truyền đến khuỷu tay, vai, cổ, có khi còn đến tai, phía dưới thì chuyền đến ngón tay giữa. Cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’.

- Chủ trị : Đau sườn ngực, đau dạ dày, nôn mửa, nấc, mất ngủ, tim đập mạnh, tim cắn đau nhói, hen xuyễn, hư thoát, sốt rét, bệnh tinh thần, thần kinh suy nhược, có mang nôn mửa, bệnh tim di phong thấp, ngất xỉu, đau bụng, co thắt cơ hoành, đau một bên đầu, cơ năng tuyến giáp cang tiến, động kinh, bệnh thần kinh chức năng, hầu họng sưng đau và các loại đau đớn của mổ xẻ, vàng da, lòi dom, tỳ vị bất hòa, trong lòng bàn tay phong nhiệt, mất trí, mắt đỏ, chi tức khuỷu co, thực thì tâm bạo thống, tả ở đó, hư thì đầu cường, bổ ở đó.

- Tác dụng phối hợp : Với Tam âm giao, Chiên trung trị tim đau nhói, với Túc tam lý trị sốt rét, với Công tôn trị viêm dạ dày cấp tính, với Thiên đột, Thượng quản trị nấc do cơ hoành co cứng, với Gian sử, Thiếu phủ trị bệh ntim do phong thấp, với Gian sử, Túc tam lý trị tim cắn đau, với Tốl liêu trị huyết áp thấp, với Dũng tuyền, Túc tam lý trị ngất xỉu do trúng độc, với Chiếu hải trị bụng đau kết cục.

7. ĐẠI LĂNG :大陵

Quả núi to
Huyệt Nguyên, Huyệt Du Thổ

- Vị trí : Ở chỗ lõm chính giữa nếp gấp cổ tay, giữa 2 gân, chỗ đó mạch Thủ quyết âm Tâm bào trú, là Du, Thổ, Tâm bào lạc thực tả ở đó.

- Cách châm cứu : Châm chếch lên trên, sâu 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’

- Chủ trị : Tim đập mạch, mất ngủ, đau tim, tinh thần thất thường, đau dạ dày, nôn mửa, đau sườn ngực, đau gót chân, viêm cơ tim, viêm dạ dày, viêm amidan, đau thần kinh liên sườn, bệnh tật ở khớp cổ tay và các tổ chức phần mềm xung quanh, điên cuồng, hầu bại, nách sưng, mửa ra máu, ghẻ ngứa, chi trên thấp chấn, đau cuống lưới, bệnh nhiệt mồ hôi không ra, lòng bàn tay nóng, khuỷu cánh tay co đau, hay cười không nghỉ, tim buồn bẳn, tâm lơ lửng như đói, bàn tay nóng, mắt đỏ, mắt vàng đái ra như máu, nôn ựa vô độ, miệng khô, thân nóng đầu đau, ngắn hơi.

- Tác dụng phối hợp : với Nội quan, Khích môn, Thiếu phủ trị bệnh tâm trạng do phong thấp ở thời kỳ đầu co rút, với Bách hội, Ấn đường, Thái khê trị mất ngủ, với Quan nguyên trị đái ra máu, với Nội quan, Khúc trạch trị tim, ngực đau đớn, với Ngoại quan, Chi câu trị đau bụng táo bón.

8. LAO CUNG : 勞宮

Cung điện của sự làm việc vất vả
Có tên là Ngũ lý – Nã trung

- Vị trí : Ở trong lòng bàn tay, ngửa bàn tay, nắm sát ngón tay vào lòng bàn tay, chỗ chính đầu ngón giữa chấm vào lòng bàn tay, khe xương bàn 2 – 3 nhưng sát về xương bàn số 3 là huyệt. Chỗ mạch Tâm bào lạc Lưu, là Vinh, Hỏa. Sách « Minh Đường » ghi : Châm 2 phân, đắt khí thì tả, chỉ một độ, châm quá hai độ làm cho người ta hư. CẤM CỨU. Cứu làm cho người ta thịt thở (thịt thừa trong mũi) ngày càng tăng.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’

- Chủ trị : Nấc, điên dại, nôn mửa, đau tim, trẻ em lở miệng, trúng gió hôn mê, say nắng, tim cắn đau, viêm vòm mồm, trẻ em kinh quyết, bệnh thần kinh chức năng, bệnh tinh thần, chứng lòng bàn tay nhiều mồ hôi, ngón tay tê dại, ăn không xuống, vàng da, tay run, nga nã phong (tay bị phong bàn tay ngỗng), điên cuồng, hay cáu giận, buồn cười không nghỉ, bàn tay oi ; bệnh nhiệt mấy ngày mồ hôi không ra, rụt rè e ngại, sườn đau không thể xoay nghiêng, đái ỉa ra máu, chảy máu mũi không dứt, phiền khát, trẻ em và người lớn trong miệng tanh hôi, mắt vàng, trẻ em sún răng.

- Tác dụng phối hợp : Với Hậu khê có thể chữa hoàng đản, với Nhân trung, Hợp cốc thấu Lao cung trị bệnh thần kinh chức năng, với Đại lăng trị tim buồn bẳn.

9. TRUNG XUNG :中沖

Xông lên mạnh mẽ ở giữa

- Vị trí : Ở chính giữa đầu ngón giữa, cách móng khoảng hơn 1 phân, ngửa bàn tay mà lấy huyệt, Chỗ mạch tâm bào lạc xuất là Tỉnh, Mộc. Tâm bào lạc hư bổ ở đó.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 phân, thường dùng kim 3 cạnh chích nặn máu, cứu 1 mồi, hơ 3 – 5’

- Chủ trị : trúng gió hôn mê, say nắng, bệnh sốt cao, trẻ em co giật, đau đầu, đau bụng, ngất xỉu, tim cắn đau, bệnh nhiệt phiền tâm, mồ hôi không ra, trong lòng bàn tay nóng, mình như lửa, lưỡi cứng.

- Tác dụng phối hợp : Với Thiếu thương (nặn máu), Thương tương trị ngoại cảm, sốt cao, với Quan xung trị lưỡi cứng không nói được, với Đại lăng, Nội quan chữa viêm dạ dày cấp tính.




DANH TỪ HUYỆT VỊ CHÂM CỨU - PHẦN 15: TÚC THIẾU ÂM THẬN KINH

IX.TÚC THIẾU ÂM THẬN KINH
(Khí huyệt của thận đi qua phần âm ít ở chân)

- Túc thiếu âm thận kinh chủ trị :

« Nội kinh » nói rằng : Cái thận, chức vụ tác cường, kỹ xảo từ đó mà ra. Cái thận, chủ ẩn náu, cái gốc của sự chứa kín, Tinh ở đó.

Phương Bắc, màu đen, thông vào với thận, khai khiếu ở tai, tàng tinh ở thận, làm bệnh ở khe háng. Vị đó mặn, loại là nước, súc là lợn, là cốc đậu, là ứng 4 mùa, trên trời thấy sao Thìn là đã biết bệnh đó tại xương, âm là Vũ, số là 6, mùi là khai, dịch là nước bọt.

Phương Bắc sinh ra nước lạnh, lạnh sinh ra nước, nước sinh vị mặn, mặn sinh thận, thận sinh ra xương, tủy, tủy sinh can. Thận chủ tai ở trên trời là lạnh, ở đất là nước, ở thể là xương, ở tạng là thận, ở tiếng là rên, ở biến động là run rẩy, ở chí là sợ hãi, sợ hãi hại thận, lo nghĩ thắng sợ hãi, hàn hại huyết, táo thắng hàn, mặn hại huyết, ngọt thắng mặn.

- Túc thiếu âm thận kinh huyệt ca :

Túc Thiếu âm thận huyệt có 27, Dũng tuyền, Nhiên cốc, thêm Thái khê
Đại chung, Thủy tuyền thông Chiếu hải, Phục lưu, Giao tín, Trúc tân thực
Âm cốc trong gối, sau xương chày. Đoạn trên, từ chân lên đến gối,
Hoành cốt, Đại bách, nối Khí huyệt, Tứ mãn, Trung chú, Hoang du (ngang) rốn,
Thương khúc, Thạch quan, Âm đô kín, Thông cốc, U môn giãn (ra) thốn rưỡi,
Bỏ đo trên bụng chia mười một (+-), Bộ lang, Thần phong, ngực Linh khư,
Thần tàng, Húc trung, Du phủ hóa.

Cộng cả hai bên trái phải là 54 huyệt

Đây là một đường dọc bắt đầu ở Dũng tuyền, hết ở Du phủ. Lấy Dũng tuyền, Nhiên cốc, Thái khê, Phục lưu, Âm cốc làm Tỉnh, Vinh, Du, Kinh, Hợp.

Mạch bắt đầu ở chỗ dưới ngón út, lệch chéo theo lòng bàn chân ra ở phía dưới Nhiên cốc, đi theo sau mắt cá trong, tách ra chui vào giữa gót chân, lên cạnh trong bắp chân, lên cạnh trong và sau đùi, xuyên vào xương sống, có nhánh nối ngang sang bàng quang, còn như đườg đi thẳng, từ thận đi lên xuyên qua gan, hoàn cách và trong phế, đi theo hầu họng kẹp hai bên cuống lưỡi, còn như nhánh từ phế ra nối ngang sang tâm, trú ở trong ngực, nhiều khí ít huyết, giờ Dậu khí huyết trú ở đó.

Tạng quý, thủy đó mạch ở xích bộ bên trái, một tạng mà hai hình bên trái tên là thận, con trai thì chứa tinh, bên phải tên là mệnh môn, con gái thì đó là hệ thống dạ con. Là gốc của nguyên khí, là nhà của tinh thần, bị bệnh cùng quay về bàng quang, xét chứng trạng chia 2 phần thủy hỏa.

- Đạo dẫn bản kinh:

Người ta bẩm khí của thiên địa mà có sự sống. Cái tinh của Thái cực ngụ ở đó, ta đây có vững vàng mà đầy đủ lớn mạnh ở giữa 2 nơi. Người ta chỉ lấy tình để dụ dỗ, lấy vật để lôi kéo, lấy cái hữu hạn đó làm trời thật, theo không cùng để phóng tùng lòng dục, tiêu hao ngày càng quá lắm. Trong không có chủ ở chỗ đó thì một bầy tà thừa ở đó, mà bách bệnh hoành hành. Như một cái động mở 4 cửa để nạp đầy thêm, mấy nỗi mà không đưa đến bại? Đã từ ngày xưa, Thánh nhan đảm nhiệm nhiều cái mạng mà xem xét, bắt đầu từ mờ sáng êm đềm, chọn riêng một khoảng trời cao dầy, từ từ hít thở cúi ngửa, thành ra người có đạo thuật rồi đó. 

Cũng lấy một cái đạo chỉ yên lặng, thần sảng khoái, không buồn rầu, làm cho ta vững vàng là đúng. Thường làm chủ được một thân mình thì Vinh Vệ đi khắp vòng quanh, rà không thể tự nhập. Cái phong hàn thử thấp nào đó, ví dụ như cái thành vững chắc kẻ cướp ở ngoài tuy gót chân chúng luôn đến nhòm ngó, nhưng nghiệt thay làm sao mà đạt được mong muốn bừa bãi.

 Nếu đi gọi thầy thuốc, biện chứng theo phương ẩn mạch làm tê, liệu bỗng chốc thu được công hiệu theo như chỗ đã nêu trên hay không? Nhưng kẻ cướp đến mà ngăn cản, làm sao như không có kẻ cướp để có thể ngăn cản? Bệnh đến mà chữa, làm sao như không có bệnh mà để có thể chữa. Với việc cầu kim thạch hiếm quý mà thường mắc nạn bất túc, làm sao như cầu cái tinh của thân ta mà bằng tự có thừa. 

Theo Hoàng đến Kỳ Bá vấn đáp nói rằng: Trẫm thể theo lệnh, duy giữ thái hòa mà Tần Thiên quân được cái đó. Cũng đúng như cái ý đó, Tiên Thánh nói: Trời đất đại quý là châu, ngọc, thân người đại quý là tinh, thần.

“Nội kinh” nói: Người con trai con gái mà đại dục thì còn gì. Nói thật ra là lấy cái lý hạn chế dục để giao ngự tình, tuy sắc đẹp ở ngay trước mắt, chẳng qua cũng vui mắt thỏa chí mà thôi, làm sao có thể phóng túng cái tình để đưa ma cái tinh. Cho nên nói dầu hết thì đèn tắt, tủy kiệt thì người không còn, thêm dầu thì đèn trắng, bổ tủy thì người mạnh. Lại nói: Tháng Đông trời đất bế, khí huyết tàng dương ẩn ở trong, tâm cách nhiều nhiệt, nhất thiết tránh làm cho ra mồ hôi (phát hãn pháp) để tiết dương khí, đó là nói rằng bế tàng. Nước đóng băng, đất rạn nứt, không nhiễu ở dương, sớm nằm tối dậy, tất đợi mặt trời sáng, làm cho chí như phục, như ẩn náu, như có ý riêng, như đã có được, bỏ lạnh thành ấm, không tiết bì phu, làm cho khí thường thường đoạt lất, đó là ứng với khí đông, nuôi giữ đạp ấy.

Ngược lại như thế thì hại thận, đến mùa xuân thì nuy, quyết. Người ta nên uống rượu cổ bản ích thận, để đón dương khí, không thể quá ấm để hại mắt, cũng không thể quá say để cảm hàn. Như mùa đông thương ở hàn, xuân đến tất ôn bệnh. Theo Tiên Vương đó là tháng đóng cửa, làm cho vừa mức giữa tinh huyền (tinh của thận), được hình ảnh thì quên lời, phân biệt với đạo mà xem xét. Hay đem lại cho giống cái bằng chứng về sự trông nom, trước giờ Tý, sau giờ Ngọ dùng thần mà chiếm. Đó là đã đem nguyên tinh luyện giao cảm chi tinh, Ba vật hỗn hợp, so với đạo hợp thật, tự nhiên nguyên tinh vững chắc, mà giao cảm tinh không bị dò đi, phép vệ sinh trước đó đã đủ (Thường văn chi viết, thản nhiên thành nhất thủ tinh huyền, đắc tượng vong ngôn biện đạo khán, bảo bã hỗn môn bằng lý cố, tứ tiền ngọ hậu dụng thần chiếm). Trước cái thận có thể nói Tinh trọn vẹn không nghĩ đến dục, khí trọn vẹn không nghĩ đến ăn, thần trọn vẹn không nghĩ đến ngủ, đó là lời kết thúc.

CÁCH TÌM ĐÚNG HUYỆT:

1. DŨNG TUYỀN: 涌泉

Con suốt phun nước ngược lên
Có tên là Địa xung- Huyệt Tỉnh Mộc

- Vị trí : Ở chính giữa phía trước lòng bàn chân, nằm ngửa, quặp ngón chân vào phía trước lòng bàn chân sẽ thấy có một hố lõm hình chữ NHÂN, tiếp giáp phần da dày chai và da mỏng hơn ở lòng bàn chân. Chỗ dó mạch túc thiếu âm thận xuất là Tỉnh, Mộc. Thực thì tả ở đó.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5’

- Chủ trị : Đau bên đầu, trẻ em kinh phong cổ giật, say nắng, hôn mê, cao huyết áp, bệnh tin thần, mất ngủ, bệnh thần kinh chức năng, đau đỉnh đầu, chi dưới bại liệt, đầu choáng, mắt dính dính, họng sưng, lưỡi khô, mũi chảy máu, đái ỉa đều không dễ, ỉa chảy, sán khí, thủy thũng, 

+Đau hết 10 đầu ngón chân, thi quyết, mặt đen như màu than, ho mửa có máu, khát mà xuyễn, ngồi thì muốn đứng dậy, mắt mờ mờ không nhìn thấy, hay sợ hãi, cẩn thận như người ta muốn nắm vịn lấy, hơi lên khô họng, tim buồn bẳn, tim đau, vàng da, giãn ruột, cạnh trong và sau đùi đau, teo đờ, ham nằm, ưa buồn ngáp, bụng dưới đau cấp, ỉa mà có cảm giác nặng ở dưới, ống chân nặng nghịch, đau thắt lưng, kết nhiệt trong tim, phong chẩn, không muốn ăn, ho hắng mà mình nóng, lưỡi co mất tiếng, ngực sườn tức bứt rứt, đau hết 5 đầu ngón tay, dưới bàn chân nóng, con trai như cổ trướng, con gái như chửa, đàn bà không có con, xoay bọng đái không đái được, hay quên.

Đời Hán Tề Bắc Vương A Mẫu bị bệnh nạn Nhiệt Quyết, Thuần Vũ châm ở lòng bàn chân khỏi ngay.

- Tác dụng phối hợp : Với Hành gian trị bệnh tiêu khát (đái đường), với Túc tam lý có tác dụng nâng huyết áp, kích thích khỏe tim, trị chứng trúng độc bất tỉnh, với Thiếu thương, Nhân trung trị trẻ em kinh phong, với Nhân trung, Lao cung, Hưng phấn trị bệnh tinh thần mà biểu lộ tình cảm nhạt nhẽo, với Quan nguyên trị hư lao ho hắng, với Thái xung chữa trong họng đau không thể ăn vào được.

2. NHIÊN CỐC: 然谷

Cái hang đó
Có tên là Long uyên- Huyệt huỳnh Hỏa

- Vị trí : Phía trước và dưới sát cá trong chân, phía trước và dưới xương thuyền, có chỗ lõm là huyệt, riêng ở Túc thái âm chi khích, là chỗ mạch túc Thiếu âm thận lưu, loại Vinh, hành Hỏa.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1 – 1,5 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’

- Chủ trị : Viêm bàng quang, kinh nguyệt không đều, đái đường, hầu họng sưng dau, uốn ván, vàng da, ỉa như tháo cống, sốt rét, đàn bà không có con, âm hộ ngứa, âm lòi ra, đau họng không thể nuốt nước bọt, có khi không thể ra nước bọt, tâm sợ hãi như có người ta nắm lấy, dãi ra, xuyễn thở ra ít khí, mu bàn chân sưng không thể đi bộ trên đất được, hàn sán, bụng dưới trướng, đâm lên ngực sườn, ho nhổ ra máu, đái buốt nhỏ giọt trắng đục, cẳng chân buốt không đứng được lâu, một chân nóng, một chân lạnh, lưỡi nhẽo ra, tức bứt rứt, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm, yếu mềm đờ ra, tim đau như dùi đâm, trụy đọa, ác huyết lưu ở trong ổ bụng, con trai tiết tinh.

- Tác dụng phối hợp : Với Thái xung thấu Dũng tuyền trị ngón chân đau đớn, với Phục lưu trị chảy dãi ra, với Thái khê trị sưng trong bọng.

« Đồng Nhân » không nên để thấy máu (khi châm), làm người ra thấy đói ngay muốn ăn. Châm dưới chân có nhiều lạc (mạch máu nhỏ) phân tán, trúng mạch huyết không ra sẽ làm thũng.

3. THÁI KHÊ: 太溪

Cái khí suối rất to
Có tên là Lưu ti- Huyệt Du Thổ, Huyệt Nguyên

- Vị trí : Giữa chỗ lõm sau mắt cá chân, chỗ giữa mắt cá trong chân và gân gót chân, ở vị trí đối trong ngoài với huyệt Côn lôn, là chỗ mạch Túc thiếu âm trú, loại Du, hành Thổ.

- Cách châm cứu : Châm mũi kim hướng về phía mắt cá ngoài chân, sâu 5 phân, hoặc thấy huyệt Côn lôn, cứu 3 – 7 mồi, hơ 5 – 10’

- Chủ trị : Bong gân khớp cổ chân, đau răng, choáng váng do rối loạn thần kinh tiền đình, nấc, mất ngủ, đau hầu họng, ù tai, ho hắng, kinh nguyệt không đều, liệt dương, di tinh, đái dầm, viêm thận, viêm bàng quang, rụng tóc, phế khí thũng, thần kinh suy nhược, đau lưng, chi dưới tê bại (ngứa ngón chân), gầm bàn chân đau, có nhọt ở vú, tiêu khát, nước đái vàng, ỉa khó, sốt rét lâu ngày ho nghịch lên, tim đau như dùi đâm, mạch tâm chìm, chân tay lạnh đến khớp, thở xuyễn, nôn mửa, đờm thục, trong miệng dẻo như keo, hay sặc, hàn sán, bệnh nhiệt mồ hôi không ta, chán chán muốn nằm, có hòn hạch mà nóng rét, thương hàn chân tay quyết lạnh.

- Tác dụng phối hợp : Với Côn lôn trị sưng bàn chân, với Trung chú trị đau hầu họng, với Thiếu trạch trị đau họng, với An miên, Thái xung trị choáng tiền đình, với Côn lôn, Thân mạch trị bàn chân sưng khó đi, với Côn lôn cùng cứu trị thân nhiệt giảm thấp, sốt rét thể lạnh.

Đông Viên nói : Thành ra mềm yếu, lấy nản thấp nhiệt (đạo thấp nhiệt), dẫn vị khí ra đi ở đường dương, không cho thấp thổ khắc thận thủy, huyệt đó tại Thái khê. « Lưu trú phú » nói : Răng đau dữ dội, trị ở đó.

4. ĐẠI CHUNG: 大鍾

Cái chén to, cái chuông to

- Vị trí: Chỗ lõm phía dưới và sau mắt cá trong chân, lấy từ huyệt Thái khê xuống 5 phân, chỗ lõm sát gân gót chân bám vào xương gót chân. Là Lạc của Túc thiếu âm tách riêng đi sang Thái dương.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5’

- Chủ trị: Ho hắng, hen xuyễn, ho ra máu, thần kinh suy nhược, lưng dưới lưng trên cứng đau, đau gót chân, tập quán táo bón, bệnh thần kinh chức năng, muốn đái mà đái không ra, căng bọng đái, đau họng, nôn mửa, ít hơi, đái buốt nhỏ giọt lai rai, ham nằm, trong miệng nóng rét nhiều, ngắn hơi, lưỡi khan, hay sợ hãi, không vui, trong họng kêu, ho nhổ bọt khí nghịch, bứt rứt. Thực thì bế còng (căng bọng đái), tả ở đó, hư thì đau thắt lưng, bổ ở đó.

- Tác dụng phối hợp: với Thông lý trị mệt mỏi ngại nói ham nằm, với Đại trường du trị tập quán táo bón.

5. THỦY TUYỀN: 水泉

Có nghĩa Suối nước

- Vị trí: Ở huyệt Thái khê thẳng xuống 1 thốn, chỗ lõm khớp trước xương gót chân, Là khích huyệt của Túc thiếu âm.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cứu 5 mồi hơ 5 – 15’.

- Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, sa dạ con, tiểu tiện khó, đau mắt, đau răng, bế kinh, cận thị, khi thấy kinh thi tim đau bứt rứt, đau trong bụng.

- Tác dụng phối hợp: Với Thiên khu trị kinh nguyệt không đều.

6. CHIẾU HẢI: 照海

Mặt biển chiếu sáng, xem mặt biển
Huyệt giao hội với Mạch Âm kiểu

- Vị trí: Ở phía dưới mắt cá trong chân 4 phân. Bảo người bệnh ngồi xếp chân vòng tròn, hai lòng bàn chân úp vào nhau, chiếu giữa lồi mắt cá trong chân thẳng xuống, lấy ở bờ dưới của mắt cá chân, chỗ giáp xương cổ chân. Mạch âm kiểu sinh ở đó.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cứu 7 – 3 mồi, hơ 5 – 10’

- Chủ trị: Mất ngủ, điên dại, táo bón, tảng sáng ỉa lỏng, kinh nguyệt không đều, ngứa hạ bộ, viêm hầu họng, viêm amidan, thần kinh suy nhược, bệnh thần kinh chức năng, sa dạ con, đau mắt, họng khô, phù thũng, ra khí hư, khó đẻ, liệt một nửa người, tâm buồn rầu không vui, tứ chi mỏi rời, sốt rét lâu ngày, tự nhiên đau sán khí, nôn mửa ham nằm, đại phong chán chán không tự biết đau ở đâu, nhìn như thấy sao, đau bụng dưới, đàn bà nghịch kinh (đảo kinh), âm bộ bạo nhảy, ứa nước trong, đau một bên bụng dưới, đái buốt.

- Tác dụng phối hợp: Với Liệt khuyết trị ho hắng, hen, với Chi câu trị táo bón, với Bách hội, Thái xung trị đau hầu họng, với Cự khuyết, Nội quan, Phong long trị điên nhàn, với ngoại quan trị nhau thai không ra.

- Cô có nói rằng: Bệnh giản phát về đêm, cứu âm kiều, là huyệt Chiếu hải đó.

7. PHỤC LƯU: 復溜

Phục hồi sự chảy- Huyệt Kinh Kim
Có tên là Xương dương – Phục bạch

- Vị trí: Thẳng huyệt Thái khê lên 2 thốn, chỗ mạch Túc thiếu âm, thận hàng, là Kinh, Kim, thận hư bổ ở đó.

- Cách châm cứu: Châm đứng 1 – 1,5 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’

- Chủ trị: Viêm thận, viêm trứng dái, mồ hôi trộm, đau lưng, ỉa chảy, công năng tính tử cung xuất huyết, viêm đường tiết niệu, khí hư quá nhiều, phù thũng, bụng chướng, ỉa ra máu mủ, không có mồ hôi, sốt rét, điên cuồng, có tích ở trong ruột, mắt nhìn mờ mờ, hay giận, lắm lời, lưỡi khô, vị nhiệt, giun quậy ra nước dãi, chân yếu mềm đi lại không được gọn, ống chân lạnh không tự nóng, trong bụng kêu như sấm, tứ chi sưng, năm loại bệnh thủy (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), xanh thì lấy Tỉnh, đỏ lấy Vinh, vàng lấy Du, trắng lấy Kinh, đen lấy Hợp, huyết trĩ, ỉa chảy hậu trong, ngũ lam, huyết lâm, đái như tóe lửa, xương nóng rét, mồ hôi ra không dứt, răng sâu, mạch nhỏ xíu không thấy hoặc có lúc không thấy mạch.

- Tác dụng phối hợp: Với Thủy phân, Thận du, Trúc tân, Túc tam lý, Ế minh, trị gan xơ hóa, với Thái xung, Bội âm trị ỉa ra máy, với Tê trung trị thủy thũng, khí chướng mãn.

8. GIAO TÍN: 交信

Trao tin tức, trao niềm tin

- Vị trí: Ở mắt cá trong lên 2 thốn, sát cạnh trong sau xương chày. Là khích huyệt của mạch âm kiều.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 20’

- Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, băng lậu huyết, ỉa chảy, táo bón, trứng dái sưng đau, căng bọng đái, lị, đau cạnh trong chi dưới, quý sán, âm bộ ra mồ hôi, âm lòi ra, tứ chi buồn bẳn, ra mồ hôi trộm.

9. TRÚC TÂN: 築濱

Nhà khách

- Vị trí: Ở huyệt Thái khê thẳng lên 5 thốn, sau cạnh trong xương chày 2 thốn, là khích huyệt của mạch âm duy.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 – 15’

- Chủ trị: Cơ phi dương (cơ dép) co dúm, điên giản, bệnh tinh thần, viêm thận, viêm bàng quang, viêm trứng dái, viêm xoang chậu, đồi sán, trẻ em thai sáng, đau không bú được, điên tật cuồng, nói nhảm cái chửi, thè lè lưỡi, nôn mửa bọt dãi.

- Tác dụng phối hợp: Với Thận du, Phục lưu, Tam âm giao trị viêm thận, với Trung cực, Quy lai, Phi dương, Phục lưu trị viêm đường tiết niệu, với Thiếu hải trị nôn mửa bọt dãi.

10. ÂM CỐC: 陰谷

Cái hang ở mặt âm, cái hang chìm
Huyệt Hợp Thủy

- Vị trí: Khi ngồi ngay co gối vuông góc, thấy có hố lõm ở đầu nếp gấp khuỷu phía trong, lấy huyệt ở giữa hai gân. Chỗ đó là mạch túc thiếu âm nhập, là Hợp, Thủy.

- Cách châm cứu: Châm đứng 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’

- Chủ trị: Đau đầu gối, bụng dưới chướng đau, bệnh bộ máy sinh dục, bệnh bộ máy tiết niệu, lưỡi chùng ra mà xuống nước dãi, phiền nghịch, âm vật mềm teo, cạng trong đùi đau, đàn bà ra máu nhỏ giọt không dứt, nước đái vàng, con trai như cổ, con gái như chửa.

11. HOÀNH CỐT: 橫骨

Cái xương nằm ngang

- Vị trí: Dưới rốn 5 thốn là huyệt Khúc cốt, từ đó sang ngagn 0,5 thốn. Chỗ đó hội Túc thiếu âm và Nhâm mạch, Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứ 3 mồi, hơ 10 - 20’

- Chủ trị: Tiểu tiện khó, đau sán khí, đái sầm, di tinh, liệt dương, viêm niệu đạo, ngũ lâm (5 thứ lậu), âm khí nhẽo xuống dẫn đau, mắt đỏ đau bắt đầu từ khóe mắt trong, ngũ tạng hư kiệt, mất tinh.

12. ĐẠI HÁCH:大赫

Oai vệ to lớn
Có tên là Âm duy – Âm quan

- Vị trí : Ở huyệt Khúc cốt lên 1 thốn, tức là huyệt Trung cực sang ngang 0,5 thốn, là chỗ hội của Túc thiếu âm và Xung mạch. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10 – 20’

- Chủ trị : Đau hạ âm bộ, di tinh, khí hư quá nhiều, đau thần kinh hệ thống tinh dịch, hư lao mất tinh, con trai dương vật co lại, đau trong ống dương vật, mắt đỏ đau, bắt đầu từ khóe mắt trong, đàn bà ra khí hư đỏ.

13. KHÍ HUYỆT:氣穴

Huyệt về khí
Có tên là Bào môn – Tủ nộ

- Vị trí: Huyệt Hoành cốt lên 2 thốn, huyệt Quan nguyên ra 0,5 thốn, là chỗ hội của Túc thiếu âm và Xung mạch. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị: Ỉa chảy, kinh nguyệt không đều, không có chửa, viêm đường tiết niệu, bôn đồn khí lên xuống, dẫn vào trong cột sống thắt lưng đau, mắt đỏ đau bắt đầu từ khóe mắt trong.

14. TỨ MÃN:四滿

Cả 4 thứ đầy tức
Có tên là Tủy phủ

- Vị trí : Huyệt Hoành cốt lên 3 thốn, huyệt Thạch môn ra 0,5 thốn, Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị : Băng lậu huyết, đẻ xong đau bụng, ỉa chảy, kinh nguyệt không đều, khí hư, chứng không chửa, viêm đường tiết niệu, tích tụ, sán giả, giãn ruột, đại trường có nước, dưới rốn đau như cắt, rét run, khóe trong mắt đỏ đau, ác huyết đau ở háng.

15. TRUNG CHÚ: 中注

Chú ý đến bên trong

- Vị trí: Rốn xuống 1 thốn là huyệt Âm giao, từ đó sang ngang 0,5 thốn. Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, đau bụng dưới, táo bón, đau lưng, bụng dưới có nhiệt, tiết khí, khóe mắt trong đỏ đau.

16. HOANG DU:肓俞

Đáp ứng yêu cầu của khoảng trống dưới tim

- Vị trí: Giữa rốn sang 2 bên nửa thốn, Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị: Vàng da, đau dạ dày, đau sán khí, táo bón, đau bụng hành kinh, dạ dày co rút, viêm ruột, nấc, bụng đau như cắt, bụng tức anh ách mà không ỉa, dưới tim có lạnh, mắt đỏ đau bắt đầu từ khóe mắt trong.

Theo mọi nhà đều cho rằng sán khi chủ ở thận, là vì khiếu huyệt ở túc thiếu âm thận kinh thường kiêm trị sán khí. Đan khê cho rằng sán khí gốc ở đan kinh, với thận tuyệt không có can hệ gì, đây chính là chỗ bàn từ ngàn xưa.

17. THƯƠNG KHÚC: 商曲

Khúc cong buồn rầu

- Vị trí: Huyệt Hoang du lên 2 thốn, Hạ quản ra nửa thốn, Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị: Đau dạ dày, đau sán khí, viêm phúc mạc, ăn không biết ngon, đau bụng, trong bụng có tích tụ, có khi đau như cắt, đau trong ruột không muốn ăn, mắt đỏ đau từ khóe mắt trong.

18. THẠCH QUAN: 石關

Có quan hệ tới 10 dấu lương thực

- Vị trí: Huyệt Hoang du lên 3 thốn, huyệt Kiến lý sang nửa thốn, Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị: Đau dạ dày, nấc, nôn mửa, táo bón, đẻ xong đau bụng, co thắt thực quản, ọe, sặc, bụng đau, khí lâm, đi đái vàng, dưới tim rắn tức, cột sống cứng hoạt động không dễ, hay nhổ vặt, mắt đỏ đau từ khóe mắt trong, đàn bà không có con, tạng có ác huyết, huyết xông lên bụng, đau không thể chịu được.

19. ÂM ĐÔ: 陰都

Đô thành của âm (vật chất)
Có tên là Thực cung

- Vị trí : Huyệt Hoang du lên 4 thốn, huyệt Trung quản ra nửa thốn, Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị: Sôi bụng, chướng bụng, đau bụng, phế khí thũng, viêm mạc lồng ngực, sốt rét, khí ngược lên ruột kêu, dưới sườn đau nóng, mắt đỏ đau bắt đầu từ khóe mắt trong.

20. THÔNG CỐC:通谷

Cái hang thông suốt

- Vị trí: Huyệt Hoang du lên 5 thốn, huyệt Thượng quản ra nửa thốn, Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 10 – 20’

- Chủ trị: Nôn mửa, ỉa chảy, đau bụng, chướng bụng, gáy cứng, điên nhàn, tim hồi hộp, đau thần kinh liên sườn, ngáp méo miệng, bạo câm nói không được, kết tích lưu ẩm, có hạch hòn ở ngực, tức, ăn không hóa, tâm hoảng hốt, mắt đỏ đau bắt đầu từ khóe mắt trong.

21. U MÔN: 幽門

Cửa tối tăm

- Vị trí: Huyệt Hoang du lên 6 thốn, huyệt Cự khuyết ra nửa thốn, Túc thiếu âm và Xung mạch hội ở đó. Người chửa CẤM CHÂM.

- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 15 – 20’

- Chủ trị: Đau ngực, có hơi nóng, ỉa chảy, đau thần kinh liên sườn, dạ dày dãn ra, dạ dày co rút, viêm dạ dày mãn tính, bụng dưới chướng tức, nôn mửa bọt dãi, hay nhổ bọt, bứt rứt dưới tim, trong ngực dẫn đau, tức không muốn ăn, lý cấp ho nhiều, hay quên, ỉa có mủ máu, mắt đỏ đau bắt đầu từ khóe mắt trong, con gái đau tim, nghịch khí, hay mửa, ăn không xuống.

22. BỘ LANG:步廊

Hành lang dài 1 bộ là năm thước

- Vị trí: Huyệt Trung đỉnh ra 2 thốn, khe liên sườn 5 – 6

- Cách châm cứu: Châm chếch kim sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 20’, CẤM CHÂM SÂU ĐỨNG KIM, trong có nội tạng.

- Chủ trị: Đau thần kinh liên sườn, viêm mạc lồng ngực, viêm phế quản, viêm mũi, viêm dạ dày, mũi tắc không thông, thở hít ít hơi, ho ngược lên, nôn mửa, không ham ăn, thở xuyễn không giơ tay lên được.

23. THẦN PHONG: 神封

Giữ kín thần khí

- Vị trí: Huyệt Chiên trung ra 2 thốn, khe liên sườn 4 – 5

- Cách châm cứu: Châm chếch kim sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 – 20’, CẤM CHÂM SÂU ĐỨNG KIM.

- Chủ trị: Đau thần kinh liên sườn, viêm mạc lồng ngực, viêm phế quản, viêm tuyến vú, ngực tức không thở được, ho ngược lên, nôn mửa, sợ rét lai rai, không ham ăn.

24. LINH KHƯ:靈墟

Đồi thiêng

- Vị trí: Huyệt Ngọc đường ra 2 thốn, khe liên sườn 3 – 4

- Cách châm cứu: Châm chếch kim sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 – 20’, CẤM CHÂM SÂU ĐỨNG KIM.

- Chủ trị: Đau thần kinh liên sườn, ho xuyễn, nôn mửa, viêm tuyến vú, viêm phế quản, không muốn ăn

25. THẦN TÀNG: 神藏

Chỗ chứa thần khí

- Vị trí: Huyệt Tử cung ra 2 thốn, khe liên sườn 2 – 3 

- Cách châm cứu: Châm chếch kim sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 – 20’, CẤM CHÂM SÂU ĐỨNG KIM.

- Chủ trị: Ho hen, nôn mửa, đau thần kinh liên sườn, viêm phế quản, ngực tức không ham ăn.

26. HÚC TRUNG:( Hoặc Trung  ): 或中

Trong giữa cái uất ức

- Vị trí: Huyệt Hoa cái ra 2 thốn, khe liên sườn 1 – 2 

- Cách châm cứu: Châm chếch kim sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 – 20’, CẤM CHÂM SÂU ĐỨNG KIM.

- Chủ trị: Ho hen, đau ngực, nôn mửa, đau thần kinh liên sườn, viêm phế quản, dãi ra thường nhổ vặt.

27. DU PHỦ: 俞府

Chỗ chứa vật chất để đáp ứng

- Vị trí: Huyệt Toàn cơ ra 2 thốn, ở cạnh phía dưới đầu trong xương đòn có chỗ lõm

- Cách châm cứu: Châm chếch 0,5 – 1 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 – 20’

- Chủ trị: Ho hen, nôn mửa, đau ngực, viêm phế quản, bụng chướng, đằng hắng, trong ngực xuyễn lâu ngày cứu 7 mồi thì hiệu.